Hãy tôn trọng hôn nhân
“Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ”.—MÁC 10:9.
BÀI HÁT: 131, 132
1, 2. Hê-bơ-rơ 13:4 thúc đẩy chúng ta làm gì?
Anh chị có thích tôn vinh Đức Giê-hô-va không? Chắc chắn có. Ngài xứng đáng nhận sự tôn kính của anh chị và ngài hứa sẽ đáp lại bằng cách tôn cao anh chị (1 Sa 2:30; Châm 3:9; Khải 4:11). Đức Giê-hô-va cũng muốn anh chị tôn trọng người khác, chẳng hạn như các bậc cầm quyền (Rô 12:10; 13:7). Nhưng có một lĩnh vực mà anh chị đặc biệt cần thể hiện sự tôn trọng, đó là hôn nhân.
2 Sứ đồ Phao-lô viết: “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân, đừng để mối quan hệ hôn nhân bị ô uế” (Hê 13:4). Đây không phải là lời nhận xét nhưng là lời chỉ dẫn. Thật vậy, Phao-lô khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô tôn trọng hôn nhân, xem đó là điều quý giá. Anh chị có quan điểm như thế về hôn nhân không? Nếu đã kết hôn, anh chị có tôn trọng hôn nhân của mình không?
3. Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên quan trọng nào về hôn nhân? (Xem hình nơi đầu bài).
3 Nếu tôn trọng hôn nhân thì anh chị đang noi theo gương tốt của Chúa Giê-su. Ngài rất tôn trọng hôn nhân. Khi người Pha-ri-si hỏi Chúa Giê-su về việc ly dị, ngài nhắc đến lời phán của Đức Chúa Trời về cuộc hôn nhân đầu tiên: “Bởi vậy, người nam sẽ rời cha mẹ, và hai người sẽ trở nên một”. Chúa Giê-su nói thêm: “Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ”.—Đọc Mác 10:2-12; Sáng 2:24.
4. Đức Giê-hô-va đặt ra tiêu chuẩn nào cho hôn nhân?
4 Qua đó, Chúa Giê-su khẳng định Đức Chúa Trời là đấng thiết lập hôn nhân và nhấn mạnh rằng hôn nhân cần phải lâu bền. Đức Chúa Trời không nói với A-đam và Ê-va rằng họ có thể chấm dứt hôn nhân bằng cách ly dị. Tiêu chuẩn được lập cho cuộc hôn nhân trong vườn Ê-đen là một vợ một chồng, và “hai người” sẽ gắn bó với nhau lâu dài.
NHỮNG THAY ĐỔI TẠM THỜI
5. Sự chết ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân?
5 Tuy nhiên, như anh chị biết, tội lỗi của A-đam dẫn đến những thay đổi, trong đó có sự chết. Sự chết ảnh hưởng đến hôn nhân. Chúng ta thấy điều này qua những gì sứ đồ Phao-lô viết khi giải thích rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô không ở dưới Luật pháp Môi-se. Ông cho biết cái chết chấm dứt hôn nhân và người hôn phối còn sống có thể tái hôn.—Rô 7:1-3.
6. Luật pháp Môi-se phản ánh quan điểm của Đức Chúa Trời về hôn nhân như thế nào?
6 Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên có các quy định về hôn nhân. Luật này cho phép tục đa thê, một thực hành đã tồn tại trước khi Đức Chúa Trời ban Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, tục này đã được kiểm soát để tránh bị lạm dụng. Chẳng hạn, nếu một người Y-sơ-ra-ên kết hôn với một nô lệ và sau đó cưới thêm vợ khác thì anh không được giảm bớt thức ăn, quần áo và bổn phận vợ chồng đối với người vợ trước. Đức Chúa Trời đòi hỏi anh bảo vệ và chăm lo cho người vợ ấy (Xuất 21:9, 10). Dù không ở dưới Luật pháp nhưng qua Luật pháp, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va quý trọng hôn nhân. Chẳng phải điều này khiến anh chị tôn trọng hôn nhân sao?
7, 8. (a) Theo Phục truyền luật lệ 24:1, Luật pháp nói gì về việc ly dị? (b) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về việc ly dị?
7 Luật pháp Môi-se nói gì về việc ly dị? Dù Đức Giê-hô-va không bao giờ có ý định để cho một cặp vợ chồng ly dị nhau nhưng trong Luật pháp, ngài cho phép người chồng Y-sơ-ra-ên ly dị vợ nếu “phát hiện một điều không xứng đáng nơi cô”. (Đọc Phục truyền luật lệ 24:1). Luật pháp không nói rõ thế nào là “không xứng đáng” nhưng hẳn đó phải là điều đáng xấu hổ hoặc nghiêm trọng, không chỉ là lỗi nhỏ nhặt (Phục 23:14). Đáng buồn là đến thời Chúa Giê-su, nhiều người Do Thái ly dị “vì bất cứ lý do nào” (Mat 19:3). Chắc chắn chúng ta không muốn có thái độ đó.
8 Nhà tiên tri Ma-la-chi cho biết quan điểm của Đức Chúa Trời về việc ly dị. Vào thời Ma-la-chi, nhiều người đàn ông tệ bạc đã ly dị “vợ cưới thời xuân xanh”, có lẽ để cưới phụ nữ ngoại giáo trẻ hơn. Ma-la-chi cho biết quan điểm của Đức Chúa Trời: “Ta ghét việc ly dị” (Mal 2:14-16). Điều này phù hợp với lời Kinh Thánh nói về cuộc hôn nhân đầu tiên: “Người nam sẽ... gắn bó với vợ mình, hai người sẽ trở nên một” (Sáng 2:24). Chúa Giê-su ủng hộ quan điểm của Cha về hôn nhân khi nói: “Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ”.—Mat 19:6.
CƠ SỞ DUY NHẤT ĐỂ LY DỊ
9. Chúng ta có thể hiểu lời của Chúa Giê-su nơi Mác 10:11, 12 như thế nào?
9 Một số người có thể hỏi: “Có cơ sở nào để tín đồ đạo Đấng Ki-tô ly dị và tái hôn không?”. Hãy lưu ý Chúa Giê-su nói: “Hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình và có lỗi với vợ, còn người nữ nào ly dị chồng và lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mác 10:11, 12; Lu 16:18). Rõ ràng, Chúa Giê-su tôn trọng hôn nhân và muốn người khác cũng làm vậy. Nếu một người đàn ông viện cớ để ly dị người vợ chung thủy và kết hôn với phụ nữ khác thì anh ta đang phạm tội ngoại tình. Đối với trường hợp một phụ nữ ly dị người chồng chung thủy thì cũng vậy. Tại sao? Vì cuộc hôn nhân không chấm dứt chỉ do ly dị. Trước mắt Đức Chúa Trời, hai người ấy vẫn là một. Hơn nữa, Chúa Giê-su nói rằng khi ly dị người vợ vô tội, một người sẽ khiến vợ rơi vào hoàn cảnh có thể phạm tội ngoại tình. Vì sao có thể nói thế? Vào thời đó, một người phụ nữ bị chồng ly dị có thể muốn tái hôn để nhận sự chu cấp về tài chính. Tái hôn như thế là ngoại tình.
10. Một tín đồ có thể ly dị và được tự do tái hôn vì lý do nào?
10 Chúa Giê-su cho biết lý do duy nhất một người có thể ly dị: “Tôi cho các ông biết rằng ngoại trừ trường hợp vợ gian dâm, [từ Hy Lạp: por·neiʹa] hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình” (Mat 19:9). Ngài cũng cho biết điều tương tự trong Bài giảng trên núi (Mat 5:31, 32). Cả hai lần, Chúa Giê-su đều nói đến cụm từ “gian dâm”. Cụm từ này nói đến các tội về tình dục vô luân như ngoại tình, mại dâm, quan hệ giữa những người không phải là vợ chồng, đồng tính luyến ái và quan hệ với thú vật. Chẳng hạn, nếu một người chồng phạm tội gian dâm thì vợ anh có thể quyết định ly dị hay không. Nếu chị ly dị thì hôn nhân của họ sẽ chấm dứt trước mắt Đức Chúa Trời.
11. Tại sao một tín đồ có thể quyết định không ly dị dù có cơ sở dựa trên Kinh Thánh?
11 Điều đáng chú ý là Chúa Giê-su không nói rằng nếu một người phạm tội gian dâm (por·neiʹa) thì người hôn phối vô tội phải ly dị. Chẳng hạn, một người vợ có thể chọn tiếp tục chung sống với chồng dù anh ta phạm tội gian dâm. Có thể chị vẫn yêu chồng, sẵn lòng tha thứ và muốn cùng anh cải thiện hôn nhân. Thực tế, nếu ly dị và không tái hôn thì chị có thể đối mặt với những thử thách như về nhu cầu vật chất và quan hệ chăn gối. Hơn nữa, chị sẽ cảm thấy cô đơn không? Ly dị sẽ ảnh hưởng thế nào đến con cái? Ly dị có thể khiến việc nuôi dạy con cái trong chân lý khó khăn hơn không? (1 Cô 7:14). Rõ ràng, nếu chọn ly dị, người hôn phối vô tội sẽ đối mặt với những vấn đề rất khó khăn.
12, 13. (a) Chuyện gì xảy ra trong cuộc hôn nhân của Ô-sê? (b) Tại sao Ô-sê chấp nhận sự trở lại của Gô-me, và hành động đó dạy chúng ta điều gì về hôn nhân?
12 Kinh nghiệm của nhà tiên tri Ô-sê giúp chúng ta hiểu rõ hơn quan điểm của Đức Chúa Trời về hôn nhân. Ngài bảo Ô-sê cưới một người vợ (Gô-me), là người sẽ “đàng điếm và sinh ra những đứa con của sự đàng điếm”. Gô-me “thụ thai và sinh cho [Ô-sê] một con trai” (Ô-sê 1:2, 3). Sau đó, cô có thêm một con gái và một con trai, rất có thể cả hai đứa con này đều được sinh ra do ngoại tình. Dù Gô-me nhiều lần ngoại tình nhưng Ô-sê vẫn chung sống với cô. Sau này, cô rời bỏ Ô-sê và trở thành nô lệ. Nhưng ông đã chuộc cô về (Ô-sê 3:1, 2). Đức Giê-hô-va dùng Ô-sê để minh họa việc ngài nhiều lần tha thứ cho hành vi ngoại tình theo nghĩa bóng của dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta học được gì từ cuộc hôn nhân của Ô-sê?
13 Nếu người hôn phối phạm tội gian dâm, một tín đồ sẽ phải đứng trước một quyết định. Chúa Giê-su nói rằng người ấy có cơ sở để ly dị và được tự do tái hôn. Nhưng người ấy cũng có thể chọn tha thứ và điều này không có gì sai. Ô-sê chấp nhận sự trở lại của Gô-me. Sau khi Gô-me quay về, cô không được quan hệ với người đàn ông khác. Ô-sê đã “không quan hệ” với cô trong một thời gian (Ô-sê 3:3). Nhưng sau này, chắc hẳn Ô-sê quan hệ chăn gối trở lại với vợ. Điều này minh họa cho việc Đức Giê-hô-va sẵn lòng chấp nhận dân Y-sơ-ra-ên trở lại với ngài và ngài tiếp tục mối quan hệ với họ (Ô-sê 1:11; 3:3-5). Hành động này dạy chúng ta điều gì về hôn nhân? Nếu người hôn phối vô tội quyết định duy trì cuộc hôn nhân thì việc có quan hệ chăn gối trở lại cho thấy người ấy đã tha thứ cho người kia (1 Cô 7:3, 5). Lúc đó, sẽ không còn cơ sở để ly dị, và cặp vợ chồng ấy nên hợp tác với nhau để có quan điểm như Đức Chúa Trời về hôn nhân.
TÔN TRỌNG HÔN NHÂN NGAY CẢ KHI GẶP VẤN ĐỀ
14. Theo 1 Cô-rinh-tô 7:10, 11, điều gì có thể xảy ra trong hôn nhân?
14 Tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên nỗ lực tôn trọng hôn nhân giống như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Tuy nhiên, vì bất toàn nên một số người không làm vậy (Rô 7:18-23). Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất gặp vấn đề trong hôn nhân. Phao-lô nói rằng “vợ không nên ly thân với chồng”, nhưng đôi khi điều đó vẫn xảy ra.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:10, 11.
15, 16. (a) Khi hôn nhân gặp vấn đề thì mục tiêu là gì, và tại sao? (b) Nguyên tắc đó áp dụng ra sao nếu có người hôn phối không cùng đức tin?
15 Phao-lô không cho biết điều gì đã dẫn đến việc ly thân. Nhưng hẳn vấn đề không phải là do người chồng phạm tội gian dâm, vì nếu thế thì người vợ sẽ có cơ sở để ly dị và tái hôn. Phao-lô cho biết một người vợ ly thân với chồng nên “ở vậy hoặc hòa lại với chồng”. Điều này cho thấy hai người vẫn là một trước mắt Đức Chúa Trời. Phao-lô đưa ra lời khuyên là dù gặp bất cứ vấn đề nào trong hôn nhân mà không liên quan đến tội gian dâm, thì mục tiêu vẫn là làm hòa. Hai người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trưởng lão. Dù không đứng về phía nào nhưng các trưởng lão có thể cho lời khuyên dựa trên Kinh Thánh.
16 Hẳn vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu chỉ có một người tin đạo và cố gắng sống theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Khi hôn nhân gặp vấn đề thì có được phép ly thân không? Như đã đề cập, Kinh Thánh nói rằng cơ sở duy nhất để ly dị là tội gian dâm nhưng không cho biết cơ sở để ly thân. Phao-lô viết: “Nếu người nữ có chồng không tin đạo mà chồng vẫn bằng lòng ở với mình thì chị đừng bỏ chồng” (1 Cô 7:12, 13). Điều này cũng áp dụng cho thời nay.
17, 18. Tại sao một số tín đồ vẫn chung sống với người hôn phối dù gặp vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân?
17 Phải thừa nhận rằng một số người chồng “không tin đạo” có những hành động chứng tỏ anh không “bằng lòng ở với [vợ]”. Anh ta có thể đối xử vô cùng thô bạo, thậm chí khiến vợ cảm thấy sức khỏe hay mạng sống bị đe dọa. Có thể anh ta không chịu chu cấp cho vợ con hoặc khiến vợ không thể phụng sự Đức Chúa Trời. Trong những trường hợp như thế, dù người chồng nói gì đi nữa thì một số chị vẫn kết luận rằng chồng không “bằng lòng ở” với mình nên cần phải ly thân. Có những tín đồ cũng ở trong hoàn cảnh tương tự nhưng quyết định không ly thân. Họ chịu đựng và cố gắng cải thiện tình hình. Tại sao?
18 Nếu ly thân, hai người vẫn là vợ chồng và mỗi người sẽ đối mặt với những thử thách như đã đề cập ở trên. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lý do khác để hai người tiếp tục chung sống. Ông viết: “Người chồng không tin đạo được nên thanh sạch nhờ mối quan hệ với vợ, và người vợ không tin đạo được nên thanh sạch nhờ mối quan hệ với chồng; nếu không thì con cái của anh chị sẽ không thanh sạch, nhưng hiện nay chúng đều nên thánh” (1 Cô 7:14). Dù rất khó khăn nhưng việc tiếp tục chung sống với người hôn phối có thể là đáng công. Nhiều tín đồ trung thành có thể chứng thực điều đó vì sau này bạn đời của họ trở thành người thờ phượng Đức Chúa Trời.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:16; 1 Phi 3:1, 2.
19. Tại sao có rất nhiều cuộc hôn nhân thành công trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô?
19 Chúa Giê-su đã cho lời khuyên về việc ly dị và sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên về việc ly thân. Cả Chúa Giê-su và Phao-lô đều muốn tôi tớ Đức Chúa Trời tôn trọng hôn nhân. Ngày nay, trong vòng hội thánh đạo Đấng Ki-tô trên khắp thế giới, có rất nhiều cuộc hôn nhân thành công. Hẳn anh chị biết một số cặp vợ chồng hạnh phúc trong hội thánh của mình. Trong những cuộc hôn nhân ấy, các anh trung thành thì yêu quý vợ, còn những người vợ yêu thương thì kính trọng chồng. Trường hợp của họ cho thấy việc tôn trọng hôn nhân là điều có thể làm được. Chúng ta vui mừng khi thấy hàng triệu người là bằng chứng sống chứng tỏ những lời sau đây của Đức Chúa Trời là chân thật: “Bởi vậy, người nam sẽ rời cha mẹ và gắn bó với vợ mình, hai người sẽ trở nên một”.—Ê-phê 5:31, 33.