Hãy có lòng cảm thông!
CHƯA bao giờ có quá nhiều người cần được giúp đỡ với lòng cảm thông như hiện nay. Họ đang phải đương đầu với nạn đói, bệnh tật, nghèo nàn, tội ác, nội chiến và tai ương. Cảm thông có nghĩa là thấu hiểu khó khăn và nghịch cảnh của người khác, đồng thời mong muốn làm vơi đi nỗi đau của họ. Giống như những tia nắng mặt trời ấm áp, lòng cảm thông có thể làm dịu nỗi buồn, vơi đi nỗi đau và nâng đỡ tinh thần của những người đang gặp tình cảnh khốn khó.
Chúng ta có thể bày tỏ lòng cảm thông qua những lời nói và hành động thể hiện sự quan tâm đến người khác, và có mặt để giúp đỡ khi họ cần. Chúng ta không chỉ bày tỏ lòng cảm thông trong gia đình, với bạn bè và những người quen, mà nên mở rộng lòng mình với cả những người không quen biết. Chúa Giê-su là một người đầy lòng cảm thông. Trong Bài Giảng trên Núi, ngài đã hỏi người ta: “Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu?”. Ngài nói tiếp: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.—Ma-thi-ơ 5:46, 47; 7:12.
Bạn có thể tìm thấy những lời này trong Kinh Thánh. Nhiều người đồng ý rằng Kinh Thánh cung cấp sự hướng dẫn tối ưu để giúp chúng ta bày tỏ lòng cảm thông. Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh bổn phận của chúng ta là giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Tác giả của Kinh Thánh, Đấng Tạo Hóa có tên là Đức Giê-hô-va, cũng được miêu tả là Đấng có lòng thương xót tột bậc.
Kinh Thánh cho biết: “[Đức Chúa Trời] bào-chữa công-bình cho kẻ mồ-côi và người góa-bụa, thương người khách lạ, ban đồ-ăn và áo-xống cho người” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:18). Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng được miêu tả là Đấng “đoán-xét công-bình cho kẻ bị hà-hiếp, và ban bánh cho người đói” (Thi-thiên 146:7). Khi những người không thuộc dân Y-sơ-ra-ên sinh sống trong xứ gặp khó khăn, Đức Giê-hô-va ra lệnh cho dân Ngài: “Kẻ khách kiều-ngụ. . . sẽ kể như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi; hãy thương-yêu người như mình”.—Lê-vi Ký 19:34.
Tuy nhiên, không dễ để luôn bày tỏ lòng cảm thông. Một người theo Chúa Giê-su là sứ đồ Phao-lô đã viết cho các anh em đồng đạo ở Cô-lô-se như sau: “[Hãy] lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy. . . Vậy anh em là kẻ chọn-lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu-dấu của Ngài, hãy có lòng thương-xót”.—Cô-lô-se 3:9, 10, 12.
Vì thế, chúng ta phải cố gắng vun trồng một tấm lòng biết cảm thông. Đó là một phần của “người mới” mà các tín đồ Đấng Christ cần phải có. Sứ đồ Phao-lô sống trong thế giới tàn bạo thời La Mã. Ông khuyến khích các anh em đồng đạo nên thay đổi nhiều điều trong nhân cách để trở thành những người biết cảm thông hơn.
Sức mạnh của lòng cảm thông
Một số người cho rằng người có lòng cảm thông là yếu đuối và nhu nhược. Điều đó có đúng không?
Hoàn toàn không! Động lực nằm sau lòng cảm thông chân thành là tình yêu thương sâu xa, bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Ngài là hiện thân của tình yêu thương. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời tức là sự yêu-thương” (1 Giăng 4:16). Đức Giê-hô-va xứng đáng được gọi là “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” (2 Cô-rinh-tô 1:3). Cụm từ “hay thương-xót” có nghĩa chính là “động lòng trắc ẩn, cảm thông cho sự yếu đuối của người khác”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va “lấy nhân-từ đối-đãi kẻ bạc và kẻ dữ”!—Lu-ca 6:35.
Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta cũng bày tỏ những đức tính tốt này, trong đó có lòng cảm thông. Mi-chê 6:8 nói: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ?”. Nơi Châm-ngôn 19:22 cho biết: “Lòng nhân-từ của người làm cho người ta yêu-chuộng mình”. Chúa Giê-su là đấng phản ánh hoàn hảo nhất các đức tính của Cha ngài, Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su cũng khuyên các môn đồ: “Hãy thương-xót như Cha các ngươi hay thương-xót” (Lu-ca 6:36). Bản Kinh Thánh The Jerusalem Bible đã dịch câu này như sau: “Hãy có lòng cảm thông như Cha các ngươi là Đấng luôn cảm thông”.
Chúng ta có lý do để làm thế vì thể hiện lòng cảm thông sẽ mang lại phần thưởng lớn. Những lời nơi Châm-ngôn 11:17 thật đúng: “Người nhân-từ làm lành cho linh-hồn mình”. Khi chúng ta bày tỏ lòng cảm thông với người đang gặp khó khăn, Đức Chúa Trời xem đó là điều tốt lành chúng ta làm cho Ngài. Đức Giê-hô-va nói Ngài có trách nhiệm đáp lại những hành động tốt lành của tôi tớ Ngài. Vua Sa-lô-môn được soi dẫn để viết lời này: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người” (Châm-ngôn 19:17). Sứ đồ Phao-lô cũng viết: “Vì biết rằng. . . mỗi người đều sẽ nhận-lãnh của Chúa tùy việc lành mình đã làm”.—Ê-phê-sô 6:8.
Lòng cảm thông có sức mạnh gìn giữ sự hòa thuận và giúp giải quyết mối bất đồng. Có lòng cảm thông cũng giúp chúng ta giải tỏa những hiểu lầm và dễ tha thứ cho nhau. Chúng ta có thể bị hiểu lầm bởi vì không bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ đúng cách, hoặc vì người khác hiểu sai hành động của mình. Khi ấy, biết cảm thông sẽ giúp giải quyết vấn đề và gìn giữ sự bình an. Người ta dễ tha thứ cho người nào biết cảm thông. Lòng cảm thông giúp chúng ta hành động phù hợp với lời Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau”.—Cô-lô-se 3:13.
Thể hiện lòng cảm thông
Lòng cảm thông có sức mạnh làm vơi đi nỗi đau. Như chúng ta đã thấy, lòng cảm thông thể hiện tinh thần đồng cảm với những người đau buồn và thúc đẩy chúng ta cùng chia sẻ với họ. Lòng cảm thông cũng bao gồm việc quan tâm đến người đang gặp đau khổ và có những hành động tích cực để giúp đỡ họ.
Khi bày tỏ lòng cảm thông, các tín đồ Đấng Christ noi gương Chúa Giê-su. Ngài không bao giờ quá bận rộn đến nỗi không thể giúp người khác về mặt vật chất lẫn tâm linh. Khi biết người khác gặp khó khăn, Chúa Giê-su bày tỏ lòng cảm thông và tìm cách giúp đỡ họ.
Chúng ta hãy xem Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi thấy đoàn dân đông thiếu thốn về mặt tâm linh. Kinh Thánh nói: “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Một học giả Kinh Thánh cho biết cụm từ “động lòng thương-xót” ở đây muốn nói đến “cảm xúc sâu thẳm nhất trong lòng”. Thật vậy, trong tiếng Hy Lạp, từ này được xem là một trong những từ mạnh nhất để biểu thị lòng cảm thông.
Tương tự thế, những tín đồ Đấng Christ có lòng cảm thông nhanh chóng giúp đỡ những người gặp khó khăn về mặt thể chất lẫn tâm linh. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hết thảy anh chị em nên có tinh thần hiệp nhất, cảm thông, yêu thương anh chị em, lòng thương người” (1 Phi-e-rơ 3:8, Bản Dịch Mới). Chẳng hạn, khi một gia đình nghèo nọ phải chuyển đến sống ở nơi khác vì lý do sức khỏe, các tín đồ Đấng Christ đồng đạo đã để họ sử dụng miễn phí một căn nhà cho thuê trong sáu tháng. Người chồng kể lại: “Mỗi ngày, các anh chị ấy đến thăm, xem chúng tôi thế nào. Những lời động viên của họ khiến chúng tôi cảm thấy ấm cúng như ở nhà”.
Tín đồ Đấng Christ chân chính cũng quan tâm đến nhu cầu của người xa lạ. Họ sẵn lòng dùng thời gian, năng lực và của cải để phục vụ người khác. Nhóm người tình nguyện giúp đỡ những người không quen biết (đề cập ở bài trước) chính là Nhân Chứng Giê-hô-va.
Hội thánh tín đồ Đấng Christ tràn đầy không khí yêu thương và cảm thông. Tình yêu thương thúc đẩy các thành viên trong hội thánh tìm cách giúp đỡ người khác. Những người mồ côi hoặc góa bụa có lẽ cần được bạn quan tâm và cảm thông, vì họ có thể gặp nhiều khó khăn. Bạn có giúp họ đối phó với sự nghèo khổ, không được chăm sóc đầy đủ về y tế, nhà ở thiếu tiện nghi hoặc những khó khăn khác không?
Hãy xem trường hợp một cặp vợ chồng ở Hy Lạp. Người chồng bị đột quị và được đưa đến một bệnh viện ở rất xa nhà, vì thế người vợ phải ở lại đó với anh. Tuy nhiên, khoảng thu nhập ít ỏi của gia đình này phụ thuộc vào vườn cam đang mùa thu hoạch. Họ ở xa nhà như thế thì ai sẽ giúp họ đây? Hội thánh địa phương đã đến thu hoạch và bán hết số cam ấy. Sau đó, các anh chị gửi số tiền thu được cho cặp vợ chồng nghèo này, và giúp họ bớt lo lắng.
Chúng ta có thể bày tỏ lòng cảm thông qua nhiều cách. Chẳng hạn, tín đồ Đấng Christ nhận ra rằng đôi khi điều quan trọng mà những người gặp khó khăn cần là có người đến thăm và lắng nghe họ với lòng cảm thông, cũng như an ủi họ qua Lời Đức Chúa Trời.—Rô-ma 12:15.
Vui hưởng bầu không khí yêu thương
Hội thánh tín đồ Đấng Christ trên khắp thế giới là một nơi bình an và thoải mái vì có những người biết bày tỏ lòng cảm thông và tử tế. Tín đồ Đấng Christ chân chính nhận ra rằng lòng cảm thông thu hút người khác đến gần, nhưng sự tàn nhẫn khiến người ta lánh xa. Vì thế, khi nỗ lực noi gương Cha trên trời, tín đồ Đấng Christ cố gắng bày tỏ lòng cảm thông bằng những cách thiết thực.
Nhân Chứng Giê-hô-va nồng nhiệt mời bạn đến với bầu không khí đầy những người biết cảm thông, yêu thương và quan tâm trong vòng các tín đồ Đấng Christ. Chắc chắn bạn sẽ vui thích bầu không khí này.—Rô-ma 15:7.
[Hình nơi trang 5]
Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ ở Cô-lô-se phải biết cảm thông
[Các hình nơi trang 7]
Khi biết người ta gặp khó khăn, Chúa Giê-su bày tỏ lòng cảm thông và tìm cách giúp đỡ họ