Bạn nên thờ phượng Đấng Thiêng liêng nào?
TRƯỚC TIÊN, ai là Đấng Thiêng liêng duy nhất đáng được thờ phượng? Kinh-thánh trả lời cách rất thẳng thắn. Sách Khải-huyền viết: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên” (Khải-huyền 4:11). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo hóa, là Đức Chúa Trời duy nhất đáng cho chúng ta thờ phượng. Tại sao? Chúng tôi sẽ trở lại câu hỏi nầy ở những đoạn sau. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy bàn luận về các thần khác mà loài người thờ lạy.
Sau lưng tất cả các thần giả
Mặc dầu loài người thờ nhiều thần, nhiều chúa, sự thật là ngoài sự thờ phượng thật dành cho Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo hóa thì tất cả sự thờ phượng của tất cả các thần, các chúa của các dân đều nhằm ý của một chúa mà thôi. Như thế nào? Xin hãy đọc các lời của sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ đấng Christ (Ky-tô) tại thành Cô-rinh-tô. Nơi thành đó, người ta thờ nhiều thần, từ nữ thần Aphrodite của sự trụy lạc cho đến thần trị bệnh Aesculapius. Thế nhưng, Phao-lô cho biết đằng sau tất cả các thần nầy chỉ có một quyền lực đen tối. Ông viết: “Nhưng đồ người ngoại-đạo cúng-tế là cúng-tế các quỉ, chớ không phải cúng-tế Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 10:20). Đúng, các dân ngoại đạo ở thành Cô-rinh-tô đã thờ phượng các ma-quỉ.
Các ma-quỉ bắt nguồn từ một sự phản loạn. Cầm đầu bọn chúng là một tạo vật thần linh đã dụ dỗ Ê-va phạm luật của Đức Chúa Trời hồi còn ở trong vườn Ê-đen (Sáng-thế Ký 3:1-6; Giăng 8:44). Qua hành động dụ đỗ nầy, chính tạo vật đó đã phản nghịch lại sự thống trị của Đấng Tạo hóa. Về sau, tạo vật ấy mang danh là Sa-tan, có nghĩa “Kẻ chống lại”. Sau đó, có những tạo vật thần linh khác nhập thành bọn phản nghịch. Chúng trở thành các ma-quỉ, và Sa-tan thành “chúa quỉ” (Ma-thi-ơ 12:24, 26). Trong sách Khải-huyền, các ma-quỉ nầy được gọi là các “[thiên] sứ” của Sa-tan (Khải-huyền 12:7). Như vậy, sự thờ phượng các quỉ cũng có nghĩa là thờ phượng Sa-tan.
Sa-tan có ảnh hưởng rất mạnh. Sứ đồ Giăng nói rằng “cả thế-gian” đều phục dưới quyền ma-quỉ, và Phao-lô gọi hắn là “chúa của thế-gian [hệ thống mọi sự] nầy” (1 Giăng 5:19; 2 Cô-rinh-tô 4:4). Như vậy, bất cứ sự thờ phượng nào không dành cho Đức Giê-hô-va thì là dành cho Sa-tan. Ít nhất sự thờ phượng nào sai lầm cũng là giúp ích cho Sa-tan vì mục tiêu của hắn là dụ dỗ con cháu của A-đam và Ê-va chống lại Đức Giê-hô-va. Bởi có ghi rằng Sa-tan “dỗ-dành cả thiên-hạ”, hẳn là hắn đã thành công trong rất nhiều trường hợp (Khải-huyền 12:9). Song không phải tất cả đều thờ phượng Sa-tan. Hiện nay có hàng triệu người cố gắng trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tại sao?
Trái xấu của sự thờ phượng sai lầm
Trước tiên họ nhận định sự thờ phượng các thần, các chúa ngoài Đức Giê-hô-va đem lại những hậu quả thảm khốc. Các cuộc đào bới khảo cổ nơi thành Carthage miền Bắc Phi Châu đã cho thấy một bãi chôn trẻ con. Người ta tìm ra các bộ xương trẻ con bị giết làm tế thần cho thần Ba-anh thời xưa của dân Phê-ni-xi. Vì thờ phượng thần Ba-anh mà phải giết trẻ con làm lễ hy sinh thì là một hậu quả thảm khốc cho dân thành Carthage xưa. Đạo Công giáo thời Trung cổ cũng đem lại hậu quả thảm khốc khi làm nhiều người chết qua các trận Thập tự chiến (Crusade [Croisade]) và Pháp đình tôn giáo (Inquisition) thật hung bạo. Hàng ngàn người đã chết trong các lễ hung bạo nhằm tế thần của dân Inca tại Mỹ Châu trước thời Kha-luân-bố (Colombo).
Trong thời cận đại thì các cuộc xung đột giữa các tôn giáo khác nhau gây ra thảm sát tại xứ Ấn-độ và cũng dự phần trong các sự tranh chấp chính trị tại các xứ ở Trung Đông và ở Bắc Ái-nhĩ-lan. Cũng nên kể sự ngu dốt, mê tín dị đoan và sự sợ hãi trong số những hậu quả thảm khốc do sự thờ phượng các thần, các chúa khác nhau.
Tại sao bạn nên phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời?
Mặt khác, sự thờ phượng Đức Giê-hô-va mang lại toàn là những điều lợi ích. Trước tiên, chính Ngài là “Đấng hằng sống đời đời, là Đấng đã dựng nên trời cùng muôn vật trên trời, dựng nên đất cùng muôn vật dưới đất, dựng nên biển cùng muôn vật trong biển” (Khải-huyền 10:6). Bởi vậy, chúng ta nên thờ phượng Ngài vì Ngài là Đấng tạo ra chúng ta.
Hơn nữa, chúng ta nên thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời bởi những đức tính của Ngài khiến chúng ta cảm kích muốn thờ phượng Ngài. Sứ đồ Giăng nói “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (1 Giăng 4:8). Người trung thành là Gióp cũng nói: “Đức Chúa Trời có lòng trí-huệ và rất mạnh-sức” (Gióp 9:4). Môi-se ca ngợi Ngài rằng: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội [không bất công]; Ngài là công-bình và chánh-trực” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Ai lại ngần ngại thờ phượng một Đức Chúa Trời tốt như vậy?
Thêm vào đó, Kinh-thánh viết: “Sự tin-kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa” (1 Ti-mô-thê 4:8). Thật đúng thay! Đức Giê-hô-va muốn điều tốt cho nhân loại. Ngài làm trái đất là một nơi ở tốt đẹp cho các tạo vật Ngài, và Ngài cung cấp đầy đủ hầu cho đời sống đáng vui hưởng. Dầu sau đó loài người đã phản lại Ngài, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục duy trì đời sống trên đất, cung cấp tất cả các nhu cầu vật chất của loài người “vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác” (Ma-thi-ơ 5:45).
Nhưng “lời hứa về đời nầy” còn mang nhiều lợi ích khác nữa. Phụng sự Đức Chúa Trời mang lại sự mãn nguyện và sự sung túc về tâm thần. Loài người được tạo ra với những nhu cầu đó. Và Đức Chúa Trời giúp những ai phụng sự Ngài cách trung thành được thành công trong đời sống họ. Qua Kinh-thánh, Ngài ban lời chỉ dẫn cho người độc thân, người đã lập gia đình, người làm con cái—cho mọi tầng lớp trong xã hội. Ngài ban sự khôn ngoan thực tế và đáng tin cậy để giúp chúng ta có thể đối phó trong mọi trường hợp và giải quyết mọi vấn đề dù là những người bất toàn sống trong một thế gian dưới ảnh hưởng của Sa-tan ma-quỉ. Nếu phụng sự Đức Chúa Trời theo ý Ngài thì chúng ta có thể vui hưởng được “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu-biết” (Phi-líp 4:7).
Cũng đáng lưu ý là “lời hứa... về đời sau nầy”. Giê-su nói cùng người Pha-ri-si tên Ni-cô-đem rằng: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Sự sống đời đời! Có thần nào, chúa nào ngoài Đức Giê-hô-va mà có thể ban một lời hứa như vậy và sẽ hoàn tất lời hứa đó? Tình trạng cuối cùng của những ai thừa hưởng được lời hứa nầy được miêu tả trong sách Khải-huyền: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhứt [xưa cũ] đã qua rồi” (Khải-huyền 21:4, 5). Thật vậy, viễn ảnh của một đời sống trong tương lai nên khiến chúng ta muốn phụng sự Đức Giê-hô-va!
Vậy thì, chúng ta nên thờ phượng Đấng Thiêng liêng nào? Chỉ một mình Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo hóa. Trong tất cả các thần, các chúa, chỉ một mình Ngài đáng được khen ngợi như vầy: “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn-năng, công-việc Chúa lớn-lao và lạ-lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường-lối Ngài là công-bình và chơn-thật! Lạy Chúa, ai là kẻ không kính-sợ và không ngợi-khen danh Ngài? Vì một mình Ngài là thánh, mọi dân-tộc sẽ đến thờ-lạy trước mặt Ngài, vì các sự đoán-xét Ngài đã được tỏ ra” (Khải-huyền 15:3, 4). Những ai đáp lại lời kêu gọi sau đây của người viết Thi-thiên sẽ tỏ ra khôn ngoan biết bao: “Hãy đến, cúi xuống mà thờ-lạy; khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo-Hóa chúng tôi!” (Thi-thiên 95:6).
[Hình nơi trang 6]
Một số các thần, các chúa mà Sa-tan đã khiến nhân loại thờ lạy
[Hình nơi trang 7]
Viễn ảnh của một đời sống trong tương lai nên khiến chúng ta muốn phụng sự Đức Giê-hô-va