Tôn giáo có thể thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta không?
Chúng ta ăn gì đây? Chúng ta uống gì đây? Chúng ta mặc gì đây? Các câu hỏi này cần được cấp bách giải đáp, đặc biệt khi khó khăn kiếm được nhu cầu cần yếu để sống. Tuy vậy, hãy lưu ý điều Giê-su nói: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc” (Ma-thi-ơ 6:25). Điều đó nghe lạ không? Bởi vì, nếu một người thiếu đồ ăn, đồ mặc và một mái nhà, người đó thật ra cần sự giúp đỡ thực tế, chứ không phải cái mà một số người cho là tôn giáo nhạt nhẽo.
Giê-su không lãnh đạm, cũng không tìm cách tránh né vấn đề. Ngài ý thức rõ nhu cầu của quần chúng. Thế nhưng ngài cũng biết có một nguy hiểm rất xác thực. Khi phải thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta, chúng ta quá dễ dàng để cho các sự việc vật chất ảnh hưởng nhiều đến đời sống và cảm thấy Đức Chúa Trời không quan trọng. Do đó chúng ta cần phải đặt đúng vấn đề ưu tiên trong các việc chúng ta làm.
Chúng ta sẽ đặt đúng vấn đề ưu tiên trong các việc chúng ta làm nếu vâng theo lời khuyên của Giê-su: “Nhưng trước hết, hãy [tiếp tục] tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Nếu chúng ta làm theo lời khuyên này, thì tôn giáo—tôn giáo thật dựa trên lẽ thật của Kinh-thánh—có thể thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta.
Tuy nhiên, Giê-su không có thiếu thực tế đến nỗi đưa ra lập luận rằng chỉ có việc giản dị trở thành môn đồ của ngài và làm theo những lời dạy bảo của ngài là lập tức chúng ta giải quyết tất cả mọi vấn đề khó khăn của chúng ta; ngài cũng không muốn nói các môn đồ chỉ nên ngồi yên một chỗ và chờ đợi Đức Chúa Trời ban phép lạ cho họ. Thật vậy mỗi người chắc sẽ trở thành tín đồ đấng Christ (Ky-tô) nếu điều đó khiến họ lập tức có được tâm trí thảnh thơi, khỏi phải bận tâm về mọi sự khó khăn trong đời sống! Những lời của Giê-su muốn nói rằng Cha ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cung cấp mọi điều cần thiết để thỏa mãn tất cả các nhu cầu của chúng ta. Đó là lý do tại sao Giê-su cũng có nói: “Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi” (Ma-thi-ơ 6:32).
Đức Giê-hô-va cũng thỏa mãn các nhu cầu thiêng liêng hết sức là hệ trọng của chúng ta. Qua Kinh-thánh, Ngài ban cho chúng ta lời khuyên được soi dẫn nhằm giúp chúng ta sống theo cách tốt nhất có thể được (Ê-sai 48:17). Đức Chúa Trời đã thiết lập một hiệp hội gồm có những người thờ phượng Ngài để giúp đỡ chúng ta khi cần đến (Công-vụ các Sứ-đồ 4:34). Ngài cũng can thiệp để giúp đỡ chúng ta qua trung gian thánh linh, hay sinh hoạt lực của Ngài (Lu-ca 11:13; Ga-la-ti 5:22-25). Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã sắp đặt để lập lại Địa-đàng trên đất (Lu-ca 23:43; Khải-huyền 21:1-4).
Thỏa mãn các nhu cầu vật chất của chúng ta
Bây giờ hãy xem xét vài nguyên tắc của Kinh-thánh đã giúp nhiều người thỏa mãn các nhu cầu vật chất. Phao-lô, sứ đồ của đấng Christ (Ky-tô), viết:
“Hỡi những kẻ rất yêu-dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh” (II Cô-rinh-tô 7:1).
Hãy nghĩ đến tất cả mọi vấn đề khó khăn chúng ta có thể thoát khỏi nếu tránh sự ô uế do thuốc lá, ma túy và những điều khác làm ô uế cơ thể. Và chúng ta hẳn phải khá giả hơn biết bao nếu không phung phí tiền bạc, thì giờ và tâm trí vào những đồ dâm thư cũng như các loại giải trí có thể đầu độc tâm hồn chúng ta!
Kinh-thánh cũng nói:
“Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu, Hoặc với những kẻ láu ăn; Vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo; Còn kẻ ham ngủ sẽ mặc rách-rưới” (Châm-ngôn 23:20, 21).
Hãy lưu ý hậu quả sau cùng của việc say rượu và láu ăn—nghèo khổ và rách rưới. Nhiều người ngày nay—ngay dù họ rất sùng đạo—cứ bị nghèo mãi vì quá ham mê rượu chè hay nghiện ngập những đồ làm ô uế xác thịt. Tránh những việc như thế để sống phù hợp với các tiêu chuẩn của Kinh-thánh có thể giúp chúng ta thật nhiều để thỏa mãn các nhu cầu thực phẩm, quần áo và chỗ ở.
Sứ đồ Phao-lô nói đến một nguyên tắc khác đã giúp các tín đồ đấng Christ (Ky-tô) thỏa mãn các nhu cầu của họ:
“Chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành [lương thiện] trong mọi sự” (Hê-bơ-rơ 13:18).
Nhờ sống lương thiện trong mọi sự, nhiều tín đồ đấng Christ (Ky-tô) đã có thể cấp dưỡng cho chính mình họ và gia đình họ. Họ cũng tạo được danh tiếng tốt và vì vậy rất có thể những người khác giao dịch với họ nhiều hơn trong việc làm ăn. Một người lương thiện không luôn luôn nhất thiết phải hơn mọi người khác về phương diện vật chất, những người đó thường có đầy đủ những nhu cầu cần yếu để sống và bảo vệ được sự tự trọng.
Một lời khuyên khác cũng liên hệ mật thiết với điều này là:
“Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương-thiện (Ê-phê-sô 4:28).
Nhờ áp dụng nguyên tắc này, nhiều người đã tìm và giữ được việc làm vì họ đáng tín nhiệm. Bởi thế, họ có thể cấp dưỡng cho chính họ và cho gia đình họ. Thay vì bị tiêm nhiễm bởi tinh thần thế gian làm mù lòng người ta trước những thực hành bất lương, tín đồ đấng Christ ăn ở lương thiện và điều này đem lại hậu quả tốt.
Để thí dụ: Một Nhân-chứng Giê-hô-va tại nước Nhật muốn làm việc ít giờ hơn mỗi tuần để có nhiều thì giờ hơn dành vào các mục tiêu thiêng liêng. Tuy nhiên, khi ông xin điều này, chủ nhân cho ông thôi việc. Đến đó, người mẹ của chủ nhân hỏi: “Thế con đã đuổi người đáng tin cậy nhất à?” Người Nhân-chứng gặp phải hoàn cảnh xấu hơn khi bị thương ở lưng tại chỗ làm việc khác. Chẳng bao lâu sau đó, ông gặp người chủ cũ, nay đang bối rối vì vừa hay được một trong những người làm công cho ông đã đánh cắp vàng, bạch kim và nhẫn thuộc hãng nữ trang của ông ta. Lập tức người chủ đó yêu cầu người Nhân-chứng trở lại làm việc cho ông, lần này thì theo điều kiện của người Nhân-chứng. Người kia nay chỉ muốn có được một người làm công lương thiện.
Theo sứ đồ Phao-lô, một người tín đồ đấng Christ nên “chịu khó... làm nghề lương-thiện” không những để nuôi sống bản thân mình, mà lại còn để “có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn” nữa (Ê-phê-sô 4:28). Lúc cần, người tín đồ thật của đấng Christ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Một gia đình nọ ở Fiji từng trải điều này khi nhà họ bị hư hại nặng nề do một trận cuồng phong trong khi họ dự một hội nghị của tín đồ đấng Christ. Về tới nhà, họ chứng kiến một cảnh tượng điêu tàn. Nhưng họ cũng đã được anh em cùng đạo vui lòng dùng đến của cải của mình để giúp gia đình này có nơi tạm trú và cất nhà lại. Người cha trong gia đình này nói: “Thật là đầy an ủi, khi bạn biết rằng có các tín đồ đấng Christ thật sự lo lắng đến bạn”.
Giê-su Christ từng cảm thấy thương xót nhiều đối với những người thiếu thốn. Vào nhiều dịp, ngài đích thân giúp đỡ những người thất thế, bằng cách này hay cách khác. Dĩ nhiên, Giê-su biết khi nào hệ thống mọi sự thối nát này còn được phép tồn tại, sự nghèo khổ và các vấn đề xã hội khác vẫn còn (Giăng 12:8). Do đó, cho dù ngài làm nhiều điều để giúp quần chúng về vật chất, động lực thật sự của thánh chức ngài là thỏa mãn các nhu cầu thiêng liêng của họ.
Khi một đám đông người được Giê-su cho ăn trước đó theo ngài đến Ca-bê-na-um, ngài nói ra lời phê bình đầy ý nghĩa này: “Các ngươi tìm ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được nọ. Hãy làm việc, chớ vì đồ-ăn hay hư-nát, nhưng vì đồ-ăn còn lại đến sự sống đời đời” (Giăng 6:26, 27). Giê-su lúc đó muốn nói gì?
Giê-su muốn nói đến một sự nguy hiểm là dân chúng kết hợp với ngài và các môn đồ ngài chỉ vì lợi lộc vật chất mà thôi. Nhưng ngài biết điều này sẽ không đem lại lợi ích lâu dài. Như thế ngài nói: “Phước cho những ai ý thức đến nhu cầu thiêng liêng, vì nước ở trên trời thuộc về họ. Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (Ma-thi-ơ 5:3, 6, NW).
Ngoài sự đói khát đồ ăn vật chất còn có một sự đói khát về lẽ thật và cần được thỏa mãn về thiêng liêng. Người ta sung sướng thật khi được thỏa mãn sự đói khát về thiêng liêng. Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã đào tạo một xã hội duy vật. Các tôn giáo Đông phương để cho thiên hạ ở trong sự tối tăm. Nhưng sự thờ phương thật—đạo của Giê-su Christ—đã thỏa mãn các nhu cầu thiêng liêng của quần chúng, ngay cả các nhu cầu của bạn nữa. Nếu bạn muốn hưởng những sự sắp đặt đó, bạn có thể được thỏa mãn.
Chẳng hạn, một người thanh niên nhận lấy tờ Tháp Canh và tờ Tỉnh thức! do một tín đồ đấng Christ rao giảng ngoài đường phố tại Mauritius. Tuần sau đó, anh ta trở lại để nhận thêm vài tờ tạp chí khác nữa. Anh ta giải thích đã định tự tử vì các vấn đề tài chánh khó khăn, nhưng các tạp chí đã giúp anh hiểu rằng có một Đức Chúa Trời chú ý đến chúng ta. Sự đói khát về thiêng liêng của chàng thanh niên bắt đầu được thỏa mãn.
Chúng ta sẽ nhìn thấy được thời kỳ trong đó tất cả các nhu cầu của chúng ta được thỏa mãn hoàn toàn không? Kinh-thánh nói có. Thật ra, người ta chán ngán nghe mãi hết lời hứa này đến lời hứa khác về những việc vị lai khả quan hơn. Họ đã rất thường bị thất vọng. Nhưng chúng ta có thể đặt tin cậy nơi những lời hứa của Kinh-thánh. Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Tác giả của Kinh-thánh, làm ứng nghiệm mỗi lời hứa của Ngài. Giô-suê phát biểu điều này khi nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, thảy đều ứng-nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết” (Giô-suê 23:14).
Giải pháp thiết thực cho tất cả mọi vấn đề khó khăn của chúng ta tùy nơi sự ứng nghiệm các lời hứa huyền diệu của Đức Chúa Trời về việc tẩy sạch toàn diện trái đất (Khải-huyền 11:18). Tất cả mọi nhu cầu của chúng ta sẽ được thỏa mãn khi Nước Trời của Ngài tái lập Địa-đàng trên đất, hoàn thành ý định ban đầu của Ngài dành cho nhân loại (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Lúc ấy chúng ta sẽ không nghe thấy “tiếng khóc-lóc kêu-la nữa” xuất phát từ những người cứ mãi thiếu thốn. Nhờ làm việc lương thiện và bằng cách áp dụng các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, họ sẽ hưởng một đời sống đầy trọn và ổn thỏa (Ê-sai 65:17-25).
Maria, trước kia làm bà phước theo Công giáo đã được nói đến ở đầu bài trước, đã có được sự tin cậy này. Bà hiểu rằng trước đó bà đã sống trong tối tăm thiêng liêng qua nhiều năm, luôn luôn nơm nớp lo sợ cho tương lai và không thể thấy được ý nghĩa thật sự của đời sống. Nhưng nhờ học Kinh-thánh mọi điều đó đã thay đổi hẳn. Bà nói: “Tôi từ trong nơi tối tăm bước ra ánh sáng chiếu rạng càng ngày càng chói lọi thêm lên” (Thi-thiên 43:3; Châm-ngôn 4:18). Điều này không những đã giúp bà thỏa mãn được các nhu cầu vật chất cấp bách, mà lại còn thỏa mãn sự đói khát thiêng liêng của bà nữa. Đúng vậy, tôn giáo—tôn giáo thật—có thể thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta.
[Hình nơi trang 7]
Tôn giáo thật sẽ thỏa mãn tất cả các nhu cầu của chúng ta