Chớ để ai làm hư tính nết tốt của bạn
“Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (I CÔ-RINH-TÔ 15:33).
1, 2. a) Sứ đồ Phao-lô nghĩ thế nào về các tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô, và tại sao? b) Chúng ta sẽ xem xét lời khuyên đặc biệt nào?
LÒNG yêu thương của cha mẹ thật bao la làm sao! Nó thúc đẩy cha mẹ hy sinh cho con cái, dạy dỗ và chỉ bảo chúng. Sứ đồ Phao-lô có lẽ không có con cái theo nghĩa đen, nhưng ông viết cho tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô: “Dẫu anh em có một vạn thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng chẳng có nhiều cha; vì tôi đã dùng Tin-lành mà sanh anh em ra trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (I Cô-rinh-tô 4:15).
2 Trước đó, Phao-lô có đến thành Cô-rinh-tô; tại đó ông rao giảng cho người Do Thái và Hy Lạp. Ông giúp thành lập hội thánh tại Cô-rinh-tô. Trong một lá thư khác Phao-lô ví sự săn sóc của ông như một người mẹ săn sóc con sơ sinh của mình, nhưng ông giống như một người cha đối với các tín đồ ở Cô-rinh-tô (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Phao-lô khuyên bảo các con thiêng liêng của ông giống như người cha ruột đầy yêu thương khuyên con mình. Bạn có thể được lợi ích qua lời ông khuyên tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt” (I Cô-rinh-tô 15:33). Tại sao Phao-lô lại viết cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô như thế? Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên đó như thế nào?
Lời khuyên cho họ và cho chúng ta
3, 4. Chúng ta biết gì về thành Cô-rinh-tô và dân chúng tại đó vào thế kỷ thứ nhất?
3 Vào thế kỷ thứ nhất, nhà địa lý Hy Lạp là Strabo viết: “Nhờ thương mại nên Cô-rinh-tô được coi là một thành phố ‘giàu có’. Vì thành phố này nằm trên eo đất và có hai hải cảng cho nên thuyền có thể đi xứ A-si từ một hải cảng, và đi Ý Đại Lợi từ hải cảng kia; và nhờ đó công việc trao đổi hàng hóa được dễ dàng với hai xứ đó”. Cứ hai năm một lần hàng đoàn người đông đảo đến Cô-rinh-tô để xem các cuộc thi đua tranh giải Isthmus.
4 Thành phố này là trung tâm của cả nhà cầm quyền lẫn sự thờ phượng dâm dục của nữ thần Aphrodite. Còn những người sống trong thành phố này thì ra sao? Giáo sư T. S. Evans giải thích: “Dân số có khoảng chừng 400.000 người. Họ sống trong một xã hội có văn hóa cao, nhưng đạo đức phóng túng, ngay cả thô tục nữa... Dân Hy Lạp sống tại xứ A-chai nổi tiếng là những người trí thức luôn luôn dao động và háo hức ham thích những điều mới lạ. Vì tính tư kỷ nên họ dễ dàng bị xúi giục chia bè kết phái.
5. Các anh em tại Cô-rinh-tô đã gặp phải sự nguy hiểm nào?
5 Với thời gian, ngay cả hội thánh bị chia rẽ bởi một số người vẫn còn có khuynh hướng kiêu ngạo đưa ra ý kiến này ý kiến nọ. (I Cô-rinh-tô 1:10-31; 3:2-9). Vấn đề chính là một số người nói: “Những kẻ chết chẳng sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:12; II Ti-mô-thê 2:16-18). Dù họ tin điều gì đi nữa, Phao-lô phải sửa sai họ với bằng chứng rõ ràng là đấng Christ đã “từ kẻ chết sống lại”. Vì thế, tín đồ đấng Christ có thể tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ “sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta” (I Cô-rinh-tô 15:20, 51-57). Nếu bạn có mặt tại đó, bạn có thể bị tinh thần chia rẽ ảnh hưởng không?
6. Lời khuyên của Phao-lô nơi I Cô-rinh-tô 15:33 đặc biệt áp dụng cho ai?
6 Trong khi cung cấp bằng chứng chắc chắn rằng người chết sẽ được sống lại, Phao-lô nói với họ: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. Mục đích của lời khuyên này có liên quan đến những người kết hợp với hội thánh và không đồng ý về giáo lý của sự sống lại. Phải chăng họ chỉ không chắc chắn về một điểm mà họ không hiểu? (So sánh Lu-ca 24:38). Không phải vậy. Phao-lô viết rằng: “Trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại”, vậy những người nào nói thế bày tỏ sự bất đồng ý kiến với Phao-lô và có khuynh hướng bội đạo. Phao-lô đã biết rõ là họ có thể làm hư hỏng tính nết tốt và tư tưởng của người khác (Công-vụ các Sứ-đồ 20:30; II Phi-e-rơ 2:1).
7. Chúng ta có thể áp dụng I Cô-rinh-tô 15:33 trong một khung cảnh nào?
7 Chúng ta có thể áp dụng lời cảnh cáo của Phao-lô như thế nào về việc giao du với bạn bè? Ông không có ý nói là chúng ta nên từ chối giúp đỡ một người trong hội thánh khi người đó cảm thấy khó hiểu một câu Kinh-thánh hoặc một sự dạy dỗ. Thật vậy, Giu-đe 22, 23 nhấn mạnh việc chúng ta cần phải lấy lòng thương xót giúp đỡ những người thành tâm có những sự nghi ngờ đó (Gia-cơ 5:19, 20). Tuy nhiên, lời khuyên của Phao-lô như lời của một người cha, chắc chắn áp dụng khi có người nào tiếp tục chống lại điều mà chúng ta biết là lẽ thật trong Kinh-thánh hoặc những lời phê bình của họ tiếp tục có tính cách hoài nghi hoặc tiêu cực. Chúng ta nên cảnh giác đề phòng việc giao du với loại người đó. Dĩ nhiên, nếu người nào rõ ràng trở thành kẻ bội đạo, những người chăn chiên phải hành động để che chở bầy (II Ti-mô-thê 2:16-18; Tít 3:10, 11).
8. Chúng ta hành động cách sáng suốt như thế nào khi có người không đồng ý về một sự dạy dỗ trong Kinh-thánh?
8 Chúng ta cũng có thể áp dụng lời của Phao-lô nơi I Cô-rinh-tô 15:33 trong trường hợp những người ngoài hội thánh cổ võ những sự dạy dỗ sai lầm. Chúng ta có thể bị lôi kéo để giao du với họ như thế nào? Điều này có thể xảy ra nếu chúng ta không phân biệt những người chúng ta có thể giúp học hỏi lẽ thật và những người chỉ muốn tranh luận đặng cổ võ sự dạy dỗ sai lầm. Thí dụ, trong công việc rao giảng, chúng ta có thể gặp một người không đồng ý với chúng ta ở một điểm nào đó, nhưng người đó muốn thảo luận thêm (Công-vụ các Sứ-đồ 17:32-34). Điều này không phải là một vấn đề, bởi vì chúng ta sẵn lòng giải thích lẽ thật trong Kinh-thánh cho bất cứ ai thành thật muốn biết điều đó và không ngại trở lại để cho thấy bằng chứng rõ ràng (I Phi-e-rơ 3:15). Tuy nhiên, một số người có thể không thật sự chú ý đến việc tìm hiểu lẽ thật trong Kinh-thánh.
9. Chúng ta nên đối phó với những lời thách đố về đức tin của chúng ta như thế nào?
9 Nhiều người sẽ tranh luận hàng giờ, tuần này sang tuần khác, nhưng không phải vì họ muốn tìm hiểu lẽ thật. Họ chỉ muốn làm lung lay đức tin của người khác trong khi khoe khoang mình có kiến thức về tiếng Hê-bơ-rơ, Hy Lạp, hoặc khoa học tiến hóa. Khi gặp họ, vài Nhân-chứng cảm thấy bị thách đố và hậu quả là họ đã mất nhiều thì giờ tới lui với những người đó để thảo luận xoay quanh các vấn đề triết lý, những sự dạy dỗ sai lầm của tôn giáo, hoặc những sự sai lầm của khoa học. Điều đáng chú ý là Giê-su đã không để việc đó xảy ra cho mình mặc dù ngài có thể thắng khi tranh luận với những người lãnh đạo tôn giáo được giáo dục bằng tiếng Hê-bơ-rơ hoặc tiếng Hy Lạp. Khi bị thách đố, Giê-su chỉ trả lời vắn tắt và rồi quay lại với những người khiêm nhường, những chiên thật sự (Ma-thi-ơ 22:41-46; I Cô-rinh-tô 1:23–2:2).
10. Tại sao các tín đồ đấng Christ có máy điện toán cần phải thận trọng trong việc dùng các bảng thông tin điện tử?
10 Các máy điện toán hiện đại đã mở đường cho những sự giao du xấu. Một số công ty thương mại cho phép những người mua dịch vụ của họ dùng máy điện toán và điện thoại để gửi tin qua hệ thống thông báo điện tử. Vì thế người ta có thể đăng tin trên bảng thông báo mà tất cả những người mua dịch vụ có thể đọc được. Việc này đã đưa đến cái mà người ta gọi là tranh luận về các vấn đề tôn giáo qua máy điện toán. Tín đồ đấng Christ có thể bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận đó và có thể mất nhiều thì giờ với người có tư tưởng bội đạo có lẽ đã bị khai trừ khỏi hội thánh. Lời chỉ dẫn nơi II Giăng 9-11 nhấn mạnh lời khuyên của Phao-lô giống như lời của người cha về việc tránh giao du với những người xấu.a
Tránh bị mắc lừa
11. Hoàn cảnh thương mại ở Cô-rinh-tô cho Phao-lô cơ hội gì?
11 Như có nói ở trên, Cô-rinh-tô là một trung tâm thương mại có nhiều cửa hàng và cơ sở kinh doanh (I Cô-rinh-tô 10:25). Nhiều người ở trong lều khi đến xem các cuộc thi đua tranh giải Isthmus, và những người buôn bán thì ngồi trong lều hoặc quầy được che lại để bán hàng trong lúc có cuộc thi đua đó. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 18:1-3). Điều này khiến Phao-lô có thể kiếm được việc làm lều tại đó. Và ông có thể dùng nơi làm việc để phổ biến tin mừng. Giáo sư J. Murphy-O’Connor viết: “Từ cửa hàng trong một khu chợ đông đúc... đối diện con đường đầy người qua lại, Phao-lô có thể rao giảng, không những cho khách hàng và những người cùng làm việc, mà còn cho đám đông ở ngoài nữa. Trong những lúc ít việc, ông có thể đứng trước cửa và giữ lại những người mà ông nghĩ có lẽ muốn nghe để nói chuyện thêm... Thật khó mà tưởng tượng rằng một người có đầy nghị lực và niềm tin mãnh liệt như ông đã không chóng trở thành một ‘nhân vật đặc biệt’ trong khu xóm, và điều này có thể đã lôi kéo những người hiếu kỳ, không phải chỉ có kẻ ăn không ngồi rồi nhưng cả những người thành thật muốn biết thêm... Những người đàn bà đã có gia đình cùng với những người đầy tớ đã nghe tiếng ông có thể đến thăm ông, viện cớ là đến mua hàng. Trong những lúc khó khăn, khi bị bắt bớ hoặc chỉ bị gây phiền nhiễu, các tín đồ có thể đến gặp ông với tư cách là khách hàng. Nơi ông làm việc cũng giúp ông gặp các nhân viên thành phố”.
12, 13. I Cô-rinh-tô 15:33 có thể áp dụng một cách thích hợp tại sở làm như thế nào?
12 Tuy nhiên, Phao-lô có lẽ đã nhận biết rằng ông có thể gặp “bạn-bè xấu” tại nơi làm việc. Chúng ta cũng nên nhận biết điều này. Đặc biệt là Phao-lô trích một câu cho thấy thái độ thịnh hành giữa một số người: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (I Cô-rinh-tô 15:32). Ngay sau câu đó ông cho lời khuyên như lời của người cha: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. Sở làm cùng với việc tìm kiếm thú vui có thể sinh ra nguy hiểm như thế nào?
13 Tín đồ đấng Christ muốn thân thiện với những người đồng nghiệp, và nhiều kinh nghiệm cho thấy rằng điều này có thể hữu hiệu biết bao vì nhờ đó chúng ta có cơ hội để làm chứng. Tuy nhiên, người đồng nghiệp có thể hiểu lầm sự thân thiện là muốn kết bạn để chung vui với nhau. Người đó có thể mời chúng ta đi ăn trưa, ghé uống một hai ly rượu khi tan sở, hoặc đi chơi giải trí vào cuối tuần. Người đó có vẻ tử tế và đàng hoàng, và lời mời có thể có vẻ vô hại. Tuy nhiên, Phao-lô khuyên chúng ta: “Anh em chớ mắc lừa”.
14. Trong việc giao du, một số tín đồ đấng Christ đã bị mắc lừa như thế nào?
14 Một số tín đồ đấng Christ đã bị mắc lừa. Họ từ từ bớt có thái độ dè dặt trong việc giao du với những người đồng nghiệp. Có lẽ họ giao thiệp với những người đó vì cùng thích một môn thể thao hoặc có cùng một sở thích nào đó. Hoặc một người làm cùng sở không phải là tín đồ nhưng có thể rất tử tế và ân cần với họ khiến họ đi lại với người đó nhiều hơn, ngay cả thích giao du với người đó hơn là với một số anh em trong hội thánh. Rồi sự giao du đó có thể đưa đến việc bỏ nhóm họp dù chỉ một lần. Điều đó có thể có nghĩa là đi chơi về khuya và không tham dự vào công việc rao giảng vào buổi sáng như thường lệ. Sự giao du đó có thể đưa đến việc xem xi-nê hoặc phim vi-đi-ô thuộc loại mà tín đồ đấng Christ thường thường không xem. Chúng ta có thể nghĩ: “Tôi không bao giờ làm những chuyện đó”. Nhưng phần lớn những người bị mắc lừa có lẽ lúc ban đầu đã nghĩ như vậy. Chúng ta cần phải tự hỏi: “Tôi cương quyết áp dụng lời khuyên của Phao-lô đến mức độ nào?”
15. Chúng ta nên có thái độ thăng bằng nào đối với người láng giềng?
15 Những điều mà chúng ta vừa bàn luận liên quan đến việc giao du với người đồng nghiệp cũng áp dụng với người láng giềng. Chắc hẳn các tín đồ đấng Christ tại thành Cô-rinh-tô xưa có người láng giềng. Trong một số cộng đồng, người ta thường tỏ ra khá thân thiện và có tinh thần hỗ trợ người hàng xóm. Trong vùng thôn quê, những người láng giềng có thể nương cậy lẫn nhau vì họ sống trong những nơi hẻo lánh. Mối quan hệ gia đình đặc biệt chặt chẽ trong một vài cộng đồng có nền văn hóa riêng của họ. Vì thế, họ thường mời nhau dùng cơm chung. Hiển nhiên, điều quan trọng là có quan điểm thăng bằng như Giê-su đã tỏ cho chúng ta thấy (Lu-ca 8:20, 21; Giăng 2:12). Khi giao thiệp với người láng giềng và bà con, phải chăng chúng ta có khuynh hướng cư xử giống như trước kia, lúc chúng ta chưa trở thành tín đồ đấng Christ? Thay vì thế, phải chăng chúng ta nên xem xét lại cách cư xử của mình đối với họ và quyết định cách sáng suốt chúng ta nên đặt những giới hạn nào?
16. Chúng ta nên hiểu lời của Giê-su nơi Ma-thi-ơ 13:3, 4 như thế nào?
16 Có lần Giê-su ví lời về Nước Trời với những hột giống “rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn” (Ma-thi-ơ 13:3, 4, 19). Vào thời đó đất dọc theo đường trở nên cứng vì nhiều người đi qua đi lại trên đó. Ngày nay, nhiều người cũng ở trong tình trạng giống như vậy. Trong đời họ có nhiều người láng giềng, bà con và những người khác nữa tới lui, khiến họ luôn luôn bận rộn. Điều này làm như thể lòng họ giống như đất bị người ta giẫm lên luôn, khiến hột giống của lẽ thật khó mà đâm rễ được. Một người đã là tín đồ đấng Christ có thể phát triển một tấm lòng cứng cỏi như vậy.
17. Sự giao du với người láng giềng và người khác nữa có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
17 Một số người láng giềng và bà con là người thế gian có thể tỏ ra thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ, mặc dầu xưa nay họ vẫn không tỏ ra chú ý gì đến các điều thiêng liêng và không ưa thích sự công bình (Mác 10:21, 22; II Cô-rinh-tô 6:14). Sự kiện chúng ta trở thành tín đồ đấng Christ không có nghĩa là chúng ta không còn thân thiện, không còn tình láng giềng nữa. Giê-su khuyên bảo chúng ta phải bày tỏ sự chú ý chân thật đối với người khác (Lu-ca 10:29-37). Nhưng lời khuyên của Phao-lô bảo chúng ta phải cẩn thận trong việc giao du cũng là lời được soi dẫn và cần thiết. Trong khi chúng ta áp dụng lời khuyên của Giê-su, chúng ta cũng không nên quên lời khuyên của Phao-lô. Nếu chúng ta không ghi nhớ hai nguyên tắc này, các tính nết của chúng ta có thể bị ảnh hưởng. Khi nói về tính lương thiện hay việc tuân theo luật pháp của Sê-sa thì có sự khác biệt nào giữa tính nết của bạn và của người láng giềng hay của bà con không? Chẳng hạn, khi đến lúc phải khai thuế, họ có thể nghĩ rằng họ có lý do chính đáng để không khai tất cả lợi tức hay tiền lời trong việc buôn bán, họ còn cho điều đó là cần thiết để sống còn. Có lẽ họ muốn thuyết phục bạn với quan điểm của họ trong khi thân thiện uống cà phê với bạn hay khi tình cờ ghé qua thăm bạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và tính nết lương thiện của bạn như thế nào? (Mác 12:17; Rô-ma 12:2). “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”.
Tính nết của người trẻ cũng vậy
18. Tại sao I Cô-rinh-tô 15:33 cũng áp dụng cho các người trẻ?
18 Đặc biệt các người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi những điều họ thấy và nghe. Bạn có nhận thấy rằng trẻ con thường có điệu bộ và cử chỉ rất giống với cha mẹ hay anh chị em của chúng không? Vậy thì chúng ta không nên ngạc nhiên là bạn bè có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ con, dù là bạn ở trường hay bạn chơi với chúng. (So sánh Ma-thi-ơ 11:16, 17). Nếu con trai hay con gái bạn giao du với những người trẻ thiếu sự kính trọng khi nói về cha mẹ chúng thì tại sao bạn nghĩ rằng điều này không ảnh hưởng gì đến con bạn? Còn nói gì nếu con cái bạn nghe những người trẻ khác ăn nói tục tĩu? Nếu bạn bè của chúng ở trường hay trong khu xóm tỏ ra mê thích một kiểu giầy dép mới hay một món nữ trang theo mốt mới thì sao? Chúng ta có nên nghĩ rằng các tín đồ trẻ tuổi sẽ không bị tiêm nhiễm bởi những điều như thế hay sao? Có phải Phao-lô nói rằng nguyên tắc trong I Cô-rinh-tô 15:33 chỉ áp dụng cho những người đến một lớp tuổi nào đó không?
19. Cha mẹ nên cố gắng in sâu vào trí óc con cái họ quan điểm nào?
19 Nếu bạn là bậc cha mẹ, bạn có để ý đến lời khuyên này khi bạn lý luận với con cái và có những quyết định liên quan đến chúng không? Một điều có lẽ sẽ giúp bạn là nhìn nhận rằng không phải tất cả trẻ con ở trường hay trong khu xóm mà con bạn có chung đụng đều là những người xấu xa cả. Có lẽ một số là những người trẻ nhã nhặn và đàng hoàng, cũng giống như một số người láng giềng, bà con và đồng nghiệp của bạn. Hãy cố gắng giúp con cái bạn nhìn thấy điều này và hiểu rằng bạn tỏ ra thăng bằng trong việc áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Phao-lô dành cho người Cô-rinh-tô. Khi con cái bạn nhận thức rằng bạn có quan điểm thăng bằng trong vấn đề này, chúng sẽ muốn bắt chước bạn (Lu-ca 6:40; II Ti-mô-thê 2:22).
20. Hỡi các người trẻ, các bạn phải đối phó với sự thách đố nào?
20 Đối với các bạn còn trẻ tuổi, hãy cố gắng xem xét làm thế nào các bạn có thể áp dụng lời khuyên của Phao-lô, vì biết rằng lời khuyên này là quan trọng cho mỗi tín đồ đấng Christ, dù trẻ hay già. Đây là cả một sự thách đố, nhưng các bạn có sẵn lòng đương đầu với sự thách đố ấy không? Hãy ý thức rằng không phải chỉ vì bạn quen biết một số người trẻ khác từ thời thơ ấu nên chúng không thể ảnh hưởng đến các tính nết của bạn, không thể làm hư các tính nết mà bạn cố tập tành vì bạn là một người trẻ theo đạo đấng Christ (Châm-ngôn 2:1, 10-15).
Hành động tích cực để gìn giữ các tính nết của chúng ta
21. a) Chúng ta có nhu cầu gì về vấn đề bạn bè? b) Tại sao chúng ta có thể biết chắc rằng sự giao du với một số bạn bè có thể nguy hiểm?
21 Tất cả chúng ta đều cần có bạn bè. Tuy nhiên, chúng ta nên cảnh giác để nhìn nhận sự kiện là những người mà chúng ta giao du có thể ảnh hưởng đến chúng ta, khiến chúng ta làm những điều tốt hay xấu. Điều này đã tỏ ra là đúng trong trường hợp của A-đam và của mọi người trải qua hàng bao thế kỷ từ dạo đó. Thí dụ, Giô-sa-phát là một ông vua tốt của xứ Giu-đa. Ông được Đức Giê-hô-va ban cho ân huệ và ân phước. Nhưng sau khi cho con trai ông cưới con gái của vua A-háp của xứ Y-sơ-ra-ên, Giô-sa-phát bắt đầu giao du với A-háp. Việc giao du xấu này xuýt làm cho Giô-sa-phát mất mạng (II Các Vua 8:16-18; II Sử-ký 18:1-3, 29-31). Nếu chúng ta không tỏ ra khôn ngoan khi chọn bạn bè, chúng ta cũng có thể gặp nguy hiểm giống như vậy.
22. Chúng ta nên ghi tạc điều gì vào lòng, và tại sao?
22 Vậy chúng ta hãy ghi tạc vào lòng lời khuyên đầy yêu thương mà Phao-lô cho chúng ta nơi I Cô-rinh-tô 15:33. Đây không phải chỉ là những lời mà chúng ta có lẽ đã nghe qua rất nhiều lần đến nỗi chúng ta có thể đọc thuộc lòng. Các lời này phản ảnh lòng trìu mến mà Phao-lô, giống như một người cha, đã bày tỏ cùng các anh chị em tín đồ của ông tại Cô-rinh-tô, và theo nghĩa rộng, cũng bày tỏ cùng chúng ta nữa. Và chắc chắn Cha trên trời của chúng ta cũng cho lời khuyên này vì Ngài muốn các cố gắng của chúng ta đi đến thành công (I Cô-rinh-tô 15:58).
[Chú thích]
a Một sự nguy hiểm khác của những bảng thông tin đó là việc chúng ta bị cám dỗ chép lại các chương trình hay ấn phẩm mà không xin phép những người chủ hoặc tác giả có bản quyền. Điều này trái với luật sao chép quốc tế (Rô-ma 13:1).
Bạn có nhớ không?
◻ Vì lý do đặc biệt nào mà Phao-lô đã viết câu I Cô-rinh-tô 15:33?
◻ Làm sao chúng ta có thể áp dụng lời khuyên của Phao-lô tại sở làm?
◻ Chúng ta nên có quan điểm thăng bằng nào về người láng giềng?
◻ Tại sao I Cô-rinh-tô 15:33 là lời khuyên đặc biệt thích hợp cho người trẻ?
[Hình nơi trang 17]
Phao-lô rao giảng ở nơi làm việc để phổ biến tin mừng
[Hình nơi trang 18]
Những người trẻ khác có thể làm hư tính nết tốt của bạn