Bày tỏ sự yêu thương và kính trọng với tư cách làm vợ
“Vợ thì phải kính chồng” (Ê-PHÊ-SÔ 5:33).
1. Tình trạng tân thời của hôn nhân nêu ra các câu hỏi gì?
TRONG kỷ nguyên tân thời theo tinh thần độc lập và “giải phóng [phái nữ]” này, ý niệm cổ truyền về hôn nhân gần như bị chôn vùi. Hằng triệu gia đình phải sống trong tình cảnh thiếu người cha hoặc người mẹ. Việc sống chung không cần chính thức kết hôn trở thành thói quen đối với nhiều người. Nhưng điều này có tốt hơn cho sự an toàn của người đàn bà và người mẹ không? Điều này có chu toàn sự lợi ích cho con cái không? Và việc đổ vỡ của mọi giá trị có dẫn đến sự kính trọng đậm đà hơn trong khung cảnh gia đình không? Ngược lại, Lời Đức Chúa Trời khuyên gì?
2. Tại sao A-đam sống có một mình thì không tốt?
2 Khi Đức Chúa Trời tỏ ý muốn tạo ra người đàn bà đầu tiên, Ngài có nói rằng: “Loài người [người đàn ông] ở một mình thì không tốt”. Và sau khi quan sát các thú vật chung quanh đều có gia đình của chúng nó—đực, cái (trống, mái) và các thú con—hẳn A-đam cảm thấy cô đơn. Dù là người hoàn toàn và sống trong khung cảnh địa-đàng thỏa thích, A-đam thấy thiếu một người đồng loại để làm bạn. Ông được Đức Chúa Trời ban cho trí thông minh và khả năng nói chuyện, thế nhưng lúc bấy giờ không có tạo vật nào khác cùng loại để chia xẻ các sự ban cho này. Nhưng tình trạng đã sớm được thay đổi, vì Đức Chúa Trời nói: “Ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó” (Sáng-thế Ký 2:18-20).
3. a) Ê-va là cùng “loại” của A-đam như thế nào? b) Đàn ông “dính-díu” cùng vợ mình có nghĩa là gì?
3 Đức Giê-hô-va dùng một xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên người nữ Ê-va. Như vậy, Ê-va cùng “loại” với A-đam. Nàng không phải là một thú vật thấp kém hơn mà là “xương bởi xương [của A-đam], thịt bởi thịt [của A-đam] mà ra”. Phù hợp với điều này, lời được soi dẫn có chép rằng: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:23, 24). Từ ngữ Hê-bơ-rơ được dịch ra là “dính-díu” có nghĩa đen là “đeo, dính chặt, như thể có dán keo” (Sách của Genesius tựa Hebrew and Chaldee Lexicon to the Old Testament Scriptures). Điều này cho thấy rõ ý vợ chồng là bạn đời không tách ra được. Một học giả khác nói rằng “ý rộng lớn hơn là chỉ một sự kết hợp nhục dục, mà gồm một sự liên hệ trọn vẹn”. Như vậy, hôn nhân không phải điều thích thú nhất thời. Đó là cả một sự liên hệ lâu bền. Và khi vợ chồng tôn trọng lẫn nhau và giữ phẩm giá cho nhau thì sự hòa hợp dù đôi khi có gặp khó khăn cũng không thể tan vỡ được (Ma-thi-ơ 19:3-9).
4. Đàn bà là người giúp đỡ và bổ túc cho đàn ông với ý nghĩa gì?
4 Đức Chúa Trời có nói người đàn bà sẽ là người giúp đỡ và bổ túc cho người đàn ông. Bởi họ được tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, Ngài chờ đợi họ sẽ bày tỏ các đức tính của Ngài—công bình, yêu thương, khôn ngoan và quyền lực—trong sự liên hệ giữa họ với nhau. Như vậy, Ê-va là “người giúp-đỡ”, chứ không phải là người cạnh tranh. Gia đình không nên như một con tàu có hai thuyền trưởng ganh nhau, nhưng quyền cầm đầu phải thuộc về A-đam (I Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:22-24; I Ti-mô-thê 2:12, 13).
5. Nhiều người đàn ông đã cư xử thế nào với đàn bà, và điều này có làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không?
5 Tuy nhiên, cặp vợ chồng đầu tiên này đã phản lại sự dìu dắt đầy yêu thương của Đức Chúa Trời và phạm tội cùng Ngài, do đó gây ảnh hưởng tai hại cho sự sắp đặt về gia đình của họ cùng các gia đình sau đó của nhân loại. Với quyền năng biết trước hậu quả của tội lỗi họ và ảnh hưởng trên nhân loại, Đức Giê-hô-va đã phán cùng Ê-va: “Sự dục-vọng ngươi phải xu-hướng về chồng và chồng sẽ cai-trị ngươi” (Sáng-thế Ký 3:16). Rủi thay, hằng thế kỷ qua, nhiều đàn ông đã cai trị vợ cách độc đoán. Trên khắp thế giới đàn bà vẫn hằng bị đối xử nhục nhã và hèn hạ bằng nhiều cách. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong bài trước, áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh không có nghĩa đưa đến sự độc đoán của người đàn ông. Ngược lại, Kinh-thánh nhấn mạnh giá trị của sự kính trọng đối với nhau.
Kính trọng sâu xa—Một thách đố
6, 7. a) Nhiều người chồng không tin đạo có thể thay đổi như thế nào? b) Người vợ có thể tỏ ra thiếu sự cung kính thế nào đối với chồng không tin đạo?
6 Sứ đồ Phi-e-rơ kể rõ gương của Giê-su trong cách cư xử của ngài và giải thích rằng Giê-su “để lại cho [chúng ta] một gương, hầu cho [chúng ta] noi dấu chơn ngài”. Sau đó Phi-e-rơ xác định: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh sạch và cung-kính” (I Phi-e-rơ 2:21 đến 3:2). Các nữ tín đồ đấng Christ làm vợ bày tỏ “sự cung-kính” (kính trọng sâu xa) này như thế nào?
7 Có nhiều chị em tín đồ đấng Christ có chồng không tin đạo hoặc đôi khi có chồng chống đối. Trong tình cảnh như vậy, lời khuyên của Phi-e-rơ thành vô dụng chăng? Không, ngay khi “có người nào không vâng theo Đạo”, các chị em tín đồ vẫn phải tỏ sự vâng phục và cung kính (kính trọng sâu xa) như thế. Do đó, nếu người tín đồ đấng Christ làm vợ đến nhóm họp tại Phòng Nước Trời mà lại nói xấu về cách người chồng chống đối đã xử tệ với mình cho các chị em khác nghe, như thế có phải là tỏ ra có sự cung kính (kính trọng sâu xa) đối với chồng không? Nếu nói xấu một anh hoặc một chị trong hội-thánh thì gọi là gì? Là thày lay thóc mách, hoặc có thể là vu khống nữa. Như vậy, nói xấu người chồng không tin đạo là tỏ ra thiếu sự kính trọng đối với chồng (I Ti-mô-thê 3:11; 5:13). Thế nhưng, thật tình có những chị em gặp trở ngại lớn lao bởi bị chồng chống đối. Có cách nào giải quyết theo các nguyên tắc đạo đấng Christ không? Các chị đó có thể đi đến các anh trưởng lão để tìm sự khuyên bảo và giúp đỡ (Hê-bơ-rơ 13:17).
8. Một người chồng chống đối có thể có những ý nghĩ gì?
8 Các trưởng lão có thể cư xử thế nào cho khéo léo với một người chồng chống đối? Trước tiên, họ cố gắng nhìn tình thế theo quan điểm của người chồng. Có thể vì ảnh hưởng dây chuyền của ba điều—sự ngu dốt dẫn đến sự sợ hãi (lo sợ) rồi đến phản ứng hung bạo—khiến người chồng thành hung dữ bằng lời nói hoặc hành động. Và tại sao lại xảy ra như vậy? Đôi khi người chồng biết rất ít hoặc không biết gì về Nhân-chứng Giê-hô-va, ngoại trừ những điều nghe nói do các bạn đồng nghiệp đã sẵn ghét đạo này. Người biết rõ là trước khi vợ bắt đầu học hỏi Kinh-thánh thì nàng dành trọn ngày cho chồng con. Mặc dù có thể bây giờ nàng trở nên một người vợ và mẹ tốt hơn, thái độ của người chồng là: ‹‹Vợ mỗi tuần bỏ mình ba lần để đi nhóm họp. Không biết nhóm họp làm chuyện gì, nhưng có mấy người đàn ông bảnh trai ở Phòng Nước Trời, và...››. Đúng, sự không biết (ngu dốt) có thể đưa đến sự sợ hãi (lo sợ) và ghen tương. Rồi đến phản ứng chống lại. Nếu nhận ra các thái độ này, các trưởng lão có thể giúp đỡ như thế nào? (Châm-ngôn 14:30; 27:4).
9. Các trưởng lão có thể dùng cách khéo léo nào đối với một số người chồng không tin đạo, và kết quả có thể ra sao?
9 Có lẽ một trong các trưởng lão sẽ làm quen với người chồng này trên bình diện cá nhân (I Cô-rinh-tô 9:19-23). Có thể người chồng này giỏi nghề thợ điện, thợ mộc, hoặc thợ sơn. Có thể hỏi ông ấy muốn dùng nghề của mình để giúp sửa chữa cái gì tại Phòng Nước Trời không. Bằng cách này ông ấy sẽ có dịp vào trong Phòng Nước Trời mà không cảm thấy phải tham dự nhóm họp. Và khi đã quen biết với các anh em [Nhân-chứng], có thể ông sẽ thay đổi thái độ đối với vợ và thái độ đối với lẽ thật nữa. Khi nhận thấy sự yêu thương và tinh thần hòa hợp ở hội-thánh, có thể ông sẽ muốn ngay cả đưa vợ đi nhóm họp. Rồi biết đâu chừng ông sẽ muốn bước chân vào phòng họp để nghe thử. Một thời gian sau, có thể ông xin học Kinh-thánh. Mọi điều này có thể xảy ra và đôi khi đã xảy ra thật sự. Ngày nay có hằng ngàn người chồng đã tin theo đạo nhờ các anh trưởng lão tỏ sự yêu thương và khéo léo và nhờ người vợ đã tỏ sự “cung-kính” (kính trọng sâu xa) đối với chồng (Ê-phê-sô 5:33).
Trông nom nhà cửa
10, 11. Vua Lê-mu-ên đã diễn tả những khía cạnh khác nhau nào của một người vợ tài đức? (Hãy kể từng khía cạnh một).
10 Vua Lê-mu-ên được mẹ cho lời khuyên tốt về đức tính của người vợ lý tưởng (Châm-ngôn 31:1). Sự diễn tả nơi Châm-ngôn 31:10-31 về một người vợ và mẹ siêng năng, cần mẫn đáng cho chúng ta đọc thật kỹ. Bà mẹ của vua này hẳn có kinh nghiệm trong việc áp dụng các nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời và đã tỏ sự kính trọng sâu xa đối với chồng.
11 Vua Lê-mu-ên viết rằng “người nữ tài-đức” đáng được tin cậy, tín nhiệm và có lòng trung thành (Câu 10-12). Nàng làm việc cực nhọc để chăm lo cơm nước đầy đủ cho chồng con (Câu 13-19, 21, 24). Nàng nhân từ và hay giúp đỡ những người khốn khó (Câu 20). Bằng cách cung kính và hiền hậu nàng giúp cho chồng có thêm tiếng tốt (Câu 23). Nàng không thày lay thóc mách và không chỉ trích quá đáng. Ngược lại, nàng dùng miệng lưỡi để khuyến khích và nói tốt (Câu 26). Vì không biếng nhác, nàng có nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp (Câu 27). (Thật vậy, nhà cửa gia đình tín đồ đấng Christ phải là một trong những nhà sạch nhất trong khu xóm). Chồng con tỏ sự biết ơn và ca ngợi nàng (Câu 28, 29, 31). Vẻ đẹp nàng không chỉ bề ngoài; đó là vẻ đẹp của người nữ kính sợ Đức Chúa Trời, với một nhân cách tin kính (Câu 30).
Tâm thần dịu dàng trầm lặng
12. Điều gì là “giá quí trước mắt Đức Chúa Trời” và một câu ca dao của người Tây Ban Nha đã nêu lên điểm này như thế nào?
12 Điều nêu chót này được Phi-e-rơ lặp lại khi khuyên người nữ tín đồ chớ quá quan tâm về cách chưng diện bề ngoài. Ông nhắc nhở: “Hãy tìm-kiếm sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh-sạch chẳng hư-nát của tâm-thần dịu-dàng im-lặng, ấy là giá quí trước mắt Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:3, 4). Xin lưu ý điểm “tâm-thần dịu-dàng im-lặng là giá quí trước mắt Đức Chúa Trời”. Thế thì người tín đồ đấng Christ làm vợ và mẹ có được tâm thần tốt như vậy không những làm đẹp lòng người chồng mà lại còn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nữa, đó mới quan trọng hơn, giống như những đàn bà trung thành thời xưa. Vẻ đẹp bề trong được ca ngợi trong ca dao của người Tây Ban Nha như sau: “Đàn bà đẹp thỏa mắt; đàn bà tốt thỏa lòng. Nếu người đẹp là châu ngọc thì người tốt là kho tàng”.
13. Một người vợ có thể làm gương tốt thế nào cho các con cái?
13 Người nữ tín đồ đấng Christ làm vợ có thể mang sự phấn khởi cho cả gia đình. (So sánh Ma-thi-ơ 11:28-30). Khi con cái nhận xét thấy mẹ có sự kính trọng đối với cha, chúng sẽ phản ảnh sự kính trọng đó đối với cha mẹ và người bên ngoài gia đình nữa. Nhờ sự dạy dỗ đó, các con trẻ tín đồ đấng Christ sẽ trở nên ân cần và tử tế. Và thật phấn khởi biết bao khi thấy các con trẻ tình nguyện làm công việc nhà thay vì chờ bị thúc đẩy mới làm! Thái độ hợp tác này góp phần mang lại hạnh phúc trong gia đình và con trẻ chỉ cần nhìn thấy mẹ chúng cười tán thưởng là đủ bõ công.
14. Việc cần sửa trị con cái có thể đưa đến sự khó khăn nào?
14 Nhưng có những lúc cần răn dạy thì sao? Như các cha mẹ, con cái cũng có thể phạm lỗi. Đôi khi chúng không vâng lời. Nếu người cha không có mặt ở nhà thì người mẹ tín đồ sẽ phản ứng thế nào? Nàng có tiếp tục tôn trọng phẩm giá của con cái không? Hoặc giả nàng sẽ la lối và dài dòng dọa nạt con cái để bắt chúng vâng lời chăng? Xét cho cùng, nói lớn tiếng có giúp con trẻ học được gì không? Hay ngược lại, phải chăng một lời giải thích nhỏ nhẹ có kết quả tốt hơn? (Ê-phê-sô 4:31, 32).
15. Các nhà khảo cứu đã thấy gì về sự vâng phục của con trẻ?
15 Bàn luận về sự vâng phục của con trẻ, báo ‹‹Tâm lý học ngày nay›› (Psychology Today) ghi nhận: “Theo một cuộc nghiên cứu gần đây thì hễ bạn càng lớn tiếng cấm con bạn làm gì là dễ xui khiến chúng muốn làm chính điều cấm đó”. Ngược lại, các nhà khảo cứu đã nhận thấy khi người lớn nói nhỏ nhẹ, trẻ con thường lại vâng lời không chút do dự. Chắc chắn đặc biệt quan trọng là nên lý luận với con cái hơn là chọc chúng giận dữ bằng những lời ra lệnh độc đoán liên miên (Ê-phê-sô 6:4; I Phi-e-rơ 4:8).
Sự kính trọng trong liên lạc thể chất
16. Người vợ tỏ chú ý thế nào đến nhu cầu tình cảm của chồng, và điều này sẽ giúp thế nào cho chồng?
16 Cũng như người chồng phải lưu ý rằng vợ mình là thể yếu đuối hơn, thì người vợ phải nhận biết chồng mình có những nhu cầu tình cảm và thể xác. Kinh-thánh cho thấy vợ chồng phải vui thích với nhau và làm thỏa lòng nhau. Điều này đòi hỏi vợ chồng phải chú ý đến nhu cầu và tâm tánh của người hôn phối. Làm thỏa lòng nhau sẽ giúp cho người hôn phối không bị người khác làm cho mắt mình thèm thuồng rồi đưa đến việc làm cho xác thịt thèm thuồng luôn (Châm-ngôn 5:15-20).
17. Vợ chồng nên xem việc làm bổn phận chăn gối như thế nào?
17 Chắc chắn khi có sự kính trọng lẫn nhau thì cả chồng lẫn vợ không muốn lợi dụng nhu cầu nhục dục của người kia làm một khí giới về tâm lý cho mình. Mỗi người phải làm bổn phận chăn gối đối với người hôn phối, và khi cần tạm thời kiêng cử thì nên có sự ưng thuận của cả hai bên (I Cô-rinh-tô 7:1-5). Ví dụ, khi người chồng tạm thời đi xa giúp xây cất tại cơ sở chi nhánh của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) hoặc một công trình xây cất nào khác cho tổ chức thần quyền. Trong trường hợp như vậy, người chồng nên chắc chắn có sự vui lòng ưng thuận của vợ. Chuyến đi xa này cũng có thể đem lại nhiều ân phước thiêng liêng cho gia đình, bởi lẽ khi trở về người chồng có thể kể lại những kinh nghiệm khích lệ cho gia đình nghe.
Vai trò quan trọng của các chị em tín đồ
18. Tại sao vợ của trưởng lão có trách nhiệm lớn hơn các chị em khác?
18 Khi người nữ tín đồ có chồng làm trưởng lão thì nàng có trách nhiệm lớn hơn. Trước tiên, người chồng bận rộn nhiều việc. Chàng phải khai trình với Đức Giê-hô-va về tình trạng sức khỏe thiêng liêng của hội-thánh (Hê-bơ-rơ 13:17). Nhưng với tư cách là vợ một trưởng lão và có thể là một chị đã có tuổi rồi thì người nữ tín đồ này cũng phải nêu gương tốt về sự kính trọng đối với chồng. (So sánh I Ti-mô-thê 5:9, 10; Tít 2:3-5). Và thật có nhiều chị em vợ trưởng lão làm gương tốt trong việc giúp chồng. Lắm khi người chồng phải đi vắng dự hội họp lo các vấn đề của hội-thánh, có thể người vợ cũng tò mò muốn biết. Tuy nhiên, sự trung thành làm cho chị không muốn xen vào các vấn đề của hội-thánh như kẻ thày lay việc người khác (I Phi-e-rơ 4:15).
19. Nguyên tắc “phải khéo cai-trị nhà riêng mình” có nghĩa gì cho một trưởng lão?
19 Tuy nhiên, một trưởng lão có thể phải khuyên dạy vợ nếu nàng có thái độ không xây dựng hoặc không làm gương tốt cho các chị em khác. Nguyên tắc “phải khéo cai-trị nhà riêng mình” áp dụng không chỉ riêng đối với con cái mà cũng đối với người vợ nữa. Việc áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh này có thể là một thử thách cho tính nhu mì của vài người làm vợ (I Ti-mô-thê 3:4, 5, 11; Hê-bơ-rơ 12:11).
20. Hãy kể vài gương tốt của các chị có chồng hoặc độc thân trong thời xưa và nay. (Xem ‹‹Các chuyện đời của Nhân-chứng Giê-hô-va” trong cuốn Bảng đối chiếu các sách báo của Hội Tháp Canh năm 1930-1985 [Watch Tower Publications Index 1930-1985]).
20 Các chị em tín đồ độc thân cũng có thể suy nghĩ về gương tin kính của những người vợ trong hội-thánh. Trong Kinh-thánh và ngay tại các hội-thánh ngày nay có rất nhiều gương thật tốt của các chị em! Đô-ca, có lẽ là một chị độc thân, được ngợi khen vì làm nhiều “việc lành” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-42). Bê-rít-sin và Phê-bê hăng hái về lẽ thật (Rô-ma 16:1-4). Ngày nay cũng vậy, nhiều chị em, có chồng hoặc còn độc thân, làm giỏi trong công việc làm giáo sĩ, người khai thác và tuyên bố. Đồng thời, các chị em trung thành đó giữ nhà cửa sạch sẽ, tươm tất và chăm sóc tốt cho gia đình. Nhờ có số đông và hoàn cảnh tốt, các chị em thường làm nhiều hơn ai khác trong công việc rao giảng (Thi-thiên 68:11).
21. Các chị em tín đồ trung thành có thể khuyến khích các anh em tín đồ như thế nào?
21 Các chị em trung thành trong hội-thánh có một vai trò quan trọng và xây dựng. Sự hăng hái và gương tốt của họ khiến các anh và toàn thể hội-thánh được khích lệ. Các chị em này quả là phần bổ túc, phần giúp đỡ tốt. (So sánh Sáng-thế Ký 2:18). Họ đáng được chúng ta yêu thương và kính trọng thay! Và đối với các tín đồ đấng Christ làm chồng, lời khuyên này của Phao-lô thật là đúng: “Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33).
Bạn còn nhớ không?
◻ Lúc ban đầu Đức Chúa Trời đã giao phó các vai trò gì cho người đàn ông và người đàn bà hoàn toàn?
◻ Những người chồng không tin đạo có thể nhận biết lẽ thật qua cách nào?
◻ Một người vợ tài đức có những đức tính đặc biệt nào?
◻ Một người tín đồ làm vợ có thể bày tỏ “tâm-thần dịu-dàng im-lặng” như thế nào?
◻ Cần có sự thăng bằng gì trong sự liên lạc thể chất giữa vợ chồng?
[Hình nơi trang 14]
Gia đình không nên giống một con tàu có hai thuyền trưởng ganh nhau
[Hình nơi trang 16]
Một người chồng không tin đạo có thể đâm ra ghen tương, và ngay cả nghi kỵ nữa khi thấy vợ đi nhóm họp và dự vào các hoạt động khác của đạo đấng Christ. Có cách nào giúp ông được chăng?