Sống cho hiện tại hay cho một tương lai vô tận?
“Chúng ta được cứu trong sự trông-cậy” (RÔ-MA 8:24).
1. Phái Epicuriens dạy gì, và loại triết lý đó đã có ảnh hưởng như thế nào đến một số tín đồ đấng Christ?
SỨ ĐỒ Phao-lô viết cho tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô: “Sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại?” (I Cô-rinh-tô 15:12). Rõ ràng, triết lý độc hại của triết gia Hy Lạp là Epicurus đã có ít nhiều ảnh hưởng đến các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Vì vậy Phao-lô lưu ý đến học thuyết của phái Epicuriens: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (I Cô-rinh-tô 15:32). Không tin gì về hy vọng là có một đời sống sau khi chết, những người theo triết gia này đã tin rằng sự hưởng lạc là điều chính hay duy nhất trong đời sống (Công-vụ các Sứ-đồ 17:18, 32). Triết lý của phái Epicuriens rất tư kỷ, đa nghi và đồi trụy vô cùng.
2. a) Tại sao rất nguy hiểm để bác bỏ sự sống lại? b) Phao-lô đã củng cố đức tin của các tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô như thế nào?
2 Việc chối bỏ sự sống lại có những hàm ý sâu sắc. Phao-lô lý luận: “Nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng-dạy của chúng tôi ra luống-công, và đức-tin anh em cũng vô-ích... Nếu chúng ta chỉ có sự trông-cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn-nạn hơn hết” (I Cô-rinh-tô 15:13-19). Thật vậy, nếu không có niềm hy vọng về một tương lai vô tận, đạo đấng Christ sẽ hoàn toàn “vô-ích”. Đó sẽ là một tôn giáo không có mục tiêu. Vì chịu ảnh hưởng của lối suy nghĩ tà giáo này, không lạ gì khi hội thánh Cô-rinh-tô đã trở thành một môi trường phát sinh nhiều vấn đề (I Cô-rinh-tô 1:11; 5:1; 6:1; 11:20-22). Cho nên, Phao-lô đã cố gắng củng cố đức tin của họ về sự sống lại. Dùng lý lẽ hùng hồn, dẫn chiếu Kinh-thánh và minh họa, ông đã chứng minh một cách không thể chối cãi được rằng niềm hy vọng về sự sống lại không phải là chuyện hoang đường nhưng một thực tại, chắc chắn sẽ xảy ra. Căn cứ vào điều này, ông có thể khuyên giục các tín hữu: “Hãy vững-vàng chớ rúng-động, hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:20-58).
“Hãy tỉnh-thức”
3, 4. a) Theo Phi-e-rơ, thái độ nguy hiểm nào sẽ tiêm nhiễm một số người vào ngày cuối cùng? b) Chúng ta cần phải tiếp tục tự nhắc nhở về điều gì?
3 Ngày nay, nhiều người có một thái độ bi quan, chỉ sống cho hiện tại (Ê-phê-sô 2:2). Sứ đồ Phi-e-rơ đã tiên đoán về thái độ này. Ông nói về “mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt... mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế” (II Phi-e-rơ 3:3, 4). Nếu những người thờ phượng thật tiếp thụ quan niệm ấy, họ có thể trở nên “ở dưng hoặc không kết quả” (II Phi-e-rơ 1:8). Mừng thay, phần đông dân tộc của Đức Chúa Trời ngày nay không ở trong tình trạng đó.
4 Muốn biết về sự cuối cùng sắp đến của hệ thống gian ác mọi sự này không phải là điều sai. Hãy nhớ lại rằng chính các sứ đồ của Chúa Giê-su cũng muốn biết về điều đó: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” Chúa Giê-su đáp lại: “Kỳ-hạn và ngày-giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6, 7). Những lời này có cùng thông điệp căn bản mà ngài đã truyền đạt trên núi Ô-li-ve: “Các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến... Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ 24:42, 44). Chúng ta cần phải tiếp tục tự nhắc nhở về lời khuyên đó! Vài người có thể thấy dễ phát triển thái độ: ‘Có lẽ tôi nên chậm lại một tí để được thanh thản hơn’. Thật là một thái độ sai lầm làm sao! Hãy xem xét trường hợp của Gia-cơ và Giăng là các “con trai của sấm-sét” (Mác 3:17).
5, 6. Chúng ta có thể rút tỉa được bài học gì qua gương của Gia-cơ và Giăng?
5 Chúng ta biết rằng Gia-cơ là một sứ đồ cực kỳ sốt sắng (Lu-ca 9:51-55). Ngay sau khi hội thánh tín đồ đấng Christ được thành lập, ông chắc hẳn đã có một vai trò lớn. Nhưng lúc Gia-cơ tương đối còn trẻ, Hê-rốt Ạc-ríp-ba I đã giết ông (Công-vụ các Sứ-đồ 12:1-3). Chúng ta có nghĩ rằng Gia-cơ, khi thấy đời sống mình đột ngột chấm dứt, đã cảm thấy buồn vì ông quá sốt sắng và ráng sức trong thánh chức không? Hoàn toàn không! Chắc chắn ông đã vui mừng vì đã bỏ ra những năm tốt nhất của đời sống tương đối ngắn ngủi để phụng sự Đức Giê-hô-va. Không một ai trong chúng ta có thể biết đời sống mình có đột ngột chấm dứt hay không (Truyền-đạo 9:11; so sánh Lu-ca 12:20, 21). Vì vậy rõ ràng điều khôn ngoan là chúng ta nên duy trì lòng sốt sắng và tiếp tục tích cực trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Như thế chúng ta sẽ giữ danh tiếng tốt của mình đối với ngài và tiếp tục sống với triển vọng có một tương lai vô tận (Truyền-đạo 7:1).
6 Có một bài học thực tế khác liên hệ đến sứ đồ Giăng, là người đã nghe Chúa Giê-su khuyên giục mãnh liệt: “Hãy tỉnh-thức” (Ma-thi-ơ 25:13; Mác 13:37; Lu-ca 21:34-36). Giăng ghi lời đó vào lòng, nhiệt thành phụng sự trong nhiều thập niên. Thật vậy, hình như ông vẫn còn sống sau khi tất cả những sứ đồ khác đã chết. Khi tuổi cao tác lớn, Giăng có thể nhìn lại nhiều thập niên hoạt động trung thành, ông có xem điều đó như là một sự lầm lẫn, một lối sống sai lạc hay thiếu thăng bằng không? Quả thật là không! Ông vẫn sốt sắng hướng về tương lai. Khi Chúa Giê-su, đấng được sống lại, nói: “Phải, ta đến mau-chóng”, thì Giăng đáp lại liền: “A-men, lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” (Khải-huyền 22:20). Chắc chắn Giăng đã không sống cho hiện tại, ước ao có một ‘đời sống bình thường’ chậm rãi và yên tĩnh. Ông đã quyết tâm tiếp tục phụng sự hết lòng và hết sức mình, bất kể khi nào Chúa đến. Còn về phần chúng ta thì sao?
Những lý do để tin tưởng vào việc sống đời đời
7. a) Niềm hy vọng về sự sống đời đời đã được “hứa từ muôn đời về trước” như thế nào? b) Chúa Giê-su đã làm sáng tỏ về niềm hy vọng sống đời đời như thế nào?
7 Hãy tin chắc rằng niềm hy vọng về sự sống đời đời không phải là một giấc mơ hay ảo tưởng do con người đặt ra. Như Tít 1:2 có nói, lòng tin kính của chúng ta dựa vào niềm “trông-cậy sự sống đời đời,—là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước”. Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời là cho tất cả nhân loại biết vâng lời được sống đời đời (Sáng-thế Ký 1:28). Không điều gì, ngay cả cuộc phản loạn của A-đam và Ê-va, có thể phá hỏng ý định này. Như đã ghi lại nơi Sáng-thế Ký 3:15, Đức Chúa Trời đã lập tức hứa về một “dòng-dõi” sẽ làm tan biến mọi sự tổn hại mà nhân loại phải chịu. Khi “dòng-dõi” hay đấng Mê-si, tức Chúa Giê-su đến, một trong những sự dạy dỗ căn bản của ngài là niềm hy vọng về sự sống đời đời (Giăng 3:16; 6:47, 51; 10:28; 17:3). Bằng cách hy sinh mạng sống hoàn toàn để làm giá chuộc, đấng Christ có quyền hợp pháp để ban sự sống đời đời cho loài người (Ma-thi-ơ 20:28). Một số các môn đồ của ngài, tổng cộng là 144.000 người, sẽ sống đời đời ở trên trời (Khải-huyền 14:1-4). Vì vậy, một số người từng là con người phàm sẽ “mặc lấy sự bất tử”! (I Cô-rinh-tô 15:53, NW).
8. a) “Sự bất tử” là gì, và tại sao Đức Chúa Trời ban điều này cho 144.000 người? b) Chúa Giê-su đưa ra niềm hy vọng nào cho “chiên khác”?
8 “Sự bất tử” không chỉ có nghĩa là không bao giờ phải chết. Điều này bao hàm “quyền-phép của sự sống chẳng hay hư hay hết” (Hê-bơ-rơ 7:16; so sánh Khải-huyền 20:6). Thế nhưng, Đức Giê-hô-va hoàn thành được điều gì khi ban cho một món quà đáng giá như thế? Hãy nhớ lại lời thách đố của Satan cho rằng không một tạo vật nào của Đức Chúa Trời có thể tin cậy được (Gióp 1:9-11; 2:4, 5). Qua việc ban cho 144.000 người sự bất tử, Đức Chúa Trời cho thấy ngài hoàn toàn tin tưởng vào nhóm người đã đáp lại sự thách đố của Sa-tan một cách xuất sắc. Nhưng còn về phần những người khác thì sao? Chúa Giê-su bảo các thành viên đầu tiên của “bầy nhỏ” gồm những người thừa hưởng Nước Trời rằng họ sẽ “được ngồi ngai để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 12:32; 22:30). Điều này ám chỉ rằng những người khác sẽ nhận được sự sống đời đời trên đất với tư cách là những công dân của Nước Trời. Mặc dầu những “chiên khác” này không được ban cho sự bất tử, nhưng họ nhận được “sự sống đời đời” (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:46). Vì thế, sự sống đời đời là niềm hy vọng của tất cả tín đồ đấng Christ. Sự sống đời đời không phải là ảo tưởng nhưng là điều “Đức Chúa Trời không thể nói dối” đã cam kết và trả bằng huyết quí báu của Chúa Giê-su (Tít 1:2).
Có phải được ứng nghiệm trong tương lai xa vời không?
9, 10. Có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy rằng chúng ta sắp đến gần ngày cuối cùng?
9 Sứ đồ Phao-lô đã báo trước rằng “những thời-kỳ khó-khăn” cho thấy rõ rằng chúng ta đã ở “trong ngày sau-rốt”. Trong khi xã hội loài người chung quanh chúng ta đang bị sa vào một tình trạng vô tình nghĩa, tham lam, tự mãn và không tin kính, chẳng lẽ chúng ta không thể nhận thức rằng ngày Đức Giê-hô-va hành quyết hệ thống thế gian hung ác đang nhanh chóng tiến gần hay sao? Phao-lô nói tiếp: “Những người hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong đều dữ” (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13). Khi sự hung bạo và hận thù gia tăng, chúng ta không thể nhìn thấy mọi điều xảy ra chung quanh chúng ta làm ứng nghiệm lời đó hay sao? Một số người có lẽ hô lên lạc quan “Bình-hòa và an-ổn”, nhưng mọi triển vọng về hòa bình sẽ tan biến, vì “tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho người đờn-bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu”. Chúng ta chẳng phải không biết về ý nghĩa của thời kỳ chúng ta đang sống. Cho nên, chúng ta hãy “tỉnh-thức và giè-giữ” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6).
10 Hơn nữa, Kinh-thánh cho thấy rằng ngày sau rốt là “một khoảng thời gian ngắn ngủi” (Khải-huyền 12:12, NW; so sánh Khải-huyền 17:10). Phần lớn “khoảng thời gian ngắn ngủi” đó hầu như đã trôi qua. Ví dụ, lời tiên tri của Đa-ni-ên miêu tả chính xác về cuộc xung đột giữa “vua phương bắc” và “vua phương nam” đã kéo dài đến thế kỷ này (Đa-ni-ên 11:5, 6). Điều duy nhất còn lại để được ứng nghiệm là cuộc tấn công cuối cùng của “vua phương bắc”, được miêu tả nơi Đa-ni-ên 11:44, 45. (Xem Tháp Canh số ra ngày 1-3-1988 và 1-11-1993 [Anh ngữ] để xem bài thảo luận về lời tiên tri này).
11. a) Ma-thi-ơ 24:14 đã được ứng nghiệm tới mức nào? b) Lời của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Ma-thi-ơ 10:23 cho thấy điều gì?
11 Chúa Giê-su cũng tiên đoán rằng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Ngày nay, Nhân-chứng Giê-hô-va thi hành công việc này ở 233 xứ, hòn đảo và lãnh thổ. Đành rằng có những khu vực vẫn chưa được rao giảng và có lẽ vào thời kỳ Đức Giê-hô-va ấn định, cơ hội rao giảng sẽ được mở ra ở những nơi này (I Cô-rinh-tô 16:9). Tuy nhiên, lời của Chúa Giê-su ghi lại nơi Ma-thi-ơ 10:23 rất đáng chú ý: “Các ngươi đi chưa khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên thì Con người đã đến rồi”. Mặc dầu tin mừng sẽ chắc chắn được loan báo trên khắp đất, nhưng chúng ta sẽ không đích thân mang thông điệp Nước Trời, đi đến tất cả mọi nơi trên đất, trước khi Chúa Giê-su “đến” với tư cách là Đấng Hành Quyết.
12. a) Khải-huyền 7:3 nói đến việc ‘đóng ấn’ nào? b) Số người được xức dầu còn sống trên đất đang giảm dần có nghĩa gì?
12 Hãy xem câu Kinh-thánh nơi Khải-huyền 7:1, 3, có nói rằng “bốn hướng gió” của sự hủy diệt được cầm lại “cho đến chừng nào chúng ta đã đóng ấn trên trán những tôi-tớ Đức Chúa Trời chúng ta”. Câu này không nói đến việc đóng ấn lần đầu xảy ra khi những người thuộc số 144.000 người nhận được triển vọng lên trời (Ê-phê-sô 1:13). Câu này muốn nói đến việc đóng ấn lần cuối, khi những người đó được nhận diện dứt khoát là “những tôi-tớ Đức Chúa Trời chúng ta”, đã được thử thách và xem là trung thành. Số người con xức dầu đích thực của Đức Chúa Trời còn sống trên đất đã giảm bớt rất nhiều. Hơn nữa, Kinh-thánh nói rõ ràng rằng “vì cớ các người được chọn” mà giai đoạn mở đầu của cuộc hoạn nạn lớn sẽ được “giảm-bớt” (Ma-thi-ơ 24:21, 22). Phần đông những người tự xưng được xức dầu nay đã khá lớn tuổi. Một lần nữa, chẳng phải điều này cho thấy là sự cuối cùng sắp đến hay sao?
Người canh giữ trung thành
13, 14. Lớp người canh giữ có trách nhiệm nào?
13 Trong khi chờ đợi, chúng ta đặc biệt nên nghe theo sự hướng dẫn của ‘đầy-tớ trung-tín’ (Ma-thi-ơ 24:45). Hơn một trăm năm qua, “đầy-tớ” thời nay đã phụng sự làm người “canh-giữ” trung thành (Ê-xê-chi-ên 3:17-21). Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 1-1-1984, giải thích: “Người canh giữ này quan sát các biến cố trên thế giới diễn tiến đúng với lời tiên tri trong Kinh-thánh như thế nào, và báo trước rằng sắp có một ‘hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy’ và công bố ‘tin-tốt về phước-lành’ ” (Ma-thi-ơ 24:21; Ê-sai 52:7).
14 Nên nhớ rằng: Người canh giữ có nhiệm vụ “thấy việc gì thì báo” (Ê-sai 21:6-8). Vào thời Kinh-thánh được viết ra, người canh giữ phải báo động dù cho mối hiểm họa còn quá xa, chưa thể nhận ra rõ ràng (II Các Vua 9:17, 18). Thời đó chắc chắn có những lời báo động giả. Nhưng một người canh giữ tốt sẽ không chần chừ vì sợ bị xấu hổ. Giả sử nhà bạn đang bị cháy, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu những lính cứu hỏa không đến vì họ nghĩ có lẽ đó là báo động giả? Không, chúng ta đòi hỏi những người lính cứu hỏa phải phản ứng mau lẹ trước bất cứ dấu hiệu nguy hiểm nào! Tương tự như thế, lớp người canh giữ đã loan báo khi những hoàn cảnh cho họ thấy là có lý do xác đáng để làm như vậy.
15, 16. a) Tại sao chúng ta điều chỉnh cách chúng ta hiểu lời tiên tri? b) Chúng ta có thể học điều gì qua việc những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời đã hiểu sai một số lời tiên tri?
15 Tuy nhiên, khi các biến cố xảy ra, chúng ta dần dần hiểu các lời tiên tri rõ hơn. Lịch sử cho thấy rằng người ta hiếm khi hoặc không bao giờ hiểu trọn những lời tiên tri của Đức Chúa Trời trước khi chúng được ứng nghiệm. Đức Chúa Trời nói rõ với Áp-ram là dòng dõi của ông sẽ phải “kiều ngụ nơi đất khách quê người” trong 400 năm (Sáng-thế Ký 15:13). Tuy nhiên, Môi-se đã hấp tấp tự nhận mình là người giải cứu (Công-vụ các Sứ-đồ 7:23-30).
16 Cũng hãy xem các lời tiên tri về đấng Mê-si. Nhìn lại quá khứ, chúng ta dường như thấy rõ ràng là sự chết và sự sống lại của đấng Mê-si đã được báo trước (Ê-sai 53:8-10). Tuy nhiên, chính các môn đồ của Chúa Giê-su đã không hiểu sự kiện này (Ma-thi-ơ 16:21-23). Họ đã không nhận thấy rằng Đa-ni-ên 7:13, 14 sẽ được ứng nghiệm vào pa·rou·siʹa hoặc “sự hiện diện” trong tương lai của đấng Christ (Ma-thi-ơ 24:3). Vì vậy, họ tính toán sai lệch gần tới 2.000 năm khi họ hỏi Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6). Ngay cả sau khi hội thánh tín đồ đấng Christ được thiết lập vững vàng, những ý tưởng sai lầm và sự trông mong vô căn cứ vẫn nảy sinh (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2). Mặc dầu một số tín đồ đấng Christ thỉnh thoảng đã có những quan điểm lầm lẫn, nhưng Đức Giê-hô-va chắc chắn đã ban phước cho công việc của những anh em tín đồ vào thế kỷ thứ nhất!
17. Chúng ta nên có quan điểm nào khi phải điều chỉnh cách chúng ta hiểu biết Kinh-thánh?
17 Ngày nay cũng vậy, thỉnh thoảng lớp người canh giữ đã phải làm sáng tỏ quan điểm của họ. Tuy nhiên, ai có thể chối cãi rằng Đức Giê-hô-va đã ban phước ‘đầy tớ trung tín’ không? Ngoài ra, khi xem xét bao quát, chẳng phải phần lớn những sự điều chỉnh đã xảy ra tương đối nhỏ nhặt sao? Sự hiểu biết căn bản của chúng ta về Kinh-thánh vẫn không thay đổi. Chúng ta vẫn tin chắc hơn bao giờ hết là mình đang sống trong ngày cuối cùng!
Sống cho một tương lai vô tận
18. Tại sao chúng ta phải tránh chỉ sống cho ngày hôm nay mà thôi?
18 Thế gian có thể nói: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết”, nhưng chúng ta không được có thái độ đó. Tại sao lại cố gắng theo đuổi một cách vô ích những thú vui trong cuộc sống hiện tại trong khi bạn có thể theo đuổi một tương lai vô tận? Niềm hy vọng đó, cho dù là một đời sống bất tử trên trời hoặc sự sống đời đời trên đất, không phải là sự mơ mộng hão huyền. Đó là một thực tại mà Đức Chúa Trời đã hứa, ngài là Đấng “không thể nói dối” (Tít 1:2). Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng niềm hy vọng của chúng ta sắp sửa biến thành sự thực! “Thì-giờ [còn lại, NW] ngắn-ngủi” (I Cô-rinh-tô 7:29).
19, 20. a) Đức Giê-hô-va xem những sự hy sinh của chúng ta vì Nước Trời như thế nào? b) Tại sao chúng ta phải sống với triển vọng về một tương lai vô tận?
19 Thật vậy, hệ thống này đã tồn tại lâu hơn nhiều người nghĩ. Một vài người giờ đây có thể cảm thấy rằng nếu họ biết trước về điều này, thì họ có lẽ đã không hy sinh một số điều. Nhưng ta không nên hối tiếc về những điều mình đã làm. Nói cho cùng, việc hy sinh là một phần cơ bản của việc làm tín đồ đấng Christ. Các tín đồ đấng Christ ‘phải phủ nhận chính mình’ (Ma-thi-ơ 16:24, Bản Diễn Ý). Chúng ta đừng bao giờ nên cảm thấy rằng các nỗ lực của chúng ta để làm vui lòng Đức Chúa Trời là vô ích. Chúa Giê-su đã hứa: “Chẳng một người nào vì ta và Tin-lành từ-bỏ nhà-cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn... và sự sống đời đời trong đời sau” (Mác 10:29, 30). Một ngàn năm sau này, việc làm, nhà cửa, hoặc trương mục ngân hàng của bạn có vẻ quan trọng tới mức nào? Tuy nhiên, những điều bạn hy sinh cho Đức Giê-hô-va sẽ đầy ý nghĩa một triệu năm sau này—một tỷ năm sau này! “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc... của anh em” (Hê-bơ-rơ 6:10).
20 Cho nên chúng ta hãy sống với triển vọng có một tương lai vô tận, giữ con mắt chúng ta sao cho “chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm-thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (II Cô-rinh-tô 4:18). Nhà tiên tri Ha-ba-cúc viết: “Vì sự hiện thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định, sau cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh-dối đâu; nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ” (Ha-ba-cúc 2:3) “Đợi” ngày cuối cùng ảnh hưởng đến cách chúng ta thi hành những trách nhiệm cá nhân và gia đình như thế nào? Bài kế tiếp sẽ bàn luận về những vấn đề này.
Các điểm để ôn lại
◻ Một số người ngày nay đã bị ảnh hưởng như thế nào vì ngày cuối cùng của hệ thống mọi sự này dường như đến chậm?
◻ Niềm hy vọng của chúng ta về sự sống đời đời căn cứ trên điều gì?
◻ Chúng ta nên có quan điểm nào về những điều chúng ta đã hy sinh vì quyền lợi của Nước Trời?
[Hình nơi trang 15]
Công việc rao giảng trên khắp thế giới phải được hoàn tất trước khi sự cuối cùng đến