Có phần trong sự an ủi mà Đức Giê-hô-va ban cho
“Sự trông-cậy của chúng tôi về anh em thật vững-vàng; vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau-đớn, thì cũng có phần trong sự yên-ủi vậy” (II CÔ-RINH-TÔ 1:7).
1, 2. Ngày nay nhiều người trở thành tín đồ đấng Christ có kinh nghiệm gì?
NHIỀU độc giả hiện nay của tạp chí Tháp Canh trong lúc lớn lên đã không biết về lẽ thật của Đức Chúa Trời. Có lẽ đó là trường hợp của bạn. Nếu thế, hãy nhớ lại lúc mới biết lẽ thật bạn đã cảm thấy thế nào. Thí dụ, lúc mới hiểu rằng người chết không đau khổ nhưng ở trong tình trạng không có ý thức, bạn có thấy nhẹ nhõm không? Và khi học về hy vọng dành cho người chết, biết rằng hàng tỉ người sẽ được sống lại trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, chẳng lẽ bạn không được an ủi hay sao? (Truyền-đạo 9:5, 10; Giăng 5:28, 29).
2 Còn về lời Đức Chúa Trời hứa là sẽ chấm dứt sự gian ác và biến đổi trái đất này thành một địa đàng thì sao? Khi bạn biết về lời hứa này, bạn thấy được an ủi và đầy phấn khởi, phải không? Bạn cảm thấy thế nào khi mới học biết là bạn có thể không phải chết nhưng có triển vọng được sống sót để bước vào Địa Đàng sắp đến trên trái đất? Chắc hẳn là bạn vui sướng lắm. Đúng vậy, bạn được nghe thông điệp đầy an ủi của Đức Chúa Trời mà ngày nay Nhân-chứng Giê-hô-va rao giảng trên khắp thế giới (Thi-thiên 37:9-11, 29; Giăng 11:26; Khải-huyền 21:3-5).
3. Tại sao những người chia sẻ thông điệp đầy an ủi của Đức Chúa Trời với người khác cũng gặp cảnh khổ cực?
3 Tuy nhiên, khi bạn cố gắng trình bày thông điệp Kinh-thánh với người khác, bạn cũng nhận thấy rằng “chẳng phải hết thảy đều có đức-tin” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:2). Có lẽ một số bạn bè cũ chế nhạo vì bạn bày tỏ đức tin nơi những lời hứa trong Kinh-thánh. Thậm chí có thể bạn đã bị ngược đãi vì bạn tiếp tục học hỏi Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va. Bạn có thể gặp thêm nhiều sự chống đối khi bạn bắt đầu thay đổi đời sống cho phù hợp với những nguyên tắc Kinh-thánh. Bạn bắt đầu gặp phải sự khổ cực mà Sa-tan và thế gian của hắn gây ra cho tất cả những ai nhận sự an ủi của Đức Chúa Trời.
4. Khi gặp khổ cực, những người mới chú ý Kinh-thánh có thể phản ứng theo những cách nào?
4 Đáng buồn thay, như Chúa Giê-su đã báo trước, sự khổ cực khiến cho một số người vấp phạm và ngưng kết hợp với hội thánh tín đồ đấng Christ (Ma-thi-ơ 13:5, 6, 20, 21). Những người khác chịu đựng những nỗi khổ cực bằng cách luôn chú tâm đến những lời hứa đầy an ủi mà họ đang học. Cuối cùng họ dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm với tư cách là môn đồ của Con ngài, Chúa Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Mác 8:34). Dĩ nhiên, không phải một khi đã làm báp têm thì một tín đồ đấng Christ sẽ không còn gặp sự khổ cực nữa. Thí dụ, giữ mình trong sạch có thể là một việc phấn đấu khó khăn đối với một người đã từng sống vô luân. Những người khác phải phấn đấu không ngừng với sự chống đối từ những người không tin đạo trong nhà. Bất kể gặp phải sự khổ cực nào đi nữa, tất cả những người trung thành theo đuổi một cuộc sống phù hợp với sự dâng mình cho Đức Chúa Trời có thể chắc chắn về một điều. Đó là chính cá nhân họ sẽ biết được Đức Chúa Trời an ủi và giúp đỡ.
“Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”
5. Cùng với nhiều thử thách mà Phao-lô đã chịu đựng, ông cũng đã trải qua điều gì?
5 Một người thật sự quí mến sự an ủi do Đức Chúa Trời cung cấp là sứ đồ Phao-lô. Sau khi trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn ở xứ A-si và xứ Ma-xê-đoan, ông được nhẹ nhõm vô cùng khi nghe rằng hội thánh Cô-rinh-tô đã vâng theo lời khuyên răn trong thư của ông. Vì thế ông viết cho họ một lá thư thứ hai với những lời khen ngợi như sau: “Chúc-tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, là Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn” (II Cô-rinh-tô 1:3, 4).
6. Chúng ta học được gì từ lời của Phao-lô nơi II Cô-rinh-tô 1:3, 4?
6 Những lời được soi dẫn này có nhiều ý nghĩa. Chúng ta hãy phân tích những lời này. Khi Phao-lô viết những lời khen ngợi, tạ ơn hoặc cầu xin Đức Chúa Trời trong thư, chúng ta thường thấy ông cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa Giê-su, tức là Đầu của hội thánh tín đồ đấng Christ (Rô-ma 1:8; 7:25; Ê-phê-sô 1:3; Hê-bơ-rơ 13:20, 21). Vì vậy, Phao-lô dâng lời ngợi khen này cho “Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. Kế đến, lần đầu tiên trong các thư của ông, ông dùng một danh từ Hy Lạp được dịch ra là “thương xót”. Danh từ này đến từ một từ được dùng để biểu lộ sự đau buồn khi thấy người khác đau khổ. Như vậy Phao-lô miêu tả lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với bất cứ tôi tớ trung thành nào của ngài đang gặp cảnh khổ cực—vì có lòng thương xót nên Đức Chúa Trời đối đãi với họ một cách khoan dung. Sau cùng, Phao-lô trông cậy vào Đức Giê-hô-va là nguồn của đức tính đáng quí này bằng cách gọi ngài “là Cha hay thương-xót”.
7. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”?
7 Sự “thương xót” của Đức Chúa Trời giúp những người gặp cảnh khổ cực cảm thấy nhẹ nhõm. Vì vậy, Phao-lô nói tiếp và tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”. Như thế, khi anh em cùng đạo nhân từ an ủi chúng ta dưới bất cứ hình thức nào, chúng ta có thể trông vào Đức Giê-hô-va là nguồn của sự an ủi đó. Không có sự an ủi thật và lâu bền nào mà không đến từ Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chính ngài là đấng đã tạo ra loài người giống như hình ngài, do đó chúng ta có khả năng an ủi người khác. Và chính thánh linh của Đức Chúa Trời thúc đẩy tôi tớ ngài bày tỏ lòng thương xót đối với những ai đang cần được an ủi.
Được huấn luyện để an ủi người khác
8. Mặc dù những thử thách mà chúng ta gặp phải không đến từ Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta có thể được lợi ích gì khi chịu đựng gian khổ?
8 Mặc dầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời để cho các tôi tớ trung thành ngài gặp phải những thử thách khác nhau, ngài không bao giờ gây ra những thử thách đó (Gia-cơ 1:13). Tuy nhiên, sự an ủi mà ngài ban cho khi chúng ta chịu đựng gian khổ có thể tập cho chúng ta trở nên nhạy cảm hơn đối với nhu cầu của người khác. Với kết quả gì? “Hầu cho nhơn sự yên-ủi mà Ngài đã yên-ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-nạn nào họ gặp” (II Cô-rinh-tô 1:4). Như vậy Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta để khéo an ủi các anh em cùng đạo và những người mà mình gặp trong thánh chức trong khi chúng ta bắt chước đấng Christ và “yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu” (Ê-sai 61:2; Ma-thi-ơ 5:4).
9. a) Điều gì giúp chúng ta chịu đựng sự đau khổ? b) Khi chúng ta trung thành chịu đựng sự cực khổ thì những người khác được an ủi như thế nào?
9 Phao-lô đã chịu đựng được nhiều đau khổ là nhờ sự an ủi lớn lao mà ông nhận được từ Đức Chúa Trời qua đấng Christ (II Cô-rinh-tô 1:5). Chúng ta cũng có thể được an ủi rất nhiều nhờ suy gẫm về các lời hứa quí báu của Đức Chúa Trời, nhờ cầu xin thánh linh ngài trợ giúp và nhờ nghiệm thấy Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Như thế chúng ta sẽ được thêm sức để tiếp tục ủng hộ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và chứng tỏ Ma-quỉ là kẻ nói dối (Gióp 2:4; Châm-ngôn 27:11). Khi chúng ta trung thành chịu đựng được sự khổ cực nào, giống như Phao-lô, chúng ta nên qui tất cả công trạng cho Đức Giê-hô-va, vì sự an ủi của ngài giúp các tín đồ đấng Christ trung thành khi bị thử thách. Khi các tín đồ đấng Christ trung thành chịu đựng, điều này an ủi đoàn thể anh em, khiến những anh em khác quyết tâm “chịu cách nhịn-nhục những sự đau-đớn” (II Cô-rinh-tô 1:6).
10, 11. a) Những điều gì đã gây buồn khổ cho hội thánh ở thành Cô-rinh-tô xưa? b) Phao-lô an ủi hội thánh Cô-rinh-tô như thế nào, và ông đã bày tỏ hy vọng gì?
10 Các tín đồ ở Cô-rinh-tô cũng chịu những sự khổ sở mà mọi tín đồ thật của đấng Christ đều phải chịu. Ngoài ra, họ còn cần lời khuyên để khai trừ một kẻ tà dâm mà không biết ăn năn (I Cô-rinh-tô 5:1, 2, 11, 13). Vì không ra tay hành động như thế và chấm dứt sự tranh cạnh và chia rẽ nên hội thánh bị mang tiếng. Nhưng cuối cùng họ áp dụng lời khuyên của Phao-lô và bày tỏ lòng ăn năn thật sự. Vì thế, ông hết lòng khen họ và nói rằng ông được an ủi nhờ họ nghe theo lời khuyên trong thư ông (II Cô-rinh-tô 7:8, 10, 11, 13). Hiển nhiên là người bị khai trừ cũng đã biết ăn năn. Thế nên Phao-lô khuyên họ phải ‘tha-thứ yên-ủi người, hầu cho người khỏi bị sa-ngã vì sự buồn-rầu quá lớn’ (II Cô-rinh-tô 2:7).
11 Lá thư thứ hai của Phao-lô chắc chắn đã an ủi hội thánh Cô-rinh-tô. Và đây là một trong những ý định của ông. Ông giải thích: “Sự trông-cậy của chúng tôi về anh em thật vững-vàng; vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau-đớn, thì cũng có phần trong sự yên-ủi vậy” (II Cô-rinh-tô 1:7). Trong phần kết luận của lá thư, Phao-lô khuyên giục: “Hãy yên-ủi mình. . . thì Đức Chúa Trời sự yêu-thương và sự bình-an sẽ ở cùng anh em” (II Cô-rinh-tô 13:11).
12. Tất cả tín đồ đấng Christ đều cần gì?
12 Thật là một bài học quan trọng mà chúng ta có thể rút tỉa được! Mọi người trong hội thánh tín đồ đấng Christ đều cần phải “có phần trong sự yên-ủi” mà Đức Chúa Trời cung cấp qua Lời ngài, thánh linh và tổ chức trên đất của ngài. Ngay cả những người bị khai trừ có thể cần được an ủi nếu họ ăn năn và sửa đổi đường lối sai lầm. Vì vậy, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã có một sự sắp đặt đầy nhân từ để giúp đỡ họ. Mỗi năm một lần hai trưởng lão có thể thăm viếng một vài người nào đó đã bị khai trừ. Những người này có thể không còn có thái độ chống đối hoặc phạm tội nặng nữa và có thể cần sự giúp đỡ để theo những bước cần thiết hầu được nhận vào lại (Ma-thi-ơ 24:45; Ê-xê-chi-ên 34:16).
Sự gian khổ của Phao-lô ở A-si
13, 14. a) Phao-lô miêu tả như thế nào về một giai đoạn gian khổ gay go mà ông đã trải qua ở A-si? b) Có lẽ Pha-lô muốn nói đến trường hợp nào?
13 Những nỗi đau khổ mà hội thánh Cô-rinh-tô đã từng trải qua từ trước đến lúc bấy giờ thì không thể nào so sánh với nhiều cảnh gian khổ mà Phao-lô phải chịu đựng. Vì vậy, ông có thể nhắc nhở họ: “Hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn-nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si, và chúng tôi đã bị đè-nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông-cậy giữ sự sống. Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử-tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại. Ấy chính Ngài đã cứu chúng tôi khỏi sự chết lớn dường ấy, và sẽ cứu chúng tôi; phải, chúng tôi còn mong Ngài sẽ cứu chúng tôi nữa” (II Cô-rinh-tô 1:8-10).
14 Một số học giả Kinh-thánh tin rằng Phao-lô đã nói đến cuộc nổi loạn ở thành Ê-phê-sô, lần nổi loạn đó Phao-lô cũng như hai người bạn đồng hành người Ma-xê-đoan của ông là Gai-út và A-ri-tạc đều có thể bị mất mạng. Hai tín đồ đấng Christ này bị kéo vào một rạp hát đông nghẹt người, đám đông đã “kêu rập lên ước trong hai giờ, rằng: Lớn thay là nữ-thần Đi-anh của người Ê-phê-sô!” Cuối cùng, một viên chức thành phố đã dẹp yên đám đông. Phao-lô hẳn rất lo âu khi thấy tính mạng của Gai-út và A-ri-tạc bị đe dọa. Thật vậy, ông đã muốn đi vào rạp hát để lý luận với đám dân cuồng tín, nhưng người ta cản ông không nên liều mình như vậy (Công-vụ các Sứ-đồ 19:26-41).
15. Có lẽ nơi I Cô-rinh-tô 15:32 đã miêu tả một trường hợp nguy nan nào?
15 Tuy nhiên, Phao-lô có lẽ đã miêu tả một trường hợp nguy nan hơn nhiều so với trường hợp kể trên. Trong lá thư đầu tiên viết cho người Cô-rinh-tô, Phao-lô hỏi: “Nếu tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi?” (I Cô-rinh-tô 15:32). Có thể điều này có nghĩa là Phao-lô bị đe dọa đến tính mạng không phải chỉ bởi những kẻ giống như thú dữ, nhưng cũng bởi những thú rừng tại vận động trường ở thành Ê-phê-sô. Đôi khi các tội nhân bị trừng phạt bằng cách bị bắt buộc phải đánh cùng các loài thú trong khi đám đông người khát máu thì đứng xem. Nếu Phao-lô muốn nói rằng ông đã đứng trước các loài thú rừng, thì có lẽ nhờ phép lạ vào phút chót mà ông được thoát khỏi cái chết thê thảm, giống như Đa-ni-ên đã được cứu khỏi miệng sư tử (Đa-ni-ên 6:22).
Những gương mẫu thời nay
16. a) Tại sao nhiều Nhân-chứng Giê-hô-va có thể thông cảm với những sự gian khổ mà Phao-lô đã chịu đựng? b) Chúng ta có thể biết chắc điều gì về những người đã chết vì đức tin? c) Điều hay nào xảy ra sau khi tín đồ đấng Christ thoát khỏi cảnh suýt chết?
16 Nhiều tín đồ đấng Christ ngày nay có thể thông cảm với những sự gian khổ mà Phao-lô đã chịu đựng (II Cô-rinh-tô 11:23-27). Ngày nay cũng vậy, tín đồ đấng Christ từng bị “đè-nén quá chừng, quá sức [họ]”, và nhiều người gặp phải tình cảnh mà họ “mất lòng trông-cậy giữ sự sống” (II Cô-rinh-tô 1:8). Một số người bị giết chết bởi những kẻ giết người tập thể và những kẻ bắt bớ độc ác. Chúng ta có thể biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã dùng quyền năng của ngài để an ủi và giúp họ chịu đựng và trước khi chết, lòng và trí họ tin chắc rằng niềm hy vọng của họ sẽ được thành tựu, dù là hy vọng được lên trời hay ở dưới đất (I Cô-rinh-tô 10:13; Phi-líp 4:13; Khải-huyền 2:10). Trong những trường hợp khác, Đức Giê-hô-va khéo léo điều khiển sự việc, và các anh em chúng ta được thoát chết. Chắc chắn những ai đã được cứu thoát như thế thì càng tin rằng “Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại” (II Cô-rinh-tô 1:9). Về sau, họ có thể nói với lòng tin vững chắc hơn nữa khi họ chia sẻ thông điệp an ủi của Đức Chúa Trời với người khác (Ma-thi-ơ 24:14).
17-19. Những kinh nghiệm nào cho thấy rằng các anh em ở Rwanda đã có phần trong sự yên ủi của Đức Chúa Trời?
17 Gần đây các anh em thân mến của chúng ta ở Rwanda trải qua một kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của Phao-lô và các bạn đồng hành của ông. Nhiều người đã chết, nhưng nỗ lực của Sa-tan đã không thể hủy diệt được đức tin của họ. Trái lại, các anh em chúng ta trong xứ này đã chứng nghiệm được sự an ủi của Đức Chúa Trời theo nhiều cách trên phương diện cá nhân. Trong lúc ở Rwanda có họa diệt chủng của người Tutsi và người Hutu, thì có người Hutu liều mạng để bảo vệ người Tutsi cũng như người Tutsi bảo vệ người Hutu. Một số người đã bị những kẻ quá khích giết vì họ bảo vệ các anh em cùng đạo. Thí dụ, một Nhân-chứng người Hutu tên là Gahizi đã bị giết sau khi giúp một chị người Tutsi tên Chantal ẩn nấp. Còn anh Jean, người chồng Tutsi của chị Chantal, thì được một chị người Hutu tên Charlotte giấu ở một địa điểm khác. Trong 40 ngày Jean và một anh người Tutsi khác trốn trong một ống khói lớn, chỉ ra khỏi đó vài phút vào ban đêm. Suốt thời gian này, Charlotte nuôi ăn và che chở họ, mặc dù họ sống gần trại lính của người Hutu. Trên trang này, bạn có thể thấy hình ảnh của Jean và Chantal được đoàn tụ, họ thật biết ơn các anh em cùng đạo người Hutu đã ‘liều chết để cứu sự sống’ họ, giống như Bê-rít-sin và A-qui-la đã liều chết vì sứ đồ Phao-lô vậy (Rô-ma 16:3, 4).
18 Một Nhân-chứng người Hutu khác là Rwakabubu được báo Intaremara khen ngợi vì anh bảo vệ các anh em cùng đạo người Tutsia. Báo này viết: “Cũng có Rwakabubu, một Nhân-chứng Giê-hô-va, là người liên tục giấu những người trong số các anh em mình hết nơi này đến nơi khác (những người cùng đạo gọi nhau là anh em). Anh thường bỏ ra cả ngày để mang thức ăn và nước uống cho họ mặc dù anh bị bệnh suyễn. Nhưng Đức Chúa Trời làm cho anh khỏe mạnh lạ thường”.
19 Cũng hãy xem trường hợp của một cặp vợ chồng chú ý Kinh-thánh người Hutu tên Nicodeme và Athanasie. Trước khi họa diệt chủng bột phát, cặp vợ chồng này đã học hỏi Kinh-thánh với một Nhân-chứng người Tutsi tên là Alphonse. Mặc dù tính mạng họ bị đe dọa, nhưng họ đã cho Alphonse trốn trong nhà. Sau đó họ nhận thấy rằng trong nhà không phải là nơi an toàn vì những người Hutu ở cùng xóm biết rằng họ có bạn người Tutsi. Cho nên Nicodeme và Athanasie đã cho Alphonse trốn trong một cái hầm ở ngoài sân. Đây là một quyết định tốt bởi vì hầu như mỗi ngày những người láng giềng đều đến tìm kiếm Alphonse. Trong lúc nằm trong hầm suốt 28 ngày, Alphonse suy gẫm về các lời tường thuật của Kinh-thánh chẳng hạn như câu chuyện về Ra-háp, là người đã giấu hai người Y-sơ-ra-ên trên nóc nhà bà ở thành Giê-ri-cô (Giô-suê 6:17). Ngày nay Alphonse tiếp tục phục vụ với tư cách là người rao giảng tin mừng ở Rwanda, anh thật biết ơn là những học viên Kinh-thánh người Hutu đã liều mình vì anh. Còn về Nicodeme và Athanasie thì sao? Ngày nay họ đã làm báp têm trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va và điều khiển hơn 20 cuộc học hỏi Kinh-thánh với những người chú ý.
20. Đức Giê-hô-va an ủi các anh em ở Rwanda bằng cách nào, nhưng nhiều người trong họ luôn cần đến điều gì?
20 Khi họa diệt chủng mới bắt đầu ở Rwanda, nước này có 2.500 người công bố tin mừng. Mặc dù có hàng trăm người chết hoặc buộc phải bỏ trốn khỏi nước, số Nhân-chứng đã tăng lên đến hơn 3.000 người. Điều đó chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời thật sự an ủi các anh em chúng ta. Còn về nhiều trẻ mồ côi và người góa bụa trong vòng các Nhân-chứng Giê-hô-va thì sao? Dĩ nhiên, những người này vẫn còn khổ cực và vẫn cần được an ủi (Gia-cơ 1:27). Chỉ khi nào có sự sống lại trong thế giới mới của Đức Chúa Trời thì họ mới không còn rơi lệ nữa. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của các anh em và vì họ là những người thờ phượng “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”, nên họ có thể đối phó với đời sống hiện tại.
21. a) Các anh em của chúng ta đang hết sức cần đến sự an ủi của Đức Chúa Trời ở những nơi nào khác, và tất cả chúng ta đều có thể giúp đỡ bằng một cách nào? (Xem khung “Niềm an ủi trong suốt bốn năm chiến tranh”). b) Nhu cầu được an ủi của chúng ta sẽ được hoàn toàn thỏa mãn khi nào?
21 Tại nhiều nơi khác như Êritrê, Xingapo và cựu Nam Tư, các anh em chúng ta tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp cảnh gian khổ. Mong sao chúng ta trợ giúp các anh em đó bằng cách thường xuyên cầu xin cho họ nhận được sự an ủi (II Cô-rinh-tô 1:11). Và mong sao chúng ta trung thành chịu đựng cho đến khi Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Christ “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [chúng ta]” theo một ý nghĩa trọn vẹn nhất. Lúc đó chúng ta sẽ hưởng được trọn niềm an ủi mà Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp trong thế giới mới công bình của ngài (Khải-huyền 7:17; 21:4; II Phi-e-rơ 3:13).
[Chú thích]
a Tháp Canh số ra ngày 1-1-1995, trang 26, kể lại kinh nghiệm của Deborah, con gái anh Rwakabubu, đã cầu nguyện làm động lòng một toán lính Hutu và cứu gia đình khỏi bị giết.
Bạn có biết không?
◻ Tại sao Đức Giê-hô-va được gọi là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”?
◻ Chúng ta nên nghĩ như thế nào về sự gian khổ?
◻ Chúng ta có thể chia sẻ niềm an ủi với ai?
◻ Nhu cầu được an ủi của chúng ta sẽ được hoàn toàn thỏa mãn như thế nào?
[Hình nơi trang 17]
Jean và Chantal, mặc dù là Nhân-chứng người Tutsi, đã được Nhân-chứng người Hutu giấu ở địa điểm khác nhau trong lúc có họa diệt chủng ở Rwanda
[Hình nơi trang 17]
Nhân-chứng Giê-hô-va tiếp tục chia sẻ thông điệp đầy an ủi của Đức Chúa Trời với người lân cận ở Rwanda