“Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là hiện thân của lòng rộng rãi. Quả thật, Kinh-thánh nói Ngài là Đấng ban cho “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” (Gia-cơ 1:17). Thí dụ, hãy xét những điều Đức Chúa Trời tạo ra. Ngài tạo ra thực phẩm ngon lành, chứ không vô vị; các loài hoa sặc sỡ, chứ không xám ngắt; những cảnh hoàng hôn ngoạn mục, chứ không lờ mờ. Vâng, mọi khía cạnh sáng tạo của Đức Giê-hô-va cho thấy bằng chứng về tình yêu thương và lòng rộng rãi của Ngài (Thi-thiên 19:1, 2; 139:14). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va ban cho một cách vui lòng. Ngài vui thích làm điều tốt cho các tôi tớ Ngài (Thi-thiên 84:11; 149:4).
Người Y-sơ-ra-ên được lệnh phải phản ánh lòng rộng rãi của Đức Chúa Trời trong việc đối xử với nhau. Môi-se nói với họ: “Chớ cứng lòng nắm tay lại trước mặt anh em nghèo của mình đó. Ngươi phải giúp cho người, chớ cho mà có lòng tiếc” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:7, 10). Vì việc cho xuất phát từ trong lòng, dân Y-sơ-ra-ên phải vui thích trong việc cho một cách rộng rãi.
Tín đồ Đấng Christ được khuyên tương tự. Quả vậy, Chúa Giê-su nói rằng “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Môn đồ của Chúa Giê-su làm gương về việc cho một cách vui lòng. Thí dụ, Kinh-thánh thuật lại rằng ở Giê-ru-sa-lem những ai trở thành tín đồ “bán hết gia-tài điền-sản mình mà phân-phát cho nhau, tùy sự cần-dùng của từng người” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:44, 45).
Nhưng những người Giu-đê rộng rãi này sau đó lại lâm vào cảnh nghèo khó. Kinh-thánh không nói rõ điều gì gây nên cảnh ngộ của họ. Một số học giả cho rằng nguyên do có thể là nạn đói nói đến nơi Công-vụ các Sứ-đồ 11:28, 29. Dù sao, tín đồ đấng Christ người Giu-đê ở trong tình thế cơ cực, và Phao-lô muốn chắc chắn rằng những nhu cầu của họ được chăm lo. Ông sẽ làm thế nào đây?
Quyên góp giúp những người túng thiếu
Phao-lô kêu gọi được sự giúp đỡ của các hội thánh xa xôi như Ma-xê-đoan, và ông sắp đặt sự quyên góp vì những tín đồ đấng Christ nghèo khó ở Giu-đê. Phao-lô viết cho người Cô-rinh-tô: “Anh em cũng hãy theo như tôi đã định-liệu cho các Hội-thánh xứ Ga-la-ti. Cứ ngày đầu tuần-lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt-lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình”a (1 Cô-rinh-tô 16:1, 2).
Phao-lô muốn các khoản tiền này được nhanh chóng gửi đến các anh em ở Giê-ru-sa-lem, nhưng những người Cô-rinh-tô hưởng ứng chậm chạp sự chỉ dẫn của ông. Tại sao? Họ không quan tâm đến hoàn cảnh khốn khó của anh em họ ở Giu-đê chăng? Không, vì Phao-lô biết rằng người Cô-rinh-tô “đều trổi hơn về mọi việc, tức là về đức-tin, về lời-giảng, về sự vâng-lời, về mọi sự sốt-sắng” (2 Cô-rinh-tô 8:7). Rất có thể, họ rất bận rộn lo những vấn đề trọng yếu khác mà Phao-lô đã nói đến trong lá thư đầu. Nhưng giờ đây ở Giê-ru-sa-lem thì tình hình khẩn cấp. Vì vậy Phao-lô nói về vấn đề này trong lá thư thứ hai gửi người Cô-rinh-tô.
Khêu gợi lòng rộng rãi
Đầu tiên, Phao-lô nói cho người Cô-rinh-tô biết về người Ma-xê-đoan, họ là gương mẫu trong việc hưởng ứng công việc cứu trợ. Phao-lô viết: “Đang khi họ chịu nhiều hoạn-nạn thử-thách, thì lòng quá vui-mừng, và cơn rất nghèo-khó của họ đã rải rộng ra sự dư-dật của lòng rộng-rãi mình”. Người Ma-xê-đoan không cần ai thúc giục. Trái lại, Phao-lô nói rằng “họ đã tự ý... nài xin chúng tôi làm ơn cho họ có phần vào sự giùm-giúp”. Lòng rộng rãi hớn hở của người Ma-xê-đoan lại càng đáng phục hơn khi chúng ta xét việc chính họ cũng ở trong “cơn rất nghèo-khó” (2 Cô-rinh-tô 8:2-4).
Khi khen ngợi người Ma-xê-đoan, có phải Phao-lô đang cố khơi dậy tinh thần ganh đua ở người Cô-rinh-tô không? Chắc chắn không, vì ông biết rằng đó không phải là cách thức đúng đắn để thúc đẩy (Ga-la-ti 6:4). Hơn nữa, ông biết rằng không cần phải làm người Cô-rinh-tô xấu hổ để họ phải làm điều đúng. Đúng hơn, ông tin tưởng rằng người Cô-rinh-tô thật sự yêu thương anh em người Giu-đê của họ và muốn đóng góp vào nỗ lực cứu trợ. Ông nói với họ: “Từ năm trước, anh em... chẳng những ra tay làm việc nầy, lại vui lòng mà làm nữa” (2 Cô-rinh-tô 8:10). Quả thật, về một số khía cạnh của nỗ lực cứu trợ, chính người Cô-rinh-tô cũng gương mẫu. Phao-lô nói thêm với họ: “Vì tôi biết anh em sẵn lòng, và tôi khoe mình về anh em với người Ma-xê-đoan...; lòng sốt-sắng của anh em lại đã giục lòng nhiều người khác [đa số người trong bọn họ, NW]” (2 Cô-rinh-tô 9:2). Tuy nhiên, giờ đây thì người Cô-rinh-tô cần biến sự sẵn lòng và lòng sốt sắng thành hành động.
Vì thế, Phao-lô nói với họ: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng” (2 Cô-rinh-tô 9:7). Thế thì mục tiêu của Phao-lô không phải là ép buộc người Cô-rinh-tô, bởi lẽ một người không thể cho một cách vui lòng khi bị ép buộc. Hiển nhiên, Phao-lô giả định là họ đã có động lực đúng rồi, rằng mỗi người đã định là họ sẽ cho. Ngoài ra, Phao-lô nói với họ: “Nếu đã sẵn lòng làm, cứ vui lòng theo cái mình hiện có, chứ đừng theo điều nào mình chưa có” (2 Cô-rinh-tô 8:12, Trần Đức Huân). Vâng, sẵn lòng làm—khi một người được tình yêu thương thúc đẩy—thì những gì người ấy dâng hiến sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận, dù có vẻ ít ỏi đến đâu đi nữa. (So sánh Lu-ca 21:1-4).
Những người vui mừng cho ngày nay
Nỗ lực nhằm cứu trợ tín đồ đấng Christ xứ Giu-đê cho chúng ta một gương tuyệt hảo ngày nay. Nhân-chứng Giê-hô-va đã đảm nhận công việc rao giảng trên thế giới, cung cấp sự dinh dưỡng cho hàng triệu người đang đói khát về thiêng liêng (Ê-sai 65:13, 14). Họ làm điều này để vâng lệnh Chúa Giê-su là “hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
Hoàn thành sứ mệnh này không phải là dễ. Nó bao gồm việc duy trì các nhà giáo sĩ và hơn một trăm trụ sở chi nhánh trên thế giới. Cũng cần phải xây cất các Phòng Nước Trời và Phòng Hội Nghị để những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có chỗ thích hợp để họp và khuyến khích lẫn nhau (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Thỉnh thoảng, Nhân-chứng Giê-hô-va cũng cứu trợ trong những khu vực bị thiên tai tàn phá.
Cũng hãy nghĩ đến chi phí ấn loát to tát. Bình quân mỗi tuần có hơn 22.000.000 cuốn Tháp Canh hay khoảng 20.000.000 cuốn Awake! được ấn hành. Ngoài việc cung cấp đều đặn đồ ăn thiêng liêng, mỗi năm Hội còn sản xuất hàng triệu sách, sách mỏng, băng cassette, và băng video.
Tất cả công việc này được tài trợ bằng cách nào? Bằng sự đóng góp tình nguyện. Những đóng góp này không nhằm được người khác biết hoặc vì mục tiêu vị kỷ, nhưng để phát huy sự thờ phượng thật. Vì vậy, người cho như thế có được sự vui mừng, cùng với ân phước của Đức Chúa Trời (Ma-la-chi 3:10; Ma-thi-ơ 6:1-4). Ngay cả trẻ em trong Nhân-chứng Giê-hô-va cũng tỏ ra là những người cho một cách rộng rãi và vui mừng. Thí dụ, sau khi nghe nói về sự tàn phá do một trận bão lốc ở một vùng nọ của nước Mỹ, một em gái bốn tuổi là Allison đóng góp 2 đô la. Em viết: “Đây là tất cả số tiền bỏ ống của em. Em biết những trẻ em ở đó mất hết đồ chơi, sách và búp bê. Có lẽ các anh có thể dùng tiền này mua sách cho một em gái nhỏ trạc tuổi em”. Em trai Maclean, tám tuổi, viết rằng em vui mừng vì không anh em nào chết trong trận bão. Em viết thêm: “Em kiếm được 17 đô la nhờ bán những nắp đậy trục bánh xe với cha. Em định dùng tiền mua món đồ gì đó, nhưng rồi em nghĩ đến các anh em”.—Xin cũng đọc khung bên trên.
Thật vậy, lòng Đức Chúa Trời vui mừng khi thấy cả già lẫn trẻ đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu bằng cách ‘lấy tài-vật... mà tôn vinh Ngài’ (Châm-ngôn 3:9, 10). Dĩ nhiên, không ai có thể thật sự làm Đức Giê-hô-va giàu có hơn, bởi lẽ Ngài làm chủ mọi vật (1 Sử-ký 29:14-17). Nhưng ủng hộ công việc này là một đặc ân; đặc ân ấy cho người thờ phượng cơ hội thể hiện tình yêu thương của họ đối với Đức Giê-hô-va. Chúng tôi cảm ơn mọi người vì lòng họ đã thôi thúc họ như thế.
[Chú thích]
a Dù rằng Phao-lô “định-liệu”, điều này không có nghĩa là ông đưa ra những đòi hỏi bắt buộc, theo ý ông. Trái lại, Phao-lô chỉ trông coi việc quyên góp liên quan đến nhiều hội thánh. Ngoài ra, Phao-lô nói mỗi người “để dành tại nhà mình” và cho “tùy sức mình”. Nói cách khác, mỗi người đóng góp kín và một cách tình nguyện. Không ai bị ép buộc.
[Khung nơi trang 26, 27]
Những cách mà một số người chọn để đóng góp Cho Công Việc Trên Khắp Thế Giới
Nhiều người để riêng, hoặc dành ra một số tiền, để bỏ vào hộp có ghi: “Đóng góp cho công việc rao giảng của Hội trên khắp thế giới—Ma-thi-ơ 24:14”. Mỗi tháng các hội thánh gửi những món tiền này đến trụ sở trung ương ở Brooklyn, Nữu Ước hoặc đến văn phòng chi nhánh địa phương.
Những món tiền tặng Hội Tháp Canh một cách tình nguyện có thể gửi thẳng đến Treasurer’s Office, Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201-2483, hay đến chi nhánh của Hội tại xứ của bạn. Cũng có thể gửi tặng cho Hội những đồ nữ trang hay những vật quí giá khác. Nên kèm theo một thư vắn tắt nói rõ đây là một tặng phẩm cho luôn.
Tặng có điều kiện
Có thể ký thác tiền cho Hội Tháp Canh giữ với sự thỏa thuận đặc biệt, theo đó nếu người cho cần đến, thì tiền sẽ được hoàn lại. Muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng viết thư cho Treasurer’s Office tại địa chỉ trên.
Tặng có dự tính
Ngoài việc biếu luôn tiền mặt và tặng có điều kiện, có những phương pháp tặng khác để hỗ trợ công việc Nước Trời khắp thế giới. Các cách này bao gồm:
Bảo hiểm: Có thể ký giấy cho Hội Tháp Canh đứng tên thừa kế tiền bảo hiểm nhân mạng hoặc tiền của quỹ hưu trí.
Trương mục ngân hàng: Có thể ký thác trương mục ngân hàng, chứng chỉ gởi tiền trong ngân hàng, hoặc trương mục hưu trí cá nhân cho Hội Tháp Canh, hoặc sắp đặt để ngân hàng trả cho Hội Tháp Canh trong trường hợp người tặng chết, sao cho phù hợp với những thể lệ của ngân hàng địa phương.
Chứng khoán và trái phiếu: Chứng khoán và trái phiếu cũng có thể biếu Hội Tháp Canh làm một tặng phẩm cho luôn, hoặc với sự thỏa thuận là người tặng tiếp tục nhận được lợi tức.
Bất động sản: Bất động sản bán được có thể biếu Hội Tháp Canh bằng cách tặng luôn, hoặc biếu với điều kiện người tặng có thể tiếp tục ở đấy trong lúc còn sống. Nên liên lạc với Hội Tháp Canh trước khi làm giấy tờ tặng bất động sản nào cho Hội.
Di chúc và tờ ủy thác: Tài sản hay ngân khoản có thể để lại cho Hội Tháp Canh bằng cách làm một di chúc hợp pháp, hoặc chỉ định Hội Tháp Canh làm cơ quan thừa kế trong hợp đồng ủy thác. Tờ ủy thác nhằm giúp ích cho một tổ chức tôn giáo có thể có lợi khi khai thuế.
Như hàm ẩn trong nhóm từ “tặng có dự tính”, các sự đóng góp này nói chung đòi hỏi phần nào sự dự tính ở người tặng. Để giúp những ai muốn đóng góp cho Hội dưới hình thức nào đó của việc tặng có dự tính, Hội đã soạn ra một sách mỏng bằng tiếng Anh, mang tựa đề Planned Giving to Benefit Kingdom Service Worldwide. Sách mỏng này viết ra để giải đáp nhiều thắc mắc Hội đã nhận được liên quan đến tặng vật, di chúc, và tờ ủy thác. Sách này có thêm những tin tức có ích về bất động sản, tài chính, thuế vụ. Sách này được viết ra cho những người sống ở Hoa Kỳ đang dự định biếu Hội một tặng vật đặc biệt bây giờ, hay muốn để lại di sản sau khi chết; sách giúp họ chọn phương pháp hiệu quả và có lợi nhất cho hoàn cảnh cá nhân và gia đình.
Sau khi đọc sách mỏng và tham khảo với Planned Giving Desk, nhiều người đã có thể giúp Hội và đồng thời được lợi tối đa về thuế vụ nhờ làm thế. Nên báo và gửi cho Planned Giving Desk một bản sao của bất cứ văn kiện nào liên quan đến bất cứ sắp đặt nào trên đây. Ai muốn có sách mỏng này hoặc muốn biết về bất cứ sắp đặt nào về việc tặng có dự tính, thì nên gọi điện thoại cho Planned Giving Desk, hoặc viết thư về địa chỉ dưới đây hay về văn phòng của Hội tại xứ bạn.
Planned Giving Desk
Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania
100 Watchtower Drive, Patterson, New York 12563-9204
Điện thoại: (914) 878-7000
[Khung nơi trang 28]
Trẻ em cũng là những người vui lòng dâng hiến!
Em muốn tặng các anh số tiền này để in thêm sách cho chúng em. Em đã dành dụm được số tiền này nhờ giúp cha em. Cảm ơn các anh rất nhiều về tất cả công lao khó nhọc của các anh.—Pamela, bảy tuổi.
Em gửi các anh 6,85 đô la để giúp xây thêm Phòng Nước Trời. Em kiếm được số tiền này vào mùa hè khi em dựng quầy bán nước đá chanh.—Selena, sáu tuổi.
Em nuôi một con gà mái, nó đẻ ra một con trống và một con mái khác. Em dâng cho Đức Giê-hô-va con chót. Cuối cùng nó đẻ ra ba con gà mái, em bán đi ba con này. Em kèm món tiền này để dùng trong công việc của Đức Giê-hô-va.—Thierry, tám tuổi.
Đây là tất cả số tiền em có! Xin các anh vui lòng dùng một cách khôn ngoan. Để dành khó lắm. Đây là 21 đô la.—Sarah, mười tuổi.
Em thắng giải nhất trong bài làm ở trường, vì thế em phải đi tranh tài ở quận. Em cũng đoạt giải nhất ở đó nữa, rồi em đoạt giải nhì trong vòng chung kết ở khu. Trong tất cả các giải này, em được thưởng tiền mặt. Em muốn san sẻ một ít tiền này với Hội. Em nghĩ rằng em đã có thể thắng các giải này vì em được huấn luyện trong Trường Thánh Chức Thần Quyền. Em cảm thấy tự tin khi cho bài tường trình trước ban giám khảo.—Amber, học lớp sáu.
Em muốn đưa các anh tiền này để cho Đức Giê-hô-va. Hãy hỏi Ngài muốn các anh làm gì với số tiền này. Cái gì Ngài cũng biết hết.—Karen, sáu tuổi.
[Hình nơi trang 25]
Các hoạt động của Nhân-chứng Giê-hô-va được tài trợ bằng sự đóng góp tình nguyện