Mệt mỏi nhưng không kiệt sức
“Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu-cùng đất,... ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức”.—Ê-SAI 40:28, 29.
1, 2. (a) Có lời mời tha thiết nào cho tất cả những ai muốn thực hành sự thờ phượng thanh sạch? (b) Điều gì có thể là mối nguy hiểm nghiêm trọng đe dọa tình trạng thiêng liêng của chúng ta?
LÀ MÔN ĐỒ Chúa Giê-su, chúng ta rất quen thuộc với lời mời gọi tha thiết: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ.... Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Tín đồ Đấng Christ cũng được mời nhận “kỳ thơ-thái đến từ Chúa”. (Công-vụ 3:20) Chắc chắn bạn đã trực tiếp cảm nghiệm được sự khoan khoái nhờ học các lẽ thật của Kinh Thánh, có được hy vọng huy hoàng cho tương lai, và nhờ áp dụng các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va trong đời sống.
2 Tuy vậy, một số người thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng có những lúc tinh thần mệt mỏi. Trong một số trường hợp, những cơn nản lòng này ngắn; những lúc khác cảm giác kiệt sức này có thể dai dẳng. Với thời gian, một số có thể cảm thấy trách nhiệm của họ là tín đồ Đấng Christ trở nên gánh nặng thay vì một gánh làm khoan khoái tâm hồn, như Chúa Giê-su đã hứa. Những cảm nghĩ tiêu cực như thế có thể là mối nguy hiểm nghiêm trọng đe dọa mối quan hệ giữa người tín đồ Đấng Christ và Đức Giê-hô-va.
3. Tại sao Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên nơi Giăng 14:1?
3 Ít lâu trước khi bị bắt và hành quyết, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Lòng các ngươi chớ hề bối-rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa”. (Giăng 14:1) Chúa Giê-su nói lời này vì các sứ đồ sắp phải trải qua những biến cố bi thảm. Tiếp theo các biến cố ấy, sự bắt bớ sẽ bột phát. Chúa Giê-su biết các sứ đồ có thể vấp ngã vì nản lòng tột độ. (Giăng 16:1) Nếu không khắc phục được tâm trạng buồn bã, tình trạng thiêng liêng của họ có thể suy yếu, khiến họ mất tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va. Đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng vậy. Sự chán nản lâu ngày có thể gây ra nhiều đau khổ, làm lòng chúng ta trở nên nặng trĩu. (Giê-rê-mi 8:18) Tâm thần chúng ta có thể suy yếu. Dưới áp lực này, chúng ta có thể bị tê liệt về mặt thiêng liêng và cảm xúc, thậm chí mất cả ước muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va.
4. Điều gì có thể giúp chúng ta gìn giữ lòng của mình để không bị kiệt sức?
4 Lời khuyên của Kinh Thánh thật thích hợp: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”. (Châm-ngôn 4:23) Kinh Thánh đưa ra lời khuyên thiết thực, giúp chúng ta che chở lòng mình cho khỏi bị chán nản và mệt nhọc về thiêng liêng. Trước hết, cần xác định rõ nguyên nhân làm chúng ta kiệt quệ.
Đạo Đấng Christ không khắc nghiệt
5. Về việc làm môn đồ Đấng Christ, điều gì có vẻ mâu thuẫn?
5 Công nhận rằng làm tín đồ Đấng Christ đòi hỏi phải gắng sức. (Lu-ca 13:24) Thậm chí Chúa Giê-su còn nói: “Còn ai không vác thập-tự-giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn-đồ ta”. (Lu-ca 14:27) Nhìn thoáng qua, lời này có vẻ mâu thuẫn với câu nói của Chúa Giê-su về gánh nhẹ nhàng và khoan khoái, nhưng thực ra không có gì mâu thuẫn.
6, 7. Tại sao có thể nói là hình thức thờ phượng của chúng ta không gây mệt nhọc?
6 Khi làm việc nghĩa, dù phải gắng sức và chịu khó, khiến thể xác mệt mỏi, nhưng chúng ta có thể cảm thấy mãn nguyện và khoan khoái. (Truyền-đạo 3:13, 22) Thử hỏi có việc nghĩa nào tốt hơn là chia sẻ những lẽ thật tuyệt vời của Kinh Thánh với người lân cận không? Ngoài ra, tuy chúng ta phải gắng sức sống theo các tiêu chuẩn cao về đạo đức của Đức Chúa Trời, nhưng so với những lợi ích nhận được, sự phấn đấu đó không đáng kể. (Châm-ngôn 2:10-20) Ngay cả khi bị bắt bớ, chúng ta xem việc chịu khổ vì Nước Đức Chúa Trời là điều vinh hạnh.—1 Phi-e-rơ 4:14.
7 Gánh của Chúa Giê-su quả làm chúng ta khoan khoái, nhất là khi so với tình trạng tối tăm về thiêng liêng của những người còn ở dưới ách tôn giáo giả. Đức Chúa Trời trìu mến yêu thương chúng ta và không đòi hỏi quá mức. “Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Đạo thật của Đấng Christ, như được đề ra trong Kinh Thánh, không khắc nghiệt. Rõ ràng là hình thức thờ phượng của chúng ta không gây mệt nhọc và nản lòng.
Hãy “quăng hết gánh nặng”
8. Điều gì thường là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi về mặt thiêng liêng?
8 Bất kỳ sự mỏi mệt về thiêng liêng nào mà chúng ta phải chịu thường là do gánh nặng khác mà hệ thống thối nát này chồng chất lên chúng ta. Bởi lẽ “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, xung quanh chúng ta có những ảnh hưởng xấu có thể làm chúng ta mỏi mệt và mất sự thăng bằng của người tín đồ Đấng Christ. (1 Giăng 5:19) Những điều không cần thiết có thể phức tạp hóa và làm xáo trộn nếp sinh hoạt của chúng ta là tín đồ Đấng Christ. Những gánh nặng không cần thiết này có thể đè nặng lên chúng ta và thậm chí đè nén tinh thần chúng ta. Thật thích hợp thay Kinh Thánh khuyên chúng ta “quăng hết gánh nặng”.—Hê-bơ-rơ 12:1-3.
9. Sự đeo đuổi vật chất có thể đè nặng lên chúng ta như thế nào?
9 Thí dụ, thế gian này quá bận tâm đến danh vọng, tiền tài, giải trí, thú vui du lịch, và những đeo đuổi vật chất khác, những điều này có thể ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của chúng ta. (1 Giăng 2:15-17) Một số tín đồ Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất vì theo đuổi sự giàu có đã làm đời sống họ rất khó khăn. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.
10. Qua minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống, chúng ta có thể rút ra bài học nào về sự giàu có?
10 Khi cảm thấy mệt mỏi và nản lòng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, có thể nào nguyên nhân là sự theo đuổi vật chất đang bóp nghẹt tính thiêng liêng của chúng ta không? Điều này rất có khả năng xảy ra, như minh họa của Chúa Giê-su về người gieo giống cho thấy. Chúa Giê-su so sánh “sự lo-lắng về đời nầy, sự mê-đắm về giàu-sang, và các sự tham-muốn khác” với gai góc “thấu vào..., làm cho nghẹt-ngòi” hạt giống của lời Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta. (Mác 4:18, 19) Vì thế, Kinh Thánh khuyên: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—Hê-bơ-rơ 13:5.
11. Làm thế nào có thể loại bỏ những thứ gây gánh nặng cho chúng ta?
11 Đôi khi, điều làm đời sống chúng ta phức tạp không phải do đeo đuổi những thứ mình chưa có, mà là những gì chúng ta làm với những thứ đã có rồi. Một số người cảm thấy tinh thần mệt mỏi vì vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có người thân mất, hoặc những vấn đề khác gây buồn phiền. Họ thấy thỉnh thoảng cần điều chỉnh đời sống. Một cặp vợ chồng quyết định bỏ bớt một số thú tiêu khiển và những dự tính riêng không cần thiết. Họ đã kiểm kê đồ đạc và đóng thùng những thứ liên quan đến dự tính ấy và cất đi ở một nơi. Thỉnh thoảng, tất cả chúng ta đều có thể được lợi ích khi kiểm điểm thói quen và đồ đạc của mình, loại bỏ mọi gánh nặng không cần thiết để chúng ta không bị mệt mỏi sờn lòng.
Cần có tính phải lẽ và khiêm tốn
12. Chúng ta nên nhận biết gì về lỗi lầm của chính mình?
12 Những lỗi lầm của chính chúng ta, ngay cả trong các vấn đề nhỏ, cũng có thể dần dần làm đời sống chúng ta khó khăn. Lời của Đa-vít thật đúng làm sao: “Sự gian-ác [“tội”, Tòa Tổng Giám Mục] tôi vượt qua đầu tôi; nó nặng quá cho tôi, khác nào một gánh nặng.” (Thi-thiên 38:4) Thường thường một vài sửa đổi thiết thực sẽ giúp chúng ta trút bỏ những gánh nặng.
13. Tính phải lẽ có thể giúp chúng ta thế nào để có quan điểm thăng bằng về thánh chức mình?
13 Kinh Thánh khuyến khích chúng ta phát huy “sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt [“khả năng suy xét”, NW]”. (Châm-ngôn 3:21, 22) Kinh Thánh nói: “Sự khôn-ngoan từ trên... là tiết-độ [“phải lẽ”, NW]”. (Gia-cơ 3:17) Một số người cảm thấy phải làm bằng người khác trong thánh chức tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác. Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”. (Ga-la-ti 6:4, 5) Đành rằng, gương tốt của anh em tín đồ Đấng Christ có thể khuyến khích chúng ta hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, nhưng sự khôn ngoan thực tế và tính phải lẽ sẽ giúp chúng ta lập mục tiêu thiết thực tùy theo hoàn cảnh riêng của mình.
14, 15. Chúng ta có thể biểu hiện sự khôn ngoan thực tế như thế nào trong việc chăm lo cho nhu cầu tinh thần và thể chất của mình?
14 Phải lẽ ngay cả trong những lĩnh vực dường như ít quan trọng hơn cũng có thể ngăn ngừa cảm giác mệt mỏi. Thí dụ, chúng ta có tập những thói quen thăng bằng có lợi cho sức khỏe không? Hãy xem gương của một cặp vợ chồng phục vụ tại một chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ nhận biết giá trị của sự khôn ngoan thực tế trong việc phòng ngừa mệt mỏi. Người vợ nói: “Bất luận nhiều việc đến mức nào, chúng tôi đều cố gắng đi ngủ cùng giờ mỗi đêm. Chúng tôi cũng tập thể dục đều đặn. Điều này thật sự giúp chúng tôi. Chúng tôi đã biết hạn chế của mình, và không vượt quá. Chúng tôi cố gắng không so sánh mình với những người dường như có năng lực vô tận”. Chúng ta có đều đặn ăn uống bổ dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ không? Chú ý vừa phải đến sức khỏe nói chung có thể giảm thiểu cảm giác kiệt quệ về tinh thần và thiêng liêng.
15 Một số người trong chúng ta có những nhu cầu đặc biệt. Chẳng hạn, một chị tín đồ Đấng Christ đã phụng sự trọn thời gian trong nhiều nhiệm vụ khó khăn. Chị có những vấn đề về sức khỏe, kể cả ung thư. Điều gì đã giúp chị đối phó với những tình huống căng thẳng? Chị nói: “Đối với tôi, điều quan trọng là phải dành thời giờ ở riêng một mình và hoàn toàn yên tĩnh. Càng cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, tôi càng cần những lúc tĩnh lặng riêng để đọc và nghỉ ngơi”. Sự khôn ngoan thực tế và khả năng suy xét giúp chúng ta nhận biết và thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhờ đó tránh được sự mệt mỏi về thiêng liêng.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban sức lực cho chúng ta
16, 17. (a) Tại sao chăm lo cho sức khỏe thiêng liêng là điều rất quan trọng? (b) Thói quen hàng ngày của chúng ta nên bao gồm điều gì?
16 Chăm lo sức khỏe thiêng liêng tất nhiên là điều rất quan trọng. Khi có mối quan hệ mật thiết với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta cũng không bao giờ mỏi mệt trong việc thờ phượng Ngài, dù cho thể xác mệt mỏi. Đức Giê-hô-va là Đấng “ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức”. (Ê-sai 40:28, 29) Chính sứ đồ Phao-lô nghiệm thấy những lời này là đúng, ông viết: “Chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư-nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn”.—2 Cô-rinh-tô 4:16.
17 Hãy lưu ý đến ngữ đoạn “càng ngày càng hơn”. Điều này hàm ý hàng ngày tận dụng những cung cấp của Đức Giê-hô-va. Một giáo sĩ phụng sự trung thành trong 43 năm, đã phải đối phó với những giai đoạn bị mệt mỏi về thể chất và nản lòng. Nhưng chị không kiệt sức. Chị nói: “Tôi tập thói quen dậy sớm để có thể dành thời gian cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và đọc Lời Ngài trước khi làm việc gì. Thói quen hàng ngày này đã giúp tôi chịu đựng cho đến ngày nay”. Chúng ta quả có thể nương tựa nơi quyền năng nâng đỡ của Đức Giê-hô-va nếu đều đặn, đúng vậy hàng ngày, cầu nguyện và suy ngẫm về các đức tính cao quý và những lời hứa của Ngài.
18. Kinh Thánh đưa ra lời an ủi nào cho những người trung thành đã lớn tuổi hoặc bệnh hoạn?
18 Điều này đặc biệt hữu ích cho những anh chị cảm thấy nản lòng vì tuổi cao, sức yếu. Những anh chị này có thể ngã lòng không phải vì họ tự so sánh mình với người khác mà vì so sánh mình ngày nay với trước kia. Thật an ủi làm sao khi biết rằng Đức Giê-hô-va xem trọng người già cả! Kinh Thánh nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”. (Châm-ngôn 16:31) Đức Giê-hô-va hiểu các hạn chế của chúng ta và rất quý trọng sự thờ phượng hết lòng dù chúng ta có những yếu đuối. Và những việc tốt lành chúng ta đã làm in sâu không phai nhòa trong trí nhớ của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh bảo đảm: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Mọi người chúng ta đều vui mừng biết bao là trong vòng chúng ta có những anh chị đã trung thành với Đức Giê-hô-va trong nhiều thập niên!
Chớ mệt nhọc mà bỏ cuộc
19. Tiếp tục bận rộn làm việc thiện giúp ích chúng ta như thế nào?
19 Nhiều người tin rằng hoạt động thể dục mạnh mẽ, đều đặn có thể giảm bớt sự mỏi mệt. Tương tự như thế, những hoạt động thiêng liêng đều đặn có thể giúp giải tỏa bất cứ cảm giác kiệt quệ nào về mặt thiêng liêng hoặc cảm xúc. Kinh Thánh nói: “Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt. Vậy, đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:9, 10) Hãy lưu ý đến hai ngữ đoạn “sự làm lành” và “làm điều thiện”. Những ngữ đoạn này hàm ý chúng ta phải hành động. Làm điều thiện cho người khác quả có thể giúp chúng ta không kiệt sức trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va.
20. Muốn vượt qua sự nản lòng, chúng ta nên tránh kết bạn với những người nào?
20 Trái lại, kết hợp và sinh hoạt với những người xem thường luật pháp Đức Chúa Trời có thể là một gánh nặng làm chúng ta mệt mỏi. Kinh Thánh khuyến cáo chúng ta: “Đá thì nặng, cát cũng nặng; nhưng cơn tức-giận của kẻ ngu-dại còn nặng hơn cả hai”. (Châm-ngôn 27:3) Muốn vượt qua những cảm giác nản lòng và mệt mỏi, chúng ta nên tránh kết bạn với những người luôn có những ý nghĩ bi quan, khuynh hướng bắt lỗi và chỉ trích người khác.
21. Chúng ta có thể khích lệ người khác như thế nào tại các buổi họp đạo Đấng Christ?
21 Các buổi họp đạo Đấng Christ là do Đức Giê-hô-va cung cấp, có thể truyền sức lực thiêng liêng cho chúng ta. Ở đó chúng ta có cơ hội tuyệt hảo khích lệ lẫn nhau qua sự họp mặt và dạy dỗ làm tinh thần khoan khoái. (Hê-bơ-rơ 10:25) Mọi người trong hội thánh phải gắng sức xây dựng anh em khi bình luận tại buổi họp hoặc khi tham gia vào chương trình trên bục giảng. Nhất là những người dẫn đầu trên cương vị người dạy dỗ phải có trách nhiệm khuyến khích người khác. (Ê-sai 32:1, 2) Ngay cả khi cần thúc giục hoặc khiển trách, cũng phải khuyên bảo với giọng khích lệ. (Ga-la-ti 6:1, 2) Tình yêu thương người khác quả thật sẽ giúp chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va mà không kiệt sức.—Thi-thiên 133:1; Giăng 13:35.
22. Dù bản chất con người của chúng ta bất toàn, tại sao chúng ta có thể vững lòng?
22 Thờ phượng Đức Giê-hô-va trong thời kỳ cuối cùng đòi hỏi phải nỗ lực. Tín đồ Đấng Christ cũng như bao người khác, họ không tránh khỏi mệt mỏi về tinh thần, đau đớn về mặt cảm xúc, và những tình huống căng thẳng. Bản chất con người bất toàn thì mỏng manh, như những món đồ bằng đất sét. Thế nhưng Kinh Thánh nói: ‘Chúng ta đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền-phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng ta’. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Đúng, chúng ta sẽ mệt mỏi, nhưng mong rằng chúng ta không bao giờ kiệt sức hoặc bỏ cuộc. Thay vì vậy, chúng ta hãy “lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa giúp-đỡ tôi”.—Hê-bơ-rơ 13:6.
Ôn vắn tắt
• Chúng ta có thể bỏ bớt một số gánh nặng nào?
• Làm thế nào chúng ta có thể “làm điều thiện” cho anh em tín đồ Đấng Christ?
• Khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi hoặc nản lòng, Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta như thế nào?
[Hình nơi trang 23]
Chúa Giê-su biết rằng sự nản lòng dai dẳng có thể làm lòng các môn đồ bối rối
[Hình nơi trang 24]
Một số anh chị đã bỏ vài thú tiêu khiển và những dự tính riêng không cần thiết
[Hình nơi trang 26]
Dù chúng ta có những hạn chế, Đức Giê-hô-va vẫn quý trọng sự thờ phượng hết lòng của chúng ta