Xây dựng thành công hôn nhân của tín đồ đạo Đấng Ki-tô
“Mỗi người hãy yêu vợ như yêu chính mình; còn vợ thì phải kính trọng chồng sâu xa”.—Ê-PHÊ 5:33.
1. Dù hôn nhân thường bắt đầu với niềm vui, những người kết hôn sẽ trải qua điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).
Khi cô dâu yêu kiều xuất hiện trước mắt chú rể khôi ngô trong ngày cưới, khó có từ ngữ nào diễn tả được niềm vui của họ. Trong quá trình tìm hiểu, tình yêu của họ đã trở nên sâu đậm và giờ đây, họ sẵn sàng hứa nguyện chung thủy với nhau trong hôn nhân. Dĩ nhiên, cần có những sự điều chỉnh khi hai cuộc sống hòa quyện vào nhau và một gia đình mới được thiết lập. Nhưng Lời Đức Chúa Trời cung cấp lời khuyên khôn ngoan cho tất cả những ai quyết định kết hôn, vì đấng sáng lập hôn nhân đầy yêu thương muốn mỗi cặp vợ chồng đều có một đời sống gia đình thành công và hạnh phúc (Châm 18:22). Dù vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ những người chồng và người vợ bất toàn “sẽ gặp khốn khổ về xác thịt” (1 Cô 7:28). Bằng cách nào sự khốn khổ này có thể được giảm thiểu tối đa, và điều gì sẽ giúp hôn nhân của một tín đồ thành công?
2. Người vợ và người chồng nên biểu lộ những loại tình yêu thương nào?
2 Kinh Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu thương. Lòng yêu mến dịu dàng (tiếng Hy Lạp là phi·liʹa) là điều cần thiết trong hôn nhân. Tình yêu lãng mạn (eʹros) mang lại sự vui thích, và tình cảm gia đình (stor·geʹ) rất quan trọng khi một cặp vợ chồng có con. Tuy nhiên, điều đảm bảo cho hôn nhân thành công là tình yêu thương dựa trên nguyên tắc (a·gaʹpe). Nói về tình yêu thương này, sứ đồ Phao-lô viết: “Mỗi người hãy yêu vợ như yêu chính mình; còn vợ thì phải kính trọng chồng sâu xa”.—Ê-phê 5:33.
XEM XÉT CHI TIẾT HƠN VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHỒNG VÀ NGƯỜI VỢ
3. Trong hôn nhân, tình yêu thương cần mạnh mẽ đến mức nào?
3 Phao-lô viết: “Hỡi người làm chồng, hãy luôn yêu vợ mình, như Đấng Ki-tô yêu thương và hy sinh thân mình vì hội thánh” (Ê-phê 5:25). Việc noi gương Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đồ của ngài phải yêu thương nhau như ngài đã yêu thương họ. (Đọc Giăng 13:34, 35; 15:12, 13). Do đó, tình yêu thương mà các tín đồ thể hiện trong hôn nhân cần mạnh mẽ đến mức nếu cần thiết, họ sẽ sẵn sàng chết cho người bạn đời. Khi gặp bất đồng nghiêm trọng trong hôn nhân, có lẽ một người sẽ cảm thấy khó vâng theo điều răn này. Dù vậy, người có tình yêu thương a·gaʹpe thì “dung thứ mọi điều, tin mọi điều, hy vọng mọi điều, chịu đựng mọi điều”. Đúng thế, “tình yêu thương tồn tại mãi” (1 Cô 13:7, 8). Khi ghi nhớ lời hứa nguyện là yêu thương lẫn nhau và chung thủy với nhau, những cặp vợ chồng kính sợ Đức Chúa Trời sẽ được thôi thúc để cùng nhau giải quyết bất cứ vấn đề nào có thể nảy sinh, phù hợp với các nguyên tắc cao quý của Đức Giê-hô-va.
4, 5. (a) Là người làm đầu gia đình, người chồng có trách nhiệm nào? (b) Người vợ nên có quan điểm nào về quyền làm đầu? (c) Một cặp vợ chồng đã phải thích nghi với một số điều nào sau khi kết hôn?
4 Phao-lô tập trung vào các trách nhiệm của người chồng và người vợ khi ông viết: “Vợ hãy vâng phục chồng như vâng phục Chúa; vì chồng là đầu vợ, như Đấng Ki-tô là đầu hội thánh” (Ê-phê 5:22, 23). Sắp đặt này không làm người vợ thấp kém hơn chồng. Thật ra, sắp đặt ấy giúp người vợ chu toàn vai trò của mình theo ý Đức Chúa Trời khi ngài nói: “Loài người [A-đam] ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó” (Sáng 2:18). Giống như cách mà “đầu hội thánh” là Đấng Ki-tô thể hiện tình yêu thương, người chồng theo đạo Đấng Ki-tô cần thực thi quyền làm đầu một cách yêu thương. Khi anh làm thế, vợ của anh sẽ cảm thấy an tâm và thỏa nguyện trong việc kính trọng, hỗ trợ và vâng phục anh.
5 Chị Cathy[1] thừa nhận rằng hôn nhân đòi hỏi vợ chồng phải thích nghi với một số điều. Chị nói: “Lúc còn độc thân, tôi độc lập và tự lo cho bản thân. Nhưng sau khi kết hôn, tôi cần tập nương cậy nơi chồng mình. Điều này không phải lúc nào cũng dễ nhưng vợ chồng tôi đã gần gũi với nhau hơn rất nhiều nhờ hành động phù hợp với đường lối của Đức Giê-hô-va”. Chồng của chị là anh Fred nói: “Việc đưa ra quyết định chưa bao giờ là dễ với tôi. Trong hôn nhân, điều này càng khó hơn khi phải nghĩ đến cả hai người. Nhưng nhờ tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, và thật sự lắng nghe ý kiến của vợ, việc đưa ra quyết định đã ngày một dễ dàng hơn. Tôi cảm thấy rằng chúng tôi thật sự là một đội!”.
6. Là “mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”, tình yêu thương giúp ích ra sao khi có những vấn đề trong hôn nhân?
6 Một cuộc hôn nhân bền vững là hôn nhân giữa hai người biết thông cảm cho những đặc điểm bất toàn của nhau. Họ “tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau”. Đúng là cả vợ và chồng sẽ mắc lỗi. Tuy nhiên, khi điều đó xảy ra, họ có cơ hội để học từ những lỗi ấy, có cơ hội tha thứ và để tình yêu thương phát huy đầy đủ vai trò là “mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn” (Cô 3:13, 14). Hơn nữa, “người có tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế... không ghi nhớ điều gây tổn thương” (1 Cô 13:4, 5). Những sự hiểu lầm cần được làm sáng tỏ càng sớm càng tốt. Một cặp vợ chồng tin kính nên cố gắng giải quyết bất cứ vấn đề nào giữa họ mà không để kéo dài sang ngày hôm sau (Ê-phê 4:26, 27). Cần có sự khiêm nhường và can đảm để chân thành nói “anh xin lỗi vì đã làm em tổn thương” hoặc “em xin lỗi vì đã làm anh tổn thương”, nhưng điều này rất hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề và giúp cho vợ chồng xích lại gần nhau hơn.
SỰ DỊU DÀNG LÀ ĐIỀU ĐẶC BIỆT CẦN THIẾT
7, 8. (a) Kinh Thánh đưa ra lời khuyên nào về việc quan hệ chăn gối trong hôn nhân? (b) Tại sao người vợ và người chồng cần thể hiện sự dịu dàng?
7 Kinh Thánh đưa ra lời khuyên khôn ngoan có thể giúp các cặp vợ chồng có quan điểm thăng bằng về bổn phận trong hôn nhân. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:3-5). Việc quan tâm một cách yêu thương đến những cảm xúc và nhu cầu của người bạn đời là điều rất quan trọng. Nếu một người vợ không được cư xử dịu dàng, có thể chị sẽ cảm thấy khó vui thích trong khía cạnh này của hôn nhân. Kinh Thánh khuyên những người chồng cư xử với vợ “theo sự hiểu biết” (1 Phi 3:7). Việc quan hệ chăn gối không nên là điều ép buộc hoặc bị đòi hỏi nhưng nên đến một cách tự nhiên. Nam giới thường có cảm hứng sớm hơn so với phụ nữ, nhưng thời điểm quan hệ chăn gối nên phù hợp với cảm xúc của cả hai.
8 Dù Kinh Thánh không cung cấp các điều luật cụ thể về những cách thể hiện tình cảm liên quan đến sự gần gũi tự nhiên về tình dục giữa vợ và chồng, cũng như những giới hạn của điều đó, nhưng Kinh Thánh đề cập đến việc thể hiện sự âu yếm (Nhã 1:2; 2:6). Các cặp vợ chồng tin kính nên biểu lộ sự dịu dàng với nhau.
9. Tại sao việc có ham muốn tình dục với một người không phải vợ hay chồng mình là điều không thể chấp nhận được?
9 Tình yêu thương sâu đậm với Đức Chúa Trời và người lân cận sẽ không cho phép bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì đe dọa mối quan hệ hôn nhân. Một số cuộc hôn nhân đã gặp căng thẳng, thậm chí bị hủy hoại, vì người vợ hoặc người chồng nghiện tài liệu khiêu dâm. Chúng ta cần kiên quyết kháng cự việc bị thu hút bởi loại tài liệu này, cũng như bởi bất cứ ham muốn tình dục nào ngoài vòng hôn nhân. Thậm chí, chúng ta cần tránh làm bất cứ điều gì có thể khiến người khác có ấn tượng rằng chúng ta đang tán tỉnh một người không phải là bạn đời của mình, vì đó là điều thiếu yêu thương. Khi nhớ rằng Đức Chúa Trời biết mọi suy nghĩ và hành động của mình, chúng ta sẽ càng có ước muốn làm vui lòng ngài và giữ sự trong sạch.—Đọc Ma-thi-ơ 5:27, 28; Hê-bơ-rơ 4:13.
KHI HÔN NHÂN GẶP CĂNG THẲNG
10, 11. (a) Việc ly dị phổ biến như thế nào? (b) Kinh Thánh nói gì về việc ly thân? (c) Điều gì sẽ giúp một người đã kết hôn không vội vàng ly thân?
10 Những vấn đề nghiêm trọng kéo dài trong hôn nhân có thể khiến một trong hai người hôn phối, hoặc cả hai, nghĩ đến việc ly thân hay ly dị. Tại một số nước, hơn 50% các cuộc hôn nhân kết thúc với việc ly dị. Xu hướng này không phổ biến như thế trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô, nhưng các vấn đề hôn nhân đang gia tăng trong vòng dân Đức Chúa Trời là điều đáng lưu tâm.
11 Kinh Thánh cho chúng ta những chỉ dẫn sau: “Vợ không nên ly thân với chồng; nhưng nếu đã ly thân thì chị hãy ở vậy hoặc hòa lại với chồng. Còn chồng không nên bỏ vợ” (1 Cô 7:10, 11). Một người không nên xem nhẹ việc ly thân. Dù ly thân có vẻ là giải pháp khi những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh, nhưng ly thân thường chỉ gây ra nhiều vấn đề hơn. Sau khi nhắc lại điều Đức Chúa Trời phán rằng người nam sẽ rời cha mẹ để gắn bó với vợ mình, Chúa Giê-su nói: “Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ” (Mat 19:3-6; Sáng 2:24). Điều này cũng có nghĩa là cả người chồng và người vợ đều không nên ‘phân rẽ những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp’. Đức Giê-hô-va xem hôn nhân là mối quan hệ trọn đời (1 Cô 7:39). Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta sẽ khai trình việc làm của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Điều này nên thôi thúc cả hai vợ chồng nỗ lực hết sức để giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, nhờ thế không làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
12. Điều gì có thể khiến một người đã kết hôn nghĩ đến việc ly thân?
12 Những mong đợi không thực tế có thể là căn nguyên của một vấn đề trong hôn nhân. Khi mong ước về một hôn nhân hạnh phúc không thành hiện thực, một người có thể cảm thấy thất vọng, thấy mình bị lừa gạt, thậm chí còn trở nên cay đắng. Ngoài ra, sự khác biệt về cách thể hiện cảm xúc cũng như cách mỗi người được nuôi dạy có thể trở thành vấn đề. Vợ chồng cũng có thể gặp bất đồng liên quan đến tiền bạc, gia đình đôi bên và việc nuôi dạy con cái. Nhưng thật đáng khen khi phần lớn các cặp vợ chồng tin kính tìm được những phương án mà cả hai cùng chấp nhận hầu giải quyết các vấn đề như thế, vì họ để Đức Chúa Trời hướng dẫn.
13. Có những lý do chính đáng nào để ly thân?
13 Đôi khi, có thể có lý do chính đáng để ly thân. Một số người xem vài trường hợp đặc biệt sau đây là lý do để ly thân: người hôn phối cố ý không cấp dưỡng, đời sống thiêng liêng chắc chắn bị nguy hại, hoặc bị đánh đập tàn nhẫn. Những cặp vợ chồng tin kính nên tìm kiếm sự trợ giúp của trưởng lão khi gặp các vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân. Những anh thành thục ấy có thể giúp họ áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh. Khi giải quyết các vấn đề trong hôn nhân, chúng ta cũng nên cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí cũng như giúp mình áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh và thể hiện bông trái của thần khí.—Ga 5:22, 23.[2]
14. Kinh Thánh nói gì với những tín đồ có người bạn đời chưa thờ phượng Đức Giê-hô-va?
14 Một số tín đồ có người bạn đời chưa là tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Trong trường hợp ấy, Kinh Thánh đưa ra những lý do chính đáng cho thấy tại sao họ nên tiếp tục ở với nhau. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:12-14). Dù người bạn đời không tin đạo có nhận ra hay không, người ấy được “nên thanh sạch” nhờ kết hôn với một tín đồ. Bất cứ người con nào mà họ sinh ra đều được xem là “thánh” và do đó, người con ấy có một vị thế tốt trước mắt Đức Chúa Trời. Phao-lô lý luận: “Hỡi người làm vợ, biết đâu chị sẽ cứu được chồng mình? Hỡi người làm chồng, biết đâu anh sẽ cứu được vợ mình?” (1 Cô 7:16). Gần như mọi hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va đều có những cặp vợ chồng mà trong đó, người vợ hay người chồng là tín đồ đã trở thành công cụ “cứu” người bạn đời của mình.
15, 16. (a) Kinh Thánh đưa ra lời khuyên nào cho những người vợ tin kính có chồng không phải là tôi tớ của Đức Chúa Trời? (b) Một tín đồ nên có quan điểm nào “nếu người chồng hay vợ không tin đạo quyết định bỏ đi”?
15 Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên những người vợ theo đạo Đấng Ki-tô vâng phục chồng mình, “hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo lời Đức Chúa Trời thì cũng được cảm hóa bởi hạnh kiểm của chị, mà không cần phải nói lời nào, vì anh ấy chứng kiến cách ăn ở thanh sạch và lòng kính trọng sâu xa của chị”. Qua hạnh kiểm phản ánh “tính tình mềm mại và điềm đạm, là điều có giá trị lớn trước mắt Đức Chúa Trời”, người vợ có thể giúp chồng dễ chấp nhận sự thờ phượng thật hơn so với việc nói quá thẳng thắn về niềm tin của đạo Đấng Ki-tô.—1 Phi 3:1-4.
16 Nói sao nếu người bạn đời không tin đạo quyết định ly thân? Kinh Thánh nói: “Nếu người chồng hay vợ không tin đạo quyết định bỏ đi, hãy để người đi; trong trường hợp đó, anh hay chị không còn trách nhiệm với người ấy nữa. Đức Chúa Trời đã ban cho anh chị sự bình an” (1 Cô 7:15). Điều này không có nghĩa là người hôn phối tin đạo giờ đây được Kinh Thánh cho phép tự do tái hôn, nhưng người ấy không có trách nhiệm cố buộc người bạn đời phải tiếp tục ở với mình. Việc ly thân có thể đem lại sự bình an ở một mức độ nào đó. Người hôn phối tin đạo có thể hy vọng rằng trong tương lai, người bạn đời của mình sẽ trở về với mong muốn cùng nhau nỗ lực gìn giữ hôn nhân và cuối cùng người ấy có lẽ sẽ trở thành một tín đồ.
HÔN NHÂN VÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU CỦA CHÚNG TA
17. Điều gì nên là ưu tiên hàng đầu đối với các cặp vợ chồng tín đồ đạo Đấng Ki-tô?
17 Vì đang sống trong giai đoạn cuối của “những ngày sau cùng”, chúng ta phải trải qua “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1-5). Dù vậy, việc giữ tình trạng thiêng liêng mạnh mẽ sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc kháng cự những ảnh hưởng tiêu cực của thế gian này. Phao-lô viết: “Không còn nhiều thời gian nữa. Từ nay trở đi, người có vợ hãy như người không có,... người đang dùng thế gian hãy như người không tận dụng nó” (1 Cô 7:29-31). Phao-lô không phải đang khuyên các cặp vợ chồng lơ là những trách nhiệm trong hôn nhân. Tuy nhiên, vì thời gian không còn nhiều, họ cần ưu tiên cho những điều thiêng liêng.—Mat 6:33.
18. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể có một hôn nhân thành công và hạnh phúc?
18 Dù đang sống trong thời kỳ rất khó khăn và thấy nhiều cuộc hôn nhân thất bại, nhưng chúng ta vẫn có thể xây dựng một hôn nhân thành công và hạnh phúc. Thật vậy, khi các cặp vợ chồng tin kính gắn bó với dân Đức Giê-hô-va, áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh và chấp nhận sự hướng dẫn của thần khí Đức Chúa Trời, họ có thể gìn giữ hôn nhân và không để bất cứ điều gì phân rẽ “những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp”.—Mác 10:9.
^ [1] (đoạn 5) Một số tên đã được thay đổi.
^ [2] (đoạn 13) Xin xem sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, phụ lục “Quan điểm của Kinh Thánh về ly dị và ly thân”.