Lời Đức Giê-hô-va là lời sống
Những điểm nổi bật trong thư gửi cho các tín đồ ở Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp và Cô-lô-se
Nghe tin một số tín đồ Đấng Christ bị trôi dạt khỏi sự thờ phượng thật bởi ảnh hưởng của người Do Thái, sứ đồ Phao-lô viết một lá thư có tác động mạnh “cho các Hội-thánh ở xứ Ga-la-ti” (Ga 1:2). Thư này được viết vào khoảng năm 50-52 CN, chứa đựng những lời khuyên thẳng thắn và mạnh mẽ.
Khoảng mười năm sau, trong thời gian ở Rô-ma như một “kẻ tù của Đức Chúa Jêsus-Christ”, Phao-lô viết thư cho các hội thánh ở Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, cho họ những lời khuyên hữu ích và sự khích lệ đầy yêu thương (Ê-phê 3:1). Ngày nay, chúng ta có thể hưởng lợi ích nhờ chú ý đến thông điệp của các sách trong Kinh Thánh là Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp và Cô-lô-se.—Hê 4:12.
“ĐƯỢC XƯNG CÔNG-BÌNH”—NHƯ THẾ NÀO?
Vì người Do Thái xảo trá tìm cách làm mất uy tín của Phao-lô, nên ông bênh vực chức vụ sứ đồ của mình bằng cách đưa ra những chi tiết về lý lịch bản thân (Ga 1:11–2:14). Nhằm phản bác những dạy dỗ sai lầm của họ, Phao-lô nói: “Người ta được xưng công-bình, chẳng phải bởi các việc luật-pháp đâu, bèn là cậy đức-tin trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Ga 2:16.
Phao-lô nói rằng Chúa Giê-su “chuộc những kẻ ở dưới luật-pháp” và giải thoát họ để họ hưởng sự tự do của người theo đạo Đấng Christ. Ông mạnh mẽ khuyên giục các tín đồ ở Ga-la-ti: “Hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi-mọi nữa”.—Ga 4:4, 5; 5:1.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
3:16-18, 28, 29—Giao ước Áp-ra-ham còn hiệu lực không? Còn. Giao ước Luật Pháp là phần bổ sung chứ không phải để thay thế giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham. Vì vậy, giao ước Áp-ra-ham vẫn còn hiệu lực sau khi Luật Pháp bị “trừ-bỏ” (Ê-phê 2:15). Những lời hứa trong Luật Pháp được truyền lại cho “dòng-dõi” đích thực của Áp-ra-ham—Chúa Giê-su Christ, nhân vật chính, và những người “thuộc về Đấng Christ”.
6:2—“Luật-pháp của Đấng Christ” là gì? Luật pháp này bao gồm tất cả những dạy dỗ và điều răn của Chúa Giê-su, đặc biệt là điều răn “phải yêu nhau”.—Giăng 13:34.
6:8—Chúng ta ‘gieo cho thánh linh’ bằng cách nào? Bằng cách sống sao cho thánh linh Đức Chúa Trời có thể dễ dàng tác động đến chúng ta. ‘Gieo cho thánh linh’ bao gồm việc hết lòng tham gia các sinh hoạt thuận lợi cho sự hoạt động của thánh linh.
Bài học cho chúng ta:
1:6-9. Khi có vấn đề nảy sinh trong hội thánh, các trưởng lão cần nhanh chóng giải quyết. Dùng những lập luận hợp lý kết hợp với Kinh Thánh, họ có thể bác bẻ lý luận sai lầm.
2:20. Giá chuộc là món quà Đức Chúa Trời ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta phải tập có quan điểm ấy.—Giăng 3:16.
5:7-9. Bạn bè xấu có thể ‘ngăn-trở chúng ta không cho vâng-phục lẽ thật’. Chúng ta nên tránh xa họ.
6:1, 2, 5. Những người ‘có thánh-linh’ có thể giúp chúng ta mang “gánh nặng”, chẳng hạn một khó khăn hoặc đau buồn nào đó do chúng ta vô tình phạm lỗi. Còn về phần trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta thì mỗi người phải tự gánh lấy.
“HỘI-HIỆP MUÔN VẬT LẠI TRONG ĐẤNG CHRIST”
Trong thư gửi cho tín đồ ở Ê-phê-sô, Phao-lô nhấn mạnh chủ đề sự hợp nhất của tín đồ Đấng Christ khi ông nói về ‘sự định trước trong khi kỳ mãn—hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất’. Đấng Christ đã “ban các ơn cho loài người” để giúp tất cả “hiệp một trong đức-tin”.—Ê-phê 1:10; 4:8, 13.
Để tôn vinh Đức Chúa Trời và phát huy sự hợp nhất, tín đồ Đấng Christ phải “mặc lấy người mới” và “kính-sợ Đấng Christ mà vâng-phục nhau”. Họ cũng cần “đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ” bằng cách mang lấy mọi khí giới thiêng liêng.—Ê-phê 4:24; 5:21; 6:11.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:4-7—Rất lâu trước khi sinh ra, các tín đồ chịu xức dầu đã được định trước như thế nào? Họ đã được định trước với tư cách một nhóm, hoặc một lớp người, chứ không phải những cá nhân. Điều này đã được định, trước khi thế gian tội lỗi hiện hữu. Lời tiên tri ghi nơi Sáng-thế Ký 3:15 được công bố trước khi một người tội lỗi nào được thụ thai, bao gồm ý định Đức Chúa Trời là sẽ có một số môn đồ của Chúa Giê-su cùng cai trị với ngài ở trên trời.—Ga 3:16, 29.
2:2—Tinh thần thế gian “cầm quyền chốn không-trung” như thế nào? “Thần thế-gian”—tinh thần độc lập và bất phục tùng—phổ biến như khoảng không gian bao trùm mọi vật (1 Cô 2:12). Nó “cầm quyền” vì có sức lôi cuốn và gây áp lực không ngừng.
Bài học cho chúng ta:
4:8, 11-15. Chúa Giê-su Christ “dẫn muôn-vàn kẻ phu-tù”, nghĩa là Chúa Giê-su đem họ ra khỏi vòng kiểm soát của Sa-tan, dùng họ như “các ơn” để xây dựng hội thánh tín đồ Đấng Christ. Chúng ta có thể “lấy lòng yêu-thương. . . để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng [Christ]” bằng cách vâng lời và phục tùng những người dẫn đầu đồng thời ủng hộ mọi sắp đặt trong hội thánh.—Hê 13:7, 17.
5:22-24, 33. Ngoài việc vâng phục, người vợ còn phải kính trọng chồng mình. Chị làm điều này qua việc thể hiện “tâm-thần dịu-dàng im-lặng” và cố gắng thể hiện sự kính trọng khi nói tốt về chồng cũng như ủng hộ mọi quyết định của anh.—1 Phi 3:3, 4; Tít 2:3-5.
5:25, 28, 29. Không chỉ “nuôi-nấng” bản thân, người chồng phải chăm sóc chu đáo cho vợ về mặt thể chất, tình cảm và thiêng liêng. Anh cũng phải săn sóc vợ bằng cách dành thời gian cho vợ và nói năng, cư xử dịu dàng với chị.
6:10-13. Để kháng cự quyền lực của ma quỉ, chúng ta phải luôn mang lấy mọi khí giới thiêng liêng của Đức Chúa Trời.
“CỨ THEO ĐÓ MÀ BƯỚC ĐI”
Thư của sứ đồ Phao-lô gửi cho các tín đồ ở Phi-líp nhấn mạnh tình yêu thương. Ông nói: “Điều tôi xin trong khi cầu-nguyện, ấy là lòng thương-yêu của anh em càng ngày càng chan-chứa hơn, trong sự thông-biết và sự suy-hiểu”. Để giúp họ tránh cạm bẫy của thái độ quá tự tin, ông khuyên: “[Hãy] lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình”.—Phi-líp 1:9; 2:12.
Phao-lô khuyến khích những người “trọn-vẹn” hãy “nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu-gọi trên trời của Đức Chúa Trời”. Ông nói: “Chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì chúng ta phải đồng đi vậy” hoặc theo bản Ghi-đê-ôn: “Chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì hãy cứ theo đó mà bước đi”.—Phi-líp 3:14-16.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:23—Phao-lô bị ép giữa “hai bề” nào, và ông mong muốn điều gì? Vì hoàn cảnh, Phao-lô “bị ép” giữa hai khả năng: sống hoặc chết (Phi-líp 1:21). Mặc dù không nói rõ ông chọn điều nào, Phao-lô cho biết ông mong muốn điều gì—“đi ở với Đấng Christ” (Phi-líp 3:20, 21; 1 Tê 4:16). Điều này xảy ra trong thời kỳ Đấng Christ hiện diện và khi ấy Phao-lô nhận được phần thưởng mà Đức Giê-hô-va đã dành sẵn cho ông.—Mat 24:3.
2:12, 13—Bằng cách nào Đức Chúa Trời khiến chúng ta “vừa muốn vừa làm theo”? Thánh linh Đức Giê-hô-va có thể hoạt động trong lòng và trí chúng ta khiến chúng ta càng ước muốn làm hết sức mình trong thánh chức. Vì thế chúng ta có sự giúp đỡ khi cố gắng “làm nên sự cứu-chuộc mình”.
Bài học cho chúng ta:
4:14-16. Dù nghèo, các tín đồ Đấng Christ ở Phi-líp nêu gương tốt cho chúng ta trong việc bày tỏ tính rộng rãi.—2 Cô 8:1-6.
2:5-11. Như gương mẫu Chúa Giê-su cho thấy, tính khiêm nhường không phải là biểu hiện của sự yếu đuối nhưng là sự mạnh mẽ về đạo đức. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va cất nhắc những người khiêm nhường.—Châm 22:4.
3:14. “Sự ở đằng sau” có thể là nghề nghiệp có thu nhập cao, gia đình giàu có, hay ngay cả những lỗi lầm nghiêm trọng trong quá khứ mà chúng ta đã ăn năn và “được rửa sạch” (1 Cô 6:11). Chúng ta nên quên những điều ấy, nghĩa là không nghĩ đến chúng nữa và “bươn theo sự ở đằng trước”.
“LẤY ĐỨC-TIN LÀM CHO BỀN-VỮNG”
Trong thư gửi cho các tín đồ ở Cô-lô-se, Phao-lô vạch ra những quan điểm sai lầm của giáo sư giả. Ông lập luận rằng sự cứu rỗi không dựa trên những đòi hỏi của Luật Pháp nhưng dựa trên việc “tin Chúa cách vững-vàng”. Phao-lô khuyến khích anh em tín đồ ở Cô-lô-se ‘hãy bước đi trong [Đấng Christ]; châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức-tin làm cho bền-vững’. Việc trở nên bền vững ảnh hưởng đến họ như thế nào?—Cô 1:23; 2:6, 7.
Phao-lô viết: “Trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành. Nguyền xin sự bình-an của Đấng Christ cai-trị trong lòng anh em”. Ông nói với họ: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”. Liên quan đến những người ngoài hội thánh, ông khuyên: “Hãy lấy sự khôn-ngoan ăn-ở với [họ]”.—Cô 3:14, 15, 23; 4:5.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
2:8—Sự “sơ-học của thế-gian” mà Phao-lô cảnh báo là gì? Đó là những yếu tố thuộc thế gian của Sa-tan—những điều hoặc nguyên tắc cơ bản tạo nên, dẫn đường hoặc thúc đẩy thế gian (1 Giăng 2:16). Những điều này bao gồm triết học, chủ nghĩa duy vật và tôn giáo sai lầm của thế gian này.
4:16—Tại sao trong Kinh Thánh không có thư gửi cho các tín đồ ở Lao-đi-xê? Có thể vì thư này không chứa đựng thông tin cần thiết cho thời nay. Hoặc vì nó chỉ lặp lại những điểm ghi trong các thư chính điển khác.
Bài học cho chúng ta:
1:2, 20. Giá chuộc, một ân điển của Đức Chúa Trời, có thể làm sạch lương tâm chúng ta khỏi tội lỗi và đem lại sự bình an nội tâm.
2:18, 23. “Giả-đò khiêm-nhượng”—làm ra vẻ khiêm nhường nhằm gây ấn tượng với người khác, có lẽ qua việc từ bỏ của cải vật chất hoặc đãi thân thể mình khắc khổ—là dấu hiệu cho thấy ‘tính xác-thịt nổi lòng kiêu-ngạo’ của một người.