Đức Giê-hô-va dùng sự “rồ-dại” để giải cứu những người tin đạo
“Vì, tại thế-gian cậy sự khôn-ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn-ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ-dại [rồ dại] của chúng ta mà cứu-rỗi những người tin-cậy” (I CÔ-RINH-TÔ 1:21).
1. Đức Giê-hô-va dùng sự “rồ dại” theo nghĩa nào, và làm sao chúng ta biết rằng thế gian với sự khôn ngoan của mình không thể nào đạt đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?
ỦA! Đức Giê-hô-va lại dùng sự rồ dại ư? Không hẳn thế đâu! Vì Ngài có thể dùng sự gì có vẻ là rồ dại đối với thế gian. Ngài làm thế để cứu những người biết Ngài và yêu mến Ngài. Thế gian với sự khôn ngoan của mình không thể nào đạt đến sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Giê-su cho biết rõ điều đó khi ngài cầu nguyện: “Hỡi Cha công-bình, thế-gian chẳng từng biết Cha” (Giăng 17:25).
2. Tại sao đường lối của thế gian và đường lối của Đức Giê-hô-va có vẻ như đi song song, nhưng sự thật thì sao?
2 Lời cầu nguyện này của Giê-su cho thấy đường lối của Đức Giê-hô-va khác hẳn với đường lối của thế gian. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như mục tiêu của Đức Chúa Trời và mục tiêu của thế gian đi song song với nhau, và có vẻ như những mục đích của thế gian cũng được Đức Chúa Trời ban phước. Thí dụ, Kinh-thánh nói Đức Chúa Trời sẽ thiết lập một chính phủ công bình để đem lại một đời sống bình an, hạnh phúc và thịnh vượng cho nhân loại trên đất (Ê-sai 9:5, 6; Ma-thi-ơ 6:10). Cũng vậy, thế gian rầm rộ loan báo về những ý định của họ để đem lại hòa bình, thịnh vượng và một chính phủ tốt lành qua cái mà họ gọi là một trật tự thế giới mới. Nhưng thật ra thì ý định của Đức Chúa Trời và ý định của thế gian không giống nhau. Ý định của Đức Giê-hô-va là bênh vực cho Quyền Thống trị toàn vũ tối cao của Ngài. Và Ngài sẽ thực hiện điều ấy bằng cách dùng một chính phủ trên trời để dẹp tan mọi chính phủ trên đất (Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 4:11; 12:10). Vậy thì Đức Chúa Trời chẳng có gì chung với thế gian này cả (Giăng 18:36; I Giăng 2:15-17). Do đó Kinh-thánh nói đến hai loại khôn ngoan: “sự khôn-ngoan Đức Chúa Trời” và “sự khôn-ngoan của thế-gian” (I Cô-rinh-tô 1:20, 21).
Nhược điểm căn bản của sự khôn ngoan theo thế gian
3. Cho dù sự khôn ngoan của thế gian nghe có vẻ đáng phục, tại sao lời hứa của loài người về một trật tự thế giới mới sẽ không bao giờ thỏa mãn mọi nhu cầu của nhân loại?
3 Đối với những người không được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời thì sự khôn ngoan của thế gian trông có vẻ rất đáng phục. Thế gian có những triết lý nghe có vẻ cao siêu làm người ta dễ bị quyến rũ. Có hàng ngàn những học viện cao học đưa ra những kiến thức do những kẻ mà nhiều người cho là có những trí óc vĩ đại nhất của nhân loại. Có những thư viện chứa đựng sự hiểu biết tích lũy do kinh nghiệm của nhân loại qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, mặc dù vậy đi nữa, những người cai trị của thế gian chỉ có thể đề nghị một trật tự thế giới mới được cai trị bởi những người bất toàn, đầy tội lỗi và phải chết. Do đó, trật tự ấy sẽ bất toàn vì nó cũng sẽ lặp lại những lỗi lầm trước và chẳng bao giờ thỏa mãn mọi nhu cầu của nhân loại (Rô-ma 3:10-12; 5:12).
4. Trật tự thế giới mới do loài người đề nghị sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều gì, và sẽ có kết quả nào?
4 Trật tự thế giới mới do loài người đề nghị không những sẽ bị ảnh hưởng bởi sự mỏng manh yếu ớt của loài người, nhưng nó cũng bị ảnh hưởng của các tạo vật thần linh ác nữa—đúng, của Sa-tan Ma-quỉ và các quỉ theo hắn. Sa-tan đã làm mù lòng người ta hầu cho họ chẳng tin nơi “sự vinh-hiển chói-lói của Tin-lành Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 4:3, 4; Ê-phê-sô 6:12). Vì thế mà thế gian phải chịu đau khổ từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Thế gian đã chiến đấu và đổ máu nhiều trong những cố gắng thảm bại để tự cai trị mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và không màng đến ý định của Ngài (Giê-rê-mi 10:23; Gia-cơ 3:15, 16). Bởi thế mà Phao-lô nói: “Thế-gian cậy sự khôn-ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn-ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:21).
5. Nhược điểm căn bản của sự khôn ngoan theo thế gian là gì?
5 Vậy thì, nhược điểm căn bản của sự khôn ngoan theo thế gian là gì, kể cả các kế hoạch của thế gian về một trật tự thế giới mới? Nhược điểm căn bản là thế gian lờ đi một điểm chính yếu mà do đó sẽ không bao giờ thành công được, ấy là: quyền thống trị tối cao của Đức Chúa Trời Giê-hô-va. Thế gian này ngạo mạn từ chối không công nhận quyền tối thượng của Ngài. Thế gian này cố tình không màng tới Đức Giê-hô-va trong mọi dự tính của họ, và chỉ tin cậy nơi khả năng và hoạch định của mình. (So sánh Đa-ni-ên 4:31-34; Giăng 18:37). Nhưng Kinh-thánh nói rõ rằng sự “kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan” (Châm-ngôn 9:10; Thi-thiên 111:10). Vậy mà thế gian vẫn chưa học được điều cần thiết căn bản này của sự khôn ngoan. Vậy thì làm sao thế gian có thể thành công được, khi không có sự hậu thuẫn của Đức Chúa Trời? (Thi-thiên 127:1).
Rao giảng về Nước Trời, điều rồ dại hoặc thực tế?
6, 7. a) Những người được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đang rao giảng điều gì, nhưng thế gian coi họ thế nào? b) Các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ rao giảng theo sự khôn ngoan của ai, và với kết quả gì?
6 Mặt khác, những người biết Đức Chúa Trời thì bày tỏ sự khôn ngoan của Ngài và để cho sự khôn ngoan ấy hướng dẫn mình. Như Giê-su đã báo trước, họ đi rao giảng “Tin-lành này về Nước Đức Chúa Trời...ra khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Nhưng sự rao giảng này có thực tế ngày nay không, trong khi trái đất đầy chiến tranh, ô nhiễm, nghèo đói và nhân loại bị đau khổ? Đối với những người khôn ngoan theo thế gian này thì sự rao giảng về Nước Đức Chúa Trời như thế có vẻ là hoàn toàn rồ dại và không thực tế. Họ xem những người rao giảng Nước Đức Chúa Trời như một gánh nặng cho quốc gia và làm trì hoãn sự tiến bộ đi đến một chính phủ chính trị lý tưởng. Trong phạm vi này họ được hậu thuẫn bởi những nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Những người này rao giảng theo sự khôn ngoan của thế gian và không dạy dỗ những điều mà người ta cần phải biết về thế giới mới của Đức Chúa Trời và chính phủ của Ngài là Nước Trời, mặc dầu điều này là sự dạy dỗ chính của đấng Christ (Ma-thi-ơ 4:17; Mác 1:14, 15).
7 Sử gia H. G. Wells cho thấy đó là điều thất bại của các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Ông viết: “Điều đáng ta lưu ý là sự nổi bật rõ ràng của Giê-su trong điều dạy dỗ mà ngài gọi là Nước Trời, so với cách thức và sự dạy dỗ chẳng nghĩa lý gì về điều này trong hầu hết các giáo hội tự xưng theo đấng Christ”. Vì vậy, để cho những người ở thế hệ này có được sự sống, trước tiên họ phải được nghe về Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập, và để đạt đến mục tiêu ấy thì phải có người đi rao giảng về tin mừng Nước Trời (Rô-ma 10:14, 15).
8. Tại sao rao giảng tin mừng của Đức Chúa Trời là điều thực tế nhất ngày nay, nhưng lối sống nào sẽ không đem lại lợi ích lâu bền?
8 Vậy thì sự rao giảng về tin mừng của Đức Chúa Trời là điều thực tế nhất ngày nay. Thực tế là vì thông điệp Nước Trời đem lại một hy vọng thật sự làm chứa chan lòng người ta với sự vui mừng trong giai đoạn của những ngày cuối cùng “khó-khăn” này (II Ti-mô-thê 3:1-5; Rô-ma 12:12; Tít 2:13). Trong khi đời sống của thế gian này thật là bấp bênh và ngắn ngủi, đời sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời sẽ kéo dài đời đời giữa sự vui vẻ, sung túc và bình an ngay trên đất này (Thi-thiên 37:3, 4, 11). Quả thật, Giê-su nói: “Người nào nếu được cả thiên-hạ mà mất linh-hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh-hồn mình lại?” Nếu một người mất quyền sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời thì lợi lộc của thế gian chóng qua này có nghĩa gì? Sự vui hưởng của cải vật chất của người ấy chỉ rất là nông nổi, hão huyền và phù du (Ma-thi-ơ 16:26; Truyền-đạo 1:14; Mác 10:29, 30).
9. a) Khi một người đàn ông được mời làm môn đồ của Giê-su nhưng lại xin trì hoãn, thì Giê-su đã khuyên gì? b) Lời đáp của Giê-su nên ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
9 Có một người đàn ông nọ được Giê-su mời theo làm môn đồ của ngài, nhưng ông đáp: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi đã”. Giê-su đã khuyên ông làm gì? Vì biết rằng người ấy sẽ đình hoãn công việc trọng đại nhất chỉ vì người ấy chờ đợi cha mẹ sống cho hết quãng đời còn lại, cho nên Giê-su phán: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi hãy đi rao-giảng nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:59, 60). Những ai muốn chứng tỏ khôn ngoan bằng cách vâng theo đấng Christ thì không trốn tránh làm trọn nhiệm vụ mình trong công việc rao giảng Nước Trời. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời khiến người ấy ý thức rằng thế gian này cùng những nhà cầm quyền của nó đã đến đường cùng rồi (I Cô-rinh-tô 2:6; I Giăng 2:17). Những người ủng hộ quyền thống trị của Đức Chúa Trời biết rõ rằng hy vọng duy nhất cho nhân loại là phải có sự can thiệp và sự cai trị của Ngài (Xa-cha-ri 9:10). Trong khi những kẻ có sự khôn ngoan của thế gian không tin cậy nơi Nước Đức Chúa Trời và không muốn chính phủ của Nước ấy, thì những người được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Ngài sẽ chăm lo làm những gì đem lại lợi ích thật sự cho người đồng loại, sửa soạn họ cho sự sống đời đời trong thế giới mới mà Đức Giê-hô-va đã hứa (Giăng 3:16; II Phi-e-rơ 3:13).
“Những người hư-mất cho là điên dại”
10. a) Sau khi cải đạo, Sau-lơ người Tạt-sơ đã gánh lấy công việc gì, và ông xem công việc ấy thế nào? b) Người Hy-lạp xưa nổi tiếng về những gì, nhưng Đức Chúa Trời xem sự khôn ngoan của họ như thế nào?
10 Sau-lơ, người Tạt-sơ, sau này trở thành Phao-lô, sứ đồ của Chúa Giê-su, đã gánh lấy công việc cứu mạng sống này. Và có hợp lý chăng để nghĩ rằng một khi Giê-su đã khiến Sau-lơ cải đạo, ngài lại giao phó cho ông làm một công việc điên dại chăng? Phao-lô không nghĩ thế (Phi-líp 2:16). Vào thời đó người Hy-lạp được xem như những người trí thức nhất thế giới. Họ hãnh diện có những triết gia và hiền nhân nổi tiếng. Mặc dù nói được tiếng Hy-lạp, Phao-lô chẳng ngã theo triết lý và học thuyết của người Hy-lạp. Vì sao thế? Bởi vì sự khôn ngoan thể ấy của thế gian là rồ dại đối với Đức Chúa Trời.a Phao-lô tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan này thúc đẩy ông đi rao giảng tin mừng từ nhà này sang nhà kia. Giê-su, người rao giảng vĩ đại nhất của mọi thời đại, đã làm gương về việc này và bảo ông làm cùng công việc như thế (Lu-ca 4:43; Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21; 26:15-20; I Cô-rinh-tô 9:16).
11. Phao-lô đại khái nói gì về sứ mạng rao giảng của ông và về sự khôn ngoan của thế gian?
11 Phao-lô nói về sứ mạng rao giảng của ông như sau: “Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi...để rao-giảng Tin-lành, và chẳng dùng sự khôn-khéo mà giảng, kẻo thập-tự-giá của Đấng Christ ra vô-ích. Bởi vì lời giảng về thập-tự-giá [sự hy sinh của Giê-su để làm giá chuộc], thì những người hư-mất cho là điên-dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu-chuộc, thì cho là quyền-phép của Đức Chúa Trời. Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy-phá sự khôn-ngoan của người khôn-ngoan, tiêu-trừ sự thạo-biết của người thạo-biết. Người khôn-ngoan ở đâu [chẳng hạn như những triết gia]? Thầy thông-giáo ở đâu? Người biện-luận đời này ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn-ngoan của thế-gian ra dồ-dại [rồ dại] không? Vì tại thế-gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn-ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ-dại [rồ dại] của chúng ta mà cứu-rỗi những người tin-cậy” (I Cô-rinh-tô 1:17-21).
12. Đức Giê-hô-va đang thực hiện điều gì qua “sự giảng dồ-dại [rồ dại]”, và những người muốn “sự khôn-ngoan từ trên” thì sẽ phản ứng ra sao?
12 Dù nghe có vẻ khó tin thật, nhưng chính những người mà thế gian cho là rồ dại, lại được Đức Chúa Trời dùng làm những người rao giảng của Ngài. Vâng, đúng thế, bởi thánh chức rồ dại của những người rao giảng này mà Đức Chúa Trời cứu những kẻ có lòng tin. Đức Giê-hô-va sắp xếp mọi sự hầu những người rao giảng sự “rồ dại” này chẳng thể tự khoe mình, và những kẻ khác nghe được tin mừng này cũng chẳng có lý do để tán tụng những người rao giảng cho họ. Điều đã được xếp đặt như vậy hầu cho “chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 1:28-31; 3:6, 7). Hiển nhiên là những người rao giảng đóng một vai trò quan trọng, nhưng chính thông điệp mà Ngài giao phó cho họ để rao giảng mới là tác động đưa đến sự cứu rỗi nếu người nghe chịu tin. Ai muốn “sự khôn-ngoan từ trên” thì sẽ không chê ghét thông điệp của người rao giảng chỉ vì người này có vẻ rồ dại và tầm thường, bị bắt bớ và đi từ nhà này sang nhà kia. Thay vì thế, người khiêm nhường sẽ kính trọng người công bố Nước Trời như người được Đức Giê-hô-va ủy nhiệm rao giảng, và vì danh Đức Chúa Trời mà đến với họ. Họ sẽ coi trọng thông điệp mà người rao giảng đem lại bằng lời nói hay in trên giấy (Gia-cơ 3:17; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).
13. a) Những người Do-thái và Hy-lạp xem thế nào sự rao giảng nói về đấng Christ bị đóng đinh trên cây gỗ? b) Trong những nhóm người nào không có nhiều kẻ được chọn để trở thành môn đồ của Giê-su, và tại sao?
13 Phao-lô tiếp tục bàn về đường lối của Đức Chúa Trời như sau: “Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc đòi sự khôn-ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập-tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ-dại [rồ dại]; song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền-phép của Đức Chúa Trời. Bởi vì sự dồ-dại [rồ dại] của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta. Hỡi anh em, hãy suy-xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn-ngoan theo xác-thịt, chẳng nhiều kẻ quyền-thế, chẳng nhiều kẻ sang-trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế-gian để làm hổ-thẹn những sự mạnh”. (I Cô-rinh-tô 1:22-27; so sánh Ê-sai 55:8, 9).
14. a) Nếu được hỏi về sự ủy nhiệm đi rao giảng, các Nhân-chứng Giê-hô-va dựa trên đâu để chứng minh? b) Tại sao Phao-lô từ chối không phô trương bất cứ sự khôn ngoan nào theo thế gian để làm hài lòng người Hy-lạp?
14 Khi Giê-su còn ở trên đất, những người Do-thái đòi cho thấy một dấu lạ từ trời (Ma-thi-ơ 12:38, 39; 16:1). Nhưng ngài từ chối cho họ thấy bất cứ dấu lạ nào. Cũng thế, các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay cũng chẳng trưng bằng cớ dấu hiệu của sự ủy nhiệm nào cả. Ngược lại, họ chứng minh cho thấy sứ mạng rao giảng tin mừng đã được giao phó cho họ như có ghi chép trong Kinh-thánh nơi những đoạn như Ê-sai 61:1, 2; Mác 13:10 và Khải-huyền 22:17. Những người Hy-lạp thuở xưa tìm kiếm sự khôn ngoan, sự cao học của những điều trong thế gian này. Tuy Phao-lô được giáo dục trong sự khôn ngoan của thế gian này, nhưng ông từ chối không phô trương bất cứ điều gì của sự khôn ngoan ấy cho những người Hy-lạp (Công-vụ các Sứ-đồ 22:3). Ông nói và viết theo tiếng Hy-lạp đàm thoại phổ thông của quần chúng Hy-lạp, thay vì dùng ngôn ngữ Hy-lạp cổ điển. Phao-lô nói cùng người Cô-rinh-tô rằng: “Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao-xa hay là khôn-sáng mà rao-giảng cho anh em biết chứng-cớ của Đức Chúa Trời... Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn-thuyết khéo-léo của sự khôn-ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh-Linh và quyền-phép; hầu cho anh em chớ lập đức-tin mình trên sự khôn-ngoan loài người, bèn là trên quyền-phép Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:1-5).
15. Phi-e-rơ nhắc nhở điều gì cho những người nhạo báng tin mừng, và tình trạng ngày nay tương tợ thời Nô-ê thế nào?
15 Trong những ngày cuối cùng này có những kẻ nhạo báng tin mừng về thế giới mới sắp đến của Đức Chúa Trời và ngày tận cùng của thế gian này gần kề; họ đã được sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở rằng thế gian thời Nô-ê đã “bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt” (II Phi-e-rơ 3:3-7). Trước tai ương như thế Nô-ê đã làm gì? Có nhiều người nghĩ đến Nô-ê chỉ như một người đóng tàu, nhưng Phi-e-rơ nói khi Đức Chúa Trời đem lại trận nước lụt khi xưa, Ngài “chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi” (II Phi-e-rơ 2:5). Trong sự khôn ngoan theo thế gian của họ, những kẻ không tin kính này vào thời trước trận Nước Lụt, chắc hẳn đã nhạo báng sự rao giảng của Nô-ê, và cho rằng ông điên rồ, thiếu thực tiễn và không thực tế. Ngày nay, tín đồ thật của đấng Christ cũng gặp trường hợp tương tợ như vậy, vì Giê-su đã so sánh thế hệ chúng ta với thời của Nô-ê. Dầu sao, bất kể những kẻ nhạo báng, tin mừng về Nước Trời không chỉ là để nói chơi mà thôi. Nhưng, cũng giống như sự rao giảng thời Nô-ê, điều này có nghĩa là sự cứu rỗi cho những người đi rao giảng và những người nghe và tin! (Ma-thi-ơ 24:37-39; I Ti-mô-thê 4:16).
“Hãy trở nên dại-dột, để được khôn-ngoan”
16. Cái gì sẽ xảy ra cho sự khôn ngoan của thế gian này tại Ha-ma-ghê-đôn, và ai sẽ được sống sót để vào thế giới mới của Đức Chúa Trời?
16 Sắp tới đây, tại Ha-ma-ghê-đôn, Đức Chúa Trời Giê-hô-va sẽ “hủy-phá sự khôn-ngoan của người khôn-ngoan”. Ngài sẽ “tiêu-trừ sự thạo-biết của người thạo-biết” là những kẻ hô hào cho một trật tự thế giới mới của loài người để đem lại điều kiện tốt hơn cho nhân loại. “Chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” sẽ tiêu hủy tất cả những lối ngụy biện, triết lý và sự khôn ngoan của thế gian này (I Cô-rinh-tô 1:19; Khải-huyền 16:14-16). Chỉ những người vâng phục điều mà thế gian này gọi là rồ dại—đúng vậy, chỉ những ai vâng phục tin mừng vinh hiển của Nước Đức Giê-hô-va—mới được sống sót qua khỏi trận chiến ấy và được sự sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.
17. Nhân-chứng Giê-hô-va trở nên “rồ dại” thế nào, và những người truyền giáo của Đức Chúa Trời quyết tâm làm gì?
17 Được thánh linh của Ngài hướng dẫn, các Nhân-chứng Giê-hô-va không hổ thẹn rao giảng điều mà thế gian này gọi là rồ dại. Thay vì trở nên khôn ngoan theo thế gian, thì họ trở nên “dại-dột”. Bằng cách nào? Bằng cách rao giảng về Nước Trời hầu được khôn ngoan, như Phao-lô đã nói: “Nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn-ngoan theo cách đời này, hãy trở nên dại-dột để được khôn-ngoan” (I Cô-rinh-tô 3:18-20). Những người rao giảng tin mừng của Đức Giê-hô-va biết giá trị cứu mạng sống của thông điệp và họ sẽ tiếp tục rao giảng không ngừng cho đến khi thế gian này cùng sự khôn ngoan của nó kết liễu tại trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Sắp tới lúc Đức Chúa Trời Giê-hô-va sẽ biện minh cho quyền thống trị hoàn vũ của Ngài và đem lại sự sống đời đời cho tất cả những ai bây giờ đang tin và vâng theo “sự giảng dồ-dại [rồ dại]”.
[Chú thích]
a Bất kể tất cả những bàn luận triết lý và dò xét của những người khôn ngoan của cổ Hy-lạp, những tác phẩm văn chương của họ cho thấy rằng họ không tìm thấy căn bản thật sự nào để hy vọng. Giáo sư J. R. S. Sterrett và Samuel Angus nói: “Không có một văn chương nào chứa đựng nhiều hơn những lời than vãn đau thương về sự buồn khổ của đời sống, sự phù du của tình yêu, sự dối trá của hy vọng và sự tàn bạo của sự chết” (Funk and Wagnalls New “Standard” Bible Dictionary, năm 1936, trang 313).
Câu trả lời của bạn là gì?
◻ Có hai sự khôn ngoan khác nhau nào?
◻ Nhược điểm căn bản của sự khôn ngoan theo thế gian là gì?
◻ Tại sao rao giảng tin mừng là điều thực tế nhất?
◻ Trong tương lai sắp tới, điều gì sẽ xảy ra cho sự khôn ngoan của thế gian?
◻ Tại sao các Nhân-chứng Giê-hô-va chẳng hổ thẹn rao giảng điều mà thế gian gọi là rồ dại?
[Hình nơi trang 23]
Những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan theo thế gian và thường xem sự rao giảng của Phao-lô là rồ dại