CHƯƠNG 20
Công tác cứu trợ
1, 2. (a) Các tín đồ ở Giu-đa gặp phải nghịch cảnh nào? (b) Họ đã được đối xử yêu thương ra sao?
Khoảng năm 46 CN, xứ Giu-đa gặp một nạn đói lớn. Vì thực phẩm khan hiếm nên giá cả đắt đỏ. Do đó, các tín đồ người Do Thái ở nơi ấy không có đủ tiền mua, và họ phải sống trong cảnh đói kém. Thế nhưng, họ sắp cảm nghiệm bàn tay che chở của Đức Giê-hô-va theo cách mà chưa có tín đồ nào từng trải qua. Chuyện gì sắp xảy ra?
2 Động lòng trước cảnh khốn khổ của tín đồ người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, các tín đồ người Do Thái lẫn gốc dân ngoại tại An-ti-ốt thuộc Sy-ri đã đóng góp để giúp anh em đồng đạo. Sau đó, họ chọn hai anh có trách nhiệm là Ba-na-ba và Sau-lơ chuyển quà cứu trợ cho các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem. (Đọc Công vụ 11:27-30; 12:25). Hãy hình dung những tín đồ đang thiếu thốn tại Giu-đa cảm động thế nào trước nghĩa cử đầy yêu thương của anh em ở An-ti-ốt!
3. (a) Dân Đức Chúa Trời thời hiện đại vẫn làm theo cách thức nào của anh em ở An-ti-ốt? Hãy cho ví dụ. (Cũng xem khung “Công tác cứu trợ quy mô lớn đầu tiên trong thời hiện đại”). (b) Chương này sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Đó là lời tường thuật đầu tiên cho thấy những tín đồ sống ở nơi này cứu trợ những tín đồ sống ở nơi khác. Ngày nay, chúng ta vẫn làm theo cách thức của anh em ở An-ti-ốt. Khi biết anh em ở vùng khác gặp tai ương hay nghịch cảnh, chúng ta trợ giúp họa. Để hiểu công tác cứu trợ liên quan thế nào đến các công việc thánh khác, chúng ta hãy xem xét ba câu hỏi: “Tại sao chúng ta xem cứu trợ là công việc thánh? Những mục tiêu của công tác cứu trợ là gì? Chúng ta được lợi ích thế nào qua công tác cứu trợ?”.
Tại sao cứu trợ là công việc thánh?
4. Phao-lô cho hội thánh Cô-rinh-tô biết gì về công việc thánh của tín đồ đạo Đấng Ki-tô?
4 Trong lá thư thứ hai gửi cho hội thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô giải thích rằng công việc thánh của tín đồ đạo Đấng Ki-tô có hai phần. Dù Phao-lô viết cho các tín đồ được xức dầu nhưng lời của ông cũng áp dụng cho “các chiên khác” (Giăng 10:16). Một phần của công việc thánh là “chức vụ giải hòa”, tức rao giảng và dạy dỗ (2 Cô 5:18-20; 1 Ti 2:3-6). Phần khác của công việc thánh là những việc chúng ta làm vì lợi ích của anh em đồng đạo. Phao-lô đề cập đến công việc thánh này khi ông nói đến việc “cứu trợ các thánh đồ” (2 Cô 8:4, Bản Dịch Mới). Cả hai từ “chức vụ” và “cứu trợ” đều được dịch từ một dạng của từ di·a·ko·niʹa trong tiếng Hy Lạp. Tại sao điều này đáng chú ý?
5. Tại sao đáng chú ý khi Phao-lô gọi cứu trợ là công việc thánh?
5 Khi dùng cùng một từ Hy Lạp cho cả hai hoạt động, Phao-lô cho thấy cứu trợ cũng là một hình thức của công việc thánh mà các tín đồ phải thi hành. Trước đó ông nói: “Có nhiều công việc thánh khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa; có nhiều việc làm khác nhau... Nhưng tất cả các việc đó đều do cùng một thần khí thực hiện” (1 Cô 12:4-6, 11). Thật ra, Phao-lô liên kết những việc khác nhau trong hội thánh với sự thờ phượng Đức Chúa Trời, tức công việc thánh của chúng tab (Rô 12:1, 6-8). Vì thế, không lạ gì khi Phao-lô thấy ông phải dành thời gian “phục vụ các người thánh”!—Rô 15:25, 26.
6. (a) Như Phao-lô giải thích, tại sao cứu trợ là một khía cạnh của sự thờ phượng? (b) Hãy cho biết cách chúng ta thực hiện công tác cứu trợ trên thế giới. (Xem khung “Khi thảm họa ập đến!”).
6 Phao-lô giúp hội thánh Cô-rinh-tô hiểu tại sao cứu trợ là một khía cạnh của công việc thánh và sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ông lý luận: Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cứu trợ anh em vì họ “vâng phục những gì mình rao truyền, liên quan đến tin mừng về Đấng Ki-tô” (2 Cô 9:13). Thế nên, vì muốn làm theo sự dạy dỗ của Đấng Ki-tô, họ giúp đỡ anh em đồng đạo. Phao-lô cho biết nghĩa cử cao đẹp của họ đối với anh em thể hiện lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời (2 Cô 9:14; 1 Phi 4:10). Do đó, khi nhắc đến việc phục vụ anh em đồng đạo đang gặp khó khăn, bao gồm cứu trợ, Tháp Canh ngày 1-12-1975 nói: “Chúng ta nên tin chắc rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thật sự xem trọng hình thức phụng sự này”. Thật vậy, cứu trợ là một khía cạnh quan trọng của công việc thánh.—Rô 12:1, 7; 2 Cô 8:7; Hê 13:16.
Công tác cứu trợ có những mục tiêu rõ ràng
7, 8. Mục tiêu thứ nhất của công tác cứu trợ là gì? Hãy giải thích.
7 Những mục tiêu của công tác cứu trợ là gì? Phao-lô trả lời câu hỏi đó trong lá thư thứ hai gửi cho hội thánh Cô-rinh-tô. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 9:11-15). Trong những câu này, Phao-lô nhấn mạnh ba mục tiêu chính mà chúng ta đạt được khi tham gia vào “sự trợ giúp”, tức công tác cứu trợ. Hãy xem xét từng mục tiêu.
8 Thứ nhất, công tác cứu trợ mang lại vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Hãy lưu ý rằng trong năm câu được viện dẫn ở trên, Phao-lô nhiều lần hướng anh em đến Đức Giê-hô-va. Ông nhắc họ về lời “cảm tạ Đức Chúa Trời” và “nhiều lời tạ ơn cho Đức Chúa Trời” (câu 11, 12). Ông giải thích làm thế nào việc cứu trợ khiến các tín đồ đạo Đấng Ki-tô “tôn vinh Đức Chúa Trời” và ngợi khen lòng nhân từ bao la của ngài (câu 13, 14). Cuối lời nhận xét về công tác cứu trợ, Phao-lô nói: “Tạ ơn Đức Chúa Trời” (câu 15).—1 Phi 4:11.
9. Công tác cứu trợ có thể thay đổi cái nhìn của người ta như thế nào? Hãy cho ví dụ.
9 Như Phao-lô, tôi tớ Đức Giê-hô-va thời nay xem cứu trợ là cơ hội để mang lại vinh hiển cho ngài và làm vẻ vang sự dạy dỗ của ngài (1 Cô 10:31; Tít 2:10). Trên thực tế, công tác cứu trợ thường góp phần đáng kể vào việc xóa bỏ quan điểm tiêu cực của một số người về Đức Giê-hô-va và các Nhân Chứng của ngài. Chẳng hạn, một phụ nữ treo trên cửa tấm biển “Miễn tiếp Nhân Chứng Giê-hô-va”. Bà sống trong một vùng chịu thiệt hại của bão. Ngày nọ, bà thấy có những tình nguyện viên cứu trợ đến xây lại căn nhà đối diện. Trong nhiều ngày, bà quan sát những con người thân thiện ấy, rồi lại gần hỏi xem họ là ai. Khi biết họ là Nhân Chứng Giê-hô-va, bà rất ấn tượng và nói: “Tôi đã hiểu sai về các anh chị rồi”. Kết quả là gì? Bà tháo tấm biển trên cửa xuống.
10, 11. (a) Những trường hợp nào cho thấy chúng ta đạt được mục tiêu thứ hai của công tác cứu trợ? (b) Ấn phẩm nào giúp các tình nguyện viên cứu trợ? (Xem khung “Thêm một công cụ hữu ích cho công tác cứu trợ”).
10 Thứ hai, chúng ta “đáp ứng đầy đủ nhu cầu” của anh em đồng đạo (2 Cô 9:12a). Chúng ta mong mỏi đáp ứng nhu cầu của các anh chị và xoa dịu nỗi đau của họ. Tại sao? Vì tất cả thành viên của hội thánh hợp thành “một thân thể” và “nếu một bộ phận chịu đau đớn, tất cả các bộ phận khác cùng chịu đau đớn” (1 Cô 12:20, 26). Vì thế, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn thôi thúc nhiều anh chị liền gác công việc sang một bên, thu gom dụng cụ và đến những vùng gặp thảm họa giúp anh em (Gia 2:15, 16). Ví dụ, sau khi sóng thần ập đến Nhật Bản năm 2011, chi nhánh Hoa Kỳ gửi một lá thư đến những Ủy ban Xây cất Vùng tại Hoa Kỳ để hỏi liệu “một vài anh có kỹ năng” có thể đến giúp xây lại các Phòng Nước Trời ở Nhật Bản không. Họ hưởng ứng ra sao? Chỉ trong vài tuần, gần 600 người tình nguyện nộp đơn và đồng ý bỏ tiền túi để mua vé máy bay đến Nhật Bản giúp anh em! Chi nhánh Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi vô cùng cảm động trước sự hưởng ứng này”. Khi được một anh ở Nhật Bản hỏi về lý do đến giúp, một tình nguyện viên người nước ngoài trả lời: “Anh em tại Nhật Bản là một phần của ‘thân thể chúng tôi’. Chúng tôi cũng cảm thấy đau đớn và mất mát như họ”. Vì tình yêu thương quên mình, đôi khi những tình nguyện viên cứu trợ thậm chí không màng đến tính mạng để giúp anh em đồng đạoc.—1 Giăng 3:16.
11 Những người không phải là Nhân Chứng cũng bày tỏ lòng cảm kích trước công tác cứu trợ của chúng ta. Chẳng hạn, sau khi bang Arkansas, Hoa Kỳ, trải qua một thảm họa vào năm 2013, một tờ báo thuật lại sự ứng phó kịp thời của Nhân Chứng và nhận xét: “Các tình nguyện viên của Nhân Chứng Giê-hô-va được tổ chức tốt đến mức họ có thể ứng phó với thảm họa một cách điêu luyện”. Đúng vậy, như sứ đồ Phao-lô nói, chúng ta “đáp ứng đầy đủ” nhu cầu của anh em đồng đạo.
12-14. (a) Tại sao đạt được mục tiêu thứ ba của công tác cứu trợ là điều rất quan trọng? (b) Những lời chia sẻ nào nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các hoạt động thiêng liêng?
12 Thứ ba, chúng ta giúp các anh chị gặp nạn trở lại với nề nếp thiêng liêng. Tại sao điều này quan trọng? Phao-lô nói rằng những người được cứu trợ sẽ muốn dâng “nhiều lời tạ ơn cho Đức Chúa Trời” (2 Cô 9:12b). Để các anh chị gặp nạn biểu lộ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va, còn cách nào tốt hơn là họ trở lại với nề nếp thiêng liêng càng sớm càng tốt? (Phi-líp 1:10). Tháp Canh năm 1945 ghi: “Phao-lô tán thành... việc thu tiền đóng góp vì qua đó... những anh em có nhu cầu nhận được một số đồ cứu trợ, và nhờ thế họ có thể thoải mái và hăng hái hơn trong công việc làm chứng mà Đức Giê-hô-va giao”. Thời nay chúng ta cũng có mục tiêu đó. Khi rao giảng trở lại, anh em chúng ta không chỉ làm vững mạnh những người khốn khổ xung quanh mà còn củng cố chính mình.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.
13 Hãy xem qua vài dòng chia sẻ của các anh chị đã được cứu trợ, trở lại với công việc rao giảng và được lên tinh thần nhờ làm thế. Một anh bày tỏ: “Khi ấy, được tham gia thánh chức là một ân phước cho gia đình tôi. Những lúc cố gắng an ủi người khác cũng chính là những giây phút chúng tôi tạm thời quên đi vấn đề của mình”. Một chị cho biết: “Tập trung vào các hoạt động thiêng liêng giúp tôi không còn nghĩ đến cảnh điêu tàn xung quanh. Điều đó cũng làm tôi cảm thấy an toàn”. Chị khác nhận xét: “Dù nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng thánh chức giúp gia đình tôi hướng đến tương lai tươi sáng. Khi chia sẻ với người khác hy vọng về thế giới mới, chúng tôi càng tin chắc rằng mọi vật sẽ được làm nên mới”.
14 Tham dự nhóm họp cũng là một hoạt động thiêng liêng mà các anh chị gặp nạn cần trở lại càng sớm càng tốt. Hãy xem trường hợp của chị Kiyoko, lúc ấy gần 60 tuổi. Sau khi cơn sóng thần cuốn đi mọi thứ của chị, ngoại trừ bộ quần áo trên người và đôi giày đang mang, chị hoang mang không biết sẽ sống ra sao. Rồi một anh trưởng lão nói rằng họ sẽ nhóm họp trong xe hơi của anh. Chị Kiyoko kể: “Vợ chồng anh trưởng lão, một chị khác và tôi ngồi trong xe. Buổi nhóm đơn giản, nhưng thật kỳ diệu là lúc đó hình ảnh về sóng thần chẳng còn hiện lên trong tôi. Tôi thấy vô cùng bình an. Buổi nhóm đó giúp tôi cảm nhận sức mạnh của việc kết hợp với anh em đồng đạo”. Khi nhắc đến những buổi nhóm họp mà mình tham dự sau khi thảm họa xảy ra, một chị thốt lên: “Đó là phao cứu sinh của tôi!”.—Rô 1:11, 12; 12:12.
Công tác cứu trợ mang lại lợi ích lâu dài
15, 16. (a) Khi tham gia công tác cứu trợ, tín đồ ở Cô-rinh-tô và nơi khác nhận được những lợi ích nào? (b) Thời nay, công tác cứu trợ mang lại những lợi ích tương tự nào?
15 Khi nói về công tác cứu trợ, Phao-lô cũng giải thích cho anh em ở Cô-rinh-tô biết về những lợi ích mà họ và các tín đồ khác nhận được khi tham gia công việc này. Ông viết: “Họ [các tín đồ người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem nhận được sự trợ giúp] cũng sốt sắng cầu xin cho anh em và bày tỏ lòng trìu mến đối với anh em, vì Đức Chúa Trời tỏ lòng nhân từ bao la với anh em” (2 Cô 9:14). Thật vậy, lòng rộng rãi của hội thánh Cô-rinh-tô sẽ thôi thúc các tín đồ người Do Thái cầu nguyện cho họ, trong đó có anh em gốc dân ngoại. Điều đó cũng sẽ thắt chặt tình anh em đồng đạo.
16 Áp dụng những lời Phao-lô nói về lợi ích của công tác cứu trợ cho thời nay, Tháp Canh ngày 1-12-1945 viết: “Khi dân Đức Chúa Trời ở nơi này đóng góp để giúp anh em ở nơi khác, hãy nghĩ đến sự hợp nhất mà công việc ấy mang lại!”. Đó đúng là điều các tình nguyện viên cứu trợ thời nay cảm nghiệm được. Khi tham gia cứu trợ sau một trận lụt, một trưởng lão nói: “Công việc cứu trợ giúp tôi gần gũi với anh em hơn bao giờ hết”. Cảm kích trước sự giúp đỡ của anh em, một chị phát biểu: “Tình anh em đồng đạo thật sự là điều giúp chúng ta cảm nghiệm được thế nào là địa đàng”.—Đọc Châm-ngôn 17:17.
17. (a) Ê-sai 41:13 áp dụng thế nào cho công tác cứu trợ? (b) Hãy kể lại vài trường hợp cho thấy công tác cứu trợ tôn vinh Đức Giê-hô-va và thắt chặt sợi dây hợp nhất. (Cũng xem khung “Anh em khắp thế giới tình nguyện đi cứu trợ”).
17 Khi đội cứu trợ đến một vùng bị tai ương, các anh em ở đó thật sự cảm nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời: “Ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi” (Ê-sai 41:13). Sau khi sống sót qua thảm họa, một chị nói: “Tôi thấy vô vọng khi nhìn cảnh hoang tàn, nhưng Đức Giê-hô-va đã đưa tay cứu lấy tôi. Những gì anh em làm để giúp tôi thật không sao kể hết”. Sau khi thiên tai tàn phá khu vực của mình, hai trưởng lão thay mặt các hội thánh viết: “Động đất gây ra nỗi đau khôn tả, nhưng chúng tôi cảm nghiệm sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va qua anh em đồng đạo. Dù đã đọc về công tác cứu trợ nhưng nay chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến”.
Bạn có thể tham gia không?
18. Nếu muốn tham gia công tác cứu trợ, bạn có thể làm gì? (Cũng xem khung “Điều đó định hướng cuộc đời anh”).
18 Bạn có muốn nghiệm thử niềm vui trong công tác cứu trợ không? Nếu có, hãy nhớ rằng tình nguyện viên cứu trợ thường được chọn từ những người tham gia xây Phòng Nước Trời. Hãy cho các trưởng lão biết là bạn muốn điền đơn tham gia. Một trưởng lão nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu trợ đã lưu ý: “Bạn chỉ nên đến vùng xảy ra thảm họa sau khi nhận được thư mời của Ủy ban Cứu trợ”. Làm thế sẽ giúp công việc cứu trợ được thực hiện một cách trật tự.
19. Làm thế nào các tình nguyện viên cứu trợ cho thấy rõ Nhân Chứng Giê-hô-va thật sự là môn đồ Đấng Ki-tô?
19 Công tác cứu trợ quả là một bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng ta vâng theo mệnh lệnh “hãy yêu thương nhau” của Chúa Giê-su. Khi thể hiện tình yêu thương theo cách ấy, chúng ta chứng tỏ mình thật sự là môn đồ Đấng Ki-tô (Giăng 13:34, 35). Thời nay, thật nức lòng khi thấy có nhiều người tình nguyện cứu trợ các anh em trung thành ủng hộ Nước Trời. Họ mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va!
a Chương này xem xét công tác cứu trợ anh em đồng đạo. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những người không phải là Nhân Chứng cũng nhận được lợi ích từ sự cứu trợ của chúng ta. —Ga 6:10.
b Phao-lô dùng dạng số nhiều của từ di·aʹko·nos khi nói đến “các phụ tá hội thánh”, ám chỉ những người phục vụ.—1 Ti 3:12.
c Xin xem bài “Aiding Our Family of Believers in Bosnia” trong Tháp Canh ngày 1-11-1994, trang 23-27 (Anh ngữ).