Bạn chạy thế nào trong cuộc đua cho sự sống?
“Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng” (I CÔ-RINH-TÔ 9:24).
1. Kinh-thánh so sánh đời sống các tín đồ đấng Christ với điều gì?
KINH-THÁNH so sánh việc tìm kiếm sự sống đời đời của chúng ta như một cuộc chạy đua. Lúc sắp qua đời, sứ đồ Phao-lô nói về chính mình rằng: “Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức-tin”. Vậy để khuyến khích các anh em tín đồ hãy làm giống như thế, ông nói: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội-lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta” (II Ti-mô-thê 4:7; Hê-bơ-rơ 12:1).
2. Chúng ta thấy sự bắt đầu đầy khích lệ nào trong cuộc đua cho sự sống?
2 Sự so sánh này rất là thích hợp vì một cuộc đua bao gồm điểm khởi hành, lộ trình và mức đến, hoặc mục tiêu. Tiến trình về sự tiến bộ thiêng liêng của chúng ta để đạt sự sống cũng giống như vậy. Như chúng ta đã thấy, mỗi năm hàng trăm ngàn người bắt đầu dấn bước vào cuộc đua cho sự sống. Thí dụ trong 5 năm qua, có 1.336.429 người chính thức bước vào cuộc đua bằng cách dâng mình và làm báp têm trong nước. Sự bắt đầu mạnh mẽ như thế rất là khích lệ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tiếp tục chạy cho đến lằn chót. Bạn có làm như thế chăng?
Chạy đua cho sự sống
3, 4. a) Phao-lô chỉ rõ sự quan trọng của việc giữ theo nhịp độ như thế nào trong cuộc đua? b) Một số người đã không nghe lời khuyên của Phao-lô như thế nào?
3 Để nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tiếp tục chạy đua, Phao-lô khuyên: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng” (I Cô-rinh-tô 9:24).
4 Thật vậy, trong các cuộc đua ngày xưa, chỉ có một người nhận giải thưởng. Tuy nhiên, trong cuộc đua cho sự sống, mọi người đều có thể đạt được giải miễn là tiếp tục chạy đua cho đến mức chót! Vui mừng thay, như sứ đồ Phao-lô, nhiều người đã trung thành chạy xong cho đến giờ phút cuối cùng của đời họ. Và hiện nay có hàng triệu người đang tiếp tục chạy. Tuy nhiên, một số người đã không tiến lên hoặc tấn tới cho đến mức chót. Ngược lại họ để cho những vấn đề khác cản trở họ để rồi bỏ cuộc hoặc bị loại vì lý do nào đó (Ga-la-ti 5:7). Điều này khuyến khích chúng ta tự kiểm điểm để xem chúng ta chạy như thế nào trong cuộc đua cho sự sống.
5. Phao-lô có so sánh cuộc đua cho sự sống với một cuộc tranh giải không? Xin giải thích.
5 Chúng ta có thể hỏi: Phao-lô nghĩ đến điều gì khi ông nói “Chỉ một người được thưởng”? Như đã nói ở phần trên, ông không có ý nói rằng trong tất cả những người bắt đầu cuộc đua cho sự sống, chỉ có một người sẽ nhận được phần thưởng là sự sống đời đời. Dĩ nhiên không phải thế, vì đã nhiều lần ông nói rõ ý định của Đức Chúa Trời là Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi (Rô-ma 5:18; I Ti-mô-thê 2:3, 4; 4:10; Tít 2:11). Không, ông không nói rằng cuộc đua cho sự sống là một sự thi đua mà mỗi người tham dự cố đánh bại kẻ khác. Người Cô-rinh-tô biết quá rõ là tinh thần tranh đua đó chỉ có trong vòng những người tranh giải Isthmus mà người ta cho rằng vào thời đó nó nổi tiếng hơn vận động hội. Vậy, Phao-lô đã nghĩ đến điều gì?
6. Đoạn văn cho thấy gì trong sự bàn luận của Phao-lô về người chạy và cuộc đua?
6 Khi nói về thí dụ người chạy đua, Phao-lô trước tiên bàn về triển vọng cứu rỗi của chính ông. Trong những câu trước, ông miêu tả đến việc ông phải làm khó nhọc và cố gắng hết sức trong nhiều cách (I Cô-rinh-tô 9:19-22). Sau đó nơi I Cô-rinh-tô 9 câu 23 ông nói: “Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin-lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó”. Ông hiểu rằng sự cứu rỗi của ông không được bảo đảm chỉ vì ông là sứ đồ hoặc là vì ông đã rao giảng nhiều năm cho người khác. Để có phần trong ân phước của tin mừng, ông phải tiếp tục làm mọi sự trong quyền hạn mình có vì cớ tin mừng. Ông phải chạy với ý định thắng giải, cố gắng hết sức như thể chính mình chạy trong cuộc đua Isthmus. Trong cuộc đua đó, “chỉ một người được thưởng” (I Cô-rinh-tô 9:24a).
7. Điều gì là cần thiết để “chạy cách nào cho được thưởng”?
7 Chúng ta có thể học được nhiều điều qua câu chuyện này. Dù mỗi người gia nhập cuộc đua đều muốn thắng giải, nhưng chỉ những người quyết tâm thắng mới có thể thắng được mà thôi. Bởi thế chúng ta đừng nên tự mãn chỉ vì mình đã gia nhập cuộc đua. Chúng ta không nên nghĩ rằng mọi sự sẽ êm xuôi chỉ vì mình “ở trong lẽ thật”. Chúng ta có thể mang danh tín đồ đấng Christ nhưng thực chất chúng ta có phải là tín đồ đấng Christ không? Thí dụ, chúng ta có làm hết bổn phận của một tín đồ đấng Christ chăng? Như dự buổi nhóm họp, tham gia vào thánh chức, v.v... Nếu có thì thật là đáng khen và chúng ta gắng sức bền lòng giữ những thói quen tuyệt hảo đó. Tuy nhiên, có thể nào chúng ta gặt được lợi ích nhiều hơn qua những gì chúng ta làm không? Chẳng hạn, chúng ta có luôn luôn sửa soạn trước để tham gia bình luận trong các buổi nhóm họp không? Chúng ta có cố gắng áp dụng những gì học được vào đời sống cá nhân không? Chúng ta có chú tâm cải tiến khả năng của mình để có thể làm chứng tường tận bất kể những trở ngại gặp phải trong thánh chức không? Chúng ta có sẵn lòng chấp nhận sự cam go trong việc trở lại viếng thăm những người chú ý và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh-thánh không? Phao-lô khuyên: “Anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng” (I Cô-rinh-tô 9:24b).
Chịu lấy mọi sự kiêng kỵ
8. Điều gì có thể đã khiến Phao-lô giục các anh em tín đồ “chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ”?
8 Trong đời Phao-lô, ông đã thấy nhiều người đi chậm lại, để mình trôi giạt, hoặc bỏ dở cuộc đua cho sự sống (I Ti-mô-thê 1:19, 20; Hê-bơ-rơ 2:1). Vì vậy ông nhắc đi nhắc lại với các tín đồ đấng Christ rằng họ đang ở trong cuộc đua gian lao và lâu dài (Ê-phê-sô 6:12; I Ti-mô-thê 6:12). Lần nữa, ông dùng một khía cạnh khác của hình ảnh người chạy đua, ông nói: “Hết thảy những người đua-tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ” (I Cô-rinh-tô 9:25a). Qua câu này Phao-lô ngụ ý nói đến một điều mà các tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô rất quen thuộc, đó là sự tập luyện khắc khổ mà các người chạy cuộc đua Isthmus phải theo.
9, 10. a) Một tài liệu miêu tả thế nào về những người chạy cuộc đua Isthmus? b) Có điểm gì đáng chú ý về sự miêu tả này?
9 Sau đây là lời miêu tả sống động về một người luyện tập để tranh giải:
“Người ấy vui lòng không than van mà chịu phục mọi điều lệ và mọi sự kiêng cử trong 10 tháng luyện tập, nếu không thì người ấy tốt hơn không dự thi... Người ấy hãnh diện về những công khó cần mẫn, về những sự mệt mỏi, thiếu thốn và xem là điều danh dự khi cẩn thận tránh bất cứ điều gì dù rất nhỏ có thể làm giảm bớt cơ hội thắng giải. Người ấy thấy người khác ăn no ngủ kỹ trong khi mình thì luyện tập cực nhọc. Thấy người khác trầm mình tắm rửa một cách sang trọng và hưởng thụ đời sống thỏa thích, nhưng mình thì ít khi nào có ý tưởng thèm muốn, vì mình đã đặt hết lòng nơi giải thưởng, và sự luyện tập nghiêm nhặt rất là cần thiết. Người ấy biết sẽ mất đi cơ hội nếu bất cứ lúc nào hoặc dịp nào mình buông trôi sự rèn luyện khắt khe” (The Expositor’s Bible, Quyển V, trang 674).
10 Điểm đáng chú ý về sự nhận xét này là người đang rèn luyện “xem là danh dự” khi phải tự hy sinh để theo một lề thói khắt khe hàng ngày. Thật vậy, người ấy “ít khi nào có ý tưởng thèm muốn” khi thấy người khác hưởng thụ sự thanh nhàn và tiện nghi. Chúng ta có thể học được gì trong chuyện này không? Dĩ nhiên là có.
11. Chúng ta nên tránh những quan điểm sai lầm nào trong khi tham dự vào cuộc đua cho sự sống?
11 Hãy nhớ lại lời của Giê-su: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng-khoát dẫn đến sự hư-mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít (Ma-thi-ơ 7:13, 14). Khi bạn cố gắng đi trên con “đường chật”, bạn có thèm muốn sự tự do, thảnh thơi của những người đi trên con đường khác đang thụ hưởng không? Bạn có cảm thấy mất mát một số điều mà những kẻ khác đang làm và trông có vẻ vô hại chăng? Thật dễ cho chúng ta có cảm nghĩ như vậy nếu không ghi nhớ lý do tại sao chúng ta đang đeo đuổi đường lối này. Phao-lô nói: “Họ chịu vậy để được mão triều-thiên hay hư-nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều-thiên không hay hư-nát” (I Cô-rinh-tô 9:25b).
12. Tại sao có thể nói rằng sự vinh hiển và danh tiếng mà người ta chạy theo là giống như một cái mũ triều thiên hay hư nát ban thưởng tại vận động hội Isthmus?
12 Người thắng giải Isthmus nhận được vòng đội đầu kết bằng cây thông Isthmus hoặc những cây tương tợ. Những thứ ấy chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần lễ thì bị tàn héo. Dĩ nhiên, các lực sĩ tranh giải không chỉ vì vòng đội đầu dễ tàn nhưng vì sự vinh hiển danh dự và tiếng tăm khi đoạt giải. Một tài liệu nói rằng khi người thắng giải trở về, người ấy được đón mừng như một vị anh hùng thắng trận. Thường thì người ta phá tường thành để cho đám rước của người ấy đi vào, và người ta còn dựng tượng để tôn vinh người ấy. Tuy vậy, dù có những sự rầm rộ đó, sự vinh hiển của người ấy chỉ là tạm bợ. Ngày nay rất ít người biết đến các vị anh hùng ấy là ai, và hầu hết mọi người cũng không cần để ý đến nữa. Những người đó hy sinh thời giờ, năng lực, sức khỏe, ngay cả hạnh phúc gia đình của họ để đoạt được quyền hành, danh vọng và sự giàu có trên thế gian, nhưng họ không giàu có nơi Đức Chúa Trời. Họ sẽ thấy “mão vinh-hiển” bằng vật chất của họ cũng như đời sống họ chỉ là cơn gió thoáng qua mà thôi (Ma-thi-ơ 6:19, 20; Lu-ca 12:16-21).
13. Tại sao lối sống của một người trong cuộc đua cho sự sống khác với lối sống của người lực sĩ?
13 Những người dự thi trong một bộ môn thể thao có thể sẽ sẵn sàng chấp nhận sự luyện tập khắc khổ giống như những người được miêu tả ở phần trên, nhưng chỉ một thời gian ngắn mà thôi. Khi cuộc thi chấm dứt, họ trở về nếp sống bình thường. Đôi lúc họ có thể vẫn tập luyện để giữ gìn năng khiếu nhưng họ không còn theo đường lối hy sinh khắc khổ như trước cho đến chừng cuộc thi cho lần tới đến gần. Những người trong cuộc đua cho sự sống thì không phải như vậy. Đối với họ, sự luyện tập và sự hy sinh là một lối sống (I Ti-mô-thê 6:6-8).
14, 15. Tại sao một người tranh giải trong cuộc đua cho sự sống phải tiếp tục tập luyện sự tự chủ?
14 Giê-su nói với các môn đồ và những người khác đang nhóm quanh ngài rằng: “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập-tự-giá mà theo ta” [hoặc theo bản dịch của Charles B. William: “Người ấy phải nói: ‘không’ với chính mình”] (Mác 8:34). Khi chấp nhận lời mời này, chúng ta phải sẵn sàng “tiếp tục” làm như thế, không phải vì công trạng đặc biệt trong sự hy sinh nhưng vì một phút hớ hênh nào đó, ta có thể mất sự phán đoán đúng mà làm tiêu tan hết những gì được xây đắp bấy lâu nay, luôn cả việc làm thiệt thòi hạnh phúc đời đời của chúng ta. Sự tiến bộ thiêng liêng thường tiến chậm nhưng nó cũng rất dễ tan biến biết bao nếu chúng ta không luôn canh giữ.
15 Hơn nữa, Phao-lô khuyến khích chúng ta phải chịu lấy “mọi sự” kiêng kỵ, tức là chúng ta lúc nào cũng phải tự chủ trong mọi khía cạnh của đời sống. Điều này là hợp lý vì nếu người đang tập luyện ăn uống quá độ hoặc sống một cách phóng túng thì mọi sự đau đớn và mệt nhọc thể xác mà người ấy chịu đựng có đem ích lợi gì chăng? Cũng vậy, trong cuộc chạy đua cho sự sống chúng ta phải có tự chủ trong mọi sự. Một người có thể tự chủ về rượu chè và tà dục nhưng giá trị của điều đó sẽ bị suy giảm đi nếu người ấy có tính kiêu ngạo và tranh chấp. Hoặc nếu một người nhịn nhục và tử tế đối với người khác, nhưng che giấu một tội lén lút nào đó trong đời tư thì sao? Để cho tính tự chủ đem lại lợi ích trọn vẹn, chúng ta phải rèn luyện tính này trong mọi sự. (So sánh Gia-cơ 2:10, 11).
Không chạy “bá-vơ”
16. Chạy “bá-vơ” có nghĩa gì?
16 Ý thức được việc cần phải cố gắng vượt bực để đoạt giải trong cuộc đua cho sự sống, Phao-lô nói tiếp: “Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá-vơ; tôi đánh chẳng phải là đánh gió” (I Cô-rinh-tô 9:26). Chữ “bá-vơ” có nghĩa là “không rõ rệt” (bản dịch Kingdom Interlinear), “không ai chú ý, không được đánh dấu” (Lange’s Commentary). Vì vậy, không chạy “bá-vơ” có nghĩa là đối với người quan sát, người chạy đua phải hướng đến một nơi rõ rệt. Cuốn “Kinh-thánh Anchor” (The Anchor Bible) gọi đó là “con đường không ngoằn ngoèo”. Nếu bạn thấy những dấu chân rải rác trên bãi biển, đi lẩn quẩn và có khi đi ngược lại, bạn không thể nào nghĩ rằng người đó đang chạy, chứ đừng nói chi đến việc người ấy biết mình đi đâu. Nhưng nếu bạn thấy những dấu chân làm thành một đường thẳng và dấu chân sau cách dấu chân trước thật đều đặn, bạn có thể kết luận rằng những dấu chân đó thuộc về một người biết chính xác mình sẽ đi đến đâu.
17. a) Phao-lô cho thấy là ông không chạy “bá-vơ” như thế nào? b) Chúng ta có thể bắt chước Phao-lô như thế nào trong vấn đề này?
17 Đời sống của Phao-lô cho thấy rằng ông không chạy “bá-vơ”. Ông có nhiều bằng cớ chứng tỏ ông là người hầu việc của đấng Christ và là một sứ đồ. Ông có một mục tiêu và cố gắng công sức cả đời để đạt cho được mục tiêu đó. Ông không bao giờ để cho danh vọng, quyền thế, giàu sang hoặc những tiện nghi làm cho sao lãng dù ông rất có thể đạt được tất cả mọi điều đó (Công-vụ các Sứ-đồ 20:24; I Cô-rinh-tô 9:2; II Cô-rinh-tô 3:2, 3; Phi-líp 3:8, 13, 14). Khi bạn nhìn lại đời sống mình, bạn thấy loại dấu chân nào? Đường thẳng với một dấu chân rõ rệt hoặc những dấu chân lang thang không định hướng? Có bằng chứng gì cho thấy bạn đang tranh đấu trong cuộc đua cho sự sống không? Hãy nhớ rằng chúng ta đang ở trong cuộc đua này, và ta không phải chạy cho có lệ, nhưng chạy cho đến mức cuối cùng.
18. a) Về phần chúng ta, điều gì có thể so sánh với việc “đánh gió”? b) Tại sao theo đường lối đó là nguy hiểm?
18 So sánh với một môn thể thao khác, Phao-lô nói thêm: “Tôi đánh, chẳng phải là đánh gió” (I Cô-rinh-tô 9:26b). Trong cuộc thi đua để được sự sống, chúng ta có nhiều kẻ thù, gồm cả Sa-tan, thế gian và chính sự bất toàn của chúng ta. Như người đánh “quyền anh” lúc xưa, chúng ta phải hạ kẻ thù bằng những cú đấm chính xác. Vui mừng thay, Đức Chúa Trời Giê-hô-va rèn luyện và giúp đỡ chúng ta trong cuộc đấu. Ngài cung cấp những chỉ thị trong Lời của Ngài, qua các sách báo giải thích Kinh-thánh và các buổi họp của các tín đồ đấng Christ. Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc Kinh-thánh, các sách báo và đi nhóm họp, nhưng không thực hành những gì mình học, không phải chúng ta phí mất sự cố gắng của mình như là “đánh gió” hay sao? Làm thế là đặt mình vào một vị thế rất là nguy hiểm. Chúng ta nghĩ rằng mình đang chiến đấu, và tưởng rằng mình được an toàn nhưng thật ra là sự an toàn giả tạo, chúng ta không đánh bại được kẻ thù. Vì thế mà môn đồ Gia-cơ khuyên: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình” cũng như “đánh gió” sẽ không loại được kẻ thù, thì việc “nghe mà thôi” cũng sẽ không cam đoan là chúng ta làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:22; I Sa-mu-ên 15:22; Ma-thi-ơ 7:24, 25).
19. Làm sao chúng ta có thể chắc là mình không bị bỏ?
19 Cuối cùng, Phao-lô nói cho chúng ta biết bí quyết để thành công: “Song tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng-dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:27). Như Phao-lô, chúng ta phải làm chủ được thân thể bất toàn của mình còn hơn là để nó làm chủ chúng ta. Chúng ta cần dẹp bỏ tận gốc những khuynh hướng thèm khát và mọi ham muốn của xác thịt (Rô-ma 8:5-8; Gia-cơ 1:14, 15). Làm thế có thể rất là đau đớn, vì chữ “đãi” được dịch ra từ chữ có nghĩa là “đánh ngay dưới mắt” (Kingdom Interlinear). Tuy nhiên, bị đau vì con mắt bầm đen để rồi được sống không phải tốt hơn là chìu theo các ham muốn của xác thịt tội lỗi để rồi bị chết hay sao? (So sánh Ma-thi-ơ 5:28, 29; 18:9; I Giăng 2:15-17).
20. Tại sao bây giờ là lúc đặc biệt khẩn cấp để xem xét chúng ta chạy như thế nào trong cuộc đua cho sự sống?
20 Ngày nay, chúng ta tiến đến gần lằn chót của cuộc đua rồi. Giờ phát giải thưởng nay gần kề. Đối với những tín đồ đấng Christ được xức dầu, phần thưởng sẽ là “giựt giải về sự kêu-gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 3:14). Còn về phần những người thuộc về đám đông, ấy là sự sống đời đời trong địa-đàng trên đất. Vì sự nguy hiểm đến tính mạng, chúng ta hãy quyết tâm như Phao-lô để chúng ta không “bị bỏ”. Mong rằng mỗi người trong chúng ta thuộc nằm lòng mệnh lệnh này: “Anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng” (I Cô-rinh-tô 9:24, 27).
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao so sánh đời sống người tín đồ đấng Christ với cuộc đua là điều thích hợp?
◻ Cuộc đua cho sự sống khác với cuộc chạy bộ như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta phải luôn luôn có sự tự chủ và “chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ”?
◻ Chạy “bá-vơ” có nghĩa gì?
◻ Tại sao việc “đánh gió” là nguy hiểm?
[Hình nơi trang 16]
Vòng hoa đội đầu mau héo; sự vinh hiển và danh vọng cũng như thế