Đức Giê-hô-va yêu những người ban cho cách vui lòng
“Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của [ban cho] cách vui lòng” (II CÔ-RINH-TÔ 9:7).
1. Đức Chúa Trời và đấng Christ là hai Đấng ban cho cách vui lòng như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng đầu tiên ban cho cách vui lòng. Ngài vui mừng ban sự sống cho Con một của Ngài và dùng Con một này để tạo ra các thiên sứ và nhân loại (Châm-ngôn 8:30, 31; Cô-lô-se 1:13-17). Đức Chúa Trời ban sự sống, hơi thở và muôn vật cho chúng ta, kể cả mưa từ trời xuống và mùa màng nhiều hoa quả làm cho lòng chúng ta tràn đầy sự vui mừng (Công-vụ các Sứ-đồ 14:17; 17:25). Thật thế, cả Đức Chúa Trời và Con Ngài là Giê-su Christ đều là những Đấng ban cho cách vui lòng với tinh thần bất vị kỷ. Đức Giê-hô-va yêu thương thế gian loài người đến nỗi “đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. Còn Giê-su thì không ngần ngại “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Giăng 3:16; Ma-thi-ơ 20:28).
2. Theo Phao-lô thì Đức Chúa Trời yêu mẫu người ban cho nào?
2 Do đó, các tôi tớ của Đức Chúa Trời và đấng Christ nên là những người ban cho cách vui lòng. Vào khoảng năm 55 công nguyên sứ đồ Phao-lô khuyên nên ban cho như thế trong lá thư thứ hai ông gửi đến tín đồ thành Cô-rinh-tô. Dường như Phao-lô muốn nói về việc cá nhân tình nguyện tặng tiền cho các tín đồ túng thiếu tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đê khi ông nói: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của [ban cho] cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7; Rô-ma 15:26; I Cô-rinh-tô 16:1, 2; Ga-la-ti 2:10). Dân sự của Đức Chúa Trời hưởng ứng thế nào khi có cơ hội ban cho? Và chúng ta có thể học gì nơi lời khuyên của Phao-lô về sự ban cho?
Được thúc đẩy bởi sự sẵn lòng ban cho
3. Những người Y-sơ-ra-ên ủng hộ đến độ nào công việc xây cất lều tạm để thờ phượng Đức Giê-hô-va?
3 Sự sẵn lòng ban cho thúc đẩy dân của Đức Chúa Trời dùng chính bản thân và của cải họ nhằm ủng hộ ý định của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, những người Y-sơ-ra-ên thời Môi-se vui mừng ủng hộ việc dựng lều tạm để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Lòng thành của một số người đàn bà thúc đẩy họ lấy lông dê để xe chỉ, trong khi đó một số người đàn ông dùng tài thủ công nghệ của mình để giúp việc. Dân sự vui lòng dâng vàng, bạc, gỗ, vải gai, và những vật khác để tình nguyện “quyên vào các công-việc Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:4-35). Họ rộng lượng tặng vật liệu nhiều đến nỗi “đã đủ các vật-liệu đặng làm hết thảy công-việc, cho đến đỗi còn dư lại nữa” (Xuất Ê-díp-tô Ký 36:4-7).
4. Đa-vít và những người khác đóng góp cho lều tạm với thái độ nào?
4 Nhiều thế kỷ sau đó, Vua Đa-vít tặng rất nhiều vật liệu dành cho việc xây cất đền thờ của Đức Giê-hô-va do con ông là Sa-lô-môn đảm trách. Bởi vì Đa-vít “yêu-mến đền của Đức Chúa Trời”, ông tặng các đồ bằng vàng và bằng bạc “thuộc riêng về” ông. Các quan trưởng, các quan cai và những người khác “tự tay mang đầy lễ vật dâng cho Đức Giê-hô-va”. Kết quả là gì? Kết quả là “dân sự vui mừng vì đã hết lòng dâng cho Đức Giê-hô-va lễ vật tình nguyện”! (I Sử-ký 29:3-9, NW). Họ là những người ban cho cách vui lòng.
5. Trải qua các thế kỷ những người Y-sơ-ra-ên ủng hộ sự thờ phượng thật như thế nào?
5 Trải qua các thế kỷ, người Y-sơ-ra-ên có đặc ân ủng hộ lều tạm, các đền thờ về sau, và các công việc của thầy tế lễ và người Lê-vi ở tại đó. Thí dụ, vào thời Nê-hê-mi người Do-thái quyết tâm đóng góp để giữ gìn sự thờ phượng thanh sạch, ý thức rằng họ không được phép bỏ bê nhà của Đức Chúa Trời (Nê-hê-mi 10:32-39). Ngày nay cũng thế, Nhân-chứng Giê-hô-va vui lòng đóng góp tình nguyện để xây cất và bảo trì những nơi nhóm họp và để ủng hộ sự thờ phượng thật.
6. Xin kể vài thí dụ về việc tín đồ đấng Christ ban cho cách vui lòng.
6 Các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất là những người ban cho cách vui lòng. Chẳng hạn, Gai-út “ăn-ở trung-tín” trong việc tỏ lòng hiếu khách đối với những người đi đây đi đó để chăm lo cho công việc Nước Trời, giống như các Nhân-chứng Giê-hô-va tỏ lòng hiếu khách đối với các giám thị lưu động thời nay được Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society) phái đi (III Giăng 5-8). Cũng cần tốn kém để phái các anh này đến thăm hội-thánh và tiếp đãi họ, nhưng điều này đem lại lợi ích lớn biết bao về phương diện thiêng liêng! (Rô-ma 1:11, 12).
7. Tín đồ ở thành Phi-líp dùng của cải họ như thế nào?
7 Toàn thể các hội-thánh dùng của cải vật chất để đẩy mạnh công việc Nước Trời. Chẳng hạn, Phao-lô nói với những người tin đạo tại Phi-líp: “Tại Tê-sa-lô-ni-ca, anh em đã một hai lần gởi đồ cung-cấp về sự cần-dùng cho tôi vậy. Ấy không phải tôi cầu lễ-vật, nhưng cầu sự kết-quả nhiều bởi lễ-vật đến cho anh em” (Phi-líp 4:15-17). Tín đồ thành Phi-líp ban cho cách vui lòng, nhưng động lực nào thúc đẩy họ ban cho cách vui lòng như vậy?
Điều gì thúc đẩy việc ban cho cách vui lòng?
8. Làm sao bạn có thể chứng minh rằng thánh linh của Đức Chúa Trời thúc đẩy dân sự Ngài ban cho cách vui lòng?
8 Thánh linh hoặc sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va thúc đẩy dân sự Ngài ban cho cách vui lòng. Khi các tín đồ đấng Christ tại miền Giu-đê cần sự giúp đỡ, thánh linh Đức Chúa Trời thúc đẩy các anh chị em cùng đạo giúp đỡ họ về vật chất. Để khuyến khích tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô làm hết sức mình trong việc quyên góp như thế, Phao-lô dùng gương của hội-thánh Ma-xê-đoan. Dù tín đồ ở Ma-xê-đoan đang chịu nhiều hoạn nạn và nghèo khổ, họ bày tỏ tình yêu thương anh em bằng cách ban cho quá khả năng thật sự của họ. Họ còn nài nỉ để có được đặc ân ban cho! (II Cô-rinh-tô 8:1-5). Công việc của Đức Chúa Trời không chỉ lệ thuộc vào quà tặng của những người khá giả (Gia-cơ 2:5). Các tôi tớ sốt sắng của Ngài thường nghèo về vật chất, nhưng là những người tài trợ chính cho công việc rao giảng về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14). Tuy nhiên, họ không bị thiếu hụt, khổ sở bởi lòng rộng lượng của họ vì Đức Chúa Trời chắc chắn cung cấp cho nhu cầu của dân Ngài trong công việc này và thánh linh của Ngài giúp cho công việc tiến hành và gia tăng.
9. Đức tin, sự hiểu biết và tình yêu thương liên hệ thế nào đến việc ban cho cách vui lòng?
9 Đức tin, sự hiểu biết và tình yêu thương thúc đẩy sự ban cho cách vui lòng. Phao-lô nói: “Vậy thì, như anh em [ở Cô-rinh-tô] đều trổi hơn về mọi việc, tức là về đức-tin, về lời-giảng, về sự vâng-lời, về mọi sự sốt-sắng, về tình yêu chúng tôi, thì cũng hãy chủ-ý làm cho trổi hơn về việc nhơn-đức nầy. Tôi nói điều đó chẳng phải truyền-dạy anh em; nhưng bởi kẻ khác làm gương sốt-sắng, thì tôi cũng muốn thử xem sự thành-thục của lòng yêu-thương anh em là thể nào” (II Cô-rinh-tô 8:7, 8). Đóng góp cho công việc của Đức Giê-hô-va, đặc biệt khi người ban cho có ít của cải, đòi hỏi họ phải có đức tin nơi sự cung cấp tương lai của Đức Chúa Trời. Tín đồ đấng Christ tràn đầy sự hiểu biết muốn phục vụ ý định của Đức Giê-hô-va và những người tràn trề sự yêu thương đối với Ngài và đối với dân sự của Ngài vui lòng dùng của cải họ để đẩy mạnh công việc của Ngài.
10. Tại sao người ta có thể nói rằng gương của Giê-su thúc đẩy tín đồ đấng Christ ban cho cách vui lòng?
10 Gương mẫu của Giê-su thúc đẩy tín đồ đấng Christ ban cho cách vui lòng. Sau khi khuyến khích người Cô-rinh-tô lấy lòng yêu thương mà ban cho, Phao-lô nói: “Anh em biết ơn của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu” (II Cô-rinh-tô 8:9). Ở trên trời, Giê-su giàu hơn bất cứ con nào khác của Đức Chúa Trời, nhưng ngài lại bỏ hết tất cả những điều ngài có và mặc lấy hình người (Phi-líp 2:5-8). Tuy nhiên, nhờ trở nên nghèo theo cách bất vị kỷ này mà Giê-su góp phần vào việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va và phó sự sống của ngài để làm giá chuộc hy sinh cho những ai chấp nhận giá chuộc. Để được phù hợp với gương của Giê-su, có lẽ nào chúng ta lại không ban cho cách vui lòng để giúp người khác và góp phần vào việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va hay sao?
11, 12. Dự tính tốt có thể giúp chúng ta thế nào để chúng ta trở nên người ban cho cách vui lòng?
11 Dự tính khéo léo có thể giúp ban cho cách vui lòng. Phao-lô nói với người Cô-rinh-tô: “Cứ ngày đầu tuần-lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt-lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp” (I Cô-rinh-tô 16:1, 2). Tương tợ như thế, những ai ngày nay muốn tình nguyện đóng góp riêng với tư cách cá nhân để đẩy mạnh công việc Nước Trời, tốt nhất là để họ riêng ra một phần tiền lương của mình cho việc đóng góp. Kết quả của sự sắp đặt tốt đẹp như thế là từng cá nhân Nhân-chứng, các gia đình và hội-thánh có thể đóng góp nhằm phát huy sự thờ phượng thật.
12 Thực hiện dự tính đóng góp đem lại niềm vui cho chúng ta. Như Giê-su nói, “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Bởi thế các tín đồ ở thành Cô-rinh-tô có thể gia tăng niềm vui của họ bằng cách làm theo lời khuyên của Phao-lô và thực hiện kế hoạch mà họ đã vạch ra năm trước là sẽ gửi tiền về Giê-ru-sa-lem. Ông nói: “Vì nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có”. Khi một người đóng góp tùy theo điều mình có, người khác nên quí trọng sự đóng góp đó. Nếu tin tưởng nơi Đức Chúa Trời, Ngài có thể làm cho mọi sự được quân bình, để cho những người có nhiều của cải được rộng lượng nhưng không phung phí, và những người có ít của cải không bị thiếu thốn đến nỗi phải hao mòn sức lực và thiếu khả năng phụng sự Ngài (II Cô-rinh-tô 8:10-15).
Khôn khéo dùng tiền của được ban cho
13. Tại sao tín đồ ở thành Cô-rinh-tô có thể tin cậy việc Phao-lô giám sát những sự quyên góp?
13 Dù Phao-lô giám sát sự sắp đặt quyên góp hầu cho các anh em túng thiếu được giúp đỡ về vật chất và rao giảng đắc lực hơn nữa, chính ông cũng như ai khác không lấy tiền trong ngân quỹ đó ra để chi tiêu riêng (II Cô-rinh-tô 8:16-24; 12:17, 18). Phao-lô làm lụng để tự nuôi thân thay vì bắt bất cứ hội-thánh nào phải đài thọ tài chánh cho ông (I Cô-rinh-tô 4:12; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:8). Do đó, khi giao tiền đóng góp cho ông mang đi, tức là các tín đồ thành Cô-rinh-tô đã giao tiền cho một tôi tớ đáng tín nhiệm và là người đắc lực phụng sự Đức Chúa Trời.
14. Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) có thành tích nào về việc sử dụng quỹ quyên góp?
14 Từ lúc Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society) được thành lập năm 1884, những người đóng góp có bằng chứng để tin rằng hội này là một đoàn thể đáng tín nhiệm đứng ra giám sát tất cả sự đóng góp của họ dành cho công việc Nước Trời của Đức Giê-hô-va. Theo hiến chương của Hội thì Hội cố gắng hết sức đáp ứng nhu cầu thiêng liêng lớn nhất của tất cả mọi người. Hội làm như thế bằng cách phân phát sách báo giải thích Kinh-thánh và dạy dỗ cho người ta biết cách được cứu rỗi. Ngày nay, Đức Giê-hô-va đang gấp rút gom góp những người giống như chiên để đưa họ vào trong tổ chức đang bành trướng của Ngài và ân phước mà Ngài giáng xuống cho việc khôn khéo sử dụng quỹ đóng góp trong công việc rao giảng về Nước Trời là bằng chứng Đức Chúa Trời chấp nhận việc họ làm (Ê-sai 60:8, 22). Chúng ta tin chắc rằng Ngài sẽ tiếp tục làm động lòng người ta để họ ban cho cách vui lòng.
15. Tại sao thỉnh thoảng tạp chí Tháp Canh đề cập đến sự đóng góp?
15 Thỉnh thoảng Hội ngỏ lời đăng trong tạp chí Tháp Canh nhắc nhở độc giả về đặc ân đóng góp tình nguyện cho công việc rao giảng về Nước Trời trên khắp thế giới. Đây không phải là lời kêu gọi để quyên tiền, nhưng là một lời nhắc nhở cho tất cả những ai sẵn lòng ủng hộ “công việc thánh của tin mừng” đang lúc Đức Chúa Trời làm cho họ được thịnh vượng (Rô-ma 15:16, NW; III Giăng 2). Hội dùng tiền đóng góp hết sức tiết kiệm để công bố danh Đức Giê-hô-va và Nước Trời. Hội biết ơn và viết thư cho tất cả những người gửi tiền để thông báo là đã nhận được tiền đóng góp và dùng sự đóng góp đó để phổ biến tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Thí dụ, nhờ có sự đóng góp này mà các giáo sĩ có thể hoạt động tại nhiều nước và các cơ sở ấn loát được duy trì và nới rộng thêm nhằm mục đích quan trọng là phổ biến sự hiểu biết về Kinh-thánh. Hơn nữa, số tiền đóng góp cho công việc rao giảng ở khắp nơi trên thế giới được dùng để đài thọ các chi phí ngày càng gia tăng trong việc sản xuất Kinh-thánh và sách báo dựa trên Kinh-thánh cũng như các băng cassette và vi-đê-ô. Bằng những cách ấy, những người ban cho cách vui lòng làm công việc Nước Trời được tiến tới.
Không bị ép buộc
16. Dù ít Nhân-chứng Giê-hô-va giàu có về vật chất, tại sao những sự đóng góp của họ đáng được quí trọng?
16 Ít Nhân-chứng Giê-hô-va giàu có về vật chất. Dẫu cho họ đóng góp một món tiền nhỏ để đẩy mạnh công việc Nước Trời, sự đóng góp của họ dù sao đi nữa cũng rất quan trọng. Khi Giê-su thấy một góa phụ nghèo bỏ hai đồng tiền nhỏ không có giá trị nhiều vào trong một hộp đóng góp trong đền thờ, ngài nói: “Mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. Vì mọi người [đóng góp] kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu-thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình” (Lu-ca 21:1-4). Dù bà cho ít tiền, bà là người ban cho cách vui lòng—và sự đóng góp của bà là đáng quí.
17, 18. Ý chính của những lời Phao-lô nói nơi II Cô-rinh-tô 9:7 có nghĩa gì, và chữ Hy Lạp dịch ra là “vui lòng” chỉ về điều gì?
17 Đối với công việc cứu trợ các tín đồ đấng Christ gốc Giu-đê, Phao-lô nói: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:7). Sứ đồ Phao-lô có lẽ ám chỉ đến một phần của câu Châm-ngôn 22:8 trong bản dịch Septuagint. Câu này nói: “Đức Chúa Trời ban phước cho người vui lòng ban cho; và Ngài sẽ cung cấp cho sự thiếu hụt việc làm của người” (The Septuagint Bible, do Charles Thomson dịch ra Anh ngữ). Phao-lô thế chữ “ban phước” bằng chữ “yêu”, nhưng giữa hai chữ này có sự liên hệ, bởi vì việc gặt hái những ân phước đến từ sự yêu thương của Đức Chúa Trời.
18 Người ban cho cách vui lòng thì thật sự vui sướng trong sự ban cho. Vì chữ có nghĩa là “vui nhộn” đến từ chữ Hy Lạp dịch là “vui lòng” nơi II Cô-rinh-tô 9:7! Sau khi nêu điều này ra, học giả R. C. H. Lenski nói: “Đức Chúa Trời yêu người ban cho một cách vô tư, vui vẻ, vui mừng...người đó nhờ đức tin nên luôn luôn vui vẻ ban cho khi có một cơ hội”. Một người có tinh thần vui vẻ như thế không phàn nàn hoặc bị ép buộc nhưng cảm thấy vui lòng ban cho. Bạn có ban cho cách vui lòng như thế để ủng hộ công việc Nước Trời không?
19. Tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đóng góp như thế nào?
19 Các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất không chuyền dĩa (đĩa) xin tiền hoặc thực hành thói quen đóng một phần mười lợi tức của họ cho tôn giáo. Thay vì thế, họ đóng góp trên tiêu chuẩn hoàn toàn tự nguyện. Tertullian là người gia nhập đạo vào khoảng năm 190 công nguyên có viết: “Dù chúng tôi có rương đựng tiền, nhưng rương này không chứa đựng tiền để mua bán sự cứu rỗi, làm như là tôn giáo có một giá biểu vậy. Cứ vào ngày nào đó trong tháng [dường như mỗi tháng một lần], nếu ai muốn thì người đó bỏ vào trong rương một món tiền đóng góp nho nhỏ, nhưng chỉ khi nào người đó thấy vui lòng và có khả năng; bởi vì không có sự ép buộc nào cả; thảy đều tự nguyện” (Apology, Chương XXXIX).
20, 21. a) Một bài báo Tháp Canh ra hồi xưa nói gì về đặc ân ủng hộ tài chánh cho công việc của Đức Chúa Trời, và nguyên tắc này vẫn còn áp dụng thế nào? b) Điều gì xảy ra khi chúng ta đem tài vật quí báu của mình ra để tôn vinh Đức Giê-hô-va?
20 Tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời nay luôn luôn có thói quen đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên, đôi khi một số người không tận dụng đặc ân ủng hộ công việc của Đức Chúa Trời qua sự đóng góp. Chẳng hạn, vào tháng 2 năm 1883, tạp chí Tháp Canh nói: “Một số người cáng đáng gánh nặng tài chánh quá nhiều vì những người khác, đến nỗi nguồn lực tài chánh của họ bị kiệt quệ và cạn dần, vì thế mà họ không còn giúp được nữa; không chỉ có thế, những người... không hiểu rõ tình thế, thiếu sót trong việc đóng góp một cách rộng lượng là những người bị mất mát”.
21 Vì đám đông ngày nay đổ xô vào tổ chức của Đức Giê-hô-va, và vì công việc của Đức Chúa Trời bành trướng tại Đông Âu và những nơi khác trước kia bị cấm chỉ, cho nên việc nới rộng nhu cầu các cơ sở ấn loát và cơ sở khác càng ngày càng trở nên cần thiết. Nhiều Kinh-thánh và sách báo khác cần phải in thêm. Nhiều đồ án thần quyền đang được tiến hành. Tuy nhiên, một số đồ án có thể tiến hành nhanh hơn nếu có ngân quỹ đầy đủ. Dĩ nhiên, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời sẽ cung cấp những gì cần thiết và chúng ta biết rằng những người “lấy tài-vật và huê-lợi đầu mùa của [họ], mà tôn vinh Đức Giê-hô-va” sẽ được ban phước (Châm-ngôn 3:9, 10). Thật thế, “ai gieo nhiều thì gặt nhiều”. Đức Giê-hô-va sẽ làm cho chúng ta “được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố-thí” và việc chúng ta vui lòng ban cho sẽ khiến nhiều người tạ ơn và ca tụng Ngài (II Cô-rinh-tô 9:6-14).
Hãy bày tỏ lòng biết ơn đối với các sự ban cho của Đức Chúa Trời
22, 23. a) Sự ban cho không xiết kể của Đức Chúa Trời là gì? b) Bởi vì chúng ta quí trọng những sự ban cho của Đức Chúa Trời, chúng ta nên làm gì?
22 Được thúc đẩy bởi lòng biết ơn sâu đậm, chính Phao-lô nói: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban-cho của Ngài không xiết kể!” (II Cô-rinh-tô 9:15). Là “của-lễ chuộc” tội lỗi cho các tín đồ được xức dầu và cho những người ở trong thế gian, Giê-su là căn bản và phương tiện để Đức Giê-hô-va ban cho một cách không xiết kể (I Giăng 2:1, 2). Sự ban cho ấy là “ân-điển quá đỗi” mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho dân sự của Ngài trên đất qua Giê-su Christ. Ngoài ra, ân điển dồi dào đó nhằm cứu rỗi họ và làm vinh hiển cũng như biện minh cho Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 9:14).
23 Chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va một cách sâu đậm về sự ban cho không thể tả xiết của Ngài cùng những món quà thiêng liêng và vật chất mà Ngài dành cho dân sự Ngài. Cha trên trời thật là tốt đối với chúng ta thay đến nỗi chúng ta khó diễn tả điều đó bằng lời nói của loài người! Chắc chắn điều đó thúc đẩy chúng ta ban cho cách vui lòng. Vậy với sự hết lòng biết ơn, chúng ta hãy cố gắng làm hết sức mình để làm tấn tới công việc của Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời rộng lượng của chúng ta, Ngài là Đấng đầu tiên và trên hết trong việc ban cho cách vui lòng!
Bạn có nhớ không?
◻ Việc sẵn lòng ban cho của dân sự Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy họ làm gì?
◻ Điều gì thúc đẩy một người ban cho cách vui lòng?
◻ Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) dùng thế nào tất cả những sự đóng góp mà Hội nhận được?
◻ Đức Chúa Trời yêu mẫu người ban cho nào và chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta ra sao đối với Ngài về nhiều sự ban cho đó?
[Hình nơi trang 15]
Khi xây cất lều tạm hồi xưa, những người Y-sơ-ra-ên làm lụng một cách chăm chỉ và rộng lòng đóng góp cho công việc của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 18]
Sự đóng góp giống như bà góa nghèo nàn rất đáng quí và quan trọng