Hãy ghê tởm đường lối nhơ nhuốc của thế gian
“Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm-dật bậy-bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm-chê” (I PHI-E-RƠ 4:4).
1. Kinh-thánh mô tả thế nào lối sống của nhiều người trong thế kỷ thứ nhất trước khi trở thành tín đồ đấng Christ?
Một “sự dâm-dật bậy-bạ”. Đó là cách mà sứ đồ Phi-e-rơ mô tả lối sống nhơ nhuốc của nhiều người sống trong thế kỷ thứ nhất trước khi trở thành tín đồ đấng Christ. Các bản dịch khác nói đến “cuộc sống trác táng như thác lũ” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn); “nơi chơi bời phóng đãng bẩn thỉu” (The New Testament, do Kleist và Lilly). Sự dâm dật bậy bạ ấy bao hàm điều gì? Sứ đồ nêu đích danh đến sự ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng (I Phi-e-rơ 4:3, 4).
2. Tại sao tín đồ đấng Christ ngày nay đáng khen?
2 Giữa thế gian này và hội-thánh thật của đấng Christ có cả một sự khác biệt lớn! Phi-e-rơ nồng nhiệt khen các tín đồ đấng Christ mà ông viết thư cho, vì họ không tiếp tục làm theo những bạn bè cũ trong vũng bùn này, trong nơi bẩn thỉu này đầy dẫy sự nhơ nhớp. Chúng tôi cũng rất hân hạnh khen các tín đồ đấng Christ ngày nay, vào thời này tình trạng còn xấu hơn trong thế kỷ thứ nhất nữa. Các Nhân-chứng Giê-hô-va tiếp tục siêng năng cố gắng hết sức để thực hành sự thờ phượng tinh sạch, không hoen ố và được Đức Chúa Trời và Cha chúng ta chấp nhận, nhờ “giữ lấy mình khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:27). Tiêu chuẩn đạo đức cao cả của họ đem lại vinh dự lớn cho danh Đức Giê-hô-va.
3. Điều gì khiến cho Phao-lô buồn bã, và cũng làm chúng ta ngày nay buồn bã nữa?
3 Tuy nhiên, để giữ cho tổ chức tinh sạch luôn luôn có được tiêu chuẩn cao, đôi khi dân Đức Chúa Trời phải khiển trách hoặc ngay cả khai trừ một số tương đối ít người chịu để bị quyến rũ rơi vào các sự thực hành đồi trụy của thế gian. Đây là một cớ để buồn bã, và chúng ta có cùng cảm nghĩ với sứ đồ Phao-lô khi ông nhận thấy một tình trạng giống như thế trong thế kỷ thứ nhất. Ông viết: “Vì tôi thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn-ở như là kẻ thù-nghịch [của cây khổ hình] của đấng Christ. Sự cuối-cùng của họ là hư-mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu-hổ của mình làm vinh-hiển, chỉ tư-tưởng về các việc thế-gian mà thôi” (Phi-líp 3:18, 19). Làm thế nào mỗi cá nhân chúng ta có thể tránh cho điều ấy xảy đến cho mình? Bằng cách bắt chước Giê-su yêu mến các tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va và ghét bỏ sự bẩn thỉu của thế gian này (Hê-bơ-rơ 1:9).
Đừng nhìn lại phía sau
4. a) Tại sao chúng ta có thể bị cám dỗ quay trở lại thực hành những điều đồi trụy của thế gian này? b) Điều gì giúp chúng ta tránh không cho sự ham muốn xấu bén rễ?
4 Chớ bao giờ nên khinh thường quyền lực của tội lỗi. Thế gian này bày ra nhiều cám dỗ mãnh liệt; Ma-quỉ mưu mẹo và nham hiểm; lòng người xảo trá (I Giăng 2:15-17; I Phi-e-rơ 5:8; Giê-rê-mi 17:9). Khi lòng bắt đầu ham muốn một điều gì, thì thường không chịu nghe theo lý trí. Đó là lý do tại sao chúng ta nhận được rất nhiều lời nhắc nhở trong Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta giữ gìn lòng tin kính đối với Đức Giê-hô-va, và làm theo ý muốn Ngài. Điều rất quan trọng là đừng để ngay cả sự ham muốn xấu bắt đầu bén rễ trong lòng (Gia-cơ 1:14, 15; Ma-thi-ơ 5:27-30). Chúng ta phải giữ sao cho lòng chúng ta bền vững với những lý lẽ tại sao chúng ta nên yêu mến điều đúng và tỏ ra ghê tởm và từ bỏ các đường lối bẩn thỉu của thế gian này. Sứ đồ Phao-lô tóm lược như vầy: “Lòng yêu-thương phải cho thành-thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành” (Rô-ma 12:9).
5. Tại sao xem xét kỹ lưỡng các động lực và sự ham muốn của chúng ta là điều khôn ngoan?
5 Để tránh sự nguy hiểm của việc từ bỏ lối sống theo đấng Christ, liên tục xem xét các động lực, những sự ham muốn và những mục tiêu của chúng ta là điều khôn ngoan. Chính cá nhân bạn có giống như các tín đồ đấng Christ mà Phi-e-rơ có thể khen vì đã không quay trở lại “sự dâm-dật bậy-bạ” như thế không? Hay đôi khi bạn biểu lộ thái độ của vợ Lót, bà đã thèm thuồng nhìn lại phía sau hướng về những điều mà bà vừa được cứu ra khỏi? (Sáng-thế Ký 19:26; Lu-ca 17:31-33).
Sự gian ác đầy dẫy trong “những ngày sau-rốt”
6, 7. a) Kinh-thánh nói là thái độ nào đối với sự vui chơi đánh dấu “những ngày sau-rốt”? b) Những người thế gian khoe khoang thế nào về các tư tưởng và hành động nhơ nhớp của họ?
6 Hãy thoáng nghĩ về thế gian ngày nay trong đó chúng ta đang sống vào phần cuối thế kỷ 20. Sự gian ác đầy dẫy quá đỗi! Như sứ đồ Phao-lô tiên tri trước, người ta đều “yêu-mến sự vui-chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. Quả thật, “những người hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong điều dữ, làm lầm-lạc kẻ khác mà cũng lầm-lạc chính mình nữa” (II Ti-mô-thê 3:1, 4, 13).
7 Ngoại tình, tà dâm, đồng tính luyến ái và phá thai—ngày nay người ta đều quen thuộc với các chữ này và một số chữ khác. Người ta nói ra thẳng thắn và tán thành những việc ấy trên đài truyền thanh, truyền hình và trong các hội đoàn tôn giáo cũng như giáo dục. Đồ dâm ô rất thịnh hành và ai cũng có thể mua được. Một số người có tiếng tăm nhất trong giới tài tử xi-nê, diễn viên kịch nghệ cổ điển và diễn viên kịch dài lãng mạn chiếu từng hồi trên màn ảnh truyền hình đều có liên lụy đến chuyện tình ái vô luân bằng cách này hay cách khác. Thật chúng ta cảm thấy biết ơn biết bao bởi không dính dấp gì tới những chuyện này! Và chúng ta cần phải phấn đấu một cách gian lao biết bao để tin chắc là lòng chúng ta không bị sự tuyên truyền nham hiểm ấy đầu độc!
8. Về phần những sự thực hành vô luân của thế gian này, Kinh-thánh nói gì về điều chúng ta nên làm và điều gì không nên làm?
8 Các tín đồ đấng Christ khôn ngoan lưu ý tới lời cảnh cáo của Phao-lô: “Phàm những sự gian-dâm, hoặc ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh-đồ... Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa... Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan”. Ngược lại, Phao-lô nói là chúng ta nên nghĩ tới điều chân thật, công bình, thanh sạch, đáng chuộng và nhơn-đức (Ê-phê-sô 5:3-16; Phi-líp 4:8).
9. Điều gì có thể dễ xảy ra nếu chúng ta chọn việc giải trí không đàng hoàng?
9 Bạn có cẩn thận ghi nhớ trong trí lời khuyên này khi chọn việc giải trí không? Hãy nhớ rằng, càng nghe những chuyện đồi trụy nhiều chừng nào thì càng thấy nếp sống của thế gian dường như dễ chịu chừng nấy, chứ không đến đỗi xấu lắm. Có lẽ lòng chúng ta thán phục thầm hoặc bắt chước những kẻ nổi tiếng trong ngành thể thao hoặc kịch nghệ mà thực hành những việc ấy. Hãy cảnh giác đề phòng khuynh hướng ấy.
Đừng để bị vướng vào cạm bẫy của lập luận theo thế gian này
10. Những người trong thế kỷ thứ nhất theo Epicurus thực hành triết lý nào về sự sống?
10 Vào thời Phao-lô có nhiều người theo triết lý của Epicurus, họ sống để hưởng thụ thú vui, để thỏa mãn nhục dục. Họ cho rằng một khi chết đi không còn gì nữa cả. Họ nói: Vậy tại sao lại không hưởng thụ thú vui càng nhiều càng tốt khi còn sống, vì ngày mai chúng ta có thể chết.
11. Nhiều người ngày nay bắt chước thế nào các tư tưởng và hành động của người theo Epicurus?
11 Nhiều người ngày nay cũng có cùng thái độ. Họ không biết xấu hổ mà buông lung vào đủ mọi thứ thú vui, không màng đến ảnh hưởng do hành vi của họ gây ra trên người khác. Đối với họ thì không có Đức Chúa Trời, hoặc nếu Ngài có thì lại không tỏ ra quan tâm đến chuyện của loài người tí nào. Theo lập luận của họ thì loài người là sản phẩm của sự tiến hóa và thật ra thì họ không phải thưa trình với ai cả, trừ ra với chính họ và xã hội trong đó họ đang sống. Họ ngay cả tự cho có cớ để hành động như thú vật. Nếu các sự thực hành vô luân mà Kinh-thánh kết án nhưng đem lại thú vui nhục dục, chắc chắn là không bị họ kết án. Những kẻ ấy lý luận rằng tại sao lại sống một đời sống quên mình và chán ngắt, nếu rồi tất cả mọi người đều đi tới cùng một chỗ, tức là mồ mả?
12, 13. a) Nếu tín đồ đấng Christ để mình chịu ảnh hưởng của lối suy luận theo thế gian thì có sự nguy hiểm nào? (b) Nguồn gốc của vấn đề khó khăn tại thành Cô-rinh-tô là gì? (c) Chúng ta nên làm gì để đề phòng hầu tránh khỏi ảnh hưởng của một quan niệm sống vị kỷ?
12 Điều đáng để ý là dường như một số tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô đã tiêm nhiễm lối suy luận này. Khi viết thư cho hội-thánh ở đó, Phao-lô nhìn nhận rằng “nếu kẻ chết chẳng sống lại”, thì lập luận bình dân thời bấy giờ cho rằng “hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” hẳn có lý phần nào. Nhưng ông mau mắn đả phá lập luận sai lầm ấy: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt. Hãy tỉnh-biết, theo cách công-bình, và chớ phạm tội; vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hổ-thẹn” (I Cô-rinh-tô 15:32-34).
13 Hãy lưu ý là Phao-lô đi thẳng đến nguồn gốc của vấn đề khó khăn của các tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô kia. Tư tưởng sai lầm của họ là do việc giao thiệp với bạn bè xấu mà ra. Điều này có thể dạy cho chúng ta một bài học. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bắt đầu nghĩ rằng nên nếm thử một số thú vui bị cấm trước khi quá già hoặc chết đi mà không hưởng kịp. Nếu có khuynh hướng lý luận như thế, chúng ta cần phải sửa chữa ngay lối suy nghĩ của mình. Thế nào? Hãy nhớ rằng quan điểm vị kỷ này không màng đến các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Quan điểm đó tỏ ra thiếu đức tin nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời, kể cả lời hứa về sự sống lại. Ngay trên bình diện thực tế, những kẻ sống một đời sống dâm dật bậy bạ mắc phải nhiều đau khổ và khó khăn. Để có quan điểm đúng, họ phải “tỉnh-biết, theo cách công-bình”. Họ không thể lý luận đúng và tiết độ nếu “không biết Đức Chúa Trời chút nào”.
14. Ai sẽ không hưởng được các ân phước của Nước Đức Chúa Trời, và tuy thế Phao-lô nhìn nhận gì về quá khứ của một số người?
14 Trong phần trước đó trong lá thư của ông, sứ đồ Phao-lô có nêu rõ rằng hết thảy những kẻ tà dâm, ngoại tình, thờ hình tượng, đồng tính luyến ái, trộm cắp, tham lam, say sưa, chưởi rủa, gian lận đều không hưởng được Nước Đức Chúa Trời. Ông nói thêm: “Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng... anh em được rửa sạch, được nên thánh”. Sự rửa sạch họ như thế chứng tỏ quyền lực của Lời Đức Chúa Trời và sự hy sinh làm giá chuộc (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Chắc chắn, quay trở lại sự nhơ nhớp của thế gian cũ này là điên dại tột độ!
15. Phi-e-rơ đã dùng lời lẽ mạnh mẽ nào để diễn tả vị thế của những kẻ quay trở lại các sự thực hành nhơ nhớp của thế gian này?
15 Phi-e-rơ nói: “Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu-Chúa chúng ta là Chúa Giê-su Christ, mà đã thoát khỏi sự ô-uế của thế-gian, rồi lại mắc phải và suy-phục những sự đó, thì số-phận sau-cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục-ngữ [châm ngôn] rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn-lóc trong vũng bùn” (II Phi-e-rơ 2:20, 22). Thật là một cách nói mạnh mẽ! Dù sao, nhiều khi cần phải có những lời lẽ mạnh mẽ mới giúp chúng ta hiểu rõ sự hệ trọng của lời khuyên được ban cho. Lời cảnh cáo này được ban cho tín đồ đấng Christ của thế kỷ thứ nhất lại còn thích hợp nhiều hơn nữa cho chúng ta ngày nay.
Gieo gì gặt nấy
16. Bằng những cách nào một người “gieo giống chi, lại gặt giống ấy”, khi sống một lối sống dâm dật bậy bạ?
16 Tín đồ đấng Christ thấy bằng chứng chung quanh họ là lối sống vô luân, dâm dật bậy bạ của thế gian này có hại, làm chết người (Rô-ma 1:18-32). Chỉ trong phạm vi tình dục mà thôi, hãy nghĩ đến hậu quả khổ sở và đau đớn nếu không có sự kính trọng đối với luật pháp Đức Chúa Trời về đạo đức: gia đình đổ vỡ, chửa hoang, phá thai, hiếp dâm, hãm hại trẻ con và các chứng bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, ấy là chỉ kể ít chuyện. Rồi có các vấn đề khó khăn về sức khỏe do việc lạm dụng cơ thể bằng cách ăn uống quá độ và dùng ma túy để được kích thích. Để cho sự tham lam chế ngự thường đem lại việc trộm cắp và lường gạt. Hiếm có sự vi phạm luật pháp nào của Đức Chúa Trời mà lại không đem lại tai hại về thể chất và tình cảm cho kẻ phạm tội bằng cách này hay cách khác. Đó là điều sứ đồ Phao-lô nhắc nhở tín đồ đấng Christ: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác-thịt, sẽ bởi xác-thịt mà gặt sự hư-nát; song gieo cho thánh linh, sẽ bởi thánh linh mà gặt sự sống đời đời” (Ga-la-ti 6:7, 8).
17. Tại sao một người tín đồ đấng Christ nên được thúc đẩy để sống theo tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời?
17 Mặt khác, thì Kinh-thánh nêu ra các lý do mạnh mẽ để vâng giữ những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời nói thật đúng thay: “Người thành-thực sẽ được phước-lành nhiều”! (Châm-ngôn 28:20). Những người ghê tởm lối sống nhơ nhuốc của thế gian này tránh được những hậu quả khủng khiếp do một lối sống dâm dật bậy bạ đem lại. Họ hưởng được một sự liên lạc trong sạch với anh chị em và với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ. Hơn nữa, họ có hy vọng huy hoàng là sẽ nhận được phần thưởng là sự sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Hiện chúng ta rất gần tới sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này, những người thuộc các “chiên khác” có cả đến hy vọng đặc biệt được sống sót qua khỏi “cơn đại-nạn” và không phải chết. Họ có sự tin chắc chắn rằng nếu có chết đi trước lúc đó thì Đức Chúa Trời cũng hứa là sẽ làm sống lại tất cả những ai ở trong mồ mả (Giăng 5:28, 29; 10:16; Khải-huyền 7:14). Với tất cả những điều này trước mắt, tại sao ai đó lại để tâm, dù chỉ thoáng qua, đến việc thực hành những điều ghê tởm của thế gian này? (Rô-ma 6:19-23; I Phi-e-rơ 4:1-3).
18. a) Làm thế nào Đức Giê-hô-va sẽ bày tỏ sự phán xét của Ngài nghịch lại “kẻ ác [không tin kính]” trong “cơn đại-nạn”? b) Về sự phán xét thì Đức Giê-hô-va phát biểu ý kiến gì trong những lời chót của Ngài ghi ở đoạn cuối cùng của Kinh-thánh?
18 Kinh-thánh cho thấy rõ rằng chúng ta sống trong phần chót của thời kỳ mà Kinh-thánh gọi là “thời kỳ kết liễu hệ thống mọi sự” (Ma-thi-ơ 24:3, NW). Phi-e-rơ nói “trời đất thời bây giờ cũng... còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác [không tin kính]” (II Phi-e-rơ 3:7). Khi ngày đã được định trước và chờ đợi từ lâu sẽ đến, lời rêu rao là con người có thể hành động một cách biệt lập với Đức Chúa Trời, và tánh nết vô luân và hung bạo của loài người chỉ là sản phẩm của sự sáng tạo sẽ tan tành theo mây khói (Cô-lô-se 3:5, 6). Hãy lắng nghe lời miêu tả của chính Đức Chúa Trời ghi ở đoạn cuối cùng của Kinh-thánh về kết cuộc của những người phụng sự Ngài và những kẻ không làm thế: “Nầy, ta đến mau-chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công-việc họ làm... Phước thay cho những kẻ giặt áo mình đặng có phép đến nơi cây sự sống và bởi các cửa mà vào trong thành! Những loài chó, những thuật-sĩ, những kẻ tà-dâm, những kẻ giết người, những kẻ thờ hình-tượng, và những kẻ ưa-thích cùng làm sự giả-dối đều ở ngoài hết thảy” (Khải-huyền 22:12-15).
19. Khi đương đầu với tương lai chúng ta nên cương quyết làm gì?
19 Trong khi tình trạng luân lý đạo đức của thế gian này càng ngày càng tệ hại thêm, hãy cương quyết làm vui lòng Đức Giê-hô-va bằng cách làm điều thanh sạch, đáng tôn trọng và đúng. Hãy tiếp tục cố gắng đạt tới phần thưởng là sự sống. Hãy từ chối bị thu hút trở lại vào trong “sự dâm dật bậy bạ” của thế gian này, đó chính là chỗ chết. Bạn có thể thắng được trận chiến chống lại tư tưởng dâm dật bậy bạ nếu tỏ ra ghê tởm lối sống nhơ nhuốc của thế gian này!
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao dính dấp tới các sự thực hành nhơ nhuốc của thế gian này là nguy hiểm?
◻ Tại sao chúng ta cần phải rất cẩn thận trong việc chọn việc giải trí?
◻ Lập luận hiểm độc nào có thể dễ dàng gây ảnh hưởng trên chúng ta nếu chúng ta giao thiệp với những người thời nay theo triết lý của Epicurus?
◻ Đức Giê-hô-va có sự phán xét nào nghịch lại những kẻ quay trở lại lối sống nhơ nhuốc của thế gian này mà không chịu ăn năn?
◻ Ân phước nào chờ đón những người xa lánh khỏi hạnh kiểm đáng ghê tởm của thế gian này?
[Hình nơi trang 20, 21]
Tỏ ra ghê tởm lối sống nhơ nhuốc của thế gian này giúp tôi tớ Đức Chúa Trời được vào thế giới mới công bình
[Hình nơi trang 22]
Việc giải trí nhơ nhuốc của thế gian có thể cám dỗ một người tín đồ bất cẩn