Trường Ga-la-át phái khóa 100
TRƯỜNG Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc công bố về Nước Đức Chúa Trời trên khắp đất trong thời nay. Kể từ khi Trường Ga-la-át bắt đầu huấn luyện các giáo sĩ vào năm 1943, những người tốt nghiệp đã phục vụ trong hơn 200 xứ. Vào ngày 2-3-1996, khóa 100 đã tốt nghiệp.
Trong thời gian các học viên dự khóa học thì có tuyết rơi hơn 2 mét tại vùng Trung tâm Giáo dục của Hội Tháp Canh ở Patterson, Nữu Ước. Cho nên, không ngạc nhiên gì khi tuyết rơi vào ngày mãn khóa. Tuy thế, phòng họp có đầy cử tọa, và những người không đủ chỗ dự thì lắng nghe chương trình ở Patterson, Wallkill và Brooklyn—tổng cộng có 2.878 người.
Anh Theodore Jaracz, thành viên của Ủy ban Giảng huấn thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương, làm chủ tọa. Sau khi nồng nhiệt chào mừng các quan khách hiện diện từ nhiều xứ, anh mời tất cả đứng dậy cùng hát bài 52. Phòng họp vang dội tiếng ca ngợi Đức Giê-hô-va khi họ hát bài “Danh Cha chúng ta”, trong sách Hãy ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va. Bài hát đó cùng với lời khai mạc của chủ tọa về việc dùng sự giáo dục để ca ngợi Đức Giê-hô-va, đã tạo không khí chung cho chương trình theo sau đó.
Những anh thành thục cho lời khuyên dựa trên Kinh-thánh
Trong phần đầu chương trình, một số tôi tớ phụng sự Đức Giê-hô-va lâu năm nói những bài giảng ngắn cho khóa tốt nghiệp. Richard Abrahamson, một thành viên của trụ sở trung ương đã bắt đầu thánh chức trọn thời gian vào năm 1940, khuyên khóa tốt nghiệp: “Hãy tiếp tục điều chỉnh”. Anh nhắc họ rằng họ đã có những sự điều chỉnh qua nhiều giai đoạn trong cuộc sống của tín đồ đấng Christ, kể cả năm tháng học ở Trường Ga-la-át. Vậy tại sao họ cần phải tiếp tục điều chỉnh?
Diễn giả giải thích rằng từ ngữ mà sứ đồ Phao-lô dùng nơi II Cô-rinh-tô 13:11, (NW) “ngụ ý một tiến trình tăng dần lên, việc tiếp tục để cho Đức Giê-hô-va uốn nắn và rèn luyện mình, một sự chỉnh đốn tinh vi, hầu cho một người hội đủ các tiêu chuẩn cao hơn của Đức Giê-hô-va”. Tại nhiệm sở ở hải ngoại, khóa tốt nghiệp sẽ gặp những thử thách mới về đức tin. Họ sẽ phải học một ngôn ngữ mới, thích nghi với một nền văn hóa và mức sống khác, và phải thích ứng với nhiều loại khu vực khác nhau. Họ cũng phải giao thiệp với nhiều người có cá tính khác nhau trong nhà giáo sĩ và trong hội thánh mới. Nếu như họ cẩn thận áp dụng các nguyên tắc của Kinh-thánh trong mọi trường hợp này, với tinh thần sẵn sàng điều chỉnh, thì như sứ đồ Phao-lô viết, họ cũng có thể “tiếp tục vui mừng”.
Anh John Barr, một trong năm thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương có phần trong chương trình, lấy câu I Cô-rinh-tô 4:9 làm chủ đề. Anh nhắc nhở cử tọa rằng tín đồ đấng Christ làm trò trước mặt thiên sứ và người ta. Anh nói: “Biết được điều này càng làm cho lối sống của tín đồ đấng Christ càng quan trọng, đặc biệt là khi ý thức rằng qua những gì mình nói và làm, mình có thể ảnh hưởng sâu đậm đến những người và những thiên sứ đang quan sát. Tôi nghĩ rằng đây là điều mà tất cả các anh chị yêu mến thuộc khóa 100 của Trường Ga-la-át nên ghi nhớ khi các anh chị đi đến những nơi xa xôi trên thế giới”.
Anh Barr khuyến khích 48 học viên, khi họ giúp những người giống như chiên học lẽ thật, nên nhớ rằng “trước mặt thiên-sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng-rỡ cho một kẻ có tội ăn-năn” (Lu-ca 15:10). Nhắc đến I Cô-rinh-tô 11:10, anh cho thấy rằng thái độ của một người đối với những sự sắp đặt thần quyền không những ảnh hưởng anh em mình thấy được mà còn các thiên sứ mình không thấy được. Quả là lợi ích biết bao nếu luôn luôn có cái nhìn bao quát này!
Gerrit Lösch, một thành viên khác của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương, và cũng là người đã tốt nghiệp Trường Ga-la-át, thảo luận những câu Kinh-thánh như Thi-thiên 125:1, 2; Xa-cha-ri 2:4, 5; và Thi-thiên 71:21 để cho thấy rằng Đức Giê-hô-va ‘vây-phủ dân Ngài’. Ngài che chở cho họ mọi bề. Liệu Đức Chúa Trời chỉ che chở họ vào lúc cơn đại nạn thôi không? Diễn giả trả lời: “Không, vì Đức Giê-hô-va đã là ‘tường bằng lửa chung-quanh’, một sự che chở cho dân ngài. Vào năm hậu chiến 1919, những người còn sót lại của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng hăng hái muốn rao giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp thế giới hầu làm chứng cho muôn dân. Họ đại diện cho Giê-ru-sa-lem tượng trưng ở trên trời. Đức Giê-hô-va bảo đảm sẽ che chở những người đại diện này với tư cách là một nhóm trong thời kỳ cuối cùng. Vậy thì trên thực tế ai có thể ngăn cấm họ được? Không có ai hết”. Đây thật là niềm trấn an cho họ và cho tất cả những ai kết hợp chặt chẽ với họ đặng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời!
Anh Ulysses Glass, thành viên thâm niên của ban quản trị trường, khuyên những người tốt nghiệp nên ‘tạo được một chỗ đứng cho mình trong tổ chức của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới”. Chỗ đứng là một tình trạng hay một hoạt động đặc biệt thích hợp với khả năng và tính cách của một người. Anh tuyên bố: “Hỡi những giáo sĩ tương lai, các anh chị đã tìm được chỗ đứng trong tổ chức của Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Nhưng dù điều này hiện quí báu, đấy chỉ là bước đầu của đời sống giáo sĩ của anh chị”. Họ sẽ phải chuyên tâm tận dụng khả năng mình và thích nghi với nhiệm vụ đặc biệt mà Đức Giê-hô-va và tổ chức ngài giao phó cho họ.
Anh Wallace Liverance, thành viên của cơ sở Trường Ga-la-át đã phục vụ 17 năm ở Bolivia, cho bài giảng cuối trong phần này của chương trình. Anh hỏi các học viên: “Liệu các anh chị sẽ thử Đức Chúa Trời không?” Họ phải thử ngài như thế nào? Dân tộc Y-sơ-ra-ên đã thử Đức Chúa Trời sai cách (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:16). Diễn giả nói: “Hiển nhiên là thử Đức Chúa Trời bằng cách phàn nàn hoặc lằm bằm hay có lẽ tỏ ra thiếu đức tin về cách ngài xử sự là sai”. Anh khuyến khích: “Khi anh chị đến nhiệm sở mới, hãy cưỡng lại khuynh hướng đó”. Vậy thì cách đúng để thử Đức Chúa Trời là gì? Anh Liverance giải thích: “Đó là tin tưởng lời ngài, làm đúng y những gì ngài nói, và rồi để ngài định đoạt kết quả”. Như chúng ta thấy nơi Ma-la-chi 3:10, Đức Giê-hô-va mời dân ngài: “Khá... thử ta”. Ngài hứa rằng nếu họ trung thành mang phần mười vào kho đền thờ thì ngài sẽ ban phước cho họ. Diễn giả hỏi: “Sao không xem nhiệm sở giáo sĩ của mình cũng giống như vậy? Đức Giê-hô-va muốn các anh chị thành công trong nhiệm sở đó, vậy hãy thử ngài. Hãy kiên trì trong nhiệm sở của anh chị. Làm những sự điều chỉnh mà ngài muốn anh chị làm. Hãy kiên trì chịu đựng. Xem ngài sẽ ban phước cho anh chị hay không”. Thật là lời khuyên tốt cho tất cả những ai đang phụng sự Đức Giê-hô-va!
Sau bài hát, chương trình thay đổi từ những bài giảng sang một loạt những cuộc phỏng vấn thú vị.
Những lời thực tiễn từ khu vực rao giảng
Anh Mark Noumair, thành viên mới của cơ sở Trường Ga-la-át, mời học viên kể lại những kinh nghiệm rao giảng của họ trong thời gian dự khóa học. Những kinh nghiệm này nhấn mạnh giá trị của việc tỏ ra chủ động trong thánh chức rao giảng cũng như cho cử tọa những ý kiến thực tiễn mà họ có thể dùng.
Trong thời gian dự khóa học, các học viên trong khóa Ga-la-át này đặc biệt có lợi ích nhờ có dịp giao thiệp với những thành viên thuộc các Ủy ban Chi nhánh từ 42 xứ, những người này cũng đến Trung tâm Giáo dục Patterson để nhận sự huấn luyện đặc biệt. Nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp Trường Ga-la-át nhiều năm trước đây. Trong chương trình, các anh phỏng vấn những người đại diện các khóa 3, 5, 51 và 92, đồng thời những người đại diện Trường Chi nhánh Ga-la-át ở Đức. Lời bình luận của họ thật có ích biết bao!
Họ kể những giáo sĩ đã cảm thấy thế nào khi thấy con số những người ca ngợi Đức Giê-hô-va trong nhiệm sở của họ gia tăng từ một số ít lên đến hàng chục ngàn. Họ kể về việc họ có phần đem tin mừng đến những căn nhà rải rác ở núi Andes và những làng tại thượng nguồn của sông Amazon. Họ nói về việc làm chứng cho những người thất học. Họ kể lại việc họ đã phải phấn đấu để học ngoại ngữ và những người tốt nghiệp có thể thực tế mong đợi phải học bao lâu thì mới có thể làm chứng cũng như nói bài giảng trong một thứ tiếng như tiếng Trung Hoa. Họ còn làm những trình diễn mẫu trong tiếng Tây Ban Nha và Trung Hoa. Họ nhấn mạnh rằng các giáo sĩ đạt được nhiều kết quả khi họ không những học ngôn ngữ của dân chúng mà còn lối suy nghĩ của họ nữa. Họ kể về những tình trạng sinh sống cực kỳ khó khăn thường thấy ở những xứ nghèo và nói: “Các giáo sĩ nên ý thức rằng tình trạng này thường xảy ra vì người ta bị bóc lột. Giáo sĩ sẽ đạt được thành quả tốt nhất nếu có cảm nghĩ như Chúa Giê-su—ngài thương xót người ta, vì họ như chiên không có kẻ chăn”.
Sau bài hát, chương trình tiếp tục với bài giảng của anh A. D. Schroeder, thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương. Anh có đặc ân làm một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Ga-la-át khi trường khai mạc vào năm 1943. Để kết thúc chương trình một cách thích hợp, anh thảo luận đề tài “Hoan hô Đức Giê-hô-va là Chúa Tối thượng”. Phần thảo luận thu hút của anh Schroeder về bài Thi-thiên 24 đã nhấn mạnh cho mọi người hiện diện thấy rằng được hoan hô Đức Giê-hô-va là Chúa Tối thượng là một đặc ân lớn biết bao.
Sau khi phát bằng cấp và hát bài ca bế mạc, anh Karl Klein thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương kết thúc bằng lời cầu nguyện chân thành. Thật là một chương trình thực dụng và phấn khởi về mặt thiêng liêng!
Trong những ngày sau khi mãn khóa, 48 học viên của khóa 100 bắt đầu đi đến nhiệm sở giáo sĩ tại 17 xứ. Nhưng không phải họ mới bắt đầu thánh chức rao giảng. Họ đã có thành tích đáng kể trong thánh chức trọn thời gian của tín đồ đấng Christ. Khi họ ghi tên vào Trường Ga-la-át, trung bình họ 33 tuổi và đã dành hơn 12 năm trong thánh chức trọn thời gian. Một số trong vòng họ đã là thành viên của gia đình Bê-tên thuộc Hội Tháp Canh trên khắp thế giới. Những người khác đã phục vụ với tư cách là giám thị lưu động. Một số học viên đã tham gia công việc ở hải ngoại dưới một hình thức nào đó—tại Phi Châu, Âu Châu, Nam Mỹ, hải đảo và ở những nhóm nói ngoại ngữ tại xứ họ. Nhưng giờ đây họ gia nhập nhiều giáo sĩ khác, là những người sung sướng có thể nói lên như sau: ‘Chúng tôi sẽ phục vụ ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà cần đến chúng tôi’. Họ thiết tha muốn dùng đời sống của mình để tán dương Đức Giê-hô-va.
[Khung nơi trang 27]
Thống kê khóa 100:
Các học viên đến từ: 8 nước
Họ được phái đi đến: 17 nước
Sĩ số: 48
Tuổi trung bình: 33,75 tuổi
Trung bình ở trong lẽ thật: 17,31 năm
Trung bình làm thánh chức trọn thời gian: 12,06 năm
[Hình nơi trang 26]
Khóa 100 của Trường Kinh-thánh Ga-la-át đã tốt nghiệp
Trong danh sách dưới đây, những hàng được đánh số từ trước ra sau, và tên được liệt kê từ trái sang phải của mỗi hàng.
1) Shirley, M.; Grundström, M.; Genardini, D.; Giaimo, J.; Shood, W.; Phair, P.; Buchanan, C.; Robinson, D. 2) Pine, C.; Kraus, B.; Racicot, T.; Hansen, A.; Beets, T.; Berg, J.; Garcia, N.; Fleming, K. 3) Whinery, L.; Whinery, L.; Harps, C.; Giaimo, C.; Berg, T.; Mann, C.; Berrios, V.; Pfeifer, C. 4) Randall, L.; Genardini, S.; Kraus, H.; Fleming, R.; D’Abadie, S.; Shirley, T.; Stevenson, G.; Buchanan, B. 5) Robinson, T.; Garcia, J.; Harps, P.; Racicot, D.; D’Abadie, F.; Phair, M.; Stevenson, G.; Shood, D. 6) Beets, L.; Pfeifer, A.; Berrios, M.; Pine, J.; Mann, L.; Randall, P.; Grundström, J.; Hansen, G.