“Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”!
“Người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”.—1 CÔ 3:7.
1. Chúng ta là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” theo nghĩa nào?
“Bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. Đó là lời sứ đồ Phao-lô miêu tả đặc ân mà tất cả chúng ta có thể nhận được. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:5-9). Công việc mà Phao-lô nói đến là đào tạo môn đồ. Ông ví nó như việc gieo và tưới hạt giống. Nếu muốn thành công trong việc quan trọng này, chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Phao-lô nhắc chúng ta rằng “Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên”.
2. Tại sao sự kiện ‘Đức Chúa Trời làm cho lớn lên’ giúp chúng ta có quan điểm đúng về thánh chức của mình?
2 Sự kiện đó giúp chúng ta có quan điểm khiêm nhường và đúng đắn về thánh chức của mình. Chúng ta có thể siêng năng rao giảng và dạy dỗ, nhưng cuối cùng chỉ Đức Giê-hô-va mới xứng đáng được ngợi khen về bất cứ kết quả tốt nào. Tại sao? Vì dù cố gắng đến đâu, không ai trong chúng ta có thể hiểu rõ quá trình phát triển đức tin của một người, chứ đừng nói gì đến việc kiểm soát quá trình ấy. Vua Sa-lô-môn diễn tả điều này chính xác khi ông viết: “Ngươi chẳng hiểu biết công-việc của Đức Chúa Trời, là Đấng làm nên muôn vật”.—Truyền 11:5.
3. Có sự tương tự nào giữa việc gieo hạt và đào tạo môn đồ?
3 Việc chúng ta không hiểu rõ quá trình phát triển ấy có làm cho công việc của chúng ta trở nên nặng nề không? Không. Thay vì thế, điều đó còn làm cho công việc trở nên hấp dẫn và lý thú. Vua Sa-lô-môn nói: “Vừa sáng sớm, khá gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt” (Truyền 11:6). Thật vậy, khi gieo hạt giống, chúng ta không biết hạt giống ấy mọc lên ở nơi nào hoặc có nẩy mầm không. Có nhiều yếu tố nằm ngoài vòng kiểm soát của chúng ta. Cũng có thể nói như thế về việc đào tạo môn đồ. Chúa Giê-su lưu ý đến sự kiện này qua hai minh họa đã được ghi trong chương 4 sách Phúc âm của Mác. Hãy xem chúng ta có thể học được gì qua hai minh họa này.
Những loại đất khác nhau
4, 5. Hãy tóm tắt minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống.
4 Như được ghi nơi Mác 4:1-9, Chúa Giê-su miêu tả một người gieo giống; những hạt ông rải rơi xuống những nơi khác nhau: “Hãy nghe. Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim đến ăn hết. Một phần khác rơi nhằm nơi đất đá-sỏi, chỉ có ít đất thịt, tức thì mọc lên, vì bị lấp không sâu; nhưng khi mặt trời đã mọc, thì bị đốt, và bởi không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai; gai mọc rậm lên làm cho nghẹt-ngòi, và không kết quả. Một phần khác nữa rơi nhằm nơi đất tốt, thì kết quả, lớn lên và nẩy-nở ra; một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm”.
5 Vào thời Kinh Thánh, người ta thường gieo giống bằng cách rải hạt. Người gieo đựng hạt trong vạt áo hoặc trong một cái túi và vung tay tung hạt ra. Theo minh họa này, người gieo không cố tình gieo hạt trên những loại đất khác nhau. Đúng hơn, hạt rơi vào những chỗ khác nhau.
6. Chúa Giê-su giải thích thế nào minh họa về người gieo giống?
6 Chúng ta không phải tự đoán ý nghĩa của minh họa này. Chúa Giê-su đã giải thích, như được ghi nơi Mác 4:14-20: “Người gieo giống ấy là gieo đạo. Những kẻ ở dọc đường là kẻ đã chịu đạo gieo nơi mình; nhưng vừa mới nghe đạo, tức thì quỉ Sa-tan đến, cướp lấy đạo đã gieo trong lòng họ đi. Cũng vậy, những người chịu giống gieo nơi đất đá-sỏi, là những kẻ nghe đạo, liền vui-mừng chịu lấy; song vì trong lòng họ không có rễ, chỉ tạm-thời mà thôi, nên nỗi gặp khi vì cớ đạo mà xảy ra sự cực-khổ, bắt-bớ, thì liền vấp-phạm. Còn những kẻ chịu giống gieo nơi bụi gai, là kẻ đã nghe đạo; song sự lo-lắng về đời nầy, sự mê-đắm về giàu-sang, và các sự tham-muốn khác thấu vào lòng họ, làm cho nghẹt-ngòi đạo, và trở nên không trái. Nhưng, những người chịu giống gieo vào nơi đất tốt, là kẻ nghe đạo, chịu lấy và kết quả, một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm”.
7. Hạt giống và những loại đất khác nhau tượng trưng cho điều gì?
7 Hãy lưu ý là Chúa Giê-su không nói rằng người gieo dùng nhiều loại giống. Ngài chỉ nói về một loại giống rơi trên những loại đất khác nhau, mỗi loại đất sinh ra một kết quả. Loại thứ nhất là đất cứng, loại thứ nhì chỉ có ít đất thịt, loại thứ ba có nhiều gai gốc và loại thứ tư là đất tốt, màu mỡ (Lu 8:8). Hạt giống là gì? Đó là thông điệp Nước Trời được ghi trong Lời Đức Chúa Trời (Mat 13:19). Những loại đất khác nhau tượng trưng cho điều gì? Chúng tượng trưng cho người ta với tình trạng lòng khác nhau.—Đọc Lu-ca 8:12, 15.
8. (a) Người gieo giống tượng trưng cho ai? (b) Tại sao có những phản ứng khác nhau đối với thông điệp Nước Trời?
8 Người gieo giống tượng trưng cho ai? Đó là những người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, những người công bố tin mừng về Nước Trời. Như Phao-lô và A-bô-lô, họ trồng và tưới. Nhưng dù làm việc chăm chỉ, họ đạt kết quả khác nhau. Tại sao? Vì lòng của những người nghe thông điệp không giống nhau. Trong minh họa, người gieo không kiểm soát được kết quả. Điều này thật an ủi biết bao, đặc biệt đối với những anh chị trung thành phụng sự trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, nhưng dường như chỉ đạt một ít kết quả!a Tại sao thế?
9. Sứ đồ Phao-lô và Chúa Giê-su đều nhấn mạnh sự thật khích lệ nào?
9 Sự trung thành của người gieo không được đánh giá dựa trên kết quả công việc. Phao-lô ám chỉ điều này khi nói: “Ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm” (1 Cô 3:8). Phần thưởng tùy thuộc vào việc làm, chứ không theo kết quả của việc ấy. Chúa Giê-su cũng nhấn mạnh điều này khi các môn đồ trở về sau chuyến rao giảng. Họ mừng rỡ vì các quỉ đã phục họ bởi danh Chúa Giê-su. Dù việc đó rất hào hứng, Chúa Giê-su phán với họ: “Chớ mừng vì các quỉ phục các ngươi; nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên-đàng” (Lu 10:17-20). Ngay cả khi người gieo không thấy việc làm của mình đạt nhiều kết quả, không nhất thiết là người đó đã không siêng năng hoặc trung thành như người khác. Kết quả phần lớn tùy thuộc vào lòng của người nghe. Nhưng cuối cùng, Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên!
Trách nhiệm của người nghe đạo
10. Một người nghe đạo giống như loại đất tốt hay không là tùy nơi điều gì?
10 Còn người nghe đạo thì sao? Phản ứng của họ có được định trước không? Không. Họ giống như loại đất tốt hay không là tùy nơi họ. Thật vậy, tình trạng lòng của một người có thể thay đổi để trở nên tốt hơn hoặc xấu đi (Rô 6:17). Trong minh họa, Chúa Giê-su nói một số người “vừa mới nghe đạo” thì Sa-tan đến và cướp lấy. Nhưng điều này không nhất thiết phải xảy ra. Nơi Gia-cơ 4:7, tín đồ Đấng Christ được khuyến khích “hãy chống-trả ma-quỉ”, thì nó sẽ lánh xa họ. Chúa Giê-su miêu tả những người khác lúc đầu vui mừng nghe đạo nhưng rồi bị vấp phạm vì “trong lòng họ không có rễ”. Nhưng tôi tớ Đức Chúa Trời được khuyên hãy “đâm rễ vững nền” để hiểu thấu “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu-thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông-biết”.—Ê-phê 3:18, 19; Cô 2:6, 7.
11. Làm thế nào một người có thể tránh để cho sự lo lắng và giàu sang làm nghẹt ngòi đạo?
11 Những người khác đã nghe đạo nhưng để cho “sự lo-lắng về đời nầy, sự mê-đắm về giàu-sang” thấu vào lòng và làm cho nghẹt ngòi đạo (1 Ti 6:9, 10). Làm sao họ có thể tránh được điều này? Sứ đồ Phao-lô trả lời: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—Hê 13:5.
12. Tại sao những người tượng trưng bởi đất tốt có kết quả khác nhau?
12 Cuối cùng, Chúa Giê-su nói những người nhận hạt giống gieo nơi đất tốt thì kết quả “một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm”. Mặc dù một số người hưởng ứng đạo có lòng tốt và kết quả, nhưng những gì họ có thể làm trong việc công bố tin mừng tùy thuộc hoàn cảnh của họ. Thí dụ, tuổi già hoặc bệnh tật có thể khiến một số người bị giới hạn trong công việc rao giảng. (So sánh Mác 12:43, 44). Một lần nữa, người gieo giống không hoàn toàn kiểm soát được hoàn cảnh, nhưng người đó vui mừng khi thấy Đức Giê-hô-va làm cho hạt giống lớn lên.—Đọc Thi-thiên 126:5, 6.
“Người [gieo giống] ngủ”
13, 14. (a) Hãy tóm tắt minh họa của Chúa Giê-su về người rải hạt giống. (b) Người gieo tượng trưng cho ai, và hạt giống là gì?
13 Nơi Mác 4:26-29, chúng ta có một minh họa khác về người gieo giống: “Nước Đức Chúa Trời cũng như một người vãi giống xuống đất; người ngủ hay dậy, đêm và ngày, giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết thể nào. Vì đất tự sanh ra hoa-lợi: ban đầu là cây, kế đến bông, đoạn bông kết thành hột. Khi hột đã chín, người ta liền tra lưỡi hái vào, vì mùa gặt đã đến”.
14 Người gieo giống này là ai? Một số người thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ tin rằng người này ám chỉ chính Chúa Giê-su. Nhưng làm sao có thể nói Chúa Giê-su ngủ và không biết hạt giống tăng trưởng như thế nào? Chắc chắn Chúa Giê-su biết quá trình này! Đúng hơn, người gieo hạt này cũng giống như người gieo trong minh họa trước, tượng trưng cho những người công bố Nước Trời, tức những người gieo hạt giống Nước Trời qua việc sốt sắng rao giảng. Hạt giống được rải xuống đất là đạo mà họ rao giảng.
15, 16. Trong minh họa về người gieo giống, Chúa Giê-su nhấn mạnh lẽ thật nào về sự tăng trưởng theo nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng?
15 Chúa Giê-su nói người gieo giống “ngủ hay dậy, đêm và ngày”. Đây không có ý nói người gieo giống sao lãng bổn phận mà chỉ miêu tả thói quen thường ngày của đa số người ta. Lời lẽ của câu này cho thấy chu trình làm việc ban ngày và ngủ vào ban đêm trong một khoảng thời gian. Chúa Giê-su giải thích điều gì diễn ra trong thời gian đó. Ngài nói: “Giống cứ nẩy chồi mọc lên, mà người không biết thể nào”. Điểm được nhấn mạnh là quá trình tăng trưởng ấy tự động diễn ra.
16 Chúa Giê-su có ý nói gì qua câu này? Hãy lưu ý rằng điểm được nhấn mạnh là sự tăng trưởng và quá trình đó diễn ra từ từ. “Đất tự sanh ra hoa-lợi: ban đầu là cây, kế đến bông, đoạn bông kết thành hột” (Mác 4:28). Quá trình tăng trưởng này diễn ra từ từ, theo từng giai đoạn. Nó không thể bị thúc ép. Sự tăng trưởng về thiêng liêng cũng thế. Việc này diễn ra theo từng giai đoạn khi Đức Giê-hô-va để cho lẽ thật lớn lên trong lòng một người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”.—Công 13:48, Bản Diễn Ý; Hê 6:1.
17. Ai sẽ vui mừng khi hạt giống lẽ thật sinh bông trái?
17 Người gieo giống có phần nào trong việc gặt hái “khi hột đã chín”? Khi Đức Giê-hô-va làm cho lẽ thật Nước Trời lớn lên trong lòng những môn đồ mới, họ sẽ tiến đến giai đoạn dâng đời sống cho Đức Chúa Trời vì yêu mến Ngài. Họ biểu trưng sự dâng mình bằng phép báp têm trong nước. Những anh tiếp tục tiến đến sự thành thục thì dần dần có thể đảm nhận thêm trách nhiệm trong hội thánh. Khi đào tạo được một môn đồ, cả người gieo giống lúc đầu cũng như những người công bố khác—những người có lẽ đã không tham gia trực tiếp vào việc gieo hạt để đào tạo môn đồ đó—đều có phần trong việc gặt hái. (Đọc Giăng 4:36-38). Thật vậy, “người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui-vẻ”.
Bài học cho chúng ta ngày nay
18, 19. (a) Xem lại những minh họa của Chúa Giê-su khích lệ bạn như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
18 Chúng ta đã học được gì khi xem xét hai minh họa ghi nơi Mác chương 4? Chúng ta có thể thấy rõ công việc mình phải làm, đó là gieo giống. Chúng ta chớ bao giờ viện lý do và để cho các vấn đề cũng như khó khăn cản trở chúng ta làm công việc này (Truyền 11:4). Nhưng đồng thời chúng ta cũng biết rằng được kể là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời là đặc ân tuyệt vời. Đức Giê-hô-va là Đấng làm cho lớn lên về thiêng liêng, ban phước cho các nỗ lực của chúng ta và của những ai tiếp nhận thông điệp. Chúng ta biết mình không thể bắt ai phải tiến bộ về thiêng liêng. Nếu một người tiến bộ chậm hoặc không tiến bộ, chúng ta cũng không nên nản chí hoặc ngã lòng. Thật khích lệ khi biết rằng sự thành công của chúng ta được đánh giá bởi lòng trung thành đối với Đức Giê-hô-va và với đặc ân Ngài ban là rao truyền tin mừng Nước Trời “để làm chứng cho muôn dân”.—Mat 24:14.
19 Chúa Giê-su còn dạy chúng ta điều gì nữa về sự tiến bộ của các môn đồ mới và sự tiến triển của công việc Nước Trời? Lời giải đáp cho câu hỏi này nằm trong những minh họa khác được ghi trong các lời tường thuật của Phúc âm. Chúng ta sẽ phân tích một số minh họa này trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Hãy xem kinh nghiệm phụng sự của anh Georg Fjölnir Lindal ở Iceland trong Niên giám 2005 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ), trang 210, 211, và kinh nghiệm của những tôi tớ trung thành kiên trì phụng sự ở Ireland nhiều năm mà không có kết quả ngay, được tường thuật trong Niên giám 1988 (Anh ngữ), trang 82-99.
Bạn còn nhớ không?
• Hãy nêu vài điểm tương tự giữa việc gieo giống và việc rao giảng thông điệp Nước Trời.
• Đức Giê-hô-va đánh giá sự trung thành của người rao giảng về Nước Trời như thế nào?
• Chúa Giê-su nhấn mạnh điểm tương tự nào giữa sự tăng trưởng theo nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng?
• Làm thế nào “người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui-vẻ”?
[Các hình nơi trang 13]
Tại sao Chúa Giê-su ví người rao giảng về Nước Trời như người gieo giống?
[Các hình nơi trang 15]
Những người tượng trưng bởi đất tốt hết lòng tham gia công việc rao giảng về Nước Trời phù hợp với hoàn cảnh của họ
[Các hình nơi trang 16]
Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên