Đây là ngày cứu rỗi!
“Kìa, hiện nay là thì thuận-tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu-rỗi!” (2 CÔ-RINH-TÔ 6:2).
1. Chúng ta phải làm gì để có được vị thế mà Đức Chúa Trời và Đấng Christ chấp nhận?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã định một ngày để phán xét nhân loại (Công-vụ các Sứ-đồ 17:31). Nếu muốn được cứu rỗi vào ngày đó, chúng ta cần ở vị thế được Ngài và Đấng Phán Xét của Ngài là Chúa Giê-su Christ chấp nhận (Giăng 5:22). Vị thế đó đòi hỏi chúng ta phải có hạnh kiểm phù hợp với Lời Đức Chúa Trời và đức tin thúc đẩy chúng ta giúp người khác trở thành môn đồ thật của Chúa Giê-su.
2. Tại sao thế gian loài người xa cách Đức Chúa Trời?
2 Bởi vì tội lỗi di truyền, thế gian loài người xa cách Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:12; Ê-phê-sô 4:17, 18). Vì vậy, những người nghe chúng ta rao giảng có thể được cứu rỗi chỉ khi nào họ hòa thuận lại với Ngài. Sứ đồ Phao-lô nói rõ điều này khi viết cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô. Chúng ta hãy xem xét 2 Cô-rinh-tô 5:10–6:10 để biết Phao-lô nói gì về sự phán xét, việc hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, và sự cứu rỗi.
“Chúng tôi... tìm cách làm cho người ta đều tin”
3. Làm thế nào Phao-lô “tìm cách làm cho người ta đều tin”, và tại sao chúng ta nên làm điều này ngày nay?
3 Phao-lô liên kết sự phán xét với việc rao giảng khi ông viết: “Chúng ta thảy đều phải ứng-hầu trước tòa-án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận-lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác-thịt. Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính-sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin” (2 Cô-rinh-tô 5:10, 11). Sứ đồ “tìm cách làm cho người ta đều tin” qua công việc rao giảng tin mừng. Còn về phần chúng ta thì sao? Vì sắp đương đầu với sự kết liễu của hệ thống mọi sự gian ác này, chúng ta nên hết sức thuyết phục người khác để có những bước cần thiết hầu được sự xét xử thuận lợi của Chúa Giê-su và được sự chấp nhận của Nguồn cứu rỗi, tức là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
4, 5. a) Tại sao không nên khoe mình về những điều chúng ta thực hiện được trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va? b) Tại sao Phao-lô khoe mình “vì Đức Chúa Trời”?
4 Tuy nhiên, chúng ta không nên khoe mình nếu Đức Chúa Trời đã ban phước cho thánh chức của chúng ta. Tại Cô-rinh-tô, một số người đã kiêu ngạo vì lòng tự hào hoặc khoe khoang về những người khác, gây ra sự chia rẽ trong hội thánh (1 Cô-rinh-tô 1:10-13; 3:3, 4). Ám chỉ về tình trạng này, Phao-lô viết: “Chúng tôi chẳng lại phô mình cùng anh em, nhưng muốn trao cho anh em cái dịp khoe mình về chúng tôi, đặng anh em có thể đối-đáp lại cùng những kẻ chỉ khoe mình về bề ngoài, mà không về sự trong lòng. Vả, hoặc chúng tôi cuồng, ấy là vì Đức Chúa Trời; hoặc chúng tôi dè-giữ, ấy là vì anh em” (2 Cô-rinh-tô 5:12, 13). Những người kiêu ngạo không quan tâm đến sự hợp nhất và sự an lạc về thiêng liêng của hội thánh. Họ muốn khoe về vẻ bề ngoài thay vì giúp những anh em cùng đức tin phát triển lòng tốt trước mặt Đức Chúa Trời. Vì vậy, Phao-lô khiển trách hội thánh và sau đó nói: “Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa” (2 Cô-rinh-tô 10:17).
5 Phao-lô có khoe mình không? Một số người có thể nghĩ là có, vì ông nói về việc ông là một sứ đồ. Nhưng ông phải khoe mình “vì Đức Chúa Trời”. Ông khoe mình về thành tích là một sứ đồ để cho những người Cô-rinh-tô không bỏ Đức Giê-hô-va. Phao-lô làm vậy để đem họ trở lại với Đức Chúa Trời bởi vì các sứ đồ giả đã dẫn họ vào con đường sai lầm (2 Cô-rinh-tô 11:16-21; 12:11, 12, 19-21; 13:10). Tuy nhiên, không phải lúc nào Phao-lô cũng cố gắng làm người khác thán phục về những điều ông thực hiện được (Châm-ngôn 21:4).
Tình thương của Đấng Christ có thúc đẩy bạn không?
6. Tình yêu thương của Đấng Christ phải ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
6 Là một sứ đồ chân chính, Phao-lô dạy người khác về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Sự hy sinh này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của Phao-lô, vì ông viết: “Tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động [thúc đẩy, NW] chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình” (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Chúa Giê-su yêu thương chúng ta biết bao qua việc ngài hy sinh mạng sống vì chúng ta! Chắc chắn điều đó phải là sức mạnh thúc đẩy đời sống của chúng ta. Biết ơn Chúa Giê-su đã dâng mạng sống ngài vì chúng ta thì chúng ta phải hoạt động sốt sắng trong việc tuyên bố tin mừng về sự cứu rỗi mà Đức Giê-hô-va đã ban cho qua Con yêu dấu của Ngài (Giăng 3:16; so sánh Thi-thiên 96:2). “Tình yêu-thương của Đấng Christ” có thúc đẩy bạn để tham gia sốt sắng vào công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ không? (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
7. Câu “không theo xác-thịt mà nhận biết ai nữa” có nghĩa gì?
7 Qua việc dùng đời sống để bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì Đấng Christ đã làm, những người được xức dầu ‘không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì ngài’. Phao-lô nói: “Bởi đó, từ rày về sau, chúng tôi không theo xác-thịt mà nhận biết ai nữa; và, dẫu chúng tôi từng theo xác-thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu” (2 Cô-rinh-tô 5:16). Tín đồ Đấng Christ không được xem người ta theo mắt xác thịt, có lẽ thiên vị người Do Thái hơn người ngoại hoặc là người giàu hơn người nghèo. Những người được xức dầu “không theo xác-thịt mà nhận biết ai nữa”, bởi vì sự liên hệ thiêng liêng với các anh em cùng đức tin mới là quan trọng. Những người “theo xác-thịt mà nhận biết Đấng Christ” không phải là những người đã thấy Chúa Giê-su lúc ngài ở trên đất. Ngay cả một số người đang đặt hy vọng nơi Đấng Mê-si, lúc trước đã xem Đấng Christ chỉ là người phàm tục, thì họ không còn xem ngài như thế nữa. Ngài đã dâng thân thể để làm giá chuộc và được sống lại với tư cách là một thần linh ban sự sống. Những người khác được cho sống lại ở trên trời phải bỏ thân thể xác thịt mà không hề thấy Chúa Giê-su Christ bằng xương bằng thịt (1 Cô-rinh-tô 15:45, 50; 2 Cô-rinh-tô 5:1-5).
8. Làm sao một người “ở trong Đấng Christ”?
8 Vẫn còn nói với những người được xức dầu, Phao-lô thêm: “Nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17). “Ở trong Đấng Christ” có nghĩa là được hợp nhất với ngài (Giăng 17:21). Một người có được mối quan hệ này khi Đức Giê-hô-va thu hút người ấy đến với Con Ngài và cho người ấy sinh lại bằng thánh linh. Là một người con sinh lại bằng thánh linh của Đức Chúa Trời, người ấy là “người dựng nên mới” có triển vọng cùng với Đấng Christ cai trị trong Nước Trời (Giăng 3:3-8; 6:44; Ga-la-ti 4:6, 7). Những tín đồ được xức dầu đó đã được ban cho một đặc ân lớn.
“Hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời”
9. Đức Chúa Trời đã làm gì để người ta có thể hòa thuận với Ngài?
9 Đức Giê-hô-va quả thật đã ban ân huệ cho lớp “người dựng nên mới” này! Phao-lô nói: “Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa-thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức-vụ giảng-hòa cho chúng ta. Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế-gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội-lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng-hòa cho chúng tôi” (2 Cô-rinh-tô 5:18, 19). Loài người đã xa cách Đức Chúa Trời từ khi A-đam phạm tội. Nhưng Đức Giê-hô-va yêu thương đã chủ động mở đường cho loài người hòa thuận lại với Ngài qua sự hy sinh của Chúa Giê-su (Rô-ma 5:6-12).
10. Đức Giê-hô-va giao chức vụ giảng hòa cho ai, và họ đã làm gì để thực hiện điều đó?
10 Đức Giê-hô-va đã giao chức vụ giảng hòa cho những người được xức dầu, vì vậy Phao-lô có thể nói: “Vậy chúng tôi làm chức khâm-sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên-bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài-xin anh em: hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:20). Vào thời xưa, khâm sai thường được cử đi trong lúc thù nghịch để giảng hòa, nhằm ngăn chặn chiến tranh diễn ra (Lu-ca 14:31, 32). Vì thế gian loài người tội lỗi đã xa cách Đức Chúa Trời, Ngài cử những khâm sai được xức dầu đi báo cho người ta biết điều kiện để được hòa thuận lại với Ngài. Là những người thay mặt Đấng Christ, những người xức dầu kêu gọi: “Hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời”. Lời kêu gọi này khuyến khích người ta hòa thuận lại với Đức Chúa Trời và chấp nhận sự cứu rỗi Ngài ban qua Đấng Christ.
11. Qua đức tin nơi giá chuộc, cuối cùng ai được vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời?
11 Tất cả những người thực hành đức tin nơi giá chuộc có thể hòa thuận lại với Đức Chúa Trời (Giăng 3:36). Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng [Chúa Giê-su] vốn chẳng biết tội-lỗi trở nên tội-lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công-bình của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:21). Người hoàn toàn Giê-su là của-lễ chuộc tội để giải thoát con cháu của A-đam khỏi tội lỗi di truyền. Họ trở nên “sự công-bình của Đức Chúa Trời” nhờ Chúa Giê-su. Trước hết 144.000 người đồng kế tự với Đấng Christ được sự công bình này, tức là có vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, những con cái trên đất của Cha Đời Đời, Chúa Giê-su Christ, sẽ được vị thế công bình với tư cách là những người hoàn toàn. Ngài sẽ nâng họ lên vị thế công bình trong sự hoàn toàn để họ có thể chứng tỏ trung thành với Đức Chúa Trời và nhận được sự sống đời đời (Ê-sai 9:5; Khải-huyền 14:1; 20:4-6, 11-15).
“Thì thuận-tiện”
12. Những khâm sai và phái viên của Đức Giê-hô-va thực hiện chức vụ quan trọng nào?
12 Để được cứu rỗi, chúng ta phải làm phù hợp với lời của Phao-lô: “Ấy vậy, vì chúng tôi làm việc với Chúa [Đức Giê-hô-va], nên xin anh em chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không. Vì Ngài phán rằng: Ta đã nhậm lời ngươi trong thì thuận-tiện, ta đã phù-hộ ngươi trong ngày cứu-rỗi. Kìa, hiện nay là thì thuận-tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu-rỗi!” (2 Cô-rinh-tô 6:1, 2). Những người khâm sai được xức dầu của Đức Giê-hô-va và những phái viên của Ngài, tức là “chiên khác”, không chịu ơn Đức Chúa Trời luống không (Giăng 10:16). Bằng cách có hạnh kiểm ngay thẳng và làm thánh chức sốt sắng trong “thì thuận-tiện” này, họ tìm kiếm ân huệ của Đức Chúa Trời và báo cho dân cư trên đất biết rằng đây là “ngày cứu-rỗi”.
13. Ý chính của Ê-sai 49:8 là gì, và câu này được ứng nghiệm lần đầu tiên như thế nào?
13 Phao-lô trích lời Ê-sai 49:8 như sau: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta đã nhậm lời ngươi trong kỳ thuận-tiện, đã vùa-giúp ngươi trong ngày cứu-rỗi. Ta sẽ gìn-giữ ngươi, phó ngươi làm giao-ước của dân, đặng lập lại xứ nầy và chia đất hoang-vu làm sản-nghiệp cho”. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm lần đầu khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi sự lưu đày ở Ba-by-lôn và sau đó trở về xứ sở hoang vu của họ (Ê-sai 49:3, 9).
14. Ê-sai 49:8 đã ứng nghiệm trong trường hợp của Chúa Giê-su như thế nào?
14 Trong sự ứng nghiệm sau đó của lời tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va cho “tôi-tớ” Ngài, Chúa Giê-su làm “sự sáng cho các dân ngoại, hầu cho [người] làm sự cứu-rỗi của [Đức Chúa Trời] đến nơi đầu-cùng đất” (Ê-sai 49:6, 8; so sánh Ê-sai 42:1-4, 6, 7; Ma-thi-ơ 12:18-21). “Kỳ thuận-tiện” rõ ràng áp dụng cho Chúa Giê-su khi ngài ở trên đất. Ngài cầu nguyện, và Đức Chúa Trời “nhậm lời” ngài. Đó là “ngày cứu-rỗi” cho Chúa Giê-su bởi vì ngài giữ trọn lòng trung kiên và vì vậy “trở nên cội-rễ của sự cứu-rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài” (Hê-bơ-rơ 5:7, 9; Giăng 12:27, 28).
15. Kể từ khi nào những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đã cố gắng chứng tỏ xứng đáng nhận ơn của Đức Chúa Trời, và với mục tiêu nào?
15 Phao-lô áp dụng Ê-sai 49:8 cho những tín đồ Đấng Christ được xức dầu, nài xin họ “chớ chịu ơn Đức Chúa Trời luống không” bằng cách tìm kiếm thiện ý của Ngài trong “kỳ thuận-tiện” và “ngày cứu-rỗi” mà Ngài ban cho. Phao-lô thêm: “Kìa, hiện nay là thì thuận-tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu-rỗi!” (2 Cô-rinh-tô 6:2). Kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đã cố gắng chứng tỏ xứng đáng để nhận ơn của Đức Chúa Trời, hầu cho “kỳ thuận-tiện” là “ngày cứu-rỗi” cho họ.
“Chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời”
16. Phao-lô chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh khó khăn nào?
16 Một số người kết hợp với hội thánh ở Cô-rinh-tô đã không chứng tỏ xứng đáng để nhận ơn Đức Chúa Trời. Họ nói xấu Phao-lô vì muốn làm mất quyền sứ đồ của ông, mặc dù ông đã tránh “không gây cho ai vấp ngã”. Chắc chắn ông đã chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời bằng cách “hết sức kiên trì chịu hoạn nạn, bị thiếu thốn, khổ não, bị đánh đập, giam cầm, quấy rối, làm việc nhọc nhằn, thao thức mất ngủ, nhịn ăn nhịn uống” (2 Cô-rinh-tô 6:3-5, Bản Dịch Mới). Sau đó, Phao-lô lý luận rằng nếu những kẻ chống đối ông là tôi tớ Đức Chúa Trời, thì ông “còn hơn họ nữa” bởi vì ông phải chịu lao tù, đánh đập, nguy nan và thiếu thốn nhiều hơn (2 Cô-rinh-tô 11:23-27, Bản Dịch Mới).
17. a) Bằng cách biểu lộ những đức tính nào chúng ta có thể chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời? b) “Khí-giới công-bình” là gì?
17 Giống như Phao-lô và những bạn đồng hành của ông, chúng ta cũng có thể chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời. Bằng cách nào? “Bởi sự thanh-sạch” hoặc trong trắng, và bằng cách hành động phù hợp với sự hiểu biết chính xác về Kinh-thánh. Chúng ta có thể chứng tỏ bằng cách “khoan-nhẫn”, kiên nhẫn chịu đựng những điều quấy và sự khiêu khích, và “nhân-từ” khi chúng ta làm những điều ích lợi cho người khác. Hơn nữa, chúng ta có thể chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời bằng cách chấp nhận sự hướng dẫn của thánh linh Ngài, biểu lộ “lòng yêu-thương thật-tình”, nói thật, và tin cậy nơi quyền năng của Ngài giúp chúng ta làm thánh chức. Điều đáng chú ý là Phao-lô cũng chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời bằng cách “cầm những khí-giới công-bình ở tay hữu và tay tả”. Trong chiến tranh thời xưa, tay hữu thường cầm gươm trong khi tay tả cầm thuẫn. Nhưng trong trận chiến thiêng liêng chống lại những người dạy điều sai quấy, Phao-lô không dùng khí giới của xác thịt tội lỗi—sự xảo quyệt, bịp bợm, lừa dối (2 Cô-rinh-tô 6:6, 7; 11:12-14; Châm-ngôn 3:32). Ông dùng “khí-giới”, hoặc phương tiện công bình để phát huy sự thờ phượng thật. Chúng ta cũng nên làm vậy.
18. Nếu chúng ta là tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ ứng xử như thế nào?
18 Nếu là tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ ứng xử như Phao-lô và những người cùng làm việc với ông. Chúng ta sẽ hành động như tín đồ Đấng Christ dù được tôn trọng hay bị chê bai. Những báo cáo bất lợi về chúng ta sẽ không làm chúng ta ngừng công việc rao giảng và cũng không đâm ra kiêu ngạo nếu được báo cáo tốt. Chúng ta sẽ nói lẽ thật và sẽ được nhận biết qua công việc tin kính của mình. Khi bị nguy hiểm vì kẻ thù tấn công, chúng ta sẽ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Chúng ta sẽ chấp nhận sự rèn luyện với lòng biết ơn (2 Cô-rinh-tô 6:8, 9).
19. Làm sao chúng ta có thể “làm cho nhiều người được giàu-có” về thiêng liêng?
19 Kết thúc sự bàn luận về chức vụ giảng hòa, Phao-lô nói về ông và những người kết hợp với ông là “ngó như buồn-rầu, mà thường được vui-mừng; ngó như nghèo-ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu-có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!” (2 Cô-rinh-tô 6:10). Dù những tôi tớ Đức Chúa Trời có lý do để buồn rầu về sự đau khổ của mình, họ có sự vui mừng nội tâm. Họ nghèo về vật chất, nhưng họ “làm cho nhiều người được giàu-có” về thiêng liêng. Thật vậy, họ “có đủ mọi sự” bởi vì đức tin của họ đã làm cho họ giàu về thiêng liêng—ngay cả có triển vọng trở thành con trên trời của Đức Chúa Trời. Là tôi tớ Đấng Christ, họ được đời sống giàu có và hạnh phúc (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Giống như họ, chúng ta “làm cho nhiều người được giàu-có” bằng cách tham gia vào chức vụ giảng hòa ngay bây giờ—trong ngày cứu rỗi này!
Tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va
20. a) Ước muốn thiết tha của Phao-lô là gì, và tại sao thì giờ còn rất ít? b) Điều gì là dấu hiệu cho thấy hiện nay chúng ta đang sống trong ngày cứu rỗi?
20 Khi Phao-lô viết lá thư thứ hai cho người Cô-rinh-tô vào khoảng năm 55 CN, chỉ còn 15 năm trước khi hệ thống mọi sự của Do Thái chấm dứt. Sứ đồ thiết tha mong mỏi người Do Thái và người ngoại hòa thuận lại với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Đó là ngày cứu rỗi, và thì giờ còn lại rất ít. Cũng vậy, chúng ta ở trong thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự kể từ năm 1914. Công việc rao giảng về Nước Trời trên khắp đất đang được thực hiện ngày nay là dấu hiệu cho thấy đây là ngày cứu rỗi.
21. a) Câu Kinh-thánh nào được chọn cho năm 1999? b) Chúng ta nên làm gì trong ngày cứu rỗi hiện nay?
21 Mọi dân trên đất cần được nghe về việc Đức Chúa Trời cung cấp sự cứu rỗi qua Chúa Giê-su Christ. Không còn thì giờ để chậm trễ. Phao-lô viết: “Kìa, hiện nay là ngày cứu-rỗi!” Những lời này nơi 2 Cô-rinh-tô 6:2 sẽ là câu Kinh-thánh cho năm 1999 của Nhân-chứng Giê-hô-va. Vì chúng ta sẽ đương đầu với một sự hủy diệt kinh hãi hơn là của thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ, nên câu này thật thích hợp biết bao! Sự cuối cùng của toàn thể hệ thống mọi sự sắp đến, có liên hệ đến mọi người trên đất. Bây giờ—không phải ngày mai—là lúc để hành động. Nếu chúng ta tin sự cứu rỗi đến từ Đức Giê-hô-va, nếu chúng ta yêu thương Ngài, và nếu chúng ta quí trọng sự sống đời đời, chúng ta sẽ không nhận ơn của Đức Chúa Trời một cách luống không. Với lòng chân thành mong muốn tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ chứng tỏ bằng lời nói và hành động là chúng ta thật lòng tin khi rao báo: “Kìa, hiện nay là ngày cứu-rỗi!”
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao hòa thuận lại với Đức Chúa Trời là điều rất cần yếu?
◻ Những khâm sai và phái viên tham gia vào chức vụ giảng hòa là ai?
◻ Làm sao chúng ta có thể chứng tỏ mình là tôi tớ Đức Chúa Trời?
◻ Câu Kinh-thánh cho năm 1999 của Nhân-chứng Giê-hô-va có ý nghĩa gì cho bạn?
[Các hình nơi trang 17]
Như Phao-lô, bạn có sốt sắng rao giảng và giúp người khác hòa thuận lại với Đức Chúa Trời không?
Hoa Kỳ
Pháp
Côte d’Ivoire
[Hình nơi trang 18]
Trong ngày cứu rỗi này, bạn có ở trong đám đông được hòa thuận lại với Giê-hô-va Đức Chúa Trời không?