Đương đầu với nỗi đau
“Các con trai, con gái [của Gia- cốp] cố gắng an ủi cha, nhưng cha họ gạt đi: “Không! Cha cứ khóc nó cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt.” Gia-cốp thương tiếc con đứt ruột”.—SÁNG-THẾ KÝ 37:35, Bản Diễn Ý.
Tộc trưởng Gia-cốp vô cùng đau buồn trước cái chết của con trai, tưởng chừng như không thể nguôi ngoai cho đến ngày ông nhắm mắt. Như Gia-cốp, có thể bạn cũng nghĩ rằng nỗi đau mất người thân không bao giờ vơi đi được. Phải chăng đau buồn nhiều như thế có nghĩa là thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời? Không phải thế!
Kinh Thánh cho biết ông Gia-cốp là người có đức tin. Như ông nội là Áp-ra-ham và cha là Y-sác, Gia-cốp được khen về đức tin mạnh mẽ của ông (Hê-bơ-rơ 11:8, 9, 13). Có lần, ông đã vật lộn suốt đêm để níu kéo một thiên sứ và xin cho bằng được ân phước của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 32:24-30). Rõ ràng, ông là người luôn hướng về Ngài. Vậy chúng ta rút ra điều gì từ trường hợp của ông? Một người có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời vẫn có thể đau buồn và sầu khổ khi mất người thân. Khi ấy, đau buồn là phản ứng bình thường và tự nhiên.
Đau buồn là gì?
Biểu hiện nỗi đau của mỗi người mỗi khác, nhưng biểu hiện chung là sự đau đớn tột độ về tinh thần. Một anh đã trải qua cảm xúc này khi cha anh bị đột tử vì bệnh tim vào năm anh lên 14 tuổi. Tên anh là Leonardo. Đến nay, ngày dì anh báo hung tin vẫn luôn in đậm trong trí anh. Lúc đầu, anh không thể nào chấp nhận sự thật ấy. Nhìn thi thể của cha tại buổi lễ tang nhưng anh vẫn cảm thấy như mình đang mơ. Anh không thể rơi nước mắt trong khoảng sáu tháng. Nhiều lần, anh chợt nhận ra mình vẫn chờ cha đi làm về. Phải mất khoảng một năm sau anh mới chấp nhận sự thật là cha anh đã mất. Khi ấy, anh cảm thấy vô cùng cô độc. Ngay cả những điều bình thường, chẳng hạn như về tới căn nhà vắng lặng, cũng có thể gợi cho anh cảm giác vắng bóng cha. Những lúc ấy, anh không kiềm lòng được và bật khóc. Anh nhớ cha da diết!
Như trường hợp của anh Leonardo cho thấy rõ, nỗi đau mất người thân có thể lên đến tột cùng. Điều đáng mừng là chúng ta có thể vượt qua nỗi đau đó. Tuy nhiên, cần có thời gian. Giống như vết thương nặng cần có thời gian để lành, nỗi đau tinh thần cũng cần có thời gian để nguôi ngoai. Khoảng thời gian ấy có thể là nhiều tháng, nhiều năm và thậm chí lâu hơn. Dù vậy, cảm giác đau đớn tột cùng trong thời gian đầu sẽ dần vơi đi, đời sống sẽ bớt ảm đạm và đỡ trống trải hơn.
Mặc dù vậy, đau buồn cũng là phản ứng tự nhiên và cần thiết để lành vết thương tinh thần và tập thích ứng với hoàn cảnh mới. Người đã khuất để lại khoảng trống trong đời chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần thích nghi với đời sống vắng bóng người đó. Lúc ấy, bộc lộ nỗi đau là cách để trút bớt cảm xúc chất chứa trong lòng. Dù mỗi người có cách bộc lộ khác nhau nhưng quan trọng là không nên đè nén nỗi đau vì điều đó sẽ ảnh hưởng tai hại đến tinh thần, cảm xúc và thể chất. Vậy, làm sao để bộc lộ nỗi đau cho đúng cách? Kinh Thánh đưa ra một số lời khuyên hữu ích.a
Đương đầu với nỗi đau
Đối với nhiều người mất thân nhân, trò chuyện là cách để trút bớt nỗi lòng. Chẳng hạn, hãy để ý lời nói của một nhân vật trong Kinh Thánh là ông Gióp. Cùng một lúc, ông bị mất cả mười người con và gặp nhiều thảm họa khác. Ông nói: “Linh-hồn tôi đã chán-ngán sự sống tôi; tôi sẽ buông-thả lời than-thở của tôi, tôi sẽ nói vì cơn cay-đắng của lòng tôi” (Gióp 1:2, 18, 19; 10:1). Ông muốn “buông-thả lời than-thở” về nỗi đau của mình. Bằng cách nào? Bằng cách ông sẽ “nói” hết nỗi lòng.
Sau khi mẹ qua đời, một anh tên là Paulo cho biết: “Nói về mẹ là cách giúp tôi đương đầu với nỗi đau”. Vì vậy, nếu trút nỗi lòng với một người bạn đáng tin cậy, bạn có thể thấy nhẹ nhõm phần nào (Châm-ngôn 17:17). Một chị tên là Yone đã nhờ anh em đồng đạo đến thăm thường xuyên sau khi mẹ chị qua đời. Chị kể: “Nhờ trò chuyện với bạn bè, tôi cảm thấy vơi đi nỗi buồn”. Nếu diễn đạt cảm xúc bằng lời nói và chia sẻ nỗi niềm với một người biết thông cảm, có thể bạn cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Viết cũng là cách để giải tỏa cảm xúc. Những người khó bộc lộ cảm xúc qua lời nói có thể cảm thấy dễ trải lòng qua những trang giấy. Một nhân vật trong Kinh Thánh đã làm như thế là ông Đa-vít. Sau khi hay tin vua Sau-lơ và người bạn thân là Giô-na-than tử trận, ông đã viết một bài bi ca để trút hết nỗi niềm. Giờ đây bài ca cảm động ấy nằm trong Kinh Thánh, nơi sách thứ nhì của Sa-mu-ên.—2 Sa-mu-ên 1:17-27.
Khóc cũng giúp nhẹ lòng. Kinh Thánh nói: “Việc gì cũng có lúc. . . có lúc khóc” (Truyền-đạo 3:1, 4, BDY). Khi mất người thân cũng là lúc để khóc. Rơi lệ vì đau buồn không có gì là đáng để xấu hổ. Kinh Thánh có tường thuật về nhiều người tin Đức Chúa Trời nhưng vẫn không ngại bộc lộ nỗi đau qua nước mắt (Sáng-thế Ký 23:2; 2 Sa-mu-ên 1:11, 12). Chúa Giê-su cũng “khóc” khi gần đến mộ của người bạn thân vừa qua đời là La-xa-rơ.—Giăng 11:33, 35.
Trong giai đoạn đau buồn, bạn phải kiên nhẫn với bản thân vì sẽ nhận thấy rằng cảm xúc của mình thay đổi bất thường. Hãy nhớ rằng không có gì phải xấu hổ khi không cầm được nước mắt. Nhiều người có đức tin nhận ra rằng khóc là phản ứng tự nhiên và cần thiết để vượt qua nỗi đau.
Đến gần Đức Chúa Trời
Kinh Thánh khuyến khích chúng ta: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4:8). Một cách để làm điều này là cầu nguyện. Đừng xem nhẹ sức mạnh của lời cầu nguyện! Kinh Thánh đưa ra lời cam đoan đầy an ủi sau đây: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương” (Thi-thiên 34:18). Kinh Thánh cũng đoan chắc: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi” (Thi-thiên 55:22). Hãy nghĩ xem: như đã đề cập ở trên, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể bộc lộ cảm xúc với một người bạn đáng tin cậy, huống hồ gì bây giờ chúng ta lại được bày tỏ nỗi niềm với Đức Chúa Trời, Đấng đã hứa là sẽ yên ủi lòng chúng ta!—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:16, 17.
Anh Paulo, người được nói ở trên, cho biết: “Khi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, tôi quỳ xuống cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nài xin Ngài giúp sức cho tôi”. Anh cảm nghiệm được rằng lời cầu nguyện của mình đã có hiệu quả. Nếu kiên trì cầu nguyện, hẳn bạn cũng cảm nghiệm được rằng “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” sẽ giúp bạn có can đảm và nghị lực để đương đầu với nỗi đau.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4; Rô-ma 12:12.
Hy vọng được gặp lại người đã qua đời
Chúa Giê-su đã khẳng định: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25). Thật thế, Kinh Thánh dạy rằng người chết sẽ sống lại.b Trong thời gian sống ở trên đất, Chúa Giê-su từng thể hiện khả năng làm người chết sống lại. Có lần, ngài đã làm cho một bé gái 12 tuổi sống lại. Khi ấy, cha mẹ em cảm thấy thế nào? Họ “sửng sốt ngẩn cả người ra” vì quá đỗi vui mừng (Mác 5:42, Nguyễn Thế Thuấn). Là vua ở trên trời, dưới triều đại của ngài, Chúa Giê-su sẽ làm cho vô số người sống lại ngay trên trái đất này, lúc bấy giờ sẽ là một thế giới hòa bình và công bằng (Công-vụ 24:15; 2 Phi-e-rơ 3:13). Hãy tưởng tượng cảnh vui mừng khôn xiết khi những người đã qua đời sẽ lần lượt được sống lại và đoàn tụ với người thân!
Bà Claudete, người phụ nữ bị mất con trong tai nạn máy bay được đề cập ở bài trước, đã gắn hình con trên tủ lạnh. Bà thường ngắm hình con và tự nhủ: “Khi con sống lại, mẹ con mình sẽ gặp nhau”. Anh Leonardo thì hình dung cảnh cha sẽ sống lại trong thế giới Đức Chúa Trời đã hứa. Quả vậy, niềm hy vọng được gặp lại người thân là nguồn an ủi thật sự đối với bà Claudete, anh Leonardo và vô số người khác. Đó cũng có thể trở thành niềm hy vọng của chính bạn.
[Chú thích]
a Để biết làm thế nào giúp trẻ em vượt qua nỗi đau mất người thân, xin xem bài “Giúp con đương đầu với nỗi đau mất người thân” nơi trang 18 đến 20 của số này.
b Để biết thêm chi tiết về hy vọng của sự sống lại được ghi trong Kinh Thánh, xin xem chương 7 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Khung/Hình nơi trang 7]
“Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”
“Chúc-tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, là Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”.—2 Cô-rinh-tô 1:3.
Câu Kinh Thánh trên cho thấy Đức Chúa Trời có thể giúp những người trung thành với Ngài có sức đương đầu với bất cứ vấn đề hoặc thử thách nào. Một cách Ngài ban sự yên ủi là qua một người bạn hoặc người thân cùng đức tin.
Anh Leonardo, người đã mất cha năm lên 14 tuổi, nhớ mãi lần anh được tiếp sức và an ủi. Lần ấy, khi anh vừa về đến nhà và nhớ ra chỉ còn một mình anh trong căn nhà trống trải, anh bật khóc và nước mắt cứ mãi tuôn trào. Anh lang thang ra công viên gần nhà, ngồi xuống một băng ghế và nước mắt lại rơi. Giữa hai dòng lệ tuôn, anh nài xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Đúng lúc ấy, một chiếc xe tải nhỏ chợt dừng lại gần chỗ anh đang ngồi. Leonardo nhận ra tài xế của chiếc xe ấy là một anh em đồng đạo. Người tài xế đó đang đi giao hàng nhưng bị lạc đường. Nhờ sự hiện diện tình cờ của anh ấy mà Leonardo cảm thấy vơi bớt nỗi cô đơn.
Trường hợp khác là của một người góa vợ. Có lần, ông đang cảm thấy cô đơn và vô cùng buồn nản. Ông không thể ngăn nổi dòng lệ rơi, vì trong mắt ông mọi thứ dường như bị bao phủ bởi một màu đen ảm đạm. Ông van xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện chưa dứt thì chuông điện thoại reo. Đó là cháu ngoại ông. Ông cho biết: “Tuy ngắn ngủi nhưng cuộc trò chuyện ấy cũng đủ giúp tôi lấy lại nghị lực. Tôi tin chắc rằng cú điện thoại ấy là cách Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của tôi”.
[Khung nơi trang 9]
An ủi người khác
“[Đức Chúa Trời] yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn, hầu cho nhân sự yên-ủi mà Ngài đã yên-ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-nạn nào họ gặp!”.—2 Cô-rinh-tô 1:4.
Nhiều tín đồ Đấng Christ đã trực tiếp cảm nghiệm được những lời nêu trên. Nhờ được an ủi để đương đầu với nỗi đau mất người thân, họ có thể khích lệ và yên ủi người khác.
Hãy xem trường hợp của chị Claudete. Là một môn đồ của Chúa Giê-su, chị thường đi nói với người khác về niềm tin dựa trên Kinh Thánh. Trước khi bị mất con, chị từng nói về niềm tin của mình với một phụ nữ bị mất con trai vì bệnh bạch cầu. Người phụ nữ ấy rất thích khi chị Claudete đến thăm nhưng bà nghĩ là chị không thể nào hiểu thấu nỗi đau của bà. Tuy nhiên, không lâu sau khi con trai chị Claudete qua đời, người phụ nữ ấy đã đến thăm chị. Bà nói là muốn xem chị có còn giữ vững đức tin không, một khi chị cũng rơi vào hoàn cảnh như bà. Ngạc nhiên trước niềm tin mạnh mẽ của chị Claudete, bà bắt đầu đều đặn học Kinh Thánh với chị và được an ủi rất nhiều qua Lời Đức Chúa Trời.
Sau khi cha mất, anh Leonardo quyết định học ngôn ngữ ký hiệu để chia sẻ thông điệp an ủi của Kinh Thánh cho người khiếm thính. Anh nhận thấy chính mình cũng được lợi ích rất nhiều khi nỗ lực giúp đỡ người khác. Anh thổ lộ: “Một trong những điều giúp tôi đương đầu với nỗi đau mất cha là dốc sức giúp người khiếm thính biết về Đức Chúa Trời. Tôi dành nhiều thời giờ và năng lực để làm công việc đó. Khi thấy học viên Kinh Thánh đầu tiên của mình trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va, nỗi buồn của tôi dường như tan biến và thay vào đó là niềm vui khôn tả! Thật tình, từ khi cha tôi qua đời đến lúc ấy, đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc”.—Công-vụ 20:35.
[Hình nơi trang 5]
Nếu trút được nỗi lòng với ai đó, bạn có thể thấy nhẹ nhõm phần nào
[Hình nơi trang 6]
Bạn có thể được an ủi thật sự khi đọc những câu Kinh Thánh nói về sự sống lại
[Hình nơi trang 6]
Trải lòng qua những trang giấy là một cách để bộc lộ nỗi đau
[Hình nơi trang 8, 9]
Chúa Giê-su hứa rằng những người tin nơi ngài sẽ được sống lại