Trông vào sự an ủi của Đức Giê-hô-va
“Xin Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jêsus-Christ” (RÔ-MA 15:5).
1. Tại sao cứ mỗi một ngày trôi qua, chúng ta càng cần được an ủi nhiều hơn?
CỨ MỖI một ngày trôi qua, chúng ta lại càng cần được an ủi nhiều hơn. Hơn 1.900 năm trước đây, một người viết Kinh-thánh nhận xét là “muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay” (Rô-ma 8:22). Thời nay, người ta “than-thở” và chịu “khó-nhọc” hơn bao giờ hết. Kể từ Thế Chiến I, nhân loại đã gặp hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, chẳng hạn như chiến tranh, tội ác và thiên tai, thường là do loài người quản lý trái đất một cách tồi tệ (Khải-huyền 11:18).
2. a) Ai chịu trách nhiệm nhiều nhất về những tình trạng khốn khó của loài người hiện nay? b) Sự kiện nào cho chúng ta căn bản để được an ủi?
2 Tại sao có nhiều đau khổ đến thế trong thời kỳ chúng ta? Kinh-thánh trả lời khi miêu tả việc Sa-tan bị quăng ra khỏi các từng trời sau khi Nước Trời ra đời vào năm 1914: “Khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:12). Bằng chứng rõ ràng về sự ứng nghiệm của lời tiên tri đó có nghĩa là sự cai trị gian ác của Sa-tan gần chấm dứt. Thật là an ủi biết bao khi biết rằng đời sống trên đất sắp trở lại tình trạng thanh bình như thời trước khi Sa-tan lừa gạt thủy tổ chúng ta vào con đường phản loạn!
3. Khi nào loài người đã không cần sự an ủi?
3 Ban đầu Đấng Tạo hóa của loài người cung cấp một công viên đẹp đẽ để làm chỗ ở cho cặp vợ chồng đầu tiên. Công viên đó tọa lạc trong một vùng được gọi là Ê-đen, có nghĩa là “Khoái lạc” hoặc “Lạc thú” (Sáng-thế Ký 2:8). Hơn nữa, A-đam và Ê-va có sức khỏe hoàn toàn, với triển vọng không bao giờ phải chết. Hãy nghĩ đến việc họ có thể trau dồi tài năng trong nhiều phương diện—làm vườn, nghệ thuật, xây cất, âm nhạc. Cũng hãy nghĩ đến tất cả các công trình sáng tạo mà họ có thể nghiên cứu trong khi thực hiện sứ mệnh làm cho đất phục tùng và biến nó thành địa đàng (Sáng-thế Ký 1:28). Quả thật, đời sống của A-đam và Ê-va đã có thể tràn đầy khoái lạc và lạc thú, chứ không phải đầy than thở và khó nhọc. Rõ ràng là họ không cần sự an ủi.
4, 5. a) Tại sao A-đam và Ê-va đã thất bại trong sự thử thách về việc vâng lời? b) Làm sao loài người rơi vào tình trạng cần sự an ủi?
4 Tuy nhiên, điều mà A-đam và Ê-va cần, ấy là vun trồng lòng yêu thương cũng như lòng biết ơn sâu đậm đối với Cha nhân từ ở trên trời của mình. Tình yêu thương ấy đã có thể thúc đẩy họ vâng lời Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh. (So sánh Giăng 14:31). Đáng buồn thay, cả cha lẫn mẹ đầu tiên của chúng ta đã không vâng lời Đấng Thống trị có uy quyền chính đáng là Đức Giê-hô-va. Trái lại, họ để mình phục dưới quyền cai trị của thiên sứ đồi bại, là Sa-tan Ma-quỉ. Chính Sa-tan đã dụ dỗ Ê-va phạm tội ăn trái cấm. Rồi A-đam cũng phạm tội khi ăn trái cây mà Đức Chúa Trời đã cảnh cáo rõ ràng: “Một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17).
5 Bởi vậy, cặp vợ chồng phạm tội bắt đầu chết. Khi kết án tử hình, Đức Chúa Trời cũng nói với A-đam: “Đất sẽ bị rủa-sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó-nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông-gai và cây tật-lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng” (Sáng-thế Ký 3:17, 18). Vì vậy, A-đam và Ê-va đã mất đi triển vọng biến đất hoang thành một địa đàng. Bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, họ phải dồn sức lực vào việc làm khó nhọc để canh tác đất đai bị rủa sả. Vì gánh chịu tình trạng tội lỗi và sự chết ấy, cho nên con cháu của họ rất cần sự an ủi (Rô-ma 5:12).
Một lời hứa đầy an ủi được thực hiện
6. a) Sau khi loài người rơi vào tội lỗi, Đức Chúa Trời cho lời hứa nào mang lại sự an ủi? b) Lê-méc đã thốt lên lời tiên tri nào về sự an ủi?
6 Khi kết án kẻ chủ mưu xúi loài người phản loạn, Đức Giê-hô-va đã tỏ ra là ‘Đức Chúa Trời yên-ủi’ (Rô-ma 15:5). Ngài làm thế bằng cách hứa sai một “dòng-dõi”, là người cuối cùng sẽ giải cứu con cháu của A-đam khỏi những ảnh hưởng tai hại của sự phản loạn (Sáng-thế Ký 3:15). Với thời gian, Đức Chúa Trời cũng cho thấy trước những chi tiết về sự cứu rỗi này. Thí dụ, ngài đã soi dẫn Lê-méc, con cháu mấy đời của A-đam qua con trai Sết, để nói tiên tri về điều con trai ông sẽ làm: “Đứa nầy sẽ an-ủy lòng ta về công-việc và về sự nhọc-nhằn mà đất bắt tay ta phải làm, là đất Đức Giê-hô-va đã rủa-sả” (Sáng-thế Ký 5:29). Phù hợp với lời hứa này, đứa con trai được đặt tên là Nô-ê, mà chúng ta hiểu tên đó có nghĩa là “Nghỉ ngơi” hoặc “An ủi”.
7, 8. a) Tình trạng nào đã khiến Đức Chúa Trời tự trách là đã tạo nên loài người, và ngài có ý định làm gì để đối phó lại? b) Nô-ê đã sống xứng đáng với tên của mình như thế nào?
7 Trong khi đó, Sa-tan kéo một số thiên sứ ở trên trời theo phe hắn. Những thiên sứ này mặc lấy hình người rồi lấy những người đàn bà đẹp làm vợ là con cháu của A-đam. Những sự kết hợp trái tự nhiên ấy càng làm cho xã hội loài người bại hoại và họ sanh ra một giống người Nê-phi-lim không tin kính, tức là “kẻ đánh ngã”, là những người làm cho đất đầy dẫy sự hung bạo (Sáng-thế Ký 6:1, 2, 4, 11; Giu-đe 6). “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều. . . thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn-rầu trong lòng” (Sáng-thế Ký 6:5, 6).
8 Đức Giê-hô-va có ý định hủy diệt thế gian hung ác đó bằng trận nước lụt toàn cầu, nhưng trước tiên ngài bảo Nô-ê đóng một chiếc tàu để bảo toàn mạng sống. Nhờ đó loài người và loài thú được cứu. Nô-ê và gia đình quả thấy nhẹ nhõm biết bao khi họ bước ra khỏi tàu vào trái đất được tẩy sạch sau trận Nước Lụt! Thật là an ủi khi thấy đất không còn bị rủa sả nữa, khiến cho việc canh tác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều! Quả thật, lời tiên tri của Lê-méc đã tỏ ra đúng, và Nô-ê đã sống xứng đáng với ý nghĩa tên của mình (Sáng-thế Ký 8:21). Là tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, Nô-ê được dùng để đem ít nhiều “an-ủy” cho loài người. Tuy nhiên, ảnh hưởng hung ác của Sa-tan và các quỉ sứ đã không chấm dứt trong trận Nước Lụt, và nhân loại vẫn còn than thở dưới gánh nặng của tội lỗi, bệnh tật và sự chết.
Một người lớn hơn Nô-ê
9. Chúa Giê-su Christ đã chứng tỏ là đấng giúp đỡ và là đấng an ủi cho loài người biết ăn năn như thế nào?
9 Sau khoảng 4.000 năm của lịch sử loài người, cuối cùng Dòng dõi được Đức Chúa Trời hứa trước đã đến. Vì tình yêu thương bao la đối với nhân loại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phái Con độc sanh của ngài xuống đất để hy sinh mạng sống làm giá chuộc cho nhân loại tội lỗi (Giăng 3:16). Chúa Giê-su Christ đem lại sự cứu giúp lớn lao cho những người phạm tội biết ăn năn và thực hành đức tin nơi cái chết của ngài để làm của-lễ hy sinh. Tất cả những ai dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và trở thành môn đồ đã làm báp têm của Con ngài có được sự khuây khỏa và niềm an ủi lâu dài (Ma-thi-ơ 11:28-30; 16:24). Dù bất toàn, họ tìm được niềm vui sâu sắc qua việc phụng sự Đức Chúa Trời với một lương tâm trong sạch. Họ quả cảm thấy được an ủi khi biết rằng nếu mình tiếp tục thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su, mình sẽ được thưởng cho sự sống đời đời! (Giăng 3:36; Hê-bơ-rơ 5:9). Nếu họ phạm một tội nặng vì yếu đuối, họ có đấng giúp đỡ hay đấng an ủi là Chúa Giê-su Christ được sống lại (I Giăng 2:1, 2). Bằng cách thú tội và rồi áp dụng những biện pháp phù hợp với Kinh-thánh để tránh trở thành người thực hành tội lỗi, họ được khuây khỏa, biết rằng ‘Đức Chúa Trời là thành-tín công-bình để tha tội cho mình’ (I Giăng 1:9; 3:6; Châm-ngôn 28:13).
10. Chúng ta rút tỉa được bài học nào qua những phép lạ của Chúa Giê-su khi ngài còn trên đất?
10 Khi còn trên đất, Chúa Giê-su cũng đã đem lại sự khuây khỏa bằng cách đuổi quỉ, chữa lành mọi thứ tật bệnh, và làm sống lại những người thân yêu đã chết. Đành rằng những phép lạ ấy chỉ đem lại lợi ích tạm thời, vì những người được ban ơn sau đó cũng già đi và chết. Tuy nhiên, bằng cách ấy Chúa Giê-su chỉ cho thấy trong tương lai ngài sẽ đổ ân phước trường cửu xuống cho tất cả nhân loại. Giờ đây là Vua có quyền năng ở trên trời, ngài sắp làm nhiều hơn là chỉ đuổi quỉ. Ngài sẽ giam cầm chúng cùng với kẻ cầm đầu chúng, tức Sa-tan, trong tình trạng không hoạt động. Rồi Triều đại Một Ngàn Năm vinh hiển của đấng Christ sẽ bắt đầu (Lu-ca 8:30, 31; Khải-huyền 20:1, 2, 6).
11. Tại sao Giê-su tự gọi mình là “Chúa ngày Sa-bát”?
11 Giê-su nói mình là “Chúa ngày Sa-bát”, và ngài chữa lành nhiều người bệnh vào ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:8-13; Lu-ca 13:14-17; Giăng 5:15, 16; 9:14). Tại sao ngài làm thế? Ngày Sa-bát là một phần trong Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên và như vậy làm “bóng của sự tốt-lành ngày sau” (Hê-bơ-rơ 10:1). Sáu ngày làm việc trong tuần nhắc nhở chúng ta rằng 6.000 năm qua nhân loại phải chịu nô lệ dưới sự cai trị áp bức của Sa-tan. Ngày Sa-bát cuối tuần làm chúng ta nhớ đến sự nghỉ ngơi thoải mái mà nhân loại sẽ hưởng dưới Triều đại Một Ngàn Năm của đấng lớn hơn Nô-ê, tức Chúa Giê-su Christ. (So sánh II Phi-e-rơ 3:8).
12. Chúng ta có thể trông đợi những hoàn cảnh đầy an ủi nào?
12 Thần dân trên đất dưới sự cai trị của đấng Christ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm biết bao, khi họ thấy mình thoát khỏi mọi ảnh hưởng gian ác của Sa-tan! Họ sẽ càng được an ủi hơn nữa khi họ cảm nghiệm sự chữa lành mọi thứ tật bệnh về thể xác, tình cảm và tinh thần (Ê-sai 65:17). Rồi hãy nghĩ đến niềm vui mừng khôn xiết khi họ bắt đầu chào đón những người thân đã chết được sống lại! Bằng những cách ấy, Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng” (Khải-huyền 21:4). Khi lợi ích của sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su dần dần được áp dụng, các thần dân biết vâng lời của Nước Đức Chúa Trời sẽ tiến đến sự hoàn toàn và họ sẽ thoát khỏi mọi ảnh hưởng tai hại của tội lỗi A-đam (Khải-huyền 22:1-5). Sau đó, Sa-tan sẽ được thả ra “trong ít lâu” (Khải-huyền 20:3, 7). Tất cả những ai trung thành ủng hộ quyền thống trị chính đáng của Đức Giê-hô-va sẽ được thưởng cho sự sống đời đời. Hãy tưởng tượng niềm vui và sự nhẹ nhõm không tả xiết được khi cuối cùng họ được hoàn toàn “giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát”! Khi ấy nhân loại biết vâng lời sẽ hưởng “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:21).
13. Tại sao tất cả các tín đồ đấng Christ đều cần sự an ủi mà Đức Chúa Trời cung cấp?
13 Trong khi chờ đợi, chúng ta vẫn phải than thở và chịu khó nhọc như mọi người sống giữa hệ thống gian ác của Sa-tan. Càng ngày càng có nhiều thứ bệnh về thể xác cũng như những sự rối loạn về cảm xúc ảnh hưởng mọi người, kể cả tín đồ trung thành của đấng Christ (Phi-líp 2:25-27; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Thêm vào đó, với tư cách là tín đồ đấng Christ nhiều khi Sa-tan khiến cho chúng ta bị chế nhạo và bắt bớ một cách bất công vì chúng ta “vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Vì vậy, muốn bền bỉ chịu đựng để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời cho đến khi thế gian của Sa-tan kết liễu, chúng ta cần niềm an ủi, sự giúp đỡ cũng như sức mạnh mà ngài cung cấp.
Tìm sự an ủi ở đâu
14. a) Vào đêm tối trước khi chết, Chúa Giê-su đã hứa gì? b) Chúng ta cần phải làm gì để tận hưởng sự an ủi của thánh linh Đức Chúa Trời?
14 Vào đêm tối trước khi chết, Chúa Giê-su đã nói rõ với các sứ đồ trung thành là ngài sắp rời xa họ để trở về cùng Cha ngài. Điều này đã làm cho họ lo âu và buồn rầu (Giăng 13:33, 36; 14:27-31). Vì biết rằng họ vẫn cần sự an ủi sau này, Chúa Giê-su hứa: “Ta lại sẽ nài-xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời” (Giăng 14:16). Ở đây Chúa Giê-su nói đến thánh linh của Đức Chúa Trời, được đổ trên các môn đồ 50 ngày sau khi ngài sống lại.a Ngoài một số điều khác, thánh linh của Đức Chúa Trời đã an ủi họ trong những kỳ thử thách và thêm sức cho họ hầu tiếp tục làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 4:31). Tuy nhiên, chúng ta không nên xem sự giúp đỡ ấy như là điều đương nhiên. Muốn được lợi ích tối đa, mỗi tín đồ đấng Christ phải tiếp tục cầu nguyện để được Đức Chúa Trời giúp đỡ và an ủi qua thánh linh của ngài (Lu-ca 11:13).
15. Đức Giê-hô-va ban niềm an ủi cho chúng ta qua những cách nào?
15 Một cách khác mà Đức Chúa Trời ban sự an ủi là qua Lời ngài, tức Kinh-thánh. Phao-lô viết: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4). Điều này cho thấy chúng ta cần phải đều đặn học hỏi và suy gẫm về những điều ghi trong Kinh-thánh cũng như các sách báo giúp hiểu Kinh-thánh. Chúng ta cũng phải đều đặn đi dự các buổi họp đạo đấng Christ, nơi mà những ý tưởng đầy an ủi được chia sẻ từ Lời Đức Chúa Trời. Một trong những mục đích chính của những dịp nhóm lại như thế là để khuyên bảo nhau (Hê-bơ-rơ 10:25).
16. Những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để an ủi phải thúc đẩy chúng ta làm gì?
16 Lá thư của Phao-lô viết cho người Rô-ma cho thấy tiếp kết quả tốt đẹp mà chúng ta nhận được nhờ tận dụng những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời hầu an ủi chúng ta. Phao-lô viết: “Xin Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jêsus-Christ; để anh em lấy một lòng một miệng mà ngợi-khen Đức Chúa Trời, là Cha của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta” (Rô-ma 15:5, 6). Đúng vậy, bằng cách tận dụng những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm mục đích an ủi, chúng ta sẽ càng giống đấng Lãnh đạo can đảm của mình, tức Chúa Giê-su Christ. Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta tiếp tục dùng miệng để ngợi khen Đức Chúa Trời trong công việc rao giảng, tại các buổi họp, trong cuộc nói chuyện riêng với anh em cùng đạo cũng như trong lời cầu nguyện.
Trong kỳ thử thách gay go
17. Đức Giê-hô-va an ủi Con ngài như thế nào, và với kết quả gì?
17 Chúa Giê-su đã lấy làm “sầu-não” và “buồn-bực” vào đêm tối trước khi ngài chết một cách đau đớn cùng cực (Ma-thi-ơ 26:37, 38). Cho nên ngài lui ra xa các môn đồ một khoảng và cầu xin Cha ngài giúp đỡ. “Vì lòng nhơn-đức Ngài, nên được nhậm lời” (Hê-bơ-rơ 5:7). Kinh-thánh kể lại rằng “một thiên-sứ từ trên trời hiện xuống cùng [Chúa Giê-su], mà thêm sức cho Ngài” (Lu-ca 22:43). Sự kiện Chúa Giê-su đã can đảm và dũng cảm đương đầu với những kẻ bắt bớ ngài cho thấy rõ cách Đức Chúa Trời an ủi Con ngài là rất hữu hiệu (Giăng 18:3-8, 33-38).
18. a) Phao-lô gặp thử thách đặc biệt vào giai đoạn nào trong cuộc đời? b) Làm thế nào chúng ta có thể đem niềm an ủi đến cho các trưởng lão có lòng thương xót và làm việc khó nhọc?
18 Sứ đồ Phao-lô cũng đã gặp những giai đoạn thử thách gay go. Thí dụ, công việc rao giảng của ông ở thành Ê-phê-sô đã đánh dấu bằng “nước mắt, và ở giữa sự thử-thách mà người Giu-đa đã lập mưu hại [ông]” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:17-20). Cuối cùng, Phao-lô đã rời thành Ê-phê-sô sau khi những kẻ thờ nữ thần Đi-anh khiến dân chúng trong thành nổi loạn chống lại hoạt động rao giảng của ông (Công-vụ các Sứ-đồ 19:23-29; 20:1). Khi Phao-lô đi về phía bắc đến thành Trô-ách, có một chuyện khác làm cho ông rất lo âu. Không lâu trước cuộc nổi loạn ở thành Ê-phê-sô, ông nhận được một tin đáng lo ngại. Hội thánh còn non nớt ở thành Cô-rinh-tô bị xáo trộn vì sự chia rẽ, và hội thánh ấy dung túng sự tà dâm. Cho nên từ thành Ê-phê-sô, Phao-lô đã viết lá thư khiển trách nặng nề, hy vọng sửa chữa được tình thế. Ông thấy làm điều đó không phải là dễ. Sau này trong lá thư thứ hai ông cho biết rằng “ấy là đương trong cơn khốn-nạn lớn, tấm lòng quặn-thắt, nước mắt dầm-dề, mà tôi đã viết thơ cho anh em” (II Cô-rinh-tô 2:4). Giống như Phao-lô, các trưởng lão có lòng thương xót thấy việc cho lời khuyên và khiển trách nhằm mục đích sửa chữa không phải là điều dễ làm, một phần là vì họ biết rất rõ sự yếu kém của chính bản thân mình (Ga-la-ti 6:1). Vậy mong sao chúng ta có thể đem niềm an ủi đến cho những người dẫn đầu trong vòng chúng ta bằng cách sẵn lòng hưởng ứng lời khuyên yêu thương dựa trên Kinh-thánh (Hê-bơ-rơ 13:17).
19. Tại sao Phao-lô rời thành Trô-ách để đi đến vùng Ma-xê-đoan, và làm thế nào Phao-lô cuối cùng được thấy nhẹ nhõm?
19 Khi ở thành Ê-phê-sô, Phao-lô không những viết thư cho anh em ở thành Cô-rinh-tô mà ông còn phái Tít đến để giúp họ, bảo Tít báo tin cho ông biết phản ứng của họ về lá thư ấy. Phao-lô đã hy vọng gặp Tít tại thành Trô-ách. Phao-lô được ban phước tại đó vì được những cơ hội thuận lợi để đào tạo môn đồ. Nhưng điều này đã không làm dịu nỗi lo lắng của ông vì Tít vẫn chưa đến (II Cô-rinh-tô 2:12, 13). Cho nên ông đi tiếp đến vùng Ma-xê-đoan, hy vọng gặp Tít ở đó. Vì công việc rao giảng bị chống đối mãnh liệt ở đó nên ông càng lo lắng hơn nữa. Ông giải thích: “Khi chúng tôi đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác-thịt chẳng được yên-nghỉ chút nào. Chúng tôi khốn-đốn đủ mọi cách: ngoài thì có sự chiến-trận, trong thì có sự lo-sợ. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng yên-ủi kẻ ngã lòng, đã yên-ủi tôi bởi Tít đến nơi” (II Cô-rinh-tô 7:5, 6). Phao-lô thấy nhẹ nhõm biết bao khi cuối cùng Tít đến để nói cho ông biết là người Cô-rinh-tô đã phản ứng thuận lợi về lá thư của ông!
20. a) Như trong trường hợp của Phao-lô, Đức Giê-hô-va ban sự an ủi qua cách quan trọng nào khác? b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
20 Ngày nay các tôi tớ của Đức Chúa Trời được an ủi qua kinh nghiệm của Phao-lô, vì nhiều người trong họ cũng gặp những thử thách khiến họ “ngã lòng” hoặc “nản lòng” (Bản Diễn Ý). Đúng vậy, “Đức Chúa Trời yên-ủi” biết những nhu cầu cá nhân của chúng ta và có thể dùng chúng ta để an ủi lẫn nhau, giống như Phao-lô đã được an ủi khi nghe Tít cho biết về thái độ ăn năn của anh em ở thành Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 7:11-13). Trong bài tới, chúng ta sẽ xem lá thư hồi âm nồng ấm của Phao-lô cho anh em ở thành Cô-rinh-tô và ngày nay làm thế nào điều đó có thể giúp chúng ta trở nên hữu hiệu trong việc chia sẻ sự an ủi của Đức Chúa Trời với người khác.
[Chú thích]
a Một trong những cách chính mà thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động trên những tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất là xức dầu cho họ để làm con thiêng liêng của Đức Chúa Trời và làm anh em của Chúa Giê-su (II Cô-rinh-tô 1:21, 22). Đặc ân này dành riêng cho 144.000 môn đồ của đấng Christ (Khải-huyền 14:1, 3). Ngày nay, Đức Chúa Trời nhân từ ban cho đại đa số tín đồ đấng Christ hy vọng sống đời đời trong một địa đàng trên đất. Mặc dù không được xức dầu, họ cũng được thánh linh của Đức Chúa Trời giúp đỡ và an ủi.
Bạn có thể trả lời không?
◻ Làm thế nào loài người rơi vào tình trạng cần sự an ủi?
◻ Chúa Giê-su đã chứng tỏ là đấng lớn hơn Nô-ê như thế nào?
◻ Tại sao Giê-su tự gọi mình là “Chúa ngày Sa-bát”?
◻ Ngày nay Đức Chúa Trời ban niềm an ủi như thế nào?
[Bản đồ/Các hình nơi trang 10]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Phao-lô được an ủi rất nhiều khi nghe Tít cho biết về anh em ở thành Cô-rinh-tô
MA-XÊ-ĐOAN
Phi-líp
HY LẠP
Cô-rinh-tô
A-SI
Trô-ách
Ê-phê-sô