Tại sao nhân loại cần một Đấng Cầu Thay
MỘT người trước kia vốn kiêu ngạo và hung bạo thú nhận: “Ta ngày trước vốn là người phạm-thượng, hay bắt-bớ”. Ông đã từng phạm thượng, nhẫn tâm quấy nhiễu, hành hung môn đồ của Chúa Giê-su Christ, những người kính sợ Đức Chúa Trời. “Nhưng ta đã đội ơn thương-xót”, ông cảm kích tuyên bố. Dù có vẻ khó tin, kẻ bắt bớ cuồng bạo này đã trở thành sứ đồ Phao-lô, một tín đồ trung thành của Đấng Christ.—1 Ti-mô-thê 1:12-16; Công-vụ các Sứ-đồ 9:1-19.
Không phải ai cũng làm những việc như Phao-lô đã từng làm. Dù vậy, tất cả chúng ta không ai đạt được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 3:23) Hơn nữa, chúng ta rất dễ bị sa lầy trong sự tuyệt vọng, có lẽ cảm thấy mình quá xấu xa, không đáng được Đức Chúa Trời thương xót. Khi ngẫm nghĩ về khuynh hướng tội lỗi của mình, chính Phao-lô phải kêu lên: “Khốn-nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết này?” Trả lời câu hỏi của chính mình, ông viết: “Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta!”—Rô-ma 7:24, 25.
Làm sao một Đấng Tạo Hóa công bình lại có thể có mối quan hệ với những kẻ có tội? (Thi-thiên 5:4) Hãy chú ý là Phao-lô nói: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”. Một người khác nhận được sự thương xót của Đức Chúa Trời giải thích: “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus-Christ, tức là Đấng công-bình. Ấy chính Ngài làm của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta, không những vì tội-lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội-lỗi cả thế-gian nữa”.—1 Giăng 2:1, 2.
Tại sao Chúa Giê-su Christ được gọi là “Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha”? Và ngài làm “của-lễ chuộc tội-lỗi” như thế nào?
Tại sao cần có một Đấng Cầu Thay
Chúa Giê-su đến trái đất để “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Giá chuộc là cái giá phải trả để mua lại, hoặc mang lại, sự giải thoát cho một người nào hay một vật gì. Dạng động từ Hê-bơ-rơ dịch là “giá chuộc” diễn đạt ý tưởng che phủ, hoặc đền bù, tội lỗi. (Thi-thiên 78:38, NW) Từ Hy Lạp, chẳng hạn như từ dùng nơi Ma-thi-ơ 20:28, đặc biệt được dùng để chỉ một giá phải trả để chuộc tù nhân chiến tranh hoặc để giải phóng nô lệ. Để thỏa mãn đòi hỏi của công lý, một vật được đưa ra để đánh đổi lấy một vật khác có giá trị tương đương.
Nhân loại rơi vào vòng nô lệ vì người đàn ông đầu tiên phản nghịch lại Đức Chúa Trời. Như Sáng-thế Ký chương 3 cho thấy, người đàn ông hoàn toàn—A-đam—đã chọn theo đường lối cãi lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Làm như vậy, ông đã tự bán mình và cả con cháu lúc đó chưa sinh ra, làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Vậy A-đam đã đánh mất món quà là sự sống hoàn toàn cho chính mình và cho con cháu.—Rô-ma 5:12, 18, 19; 7:14.
Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời đã sắp đặt dâng của-lễ bằng thú vật để chuộc lại hoặc che lấp tội lỗi cho dân sự. (Lê-vi Ký 1:4; 4:20, 35) Thực chất, mạng sống của thú vật được dâng thay cho kẻ có tội. (Lê-vi Ký 17:11) Bởi thế, “ngày lễ chuộc tội” cũng còn được gọi là “ngày giá chuộc”.—Lê-vi Ký 23:26-28.
Tuy nhiên, vì thú vật thấp kém hơn con người nên “huyết của bò đực và dê đực không thể [hoàn toàn] cất tội-lỗi đi được”. (Hê-bơ-rơ 10:1-4) Muốn một của-lễ hy sinh hội đủ giá trị để chuộc lại, hoặc cất đi tội lỗi mãi mãi cần phải có một giá trị tương đương với cái mà A-đam đã đánh mất. Cán cân công lý đòi hỏi một người đàn ông hoàn toàn (Chúa Giê-su Christ) để cân xứng với những gì người hoàn toàn kia (A-đam) đã mất. Chỉ có mạng sống của người hoàn toàn mới có thể trả giá để chuộc con cháu của A-đam khỏi tình trạng nô lệ mà người cha đầu tiên đã bán họ. ‘Mạng thường mạng’ mới thỏa mãn đòi hỏi của công lý chân chính.—Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23-25.
Khi A-đam phạm tội và bị kết án tử hình, con cháu ông chưa ra đời và vẫn còn trong lòng ông và vì thế mà cùng chết với ông. Người hoàn toàn Giê-su, “A-đam sau hết”, tự nguyện không gây dựng một gia đình. (1 Cô-rinh-tô 15:45) Khi hy sinh mạng sống như một người hoàn toàn, con cháu ngài chưa ra đời và còn ở trong lòng ngài. Thế nên có thể nói là dòng giống loài người tiềm tàng trong ngài cũng chết theo ngài. Chúa Giê-su đã nhận gia đình tội lỗi của A-đam làm của mình. Ngài đã hy sinh quyền có một gia đình riêng. Bằng cách hy sinh mạng sống hoàn toàn của chính mình, Chúa Giê-su đã chuộc tất cả nhân loại là con cháu A-đam để họ có thể trở nên gia đình của ngài, do đó ngài là “Cha Đời đời” của họ.—Ê-sai 9:5, 6.
Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su mở đường cho nhân loại biết vâng lời nhận được lòng thương xót của Đức Chúa Trời và đạt được sự sống đời đời. Do đó, sứ đồ Phao-lô viết: “Vì tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”. (Rô-ma 6:23) Chúng ta không thể không ca ngợi Đức Giê-hô-va về tình yêu thương và lòng thương xót liên quan đến giá chuộc đã cung cấp cho chúng ta. Ngài và Con yêu dấu của Ngài đã hy sinh rất nhiều trong việc cung cấp giá chuộc đó. (Giăng 3:16) Chắc chắn Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài là “Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha” khi ngài được sống lại, lên trời và dâng giá trị của sự hy sinh làm giá chuộc lên Đức Chúa Trời.a (Hê-bơ-rơ 9:11, 12, 24; 1 Phi-e-rơ 3:18) Nhưng ngày nay Chúa Giê-su Christ chứng tỏ ngài là Đấng Cầu Thay cho chúng ta ở trên trời như thế nào?
[Chú thích]
a Xin xem chương 4 và 7 trong sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Hình nơi trang 4]
Mạng sống làm người hoàn toàn của Chúa Giê-su đã trở thành giá chuộc cho con cháu A-đam