BÀI HỌC 49
Sự sống lại—Một hy vọng chắc chắn!
“Tôi có hy vọng nơi Đức Chúa Trời,... đó là sẽ có sự sống lại”.—CÔNG 24:15.
BÀI HÁT 151 Chúa sẽ gọi
GIỚI THIỆUa
1, 2. Những người thờ phượng thật có hy vọng tuyệt vời nào?
Hy vọng là điều rất quan trọng trong đời sống. Một số người hy vọng rằng họ sẽ có hôn nhân hạnh phúc, con cái khỏe mạnh hoặc được thoát khỏi một căn bệnh nặng. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta không chỉ hy vọng những điều đó. Điều chúng ta mong mỏi nhất là được sống đời đời và gặp lại những người thân đã mất.
2 Sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi có hy vọng nơi Đức Chúa Trời,... đó là sẽ có sự sống lại của người công chính và không công chính” (Công 24:15). Phao-lô không phải là người đầu tiên nói đến hy vọng về sự sống lại. Tộc trưởng Gióp cũng từng nói về điều này. Ông tin chắc rằng Đức Chúa Trời nhớ đến ông và sẽ làm cho ông sống lại.—Gióp 14:7-10, 12-15.
3. Tại sao chúng ta có thể nhận được lợi ích từ 1 Cô-rinh-tô chương 15?
3 “Sự sống lại” là một phần của “nền”, hay “giáo lý căn bản”, trong toàn bộ sự dạy dỗ của đạo Đấng Ki-tô (Hê 6:1, 2). Phao-lô nói nhiều về sự sống lại nơi 1 Cô-rinh-tô chương 15. Hẳn những gì ông viết đã khích lệ các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Chương này cũng sẽ khích lệ chúng ta và củng cố niềm hy vọng mà có lẽ chúng ta có từ lâu.
4. Cơ sở cho hy vọng về sự sống lại của những người thân yêu đã qua đời là gì?
4 Sự sống lại của Chúa Giê-su là cơ sở cho hy vọng về sự sống lại của những người thân yêu đã qua đời. Đó là một phần trong “tin mừng” mà Phao-lô rao truyền cho người Cô-rinh-tô (1 Cô 15:1, 2). Thực tế, ông nói rằng nếu một tín đồ không tin vào sự sống lại đó, đức tin của người ấy là vô ích (1 Cô 15:17). Niềm tin nơi sự sống lại của Chúa Giê-su là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta.
5, 6. Những lời nơi 1 Cô-rinh-tô 15:3, 4 có nghĩa gì với chúng ta?
5 Trong phần đầu nói về sự sống lại, Phao-lô đề cập đến ba sự thật: (1) “Đấng Ki-tô chết vì tội lỗi chúng ta”. (2) Ngài “được chôn cất”. (3) Ngài “được sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh”.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:3, 4.
6 Cái chết, việc chôn cất và sự sống lại của Chúa Giê-su có nghĩa gì với chúng ta? Nhà tiên tri Ê-sai báo trước rằng Đấng Mê-si sẽ bị “diệt khỏi đất người sống” và “có mộ phần với bọn gian ác”. Nhưng không chỉ thế. Ê-sai cũng nói thêm là Đấng Mê-si sẽ “mang lấy tội lỗi nhiều người”. Chúa Giê-su đã làm điều này bằng cách cung cấp giá chuộc (Ê-sai 53:8, 9, 12; Mat 20:28; Rô 5:8). Vậy cái chết, việc chôn cất và sự sống lại của Chúa Giê-su là cơ sở vững chắc để chúng ta có hy vọng được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, cũng như được đoàn tụ với những người thân yêu đã qua đời.
LỜI CHỨNG NHẬN CỦA NHIỀU NGƯỜI
7, 8. Điều gì giúp chúng ta tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại?
7 Hy vọng của chúng ta nơi sự sống lại liên kết chặt chẽ với sự sống lại của Chúa Giê-su. Vì vậy, chúng ta cần tin rằng ngài đã được sống lại. Tại sao chúng ta biết chắc là Đức Giê-hô-va đã làm Chúa Giê-su sống lại?
8 Nhiều người đã gặp Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại và họ chứng nhận về điều đó (1 Cô 15:5-7). Trong số những người đã gặp Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại, Phi-e-rơ (Sê-pha) là người đầu tiên mà Phao-lô nhắc đến. Một nhóm các môn đồ xác nhận rằng Phi-e-rơ đã gặp Chúa Giê-su (Lu 24:33, 34). Ngoài ra, 12 sứ đồ cũng gặp Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại. Rồi ngài cũng “hiện ra với hơn 500 anh em cùng một lúc”, có lẽ là tại sự kiện vui mừng ở Ga-li-lê được nói đến nơi Ma-thi-ơ 28:16-20. Chúa Giê-su cũng “hiện ra với Gia-cơ”, rất có thể là em cùng mẹ khác cha với ngài. Trước đó, Gia-cơ không tin Chúa Giê-su là Đấng Mê-si (Giăng 7:5). Nhưng sau khi gặp ngài, Gia-cơ tin chắc điều ấy. Điều thú vị là khi Phao-lô viết lá thư này vào khoảng năm 55 CN, nhiều người từng thấy Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại lúc đó vẫn còn sống. Thế nên, bất cứ ai nghi ngờ có thể hỏi những người đáng tin ấy.
9. Công vụ 9:3-5 cung cấp thêm bằng chứng nào về sự sống lại của Chúa Giê-su?
9 Sau này, Chúa Giê-su hiện ra với chính Phao-lô (1 Cô 15:8). Trên đường đến Đa-mách, Phao-lô (Sau-lơ) nghe tiếng phán của Chúa Giê-su và thấy khải tượng về ngài ở trên trời. (Đọc Công vụ 9:3-5). Trải nghiệm này của Phao-lô cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự sống lại của Chúa Giê-su không phải là chuyện thần thoại.—Công 26:12-15.
10. Phao-lô được thúc đẩy làm gì khi tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại?
10 Lời chứng nhận của Phao-lô đặc biệt đáng chú ý vì ông từng bắt bớ tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Một khi tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại, Phao-lô gắng sức thuyết phục người khác tin sự thật này. Ông chịu đựng sự đánh đập, tù đày và đắm tàu khi rao truyền sự thật là Chúa Giê-su đã chết nhưng đã được sống lại (1 Cô 15:9-11; 2 Cô 11:23-27). Phao-lô tin chắc sự thật này đến mức ông sẵn sàng chết để bênh vực niềm tin của mình. Hẳn lời chứng nhận của các tín đồ thời ban đầu giúp chúng ta tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại và củng cố niềm tin của chúng ta nơi sự sống lại.
CHỈNH SỬA QUAN ĐIỂM SAI
11. Một số tín đồ ở Cô-rinh-tô có quan điểm sai về sự sống lại có lẽ vì những lý do nào?
11 Một số tín đồ ở thành Cô-rinh-tô thuộc Hy Lạp có quan điểm sai về sự sống lại, thậm chí họ còn nói rằng “người chết không sống lại”. Tại sao? (1 Cô 15:12). Các triết gia ở A-thên, một thành khác thuộc Hy Lạp, chế giễu niềm tin là Chúa Giê-su đã được sống lại. Có lẽ lối suy nghĩ ấy đã ảnh hưởng đến một số tín đồ ở Cô-rinh-tô (Công 17:18, 31, 32). Số khác có lẽ chỉ nghĩ đến sự sống lại theo nghĩa bóng, nghĩa là một người từng “chết” vì tội lỗi nhưng được “sống lại” khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Dù lý do là gì, khi một người không tin nơi sự sống lại thì đức tin của người ấy là vô ích. Nếu Đức Chúa Trời không làm cho Chúa Giê-su sống lại, giá chuộc không được trả và mọi người vẫn ở trong tội lỗi mình. Vì thế, những người bác bỏ sự sống lại thì không có hy vọng thật.—1 Cô 15:13-19; Hê 9:12, 14.
12. Phù hợp với 1 Phi-e-rơ 3:18, 22, sự sống lại của Chúa Giê-su khác với những sự sống lại trước đó như thế nào?
12 Qua trải nghiệm của bản thân, Phao-lô biết chắc rằng “Đấng Ki-tô đã được sống lại”. Sự sống lại ấy vượt trội hơn sự sống lại của những người trước đó được sống lại trên đất nhưng phải chết một lần nữa. Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su là “trái đầu mùa của những người đã an giấc”. Chúa Giê-su là trái đầu mùa theo nghĩa nào? Ngài là người đầu tiên được sống lại ở thể thần linh và là người đầu tiên được sống lại để lên trời.—1 Cô 15:20; Công 26:23; đọc 1 Phi-e-rơ 3:18, 22.
NHỮNG NGƯỜI SẼ ĐƯỢC SỐNG LẠI
13. Phao-lô cho thấy sự tương phản nào giữa A-đam và Chúa Giê-su?
13 Làm thế nào cái chết của một người có thể mang lại sự sống cho hàng triệu người? Phao-lô đưa ra lời giải đáp hợp lý cho câu hỏi ấy. Ông cho thấy sự tương phản giữa điều A-đam đã gây ra cho nhân loại và điều Đấng Ki-tô thực hiện được. Về A-đam, Phao-lô viết: “Bởi một người mà có sự chết”. Khi A-đam phạm tội, ông đã gây thảm họa cho chính mình và con cháu. Ngày nay, chúng ta vẫn chịu hậu quả tai hại vì sự bất tuân của ông. Nhưng nhờ Đức Chúa Trời đã làm cho Con ngài sống lại, chúng ta có một tương lai tươi sáng. Phao-lô cho biết: “Bởi một người [Chúa Giê-su] mà có sự sống lại”. Rồi ông lập luận: “Như trong A-đam mọi người đều chết thì trong Đấng Ki-tô mọi người đều sẽ được sống”.—1 Cô 15:21, 22.
14. A-đam sẽ được sống lại không? Hãy giải thích.
14 Ý của Phao-lô là gì khi ông nói rằng “trong A-đam mọi người đều chết”? Phao-lô muốn nói đến con cháu của A-đam, là những người bị di truyền tội lỗi và sự bất toàn từ ông nên phải gánh chịu sự chết (Rô 5:12). A-đam không nằm trong số những người sẽ được sống lại. Giá chuộc của Đấng Ki-tô không áp dụng cho A-đam vì ông là người hoàn hảo nhưng đã cố tình cãi lời Đức Chúa Trời. Điều đã xảy ra với A-đam cũng là điều sẽ xảy ra với những người mà “Con Người” phán xét là “dê”, đó là “sự hủy diệt vĩnh viễn”.—Mat 25:31-33, 46; Hê 5:9.
15. Ai ở trong số “mọi người” được sống lại?
15 Hãy lưu ý Phao-lô nói rằng “trong Đấng Ki-tô mọi người đều sẽ được sống” (1 Cô 15:22). Phao-lô viết những lời này cho các tín đồ được xức dầu ở Cô-rinh-tô, là những người sẽ được sống lại để lên trời. Vì thế, họ ở trong số “mọi người” được sống lại. Những tín đồ ấy “đã được nên thánh, hợp nhất với Đấng Ki-tô Giê-su và được gọi để làm người thánh”. Ông cũng nhắc đến “những môn đồ của Đấng Ki-tô đã an giấc” (1 Cô 1:2; 15:18; 2 Cô 5:17). Trong lá thư khác, Phao-lô viết rằng những người “hợp nhất với [Chúa Giê-su] trong cái chết giống như ngài” sẽ “hợp nhất với ngài trong sự sống lại giống như ngài” (Rô 6:3-5). Chúa Giê-su đã được sống lại ở thể thần linh và trở về trời. Tất cả những người “hợp nhất với Đấng Ki-tô”, tức mọi tín đồ được xức dầu, cũng sẽ như thế.
16. Phao-lô hàm ý gì khi gọi Chúa Giê-su là “trái đầu mùa”?
16 Phao-lô viết rằng khi Đấng Ki-tô được sống lại, ngài là “trái đầu mùa của những người đã an giấc”. Hãy nhớ rằng những người khác, chẳng hạn như La-xa-rơ, đã được sống lại trên đất nhưng Chúa Giê-su là người đầu tiên được sống lại ở thể thần linh và nhận sự sống vĩnh cửu. Ngài có thể được ví như trái đầu mùa mà dân Y-sơ-ra-ên dâng cho Đức Chúa Trời. Ngoài ra, khi gọi Chúa Giê-su là “trái đầu mùa”, Phao-lô hàm ý rằng sau đó sẽ có những người khác được sống lại để lên trời. Các sứ đồ và những người khác “hợp nhất với Đấng Ki-tô” cuối cùng sẽ được sống lại để lên trời giống như Chúa Giê-su.
17. Khi nào những người “hợp nhất với Đấng Ki-tô” nhận được phần thưởng lên trời?
17 Sự sống lại để lên trời dành cho những người “hợp nhất với Đấng Ki-tô” chưa bắt đầu vào thời điểm Phao-lô viết thư cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô. Trái lại, Phao-lô nói đến thời điểm trong tương lai: “Mỗi người theo đúng thứ tự của mình: Đấng Ki-tô là trái đầu mùa; kế đến, những người thuộc về Đấng Ki-tô sẽ được sống lại trong kỳ hiện diện của ngài” (1 Cô 15:23; 1 Tê 4:15, 16). Ngày nay chúng ta đang sống trong “kỳ hiện diện” của Đấng Ki-tô đã được tiên tri trước. Thật vậy, các sứ đồ và những tín đồ được xức dầu khác đã qua đời phải chờ đến kỳ hiện diện ấy để nhận phần thưởng lên trời và được “hợp nhất với [Chúa Giê-su] trong sự sống lại giống như ngài”.
MỘT HY VỌNG CHẮC CHẮN!
18. (a) Tại sao chúng ta có thể kết luận rằng sẽ có sự sống lại khác xảy ra sau sự sống lại để lên trời? (b) Theo 1 Cô-rinh-tô 15:24-26, điều gì sẽ xảy ra trên trời?
18 Nhưng nói sao về những tín đồ trung thành không có hy vọng được lên trời với Đấng Ki-tô? Họ cũng có hy vọng được sống lại. Kinh Thánh nói rằng Phao-lô và những người khác được lên trời thì có phần trong “sự sống lại thứ nhất” (Phi-líp 3:11). Chẳng phải điều này cho thấy sẽ có sự sống lại khác sao? Và hy vọng đó cũng phù hợp với niềm tin của Gióp về tương lai của ông (Gióp 14:15). ‘Những người thuộc về Đấng Ki-tô trong kỳ hiện diện của ngài’ sẽ ở trên trời với Chúa Giê-su khi ngài dẹp tan mọi chính phủ cùng mọi quyền hành và thế lực. Ngay cả “kẻ thù sau cùng là sự chết” cũng sẽ bị dẹp tan. Chắc chắn cái chết di truyền sẽ không còn ảnh hưởng đến những người được sống lại để lên trời. Nhưng còn những người khác thì sao?—Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:24-26.
19. Những người có hy vọng sống trên đất có thể trông mong điều gì?
19 Những người có hy vọng sống trên đất có thể trông mong điều gì? Họ có thể có hy vọng dựa trên những lời mà Phao-lô nói: “Tôi có hy vọng... là sẽ có sự sống lại của người công chính và không công chính” (Công 24:15). Dĩ nhiên người không công chính không thể lên trời, vì thế những lời này nói đến sự sống lại trên đất trong tương lai.
20. Hy vọng của anh chị về sự sống lại đã được củng cố ra sao?
20 Chắc chắn “sẽ có sự sống lại”! Những người được sống lại trên đất sẽ có triển vọng sống ở đó mãi mãi. Anh chị có thể tin cậy nơi lời hứa ấy. Hy vọng này có thể an ủi anh chị khi có người thân qua đời. Họ có thể được sống lại vào thời kỳ Đấng Ki-tô và những người khác sẽ ‘làm vua cai trị trong 1.000 năm’ (Khải 20:6). Anh chị cũng có thể tin chắc rằng nếu qua đời trước khi Triều Đại Một Ngàn Năm bắt đầu thì anh chị sẽ được sống lại. Hy vọng này “không dẫn đến thất vọng” (Rô 5:5). Nhờ hy vọng ấy, anh chị có thể được thêm sức ngay bây giờ và có thêm niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta có thể học được nhiều điều khác từ 1 Cô-rinh-tô chương 15 như sẽ được thảo luận trong bài tới.
BÀI HÁT 147 Sự sống vĩnh cửu được hứa trước
a Sách 1 Cô-rinh-tô chương 15 chủ yếu nói về sự sống lại. Tại sao sự dạy dỗ ấy quan trọng đối với chúng ta, và tại sao chúng ta có thể tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại? Bài này sẽ giải đáp hai câu hỏi ấy và những câu hỏi quan trọng khác về sự sống lại.
b HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su là người đầu tiên được lên trời (Công 1:9). Một số môn đồ cũng lên trời với ngài, trong đó có Thô-ma, Gia-cơ, Ly-đi, Giăng, Ma-ri và Phao-lô.
c HÌNH ẢNH: Một anh mất người vợ yêu dấu đã cùng anh phụng sự nhiều năm. Anh tin chắc vợ mình sẽ được sống lại và anh tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.