Sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho đem lại sự vui vẻ
“Sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực của các ngươi” (NÊ-HÊ-MI 8:10).
1. Sự vui vẻ là gì, và tại sao những người tận tụy phụng sự Đức Chúa Trời có thể có được sự vui mừng?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA làm cho lòng của dân sự Ngài tràn ngập sự vui vẻ. Có được những sự tốt lành hoặc chờ đợi những sự tốt lành đưa đến trạng thái rất sung sướng hay phấn khởi. Những người tận tụy phụng sự Đức Chúa Trời có thể có được cảm xúc ấy bởi vì sự vui mừng là một bông trái của thánh linh tức sinh hoạt lực của Ngài (Ga-la-ti 5:22, 23). Vì thế, ngay cả khi gặp phải các sự gian nan thử thách, chúng ta vẫn có thể vui vẻ vì là tôi tớ của Đức Giê-hô-va và được thánh linh của Ngài dẫn dắt.
2. Tại sao những người Do-thái đã vui mừng trong một dịp đặc biệt vào thời của E-xơ-ra?
2 Trong một dịp đặc biệt vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên những người Do-thái dùng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho họ để tổ chức một Lễ Lều tạm vui vẻ tại Giê-ru-sa-lem. Sau khi E-xơ-ra và những người Lê-vi đọc và giải thích Luật pháp của Đức Chúa Trời cho họ, “cả dân-sự bèn đi đặng ăn và uống, gởi cho những phần, cùng vui-vẻ lắm; vì chúng có hiểu các lời người ta đã truyền-dạy cho mình” (Nê-hê-mi 8:5-12).
Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của chúng ta
3. “Sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va” có thể là sức lực của chúng ta trong những hoàn cảnh nào?
3 Trong lễ đó những người Do-thái hiểu được sự chân thật của những lời này: “Sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực của các ngươi” (Nê-hê-mi 8:10). Sự vui vẻ này cũng là sức lực của chúng ta nếu chúng ta đứng vững trong sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho với tư cách Nhân-chứng đã dâng mình và làm báp têm của Đức Giê-hô-va. Trong vòng chúng ta chỉ một số ít có kinh nghiệm được thánh linh xức dầu và được nhận vào gia đình thượng giới của Đức Chúa Trời với tư cách là những người cùng thừa kế với đấng Christ ở trên trời (Rô-ma 8:15-23). Đại đa số chúng ta ngày nay có triển vọng sống trong một địa-đàng trên đất (Lu-ca 23:43). Chúng ta thật nên vui vẻ biết bao!
4. Tại sao tín đồ đấng Christ có thể chịu đựng nổi sự đau khổ và bắt bớ?
4 Chịu đựng sự đau khổ và bắt bớ không phải là một điều dễ dàng, dù chúng ta có những triển vọng huy hoàng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chịu đựng bởi vì Đức Chúa Trời ban thánh linh của Ngài cho chúng ta. Nhờ thánh linh chúng ta có được sự vui vẻ và tin chắc rằng không có gì có thể cướp đi niềm hy vọng của chúng ta hay sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ là sức lực của chúng ta miễn là chúng ta yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết ý (Lu-ca 10:27).
5. Chúng ta có thể tìm thấy ở đâu những lý do để vui mừng?
5 Dân sự của Đức Giê-hô-va vui hưởng ân phước dồi dào và có nhiều lý do để vui mừng. Phao-lô nêu ra một số lý do này trong lá thư ông gửi cho người Ga-la-ti. Những lý do khác nữa cũng được ghi trong những phần khác của Kinh-thánh. Xem xét một số các ân phước vui vẻ này sẽ nâng cao tinh thần của chúng ta.
Quí trọng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho
6. Tại sao Phao-lô khuyên tín đồ đấng Christ người Ga-la-ti đứng vững?
6 Với tư cách là tín đồ đấng Christ, chúng ta có ân phước vui vẻ vì được Đức Chúa Trời chấp nhận. Bởi vì đấng Christ giải cứu các môn đồ ra khỏi Luật pháp Môi-se, Phao-lô khuyên người Ga-la-ti đứng vững và chớ lại để mình dưới “ách tôi-mọi” nữa. Về phần chúng ta thì sao? Nếu chúng ta cố sao cho được xưng là công bình bằng cách giữ Luật pháp, chúng ta sẽ lìa xa đấng Christ. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của thánh linh, chúng ta chờ đợi sự công bình mà chúng ta hy vọng đạt được nhờ đức tin hoạt động qua tình yêu thương, chứ không phải nhờ sự cắt bì của xác thịt, hoặc nhờ các việc làm khác của Luật pháp (Ga-la-ti 5:1-6).
7. Chúng ta nên xem thế nào sự hầu việc Đức Giê-hô-va?
7 Dùng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để “hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng” là một ân phước (Thi-thiên 100:2). Quả thật, hầu việc Giê-hô-va “Đức Chúa Trời Toàn-năng” tức “Vua của muôn đời” là một đặc ân quí vô ngần! (Khải-huyền 15:3). Nếu có lúc nào bạn cảm thấy quá thấp kém, có lẽ điều hữu ích là bạn nên ý thức rằng Đức Chúa Trời đã kéo bạn đến gần Ngài qua trung gian Giê-su Christ và cho bạn được tham gia vào “thánh chức tin mừng của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 15:16, NW; Giăng 6:44; 14:6). Thật là những lý do cao cả để vui mừng và biết ơn đối với Đức Chúa Trời!
8. Riêng đối với Ba-by-lôn Lớn, dân sự của Đức Chúa Trời có lý do nào để vui mừng?
8 Sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho cứu chúng ta ra khỏi Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giả thế giới là một lý do khác để vui mừng (Khải-huyền 18:2, 4, 5). Theo nghĩa bóng, dâm phụ tôn giáo này “ngồi trên các dòng nước”, tức “các dân-tộc, các chúng, các nước và các tiếng”, tuy nhiên y thị không “ngồi” trên các tôi tớ của Đức Giê-hô-va: về phương diện tôn giáo y thị không có ảnh hưởng hoặc không kiểm soát được họ (Khải-huyền 17:1, 15). Trong khi chúng ta vui mừng trong ánh sáng kỳ diệu của Đức Chúa Trời, những kẻ ủng hộ Ba-by-lôn Lớn ở trong sự tối tăm thiêng liêng (I Phi-e-rơ 2:9). Đúng, có lẽ chúng ta thấy khó hiểu một số “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:10). Nhưng cầu nguyện để có sự khôn ngoan và sự giúp đỡ bởi thánh linh giúp chúng ta hiểu lẽ thật của Kinh-thánh. Về phương diện thiêng liêng lẽ thật sẽ giải cứu những ai nắm được lẽ thật (Giăng 8:31, 32; Gia-cơ 1:5-8).
9. Nếu muốn vui hưởng ân phước được tiếp tục giải cứu khỏi sự sai lầm về tôn giáo, chúng ta phải làm gì?
9 Chúng ta vui hưởng ân phước được tiếp tục giải cứu khỏi sự sai lầm về tôn giáo, nhưng nếu muốn giữ được sự tự do, chúng ta phải gạt bỏ sự bội đạo. Tín đồ đấng Christ miền Ga-la-ti đã chạy cuộc đua của đạo đấng Christ cách giỏi giang, nhưng một số người ngăn cản họ tuân theo lẽ thật. Sự thuyết phục xảo quyệt ấy không đến từ Đức Chúa Trời và cần phải cưỡng lại. Cũng như một chút men làm cho dậy cả đống bột, các thầy giáo giả hoặc khuynh hướng theo sự bội đạo có thể làm hư hỏng toàn thể một hội-thánh. Phao-lô ước muốn rằng mấy kẻ biện hộ cho phép cắt bì đang tìm cách phá hoại đức tin của người Ga-la-ti không những chịu cắt bì mà còn tự thiến mình luôn nữa. Thật là những lời lẽ nặng nề thay! Nhưng chúng ta cũng phải kiên quyết như thế để gạt bỏ sự bội đạo nếu muốn duy trì sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta hầu tránh khỏi sự sai lầm về tôn giáo (Ga-la-ti 5:7-12).
Làm đầy tớ lẫn nhau trong tình yêu thương
10. Để đóng góp phần của mình trong tình huynh đệ giữa anh em tín đồ đấng Christ, chúng ta có trách nhiệm gì?
10 Sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho giúp chúng ta có sự liên kết với một đoàn thể anh em đầm ấm, nhưng mỗi người chúng ta phải chu toàn phần của mình để bày tỏ tình yêu thương. Những người ở miền Ga-la-ti được khuyên không nên dùng sự tự do của họ như là “dịp cho [họ] ăn-ở theo tánh xác-thịt” hoặc một cớ để cư xử ích kỷ, không có tình yêu thương. Họ được khuyên lấy tình yêu thương làm động lực để làm đầy tớ lẫn nhau (Lê-vi Ký 19:18; Giăng 13:35). Chúng ta cũng phải tránh nói xấu sau lưng và thù ghét lẫn nhau vì điều đó có thể đưa đến hậu quả tiêu diệt nhau. Dĩ nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu chúng ta bày tỏ tình yêu thương đối với anh em (Ga-la-ti 5:13-15).
11. Chúng ta có thể đem lại ân phước cho người khác như thế nào, và họ có thể chúc phước chúng ta ra sao?
11 Bằng cách dùng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho phù hợp với sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ bày tỏ tình yêu thương và là ân phước cho những người khác. Chúng ta nên có thói quen để cho thánh linh kiểm soát và hướng dẫn chúng ta. Như vậy chúng ta sẽ không khăng khăng thỏa mãn xác thịt tội lỗi của chúng ta vì đó là “những điều ưa-muốn trái với những điều của Thánh-Linh”. Nếu chúng ta được thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn, chúng ta sẽ làm những điều tốt, không phải bởi vì luật pháp đòi hỏi phải làm thế và vì có sự trừng phạt đối với những kẻ làm quấy. Chẳng hạn, tình yêu thương—chứ không phải chỉ là một điều luật—ngăn cản chúng ta vu khống người khác (Lê-vi Ký 19:16). Tình yêu thương sẽ thúc đẩy chúng ta nói năng và hành động một cách tử tế. Bởi lẽ chúng ta bày tỏ bông trái yêu thương của thánh linh, những người khác sẽ chúc phước cho chúng ta hoặc nói tốt về chúng ta (Châm-ngôn 10:6). Hơn nữa, việc họ kết hợp với chúng ta sẽ đem lại ân phước cho họ (Ga-la-ti 5:16-18).
Bông trái tương phản
12. Một số ân phước quan hệ đến sự kiện chúng ta tránh “các việc làm của xác-thịt” tội lỗi là gì?
12 Nhiều ân phước quan hệ đến sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đến từ việc tránh “các việc làm của xác-thịt” tội lỗi. Chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta nói chung tránh được nhiều nỗi ưu phiền vì không thực hành sự tà dâm, ô uế và hạnh kiểm luông tuồng. Nhờ tránh thờ hình tượng, chúng ta có được sự vui vẻ vì làm hài lòng Đức Giê-hô-va về phương diện đó (I Giăng 5:21). Bởi vì chúng ta không thực hành thuật đồng bóng, chúng ta không bị ma quỉ đô hộ. Tình thân hữu giữa anh em tín đồ đấng Christ chúng ta không bị sứt mẻ bởi sự thù nghịch, xung đột, ghen ghét, giận dữ, bất hòa, chia rẽ, bè phái và ghen tị. Và sự vui vẻ của chúng ta không bị mất đi trong các cuộc ăn uống say sưa trụy lạc. Phao-lô cảnh cáo rằng những kẻ thực hành các việc làm của xác thịt sẽ không hưởng được Nước Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, bởi vì chúng ta nghe theo lời khuyên của Phao-lô, chúng ta có thể bám chặt vào hy vọng vui vẻ về Nước Trời (Ga-la-ti 5:19-21).
13. Thánh linh của Đức Giê-hô-va sanh ra bông trái nào?
13 Sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đem lại sự vui vẻ bởi vì tín đồ đấng Christ bày tỏ bông trái của thánh linh Đức Giê-hô-va. Qua những lời của Phao-lô viết cho người Ga-la-ti, điều dễ hiểu là các việc làm của xác thịt tội lỗi giống như những cái gai so với bông trái rực rỡ của thánh linh là tình yêu thương, sự vui mừng, sự bình an, sự nhịn nhục, sự nhân từ, sự hiền lành, đức tin, sự mềm mại và sự tự chủ đã được gieo vào lòng của những người tin kính Đức Chúa Trời. Nhất quyết sống ngược với sự ham muốn của xác thịt tội lỗi, chúng ta muốn được thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn và chúng ta muốn sống nhờ thánh linh. Thánh linh làm cho chúng ta khiêm nhường và hòa nhã, chứ không “tìm-kiếm danh-vọng giả-dối mà trêu-chọc nhau và ghen-ghét nhau”. Không gì ngạc nhiên nếu chúng ta cảm thấy vui mừng khi kết hợp với những người bày tỏ bông trái của thánh linh! (Ga-la-ti 5:22-26).
Những lý do khác để vui mừng
14. Chúng ta cần phải có bộ khí giới nào để đánh lại các lực lượng thần linh hung ác?
14 Đi kèm với sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là ân phước được che chở khỏi Sa-tan và các quỉ sứ của hắn. Để thành công trong việc phấn đấu chống lại các lực lượng thần linh hung ác, chúng ta phải mang lấy “mọi khí-giới của Đức Chúa Trời”. Chúng ta cần phải lấy lẽ thật làm dây nịt lưng và lấy sự công bình làm áo giáp. Chân chúng ta cần phải dùng tin mừng về sự bình an làm giày dép. Chúng ta lại phải lấy thêm đức tin để làm cái thuẫn lớn, ngõ hầu có thể dập tắt các tên lửa của kẻ ác. Chúng ta cần phải lấy sự cứu rỗi làm mão trụ và cầm “gươm của Đức Thánh-Linh” tức là Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng hãy “nhờ Đức Thánh-Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện” (Ê-phê-sô 6:11-18). Nếu mang lấy vũ khí thiêng liêng và gạt bỏ sự thờ phượng ma quỉ, chúng ta có thể không sợ sệt mà lại vui mừng. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 19:18-20).
15. Nhờ cư xử phù hợp với Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có được ân phước vui vẻ nào?
15 Chúng ta có được sự vui vẻ vì hạnh kiểm của chúng ta phù hợp với Lời Đức Chúa Trời, và chúng ta không có cảm giác tội lỗi dày vò những kẻ phạm tội. Chúng ta “vẫn gắng sức cho có lương-tâm không trách-móc trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:16). Bởi vậy, chúng ta không cần phải sợ sự trừng phạt mà Đức Chúa Trời dành những kẻ cố ý phạm tội mà không chịu ăn năn (Ma-thi-ơ 12:22-32; Hê-bơ-rơ 10:26-31). Nhờ áp dụng những lời khuyên nơi Châm-ngôn 3:21-26, chúng ta thấy những lời này được thực hiện: “Khá gìn-giữ sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt...thì nó sẽ là sự sống của linh-hồn con, và như đồ trang-sức cho cổ con. Con sẽ bước đi vững-vàng trong đường con, và chơn con không vấp-ngã. Khi con nằm, chẳng có điều sợ-hãi; phải, con sẽ nằm được ngủ ngon giấc. Chớ sợ sự kinh-khiếp xảy đến thình-lình, cũng đừng kinh-hãi lúc sự tàn-hại giáng trên kẻ ác; vì Đức Giê-hô-va là nơi nương-cậy của con, Ngài sẽ gìn-giữ chơn con khỏi mắc bẫy”.
16. Làm thế nào sự cầu nguyện là một nguồn đem lại sự vui vẻ, và thánh linh của Đức Giê-hô-va đóng vai trò nào trong việc này?
16 Một lý do khác nữa để vui mừng là sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho để chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện với sự cam kết sẽ được Ngài nghe. Đúng, những lời cầu nguyện của chúng ta được nhậm bởi vì chúng ta “kính-sợ Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 1:7). Hơn nữa, chúng ta được giúp đỡ để ở trong sự yêu thương của Đức Chúa Trời bằng cách “nhơn Đức Thánh-Linh mà cầu-nguyện” (Giu-đe 20, 21). Chúng ta làm điều này bằng cách bày tỏ một tâm trạng được Đức Giê-hô-va chấp nhận và bằng cách cầu nguyện dưới ảnh hưởng của thánh linh để xin những điều phù hợp với ý muốn và Lời của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh cho chúng ta biết cách để cầu nguyện và cầu nguyện để xin gì (I Giăng 5:13-15). Nếu chúng ta bị thử thách cùng cực và không biết cầu xin điều gì, “Đức Thánh-Linh giúp cho sự yếu-đuối chúng ta, lấy sự thở-than không thể nói ra được mà cầu-khẩn thay cho chúng ta”. Đức Chúa Trời nhậm những lời cầu nguyện ấy (Rô-ma 8:26, 27). Chúng ta hãy cầu nguyện để xin có thánh linh và hãy để cho thánh linh sanh ra trong chúng ta một số bông trái mà chúng ta đặc biệt cần đến để đối phó với một thử thách nào đó (Lu-ca 11:13). Chúng ta cũng sẽ vui vẻ thêm nhiều nếu chúng ta nghiêm chỉnh và siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời được thánh linh soi dẫn và các sách báo đạo đấng Christ được sửa soạn dưới sự hướng dẫn của thánh linh.
Được ban phước với sự giúp đỡ luôn luôn sẵn có
17. Các kinh nghiệm của Môi-se và những lời của Đa-vít cho thấy thế nào rằng Đức Giê-hô-va ở với dân sự của Ngài?
17 Khi dùng đúng cách sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho, chúng ta có sự vui vẻ biết được rằng Đức Giê-hô-va ở với chúng ta. Khi nghịch cảnh khiến cho Môi-se rời khỏi xứ Ê-díp-tô, nhờ có đức tin mà ông “đứng vững như thấy Đấng không thấy được” (Hê-bơ-rơ 11:27). Môi-se không bước đi một mình; ông biết rằng Đức Giê-hô-va ở với ông. Cũng thế, các con của Cô-rê hát: “Đức Chúa Trời là nơi nương-náu và sức-lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân. Vì vậy, chúng tôi chẳng sợ dầu đất bị biến-cải, núi lay-động và bị quăng vào lòng biển; dầu nước biển ầm-ầm sôi-bọt, và các núi rúng-động vì cớ sự chuyển-dậy của nó” (Thi-thiên 46:1-3). Nếu bạn tin Đức Chúa Trời đến thế, Ngài sẽ không bao giờ bỏ bạn. Đa-vít nói: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi” (Thi-thiên 27:10). Thật là một niềm vui khi được biết rằng Đức Chúa Trời săn sóc các tôi tớ của Ngài nhiều đến thế! (I Phi-e-rơ 5:6, 7).
18. Tại sao những người nhờ có sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va có được sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho để không bị lo lắng quá độ?
18 Nhờ có sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có được sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho để không bị lo lắng quá độ. Phao-lô nói: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6, 7). Sự bình an của Đức Chúa Trời là một sự điềm tĩnh vô song ngay cả trong những hoàn cảnh gay go nhất. Lòng chúng ta lúc đó bình tĩnh—một điều tốt cho chúng ta về phương diện thiêng liêng, tình cảm và cơ thể (Châm-ngôn 14:30). Sự bình an của Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta giữ sự thăng bằng trong tâm trí, vì chúng ta biết rằng không có gì mà Đức Chúa Trời cho phép lại có thể làm hại chúng ta một cách lâu dài (Ma-thi-ơ 10:28). Sự bình an này là kết quả của mối liên lạc mật thiết với Đức Chúa Trời qua đấng Christ. Sỡ dĩ chúng ta có được sự bình an đó là vì chúng ta dâng mình cho Đức Giê-hô-va và vâng theo sự hướng dẫn của thánh linh Ngài, và thánh linh sanh ra những bông trái như sự vui mừng và bình an.
19. Tập trung tâm trí của chúng ta vào điều gì sẽ giúp chúng ta vui vẻ?
19 Tập trung tâm trí của chúng ta vào sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho và vào hy vọng về Nước Trời sẽ giúp chúng ta vui vẻ. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta không thể thay đổi được mấy về sức khỏe yếu kém của mình, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện xin sự khôn ngoan và nghị lực chịu đựng để đối phó với sức khỏe yếu kém và chúng ta có thể tìm được nguồn an ủi bằng cách nghĩ đến sức khỏe thiêng liêng mình đang vui hưởng bây giờ và những việc chữa lành bệnh sẽ diễn ra dưới sự cai trị của Nước Trời (Thi-thiên 41:1-3; Ê-sai 33:24). Dù chúng ta ngày nay có thể gặp cảnh thiếu thốn, trong Địa-đàng trên đất nay rất gần kề, sẽ không có thiếu thốn những sự cần thiết trong cuộc sống (Thi-thiên 72:14, 16; Ê-sai 65:21-23). Đúng, Cha của chúng ta trên trời sẽ nâng đỡ chúng ta bây giờ và cuối cùng Ngài sẽ làm cho sự vui vẻ của chúng ta được trọn vẹn (Thi-thiên 145:14-21).
Hãy quí chuộng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho bạn
20. Theo Thi-thiên 100:1-5, chúng ta nên đến trước mặt Đức Giê-hô-va như thế nào?
20 Với tư cách là dân sự của Đức Giê-hô-va, chắc hẳn chúng ta nên quí chuộng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho, vì chính sự tự do này đem lại cho chúng ta sự vui vẻ và rất nhiều ân phước. Không lạ gì khi Thi-thiên 100:1-5 thúc giục chúng ta hãy “hát-xướng” mà đến trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va là chủ chúng ta và chăm sóc chúng ta như một Đấng Chăn chiên đầy yêu thương. Đúng, “chúng [ta] là dân-sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài”. Tài năng sáng tạo và các đức tính cao cả của Ngài là động lực thúc đẩy chúng ta bước vào hành lang của nơi thánh của Ngài mà ca ngợi và tạ ơn Ngài. Chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để “chúc-tụng danh của Ngài”, ca tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta luôn luôn có thể tin cậy nơi lòng nhân từ, hay sự thương xót của Ngài đối với chúng ta. Đức Giê-hô-va thành tín “đến đời đời”, một mực bày tỏ tình yêu thương đối với những người làm theo ý muốn của Ngài.
21. Số đầu tiên của tạp chí này đưa ra lời khuyến khích nào, và chúng ta nên làm gì về sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho?
21 Vì là những người bất toàn, chúng ta hiện nay không thể tránh khỏi mọi thử thách. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tỏ ra là các Nhân-chứng can đảm và vui vẻ của Đức Giê-hô-va. Điều đáng lưu ý về việc này là những lời ghi trong số đầu tiên của tờ báo này (tháng 7 năm 1879): “Hãy can đảm lên...hỡi anh chị em tín đồ của tôi, các anh chị em đang theo đuổi với những bước chạy mệt nhọc trên con đường hẹp. Chớ bận tâm về con đường gồ ghề; nó được chân phước đức của Thầy chúng ta làm cho nên thánh. Hãy xem từng cái gai là một đóa hoa, từng hòn đá nhọn là một hòn gạch đánh dấu một giai đoạn quan trọng đưa đẩy các anh chị em đi đến đích cách nhanh chóng... Hãy chăm chú nhìn vào phần thưởng”. Hàng triệu người nay đang phụng sự Đức Giê-hô-va và chăm chú nhìn vào phần thưởng có nhiều lý do để can đảm và vui mừng. Hãy cùng họ đứng vững trong sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho. Chớ trật mục đích của sự tự do này. Mong sao sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va luôn luôn là sức lực của bạn.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ “Sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va” có thể là sức lực của chúng ta như thế nào?
◻ Về phương diện tôn giáo, sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho đem lại những ân phước nào cho dân sự của Đức Giê-hô-va?
◻ Tại sao làm đầy tớ lẫn nhau trong tình yêu thương?
◻ Xin kể một vài ân phước đến từ sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho.
◻ Dân sự của Đức Chúa Trời có thể gìn giữ sự vui vẻ như thế nào?
[Hình nơi trang 23]
“Hãy xem từng cái gai là một đóa hoa, từng hòn đá nhọn là một hòn gạch đánh dấu một giai đoạn quan trọng đưa đẩy các anh chị em đi đến đích cách nhanh chóng”