‘Sự chết sẽ bị hủy diệt’
“Kẻ thù bị hủy-diệt sau-cùng, tức là sự chết” (1 CÔ-RINH-TÔ 15:26).
1, 2. a) Sứ đồ Phao-lô đưa ra hy vọng nào cho những người chết? b) Phao-lô nói đến thắc mắc nào về sự sống lại?
Kinh Tin Kính nói: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy”. Những người theo Công Giáo và Tin Lành đều thuộc lòng kỹ những lời này mà không biết rằng niềm tin của họ giống triết lý Hy Lạp hơn là những điều các sứ đồ đã từng tin. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô đã bác bỏ triết lý Hy Lạp và không tin nơi linh hồn bất tử. Nhưng ông tin chắc về một đời sống tương lai và đã viết dưới sự soi dẫn: “Kẻ thù bị hủy-diệt sau-cùng, tức là sự chết” (1 Cô-rinh-tô 15:26). Điều này có nghĩa gì cho nhân loại phải chết?
2 Để trả lời, chúng ta hãy trở lại phần bàn luận của Phao-lô về sự sống lại được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô chương 15. Bạn sẽ nhớ lại trong những câu mở đầu, Phao-lô đã nêu rõ sự sống lại là một giáo lý quan trọng của đạo đấng Christ. Bây giờ ông nói đến một thắc mắc rõ rệt: “Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại?” (1 Cô-rinh-tô 15:35).
Loại thân thể nào?
3. Tại sao một số người bác bỏ sự sống lại?
3 Khi nêu ra câu hỏi này, Phao-lô có lẽ có ý chống lại ảnh hưởng của triết lý Plato. Plato dạy rằng con người có một linh hồn bất tử tiếp tục sống sau khi thể xác chết. Đối với những người đã được dạy về ý niệm đó, sự dạy dỗ về sự sống lại của đạo đấng Christ dường như không cần thiết. Nếu linh hồn tiếp tục sống sau khi thể xác chết thì cần gì sống lại? Hơn nữa, sự sống lại dường như là vô lý. Một khi thể xác đã bị tiêu tan thành bụi đất, làm thế nào sống lại được? Một người bình luận về Kinh-thánh là Heinrich Meyer nói rằng có lẽ một số người Cô-rinh-tô đã phản đối vì họ dựa “vào lý lẽ triết học là sự tạo lại các chất liệu của thân thể không thể nào xảy ra được”.
4, 5. a) Tại sao sự bắt bẻ của những người không tin là vô lý? b) Hãy giải thích thí dụ của Phao-lô về “hột giống”. c) Đức Chúa Trời ban cho những người xức dầu được sống lại loại thân thể nào?
4 Phao-lô vạch trần sự hư không của lý lẽ họ: “Hỡi kẻ dại kia, vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo, ấy không phải là chính hình-thể sẽ sanh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác. Đức Chúa Trời cho nó hình-thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình-thể riêng” (1 Cô-rinh-tô 15:36-38). Đức Chúa Trời sẽ không dựng lại thân thể mà người ta đã có ở trên đất. Thay vì thế, Ngài phải làm một sự biến đổi.
5 Phao-lô so sánh sự sống lại với một hạt giống được nảy mầm. Một hạt lúa mì nhỏ bé sẽ sinh ra cây lúa mì có hình thể không giống hạt đó. Quyển The World Book Encyclopedia nói: “Khi một hạt giống bắt đầu nảy mầm, nó hút rất nhiều nước. Nước gây ra nhiều biến đổi hóa học trong hạt giống. Nó cũng làm các mô tế bào bên trong hạt giống nở to và đâm ra khỏi vỏ”. Trên thực tế, hạt giống chết, nó không còn là hạt giống mà trở thành một cây. “Đức Chúa Trời cho nó hình-thể” bằng cách lập những định luật khoa học chi phối sự tăng trưởng của cây, và mỗi hạt có hình thể riêng tùy theo loại của nó (Sáng-thế Ký 1:11). Cũng vậy, các tín đồ đấng Christ được xức dầu trước hết phải chết với tư cách là người. Rồi đến thời điểm Đức Chúa Trời ấn định, Ngài sẽ cho họ sống lại với thân thể mới. Như Phao-lô nói với người Phi-líp: “Đức Chúa Jêsus-Christ... sẽ biến-hóa thân-thể hèn-mạt chúng ta ra giống như thân-thể vinh-hiển Ngài” (Phi-líp 3:20, 21; 2 Cô-rinh-tô 5:1, 2). Họ được sống lại trong thân thể thuộc linh và ở trong lãnh vực thuộc linh (1 Giăng 3:2).
6. Tại sao là hợp lý để tin rằng Đức Chúa Trời có thể cho những người được sống lại một thân thể thuộc linh thích hợp?
6 Điều này có khó tin lắm không? Không. Phao-lô lý luận rằng thú vật có nhiều hình thể khác nhau. Hơn nữa, ông cho thấy sự tương phản giữa các thiên sứ ở trên trời với loài người bằng xương bằng thịt. Ông nói: “Có hình-thể thuộc về trời, hình-thể thuộc về đất”. Cũng có đủ loại tạo vật vô sinh. Phao-lô nói: “Vinh-quang của ngôi sao nầy với vinh-quang của ngôi sao kia cũng khác”. Ông nói câu này trước khi khoa học khám phá ra những thiên thể như là thanh tinh, đại hồng tinh và tiểu bạch tinh. Qua sự kiện này, chẳng phải nghĩ rằng Đức Chúa Trời có thể làm những hình thể thuộc linh thích hợp cho những người được xức dầu khi họ sống lại là điều hợp lý hay sao? (1 Cô-rinh-tô 15:39-41).
7. Sự không hay hư nát có nghĩa gì? Sự bất tử có nghĩa gì?
7 Rồi Phao-lô nói: “Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân-thể đã gieo ra là hay hư-nát, mà sống lại là không hay hư-nát” (1 Cô-rinh-tô 15:42). Thân thể của loài người, dù hoàn toàn, cũng dễ hư nát. Nó có thể bị giết. Thí dụ, Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su được sống lại “đặng nay khỏi trở về sự hư-nát nữa” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:34). Ngài không bao giờ trở lại để sống trong một thân thể loài người dễ hư nát, dù là hoàn toàn. Thân thể Đức Chúa Trời ban cho những người được xức dầu là không hay hư nát, không bị chết hay mục rữa. Phao-lô tiếp tục: “Đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết-khí, mà sống lại là thể thiêng-liêng” (1 Cô-rinh-tô 15:43, 44). Hơn nữa, Phao-lô nói: “Thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết”. Sự bất tử có nghĩa là đời sống bất tận, bất diệt (1 Cô-rinh-tô 15:53; Hê-bơ-rơ 7:16). Bằng cách này, những người được sống lại mang “ảnh-tượng của người thuộc về trời”, tức là Chúa Giê-su, đấng đã làm cho họ có thể sống lại (1 Cô-rinh-tô 15:45-49).
8. a) Làm thế nào chúng ta biết được những người được sống lại cũng là những người đã sống trước đó trên đất? b) Những lời tiên tri nào được ứng nghiệm khi sự sống lại xảy ra?
8 Bất kể sự biến đổi này, những người được sống lại cũng là những người đã sống trước khi họ chết. Họ được dựng lại với cùng ký ức và có cùng những đức tính tuyệt hảo của tín đồ đấng Christ (Ma-la-chi 3:3; Khải-huyền 21:10, 18). Về khía cạnh này, họ giống như Chúa Giê-su Christ. Ngài đã thay đổi từ hình thể thiêng liêng để lấy hình thể loài người. Rồi ngài chết và được sống lại với tư cách là một thần linh. Tuy nhiên, “Đức Chúa Jêsus-Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay-đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8). Quả là một đặc ân huy hoàng mà những người được xức đầu có được! Phao-lô nói: “Khi nào thể hay hư-nát nầy mặc lấy sự không hay hư-nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng-nghiệm lời Kinh-thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng. Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” (1 Cô-rinh-tô 15:54, 55; Ê-sai 25:8; Ô-sê 13:14).
Một sự sống lại trên đất?
9, 10. a) Theo văn cảnh nơi 1 Cô-rinh-tô 15:24, sự “cuối-cùng” là gì và biến cố nào xảy ra liên hệ đến điều đó? b) Để không còn sự chết nữa thì điều gì phải xảy ra?
9 Có tương lai nào cho hàng triệu người không hy vọng có được đời sống bất tử trên trời không? Chắc chắn có! Sau khi giải thích sự sống lại ở trên trời xảy ra lúc đấng Christ hiện diện, Phao-lô nêu ra những biến cố xảy ra sau đó, ông nói: “Kế đó, cuối-cùng sẽ đến, là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã phá-diệt mọi đế-quốc, mọi quyền cai-trị, và mọi thế-lực” (1 Cô-rinh-tô 15:23, 24).
10 “Cuối-cùng” là lúc chấm dứt Một Ngàn Năm Cai Trị của đấng Christ, khi Chúa Giê-su khiêm nhường và trung thành giao Nước lại cho Đức Chúa Trời, Cha ngài (Khải-huyền 20:4). Ý định của Đức Chúa Trời để “hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ” sẽ được thực hiện (Ê-phê-sô 1:9, 10). Tuy nhiên, trước hết đấng Christ sẽ tiêu diệt “mọi đế-quốc, mọi quyền cai-trị, và mọi thế-lực” chống đối lại ý muốn cao cả của Đức Chúa Trời. Điều này không chỉ bao hàm sự hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn (Khải-huyền 16:16; 19:11-21). Phao-lô nói: “[Đấng Christ] phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù-nghịch dưới chân mình. Kẻ thù bị hủy-diệt sau-cùng, tức là sự chết” (1 Cô-rinh-tô 15:25, 26). Đúng vậy, mọi vết tích của tội lỗi và sự chết của A-đam sẽ bị bôi xóa. Rồi chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ làm “mồ-mả” trống rỗng bằng cách cho những người chết sống lại (Giăng 5:28).
11. a) Làm thế nào chúng ta biết Đức Chúa Trời có thể tái tạo những linh hồn đã chết? b) Những người được sống lại ở trên đất sẽ được ban cho loại thân thể nào?
11 Điều này có nghĩa là tái tạo linh hồn của loài người. Không thể nào được sao? Được chứ, vì Thi-thiên 104:29, 30 bảo đảm với chúng ta là Đức Chúa Trời làm được: “Chúa lấy hơi-thở chúng nó lại, chúng nó bèn tắt chết, và trở về bụi-đất. Chúa sai Thần Chúa ra, chúng nó được dựng nên”. Mặc dù những người được sống lại cũng là những người trước khi họ chết, họ không cần có cùng một thân thể. Giống như những người được sống lại ở trên trời, Đức Chúa Trời cho họ một thân thể theo ý Ngài muốn. Chắc chắn thân thể mới của họ sẽ tốt lành và giống như thân thể mà họ đã có trước kia để những người thân có thể nhận ra họ.
12. Khi nào sự sống lại trên đất sẽ xảy ra?
12 Khi nào sự sống lại trên đất sẽ xảy ra? Ma-thê nói về người anh đã chết của bà là La-xa-rơ: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:24). Làm sao bà biết được điều đó? Sự sống lại là đề tài được bàn cãi trong thời bà, vì những người Pha-ri-si tin nơi sự sống lại, còn những người Sa-đu-sê thì không (Công-vụ các Sứ-đồ 23:8). Tuy nhiên, Ma-thê chắc biết rằng những nhân chứng trước thời đấng Christ đã đặt hy vọng nơi sự sống lại (Hê-bơ-rơ 11:35). Rồi bà cũng hiểu qua Đa-ni-ên 12:13 rằng sự sống lại sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. Bà cũng có thể biết được điều này vì nghe chính Chúa Giê-su nói (Giăng 6:39). “Ngày cuối-cùng” đó trùng hợp với Một Ngàn Năm Cai Trị của đấng Christ (Khải-huyền 20:6). Hãy tưởng tượng đến sự mừng rỡ trong “ngày” mà biến cố quan trọng này bắt đầu xảy ra. (So sánh Lu-ca 24:41).
Ai sẽ được sống lại?
13. Khải-huyền 20:12-14 ghi lại sự hiện thấy nào về sự sống lại?
13 Sự hiện thấy về việc sống lại trên đất được Giăng ghi lại nơi Khải-huyền 20:12-14: “Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử-đoán tùy công-việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm-phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử-đoán tùy công-việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm-phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai”.
14. Ai ở trong số những người được sống lại?
14 Những kẻ “lớn và nhỏ”, người nổi tiếng và người không được ai chú ý, đã sống và chết đi, đều sẽ được sống lại. Kìa, ngay cả những em bé cũng ở trong số người được sống lại! (Giê-rê-mi 31:15, 16). Công-vụ các Sứ-đồ 24:15 cho chúng ta biết một chi tiết quan trọng khác: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. Nổi bật trong số những “người công-bình” là những người trung thành thời xưa, chẳng hạn như A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra và Ra-háp (Hê-bơ-rơ 11:1-40). Hãy tưởng tượng được nói chuyện với những người đó và nghe chính họ kể lại những chi tiết của các biến cố thời xa xưa ghi trong Kinh-thánh! “Người công-bình” cũng sẽ bao gồm hàng ngàn người kính sợ Đức Chúa Trời đã chết trong thời gian gần đây hơn và không có hy vọng lên trời. Bạn có một người thân hay là người nào mà bạn yêu thương ở trong số những người này không? Thật là an ủi khi biết rằng bạn có thể gặp lại họ! Tuy nhiên, ai là những người “không công-bình” sẽ được trở lại? Số này gồm có hàng triệu, có lẽ hàng tỷ người đã chết nhưng chưa có dịp được biết và áp dụng lẽ thật của Kinh-thánh.
15. Những người được sống lại sẽ “bị xử-đoán tùy công-việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy” có nghĩa là gì?
15 Làm thế nào những người được sống lại sẽ “bị xử-đoán tùy công-việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy”? Những sách đó không phải là hồ sơ ghi những việc làm của họ trong quá khứ; vì khi họ chết, họ được tha tội mà họ đã phạm lúc còn sống (Rô-ma 6:7, 23). Tuy nhiên, những người sống lại vẫn còn ở dưới tội lỗi của A-đam. Thế thì những sách này hẳn có sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời mà mọi người phải làm theo để được lợi ích trọn vẹn từ sự hy sinh của Chúa Giê-su. Khi vết tích cuối cùng của tội lỗi A-đam được bôi xóa, ‘sự chết sẽ bị hủy diệt’ hoàn toàn. Cuối một ngàn năm, Đức Chúa Trời sẽ “làm muôn sự trong muôn sự” (1 Cô-rinh-tô 15:28). Người ta sẽ không còn cần đến sự can thiệp của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm hay là Đấng Chuộc Tội nữa. Mọi người sẽ được trở lại trạng thái hoàn toàn như A-đam đã có lúc đầu.
Sống lại theo thứ tự
16. a) Tại sao tin tưởng rằng sự sống lại sẽ xảy ra theo thứ tự là hợp lý? b) Ai có lẽ ở trong số những người sẽ được sống lại trước nhất?
16 Vì sự sống lại ở trên trời “theo thứ-tự riêng”, vậy thì sự sống lại ở trên đất sẽ không gây ra tình trạng hỗn loạn vì dân số tăng đột ngột (1 Cô-rinh-tô 15:23). Điều dễ hiểu là những người mới được sống lại sẽ cần được chăm sóc. (So sánh Lu-ca 8:55). Họ cần được giúp đỡ về thể chất và quan trọng hơn nữa, về thiêng liêng, để có được sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ (Giăng 17:3). Nếu tất cả được sống lại một lượt, thì không thể nào chăm sóc cho họ đầy đủ được. Vậy, rất hợp lý để cho rằng sự sống lại sẽ diễn ra dần dần. Những tín đồ trung thành chết không bao lâu trước khi sự cuối cùng của hệ thống Sa-tan này chấm dứt rất có thể sẽ là những người được sống lại trước nhất. Chúng ta cũng có thể hy vọng rằng những người trung thành ngày xưa được sống lại sớm, họ sẽ làm “quan-trưởng” (Thi-thiên 45:16).
17. Một số vấn đề nào về sự sống lại mà Kinh-thánh không nói đến và tại sao tín đồ đấng Christ không nên quan tâm nhiều đến những vấn đề đó?
17 Tuy nhiên, chúng ta không nên võ đoán về những điều đó. Nhiều vấn đề Kinh-thánh không nói đến. Kinh-thánh không nói rõ từng chi tiết như thế nào, khi nào và nơi nào sự sống lại sẽ xảy ra. Kinh-thánh cũng không nói cho chúng ta biết làm thế nào những người sống lại này sẽ có nhà ở, đồ ăn và đồ mặc. Chúng ta cũng không thể nói một cách chắc chắn Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết thế nào về những vấn đề như nuôi nấng và chăm sóc trẻ con được sống lại hoặc Ngài sẽ làm gì về những tình trạng liên hệ đến bạn bè và người thân của chúng ta. Đành rằng thắc mắc về những điều đó là tự nhiên, nhưng phí mất thì giờ tìm cách trả lời những câu hỏi mà hiện tại không thể trả lời được thì không phải là điều khôn ngoan. Chúng ta phải chú trọng đến việc phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trung thành và đạt đến sự sống đời đời. Những tín đồ được xức dầu đặt hy vọng nơi sự sống lại vinh hiển trên trời (2 Phi-e-rơ 1:10, 11). Các “chiên khác” có hy vọng được sống nơi lãnh vực trên đất của Nước Trời (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:33, 34). Còn nhiều chi tiết khác về sự sống lại chúng ta không biết, chúng ta chỉ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va mà thôi. Hạnh phúc tương lai của chúng ta ở trong tay Đấng ‘làm thỏa nguyện mọi loài sống’ (Thi-thiên 145:16; Giê-rê-mi 17:7).
18. a) Phao-lô nhấn mạnh đến sự chiến thắng nào? b) Tại sao chúng ta tin cậy nơi hy vọng về sự sống lại?
18 Phao-lô kết thúc vấn đề bàn cãi bằng cách tuyên bố: “Tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta” (1 Cô-rinh-tô 15:57). Đúng vậy, sự hy sinh để làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ đã thắng được sự chết của A-đam, và cả những người được xức dầu lẫn các “chiên khác” cũng được chiến thắng. Dĩ nhiên, các “chiên khác” còn sống ngày nay có hy vọng độc nhất vô nhị trong thế hệ này. Là một phần trong “vô-số người” càng ngày càng gia tăng, họ có thể sống sót qua “cơn đại-nạn” sắp đến và không bao giờ phải chết cả! (Khải-huyền 7:9, 14). Tuy nhiên, ngay cả những người đã chết vì “thời thế và sự bất trắc” hay là chết trong tay của bè lũ Sa-tan có thể đặt tin tưởng nơi hy vọng được sống lại (Truyền-đạo 9:11, NW).
19. Ngày nay, tất cả tín đồ đấng Christ phải nghe theo lời khuyên nhủ nào?
19 Vì vậy, chúng ta nóng lòng trông đợi ngày huy hoàng đó khi sự chết sẽ không còn nữa. Niềm tin cậy không hề nao núng nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va về sự sống lại cho chúng ta một quan điểm thực tế về mọi vấn đề. Bất kể chuyện gì xảy ra cho chúng ta trong đời này—dù chúng ta phải chết—thì cũng không điều gì có thể cướp mất phần thưởng mà Đức Giê-hô-va đã hứa. Vì vậy, lời khuyên cuối cùng của Phao-lô cho người Cô-rinh-tô thích hợp cho ngày nay cũng như cho hai ngàn năm trước đây: “Vậy, hỡi anh em yêu-dấu của tôi, hãy vững-vàng chớ rúng-động, hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu” (1 Cô-rinh-tô 15:58).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Phao-lô đã trả lời ra sao khi được hỏi những người được xức dầu sẽ có loại thân thể nào khi được sống lại?
◻ Sự chết sẽ bị hủy diệt như thế nào và khi nào?
◻ Những ai sẽ ở trong số người được sống lại trên đất?
◻ Chúng ta nên có thái độ nào về những vấn đề Kinh-thánh không nói đến?
[Hình nơi trang 20]
Hạt giống “chết” bằng cách trải qua một sự thay đổi hẳn
[Các hình nơi trang 23]
Những người trung thành thời xưa, chẳng hạn như A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra và Ra-háp sẽ ở trong số những người được sống lại
[Hình nơi trang 24]
Sự sống lại sẽ là một thời kỳ vui mừng vô tả!