CHƯƠNG 30
“Hãy bước đi trong sự yêu-thương”
1-3. Khi chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va biểu hiện tình yêu thương, kết quả là gì?
“BAN CHO thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Những lời nói đó của Chúa Giê-su nhấn mạnh đến một sự thật quan trọng: Tình yêu thương vị tha mang lại phần thưởng. Dù được nhiều hạnh phúc khi tiếp nhận tình yêu thương nhưng hạnh phúc hơn khi ban cho, tức biểu hiện, tình yêu thương đối với người khác.
2 Không ai hiểu rõ điều này bằng Cha chúng ta ở trên trời. Như chúng ta thấy trong những chương trước, Đức Giê-hô-va là gương mẫu tột bậc về tình yêu thương. Không ai biểu hiện tình yêu thương lớn hơn hoặc trong thời gian dài hơn Ngài. Vậy, Đức Giê-hô-va được gọi là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” thì có gì đáng ngạc nhiên không?—1 Ti-mô-thê 1:11.
3 Đức Chúa Trời yêu thương muốn chúng ta gắng sức noi gương Ngài, nhất là trong việc biểu hiện tình yêu thương. Ê-phê-sô 5:1, 2 nói với chúng ta: “Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài; hãy bước đi trong sự yêu-thương”. Khi noi gương Đức Giê-hô-va trong việc biểu hiện tình yêu thương, chúng ta cảm nghiệm được niềm hạnh phúc lớn hơn từ việc ban cho. Chúng ta cũng mãn nguyện nhờ biết mình làm Đức Giê-hô-va hài lòng, vì Lời Ngài thúc giục chúng ta “yêu-thương nhau”. (Rô-ma 13:8) Nhưng chúng ta phải “bước đi trong sự yêu-thương” vì những lý do khác nữa.
Tại sao tình yêu thương là thiết yếu?
4, 5. Tại sao việc chúng ta biểu hiện tình yêu thương quên mình đối với anh em cùng đức tin là quan trọng?
4 Tại sao việc chúng ta biểu hiện tình yêu thương đối với anh em cùng đức tin là quan trọng? Nói một cách đơn giản, tình yêu thương là điều cốt yếu của đạo thật Đấng Christ. Không có tình yêu thương chúng ta không thể có quan hệ gắn bó với anh em tín đồ Đấng Christ, và quan trọng hơn, chúng ta chẳng có chút giá trị gì trước mắt Đức Giê-hô-va. Hãy xem Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh những lẽ thật này như thế nào.
5 Vào đêm cuối sống trên đất, Chúa Giê-su phán với các môn đồ: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:34, 35) “Như ta đã yêu các ngươi thể nào”—đúng vậy, chúng ta được lệnh phải biểu lộ loại tình yêu thương mà Chúa Giê-su đã biểu hiện. Trong Chương 29, chúng ta đã nhận biết rằng Chúa Giê-su đã nêu gương mẫu tuyệt vời trong việc biểu hiện tình yêu thương vị tha, ngài đặt nhu cầu và lợi ích của người khác lên trên chính bản thân. Chúng ta cũng phải biểu hiện tình yêu thương vị tha, và thể hiện rõ ràng đến độ tình yêu thương ấy hiển nhiên ngay cả đối với những người ngoài hội thánh tín đồ Đấng Christ. Thật thế, tình yêu thương quên mình vì anh em là đặc điểm khiến chúng ta được nhận biết là môn đồ thật của Đấng Christ.
6, 7. (a) Làm sao chúng ta biết rằng Lời Đức Giê-hô-va đánh giá cao việc biểu hiện tình yêu thương? (b) Lời của Phao-lô ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8 tập trung vào khía cạnh nào của tình yêu thương?
6 Nếu lòng chúng ta thiếu tình yêu thương thì sao? Sứ đồ Phao-lô nói: “Nếu không có tình yêu-thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập-chỏa vang tiếng”. (1 Cô-rinh-tô 13:1) Chập chỏa, tức chũm chọe, phát ra tiếng chan chát khi va vào nhau. Còn tiếng đồng kêu như thế nào? Các bản dịch khác nói “thanh la phèng phèng” hay “chuông đồng inh ỏi”. Thật là những minh họa thích hợp thay! Người không có tình yêu thương giống như một nhạc cụ phát ra âm thanh ầm ĩ, chói tai khiến người ta tránh xa thay vì đến gần. Người như thế làm sao có được mối quan hệ mật thiết với người khác? Phao-lô cũng nói: “Dầu tôi có cả đức-tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu-thương, thì tôi chẳng ra gì”. (1 Cô-rinh-tô 13:2) Hãy thử tưởng tượng, một người không có tình yêu thương là “người vô dụng” bất luận y có khả năng thực hiện bất cứ điều gì! (Bản Diễn Ý) Chẳng phải là Lời Đức Giê-hô-va rõ ràng đánh giá cao việc biểu hiện tình yêu thương sao?
7 Tuy nhiên, chúng ta có thể biểu hiện đức tính này như thế nào trong cách đối xử với người khác? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy xem xét những lời của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8. Trọng tâm những câu này không phải là tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, cũng không phải tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Thay vì vậy, Phao-lô tập trung vào cách chúng ta phải biểu hiện tình yêu thương đối với nhau. Ông miêu tả thế nào là tình yêu thương và thế nào không phải là tình yêu thương.
Thế nào là tình yêu thương?
8. Sự nhịn nhục giúp chúng ta như thế nào khi tiếp xúc với người khác?
8 “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục”. Nhịn nhục có nghĩa là kiên nhẫn chịu đựng người khác. (Cô-lô-se 3:13) Chẳng phải chúng ta cần kiên nhẫn như thế sao? Là người bất toàn sánh vai phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta nên thực tế nhận biết thỉnh thoảng anh em tín đồ Đấng Christ có thể làm chúng ta bực mình và ngược lại. Nhưng tính kiên nhẫn và nhẫn nhịn giúp chúng ta xử trí những va chạm nhỏ nhặt khi tiếp xúc với người khác—mà không làm xáo động sự hòa thuận trong hội thánh.
9. Chúng ta có thể biểu lộ lòng tử tế với người khác bằng những cách nào?
9 “Tình yêu-thương hay nhân-từ”. Lòng nhân từ được thể hiện qua hành động giúp đỡ và lời nói ân cần. Tình yêu thương thôi thúc chúng ta tìm cách biểu hiện lòng tử tế, nhất là với những người rất cần sự giúp đỡ. Chẳng hạn, một anh lớn tuổi có thể cô đơn, cần được viếng thăm và khích lệ. Một người mẹ đơn chiếc hoặc một chị sống trong gia đình không đồng nhất về tôn giáo có thể cần được nâng đỡ. Một người đau yếu hoặc đang đối đầu với nghịch cảnh có thể cần nghe những lời tử tế của một người bạn trung thành. (Châm-ngôn 12:25; 17:17) Chủ động biểu lộ lòng tử tế bằng những cách ấy chứng tỏ tình yêu thương của chúng ta là chân thật.—2 Cô-rinh-tô 8:8.
10. Tình yêu thương giúp chúng ta ủng hộ lẽ thật và nói sự thật như thế nào, dù cho việc ấy không dễ dàng?
10 “Tình yêu thương... vui trong lẽ thật”. Một bản dịch khác nói: “Tình yêu thương... vui mừng đứng về phía lẽ thật”. Tình yêu thương thôi thúc chúng ta ủng hộ lẽ thật và “lấy điều thật nói cùng kẻ lân-cận mình”. (Xa-cha-ri 8:16) Chẳng hạn, nếu một người thân dính líu vào trọng tội, tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va—và đối với người lầm lỗi—sẽ giúp chúng ta trung thành với những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thay vì tìm cách giấu giếm, bào chữa, hoặc thậm chí nói dối về chuyện sai trái. Công nhận rằng đối diện với sự thật có thể khó. Nhưng quan tâm đến lợi ích tốt nhất của người thân, chúng ta muốn người đó tiếp nhận và đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời, được biểu hiện qua việc sửa phạt. (Châm-ngôn 3:11, 12) Là những tín đồ Đấng Christ đầy yêu thương, chúng ta cũng muốn “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”.—Hê-bơ-rơ 13:18.
11. Vì tình yêu thương “hay dung-thứ mọi sự”, chúng ta phải cố gắng làm gì trước những sai sót của anh em đồng đức tin?
11 “Tình yêu-thương hay dung-thứ mọi sự”. Câu này có nghĩa đen là “tình yêu thương che đậy mọi việc”. (Kingdom Interlinear) Nơi 1 Phi-e-rơ 4:8, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”. Thật vậy, tín đồ Đấng Christ được tình yêu thương hướng dẫn không hăm hở vạch ra những bất toàn, sai sót của anh em mình. Trong nhiều trường hợp, các lỗi lầm và sai sót của anh em đồng đức tin là nhỏ nhặt và có thể được che lấp bởi tình yêu thương.—Châm-ngôn 10:12; 17:9.
12. Sứ đồ Phao-lô cho thấy ông tin điều tốt nhất về Phi-lê-môn như thế nào, và chúng ta có thể học được điều gì từ gương của Phao-lô?
12 “Tình yêu-thương... tin mọi sự”. Bản dịch của Moffatt nói rằng tình yêu thương “luôn sốt sắng tin điều tốt nhất”. Chúng ta không nghi ngờ vô căn cứ, đặt nghi vấn về mọi động cơ của những anh em cùng đức tin. Tình yêu thương giúp chúng ta “tin điều tốt nhất” về anh em và tin tưởng họ.a Hãy lưu ý một gương trong lá thư Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn. Ô-nê-sim là người nô lệ trốn chủ, sau trở thành tín đồ Đấng Christ. Phao-lô viết thư nhằm khuyến khích Phi-lê-môn ân cần tiếp đón Ô-nê-sim trở về. Thay vì cố ép buộc Phi-lê-môn, Phao-lô đã thỉnh cầu dựa trên tình yêu thương. Ông bày tỏ lòng tin chắc Phi-lê-môn sẽ làm điều đúng khi nói rằng: “Tôi viết cho anh, đã tin chắc anh hay vâng lời, biết anh sẽ làm quá sự tôi nói đây”. (Câu 21) Khi tình yêu thương thôi thúc chúng ta bày tỏ lòng tin tưởng như thế nơi các anh em, chúng ta giúp họ bộc lộ những đức tính tốt đẹp nhất.
13. Bằng cách nào có thể cho thấy chúng ta hy vọng điều tốt nhất cho anh em?
13 “Tình yêu-thương... trông-cậy mọi sự [“hy vọng tất cả”, “BDY”]”. Tuy tin tưởng người khác nhưng tình yêu thương cũng hy vọng. Tình yêu thương thôi thúc chúng ta hy vọng điều tốt nhất cho anh em. Thí dụ, nếu một anh “tình-cờ phạm lỗi gì”, chúng ta hy vọng anh ấy sẽ hưởng ứng nỗ lực đầy yêu thương nhằm sửa anh ấy lại. (Ga-la-ti 6:1) Chúng ta cũng hy vọng rằng những ai yếu đức tin sẽ hồi phục. Chúng ta kiên nhẫn với những người như thế, hết sức giúp đức tin họ trở nên mạnh. (Rô-ma 15:1; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Ngay cả khi một người thân bị lầm lạc, chúng ta cũng tiếp tục hy vọng rằng ngày nào đó người ấy sẽ tỉnh ngộ và trở lại với Đức Giê-hô-va, giống như người con hoang đàng trong minh họa của Chúa Giê-su.—Lu-ca 15:17, 18.
14. Tính chịu đựng của chúng ta có thể bị thử thách qua những cách nào trong hội thánh, và tình yêu thương sẽ giúp chúng ta phản ứng ra sao?
14 “Tình yêu-thương... nín-chịu mọi sự”. Tính nín chịu, tức chịu đựng, giúp chúng ta đứng vững trước những khó khăn hoặc những điều làm mình thất vọng. Những điều thử thách tính chịu đựng không chỉ xuất phát từ bên ngoài hội thánh. Có những lúc chúng ta có thể bị thử thách ngay trong hội thánh. Vì bất toàn, có khi anh em làm cho chúng ta thất vọng. Một lời nói thiếu suy nghĩ có thể làm tổn thương tình cảm chúng ta. (Châm-ngôn 12:18) Có lẽ một vấn đề trong hội thánh không được xử lý theo cách chúng ta muốn. Cách xử sự của một anh có uy tín có thể khiến chúng ta bực bội, và tự hỏi: ‘Làm sao một tín đồ Đấng Christ lại có thể hành động như thế?’ Khi đối diện những tình huống như thế, chúng ta sẽ bỏ hội thánh và ngừng phụng sự Đức Giê-hô-va chăng? Không, nếu như chúng ta có tình yêu thương! Vâng, tình yêu thương không để cho chúng ta mất sáng suốt vì lỗi lầm của một anh, đến nỗi không nhận thấy cái tốt của anh ấy hoặc của hội thánh nói chung. Tình yêu thương giúp chúng ta tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời và ủng hộ hội thánh, bất kể lời nói hay hành động nào của một người bất toàn.—Thi-thiên 119:165.
Thế nào không phải là tình yêu thương?
15. Tính ghen tị là gì, và làm thế nào tình yêu thương giúp chúng ta tránh được cảm xúc tai hại này?
15 “Tình yêu-thương chẳng ghen-tị”. Tính ghen tị có thể khiến chúng ta đố kỵ vì những gì người khác có—tài sản, đặc ân hoặc tài năng. Tính ghen tị là một cảm xúc ích kỷ, tai hại, và nếu không kiềm chế có thể xáo động sự hòa thuận của hội thánh. Điều gì sẽ giúp chúng ta chống lại khuynh hướng hay ghen tị? Ấy là tình yêu thương. Đức tính quý báu này có thể giúp chúng ta vui mừng cùng những người dường như có các ưu điểm nào đó mà chính chúng ta không có. (Rô-ma 12:15) Khi người khác được khen ngợi về khả năng hiếm có hoặc một thành tựu nổi bật nào đó, nếu có tình yêu thương chúng ta không nghĩ rằng mình bị sỉ nhục.
16. Nếu thật sự yêu thương anh em, tại sao chúng ta tránh khoe khoang về những điều đang làm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?
16 “Tình yêu-thương... chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu-ngạo”. Tình yêu thương kiềm chế không cho chúng ta khoe khoang tài năng hoặc những thành quả của mình. Nếu thật sự yêu thương anh em, làm sao chúng ta có thể thường xuyên khoe khoang thành quả trong thánh chức hoặc những đặc ân trong hội thánh? Khoe khoang như thế có thể làm nản lòng người khác, khiến họ cảm thấy thua kém. Tình yêu thương không cho phép chúng ta khoe khoang về những đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong thánh chức. (1 Cô-rinh-tô 3:5-9) Suy cho cùng, tình yêu thương “chẳng lên mình kiêu-ngạo”, hay theo bản dịch khác, tình yêu thương không “nuôi dưỡng những ý nghĩ tự cao về tầm quan trọng của riêng mình”. Tình yêu thương không để cho chúng ta có quan điểm tự cao.—Rô-ma 12:3.
17. Tình yêu thương thôi thúc chúng ta biểu lộ sự quan tâm nào đến người khác, và do đó chúng ta sẽ tránh loại hạnh kiểm nào?
17 “Tình yêu-thương... chẳng làm điều trái phép”. Một người cư xử trái phép khi hành động thiếu tư cách hoặc xúc phạm đến người khác. Cư xử như thế là thiếu yêu thương, vì điều đó bộc lộ thái độ hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc và hạnh phúc của người khác. Ngược lại, tình yêu thương bao hàm lòng tử tế thôi thúc chúng ta tỏ ra quan tâm đến người khác. Tình yêu thương phát huy phong cách cư xử lịch sự, hạnh kiểm đẹp lòng Đức Chúa Trời và lòng tôn trọng đối với anh em cùng đức tin. Do đó, tình yêu thương sẽ không cho phép chúng ta phạm những hành vi đáng xấu hổ—thật vậy, bất cứ hành vi nào gây sửng sốt hoặc xúc phạm đến anh em tín đồ Đấng Christ.—Ê-phê-sô 5:3, 4.
18. Tại sao một người có tình yêu thương không đòi hỏi mọi việc phải theo ý mình?
18 “Tình yêu-thương... chẳng kiếm tư-lợi”. Một bản dịch khác nói: “Tình yêu thương không khăng khăng theo ý mình”. Người có tình yêu thương không đòi hỏi mọi việc phải theo ý mình, như thể ý kiến mình luôn luôn đúng. Người ấy không thao túng người khác, dùng khả năng thuyết phục để áp đảo những người có quan điểm khác mình. Tính cố chấp như thế bộc lộ một mức độ kiêu ngạo, và Kinh Thánh nói: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau”. (Châm-ngôn 16:18) Nếu thật sự yêu thương anh em, chúng ta sẽ tôn trọng quan điểm của họ, và nếu có thể được, chúng ta sẵn lòng nhân nhượng. Tinh thần nhân nhượng hòa hợp với lời của Phao-lô: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.
19. Tình yêu thương giúp chúng ta phản ứng thế nào khi bị người khác xúc phạm?
19 “Tình yêu-thương... chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ [“không ghi nhớ việc dữ”, “Bản Dịch Mới”]”. Tình yêu thương không dễ dàng nóng giận vì lời nói hoặc hành động của người khác. Đành rằng bực tức cũng chỉ là điều tự nhiên khi bị người khác xúc phạm. Nhưng dù giận có lý do chính đáng, tình yêu thương không để cho chúng ta tiếp tục căm giận. (Ê-phê-sô 4:26, 27) Chúng ta sẽ không ghi nhớ những lời nói hoặc hành động gây đau lòng ấy như thể ghi vào một sổ kế toán để khỏi quên. Thay vì thế, tình yêu thương thôi thúc chúng ta noi gương Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta. Như Chương 26 cho thấy, Đức Giê-hô-va tha thứ khi có lý do chính đáng. Khi tha thứ, Ngài quên đi, nghĩa là Ngài không phạt chúng ta về những tội lỗi ấy trong tương lai. Đức Giê-hô-va chẳng ghi nhớ việc dữ; chúng ta không biết ơn Ngài sao?
20. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao nếu một anh em cùng đức tin mắc bẫy tội lỗi và gánh chịu hậu quả thảm hại?
20 “Tình yêu-thương... chẳng vui về điều không công-bình”. Một bản Kinh Thánh viết: “Tình yêu thương... không vui mừng khi thấy người khác phạm tội”. Bản dịch của Moffatt nói: “Tình yêu thương không vui mừng khi người khác lầm lạc”. Tình yêu thương không lấy làm vui thú điều không công bình nên chúng ta không dung túng bất cứ hình thức vô luân nào. Chúng ta phản ứng ra sao nếu một anh em cùng đức tin mắc bẫy tội lỗi và gánh chịu hậu quả thảm hại? Tình yêu thương không cho phép chúng ta vui mừng, như thể nói: ‘Tốt! Như vậy là đáng lắm!’ (Châm-ngôn 17:5) Tuy nhiên, chúng ta vui mừng khi một anh em đã lầm lỗi thực hiện những bước tích cực nhằm hồi phục sau khi sa ngã về thiêng liêng.
“Con đường tốt-lành hơn”
21-23. (a) Phao-lô muốn nói gì khi viết “tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”? (b) Điều gì sẽ được xem xét trong chương cuối?
21 “Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”. Phao-lô muốn nói gì qua những lời này? Văn cảnh cho thấy ông đang bàn về những khả năng kỳ diệu mà Đức Chúa Trời ban cho các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu qua thánh linh. Những khả năng ấy là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời ban ân huệ cho hội thánh mới thành lập. Nhưng không phải tất cả các tín đồ Đấng Christ đều có thể chữa bệnh, nói tiên tri, hoặc nói tiếng ngoại quốc. Tuy nhiên, điều ấy không quan trọng; cuối cùng những điều mầu nhiệm ấy sẽ hết. Dù vậy, vẫn còn lại một điều khác, một điều mà mọi tín đồ Đấng Christ đều có thể vun trồng. Điều đó ưu việt hơn, lâu bền hơn bất cứ khả năng mầu nhiệm nào. Thật vậy, Phao-lô gọi điều ấy là “con đường tốt-lành hơn”. (1 Cô-rinh-tô 12:31) “Con đường tốt-lành hơn” này là gì? Đó là đường lối yêu thương.
Dân Đức Giê-hô-va được nhận diện bởi tình yêu thương lẫn nhau
22 Thật vậy, tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ mà Phao-lô miêu tả “chẳng hề hư-mất bao giờ”, nghĩa là sẽ không bao giờ dứt. Cho đến ngày nay, tình yêu thương quên mình này là đặc điểm phân biệt các môn đồ thật của Chúa Giê-su. Chúng ta không thấy bằng chứng của tình yêu thương như thế trong các hội thánh của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va trên khắp đất sao? Tình yêu thương đó sẽ tồn tại mãi, vì Đức Giê-hô-va hứa ban sự sống đời đời cho những tôi tớ trung thành của Ngài. (Thi-thiên 37:9-11, 29) Mong sao chúng ta tiếp tục cố gắng hết sức “bước đi trong sự yêu-thương”. Làm thế, chúng ta hưởng nhiều hạnh phúc hơn vì chúng ta cho. Hơn thế nữa, chúng ta có thể tiếp tục sống—vâng, tiếp tục yêu thương—mãi mãi, theo gương Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta.
23 Chương này kết thúc phần nói về tình yêu thương, trong đó chúng ta đã bàn về cách biểu lộ tình yêu thương lẫn nhau. Nhưng vì hưởng lợi ích qua nhiều cách nhờ tình yêu thương của Đức Giê-hô-va—cũng như nhờ quyền năng, sự công bình, khôn ngoan của Ngài—chúng ta nên tự hỏi: ‘Làm thế nào tôi có thể chứng tỏ với Đức Giê-hô-va tôi thật sự yêu mến Ngài?’ Câu hỏi này sẽ được xem xét trong chương cuối.
a Dĩ nhiên, tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ chẳng phải là nhẹ dạ cả tin. Kinh Thánh khuyên giục chúng ta: “Coi chừng những kẻ gây nên bè-đảng và làm gương xấu... Phải tránh xa họ đi”.—Rô-ma 16:17.