Bạn có xem sự yếu đuối của con người theo quan điểm Đức Giê-hô-va?
“Trong thân thể, các bộ phận có vẻ yếu hơn lại cần thiết”.—1 CÔ 12:22.
1, 2. Tại sao Phao-lô có thể thông cảm cho người yếu đuối?
Thỉnh thoảng chúng ta đều cảm thấy yếu ớt. Một cơn cảm cúm hoặc dị ứng có lẽ khiến chúng ta yếu sức đến mức thấy khó làm các hoạt động thường ngày. Giờ đây hãy hình dung bạn cảm thấy yếu ớt, không chỉ một hoặc hai tuần nhưng liên tục nhiều tháng. Trong trường hợp này, nếu người khác thông cảm cho bạn, bạn có cảm kích không?
2 Đôi khi, sứ đồ Phao-lô cảm thấy yếu đuối vì chịu áp lực từ bên ngoài và bên trong hội thánh. Nhiều lần, ông nghĩ mình phải chịu đựng quá sức (2 Cô 1:8; 7:5). Nhớ lại cuộc đời lắm gian nan khi làm môn đồ trung thành của Chúa Giê-su, Phao-lô thừa nhận: “Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối?” (2 Cô 11:29). Nói về nhiều thành viên thuộc hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô, được ví như các bộ phận trong thân thể con người, Phao-lô cho biết những ai “có vẻ yếu hơn lại cần thiết” (1 Cô 12:22). Ý của ông là gì? Tại sao chúng ta cần xem những người có vẻ yếu hơn theo quan điểm của Đức Giê-hô-va? Và chúng ta được lợi ích nào khi hành động như thế?
QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VỀ SỰ YẾU ĐUỐI CỦA CON NGƯỜI
3. Điều gì có thể ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta đối với những người cần sự giúp đỡ trong hội thánh?
3 Chúng ta đang sống trong một thế giới cạnh tranh, nơi người ta thường đề cao sức lực và tuổi trẻ. Nhiều người sẵn sàng làm bất cứ điều gì nhằm đạt mục tiêu, xem thường cảm xúc của người yếu đuối hơn. Chúng ta không chấp nhận những hành vi như thế, nhưng có lẽ chúng ta vô tình làm nảy nở quan điểm tiêu cực đối với những người thường cần sự giúp đỡ, ngay cả trong hội thánh. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát huy quan điểm thăng bằng hơn, là quan điểm giống Đức Chúa Trời.
4, 5. (a) Làm thế nào minh họa nơi 1 Cô-rinh-tô 12:21-23 giúp chúng ta hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự yếu đuối của con người? (b) Chúng ta nhận lợi ích nào khi giúp đỡ người yếu đuối?
4 Chúng ta có thể hiểu rõ hơn quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự yếu đuối của con người qua một minh họa được ghi trong lá thư thứ nhất mà Phao-lô gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô. Nơi chương 12, Phao-lô nhắc nhở chúng ta là ngay cả những phần kém thu hút nhất hoặc yếu nhất trong cơ thể con người đều có chức năng riêng. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 12:12, 18, 21-23). Một số người tin thuyết tiến hóa không chấp nhận những khía cạnh của ý niệm này. Tuy nhiên, cuộc khám phá trong ngành phẫu thuật cho thấy các bộ phận trong cơ thể từng bị xem là vô dụng, thật ra có các chức năng cần thiếta. Chẳng hạn, một số người thắc mắc ngón chân út có hữu ích hay không; nhưng giờ đây người ta công nhận nó ảnh hưởng đến sự thăng bằng của cả cơ thể.
5 Minh họa của Phao-lô nhấn mạnh là tất cả các thành viên trong hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều hữu ích. Không như Sa-tan, kẻ tước đoạt phẩm chất của con người, Đức Giê-hô-va xem tất cả tôi tớ ngài, kể cả những người có vẻ yếu đuối hơn, là “cần thiết” (Gióp 4:18, 19). Điều này nên giúp mỗi chúng ta cảm thấy ấm lòng về vai trò của mình ở hội thánh địa phương cũng như thuộc hội thánh của dân Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Chẳng hạn, hãy nhớ có lần bạn sẵn sàng giúp người cao tuổi đang cần sự giúp đỡ. Chẳng phải bạn và người ấy đều nhận lợi ích hay sao? Thật vậy, khi đáp ứng nhu cầu của người khác, chúng ta cảm nghiệm niềm vui khi chăm sóc họ, chúng ta càng kiên nhẫn, yêu thương và thành thục hơn (Ê-phê 4:15, 16). Cha yêu thương trên trời của chúng ta biết rằng hội thánh nào quý trọng mọi thành viên, bất kể những giới hạn của họ, thì hội thánh ấy phản ánh sự thăng bằng và yêu thương.
6. Phao-lô có ý gì khi dùng cụm từ “yếu” và “mạnh”?
6 Điều đáng chú ý là trong thư gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô, Phao-lô dùng cụm từ “yếu kém” và “yếu đuối” để nói về ông cũng như quan điểm của người không tin đạo đối với tín đồ vào thế kỷ thứ nhất (1 Cô 1:26, 27; 2:3). Khi dùng từ “mạnh” để nói đến một số tín đồ, Phao-lô không có ý cho rằng họ hơn người khác (Rô 15:1). Thay vì thế, ông cho biết các tín đồ có kinh nghiệm hơn nên kiên nhẫn với những người chưa vững vàng trong sự thật.
CHÚNG TA CÓ CẦN ĐIỀU CHỈNH QUAN ĐIỂM?
7. Điều gì có thể khiến chúng ta do dự giúp người cần sự hỗ trợ?
7 Khi trợ giúp người “khốn-cùng”, không những chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va mà còn được ngài chấp nhận (Thi 41:1; Ê-phê 5:1). Đúng là đôi khi chúng ta có quan điểm tiêu cực về những người cần được giúp đỡ, nên có lẽ chúng ta do dự việc hỗ trợ họ. Hoặc vì không biết chắc mình nên nói gì, có lẽ chúng ta cảm thấy ngại và né tránh một số người đang gặp gian nan. Chị Cynthiab, bị chồng bỏ, cho biết: “Nếu anh em tránh mặt hoặc không hành động như người bạn thân, điều này có thể gây tổn thương. Khi gặp thử thách, bạn cần có người ở quanh mình”. Vua Đa-vít cũng hiểu cảm giác bị người khác né tránh.—Thi 31:12.
8. Điều gì sẽ giúp chúng ta trở nên thông cảm hơn?
8 Rất có thể chúng ta sẽ thông cảm hơn nếu nhớ rằng vài anh chị thân yêu của mình đã trở nên yếu đuối vì hoàn cảnh cam go—sức khỏe kém, sống trong gia đình không cùng tôn giáo, hoặc đối phó với bệnh trầm cảm. Có lẽ một ngày nào đó, chính chúng ta cũng lâm vào hoàn cảnh như thế. Trước khi vào Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên, từng nghèo đói và yếu đuối trong xứ Ai Cập, được nhắc nhở là không nên “cứng lòng” trước anh em khốn khổ. Đức Giê-hô-va đòi hỏi họ phải xem người nghèo là người đáng được giúp đỡ.—Phục 15:7, 11; Lê 25:35-38.
9. Chúng ta nên ưu tiên điều gì khi giúp những người đang gặp gian nan? Hãy minh họa.
9 Thay vì xét đoán hoặc nghi ngờ, chúng ta nên giúp đỡ về tâm linh cho những người đang đương đầu với hoàn cảnh không mong muốn (Gióp 33:6, 7; Mat 7:1). Hãy xem minh họa: Người lái xe mô-tô bị thương trong một tai nạn giao thông được đưa đến khu cấp cứu, liệu các nhân viên y tế có cố gắng xác định xem có phải người này gây ra tai nạn không? Không, họ lập tức cấp cứu bệnh nhân. Tương tự thế, nếu một anh em đồng đạo yếu đuối do các vấn đề cá nhân, chúng ta nên ưu tiên giúp người này về tâm linh.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14.
10. Làm sao một số người có vẻ yếu đuối hơn lại thật sự “giàu có về đức tin”?
10 Nếu dành thời gian nghĩ đến hoàn cảnh của anh em, có lẽ chúng ta sẽ có cái nhìn khác về những ai có vẻ yếu đuối. Hãy nghĩ đến các chị đã chịu đựng cảnh gia đình chống đối trong nhiều năm. Một số có thể có bề ngoài khiêm tốn và yếu đuối, nhưng chẳng phải họ đã thể hiện đức tin nổi bật và sức mạnh nội tâm hay sao? Khi thấy một người mẹ đơn thân cùng con đều đặn đi nhóm họp, bạn có ấn tượng trước đức tin và lòng quyết tâm của chị ấy không? Và nói sao về các thanh thiếu niên gắn bó với sự thật dù ở trường có nhiều ảnh hưởng xấu? Nếu khiêm tốn, chúng ta nhận ra rằng những người có vẻ yếu đuối hơn có thể “giàu có về đức tin” như các anh chị trong hoàn cảnh thuận lợi hơn.—Gia 2:5.
ĐIỀU CHỈNH QUAN ĐIỂM CỦA BẠN PHÙ HỢP VỚI QUAN ĐIỂM ĐỨC CHÚA TRỜI
11, 12. (a) Điều gì giúp chúng ta điều chỉnh quan điểm về sự yếu đuối của con người? (b) Chúng ta học được gì về cách Đức Giê-hô-va đối xử với A-rôn?
11 Chúng ta được giúp để điều chỉnh quan điểm về sự yếu đuối của con người sao cho phù hợp với quan điểm Đức Giê-hô-va qua việc xem xét cách ngài giải quyết vấn đề liên quan đến một số tôi tớ ngài. (Đọc Thi-thiên 130:3). Chẳng hạn, nếu ở cùng Môi-se khi A-rôn làm tượng bò vàng, bạn cảm thấy thế nào về lời biện hộ không đủ sức thuyết phục của A-rôn? (Xuất 32:21-24). Hoặc bạn nghĩ thế nào về thái độ của A-rôn, dưới tác động của chị là Mi-ri-am, chỉ trích việc Môi-se lấy vợ ngoại? (Dân 12:1, 2). Bạn sẽ phản ứng thế nào khi A-rôn và Môi-se không tôn vinh Đức Giê-hô-va, lúc ngài cung cấp nước bằng phép lạ tại Mê-ri-ba?—Dân 20:10-13.
12 Trong mỗi tình huống kể trên, Đức Giê-hô-va đã có thể phạt A-rôn ngay lúc đó. Nhưng ngài nhận thấy A-rôn không phải là người xấu hoặc hoàn toàn chịu trách nhiệm cho điều đã xảy ra. Dường như A-rôn để cho hoàn cảnh hoặc sự tác động của người khác khiến ông đi trệch khỏi con đường đúng. Tuy nhiên, khi đứng trước lỗi lầm của mình, ông sẵn sàng thừa nhận và ủng hộ sự phán xét của Đức Giê-hô-va (Xuất 32:26; Dân 12:11; 20:23-27). Đức Giê-hô-va tập trung vào đức tin và thái độ ăn năn của A-rôn. Nhiều thế kỷ sau, A-rôn và con cháu ông được biết đến là những người kính sợ Đức Giê-hô-va.—Thi 115:10-12; 135:19, 20.
13. Chúng ta có thể xem xét gì về cảm nhận của mình đối với sự yếu đuối của con người?
13 Để điều chỉnh quan điểm theo cách của Đức Giê-hô-va, chúng ta nên xem xét quan điểm của mình về những người có vẻ yếu đuối (1 Sa 16:7). Chẳng hạn, chúng ta phản ứng ra sao nếu một thanh thiếu niên không thận trọng trong việc lựa chọn hình thức giải trí hoặc khi có thái độ bất cẩn? Thay vì chỉ trích thái quá, sao không nghĩ đến điều mình có thể làm để giúp em ấy thành thục hơn? Chúng ta có thể chủ động trợ giúp những người cần được giúp đỡ, và khi làm thế, chúng ta thật sự tiến bộ trong sự hiểu biết và tình yêu thương.
14, 15. (a) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về sự thiếu can đảm nhất thời của Ê-li? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ kinh nghiệm của Ê-li?
14 Chúng ta cũng được giúp để mở rộng quan điểm của mình với người khác qua việc so sánh lối suy nghĩ của mình với hành động của Đức Giê-hô-va đối với một số tôi tớ của ngài đang xuống tinh thần. Ê-li là một người trong số ấy. Dù can đảm thách thức 450 nhà tiên tri của Ba-anh, nhưng Ê-li chạy trốn hoàng hậu Giê-sa-bên khi biết bà ấy đang lập mưu giết mình. Sau khi đi bộ khoảng 150km để tới Bê-e-Sê-ba, ông đi sâu vào đồng vắng. Kiệt sức vì đi bộ dưới cái nắng như thiêu đốt, nhà tiên tri ngồi dưới gốc cây và “xin chết”.—1 Vua 18:19; 19:1-4.
15 Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi ngài nhìn xuống và thấy nhà tiên tri trung thành của mình trong tình trạng tuyệt vọng? Ngài có bỏ tôi tớ của mình do ông nhất thời nản lòng và thiếu can đảm không? Dĩ nhiên không! Đức Giê-hô-va nghĩ đến những giới hạn của Ê-li và phái một thiên sứ đến. Cả hai lần, thiên sứ khuyến khích Ê-li ăn. Vì thế, cuộc hành trình kế tiếp sẽ không “xa quá cho [ông]”. (Đọc 1 Các Vua 19:5-8). Thật vậy, ngay cả trước khi đưa ra chỉ dẫn nào, Đức Giê-hô-va đều lắng nghe nhà tiên tri của ngài và có biện pháp cụ thể để nâng đỡ ông.
16, 17. Làm sao chúng ta có thể noi theo cách Đức Giê-hô-va chăm sóc Ê-li?
16 Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Chúa Trời hay chăm sóc của chúng ta? Chúng ta không nên vội vàng cho lời khuyên (Châm 18:13). Sẽ tốt hơn nếu lúc đầu dành thời gian để biểu lộ sự cảm thông với những người có lẽ nghĩ rằng mình “ít được tôn trọng” do hoàn cảnh riêng của họ (1 Cô 12:23). Rồi chúng ta mới có thể hành động phù hợp, tùy theo nhu cầu thật sự.
17 Chẳng hạn, hãy nghĩ đến chị Cynthia, được đề cập ở trên, chị bị chồng bỏ và để lại hai con gái. Mẹ con chị cảm thấy đơn độc. Một số anh em Nhân Chứng đã làm gì? Chị cho biết: “Sau khi tôi gọi điện báo cho họ biết điều đã xảy ra, trong vòng 45 phút, họ đã có mặt tại nhà chúng tôi. Họ rơi lệ và không để chúng tôi đơn độc trong hai, ba ngày đầu. Vì chúng tôi không ăn uống đàng hoàng và rất buồn, nên họ đưa chúng tôi về sống chung một thời gian”. Rất có thể điều này gợi lên trong trí bạn lời của Gia-cơ: “Nếu anh chị nào thiếu mặc và không có đủ thức ăn trong ngày, nhưng một người trong anh em nói với người ấy: ‘Hãy đi bình an, ăn cho no và mặc cho ấm’ mà chẳng cho họ những thứ cần thiết cho sự sống thì có ích chi? Cũng thế, đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gia 2:15-17). Nhờ sự hỗ trợ đúng lúc của anh em đồng đạo, chỉ sáu tháng sau khi bi kịch xảy ra, chị Cynthia và hai con gái có đủ nghị lực để làm tiên phong phụ trợ.—2 Cô 12:10.
LỢI ÍCH CHO NHIỀU NGƯỜI
18, 19. (a) Làm sao chúng ta có thể giúp những người nhất thời yếu đuối? (b) Ai nhận lợi ích khi chúng ta giúp đỡ những người cảm thấy mình yếu đuối?
18 Nếu chúng ta bị bệnh đã lâu thì cần có thời gian để hồi phục. Tương tự thế, một tín đồ bị yếu đuối vì khó khăn riêng hoặc hoàn cảnh cam go có lẽ cũng cần thời gian để lấy lại sức mạnh về tâm linh. Thật vậy, anh em đồng đạo của chúng ta cần củng cố đức tin qua việc học hỏi cá nhân, cầu nguyện và tham gia vào các hoạt động của hội thánh. Nhưng liệu chúng ta có kiên nhẫn cho đến khi người đó lấy lại thăng bằng không? Và trong giai đoạn hồi phục ấy, chúng ta có biểu lộ tình yêu thương bền vững không? Chúng ta có cố gắng giúp những người nhất thời yếu đuối cảm thấy có giá trị và cảm nhận tình yêu thương mà chúng ta dành cho họ không?—2 Cô 8:8.
19 Đừng bao giờ quên rằng khi hỗ trợ anh em, chúng ta cảm nghiệm niềm vui mà chỉ sự ban cho mới đem lại. Chúng ta cũng vun trồng khả năng biểu lộ lòng cảm thông và kiên nhẫn. Nhưng còn nhiều hơn nữa. Sự nồng ấm và tình yêu thương của cả hội thánh ngày càng gia tăng. Trên hết, chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va, đấng xem mỗi cá nhân là quý giá. Thật vậy, mỗi chúng ta đều có lý do chính đáng để làm theo lời khuyên là hãy “giúp đỡ những người yếu đuối”.—Công 20:35.
a Trong sách nói về nguồn gốc con người (The Descent of Man), Charles Darwin miêu tả một số cơ quan của cơ thể là “vô dụng”. Một trong những người ủng hộ ông khẳng định rằng có hàng chục “cơ quan vết tích” trong cơ thể con người, kể cả ruột thừa và tuyến ức.
b Tên đã được thay đổi.