Thế nào là người thiêng liêng tính?
“Nguyện [Đức Chúa Trời]... giúp tất cả anh em có tinh thần như Đấng Ki-tô Giê-su”.—RÔ 15:5.
BÀI HÁT: 17, 13
1, 2. (a) Nhiều anh chị nhận xét thế nào về sự thiêng liêng tính? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi then chốt nào?
Một chị ở Canada chia sẻ: “Khi là người thiêng liêng tính, tôi hạnh phúc hơn và dễ đương đầu với các thử thách hằng ngày”. Một anh ở Brazil nói: “Cuộc hôn nhân 23 năm của chúng tôi rất hạnh phúc nhờ chúng tôi nỗ lực trở thành người thiêng liêng tính”. Một anh ở Philippines nhận xét: “Là người thiêng liêng tính giúp tôi có bình an tâm trí và cải thiện cách đối xử với những anh chị có gốc gác khác mình”.
2 Những lời nhận xét như thế cho thấy sự thiêng liêng tính mang lại nhiều lợi ích. Vậy hãy tự hỏi: “Bằng cách nào mình có thể tiến bộ để trở thành người thiêng liêng tính và nhận được những lợi ích ấy?”. Trước khi giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần hiểu rõ Kinh Thánh nói gì về người thiêng liêng tính. Bài này sẽ giải đáp ba câu hỏi then chốt: (1) Thế nào là người thiêng liêng tính? (2) Những gương mẫu nào giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng? (3) Làm thế nào việc nỗ lực có “tư tưởng của Đấng Ki-tô” giúp chúng ta trở thành người thiêng liêng tính?
THẾ NÀO LÀ NGƯỜI THIÊNG LIÊNG TÍNH?
3. Theo Kinh Thánh, có sự khác biệt nào giữa người sống theo xác thịt và người thiêng liêng tính?
3 Sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta hiểu thế nào là người thiêng liêng tính khi cho thấy sự khác biệt giữa “người sống theo thần khí” và “người sống theo xác thịt”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 2:14-16). Sự khác biệt đó là gì? “Người sống theo xác thịt” không tiếp nhận “những điều thuộc về thần khí của Đức Chúa Trời, bởi những điều đó là ngu dại đối với họ, và họ không thể hiểu được”. Còn “người sống theo thần khí”, tức người thiêng liêng tính, thì “tra xét mọi điều” và “có tư tưởng của Đấng Ki-tô”. Phao-lô khuyến khích chúng ta trở thành người thiêng liêng tính. Còn có sự khác biệt nào khác giữa người sống theo xác thịt và người thiêng liêng tính?
4, 5. Người sống theo xác thịt có những đặc điểm nào?
4 Trước tiên, hãy xem xét thái độ của người sống theo xác thịt. Thế gian bị chi phối bởi thái độ thiên về xác thịt. Phao-lô miêu tả thái độ đó là “tinh thần đang tác động trên con cái của sự bất tuân” (Ê-phê 2:2). Tinh thần này khiến đa số người ta có thái độ phổ biến là hùa theo đám đông. Họ chú tâm đến xác thịt và chỉ làm theo điều họ thấy là đúng mà không màng đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Người sống theo xác thịt thường tập trung vào địa vị và việc theo đuổi của cải vật chất hoặc bảo vệ các quyền mà mình cho là đúng.
5 Người sống theo xác thịt có đặc điểm nào khác? Đó là người có “các việc làm của xác thịt” (Ga 5:19-21). Lá thư thứ nhất của Phao-lô viết cho hội thánh Cô-rinh-tô cho biết một số đặc điểm khác của người sống theo xác thịt. Những điều này bao gồm: gây chia rẽ và bất hòa, kết bè đảng, kiện nhau ra tòa, không tôn trọng quyền làm đầu và ham mê ăn uống. Khi đối mặt với cám dỗ, người sống theo xác thịt chiều theo cám dỗ, thay vì kháng cự (Châm 7:21, 22). Giu-đe nói về những người suy yếu đến mức “không có thần khí của Đức Chúa Trời”.—Giu 18, 19.
6. Người thiêng liêng tính là người như thế nào?
6 Còn người thiêng liêng tính thì sao? Người thiêng liêng tính thì hướng đến Đức Chúa Trời, khác hẳn người sống theo xác thịt. Người thiêng liêng tính cố gắng “bắt chước ngài” (Ê-phê 5:1). Họ cố gắng có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va và nhìn sự việc theo quan điểm của ngài. Đức Chúa Trời có thật đối với họ. Trái với người sống theo xác thịt, người thiêng liêng tính cố gắng sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va trong mọi khía cạnh đời sống (Thi 119:33; 143:10). Thay vì chú tâm đến việc làm của xác thịt, người thiêng liêng tính nỗ lực thể hiện “bông trái của thần khí” (Ga 5:22, 23). Để hiểu rõ hơn cụm từ “người thiêng liêng tính”, hãy nghĩ đến minh họa sau: Người kinh doanh giỏi thì gọi là doanh nhân. Tương tự, người tập trung vào điều thiêng liêng thì gọi là người thiêng liêng tính.
7. Kinh Thánh nói gì về người thiêng liêng tính?
7 Kinh Thánh khen người thiêng liêng tính. Ma-thi-ơ 5:3 nói: “Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình, vì Nước Trời thuộc về họ”. Rô-ma 8:6 cho biết lợi ích của việc trở thành người thiêng liêng tính khi nói: “Chú tâm đến xác thịt mang lại sự chết, còn chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an”. Khi “chú tâm đến thần khí”, tức chú tâm đến điều thiêng liêng, chúng ta có sự hòa thuận với Đức Chúa Trời và bình an tâm trí ngay bây giờ, cũng như có triển vọng sống vĩnh cửu trong tương lai.
8. Tại sao chúng ta cần nỗ lực vun trồng và duy trì thiêng liêng tính?
8 Tuy nhiên, chúng ta sống trong một môi trường bại hoại. Vì tinh thần xác thịt bao quanh nên chúng ta cần dồn nỗ lực để vun trồng và duy trì thiêng liêng tính. Nếu mất thiêng liêng tính, một người tạo khoảng trống về đạo đức và “bầu không khí” đồi bại của thế gian sẽ choán chỗ. Điều gì giúp chúng ta tránh tình trạng đó? Làm thế nào để tiến bộ về thiêng liêng?
NHỮNG GƯƠNG ĐỂ NOI THEO
9. (a) Điều gì giúp chúng ta tiến bộ về thiêng liêng? (b) Chúng ta sẽ xem xét những gương nào về người thiêng liêng tính?
9 Một đứa trẻ sẽ dần trở nên thành thục khi quan sát và noi theo gương tốt của cha mẹ. Cũng vậy, chúng ta sẽ tiến bộ về thiêng liêng khi quan sát và noi theo những người mạnh mẽ về thiêng liêng. Ngược lại, người thiên về xác thịt là gương cảnh báo cho chúng ta (1 Cô 3:1-4). Kinh Thánh ghi lại cả hai loại gương này. Nhưng vì mục tiêu của chúng ta là tiến bộ về thiêng liêng nên hãy xem xét một số gương tốt mà mình có thể noi theo. Hãy xem gương của Gia-cốp, Ma-ri và Chúa Giê-su.
10. Điều gì cho thấy Gia-cốp là người thiêng liêng tính?
10 Trước tiên, hãy xem gương của Gia-cốp. Như hầu hết chúng ta thời nay, Gia-cốp có đời sống không hề dễ dàng. Ông phải chịu đựng người anh sống theo xác thịt là Ê-sau, người có ý định giết ông. Hơn thế, ông phải đương đầu với cha vợ lật lọng, người nhiều lần cố lợi dụng ông. Tuy nhiên, dù xung quanh là những người sống theo xác thịt, Gia-cốp vẫn là người thiêng liêng tính. Ông có đức tin nơi lời hứa mà Đức Giê-hô-va lập với Áp-ra-ham. Gia-cốp biết gia đình mình sẽ góp phần làm ứng nghiệm lời hứa ấy nên ông hết lòng chăm sóc họ (Sáng 28:10-15). Lời nói và hành động của Gia-cốp cho thấy ông chú tâm đến tiêu chuẩn và ý muốn của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, khi cảm thấy bị Ê-sau đe dọa, Gia-cốp thưa với Đức Chúa Trời: “Con van xin ngài giải cứu con... Bởi ngài có phán rằng: ‘Ta sẽ ban phước lành cho con, làm cho dòng dõi con nhiều như cát biển’” (Sáng 32:6-12). Rõ ràng, ông tin vào các lời hứa mà Đức Giê-hô-va lập với ông và tổ phụ ông, cũng như muốn hành động phù hợp với ý muốn và ý định của ngài.
11. Điều gì cho thấy Ma-ri là người thiêng liêng tính?
11 Hãy xem một gương mẫu khác là Ma-ri. Tại sao Đức Giê-hô-va chọn Ma-ri làm mẹ của Chúa Giê-su? Hẳn vì cô là người thiêng liêng tính. Chúng ta biết điều đó qua những lời mà cô ngợi khen Đức Giê-hô-va khi đến thăm một gia đình họ hàng là Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét. (Đọc Lu-ca 1:46-55). Những lời của Ma-ri cho thấy cô yêu mến Lời Đức Chúa Trời sâu xa và rất quen thuộc với phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (Sáng 30:13; 1 Sa 2:1-10; Mal 3:12). Cũng hãy lưu ý rằng cô và Giô-sép, dù mới kết hôn, nhưng không ăn nằm với nhau cho đến khi Chúa Giê-su chào đời. Điều này cho thấy cả hai người đều xem trọng ý muốn Đức Giê-hô-va hơn việc thỏa mãn ước muốn của bản thân (Mat 1:25). Thời gian trôi qua, Ma-ri cẩn thận quan sát những điều xảy ra trong cuộc đời Chúa Giê-su và chú ý đến các lời khôn ngoan của ngài. Hơn thế, cô “ghi nhớ mọi lời ấy trong lòng” (Lu 2:51). Rõ ràng, Ma-ri quan tâm đến ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến Đấng Mê-si. Chẳng phải gương của Ma-ri giúp chúng ta nghĩ về cách mình có thể đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống sao?
12. (a) Chúa Giê-su giống Cha như thế nào? (b) Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su qua cách nào? (Xem hình nơi đầu bài).
12 Nhưng trong số những người từng sống, ai nêu gương xuất sắc nhất về người thiêng liêng tính? Dĩ nhiên đó là Chúa Giê-su. Trong suốt thời gian sống và làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su cho thấy ngài muốn noi gương Cha là Đức Giê-hô-va. Ngài có suy nghĩ, cảm xúc và hành động giống Cha, cũng như sống phù hợp với ý muốn và tiêu chuẩn của Cha (Giăng 8:29; 14:9; 15:10). Chẳng hạn, hãy xem xét lời miêu tả của nhà tiên tri Ê-sai về lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va, rồi so sánh với lời miêu tả của Mác về cảm xúc của Chúa Giê-su. (Đọc Ê-sai 63:9; Mác 6:34). Chúng ta có noi gương Chúa Giê-su qua việc sẵn sàng tỏ lòng trắc ẩn với những người cần sự giúp đỡ không? Ngoài ra, Chúa Giê-su còn tận tụy trong việc rao giảng và dạy dỗ về tin mừng (Lu 4:43). Những cảm xúc và hành động ấy là dấu hiệu của một người thiêng liêng tính.
13, 14. (a) Chúng ta học được gì từ những gương ngày nay về người thiêng liêng tính? (b) Hãy nêu ví dụ.
13 Ngoài những gương trong Kinh Thánh, ngày nay cũng có nhiều gương của các anh chị thiêng liêng tính luôn cố gắng noi theo Chúa Giê-su. Có lẽ anh chị thấy họ sốt sắng trong thánh chức, tỏ lòng hiếu khách, có lòng trắc ẩn hoặc những phẩm chất tốt khác. Như chúng ta, họ cũng đấu tranh với những yếu đuối và sự bất toàn trong khi cố gắng vun trồng các phẩm chất tin kính. Một chị ở Brazil tên là Rachel nói: “Tôi từng thích chạy theo mốt của thế gian. Do đó, tôi ăn mặc không khiêm tốn. Nhưng từ khi học chân lý, tôi được thúc đẩy để nỗ lực trở thành người thiêng liêng tính. Việc thay đổi không hề dễ dàng, nhưng tôi hạnh phúc hơn và tìm được mục đích thật sự của đời sống”.
14 Chị Reylene từ Philippines thì gặp thử thách khác. Chị từng theo đuổi việc học lên cao và tìm kiếm công việc tốt để tiến thân. Chị nói: “Tôi dần mất đi các mục tiêu thiêng liêng. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng mình thiếu điều gì đó trong đời sống, là điều quan trọng hơn nhiều so với công việc. Vì thế, tôi điều chỉnh mục tiêu để tập trung phụng sự Đức Giê-hô-va”. Kể từ đó, chị Reylene nêu gương về việc đặt đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va ở Ma-thi-ơ 6:33, 34. Chị chia sẻ: “Tôi tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc mình!”. Có lẽ anh chị biết những gương mẫu tương tự trong hội thánh của mình. Chẳng lẽ anh chị không được thúc đẩy để noi theo những gương trung thành như thế, giống như họ noi gương Đấng Ki-tô sao?—1 Cô 11:1; 2 Tê 3:7.
HÃY CÓ “TƯ TƯỞNG CỦA ĐẤNG KI-TÔ”
15, 16. (a) Để giống Đấng Ki-tô, chúng ta cần làm gì? (b) Bằng cách nào chúng ta để cho “tư tưởng của Đấng Ki-tô” tác động đến mình?
15 Bằng cách nào chúng ta có thể noi gương Đấng Ki-tô? Nơi 1 Cô-rinh-tô 2:16, Kinh Thánh nói về việc có “tư tưởng của Đấng Ki-tô”. Và Rô-ma 15:5 nói đến việc “có tinh thần như Đấng Ki-tô Giê-su”. Vậy để giống Đấng Ki-tô, trước hết chúng ta cần biết lối suy nghĩ, cảm xúc và hành động của ngài. Sau đó, chúng ta cần noi theo dấu chân ngài. Chúa Giê-su tập trung tư tưởng vào mối quan hệ của ngài với Đức Chúa Trời. Thế nên, càng giống Chúa Giê-su, chúng ta sẽ càng đến gần Đức Giê-hô-va. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc tập có cùng lối suy nghĩ với Chúa Giê-su.
16 Chúng ta làm thế bằng cách nào? Các môn đồ của Chúa Giê-su thấy ngài làm phép lạ, nghe ngài giảng, chứng kiến cách ngài đối xử với mọi loại người và thấy cách ngài áp dụng các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Họ nói: “Chúng tôi là những người làm chứng về mọi việc ngài làm” (Công 10:39). Tuy nhiên, chúng ta không thể tận mắt thấy ngài. Nhưng vì yêu thương, Đức Giê-hô-va cung cấp những lời tường thuật trong Phúc âm, qua đó nhân cách của Chúa Giê-su trở nên sống động trong trí chúng ta. Khi đọc và suy ngẫm các sách Phúc âm là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, chúng ta để cho tư tưởng của Chúa Giê-su tác động đến mình. Nhờ thế, chúng ta có thể “theo sát dấu chân ngài” và “trang bị cho mình cùng một tinh thần” như Đấng Ki-tô.—1 Phi 2:21; 4:1.
17. Việc có cùng lối suy nghĩ với Đấng Ki-tô sẽ giúp chúng ta như thế nào?
17 Việc tập có cùng lối suy nghĩ với Đấng Ki-tô sẽ giúp chúng ta như thế nào? Cũng như thức ăn dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh, việc lấp đầy tâm trí bằng lối suy nghĩ của Đấng Ki-tô sẽ củng cố chúng ta về thiêng liêng. Dần dần, chúng ta biết Đấng Ki-tô sẽ làm gì trong mỗi hoàn cảnh. Nhờ thế, chúng ta có thể đưa ra những quyết định giúp mình giữ được lương tâm trong sạch và làm vui lòng Đức Chúa Trời. Chẳng phải anh chị cũng đồng ý rằng đó là những lý do chính đáng để chúng ta “mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô” sao?—Rô 13:14.
18. Chúng ta đã học điều gì về người thiêng liêng tính?
18 Chúng ta đã xem xét thế nào là người thiêng liêng tính. Chúng ta cũng xem cách mình có thể học từ gương của những người thiêng liêng tính. Cuối cùng, chúng ta đã học làm thế nào việc có “tư tưởng của Đấng Ki-tô” giúp mình tiến bộ về thiêng liêng. Tuy nhiên, còn nhiều khía cạnh khác của sự thiêng liêng tính mà chúng ta nên xem xét. Chẳng hạn, bằng cách nào chúng ta có thể đánh giá tình trạng thiêng liêng của mình? Chúng ta có thể làm gì nữa để vun trồng thiêng liêng tính? Thiêng liêng tính ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của chúng ta ra sao? Bài sau sẽ trả lời những câu hỏi đó.