Tôi tớ của Đức Chúa Trời—Một dân tộc được tổ chức và có hạnh phúc
“Hạnh phúc thay cho dân nào có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!” (THI-THIÊN 144:15, NW).
1, 2. a) Tại sao Đức Giê-hô-va có quyền đặt ra tiêu chuẩn cho tôi tớ Ngài? b) Đức Giê-hô-va có hai đặc tính nào mà chúng ta đặc biệt muốn bắt chước?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng Thống trị Hoàn Vũ, Đức Chúa Trời toàn năng và là Đấng Tạo hóa (Sáng-thế Ký 1:1; Thi-thiên 100:3). Với tư cách đó, Ngài có quyền đặt ra những tiêu chuẩn về cách cư xử cho tôi tớ Ngài vì Ngài biết những gì là tốt nhất cho họ (Thi-thiên 143:8). Và Ngài là Đấng Gương mẫu Chính của họ. Ngài có những đức tính mà họ cần phải bắt chước. Một sứ đồ viết: “Anh em hãy trở nên kẻ bắt-chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài” (Ê-phê-sô 5:1).
2 Một đặc điểm của Đức Chúa Trời mà chúng ta cần phải bắt chước có liên quan đến việc tổ chức. Ngài ‘chẳng phải là Chúa của sự loạn-lạc [lộn xộn]’ (I Cô-rinh-tô 14:33). Khi chúng ta quan sát kỹ lưỡng những gì Đức Chúa Trời đã tạo ra, chúng ta buộc phải kết luận rằng Ngài là Đấng có trật tự nhất trong vũ trụ. Tuy nhiên, một đặc điểm khác của Đức Chúa Trời mà Ngài muốn tôi tớ của Ngài bắt chước là sự hạnh phúc của Ngài vì Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” (I Ti-mô-thê 1:11). Vì thế, khả năng tổ chức của Ngài cân xứng với đức tính vui vẻ. Ngài xem cả hai đặc điểm này đều quan trọng như nhau.
3. Bầu trời đầy sao cho thấy thế nào về khả năng tổ chức của Đức Chúa Trời?
3 Tất cả những gì mà Đức Giê-hô-va tạo ra, từ những vật lớn nhất cho đến những vật nhỏ nhất, cho thấy rõ Ngài là Đức Chúa Trời có tổ chức. Thí dụ, hãy xem phần vũ trụ mà chúng ta có thể nhìn thấy. Trong đó có hàng ngàn tỷ ngôi sao. Nhưng chúng không ở rải rác một cách bừa bãi. Nhà vật lý học thiên thể là George Greenstein nhận xét rằng “các ngôi sao được tổ chức theo một mẫu hình”. Chúng được tổ chức thành những nhóm gọi là thiên hà. Một số thiên hà có hàng trăm tỷ ngôi sao. Và người ta phỏng đoán là có hàng tỷ thiên hà! Các thiên hà cũng được tổ chức. Một số (từ vài thiên hà cho đến nhiều ngàn thiên hà) được nhóm lại thành một chùm thiên hà. Và người ta nghĩ là hàng chùm thiên hà được tổ chức thành những đơn vị lớn hơn nữa gọi là chùm thiên hà siêu đẳng (Thi-thiên 19:1; Ê-sai 40:25, 26).
4, 5. Hãy cho thí dụ về sự tổ chức của các sinh vật trên đất.
4 Người ta thấy một sự tổ chức tuyệt vời trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, không những ở trên trời mà cả ở dưới đất nữa, nơi đây có hằng hà sa số những sinh vật. Về mọi điều này, giáo sư vật lý là Paul Davies viết rằng “vẻ uy nghi và sự tổ chức phức tạp của thế giới vật chất” làm những người quan sát cảm thấy “đầy kinh sợ” (Thi-thiên 104:24).
5 Hãy xem xét vài thí dụ về “sự tổ chức phức tạp” được thấy trong các sinh vật. Bác sĩ giải phẫu thần kinh là Joseph Evans nói về bộ óc và khối giây thần kinh nằm trong xương sống của con người: “Thực tế của sự trật tự vĩ đại gần như quá hiển nhiên”. Nhà vi trùng học là H. J. Shaughnessy nói về tế bào sống có kích thước rất nhỏ bé: “Sự phức tạp và trật tự hoàn hảo của thế giới vi sinh vật được tạo dựng một cách huyền diệu đến nỗi nó có vẻ như một phần của hệ thống mà Đức Chúa Trời đã qui định”. Và nhà sinh học phân tử là Michael Denton nói về mã di truyền (DNA) trong một tế bào: “Qui luật đó hữu hiệu đến độ tất cả tin tức... cần thiết để định rõ sự cấu tạo của mọi loại sinh vật đã từng hiện hữu trên hành tinh này... có thể chứa trong một cái muỗng mà vẫn còn chỗ cho tất cả tin tức trong mỗi cuốn sách đã từng được viết ra”. (Xem Thi-thiên 139:16).
6, 7. Có sự tổ chức nào giữa các tạo vật thần linh, và họ bày tỏ lòng biết ơn thế nào đối với Đấng Tạo ra họ?
6 Đức Giê-hô-va không những tổ chức các tạo vật vật chất của Ngài nhưng còn tổ chức các tạo vật thần linh ở trên trời. Đa-ni-ên 7:10 cho chúng ta biết số thiên sứ lên đến ‘muôn muôn [vạn vạn] đứng trước mặt Ngài’. Một trăm triệu thiên sứ đầy quyền năng có mặt, mỗi vị được giao phó làm công việc thích hợp! Thật là một điều đáng kinh ngạc khi nghĩ đến khả năng khéo léo cần phải có để tổ chức số thiên sứ lớn đến thế. Kinh-thánh nói rất đúng: “Hỡi các thiên-sứ của Đức Giê-hô-va, là các đấng có sức-lực làm theo mạng-lịnh Ngài, hay vâng theo tiếng Ngài, khá ngợi-khen Đức Giê-hô-va! Hỡi cả cơ-binh [thiên sứ] của Đức Giê-hô-va, là tôi-tớ Ngài làm theo ý-chỉ Ngài” (Thi-thiên 103:20, 21; Khải-huyền 5:11).
7 Công việc của Đấng Tạo hóa có hiệu quả và được tổ chức phi thường làm sao! Thảo nào các tạo vật thần linh đầy quyền năng ở trên trời kính sợ và qui phục công bố: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên” (Khải-huyền 4:11).
8. Những thí dụ nào cho thấy Đức Giê-hô-va tổ chức tôi tớ Ngài trên đất?
8 Đức Giê-hô-va cũng tổ chức tôi tớ Ngài trên đất. Khi Ngài giáng trận Nước lụt vào thời Nô-ê vào năm 2370 trước công nguyên, Nô-ê và bảy người khác đã sống sót qua khỏi trận Nước lụt với tư cách một gia đình có tổ chức. Vào năm 1513 trước công nguyên, Đức Giê-hô-va đã đem nhiều triệu dân Ngài ra khỏi vòng nô lệ ở xứ Ê-díp-tô và cho họ một bộ luật đầy đủ chi tiết để họ sắp đặt sự thờ phượng và các công việc hàng ngày. Và sau đó, tại Đất Hứa, hàng vạn người được tổ chức để làm những công việc đặc biệt tại đền thờ (I Sử-ký 23:4, 5). Vào thế kỷ thứ nhất, các hội thánh tín đồ đấng Christ được tổ chức dưới sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời: “Ngài đã ban cho người thì làm sứ đồ, người thì làm tiên tri, người thì rao giảng tin mừng, người thì chăn chiên và thầy dạy, hầu cho các thánh đồ được trọn vẹn để làm công việc của chức vụ” (Ê-phê-sô 4:11, 12, NW).
Tôi tớ thời nay cũng được tổ chức
9, 10. Ngày nay Đức Giê-hô-va tổ chức dân sự Ngài thế nào?
9 Tương tự như vậy, Đức Giê-hô-va tổ chức các tôi tớ thời nay để họ có thể hữu hiệu thi hành công việc của Ngài cho thời chúng ta; đó là công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời trước khi Ngài tận diệt hệ thống mọi sự không tin kính hiện nay (Ma-thi-ơ 24:14). Hãy xem xét công việc rao giảng trên toàn thế giới bao gồm điều gì và việc tổ chức khéo léo quan trọng như thế nào. Hàng triệu đàn ông, đàn bà và trẻ con đang được huấn luyện để dạy lẽ thật của Kinh-thánh cho người khác. Những số lượng rất lớn về Kinh-thánh và sách báo dựa trên Kinh-thánh được in ra để hỗ trợ việc huấn luyện này. Hiện nay, mỗi số Tháp Canh được in ra hơn 16 triệu cuốn trong 118 thứ tiếng, và Awake! được in ra khoảng 13 triệu cuốn trong 73 thứ tiếng. Hầu hết các số được in cùng một lúc nên hầu như tất cả các tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều nhận được tin tức giống nhau cùng một lúc.
10 Ngoài ra, hơn 73.000 hội thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới được tổ chức để họp đều đặn hầu nhận được sự dạy dỗ trong Kinh-thánh (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Mỗi năm có hàng ngàn hội nghị tập họp nhiều người hơn: hội nghị vòng quanh và địa hạt. Có một chương trình xây cất rộng lớn trên toàn thế giới để xây hoặc sửa sang Phòng Nước Trời, Phòng Hội nghị, Nhà Bê-tên và các cơ sở in sách báo Kinh-thánh. Có những trường cao đẳng huấn luyện những người dạy Kinh-thánh, chẳng hạn như Trường Ga-la-át cho các giáo sĩ và Trường Công việc Tiên phong, được mở tại nhiều xứ trên toàn thế giới.
11. Học cách tổ chức khéo léo bây giờ sẽ đem lại lợi ích gì trong tương lai?
11 Đức Giê-hô-va được các thiên sứ hầu việc Ngài giúp đỡ để tổ chức dân sự Ngài ở trên đất ‘làm cho đầy đủ mọi phận sự về chức vụ’. Ngài tổ chức khéo léo làm sao! (II Ti-mô-thê 4:5; Hê-bơ-rơ 1:13, 14; Khải-huyền 14:6). Bằng cách chỉ dẫn tôi tớ của Ngài để họ biết cách tổ chức khéo léo bây giờ, Đức Chúa Trời đạt được mục đích khác. Tôi tớ của Ngài đang được chuẩn bị kỹ càng để khi sống sót qua khỏi sự kết liễu của hệ thống mọi sự này, họ đã được tổ chức để bắt đầu sống trong thế giới mới. Rồi, dưới sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va, họ sẽ bắt đầu xây dựng Địa đàng trên toàn trái đất một cách có trật tự. Họ cũng sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng để dạy hàng tỷ người được sống lại trong tương lai mọi chi tiết về những gì mà Đức Chúa Trời đòi hỏi để được sống đời đời (Ê-sai 11:9; 54:13; Công-vụ các Sứ-đồ 24:15; Khải-huyền 20:12, 13).
Được tổ chức nhưng vui vẻ
12, 13. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va muốn dân sự Ngài có hạnh phúc?
12 Trong khi Đức Giê-hô-va là Đấng làm việc phi thường và có tài tổ chức tuyệt vời, Ngài không lạnh lùng, khắt khe, hoặc máy móc. Trái lại, Ngài là Đấng rất nồng hậu và vui vẻ và quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta. I Phi-e-rơ 5:7 nói: “Ngài hay săn-sóc anh em”. Chúng ta có thể thấy Ngài săn sóc và ao ước tôi tớ Ngài được hạnh phúc qua điều Ngài đã làm cho loài người. Chẳng hạn như khi Đức Chúa Trời tạo ra người đàn ông và người đàn bà hoàn toàn, Ngài đặt họ trong vườn địa đàng đầy lạc thú (Sáng-thế Ký 1:26-31; 2:8, 9). Ngài cho họ tất cả những gì họ cần để được hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng vì phản loạn nên họ đã mất hết tất cả những điều đó. Tội lỗi của họ gây ra hậu quả là chúng ta thừa hưởng sự bất toàn và chết chóc (Rô-ma 3:23; 5:12).
13 Tuy hiện tại bất toàn, loài người chúng ta vẫn có thể tìm được niềm vui nơi những gì Đức Chúa Trời tạo ra. Có nhiều thứ đem lại cho chúng ta niềm vui thích: núi hùng vĩ; sông hồ, đại dương và bãi biển đẹp đẽ; những bông hoa có hương thơm, đầy màu sắc và nhiều loại cây cỏ khác không thể đếm được; thực phẩm thơm ngon dư dật; cảnh mặt trời lặn mà chúng ta không bao giờ chán; bầu trời đầy sao mà chúng ta thích ngắm nhìn vào ban đêm; nhiều loại thú vật khác nhau và những thú con dễ thương vui đùa ngộ nghĩnh; âm nhạc truyền cảm; công việc hữu ích và thú vị; bạn bè tốt. Rõ ràng là Đấng sắp xếp những điều đó là một Đấng vui vẻ và thích làm cho người khác được vui.
14. Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải có sự thăng bằng nào khi bắt chước Ngài?
14 Vì thế, Đức Giê-hô-va không phải chỉ muốn thấy hiệu quả tốt của việc khéo tổ chức. Ngài muốn tôi tớ Ngài được vui vẻ cũng như Ngài vui vẻ. Ngài không muốn họ chỉ lo nghĩ đến việc tổ chức mà quên đi sự vui vẻ. Giống như Đức Chúa Trời, tôi tớ của Ngài phải có sự thăng bằng giữa năng khiếu tổ chức và sự vui vẻ, vì nơi nào có thánh linh đầy quyền năng của Ngài, thì nơi đó có sự vui mừng. Quả thật, Ga-la-ti 5:22 cho thấy “sự vui-mừng” là bông trái thứ hai của thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động trên dân sự Ngài.
Lòng yêu thương sinh ra hạnh phúc
15. Tại sao lòng yêu thương rất quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta?
15 Điều đặc biệt đáng chú ý là Kinh-thánh nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8, 16). Kinh-thánh không bao giờ nói: “Đức Chúa Trời là sự tổ chức”. Yêu thương là đức tính chính của Đức Chúa Trời, và tôi tớ Ngài phải bắt chước đức tính này của Ngài. Đó là lý do tại sao bông trái đầu tiên của thánh linh Đức Chúa Trời liệt kê nơi Ga-la-ti 5:22 là “lòng yêu-thương”, và theo sau là “sự vui-mừng”. Lòng yêu thương sinh ra sự vui mừng. Khi noi theo Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng yêu thương trong việc cư xử với người khác, thì hạnh phúc sẽ đến vì người có lòng yêu thương là người có hạnh phúc.
16. Giê-su cho thấy tầm quan trọng của lòng yêu thương như thế nào?
16 Sự dạy dỗ của Giê-su làm nổi bật tầm quan trọng của việc noi theo Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương. Ngài nói: “[Ta] nói đều Cha ta đã dạy ta” (Giăng 8:28). Điều gì đặc biệt mà Đức Chúa Trời dạy Giê-su và rồi ngài dạy người khác? Đó là hai điều răn lớn nhất: yêu mến Đức Chúa Trời và yêu người lân cận (Ma-thi-ơ 22:36-39). Chúa Giê-su là một thí dụ tiêu biểu cho sự yêu thương đó. Ngài nói: “Ta yêu-mến Cha” và chứng tỏ điều này qua việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời cho đến chết. Ngài cũng cho thấy lòng yêu thương người khác qua việc ngài chết cho họ. Sứ đồ Phao-lô nói với tín đồ đấng Christ tại thành Ê-phê-sô: ‘Đấng Christ yêu-thương anh em và vì anh em phó chính mình ngài’ (Giăng 14:31; Ê-phê-sô 5:2). Vì thế, Giê-su nói với môn đồ: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi” (Giăng 15:12, 13).
17. Phao-lô cho thấy việc bày tỏ lòng yêu thương người khác là một điều thiết yếu như thế nào?
17 Phao-lô cho thấy lòng yêu thương theo ý Đức Chúa Trời cực kỳ quan trọng như thế nào qua lời nói: “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên-sứ, nếu không có tình yêu-thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập-chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên-tri, cùng biết đủ các sự mầu-nhiệm và mọi sự hay-biết; dầu tôi có cả đức-tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu-thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân-phát gia-tài để nuôi kẻ nghèo-khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu-thương, thì đều đó chẳng ích chi cho tôi... Còn có ba đều này: đức-tin, sự trông-cậy, tình yêu-thương; nhưng đều trọng hơn trong ba đều đó là tình yêu-thương” (I Cô-rinh-tô 13:1-3, 13).
18. Chúng ta có thể trông đợi gì nơi Đức Giê-hô-va để có thêm hạnh phúc?
18 Khi chúng ta noi theo Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương, chúng ta có thể tin chắc là Ngài sẽ yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta lầm lỗi vì Ngài là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm-giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). Nếu chúng ta thành tâm ăn năn khi phạm lỗi, Đức Chúa Trời đầy lòng yêu thương sẽ tha thứ chúng ta chứ không ghi nhớ những lầm lỗi đó (Thi-thiên 103:1-3). Thật vậy, “Chúa [Đức Giê-hô-va] đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (Gia-cơ 5:11). Biết được điều này làm chúng ta vui sướng hơn.
Hiện tại tương đối hạnh phúc
19, 20. a) Tại sao hiện nay chúng ta không thể có hạnh phúc tuyệt đối? b) Kinh-thánh cho thấy thế nào về việc chúng ta có thể có hạnh phúc tương đối vào thời buổi này?
19 Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đang sống trong ngày cuối cùng của thế giới vô luân, hung bạo và đầy tội ác dưới quyền của Sa-tan, là nơi chúng ta phải đối phó với bệnh tật và chết chóc, chúng ta có thể nào có hạnh phúc không? Dĩ nhiên, hiện thời chúng ta không thể trông mong có được mức độ hạnh phúc giống như trong thế giới mới của Đức Chúa Trời như Lời Ngài đã nói trước: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa. Thà các ngươi hãy mừng-rỡ và vui-vẻ đời đời trong sự ta dựng nên” (Ê-sai 65:17, 18).
20 Hạnh phúc tương đối là điều mà dân sự Đức Chúa Trời hiện thời có thể có nhờ biết ý định của Ngài và có sự hiểu biết chính xác về những ân phước tuyệt diệu sắp đến trong địa đàng thế giới mới (Giăng 17:3; Khải-huyền 21:4). Đó là lý do tại sao Kinh-thánh có thể nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va vạn-quân, phước cho người nào nhờ-cậy nơi Ngài!”, “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!”, “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất” (Thi-thiên 84:12; 128:1; Ma-thi-ơ 5:5). Vì thế, dù chúng ta phải tranh đấu với những hoàn cảnh khó khăn hiện tại, chúng ta có thể có rất nhiều hạnh phúc. Ngay cả khi chúng ta gặp phải những điều không tốt, chúng ta không trở nên buồn rầu như những người không biết Đức Giê-hô-va và không có hy vọng được sống đời đời (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13).
21. Tại sao việc tự hy sinh để giúp người khác góp phần vào hạnh phúc của tôi tớ Đức Giê-hô-va?
21 Hạnh phúc cũng đến với tôi tớ Đức Giê-hô-va vì họ dùng thì giờ, sức lực và tài nguyên để dạy lẽ thật của Kinh-thánh cho người khác, nhất là những người đang ‘than-thở khóc-lóc về mọi sự gớm-ghiếc’ xảy ra trong thế gian của Sa-tan (Ê-xê-chi-ên 9:4). Kinh-thánh nói: “Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn-cùng! Trong ngày tai-họa Đức Giê-hô-va sẽ giải-cứu người. Đức Giê-hô-va sẽ gìn-giữ người, bảo-tồn mạng-sống người: Người sẽ được phước trên đất” (Thi-thiên 41:1, 2). Như Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
22. a) Về vấn đề hạnh phúc, hãy cho thấy sự khác biệt giữa tôi tớ Đức Chúa Trời với những người không phụng sự Ngài. b) Chúng ta trông mong có được hạnh phúc vì lý do đặc biệt nào?
22 Cho nên trong khi các tôi tớ của Đức Chúa Trời không thể trông mong có được hạnh phúc hoàn toàn vào thời buổi này, họ có thể có được hạnh phúc mà những người không phụng sự Đức Chúa Trời không thể có được. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Này, tôi-tớ ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ, còn các ngươi thì khóc-lóc vì lòng buồn-bực, kêu-than vì tâm-thần phiền-não” (Ê-sai 65:14). Những ai phụng sự Đức Giê-hô-va cũng có một lý do rất đặc biệt để có hạnh phúc bây giờ—họ có thánh linh mà “Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng-lời Ngài” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:32). Và hãy nhớ, thánh linh của Đức Chúa Trời ở đâu thì ở đó có hạnh phúc (Ga-la-ti 5:22).
23. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
23 Ngày nay, những “trưởng-lão” đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức của các tôi tớ Đức Chúa Trời. Họ dẫn đầu trong hội thánh, góp phần vào hạnh phúc của dân sự Đức Giê-hô-va (Tít 1:5). Những người đó nên có quan điểm nào về trách nhiệm và mối liên lạc của họ với các anh chị thiêng liêng? Bài tới sẽ thảo luận về điều này.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Sự sáng tạo chứng tỏ thế nào về việc Đức Giê-hô-va có khả năng tổ chức?
◻ Đức Giê-hô-va tổ chức các tôi tớ Ngài trong quá khứ và trong hiện tại thế nào?
◻ Đức Giê-hô-va muốn chúng ta bày tỏ sự thăng bằng nào?
◻ Lòng yêu thương quan trọng thế nào đối với hạnh phúc của chúng ta?
◻ Ngày nay chúng ta có thể trông mong được loại hạnh phúc nào?
[Nguồn hình ảnh nơi trang 14]
Hình trên: Courtesy of ROE/Anglo-Australian Observatory, photograph by David Malin