“Kẻ chết đều sống lại”
“Vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư-nát, và chúng ta đều sẽ biến-hóa” (1 CÔ-RINH-TÔ 15:52).
1, 2. a) Một lời hứa đầy an ủi nào đã được ban cho qua nhà tiên tri Ô-sê? b) Làm thế nào chúng ta biết Đức Chúa Trời sẵn sàng cho những người chết sống lại?
Bạn có bao giờ mất một người thân chưa? Nếu có thì chắc bạn biết nỗi đau đớn mà sự chết mang lại. Tuy nhiên, tín đồ đấng Christ được an ủi nhờ lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban cho qua nhà tiên tri Ô-sê: “Ta sẽ cứu chúng nó khỏi quyền-lực của Âm-phủ, và chuộc chúng nó ra khỏi sự chết. Hỡi sự chết, nào tai-vạ mầy ở đâu? Hỡi Âm-phủ, nào sự hủy-hoại mầy ở đâu?” (Ô-sê 13:14).
2 Ý tưởng về những người chết được sống lại có vẻ phi lý đối với những người đa nghi. Nhưng Đức Chúa Trời Toàn Năng chắc chắn có quyền lực để thực hiện phép lạ đó! Vấn đề được đặt ra là Đức Giê-hô-va có sẵn sàng khiến cho những người chết sống lại hay không. Một người công bình là Gióp đã hỏi: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” Rồi ông cho câu trả lời để trấn an này: “Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa” (Gióp 14:14, 15). Chữ “đoái” ở đây nói đến sự mong mỏi hay là ước muốn tha thiết. (So sánh Thi-thiên 84:2). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va tha thiết mong chờ sự sống lại—Ngài mong muốn được thấy lại những người trung thành đã chết, những người còn sống trong trí nhớ của Ngài (Ma-thi-ơ 22:31, 32).
Chúa Giê-su làm sáng tỏ về sự sống lại
3, 4. a) Chúa Giê-su làm sáng tỏ về hy vọng sống lại như thế nào? b) Tại sao Chúa Giê-su được sống lại trong thể thần linh mà không phải thể xác thịt?
3 Những người xưa có đức tin, như Gióp, chỉ hiểu một phần nào về sự sống lại. Chính Chúa Giê-su Christ là đấng đã giúp chúng ta hiểu rõ về hy vọng tuyệt diệu này. Ngài cho thấy vai trò chính của ngài khi nói: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời” (Giăng 3:36). Sự sống này sẽ có ở đâu? Đối với đại đa số những người thực hành đức tin thì sự sống này ở trên đất (Thi-thiên 37:11). Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên-đàng” (Lu-ca 12:32). Nước thiên đàng tức là Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. Vì vậy, lời hứa này có nghĩa là một “bầy nhỏ” sẽ được ở với Chúa Giê-su trên trời với tư cách là những tạo vật thần linh (Giăng 14:2, 3; 1 Phi-e-rơ 1:3, 4). Thật là một triển vọng huy hoàng làm sao! Chúa Giê-su tiết lộ thêm cho sứ đồ Giăng biết là “bầy nhỏ” chỉ có 144.000 người (Khải-huyền 14:1).
4 Tuy nhiên, 144.000 người sẽ vào sự vinh hiển trên trời như thế nào? Chúa Giê-su “dùng Tin-lành phô-bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ-ràng”. Nhờ huyết ngài, ngài mở ra “đường mới và sống” để lên trời (2 Ti-mô-thê 1:10; Hê-bơ-rơ 10:19, 20). Trước hết, ngài đã chết, như Kinh-thánh tiên tri (Ê-sai 53:12). Rồi, như sứ đồ Phi-e-rơ sau đó đã tuyên bố: “Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32). Nhưng Chúa Giê-su không sống lại để làm người. Ngài đã nói: “Bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế-gian tức là thịt ta” (Giăng 6:51). Lấy lại xác thịt mà ngài đã có trước đó tức là làm vô hiệu hóa sự hy sinh đó. Vì vậy, Chúa Giê-su đã “bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh về Thần khí” (1 Phi-e-rơ 3:18, Nguyễn thế Thuấn). Chúa Giê-su đã “chuộc tội đời đời [cho chúng ta]”, tức là “bầy nhỏ” (Hê-bơ-rơ 9:12). Ngài đã dâng cho Đức Chúa Trời giá trị của mạng sống hoàn toàn của ngài để làm giá chuộc cho nhân loại tội lỗi, và 144.000 người là những người đầu tiên được hưởng lợi ích từ giá chuộc đó.
5. Những môn đồ của Chúa Giê-su trong thế kỷ thứ nhất đã có hy vọng nào?
5 Chúa Giê-su không phải là người duy nhất được sống lại để lên trời. Sứ đồ Phao-lô nói với anh em tín đồ đấng Christ tại Rô-ma rằng họ đã được xức dầu bằng thánh linh để được làm con Đức Chúa Trời và được đồng kế tự với đấng Christ, nếu họ khẳng định sự xức dầu của họ bằng cách chịu đựng cho tới cuối cùng (Rô-ma 8:16, 17). Phao-lô cũng giải thích: “Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau” (Rô-ma 6:5).
Bênh vực hy vọng về sự sống lại
6. Tại sao niềm tin về sự sống lại đã bị công kích tại Cô-rinh-tô, và sứ đồ Phao-lô đã phản ứng như thế nào?
6 Sự sống lại là một trong “các điều sơ-học” của đạo đấng Christ (Hê-bơ-rơ 6:1, 2). Tuy nhiên, giáo lý này đã bị công kích tại Cô-rinh-tô. Một số người trong hội thánh chắc hẳn bị ảnh hưởng bởi triết lý Hy Lạp đã nói: “Những kẻ chết chẳng sống lại” (1 Cô-rinh-tô 15:12). Những lời này đã đến tai sứ đồ Phao-lô, nên ông đến để bênh vực cho hy vọng về sự sống lại, nhất là hy vọng của những tín đồ đấng Christ được xức dầu. Chúng ta hãy xem xét lời của Phao-lô được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô chương 15. Như bài trước đã nói, bạn sẽ thấy hữu ích nếu đọc toàn thể chương này.
7. a) Phao-lô đã chú tâm đến vấn đề chính nào? b) Những ai đã thấy Chúa Giê-su được sống lại?
7 Trong hai câu đầu của 1 Cô-rinh-tô chương 15, Phao-lô đã nêu ra đề tài để thảo luận: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin-lành mà tôi đã rao-giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững-vàng trong đạo ấy, và nhờ đạo ấy, anh em được cứu-rỗi... bằng không, thì anh em dầu có tin cũng vô-ích”. Nếu những người Cô-rinh-tô không vững vàng về tin mừng, tức là họ đã chấp nhận lẽ thật một cách vô ích. Phao-lô tiếp tục: “Trước hết tôi đã dạy-dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận-lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh-thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh-thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ-đồ. Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi. Đoạn, Ngài hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho các sứ-đồ. Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy” (1 Cô-rinh-tô 15:3-8).
8, 9. a) Niềm tin về sự sống lại quan trọng như thế nào? b) Rất có thể trong dịp nào Chúa Giê-su đã hiện ra cho “hơn năm trăm anh em” xem thấy?
8 Đối với những người đã chấp nhận tin mừng, tin vào việc Chúa Giê-su sống lại không phải là vấn đề tùy ý. Có nhiều người đã chứng kiến tận mắt và khẳng định rằng “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta” và ngài đã được sống lại. Một trong những người đó là Sê-pha, ông được biết rõ hơn bằng tên Phi-e-rơ. Sau khi Phi-e-rơ chối Chúa Giê-su vào đêm ngài bị phản bội và bắt giữ, chắc chắn ông đã được an ủi rất nhiều khi Chúa Giê-su hiện ra cho ông thấy. Cả nhóm “mười hai sứ-đồ” cũng được Chúa Giê-su đã sống lại viếng thăm—một kinh nghiệm mà chắc chắn đã giúp họ vượt qua sự sợ hãi để dạn dĩ làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-su (Giăng 20:19-23; Công-vụ các Sứ-đồ 2:32).
9 Đấng Christ cũng đã hiện ra cho một nhóm lớn hơn, “hơn năm trăm anh em” xem thấy. Vì chỉ tại Ga-li-lê mà ngài có số đông môn đồ theo ngài, cho nên đây có thể là dịp được miêu tả nơi Ma-thi-ơ 28:16-20, khi Chúa Giê-su truyền lệnh đào tạo môn đồ. Quả là một lời chứng mạnh mẽ mà những người này đã nói ra! Một số người vẫn còn sống vào năm 55 CN, khi Phao-lô viết lá thư thứ nhất cho người Cô-rinh-tô. Tuy nhiên, hãy chú ý là những người đã chết được nói đến là “ngủ” trong sự chết. Họ chưa được sống lại để nhận phần thưởng trên trời.
10. a) Buổi họp cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đồ đã đem lại kết quả nào? b) Chúa Giê-su hiện ra cho Phao-lô “như cho một thai sanh non” như thế nào?
10 Một người làm chứng nổi bật khác về sự sống lại của Chúa Giê-su là Gia-cơ, con của Giô-sép và Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su. Trước khi Chúa Giê-su được sống lại, Gia-cơ dường như chưa tin đạo (Giăng 7:5). Nhưng sau khi Chúa Giê-su hiện ra cho ông thấy, Gia-cơ trở thành người tin đạo và có lẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thuyết phục những anh em khác của ông theo đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 1:13, 14). Trong buổi họp cuối cùng với các môn đồ, vào dịp ngài lên trời, Chúa Giê-su đã truyền cho họ “làm chứng... cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6-11). Sau đó, ngài hiện ra cho Sau-lơ người ở Tạt-sơ, một người bắt bớ các tín đồ đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 22:6-8). Chúa Giê-su hiện ra cho Sau-lơ “như cho một thai sanh non vậy”. Điều này cũng như thể là Sau-lơ đã được sống lại trong cõi thần linh và được nhìn thấy Chúa vinh hiển nhiều thế kỷ trước khi có sự sống lại đó. Kinh nghiệm này đã khiến cho Sau-lơ bất ngờ ngừng chống đối và giết hại hội thánh tín đồ đấng Christ và khiến ông có sự thay đổi đáng chú ý (Công-vụ các Sứ-đồ 9:3-9, 17-19). Sau-lơ trở thành sứ đồ Phao-lô, một trong những người đứng đầu trong việc bênh vực đức tin đạo đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 15:9, 10).
Đức tin nơi sự sống lại là thiết yếu
11. Phao-lô vạch trần sự sai lầm của câu nói “Không có sự sống lại” như thế nào?
11 Do đó, sự sống lại của Chúa Giê-su là một sự kiện được nhiều người làm chứng. Phao-lô biện luận: “Nếu giảng-dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại?” (1 Cô-rinh-tô 15:12). Những kẻ đó không những nghi ngờ hoặc đặt nghi vấn về sự sống lại mà họ còn công khai nói lên sự không tin tưởng của họ. Vì vậy, Phao-lô vạch trần lý luận sai lầm của họ. Ông nói rằng nếu đấng Christ không được sống lại thì thông điệp của đạo đấng Christ là một điều giả dối, và những người làm chứng về sự sống lại của đấng Christ là “làm chứng trái với Đức Chúa Trời”. Nếu đấng Christ chẳng sống lại, không có giá chuộc trả cho Đức Chúa Trời, thì tín đồ đấng Christ “còn ở trong tội-lỗi mình” (1 Cô-rinh-tô 15:13-19; Rô-ma 3:23, 24; Hê-bơ-rơ 9:11-14). Và những tín đồ đấng Christ đã “ngủ” trong sự chết, trong vài trường hợp bị tử vì đạo, đã bị tiêu mất mà không có hy vọng nào cả. Thật là một tình trạng đáng thương hại cho tín đồ đấng Christ nếu đời sống này chỉ có thế thôi! Mọi đau khổ của họ không có ý nghĩa gì cả.
12. a) Gọi đấng Christ là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” có ý ám chỉ gì? b) Bằng cách nào đấng Christ đã làm cho sự sống lại có thể xảy ra?
12 Tuy nhiên, sự thật không phải là vậy. Phao-lô nói tiếp: “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại”. Hơn thế nữa, ngài là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1 Cô-rinh-tô 15:20). Khi dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Đức Giê-hô-va, đem dâng cho Ngài những trái đầu mùa của họ, Đức Giê-hô-va ban phước cho họ được mùa dư dật (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:29, 30; 23:19; Châm-ngôn 3:9, 10). Bằng cách gọi đấng Christ là “trái đầu mùa”, Phao-lô ám chỉ rằng mùa gặt sẽ còn có thêm những người khác được sống lại để lên trời. Phao-lô nói: “Vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô-rinh-tô 15:21, 22). Chúa Giê-su đã làm cho sự sống lại có thể xảy ra bằng cách dâng mạng sống con người hoàn toàn của ngài để làm giá chuộc, mở đường cho nhân loại thoát khỏi việc làm tôi mọi cho tội lỗi và sự chết (Ga-la-ti 1:4; 1 Phi-e-rơ 1:18, 19).a
13. a) Khi nào sự sống lại xảy ra ở trên trời? b) Tại sao một số người được xức dầu không “ngủ” trong sự chết?
13 Phao-lô tiếp tục: “Nhưng mỗi người theo thứ-tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại” (1 Cô-rinh-tô 15:23). Đấng Christ được sống lại vào năm 33 CN. Tuy nhiên, những môn đồ được xức dầu—“những kẻ thuộc về Ngài”—sẽ phải đợi cho đến sau khi đấng Christ bắt đầu hiện diện với tư cách là vua, và lời tiên tri trong Kinh-thánh cho biết việc này xảy ra vào năm 1914 (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:14-16; Khải-huyền 11:18). Còn những người đang sống trong lúc ngài hiện diện thì sao? Phao-lô nói: “Nầy là sự mầu-nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến-hóa, trong giây-phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư-nát, và chúng ta đều sẽ biến-hóa” (1 Cô-rinh-tô 15:51, 52). Rõ ràng là không phải tất cả những người được xức dầu đều ngủ trong mồ và đợi để được sống lại. Những người chết trong lúc đấng Christ hiện diện sẽ được biến hóa ngay lập tức (Khải-huyền 14:13).
14. Những người được xức dầu “chịu báp têm để bị chết” có nghĩa gì?
14 Phao-lô hỏi: “Mặt khác, những người chịu báp têm để bị chết sẽ làm gì? Nếu người chết không được sống lại gì cả, thì tại sao họ chịu báp têm để bị như thế? Tại sao chúng tôi cũng chịu nguy hiểm mỗi giờ?” (1 Cô-rinh-tô 15:29, 30, NW). Phao-lô không có ý nói rằng những người đang sống sẽ chịu báp têm vì những kẻ chết, như một số bản dịch Kinh-thánh đã nói. Thật sự mà nói, báp têm có liên hệ đến việc làm môn đồ của đấng Christ, và những người chết không thể nào trở thành môn đồ (Giăng 4:1). Thay vì thế, Phao-lô đang bàn luận về những tín đồ đấng Christ còn sống, nhiều người trong số đó, như Phao-lô, “chịu nguy hiểm mỗi giờ”. Các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã ‘chịu phép báp-têm trong sự chết của đấng Christ’ (Rô-ma 6:3). Từ lúc họ được xức đầu, thì như thể là họ “chịu báp têm” để vào con đường dẫn họ đến sự chết như đấng Christ (Mác 10:35-40). Họ sẽ chết với hy vọng được sự sống lại vinh hiển ở trên trời (1 Cô-rinh-tô 6:14; Phi-líp 3:10, 11).
15. Phao-lô có lẽ đã trải qua những nguy hiểm nào, và làm thế nào đức tin về sự sống lại đã giúp ông chịu đựng?
15 Phao-lô bây giờ giải thích rằng chính ông bị nguy hiểm đến độ có thể nói: “Tôi chết hằng ngày”. Vì sợ một số người cho rằng ông phóng đại, Phao-lô nói thêm: “Thật cũng như anh em là sự vinh-hiển cho tôi trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”. Bản Nguyễn thế Thuấn dịch là: “Tôi chết lên chết xuống mỗi ngày, thực thế, hỡi anh em, cũng như anh em thực là mối vinh dự tôi được trong Đức Kitô Yêsu Chúa chúng ta”. Nêu ra một thí dụ về sự nguy hiểm mà ông phải đương đầu, trong câu 1 Cô-rinh-tô 15:32, Phao-lô nói về việc “đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô”. Những người La Mã thường hành quyết tội nhân bằng cách ném họ vào với thú dữ trong đấu trường. Nếu Phao-lô phải đánh nhau với thú dữ, thì ông chỉ có thể sống sót với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va mà thôi. Nếu không có hy vọng về sự sống lại, thì việc chọn một lối sống nguy hiểm đến tính mạng như thế quả là liều lĩnh đến độ dại dột. Không có hy vọng về đời sống trong tương lai, thì việc chịu đựng những khó khăn và hy sinh để phụng sự Đức Chúa Trời sẽ không có ý nghĩa gì. Phao-lô nói: “Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (1 Cô-rinh-tô 15:31, 32; cũng xem 2 Cô-rinh-tô 1:8, 9; 11:23-27).
16. a) Câu nói “hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” có thể đã bắt nguồn từ đâu? b) Chấp nhận quan điểm đó gây ra những nguy hiểm nào?
16 Phao-lô có lẽ đã trích lời trong Ê-sai 22:13, miêu tả một thái độ tin nơi định mệnh của dân không vâng lời ở thành Giê-ru-sa-lem. Hay là ông có lẽ nghĩ đến niềm tin của những người thuộc phái Epicuriens, đã khinh thường hy vọng về sự sống đời sau, và tin rằng khoái lạc là mục tiêu chính trong đời sống. Dù sao đi nữa, triết lý “hãy ăn, hãy uống” là trái với Đức Chúa Trời. Vì thế, Phao-lô cảnh cáo: “Chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt” (1 Cô-rinh-tô 15:33). Kết hợp với những người không tin nơi sự sống lại rất là nguy hại. Sự kết hợp như thế có lẽ đã gây ra vấn đề mà Phao-lô phải giải quyết trong hội thánh ở thành Cô-rinh-tô, như là sự vô luân, chia rẽ, kiện cáo và không tôn trọng Bữa Tiệc Thánh của Chúa (1 Cô-rinh-tô 1:11; 5:1; 6:1; 11:20-22).
17. a) Phao-lô có lời khuyên nhủ nào cho những người Cô-rinh-tô? b) Những câu hỏi nào còn phải được trả lời?
17 Vì vậy, Phao-lô đã cho những người Cô-rinh-tô lời khuyên tích cực này: “Hãy tỉnh-biết, theo cách công-bình, và chớ phạm tội; vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hổ-thẹn” (1 Cô-rinh-tô 15:34). Một quan điểm tiêu cực về sự sống lại đưa một số người đến tình trạng ngẩn ngơ về thiêng liêng như là một người say. Họ cần phải tỉnh thức và giữ tâm thần tỉnh táo. Những tín đồ đấng Christ được xức dầu ngày nay cũng vậy, cần phải tỉnh thức về thiêng liêng, để không bị ảnh hưởng bởi quan điểm đa nghi của thế gian. Họ phải bám chặt vào hy vọng của họ về sự sống lại ở trên trời. Nhưng còn có những câu hỏi—cho những người ở thành Cô-rinh-tô thời đó và cho chúng ta ngày nay. Thí dụ, 144.000 người được sống lại ở trên trời với hình thể nào? Và còn hàng triệu người khác còn ở trong mồ không có hy vọng được lên trời thì sao? Sự sống lại có nghĩa gì cho những người đó? Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét phần bàn luận còn lại của Phao-lô về sự sống lại.
[Chú thích]
a Hãy xem những bài bàn về giá chuộc trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-2-1991.
Bạn có nhớ không?
◻ Chúa Giê-su làm sáng tỏ về sự sống lại như thế nào?
◻ Ai ở trong số những người chứng kiến việc đấng Christ sống lại?
◻ Tại sao giáo lý về sự sống lại bị thách thức, và Phao-lô trả lời thế nào?
◻ Tại sao đức tin về sự sống lại thiết yếu cho những tín đồ đấng Christ được xức dầu?
[Hình nơi trang 15]
Con gái Giai-ru là bằng chứng cho thấy sự sống lại có thể xảy ra
[Hình nơi trang 16, 17]
Không có hy vọng về sự sống lại, việc tử vì đạo của những tín đồ đấng Christ trung thành sẽ vô nghĩa