Thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn vào thế kỷ thứ nhất và ngày nay
“Tất cả các việc đó đều do cùng một thần khí thực hiện”.—1 CÔ 12:11.
1. Chúng ta sẽ xem những điểm nào trong bài học này?
Lễ Ngũ Tuần. Cụm từ này làm chúng ta nhớ đến những sự kiện hào hứng! (Công 2:1-4). Việc thần khí đổ xuống vào dịp này thời thế kỷ thứ nhất đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cách Đức Chúa Trời đối xử với tôi tớ ngài. Trong bài trước, chúng ta đã xem xét một vài cách thần khí Đức Chúa Trời ban khả năng để những người trung thành thời xưa thực hiện những nhiệm vụ khó khăn và tỉ mỉ. Nhưng có sự khác biệt nào giữa cách thần khí Đức Chúa Trời hoạt động trước thời Đấng Ki-tô so với thời thế kỷ thứ nhất? Và ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể nhận được lợi ích nào từ hoạt động của thần khí? Chúng ta hãy xem.
“Này, tôi là tôi tớ Đức Giê-hô-va!”
2. Ma-ri đã được chứng kiến sự tác động của thần khí như thế nào?
2 Ma-ri có mặt trong căn phòng lớn trên lầu tại thành Giê-ru-sa-lem khi thần khí đổ xuống như đã được hứa (Công 1:13, 14). Nhưng trong hơn 30 năm trước, bà đã được chứng kiến sự tác động của thần khí Đức Giê-hô-va qua những cách phi thường. Đức Giê-hô-va chuyển sự sống của Con ngài từ trên trời xuống đất, khiến bà thụ thai khi vẫn còn là một trinh nữ. Thai nhi được hình thành trong tử cung Ma-ri là “bởi thần khí Đức Chúa Trời”.—Mat 1:20.
3, 4. Ma-ri đã thể hiện thái độ nào, và chúng ta có thể noi theo gương của bà ra sao?
3 Tại sao Ma-ri lại được ưu ái nhận đặc ân độc nhất vô nhị này? Sau khi nghe thiên sứ giải thích ý định của Đức Giê-hô-va liên quan đến mình, Ma-ri thốt lên: “Này, tôi là tôi tớ Đức Giê-hô-va! Nguyện điều ấy xảy đến cho tôi như lời người nói” (Lu 1:38). Khi nói như thế, Ma-ri bày tỏ thái độ mà Đức Chúa Trời đã chú ý từ trước. Lời đáp ngay lập tức chứng tỏ bà sẵn sàng chấp nhận ý định của ngài trong vấn đề này. Ma-ri không nêu lên bất kỳ thắc mắc nào về quan điểm của người khác đối với việc bà mang thai, hoặc điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ với người chồng chưa cưới. Khi nói về bản thân như một tôi tớ thấp hèn, Ma-ri cho thấy bà hoàn toàn tin tưởng Đức Giê-hô-va là Chủ của mình.
4 Bạn có đôi lúc cảm thấy những thử thách hoặc trách nhiệm trong việc phụng sự Đức Chúa Trời vượt quá sức mình không? Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va để giải quyết các vấn đề phù hợp với ý muốn ngài không? Tôi có thật sự bày tỏ một tinh thần sẵn sàng không?”. Hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban thần khí cho những ai hết lòng tin cậy và chấp nhận uy quyền của ngài.—Công 5:32.
Phi-e-rơ được thần khí giúp đỡ
5. Phi-e-rơ đã chứng kiến sự tác động của thần khí trước Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN như thế nào?
5 Cũng như Ma-ri, cá nhân sứ đồ Phi-e-rơ đã trải nghiệm sự tác động mạnh mẽ của thần khí Đức Chúa Trời trước Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Chúa Giê-su đã ban cho ông và các sứ đồ khác quyền đuổi ác thần (Mác 3:14-16). Dù Kinh Thánh không cho biết nhiều chi tiết, nhưng rất có thể Phi-e-rơ đã sử dụng quyền phép đó. Quyền năng Đức Chúa Trời cũng được thể hiện khi Chúa Giê-su gọi Phi-e-rơ bước đi trên nước về phía ngài tại biển Ga-li-lê, và Phi-e-rơ đã làm thế. (Đọc Ma-thi-ơ 14:25-29). Rõ ràng, Phi-e-rơ nương cậy nơi thần khí để giúp ông làm những việc phi thường. Không lâu sau, thần khí đã tác động trên Phi-e-rơ và các môn đồ khác bằng những cách mới lạ.
6. Nhờ thần khí Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ đã làm gì trong và sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
6 Tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Phi-e-rơ và những người khác được ban khả năng kỳ diệu để giao tiếp bằng ngôn ngữ của những lữ khách đến thăm thành Giê-ru-sa-lem. Sau đó, Phi-e-rơ đã dẫn đầu trong việc nói trước đám đông (Công 2:14-36). Thật vậy, người đàn ông đôi lúc hấp tấp và sợ sệt này đã nhận được đầy dẫy lòng can đảm để làm chứng dạn dĩ bất chấp sự đe dọa và ngược đãi (Công 4:18-20, 31). Đức Chúa Trời cũng dùng thần khí ban cho Phi-e-rơ sự hiểu biết đặc biệt (Công 5:8, 9). Và thậm chí ông còn được ban quyền phép làm người chết sống lại.—Công 9:40.
7. Chỉ sau khi được xức dầu bằng thần khí, Phi-e-rơ mới hiểu rõ những dạy dỗ nào của Chúa Giê-su?
7 Ngay cả trước Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ đã hiểu được nhiều sự thật mà Chúa Giê-su dạy dỗ (Mat 16:16, 17; Giăng 6:68). Nhưng có vài khía cạnh trong sự dạy dỗ của Chúa Giê-su ông vẫn chưa hiểu rõ trước Lễ Ngũ Tuần. Chẳng hạn, Phi-e-rơ không nhận biết rằng Đấng Ki-tô sẽ được sống lại ở thể thần linh vào ngày thứ ba; và ông cũng không hiểu rằng Nước Trời sẽ được thành lập trên trời (Giăng 20:6-10; Công 1:6). Khái niệm con người sẽ trở thành những tạo vật thần linh và cai trị trong một Nước trên trời là những điều mới lạ đối với Phi-e-rơ. Chỉ khi được báp-têm bằng thần khí và có hy vọng lên trời, ông mới nắm bắt được ý nghĩa những dạy dỗ của Chúa Giê-su về các điểm này.
8. Những người được xức dầu lẫn “các chiên khác” đều có sự hiểu biết nào?
8 Sau khi thần khí đổ xuống, các môn đồ nhận được sự hiểu biết sâu sắc mà trước đó họ chưa thể hiểu được. Nhờ thần khí tác động, những người viết Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp đã giải thích những khía cạnh đáng kinh ngạc về ý định của Đức Giê-hô-va, và điều này mang lại lợi ích cho chúng ta (Ê-phê 3:8-11, 18). Ngày nay, những người được chọn lên trời lẫn “các chiên khác” cùng nhau nhận thức ăn thiêng liêng, cùng hấp thu những sự thật giống nhau (Giăng 10:16). Bạn có quý trọng sự hiểu biết trong Lời Đức Chúa Trời mà thần khí giúp mình hiểu không?
Phao-lô “được tràn đầy thần khí”
9. Phao-lô có thể thực hiện điều gì nhờ thần khí?
9 Khoảng một năm sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, một người khác cũng nhận được món quà thần khí của Đức Chúa Trời. Đó chính là Sau-lơ, sau này được biết đến với tên Phao-lô. Những cách mà thần khí tác động trên ông mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay. Sứ đồ Phao-lô được Đức Chúa Trời hướng dẫn để viết 14 sách trong Kinh Thánh. Và cũng như Phi-e-rơ, thần khí ban cho Phao-lô khả năng hiểu và viết một cách rõ ràng về hy vọng sống bất tử, không hư nát trên trời. Nhờ thần khí, Phao-lô chữa lành bệnh tật, đuổi ác thần và ngay cả làm người chết sống lại! Tuy nhiên, quyền phép mà ông nhận được qua thần khí có một mục đích quan trọng hơn. Đó là điều mà tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay đều cảm nghiệm được, cho dù không phải bằng phép lạ.
10. Thần khí đã ảnh hưởng thế nào đến khả năng nói của Phao-lô?
10 Phao-lô “được tràn đầy thần khí”, dạn dĩ lên án một thầy pháp. Người chịu trách nhiệm chính trên đảo Síp lắng nghe toàn bộ sự việc, và điều đó quả đã tác động đến ông. Vị quan tổng đốc này chấp nhận sự thật, “vì người rất kinh ngạc trước sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va” (Công 13:8-12). Rõ ràng, Phao-lô nhận biết tầm quan trọng của thần khí Đức Chúa Trời khi nói về sự thật (Mat 10:20). Sau này, ông xin hội thánh ở Ê-phê-sô cầu nguyện cho mình để ông “có thể dạn dĩ rao truyền”.—Ê-phê 6:18-20.
11. Thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn Phao-lô như thế nào?
11 Thần khí không chỉ ban khả năng để Phao-lô nói, nhưng đôi lúc cũng ngăn cản Phao-lô rao giảng trong một số khu vực. Khi thực hiện những chuyến hành trình truyền giáo, Phao-lô đã được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn (Công 13:2; đọc Công vụ 16:6-10). Đức Giê-hô-va vẫn hướng dẫn công việc rao giảng bằng thần khí của ngài. Như Phao-lô, tất cả tôi tớ biết vâng lời của ngài cố gắng công bố sự thật với lòng dạn dĩ và sốt sắng. Ngày nay, cách Đức Chúa Trời dùng thần khí hướng dẫn khác với thời của Phao-lô, nhưng chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va vẫn dùng thần khí để những người xứng đáng được nghe sự thật.—Giăng 6:44.
“Có nhiều việc làm khác nhau”
12-14. Thần khí Đức Chúa Trời có hoạt động cùng một cách trên tất cả tôi tớ của ngài không? Hãy giải thích.
12 Ngày nay, chúng ta được khích lệ rất nhiều khi đọc về cách Đức Giê-hô-va ban phước cho hội thánh của những người được chọn lên trời vào thế kỷ thứ nhất. Hãy ghi nhớ lời Phao-lô được hướng dẫn để viết cho hội thánh Cô-rinh-tô về món quà kỳ diệu của thần khí: “Có nhiều món quà khác nhau, nhưng chỉ có một thần khí; có nhiều công việc thánh khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa; có nhiều việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là đấng giúp mọi người làm được mọi việc” (1 Cô 12:4-6, 11). Đúng thế, thần khí có thể hoạt động nhiều cách khác nhau trên các tôi tớ khác nhau của Đức Chúa Trời vì một mục đích. Quả thật, thần khí được ban cho cả “bầy nhỏ” lẫn “các chiên khác” của Đấng Ki-tô (Lu 12:32; Giăng 10:16). Tuy nhiên, thần khí không phải lúc nào cũng hoạt động theo cùng một cách trên mỗi thành viên của hội thánh.
13 Chẳng hạn, các trưởng lão được bổ nhiệm bởi thần khí (Công 20:28). Nhưng không phải tất cả những người được chọn lên trời đều là trưởng lão hội thánh. Chúng ta có thể kết luận gì từ điều này? Đơn giản là thần khí Đức Chúa Trời hoạt động nhiều cách khác nhau trên các thành viên của hội thánh.
14 Thần khí giúp những người được chọn lên trời biết chắc họ “được nhận làm con” chính là thần khí mà Đức Giê-hô-va dùng để khiến Con một sống lại và nhận sự bất tử trên trời. (Đọc Rô-ma 8:11, 15). Đó cũng là thần khí Đức Giê-hô-va dùng để tạo nên vũ trụ (Sáng 1:1-3). Cũng với thần khí đó, Đức Giê-hô-va đã giúp Bết-sa-lê-ên có khả năng thực hiện công việc đặc biệt trong đền tạm, ban quyền năng cho Sam-sôn làm những việc đòi hỏi sức mạnh phi thường, và khiến Phi-e-rơ bước đi trên mặt nước. Vì thế, chúng ta đừng nhầm lẫn giữa việc có thần khí Đức Chúa Trời với việc được xức dầu bằng thần khí Đức Chúa Trời. Việc xức dầu là một hoạt động đặc biệt của thần khí và tùy thuộc vào sự chọn lựa của Đức Chúa Trời.
15. Việc báp-têm bằng thần khí có diễn ra mãi không? Hãy giải thích.
15 Lực hoạt động của Đức Chúa Trời tác động nhiều cách khác nhau trên các tôi tớ trung thành từ thời ban đầu, đúng vậy, từ hàng ngàn năm trước khi việc xức dầu bằng thần khí được diễn ra. Điều này bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, nhưng sẽ không kéo dài mãi mãi. Mặc dù việc báp-têm bằng thần khí sẽ chấm dứt, nhưng thần khí vẫn tiếp tục hoạt động trên dân tộc Đức Chúa Trời để giúp họ làm theo ý muốn ngài cho đến muôn đời.
16. Nhờ thần khí, các tôi tớ Đức Chúa Trời đang làm gì ngày nay?
16 Điều gì đang diễn ra trên đất nhờ thần khí Đức Giê-hô-va? Khải huyền 22:17 cho biết: “Thần khí và cô dâu nói liên tục: ‘Hãy đến!’. Và người nào nghe thì hãy nói: ‘Hãy đến!’. Ai khát, hãy đến; người nào muốn, hãy lấy nước sự sống miễn phí”. Được thúc đẩy bởi thần khí Đức Chúa Trời, tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay mở rộng lời mời dẫn đến sự sống của Đức Giê-hô-va cho “người nào muốn” nhận nước sự sống. Những tín đồ được chọn đang dẫn đầu trong công việc này. Nhưng các chiên khác cũng tham gia vào việc loan báo. Cả hai nhóm đều hợp tác với cùng một thần khí để hoàn tất công việc. Cả hai nhóm đều biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách báp-têm “nhân danh Cha, Con và thần khí” (Mat 28:19). Tất cả họ đều để thần khí hoạt động và sinh ra bông trái thần khí trong đời sống mình (Ga 5:22, 23). Như những người được chọn, các chiên khác để thần khí Đức Chúa Trời giúp họ. Với sự giúp đỡ này, họ làm hết sức nhằm theo sát những tiêu chuẩn thánh sạch của Đức Giê-hô-va.—2 Cô 7:1; Khải 7:9, 14.
Tiếp tục cầu xin thần khí
17. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có thần khí Đức Chúa Trời?
17 Dù hy vọng của bạn là sống vĩnh cửu trên trời hay trên đất, Đức Giê-hô-va vẫn cung cấp “sức lực hơn mức bình thường” để bạn giữ vững lòng trung kiên và nhận lấy phần thưởng dành cho mình (2 Cô 4:7). Việc tiếp tục rao giảng về tin mừng Nước Trời có thể khiến bạn bị chế giễu. Nhưng hãy nhớ rằng “nếu bị sỉ nhục vì danh Đấng Ki-tô thì anh em hạnh phúc, vì chính thần khí vinh hiển của Đức Chúa Trời đang ngự trên anh em”.—1 Phi 4:14.
18, 19. Qua thần khí, Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ bạn như thế nào? Và bạn quyết tâm làm gì liên quan đến điều này?
18 Thần khí là món quà Đức Chúa Trời tặng không cho những người chân thành tìm kiếm nó. Lực này không chỉ cải thiện khả năng của bạn mà còn nâng cao ước muốn để bạn làm hết sức trong việc phụng sự. “Đức Chúa Trời, là đấng thêm sinh lực cho anh em, ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để thực hiện những điều đẹp lòng ngài”. Món quà quý báu của thần khí cùng với sự cố gắng hết mình nhằm “nắm chắc lời sự sống” sẽ giúp chúng ta “tiếp tục nỗ lực để được cứu rỗi với lòng kính sợ và run rẩy”.—Phi-líp 2:12, 13, 16.
19 Vậy, với lòng tin tưởng hoàn toàn nơi thần khí Đức Chúa Trời, hãy dốc tâm huyết vào mọi công việc, trở nên khéo léo trong những gì được giao và tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va (Gia 1:5). Ngài sẽ ban những gì bạn cần để hiểu rõ Lời ngài, để đối mặt với các vấn đề trong đời sống và để rao truyền tin mừng. “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở”, và điều này cũng bao gồm việc nhận được thần khí (Lu 11:9, 13). Thật thế, hãy tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va để bạn có thể noi gương những người trung thành thời xưa cũng như thời nay, là những người được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn.
Bạn giải thích thế nào?
• Như Ma-ri, chúng ta có thể bày tỏ thái độ nào nhằm mang lại ân phước?
• Thần khí hướng dẫn Phao-lô qua những cách nào?
• Tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay được thần khí hướng dẫn ra sao?
[Hình nơi trang 24]
Thần khí Đức Chúa Trời ban cho Phao-lô khả năng đánh bại ảnh hưởng của các tà thần
[Hình nơi trang 26]
Ngày nay, thần khí Đức Chúa Trời hỗ trợ các tín đồ đạo Đấng Ki-tô, bất kể họ có hy vọng nào