Không ai có thể làm tôi hai chủ
“Không ai có thể làm tôi hai chủ... Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi tiền của”.—MAT 6:24.
1-3. (a) Ngày nay nhiều người phải đối mặt với những vấn đề tài chính nào, và một số người cố giải quyết ra sao? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Có một số điều đáng lo ngại nào nảy sinh liên quan đến việc nuôi dạy con cái?
Chị Maia giải thích: “Mỗi ngày, chồng tôi là anh Dũng đi làm về trong tình trạng kiệt sức, mà đồng lương chỉ đủ trang trải nhu cầu hằng ngày. Tôi muốn đỡ đần anh và sắm cho con trai chúng tôi là Minh vài thứ để bằng bạn bè”. Chị Mai cũng muốn giúp những người thân trong gia đình và có một khoản dành dụm cho tương lai. Bạn bè của chị đã đi nước ngoài để kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng khi tính đến chuyện này, chị cảm thấy rối bời. Tại sao?
2 Chị Mai rất sợ phải rời xa mái ấm thân thương cùng nề nếp thiêng liêng của gia đình. Tuy nhiên, chị lý luận rằng người khác cũng đi nước ngoài một thời gian mà gia đình họ có vẻ vẫn sống sót về thiêng liêng. Nhưng chị băn khoăn làm sao mình có thể dạy dỗ Minh nếu ở xa đến thế. Liệu chị có thể nuôi dạy con thành công bằng “sự sửa dạy và răn bảo của Đức Giê-hô-va” qua Internet không?—Ê-phê 6:4.
3 Chị Mai cố gắng tìm lời khuyên. Dù chồng nói sẽ không cố cản chị nhưng anh không muốn chị đi. Các trưởng lão cùng một số anh chị khác trong hội thánh khuyên chị không nên đi, nhưng vài người lại khuyến khích chị đi. Họ nói: “Nếu yêu gia đình thì em phải đi. Em vẫn có thể phụng sự Đức Giê-hô-va mà”. Bất kể những mối nghi ngại, chị Mai hôn từ biệt anh Dũng và Minh rồi lên đường ra nước ngoài làm việc. Chị hứa với chồng con: “Sẽ không lâu đâu”.
TRÁCH NHIỆM GIA ĐÌNH VÀ NGUYÊN TẮC KINH THÁNH
4. Tại sao nhiều người di cư, và họ thường để con cho ai chăm sóc?
4 Đức Giê-hô-va không muốn tôi tớ ngài phải sống trong cảnh bần cùng. Di cư là một trong những giải pháp xa xưa nhất nhằm thoát khỏi đói nghèo (Thi 37:25; Châm 30:8). Để không bị chết đói, tộc trưởng Gia-cốp bảo các con trai đến Ai Cập mua lương thựcb (Sáng 42:1, 2). Ngày nay, phần lớn người ta quyết định di cư không phải vì tránh nạn đói. Tuy nhiên, có lẽ họ bị rơi vào cảnh nợ nần. Số khác thì chỉ đơn thuần muốn nâng cao mức sống của gia đình. Để đạt được mục tiêu trong một nền kinh tế suy yếu, nhiều người phải rời xa gia đình để chuyển đến nơi khác, dù là trong nước hay ngoài nước. Thường họ để lại con nhỏ cho người con lớn, người hôn phối, ông bà, họ hàng hoặc bạn bè chăm sóc. Dù rất buồn khi phải rời xa bạn đời hoặc con cái, nhiều người vẫn đi nước ngoài vì cảm thấy không có lựa chọn nào khác.
5, 6. (a) Chúa Giê-su dạy gì về cách có được hạnh phúc và sự bảo đảm trong đời sống? (b) Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu xin điều gì về vật chất? (c) Đức Giê-hô-va ban phước cho chúng ta bằng cách nào?
5 Vào thời Chúa Giê-su, nhiều người cũng phải sống trong cảnh nghèo khổ và thiệt thòi. Có lẽ họ nghĩ mình sẽ hạnh phúc hơn và đời sống sẽ được bảo đảm nếu có nhiều tiền (Mác 14:7). Nhưng Chúa Giê-su muốn người ta đặt hy vọng vào một điều khác. Ngài muốn họ tin cậy nơi Nguồn của sự giàu có vững bền là Đức Giê-hô-va. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su giải thích rằng hạnh phúc và sự bảo đảm thật không tùy thuộc vào của cải vật chất hay nỗ lực bản thân, nhưng vào mối quan hệ của chúng ta với Cha trên trời.
6 Trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su không dạy chúng ta xin sự bảo đảm về tài chính nhưng xin cho nhu cầu hằng ngày, “có đủ thức ăn trong ngày”. Ngài nói rõ với người nghe: “Đừng tích trữ của cải ở trên đất nữa... nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời” (Mat 6:9, 11, 19, 20). Chúng ta có thể tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho chúng ta như ngài đã hứa. Ân phước của Đức Chúa Trời không chỉ là cái gật đầu hài lòng, nhưng ngài cam đoan sẽ cung cấp những gì chúng ta thật sự cần. Vậy, cách duy nhất để có được hạnh phúc và sự bảo đảm thật là tin cậy nơi Cha yêu thương của chúng ta thay vì tiền bạc.—Đọc Ma-thi-ơ 6:24, 25, 31-34.
7. (a) Đức Giê-hô-va giao trách nhiệm nuôi dạy con cái cho ai? (b) Tại sao cả cha lẫn mẹ cần tham gia vào việc dạy con?
7 ‘Tìm kiếm sự công chính của Đức Chúa Trời trước hết’ bao gồm việc có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về các trách nhiệm gia đình. Luật pháp Môi-se có một nguyên tắc áp dụng cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô: Cha mẹ phải dạy dỗ con cái về thiêng liêng. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Đức Chúa Trời giao trách nhiệm này cho cha mẹ, chứ không phải ông bà hay ai khác. Vua Sa-lô-môn viết: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con” (Châm 1:8). Đức Giê-hô-va muốn cả cha lẫn mẹ ở bên con cái để cùng nhau hướng dẫn và dạy dỗ chúng (Châm 31:10, 27, 28). Phần lớn những điều con cái học nơi cha mẹ, đặc biệt là những điều thiêng liêng, đến từ việc chúng nghe cha mẹ trò chuyện mỗi ngày về Đức Giê-hô-va và quan sát trực tiếp gương mẫu của họ.
NHỮNG HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
8, 9. (a) Những thay đổi nào thường xảy ra khi cha hoặc mẹ sống xa gia đình? (b) Sự xa cách có thể gây ra những thiệt hại nào về cảm xúc và đạo đức?
8 Trước khi đi nước ngoài, nhiều người đã cố cân nhắc những rủi ro và mất mát, nhưng ít ai thấy trước mọi hậu quả của việc rời xa gia đình (Châm 22:3)c. Ngay sau khi đi, chị Mai phải đối mặt với nỗi đau đớn và day dứt không nguôi vì xa cách gia đình. Chồng và con trai chị cũng vậy. Bé Minh cứ hỏi chị: “Sao mẹ bỏ con?”. Ban đầu, chị chỉ định đi vài tháng nhưng giờ đây đã là vài năm, chị Mai nhận ra những thay đổi đáng lo ngại trong gia đình. Minh dần trở nên trầm lặng và xa cách với chị. Chị buồn bã kể lại: “Lúc đó, Minh không còn thương tôi nữa”.
9 Việc cha mẹ và con cái không chung sống cùng một mái nhà có thể gây ra những thiệt hại về cảm xúc và đạo đứcd. Con càng nhỏ và thời gian xa cách càng lâu thì hậu quả càng tai hại. Chị Mai giải thích cho Minh rằng chị đang hy sinh vì lợi ích của con. Nhưng Minh thì cảm thấy mẹ đã bỏ rơi mình. Ban đầu, con tức giận vì sự vắng mặt của chị. Tuy nhiên, sau này khi chị về thăm, con tức giận vì sự hiện diện của chị. Như đa số những đứa trẻ xa cha mẹ, Minh cảm thấy mẹ đã đánh mất quyền được em vâng lời và yêu thương.—Đọc Châm-ngôn 29:15.
10. (a) Việc cha mẹ tặng quà để bù đắp cho sự vắng mặt của mình có thể tác động thế nào đến con cái? (b) Gia đình thiếu mất điều gì khi cha hay mẹ ở xa?
10 Dù cố gắng bù đắp cho sự vắng mặt của mình bằng cách gửi tiền và quà, chị Mai thấy mình đã khiến con xa cách và vô tình dạy con đặt vật chất lên trên những điều thiêng liêng cũng như mối quan hệ gia đình (Châm 22:6). Minh nói với chị: “Mẹ đừng về, chỉ cần gửi quà là được”. Chị Mai bắt đầu nhận ra chị không thể nuôi dạy con qua thư từ, điện thoại hay Internet. Chị giải thích: “Qua Internet, bạn không thể ôm hay hôn con để chúc ngủ ngon”.
11. (a) Việc đi làm xa gia đình ảnh hưởng đến hôn nhân của một cặp vợ chồng ra sao? (b) Làm thế nào một chị đã nhận ra mình cần đoàn tụ với gia đình?
11 Mối quan hệ của chị Mai với Đức Giê-hô-va và chồng là anh Dũng cũng bị tổn hại. Chị chỉ có thể kết hợp với các anh chị và tham gia thánh chức một ngày trong tuần hoặc ít hơn. Chị cũng phải cưỡng lại sự tán tỉnh của chủ. Không có bạn đời bên cạnh để nương tựa lúc khó khăn, cả chị Mai lẫn anh Dũng đều bắt đầu gần gũi với người khác và suýt phạm tội vô luân. Chị Mai nhận thức rằng dù chị và chồng chưa ngoại tình, nhưng vì ở xa nhau, họ không thể làm theo sự hướng dẫn của Kinh Thánh là đáp ứng nhu cầu tình cảm và tính dục cho nhau. Họ không thể chia sẻ với nhau những suy nghĩ, ánh mắt hay nụ cười tình tứ, cái vuốt ve ân cần, cái ôm nồng ấm, những biểu hiện yêu thương trìu mến hay bổn phận vợ chồng (Nhã 1:2; 1 Cô 7:3, 5). Và họ không thể vai sánh vai phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với con trai. Chị Mai kể tiếp: “Trong một hội nghị, khi nghe rằng việc đều đặn có buổi thờ phượng với gia đình là thiết yếu để sống sót trong ngày lớn của Đức Giê-hô-va, tôi hiểu ra mình cần trở về nhà. Tôi phải xây đắp lại đời sống gia đình và tình trạng thiêng liêng của mình”.
LỜI KHUYÊN TỐT VÀ LỜI KHUYÊN CÓ HẠI
12. Chúng ta có thể chia sẻ lời khuyên nào trong Kinh Thánh cho những người sống xa gia đình?
12 Chị Mai gặp phải nhiều phản ứng khác nhau khi quyết định trở về nhà. Các trưởng lão trong hội thánh ở nước ngoài khen chị có đức tin và lòng can đảm. Nhưng một số anh chị khác cùng cảnh ngộ thì không. Họ tìm cách can ngăn và nói: “Rồi chị sẽ sớm quay lại đây thôi. Trở về nhà thì làm sao đủ sống?”. Thay vì nói những lời tiêu cực như thế, lẽ ra anh em đồng đạo nên “nhắc nhở những phụ nữ trẻ tuổi hơn phải yêu chồng con mình... chăm lo việc nội trợ” tại nhà mình, “hầu cho lời Đức Chúa Trời không bị gièm chê”.—Đọc Tít 2:3-5.
13, 14. Tại sao cần đức tin để đặt ý muốn Đức Giê-hô-va lên trên sự mong đợi của gia đình? Hãy nêu ví dụ.
13 Nhiều người di cư lớn lên trong nền văn hóa xem truyền thống và bổn phận với gia đình, đặc biệt với cha mẹ, là quan trọng hàng đầu. Nhằm làm Đức Giê-hô-va vui lòng, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần có đức tin để đi ngược với những thực hành phổ biến hay nguyện vọng của gia đình.
14 Hãy xem câu chuyện của chị Cẩm: “Khi con trai tôi là Đông chào đời, tôi và chồng đang làm việc ở nước ngoài, tôi cũng mới bắt đầu học Kinh Thánh. Mọi người trong gia đình nghĩ rằng tôi sẽ gửi cháu Đông về cho ông bà nuôi đến khi tài chính ổn định”. Khi chị Cẩm cương quyết muốn tự nuôi con thì những người thân, bao gồm cả chồng chị, bảo chị là lười biếng và chế giễu chị. Chị Cẩm chia sẻ: “Nói thật, lúc đó tôi chưa hiểu rõ việc gửi con cho ông bà nuôi vài năm có gì không tốt. Nhưng tôi biết Đức Giê-hô-va giao việc nuôi dạy con cho chúng tôi, là bố mẹ cháu”. Khi chị Cẩm mang thai đứa thứ hai, người chồng không tin đạo bắt chị phá thai. Quyết định đúng đắn trước đây củng cố đức tin chị và một lần nữa chị trung kiên với Đức Giê-hô-va. Giờ đây, chị cùng chồng và các con rất hạnh phúc vì cả nhà được quây quần bên nhau. Nếu chị Cẩm gửi một hoặc cả hai con về cho người nhà nuôi, hẳn kết quả đã hoàn toàn khác.
15, 16. (a) Hãy kể lại kinh nghiệm của một chị không được cha mẹ nuôi lúc nhỏ. (b) Tại sao chị quyết định nuôi con theo cách khác?
15 Một chị Nhân Chứng tên Vân kể lại: “Tôi được bà nuôi trong vài năm, còn em gái tôi thì được cha mẹ nuôi. Khi đoàn tụ với cha mẹ, tình cảm của tôi dành cho họ đã thay đổi. Em gái tôi thoải mái giãi bày tâm tư với cha mẹ, có thể ôm và gần gũi với họ. Nhưng tôi thì cảm thấy xa cách. Ngay cả khi trưởng thành, tôi vẫn thấy khó bày tỏ cảm xúc thật của mình với họ. Tôi và em gái đã hứa rằng sẽ chăm sóc cha mẹ khi họ về già. Nhưng tôi sẽ làm điều đó chủ yếu vì trách nhiệm, còn em gái sẽ chăm sóc cha mẹ vì tình yêu thương”.
16 Chị nói tiếp: “Bây giờ, mẹ tôi muốn tôi gửi con gái cho bà nuôi giống như bà đã gửi tôi cho bà ngoại. Tôi đã khéo léo từ chối. Vợ chồng tôi muốn nuôi dạy con theo đường lối của Đức Giê-hô-va. Tôi cũng không muốn mối quan hệ với con gái bị tổn hại”. Chị Vân đã nhận ra rằng đường lối duy nhất dẫn đến thành công là đặt Đức Giê-hô-va cùng các nguyên tắc của ngài lên trên các mục tiêu tài chính và sự mong đợi của gia đình. Chúa Giê-su đã nói rõ: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”, Đức Chúa Trời và tiền của.—Mat 6:24; Xuất 23:2.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHIẾN NỖ LỰC CỦA CHÚNG TA THÀNH CÔNG
17, 18. (a) Tín đồ đạo Đấng Ki-tô luôn có lựa chọn nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài kế tiếp?
17 Đức Giê-hô-va, Cha trên trời, đã cam đoan rằng ngài sẽ giúp chúng ta có được những gì mình thật sự cần nếu chúng ta đặt Nước Trời và sự công chính của ngài lên trên hết trong đời sống (Mat 6:33). Thật thế, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính luôn có sự lựa chọn. Bất kể thử thách chúng ta gặp phải, Đức Giê-hô-va hứa cung cấp cho chúng ta “lối thoát” mà không cần thỏa hiệp các nguyên tắc Kinh Thánh. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:13). Khi chúng ta “chờ-đợi” Đức Giê-hô-va, “nhờ-cậy nơi Ngài” bằng cách cầu xin sự khôn ngoan và hướng dẫn, làm theo các mệnh lệnh và nguyên tắc của ngài thì “Ngài sẽ giúp đỡ” chúng ta (Thi 37:5, 7; Bản Diễn Ý). Ngài sẽ ban phước nếu chúng ta nỗ lực cách chân thành trong việc phụng sự một mình ngài, xem ngài là Chủ thật sự của mình. Khi chúng ta đặt ngài lên trên hết, ngài sẽ khiến đời sống chúng ta được thành công.—So sánh Sáng-thế Ký 39:3.
18 Chúng ta có thể làm gì để sửa chữa những tổn hại do sự chia cách gây ra? Có những bước thực tế nào để nuôi gia đình mà không cần sống xa nhà? Và làm sao chúng ta có thể khích lệ người khác một cách yêu thương nhằm giúp họ quyết định đúng? Bài kế tiếp sẽ xem xét những câu hỏi này.
a Các tên đã được thay đổi.
b Trong mỗi chuyến đi đến Ai Cập, các con trai của Gia-cốp có lẽ không xa gia đình quá ba tuần. Sau đó, khi Gia-cốp và các con trai chuyển đến Ai Cập, họ đem theo vợ con.—Sáng 46:6, 7.
c Xin xem bài “Nhập cư—Giấc mơ và hiện thực” trong Tỉnh Thức! tháng 3 năm 2013.
d Báo cáo từ nhiều quốc gia cho thấy việc một người rời xa bạn đời hay con cái để đi làm ở nước ngoài là yếu tố gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Những vấn đề này bao gồm sự không chung thủy của một trong hai hoặc cả hai vợ chồng, đồng tính luyến ái hoặc loạn luân. Còn con cái thì gặp nhiều vấn đề trong cách cư xử, học hành giảm sút, gây hấn, lo lắng, trầm cảm hoặc có khuynh hướng tự tử.