Chẳng phải là những kẻ buôn bán Lời của Đức Chúa Trời
“CHÚNG TÔI truyền giáo vì tiền bạc”. Đó là lời của một cựu “mục sư chuyên mời cầu nguyện bằng điện thoại” trong cuộc phỏng vấn của một chương trình phóng sự tại Hoa Kỳ điều tra về các nhà truyền giáo bằng vô tuyến truyền hình vào cuối năm 1991.
Chương trình này chú trọng đến ba nhóm truyền giáo bằng ti-vi tại Hoa Kỳ, và cho thấy chỉ ba nhóm này đã bóc lột dân chúng hàng chục triệu đô-la mỗi năm. Một nhóm “truyền giáo” đó được miêu tả như một “xưởng máy tối tân xin tiền đóng góp”. Cả ba nhóm đã dính líu vào nhiều vụ gian lận. Điều này có làm bạn sửng sốt không?
Tôn giáo bị xem xét kỹ lưỡng
Không phải chỉ các nhóm truyền giáo bằng ti-vi nhưng ngay cả các tôn giáo chính thống và các đạo ở giữa hai loại này cũng đang bị xem xét kỹ lưỡng bởi các cơ quan chính quyền, tư nhân và bởi công chúng nói chung. Trong vài trường hợp người ta đã đặt nhiều nghi vấn khi xét các trương mục về chứng khoán của nhà thờ, các nhóm chính trị hoạt động do nhà thờ tài trợ, và lối sống xa hoa của giới chức giáo phẩm được trả lương rất cao.
Một số giới chức giáo phẩm tỏ ra thế nào, nếu đem so với sự miêu tả cao quí của công việc truyền giáo đạo đấng Christ? Sứ đồ Phao-lô cách đây gần 2.000 năm đã viết: “Chúng tôi chẳng phải là những kẻ buôn bán [NW] lời của Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác; nhưng chúng tôi lấy lòng chơn-thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến thế nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 2:17). Ai là những người phù hợp với sự miêu tả này?
Để giúp bạn cân nhắc vấn đề, chúng ta hãy trở lại xét kỹ xem công việc truyền giáo đạo đấng Christ của Phao-lô và những người kết hợp với ông đã được tài trợ thế nào. Và có sự khác biệt thế nào với những người khác trong thời ông?
Những người rao giảng lưu động trong thế kỷ thứ nhất
Phao-lô không phải là người rao giảng lưu động duy nhất. Thời đó có nhiều người đi truyền bá quan niệm của họ về tôn giáo hay triết lý. Người viết Kinh-thánh là Lu-ca đã nói về “mấy thầy trừ quỉ là người Giu-đa đi từ nơi này sang chỗ kia” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:13). Khi Giê-su kết án người Pha-ra-si, ngài nói thêm: “Các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình” (Ma-thi-ơ 23:15). Chính Giê-su cũng đi rao giảng lưu động. Ngài đã tập cho các sứ đồ và môn đồ bắt chước ngài đi rao giảng không những trong xứ Giu-đê và Sa-ma-ri mà còn “cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).
Trong các chuyến du hành, môn đồ của Giê-su gặp nhiều nhà truyền giáo không phải trong dân Do-thái. Tại A-thên, Phao-lô đụng độ với các triết gia theo phái Epicurien và Stoicien (Công-vụ các Sứ-đồ 17:18). Trong khắp lãnh thổ đế quốc La-mã có những người theo phái Cynic cố gắng thuyết phục người ta bằng diễn văn công cộng. Những người sốt sắng theo Isis và Serapis thì mở rộng ảnh hưởng trên phái nữ và người nô lệ với lời hứa đem lại bình đẳng với người tự do phái nam về tôn giáo và xã hội. Từ những giáo phái đông phương chủ trương sanh sản cũng nẩy nở ra nhiều đạo giáo huyền bí trong thế giới Hy-lạp và La-mã. Hy vọng được thoát khỏi tội lỗi và ham muốn được chia xẻ những bí mật siêu phàm đã khiến một số người theo các thần giả Demeter, Dionysus và Cybele.
Làm sao trả chi phí?
Tuy nhiên, đi du hành phải cần nhiều tiền, ngoài tiền xe, tiền thuế, và chi phí tàu bè, còn tiền ăn, ở, sưởi, quần áo và thuốc men. Để trả các chi phí đó, những người truyền đạo, triết gia và nhà tu hành huyền bí có năm cách chính: 1) dạy lấy tiền; 2) làm công việc hầu hạ hay buôn bán; 3) ở đậu nhà người hiếu khách và nhận tiền đóng góp tự nguyện; 4) ở bám theo những người giàu có, thường làm thầy giáo dạy tư cho họ; và 5) ăn xin. Để chuẩn bị tinh thần trước những sự từ khước, người ăn xin nổi danh là Diogenes thuộc phái Cynic, đã xin của bố thí ngay cả các pho tượng.
Phao-lô biết một số người truyền giáo tự xưng theo đạo đấng Christ, nhưng thật sự thì, giống những triết gia Hy-lạp, nịnh bợ người giàu có và lấy tiền của người nghèo. Ông quở trách hội-thánh ở Cô-rinh-tô: “Anh em hay chịu người ta... nuốt sống, hay là cướp-bóc” (II Cô-rinh-tô 11:20). Giê-su Christ không hề tước đoạt gì của ai, Phao-lô và những người cùng làm việc với ông cũng vậy. Nhưng nhiều người truyền giáo tham lam ở Cô-rinh-tô đã tỏ ra là những “sứ-đồ giả, kẻ làm công lừa-dối” và là kẻ giúp việc của Sa-tan (II Cô-rinh-tô 11:13-15).
Các chỉ thị của Giê-su cho môn đồ nói rõ họ không được dạy lấy tiền. “Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không” (Ma-thi-ơ 10:8). Mặc dù thời đó đi ăn xin là chuyện thường, nhưng bị thiên hạ chê khinh. Trong một câu chuyện ví dụ, Giê-su nói về một người quản gia tự nghĩ “đi ăn-mày thì hổ-ngươi” (Lu-ca 16:3). Bởi vậy chúng ta không bao giờ thấy trong Kinh-thánh có nói các môn đồ trung thành của Giê-su lại đi xin tiền hay đồ gì. Họ sống theo nguyên tắc: “Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10).
Giê-su khuyến khích các môn đồ chăm lo nhu cầu mình bằng hai cách. Thứ nhất, theo lời diễn tả của Phao-lô, họ có thể “được nuôi mình bởi Tin-lành”. Như thế nào? Bằng cách nhận sự tiếp đãi tự nguyện (I Cô-rinh-tô 9:14; Lu-ca 10:7). Thứ hai, họ có thể sống tự túc (Lu-ca 22:36).
Các nguyên tắc Phao-lô đã áp dụng
Phao-lô áp dụng các nguyên tắc nói trên như thế nào? Thì đây, Lu-ca viết về cuộc hành trình thứ hai của sứ đồ như sau: “Chúng ta từ thành Trô-ách đi thuyền thẳng đến đảo Sa-mô-tra-xơ; bữa sau, đến thành Nê-a-bô-li; từ nơi đó, chúng ta tới thành Phi-líp, là thành thứ nhứt của tỉnh Ma-xê-đoan, và là thuộc-địa nước Rô-ma. Chúng ta ở tạm đó vài ngày”. Như vậy, tất cả những chi phí về di chuyển, đồ ăn và chỗ ở đều do chính tay họ tự cung cấp (Công-vụ các Sứ-đồ 16:11, 12).
Rồi đến lúc có một người đàn bà tên là Ly-đi nhận nghe những “lời Phao-lô nói. Khi người đã chịu phép báp-têm với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung-thành với Chúa thì hãy vào nhà tôi, mà ở lại đó; rồi người ép mời vào” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:13-15). Có lẽ một phần vì tính hiếu khách của Ly-đi cho nên Phao-lô có thể viết cho những anh em cùng đức tin tại thành Phi-líp: “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm-tạ Đức Chúa Trời tôi, và mỗi khi cầu-nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn-hở, vì cớ từ buổi ban-đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông-công trong sự tấn-tới của đạo Tin-lành” (Phi-líp 1:3-5).
Lu-ca cũng kể ra nhiều trường hợp những người đã đón tiếp các anh em tín đồ đi lưu động (Công-vụ các Sứ-đồ 16:33, 34; 17:7; 21:7, 8, 16; 28:2, 7, 10, 14). Trong những lá thư được soi dẫn của ông, Phao-lô có nhìn nhận và nói lời cám ơn về sự tiếp đãi và các món quà mà ông đã nhận được (Rô-ma 16:23; II Cô-rinh-tô 11:9; Ga-la-ti 4:13, 14; Phi-líp 4:15-18). Tuy nhiên, cả ông lẫn những người cùng làm việc với ông không có nói bóng gió gì là mọi người nên cho đồ hoặc trợ cấp tài chính cho họ cả. Nhân-chứng Giê-hô-va có thể nói rằng ngày nay các giám thị lưu động vẫn có cùng một thái độ tốt này.
Không tùy thuộc vào sự hiếu khách
Phao-lô không tùy thuộc vào sự hiếu khách. Ông đã tập một nghề đòi hỏi làm việc khó nhọc và nhiều giờ nhưng kết quả kiếm được ít tiền. Khi sứ đồ đến thành Cô-rinh-tô với tư cách một giáo sĩ, “tại đó người gặp một người Giu-đa tên là A-qui-la... với vợ mình là Bê-rít-sin... Phao-lô bèn hiệp với hai người. Vì đồng nghề, nên Phao-lô ở nhà hai người mà làm việc chung nhau; vả, nghề các người đó là may trại” (Công-vụ các Sứ-đồ 18:1-3).
Sau này tại Ê-phê-sô, Phao-lô vẫn làm việc khó nhọc. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:34; I Cô-rinh-tô 4:11, 12). Có thể Phao-lô đã có nghề chuyên môn may lều dùng vải cứng và lông dê thịnh hành trong vùng quê ông. Chúng ta có thể tưởng tượng Phao-lô ngồi trên ghế thấp, cúi xuống bàn, cắt và may cho đến khuya. Có lẽ nghề này cũng không rầm lắm cho nên ông có thể vừa nói chuyện vừa làm việc, và Phao-lô có lẽ đã có cơ hội để làm chứng cho người chủ, các người làm công, người nô lệ, khách hàng và bạn hữu. (So sánh I Tê-sa-lô-ni-ca 2:9).
Nhà giáo sĩ Phao-lô từ chối không lấy công việc rao giảng làm thương mại hoặc bằng bất cứ cách nào cho người ta nghĩ rằng ông có thể buôn bán Lời của Đức Chúa Trời. Ông nói với người ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Chính anh em biết điều mình phải làm để học-đòi chúng tôi; vì chúng tôi không có ăn-ở sái-bậy giữa anh em, chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm-lụng khó-nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết. Chẳng phải chúng tôi không có quyền-lợi được ăn dưng, nhưng muốn làm gương cho anh em, để anh em bắt chước” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:7-9).
Những người bắt chước ông trong thế kỷ hai mươi
Ngày nay Nhân-chứng Giê-hô-va bắt chước theo gương mẫu tốt của Phao-lô. Các trưởng lão và tôi tớ chức vụ không nhận lãnh tiền lương hay ngay cả một trợ cấp nào từ các hội-thánh mà họ phụng sự. Thay vì thế, họ cung cấp cho gia đình họ cũng như bất cứ mọi người nào khác. Phần đông những người trong họ đi làm việc ngoài đời. Những người rao giảng làm khai thác trọn thời gian cũng tự túc, nhiều người làm việc vừa đủ để cung cấp các nhu cầu căn bản. Mỗi năm nhiều Nhân-chứng đi xa để rao giảng trong những khu vực hẻo lánh ít được rao giảng và họ tự trang trải các chi phí của họ. Nếu có những gia đình nào tại địa phương mời họ dùng bữa cùng hay mời họ ở đậu, họ biết ơn lắm nhưng họ không lạm dụng tính hiếu khách như thế.
Tất cả công việc rao giảng và dạy dỗ của Nhân-chứng Giê-hô-va đều là tình nguyện, và họ không bao giờ tính tiền về công việc thánh chức. Tuy nhiên, nếu có ai muốn đóng góp cho công việc rao giảng khắp thế giới của họ, thì họ nhận và gởi số tiền đó đến Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) cho mục đích ấy (Ma-thi-ơ 24:14). Công việc rao giảng của các Nhân-chứng không bao giờ có tính cách thương mại. Giống như Phao-lô, mỗi Nhân-chứng thật sự có thể nói: “Tôi đã rao-giảng Tin-lành của Đức Chúa Trời cho anh em một cách nhưng-không” (II Cô-rinh-tô 11:7). Nhân-chứng Giê-hô-va không phải là “những kẻ buôn bán lời của Đức Chúa Trời”.
[Khung nơi trang 19]
NHIỀU NGƯỜI ĐÃ ĐÓNG GÓP CHO CÔNG VIỆC RAO GIẢNG VỀ NƯỚC TRỜI NHƯ THẾ NÀO?
◻ ĐÓNG GÓP CHO CÔNG VIỆC TRÊN KHẮP THẾ GIỚI: Nhiều người để dành hoặc định trước trong ngân sách một số tiền mà họ bỏ vào hộp đóng góp có nhản hiệu: “Đóng góp cho công việc rao giảng của Hội trên khắp thế giới—Ma-thi-ơ 24:14”. Mỗi tháng các hội-thánh gởi những món tiền này đến trụ sở trung ương ở Brooklyn, Nữu-ước hoặc đến văn phòng chi nhánh gần nhất.
◻ TẶNG VẬT: Những món tiền tình nguyện tặng cho Hội Tháp Canh có thể gửi trực tiếp đến địa chỉ Hội Tháp Canh, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201, U. S. A., hay đến chi nhánh địa phương gần nơi bạn cự ngụ. Những đồ nữ trang hay những vật quí giá khác cũng có thể gửi tặng cho Hội cùng một lá thư nói rõ đây là một tặng phẩm.
◻ SẮP ĐẶT TẶNG VỚI ĐIỀU KIỆN: Một người có thể đưa tiền cho Hội Tháp Canh với điều kiện ký thác cho tới khi người đó chết, với điều khoản nói rằng trong trường hợp người đó cần thì có thể lấy lại được.
◻ BẢO HIỂM: Một người có thể ký giấy cho Hội Tháp Canh đứng tên để lãnh tiền bảo hiểm của mình dù tiền bảo hiểm nhân mạng hoặc lãnh tiền của quỹ hưu trí. Trong trường hợp như thế cần thông báo cho Hội biết trước về sự sắp đặt này.
◻ TRƯƠNG MỤC NGÂN HÀNG: Một người có thể ký thác Trương mục ngân hàng, chứng chỉ gởi tiền trong ngân hàng, hoặc trương mục hưu trí cá nhân cho Hội Tháp Canh hoặc sắp đặt để trả luôn cho Hội Tháp Canh trong trường hợp người đó chết, phù hợp với những thể lệ của ngân hàng địa phương. Trong những trường hợp như thế cần thông báo cho Hội biết trước về các sự sắp đặt này.
◻ CHỨNG KHOÁN VÀ CÔNG KHỐ PHIẾU: Chứng khoán và công khố phiếu cũng có thể tặng cho Hội Tháp Canh hoặc như một quà tặng cho luôn hoặc với một sắp đặt nào để lợi tức tiếp tục có thể trả cho người đem cho.
◻ BẤT ĐỘNG SẢN: Bất động sản bán được có thể đem tặng cho Hội Tháp Canh hoặc như một quà tặng cho luôn hoặc với khoản là dành bất động sản cho người đem cho và người này có thể tiếp tục ở đấy trong thời kỳ còn sống. Nên liên lạc với Hội Tháp Canh trước khi làm giấy tờ cho bất động sản nào cho Hội.
◻ DI CHÚC HAY ỦY THÁC: Tài sản hay ngân khoản có thể đem cho Hội Tháp Canh tại Hoa Kỳ (Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania) bằng cách làm một di chúc hợp pháp hoặc làm một sắp đặt ủy thác cho Hội Tháp Canh. Tờ ủy thác cho một tổ chức tôn giáo có thể đem lại những lợi ích về thuế má. Nên gửi một bản sao tờ di chúc hoặc tờ hợp đồng ủy thác đến cho Hội.
Nếu muốn biết thêm chi tiết về những việc trên, nên viết đến: Treasurer’s Office, Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201, hay đến chi nhánh địa phương của Hội.
[Khung nơi trang 21]
CÔ BÉ MUỐN GIÚP
CÔ BÉ Tiffany 11 tuổi còn đang đi học ở Baton Rouge (tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ). Mới đây cô Nhân-chứng trẻ tuổi này đã có dịp viết một bài luận về đề tài “Ngành Giáo dục Hoa Kỳ”. Kết quả là cha mẹ cô nhận được lá thư này của bà hiệu trưởng:
“Trong tuần lễ dành cho Ngành Giáo dục Hoa Kỳ, chúng tôi có cho đọc trên máy vi âm bài luận xuất sắc nhất của mỗi lớp học. Sáng nay là bài luận của em Tiffany. Em thật là một thiếu nữ trẻ tuổi rất đặc sắc. Em có dáng điệu đàng hoàng, đầy tự tin, tài đức và diễm kiều. Rất ít khi chúng tôi thấy một em nhỏ lớp 6 mà có nhiều đức tính như thế. Trường chúng tôi rất hãnh diện có được em Tiffany theo học”.
Cô bé Tiffany đã được giải nhất trong cuộc thi viết văn. Sau đó cô viết đến Hội Tháp Canh và nói: “Em có lẽ đã được giải vì nhờ cuốn “Những câu hỏi người trẻ đặt ra—Các câu trả lời thiết thực (Questions Young People Ask—Answers That Work / Les jeunes s’interrogent—Réponses pratiques)... Em đã dùng các chương về giáo dục...Xin đa tạ về cuốn sách hữu ích này. Giải thưởng của em gồm 7 đô-la. Em xin gửi 7 đô-la này và cộng thêm 13 đô-la nữa, tổng cộng là 20 đô-la cho công việc rao giảng trên khắp đất... Khi em lớn lên, em cũng hy vọng được tình nguyện phục vụ ở nhà Bê-tên”.
[Hình nơi trang 18]
Thường khi, Phao-lô sống tự túc bằng cách may lều