“Hãy chạy cách nào cho được thưởng”
HÃY tưởng tượng bạn đang ở trong một sân vận động thể thao, đông nghịt những người náo nức. Các vận động viên bước vào sân. Đám đông reo hò khi thấy những anh hùng của họ xuất hiện. Những trọng tài có mặt để chấp hành luật thi. Khi các cuộc thi diễn ra, có tiếng reo hò đắc thắng lẫn lộn tiếng la hét vì thất vọng. Tiếng vỗ tay chói tai, hoan hô những người thắng!
Bạn đang chứng kiến không phải một cuộc thi đấu hiện đại mà một cuộc thi thể thao đã diễn ra cách nay khoảng 2.000 năm ở Isthmus thuộc Cô-rinh-tô. Tại đây, từ thế kỷ thứ sáu TCN đến thế kỷ thứ tư CN, cứ mỗi hai năm một lần người ta tổ chức các Cuộc Thi Đấu nổi tiếng ở Isthmus. Trong nhiều ngày, cuộc tranh tài thu hút sự chú ý của mọi người khắp nước Hy Lạp. Các cuộc thi đấu không chỉ là những màn tranh giải điền kinh đơn giản. Các vận động viên tiêu biểu cho người lính sẵn sàng chiến đấu. Những người thắng giải—được tôn là anh hùng—nhận được vòng nguyệt quế. Người ta tặng họ vô số quà, và thành phố thưởng cho họ một số tiền trợ cấp lớn suốt đời.
Sứ đồ Phao-lô quen thuộc với các Cuộc Thi Đấu Isthmus này ở gần thành Cô-rinh-tô và ông đã ví đời sống của một tín đồ Đấng Christ với một cuộc tranh giải điền kinh. Ông khéo léo dùng hình ảnh những người chạy đua, những nhà đô vật và những tay đấu quyền để minh họa phần thưởng dành cho những ai tập luyện kỹ lưỡng, nỗ lực đúng chỗ và bền bỉ. Dĩ nhiên, tín đồ Đấng Christ nhận được thư ông cũng biết về các cuộc thi đấu này. Chắc hẳn một số người trong họ đã từng ở trong đám đông reo hò cổ vũ tại vận động trường. Bởi vậy họ dễ dàng hiểu được lời minh họa của Phao-lô. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta cũng ở trong một cuộc đua—nhằm giật lấy sự sống đời đời. Chúng ta hưởng lợi ích như thế nào qua việc Phao-lô nhắc đến các cuộc tranh giải ấy?
“Đấu nhau theo lệ-luật”
Những điều kiện tham gia thi đấu thuở xưa rất nghiêm ngặt. Một phát ngôn viên giới thiệu từng vận động viên trước khán giả và hô to: ‘Có ai tố cáo người này về tội nào không? Y có phải là một tên trộm hay kẻ ác và ăn ở sa đọa không?’ Theo sách Archaeologia Graeca, “không có một tội nhân khét tiếng nào, hoặc bà con [gần] với y được phép thi thố tài năng”. Ngoài ra, ai vi phạm luật lệ cuộc thi sẽ bị phạt nặng, cấm không được tranh giải.
Sự kiện này giúp chúng ta hiểu những gì Phao-lô nói: “Người đấu sức trong diễn-trường chỉ đấu nhau theo lệ-luật thì mới được mão triều-thiên”. (2 Ti-mô-thê 2:5) Cũng thế, muốn tham gia cuộc đua giật lấy sự sống, chúng ta cần phải hội đủ điều kiện do Đức Giê-hô-va đặt ra, theo sát các tiêu chuẩn đạo đức cao quí của Ngài, ghi trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyến cáo chúng ta: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21) Vậy, sau khi bước vào cuộc đua, chúng ta phải cẩn thận tiếp tục tranh giải theo luật lệ để được Đức Giê-hô-va chấp nhận và được sự sống đời đời.
Sự giúp đỡ lớn nhất để tranh giải là lòng yêu thương Đức Chúa Trời. (Mác 12:29-31) Lòng yêu thương thể ấy sẽ khiến chúng ta muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va và hành động theo ý muốn Ngài.—1 Giăng 5:3.
“Nên quăng hết gánh nặng”
Trong các cuộc thi đấu thuở xưa, những người chạy đua không bị quần áo hoặc trang bị làm vướng víu. Sách Đời sống người Hy Lạp và La Mã (Anh ngữ) nói: “Trong các cuộc chạy bộ,... các đấu thủ thường trần truồng”. Không mặc quần áo gì cả giúp các vận động viên nhanh nhẹn, cử động dễ dàng và khéo léo. Họ không phí sức vì gánh nặng không cần thiết. Rất có thể Phao-lô nghĩ đến điều này khi viết thư cho tín đồ người Hê-bơ-rơ: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng..., lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”.—Hê-bơ-rơ 12:1.
Gánh nặng nào có thể cản trở chúng ta trong cuộc đua giật lấy sự sống? Một gánh nặng là ước muốn tích lũy của cải vật chất không cần thiết hoặc duy trì một lối sống xa hoa. Một số người có thể trông vào sự giàu có để được an toàn, hoặc xem đó là một nguồn hạnh phúc. “Gánh nặng” như thế có thể khiến một người chạy chậm lại đến độ cuối cùng Đức Chúa Trời có thể không thật sự quan trọng mấy đối với người đó. (Lu-ca 12:16-21) Sự sống đời đời có thể giống như một hy vọng xa vời. Một người có thể lý luận: ‘Thế giới mới rồi sẽ đến, nhưng từ đây đến đó chúng ta cũng có thể tận hưởng những thứ trong thế gian’. (1 Ti-mô-thê 6:17-19) Một quan điểm duy vật như thế có thể rất dễ dàng khiến một người sao nhãng cuộc chạy đua giật lấy sự sống hoặc thậm chí không bắt đầu cuộc tranh tài.
Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn [“sự giàu có”, NW] nữa”. Rồi, sau khi đã nói đến việc Đức Giê-hô-va chăm sóc cho nhu cầu của loài thú và cây cỏ và nói rằng loài người còn quí giá hơn chúng, ngài khuyên: “Vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.—Ma-thi-ơ 6:24-33.
“Lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua”
Không phải tất cả các cuộc chạy đua thuở xưa đều là chạy nước rút trên đường ngắn. Một cuộc chạy đua, gọi là doʹli·khos, trải dài đến khoảng bốn kilômét. Đó là một cuộc thử thách gay gắt về sức lực và tính bền bỉ. Theo truyền thống, vào năm 328 TCN, một vận động viên tên là Ageas, sau khi thắng cuộc đua, đã khởi chạy một mạch về đến quê nhà là thành Argos, để báo tin thắng lợi. Nội ngày hôm đó, ông ta chạy khoảng 110 kilômét!
Cuộc chạy đua của tín đồ Đấng Christ cũng là một cuộc chạy đường trường thử sức chịu đựng của chúng ta. Cần chịu đựng cho đến cùng trong cuộc chạy đua này mới được Đức Giê-hô-va chấp nhận và thưởng cho sự sống đời đời. Phao-lô đã từng chạy như thế. Gần cuối cuộc đời ông, ông đã có thể nói: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ đợi vòng hoa dành cho người công chính”. (2 Ti-mô-thê 4:7, 8, Tòa Tổng Giám Mục) Giống như Phao-lô, chúng ta phải chạy “hết chặng đường”. Nếu sức chịu đựng của chúng ta mòn mỏi chỉ vì cuộc đua lâu hơn chúng ta nghĩ lúc ban đầu, chúng ta sẽ không giật được phần thưởng. (Hê-bơ-rơ 11:6) Thật bi thảm biết bao, xét rằng chúng ta gần đến đích rồi!
Phần thưởng
Trong các cuộc tranh tài điền kinh thời cổ Hy Lạp, những người thắng giải nhận được những vòng thường được kết bằng lá cây bện với hoa. Trong các Cuộc Thi Đấu Pythian, những người giật giải nhận được một vòng nguyệt quế. Trong các Cuộc Thi Đấu Olympic những người thắng cuộc nhận được vòng hoa bện bằng lá cây ô-li-ve hoang dại, trong khi các Cuộc Thi Đấu ở Isthmus người thắng cuộc nhận được vòng hoa bện bằng lá cây thông. Một học giả Kinh Thánh ghi: “Để khích động nhuệ khí của những đấu thủ, người ta bày sẵn cho họ thấy ở vận động trường những vòng hoa, phần thưởng cho sự chiến thắng và những cành cây cọ, đặt trên những cái giá ba chân hay trên bàn”. Đối với người thắng giải, đội vòng hoa lên đầu là dấu hiệu đại vinh dự. Trên đường về, người đó đắc thắng đi trên một cỗ xe vào thành.
Nghĩ đến điều này, Phao-lô nêu câu hỏi này cho độc giả ở Cô-rinh-tô: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng... Họ chịu vậy để được mão triều-thiên hay hư-nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều-thiên không hay hư-nát”. (1 Cô-rinh-tô 9:24, 25; 1 Phi-e-rơ 1:3, 4) Thật tương phản làm sao! Khác với những vòng hoa chóng tàn trong những cuộc thi đấu thuở xưa, phần thưởng chờ đợi những ai chạy hết chặng đường trong cuộc đua giành lấy sự sống sẽ không bao giờ hư mất.
Sứ đồ Phi-e-rơ viết về chiếc mão tốt hơn này: “Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều-thiên vinh-hiển, chẳng hề tàn-héo”. (1 Phi-e-rơ 5:4) Có phần thưởng nào mà thế gian này tặng cho lại có thể sánh được với sự bất tử, phần thưởng được sự sống không hề hư nát cùng với Đấng Christ trong sự vinh hiển ở trên trời không?
Ngày nay, đại đa số tín đồ Đấng Christ đang chạy đua đều không phải là những người được Đức Chúa Trời xức dầu làm con thiêng liêng của Ngài và họ không có hy vọng lên trời. Họ không chạy để giật giải thưởng là sự bất tử. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng đặt một phần thưởng vô song trước mặt họ. Đó là sự sống đời đời và hoàn toàn trong địa đàng dưới Nước Trời. Dù nhắm tới phần thưởng nào đi chăng nữa, một tín đồ nên chạy một cách kiên quyết và năng nổ hơn bất cứ ai chạy trong một cuộc thi đấu điền kinh. Tại sao? Bởi vì phần thưởng này sẽ không bao giờ tàn phai: “Lời hứa mà chính Ngài đã hứa cùng chúng ta, ấy là sự sống đời đời”.—1 Giăng 2:25.
Đứng trước một phần thưởng vô song thể ấy, tín đồ Đấng Christ đang tham dự cuộc đua nên có quan điểm nào về những cám dỗ của thế gian này? Phải có quan điểm của Phao-lô, ông nói: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận-biết Đức Chúa Jêsus-Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều-bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm-rác”. Phù hợp với điều này, quả Phao-lô chạy hết sức mình! “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục-đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải”. (Phi-líp 3:8, 13, 14) Phao-lô vừa chạy, mà mắt ông dán chặt vào phần thưởng. Chúng ta cũng nên làm thế.
Gương mẫu tuyệt hảo cho chúng ta
Trong các cuộc thi đấu thuở xưa, những nhà vô địch được rất đông người ngưỡng mộ. Các thi sĩ làm thơ ca tụng họ, và các điêu khắc gia tạc tượng họ. Sử gia Věra Olivová nói họ “có vinh hạnh lớn và được rất nhiều người hâm mộ”. Họ cũng làm mẫu mực cho các nhà vô địch thuộc thế hệ trẻ.
Ai là “nhà vô địch” nêu ra gương mẫu tốt nhất cho tín đồ Đấng Christ? Phao-lô đáp: “Chúng ta... [hãy] lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin, tức là Đấng vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 12:1, 2) Đúng vậy, nếu muốn thắng lợi trong cuộc đua giật sự sống đời đời, chúng ta cần chăm chú nhìn Gương Mẫu chúng ta là Chúa Giê-su Christ. Chúng ta có thể làm thế bằng cách đều đặn đọc các lời tường thuật Phúc Âm và suy ngẫm về những cách chúng ta có thể noi gương ngài. Việc học hỏi như thế sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa Giê-su Christ luôn vâng lời Đức Chúa Trời và chứng tỏ đức tin vững vàng qua lòng nhịn nhục của ngài. Nhờ nhịn nhục, ngài đã được Giê-hô-va Đức Chúa Trời chấp nhận và ban cho nhiều đặc ân kỳ diệu.—Phi-líp 2:9-11.
Dĩ nhiên, đức tính xuất sắc nhất của Chúa Giê-su là tình yêu thương. “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”. (Giăng 15:13) Ngài làm cho cụm từ “yêu thương” có ý nghĩa sâu sắc hơn bằng cách nói chúng ta phải yêu thương ngay cả những kẻ thù nghịch mình. (Ma-thi-ơ 5:43-48) Chúa Giê-su thấy vui thích làm theo ý muốn Cha ngài trên trời vì tình yêu thương đối với Cha. (Thi-thiên 40:9, 10; Châm-ngôn 27:11) Việc chúng ta xem Chúa Giê-su là Gương Mẫu và Đấng dẫn đầu chúng ta trong cuộc đua gay go để giật sự sống cũng thúc đẩy chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận và thấy vui thích thật sự trong thánh chức. (Ma-thi-ơ 22:37-39; Giăng 13:34; 1 Phi-e-rơ 2:21) Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su không đòi hỏi chúng ta làm chuyện không thể làm. Ngài cam kết với chúng ta: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường;... linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”.—Ma-thi-ơ 11:28-30.
Giống như Chúa Giê-su, chúng ta cần phải nhìn chăm chú vào phần thưởng dành sẵn cho tất cả những ai bền chí cho đến cùng. (Ma-thi-ơ 24:13) Nếu thi đấu theo đúng luật, nếu quăng hết gánh nặng và nếu chịu đựng mà chạy, thì chúng ta có thể tin tưởng mình sẽ thắng. Mục tiêu trước mắt giục chúng ta tiến lên! Nó phục hồi sức lực chúng ta vì truyền vào tâm hồn chúng ta niềm vui mừng, một niềm vui khiến quãng đường trước mặt chúng ta dễ vượt qua hơn.
[Hình nơi trang 29]
Cuộc chạy đua của tín đồ Đấng Christ là một cuộc chạy đường trường—nó đòi hỏi sức chịu đựng
[Hình nơi trang 30]
Không như những vận động viên thắng giải, tín đồ Đấng Christ có thể nhắm tới một phần thưởng không hư nát
[Hình nơi trang 31]
Tất cả những ai bền chí cho đến cùng đều nhận được phần thưởng
[Nguồn tư liệu nơi trang 28]
Copyright British Museum