Lời Đức Giê-hô-va là lời sống
Những điểm nổi bật trong thư gửi cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô
Sứ đồ Phao-lô rất quan tâm đến hội thánh Cô-rinh-tô. Ông đã nghe anh em ở đó có sự tranh cạnh và dung túng sự vô luân. Hội thánh cũng đã viết thư cho Phao-lô để hỏi về một số điều. Vì thế, khoảng năm 55 CN, khi đến Ê-phê-sô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba, Phao-lô viết thư thứ nhất cho tín đồ ở Cô-rinh-tô.
Có lẽ chỉ vài tháng sau khi viết thư thứ nhất, Phao-lô viết tiếp thư thứ hai. Tình hình bên trong và bên ngoài hội thánh Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất tương tự thời chúng ta về nhiều khía cạnh, vì thế thông tin trong hai thư này rất có ích cho chúng ta.—Hê 4:12.
‘HÃY TỈNH-THỨC, VỮNG-VÀNG VÀ MẠNH-MẼ’
Phao-lô khuyên: “Anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau” (1 Cô 1:10). ‘Chẳng có nền nào khác ngoài Chúa Giê-su’ để xây dựng những đức tính của tín đồ Đấng Christ (1 Cô 3:11-13). Nói về một người gian dâm trong hội thánh, Phao-lô viết: “Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em” (1 Cô 5:13). Ông nói: “Thân-thể chẳng phải vì sự dâm-dục đâu, bèn là vì Chúa”, hoặc “thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa” (Tòa Tổng Giám Mục).—1 Cô 6:13.
Giải đáp “các điều hỏi trong thơ anh em”, Phao-lô đưa ra lời khuyên thiết thực về hôn nhân và tình trạng độc thân (1 Cô 7:1). Sau khi bình luận về quyền làm đầu trong đạo Đấng Christ, sự sắp đặt trong các buổi họp và tính chắc chắn của sự sống lại, Phao-lô khuyên: “Anh em hãy tỉnh-thức, hãy vững-vàng trong đức-tin, hãy dốc chí trượng-phu và mạnh-mẽ”.—1 Cô 16:13.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:21—Đức Giê-hô-va có thật sự dùng ‘sự rồ-dại’ để cứu rỗi những người tin cậy không? Không. Tuy nhiên, “thế-gian cậy sự khôn-ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn-ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời” nên điều Ngài dùng để cứu rỗi người ta có vẻ như sự rồ dại đối với thế gian.—Giăng 17:25.
7:33, 34—“Việc đời nầy” mà người đã kết hôn phải chăm lo là gì? Phao-lô nói đến những việc thông thường trong đời sống mà người tín đồ đã kết hôn cần phải quan tâm. Những việc này bao gồm thức ăn, quần áo và nhà cửa, nhưng không nói đến những việc xấu của thế gian này, là những điều tín đồ Đấng Christ phải tránh.—1 Giăng 2:15-17.
11:26—Phải tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su bao lâu một lần, và “cho tới” khi nào? Phao-lô có ý nói rằng mỗi lần các tín đồ được xức dầu dùng món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm, mỗi năm một lần vào ngày 14 Ni-san, họ “rao sự chết của Chúa”. Họ làm điều này “cho tới lúc Ngài đến”, tức là đến khi ngài tiếp họ lên trời qua sự sống lại.—1 Tê 4:14-17.
13:13—Tình yêu thương trọng hơn đức tin và sự trông cậy như thế nào? Khi “những điều mình đương trông-mong” và “sự biết chắc vững-vàng” trở thành hiện thực, một số khía cạnh của đức tin và sự trông cậy sẽ chấm dứt (Hê 11:1). Tình yêu thương trọng hơn đức tin và sự trông cậy vì nó tồn tại mãi mãi.
15:29—“Vì kẻ chết chịu phép báp-têm” có nghĩa gì? Phao-lô không ám chỉ rằng người sống làm báp têm thay cho người đã chết chưa làm báp têm. Trong câu này, ông nói về việc các tín đồ được xức dầu theo đuổi cuộc sống mà họ giữ sự trung kiên đến cho chết và sau đó được sống lại trong thể thần linh.
Bài học cho chúng ta:
1:26-31; 3:3-9; 4:7. Khiêm nhường khoe mình trong Đức Giê-hô-va, chứ không tự khoe mình, giúp phát huy sự hợp nhất trong hội thánh.
2:3-5. Khi làm chứng ở thành Cô-rinh-tô, trung tâm triết lý và kiến thức Hy Lạp, Phao-lô có lẽ quan tâm về việc ông có khả năng thuyết phục người nghe hay không. Tuy nhiên, ông không để cho sự yếu đuối hay sợ hãi nào cản trở việc thi hành thánh chức mà Đức Chúa Trời giao cho ông. Cũng vậy, chúng ta không nên để cho bất cứ hoàn cảnh nào ngăn cản chúng ta loan báo tin mừng về Nước Trời. Như Phao-lô, chúng ta có thể tin tưởng trông đợi Đức Giê-hô-va giúp đỡ.
2:16. Biết “ý của Đấng Christ” là biết cách ngài suy nghĩ, suy nghĩ giống như ngài, hiểu tường tận cá tính ngài và noi gương ngài (1 Phi 2:21; 4:1). Tìm hiểu kỹ về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su là điều rất quan trọng!
3:10-15; 4:17. Chúng ta nên phân tích và cải tiến khả năng dạy dỗ và đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20). Nếu chúng ta không khéo dạy dỗ, học viên có thể không vượt qua được những thử thách về đức tin, và chúng ta có thể bị mất phần thưởng một cách đau đớn đến nỗi sự cứu rỗi của chúng ta sẽ “dường như qua lửa”.
6:18. Muốn “tránh sự dâm-dục”, chúng ta không chỉ tránh những hành vi por·neiʹa mà cả tài liệu khiêu dâm, dâm ô, ý tưởng vô luân, tán tỉnh—bất cứ điều gì có thể dẫn đến “sự dâm-dục”, hay tà dâm.—Mat 5:28; Gia 3:17.
7:29. Vợ chồng phải cẩn thận không quá chăm lo cho nhau đến nỗi để công việc Nước Trời xuống hàng thứ yếu trong đời sống.
10:8-11. Đức Giê-hô-va rất buồn lòng khi dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm về Môi-se và A-rôn. Chúng ta nên khôn ngoan tránh nhiễm thói lằm bằm.
16:2. Sự đóng góp của chúng ta cho công việc Nước Trời sẽ đều đặn nếu dự tính trước và làm đúng theo dự tính.
“KHÁ THEO ĐẾN SỰ TRỌN-LÀNH”
Phao-lô bảo các tín đồ ở Cô-rinh-tô là họ phải “tha-thứ yên-ủi” người phạm tội biết ăn năn và đã bị quở trách. Mặc dù thư thứ nhất của ông làm họ buồn rầu, Phao-lô bày tỏ niềm vui vì “sự buồn-rầu làm cho [họ] sanh lòng hối-cải”.—2 Cô 2:6, 7; 7:8, 9.
‘Như họ đều trổi hơn về mọi việc’, Phao-lô khuyến khích các tín đồ ở Cô-rinh-tô hãy “trổi hơn về việc nhân-đức”. Sau khi trả lời những người chống đối, ông đưa ra lời khuyên cuối cùng cho mọi người: “Hãy mừng-rỡ; khá theo đến sự trọn-lành; hãy yên-ủi mình, hiệp một tâm-tình, ở cho hòa-thuận”.—2 Cô 8:7; 13:11.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
2:15, 16—Chúng ta là “mùi thơm của Đấng Christ” như thế nào? Chúng ta là “mùi thơm” vì theo sát Kinh Thánh và rao truyền thông điệp của Kinh Thánh. “Hương thơm” đó có thể là ghê tởm đối với kẻ không công bình, nhưng lại là mùi thơm đối với Đức Giê-hô-va và những người có lòng thành.
5:16—Tín đồ Đấng Christ được xức dầu “không theo xác-thịt mà nhận biết ai”, nghĩa là gì? Họ không xem người ta theo quan điểm xác thịt, tức là không thiên vị dựa vào sự giàu có, chủng tộc, sắc tộc hay quốc gia. Điều quan trọng đối với họ là mối quan hệ thiêng liêng với anh em đồng đạo.
11:1, 16; 12:11—Phao-lô có dại dột đối với các tín đồ ở Cô-rinh-tô không? Không. Tuy nhiên, đối với một số người, ông có vẻ khoe khoang và dại dột vì những gì ông phải nói để bênh vực chức vụ sứ đồ của ông.
12:1-4—Ai “được đem lên đến chốn Ba-ra-đi”? Vì Kinh Thánh không cho biết ai khác có sự hiện thấy như thế và đoạn này theo sau lời Phao-lô bênh vực chức vụ sứ đồ của ông, có lẽ ông thuật lại kinh nghiệm bản thân. Sự hiện thấy mà sứ đồ này nhận được có thể là địa đàng thiêng liêng mà hội thánh tín đồ Đấng Christ được hưởng vào “kỳ cuối-cùng”.—Đa 12:4.
Bài học cho chúng ta:
3:5. Trên nguyên tắc, câu này cho biết qua Lời Ngài, thánh linh và tổ chức phần trên đất của Ngài, Đức Giê-hô-va giúp tín đồ Đấng Christ có đủ khả năng để thi hành thánh chức (Giăng 16:7; 2 Ti 3:16, 17). Chúng ta nên siêng năng học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, luôn cầu xin thánh linh và đều đặn tham dự cũng như góp phần vào các buổi họp đạo Đấng Christ.—Thi 1:1-3; Lu 11:10-13; Hê 10:24, 25.
4:16. Vì Đức Giê-hô-va đổi mới ‘người bề trong chúng ta càng ngày càng hơn’, chúng ta nên đều đặn tận dụng những sắp đặt của Ngài, không để ngày nào trôi qua mà không quan tâm đến điều thiêng liêng.
4:17, 18. Nếu nhớ rằng “sự hoạn-nạn [là] nhẹ và tạm”, điều này có thể giúp chúng ta giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va trong gian nan thử thách.
5:1-5. Phao-lô diễn tả rất hay cảm nghĩ của các tín đồ Đấng Christ được xức dầu về hy vọng sống trên trời!
10:13. Thông thường, chúng ta chỉ nên rao giảng trong khu vực được chỉ định cho hội thánh, trừ khi có sự sắp đặt cụ thể để chúng ta đến nơi có nhu cầu lớn hơn.
13:5. Để ‘tự xét xem mình có đức-tin chăng’, chúng ta phải đánh giá hạnh kiểm mình dựa trên những gì học được trong Kinh Thánh. Để “tự thử mình”, chúng ta phải xem xét tình trạng thiêng liêng của mình, bao gồm sự nhạy bén của khả năng nhận thức và mức độ chúng ta thể hiện đức tin (Hê 5:14; Gia 1:22-25). Bằng cách áp dụng lời khuyên hợp lý của Phao-lô, chúng ta có thể tiếp tục bước theo lẽ thật.
[Hình nơi trang 26, 27]
Câu “mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy” có nghĩa gì?—1 Cô 11:26