CHƯƠNG 12
Hãy nói lời tốt đẹp và xây dựng
“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến”.—Ê-PHÊ-SÔ 4:29.
1-3. (a) Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà nào, và nó có thể bị lạm dụng ra sao? (b) Để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta cần dùng lời nói như thế nào?
Khi bạn tặng một món quà cho người thân yêu, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu người đó cố ý dùng món quà ấy không đúng cách? Giả sử món quà là một chiếc xe, và bạn biết rằng người đó lái chiếc xe ấy một cách ẩu tả, gây thương tích cho người khác. Hẳn bạn sẽ thất vọng phải không?
2 Khả năng giao tiếp bằng lời nói là món quà của Đức Giê-hô-va, Đấng ban “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” (Gia-cơ 1:17). Món quà này làm cho gia đình nhân loại khác biệt với loài thú và giúp chúng ta truyền đạt không chỉ suy nghĩ mà cả cảm xúc với người khác. Tuy nhiên, giống như chiếc xe, món quà này có thể bị lạm dụng. Đức Giê-hô-va hẳn phải thất vọng biết bao nếu chúng ta dùng lời nói một cách thiếu thận trọng, khiến người khác bị tổn thương và đau lòng!
3 Để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta cần dùng món quà này phù hợp với ý muốn của Ngài. Đức Giê-hô-va cho biết rõ về những loại lời nói làm Ngài hài lòng. Kinh Thánh viết như sau: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho [“lời tốt đẹp xây dựng”, BDY] và có ích-lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Hãy cùng thảo luận xem tại sao chúng ta cần kiểm soát lời nói của mình, những cách nói năng nào cần tránh và làm sao để có thể nói “lời tốt đẹp xây dựng”.
TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI KIỂM SOÁT LỜI NÓI CỦA MÌNH?
4, 5. Một số câu châm ngôn trong Kinh Thánh miêu tả thế nào về sức mạnh của lời nói?
4 Một lý do quan trọng để gìn giữ miệng lưỡi là vì lời nói có sức mạnh. Châm-ngôn 15:4 cho biết: “Lưỡi hiền-lành giống như một cây sự sống; song lưỡi gian-tà làm cho hư-nát tâm-thần”.a Lời nói ôn hòa và êm dịu có thể làm tươi tỉnh tinh thần người nghe. Trái lại, những lời bóp méo và xuyên tạc có thể làm nản lòng người khác. Thật vậy, lời chúng ta nói có sức mạnh làm tổn thương hoặc chữa lành.—Châm-ngôn 18:21.
5 Một câu châm ngôn khác miêu tả sống động sức mạnh của lời nói: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm” (Châm-ngôn 12:18). Hấp tấp nói lời vô độ hay thiếu suy nghĩ có thể gây tổn thương nặng nề và phá hủy các mối quan hệ. Bạn có bao giờ cảm thấy đau lòng vì những nhát đâm của lời nói vô độ không? Mặt khác, câu châm ngôn này cũng nêu lên một điều tích cực: “Lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. Những lời nói ân cần của người thể hiện sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời có thể xoa dịu những tấm lòng đau thương và phục hồi các mối quan hệ. Bạn có nhớ lần mà bạn được xoa dịu nhờ sức mạnh chữa lành của những lời nói tử tế không? (Châm-ngôn 16:24). Khi nhận ra lời nói có sức mạnh, chắc hẳn chúng ta muốn dùng lời nói của mình để xoa dịu, chứ không phải để làm tổn thương người khác.
Lời nói ôn hòa làm tươi tỉnh tinh thần
6. Tại sao kiềm chế cái lưỡi đòi hỏi nỗ lực rất lớn?
6 Dù cố gắng thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể hoàn toàn kiểm soát được cái lưỡi. Vì thế, lý do thứ hai chúng ta cần gìn giữ lời nói của mình là: Tội lỗi và sự bất toàn khiến chúng ta có khuynh hướng lạm dụng cái lưỡi. Lời nói thường xuất phát từ lòng, và ‘tâm-tánh loài người là xấu-xa’ (Sáng-thế Ký 8:21; Lu-ca 6:45). Thế nên, kiềm chế cái lưỡi thật sự đòi hỏi nỗ lực rất lớn (Gia-cơ 3:2-4). Dù không thể hoàn toàn kiểm soát cái lưỡi, nhưng chúng ta có thể tiếp tục cố gắng cải thiện cách chúng ta dùng lưỡi của mình. Giống như một người cố gắng bơi ngược dòng phải tiếp tục kháng cự lại dòng chảy, chúng ta cũng phải tiếp tục chống lại khuynh hướng tội lỗi khiến mình lạm dụng cái lưỡi.
7, 8. Chúng ta chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va về lời nói của mình như thế nào?
7 Lý do thứ ba phải gìn giữ miệng lưỡi là vì chúng ta chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va về lời nói của mình. Cách chúng ta dùng lưỡi ảnh hưởng đến không chỉ mối quan hệ của mình với người đồng loại mà còn vị thế của chúng ta trước mắt Đức Giê-hô-va. Gia-cơ 1:26 nói: “Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo mà không cầm-giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa-dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô-ích”.b Như đã xem trong chương trước, lời nói là một phần trong sự thờ phượng của chúng ta. Nếu cái lưỡi không được kiềm chế—tuôn ra những lời cay độc và làm tổn thương—thì tất cả những gì chúng ta làm để phụng sự Đức Chúa Trời đều có thể trở thành vô ích trước mắt Ngài. Thật vậy, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này!—Gia-cơ 3:8-10.
8 Rõ ràng chúng ta có nhiều lý do chính đáng để không lạm dụng cái lưỡi. Trước khi xem xét những loại lời nói tốt lành và xây dựng, chúng ta hãy thảo luận về những cách nói năng mà tín đồ Đấng Christ chân chính hoàn toàn phải tránh.
NHỮNG LỜI PHÁ ĐỔ
9, 10. (a) Loại ngôn từ nào đã trở thành cách nói năng thường ngày trong thế giới ngày nay? (b) Tại sao chúng ta không chấp nhận những ngôn từ tục tĩu? (Xin cũng xem cước chú).
9 Ngôn từ tục tĩu. Chửi rủa, chửi thề và những dạng khác của ngôn từ tục tĩu đã trở thành một phần trong cách nói năng thường ngày của thế giới ngày nay. Nhiều người dùng những từ đệm tục tĩu vì muốn nhấn mạnh lời nói hoặc vì có vốn từ giới hạn. Các diễn viên hài thường dùng những lời khiếm nhã hoặc tục tĩu để làm người ta cười. Tuy nhiên, ngôn từ tục tĩu không phải là điều đáng cười giỡn. Cách đây khoảng 2.000 năm, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để khuyên hội thánh Cô-lô-se phải bỏ đi những lời tục tĩu (Cô-lô-se 3:8). Phao-lô cũng nói với hội thánh Ê-phê-sô rằng những chuyện “giễu-cợt” tục tĩu là một trong những điều “chớ nên nói đến” giữa các tín đồ Đấng Christ chân chính.—Ê-phê-sô 5:3, 4.
10 Ngôn từ tục tĩu là điều đáng gớm ghiếc đối với Đức Giê-hô-va, cũng như những người yêu mến Ngài. Thật thế, tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta không chấp nhận những ngôn từ tục tĩu. Khi liệt kê “các việc làm của xác-thịt”, Phao-lô cũng đề cập đến sự ô uế, có thể bao hàm những lời nói dơ bẩn (Ga-la-ti 5:19-21). Đây là vấn đề nghiêm trọng. Nếu một người nhiều lần được khuyên bảo mà vẫn không ăn năn, tiếp tục dùng những ngôn từ có liên quan hoặc cổ vũ những điều tục tĩu và đồi bại, thì người đó có thể bị khai trừ khỏi hội thánh.c
11, 12. (a) Khi nào việc nói về người khác trở nên tai hại? (b) Tại sao những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải tránh vu khống người khác?
11 Chuyện ngồi lê đôi mách và lời vu khống. Người ta có khuynh hướng thích nói về người khác. Điều này có gì sai không? Không, nếu chúng ta nói về những điều tích cực hoặc chia sẻ những thông tin hữu ích, chẳng hạn ai mới làm báp têm hoặc ai cần được khuyến khích. Các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã quan tâm chân thành đến lợi ích của nhau và chia sẻ thông tin thích hợp về những anh em đồng đạo khác (Ê-phê-sô 6:21, 22; Cô-lô-se 4:8, 9). Tuy nhiên, nói về người khác có thể trở thành ngồi lê đôi mách nếu câu chuyện bóp méo sự thật hoặc đề cập đến những vấn đề riêng tư. Nghiêm trọng hơn, hành động này có thể dẫn đến sự vu khống, một điều luôn gây hại. Vu khống là “bịa đặt chuyện xấu. . . để bôi nhọ và hủy hoại thanh danh của người khác”. Chẳng hạn, người Pha-ri-si đã âm mưu dùng lời vu khống hiểm độc để làm mất uy tín của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 9:32-34; 12:22-24). Vu khống thường gây ra bất hòa.—Châm-ngôn 26:20.
12 Đức Giê-hô-va không xem nhẹ việc dùng lời nói để bôi nhọ người khác hoặc gây chia rẽ. Ngài ghét những ai “gieo sự tranh-cạnh trong vòng anh em” (Châm-ngôn 6:16-19). Từ Hy Lạp di·aʹbo·los được dịch là “kẻ vu khống”, và cũng được dịch là “ma-quỉ”, một tên gọi của Sa-tan vì hắn là kẻ vu khống Đức Chúa Trời một cách hiểm độc (Khải-huyền 12:9, 10). Chắc chắn chúng ta muốn tránh dùng những lời nói khiến mình trở nên giống Ma-quỉ. Hội thánh không chấp nhận những lời vu khống khơi dậy các việc làm của xác thịt như “cãi-lẫy” và “bất-bình [“chia rẽ”, BDM]” (Ga-la-ti 5:19-21). Vì thế, trước khi truyền đi thông tin về một người nào đó, hãy tự hỏi: “Tin này có thật không? Lan truyền tin này có phải là yêu thương không? Có nên hoặc có cần thiết để làm thế không?”.—1 Phi-e-rơ 4:15.
13, 14. (a) Những lời lăng mạ có thể tác động thế nào đến người nghe? (b) Chửi rủa là gì, và tại sao một người chửi rủa là đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm?
13 Những lời lăng mạ. Như đã được đề cập, lời nói có sức mạnh làm tổn thương. Đôi khi vì bất toàn, tất cả chúng ta nói những điều mà sau đó mình cảm thấy hối tiếc. Tuy nhiên, Kinh Thánh đã cảnh báo về những cách nói năng mà tín đồ Đấng Christ phải tuyệt đối không dùng ở nhà cũng như trong hội thánh. Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc” (Ê-phê-sô 4:31). Khi dịch câu này, thay vì dùng từ “mắng-nhiếc”, một số bản Kinh Thánh khác dùng từ “xúc phạm”, “lăng mạ” và “nhạo báng”. Những lời lăng mạ—bao gồm việc dùng từ ngữ xúc phạm để gọi người khác và nói những lời chỉ trích gay gắt, vô độ—có thể làm người khác mất phẩm giá và khiến họ cảm thấy vô dụng. Những tấm lòng non nớt và nhạy cảm của trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những lời lăng mạ.—Cô-lô-se 3:21.
14 Kinh Thánh dùng những từ mạnh mẽ nhất để lên án việc chửi rủa, là hành động thường xuyên lăng mạ người khác bằng những lời xúc phạm, hạ thấp hoặc sỉ nhục. Một người tiếp tục nói những lời như thế là đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Nếu tiếp tục không hưởng ứng sự giúp đỡ của người khác để thay đổi đường lối, người chửi rủa có thể bị khai trừ khỏi hội thánh, thậm chí có thể mất cơ hội được hưởng những ân phước trong Nước Trời (1 Cô-rinh-tô 5:11-13; 6:9, 10). Rõ ràng, chúng ta không thể nào giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời nếu tiếp tục nói những lời độc hại, gian dối hoặc thiếu tử tế. Những lời như thế phá đổ người khác.
NHỮNG LỜI TỐT ĐẸP VÀ XÂY DỰNG
15. Thế nào là “lời tốt đẹp xây dựng”?
15 Làm thế nào chúng ta có thể dùng lời nói của mình theo ý Đức Chúa Trời? Hãy nhớ lại là Lời Ngài khuyến khích chúng ta dùng “lời tốt đẹp xây dựng” (Ê-phê-sô 4:29, BDY). Đức Giê-hô-va vui lòng khi chúng ta nói những lời xây dựng, khuyến khích và làm vững lòng người khác. Chúng ta cần phải suy nghĩ trước để nói những lời như thế. Kinh Thánh không đưa ra khuôn mẫu hoặc danh sách những lời tốt đẹp (Tít 2:8). Tuy nhiên, có ba yếu tố góp phần tạo nên “lời tốt đẹp xây dựng”, đó là tốt lành, chân thật và tử tế. Chúng ta cần ghi nhớ những yếu tố tuy đơn giản nhưng quan trọng này để nói lời xây dựng lẫn nhau. Hãy cùng xem vài thí dụ cụ thể.—Xin xem khung “Lời nói của tôi có xây dựng không?” nơi trang 140.
16, 17. (a) Tại sao chúng ta nên khen người khác? (b) Trong hội thánh và trong gia đình, chúng ta có những cơ hội nào để khen người khác?
16 Lời khen chân thành. Cả Đức Giê-hô-va lẫn Chúa Giê-su đều nhận thấy tầm quan trọng của việc nói lời khen ngợi và chấp thuận (Ma-thi-ơ 3:17; 25:19-23; Giăng 1:47). Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta cũng cần thật lòng khen ngợi người khác. Tại sao? Châm-ngôn 15:23 cho biết: “Lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!”. Hãy tự hỏi: “Tôi cảm thấy thế nào khi nghe người khác chân thành khen ngợi mình? Chẳng phải điều đó sưởi ấm lòng tôi và nâng đỡ tinh thần tôi sao?”. Thật vậy, lời khen chân thành giúp bạn biết rằng người khác chú ý, quan tâm đến bạn và những cố gắng của bạn là đáng công. Những lời ấy cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn và thúc đẩy bạn làm việc siêng năng hơn. Bạn cảm thấy vui mừng khi nghe người khác khen mình, vậy chẳng phải bạn cũng nên cố gắng để khen ngợi người khác sao?—Ma-thi-ơ 7:12.
17 Hãy tập tìm điểm tốt của người khác và khen họ. Trong hội thánh, bạn có thể nghe một anh hay chị làm bài giảng hay, thấy một người trẻ đang vươn đến những mục tiêu thiêng liêng, hoặc một người lớn tuổi trung thành tham dự các buổi nhóm họp dù bị giới hạn vì tuổi tác. Một lời khen chân thành có thể động đến lòng của những người như thế và làm họ vững mạnh về thiêng liêng. Trong gia đình, cả chồng lẫn vợ đều cần nghe những lời khen và lời cám ơn chân thành của nhau (Châm-ngôn 31:10, 28). Đặc biệt trẻ em rất cần được quan tâm và chú ý. Như ánh nắng mặt trời và dòng nước tươi mát nuôi dưỡng một cây xanh, lời khen và sự chấp thuận rất cần thiết cho trẻ em. Hỡi các bậc cha mẹ, hãy tìm cơ hội khen ngợi con cái về những đức tính và những nỗ lực đáng khen của các em. Những lời khen ấy có thể giúp con cái bạn thêm can đảm và tự tin, đồng thời thúc đẩy các em cố gắng nhiều hơn để làm điều đúng.
18, 19. Tại sao chúng ta nên cố gắng hết sức an ủi những anh em đồng đạo, và chúng ta làm thế bằng cách nào?
18 Lời an ủi. Đức Giê-hô-va quan tâm sâu sắc đến “kẻ khốn-cùng” và ‘người đau-đớn’ (Thi-thiên 72:13; Ê-sai 57:15). Lời Ngài khuyến khích chúng ta tiếp tục “khuyên-bảo nhau” và “yên-ủi những kẻ ngã lòng” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, 14). Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời biết và hài lòng về nỗ lực của chúng ta để an ủi những anh em đồng đạo đang có lòng nặng trĩu vì đau buồn.
19 Vậy, bạn có thể nói gì để xây dựng một anh em đồng đạo đang đau buồn hoặc nản lòng? Không nhất thiết là bạn phải giải quyết vấn đề. Trong nhiều trường hợp, những lời đơn giản thường hữu ích nhất. Hãy cho anh chị đó biết bạn quan tâm đến họ. Hãy đề nghị cùng họ cầu nguyện lớn tiếng, và hết lòng cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị ấy thấy Ngài và các anh chị khác yêu mến họ đến mức nào (Gia-cơ 5:14, 15). Hãy khẳng định rằng anh chị ấy là thành viên quý báu và cần thiết trong hội thánh (1 Cô-rinh-tô 12:12-26). Hãy đọc một câu Kinh Thánh khích lệ để trấn an họ rằng Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến cá nhân họ (Thi-thiên 34:18; Ma-thi-ơ 10:29-31). Khi bạn dành đủ thời gian để chia sẻ “một lời lành” với người đang nản lòng và chân thành nói chuyện với họ, chắc chắn họ sẽ cảm thấy được yêu thương và quý trọng.—Châm-ngôn 12:25.
20, 21. Những yếu tố nào làm cho một lời khuyên trở nên hữu hiệu?
20 Lời khuyên hữu hiệu. Vì là người bất toàn, tất cả chúng ta đôi khi cần được khuyên. Kinh Thánh khuyến khích: “Hãy nghe lời khuyên-dạy, và tiếp-nhận sự giáo-hối, để con được khôn-ngoan trong lúc cuối-cùng” (Châm-ngôn 19:20). Không chỉ các trưởng lão mới có thể khuyên người khác. Cha mẹ cũng khuyên bảo con cái (Ê-phê-sô 6:4). Những chị thành thục có thể cần phải khuyên các chị trẻ hơn (Tít 2:3-5). Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta đưa ra những lời khuyên sao cho người nghe có thể chấp nhận mà không cảm thấy bị áp đặt. Điều gì có thể giúp chúng ta làm thế? Hãy xem xét ba yếu tố làm cho lời khuyên hữu hiệu hơn: (1) thái độ và động cơ của người khuyên, (2) cơ sở của lời khuyên, và (3) cách cho lời khuyên.
21 Lời khuyên hữu hiệu liên quan trước hết đến người đưa ra lời khuyên. Bạn hãy tự hỏi: “Khi nào tôi cảm thấy dễ chấp nhận lời khuyên?”. Khi biết người khuyên quan tâm đến mình, không phải khuyên vì bực bội hoặc với động cơ xấu, thì bạn dễ chấp nhận lời khuyên đó hơn. Vì thế, khi khuyên người khác, chẳng phải bạn cũng nên có thái độ và động cơ đúng đắn như thế hay sao? Lời khuyên hữu hiệu cũng dựa trên cơ sở là Lời Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:16). Dù chúng ta có trực tiếp trích từ Kinh Thánh hay không, bất cứ lời khuyên nào của chúng ta cũng nên dựa trên Kinh Thánh. Vì thế, các trưởng lão cần cẩn trọng để không áp đặt quan điểm riêng của mình lên người khác, và cũng không bóp méo những câu Kinh Thánh để ủng hộ ý kiến cá nhân. Lời khuyên hữu hiệu cũng tùy thuộc vào cách đưa ra lời khuyên. Một lời khuyên được “nêm thêm muối” bằng sự nhân từ thì dễ chấp nhận hơn và giúp người nghe giữ được lòng tự trọng.—Cô-lô-se 4:6.
22. Bạn quyết tâm dùng khả năng giao tiếp bằng lời nói như thế nào?
22 Khả năng giao tiếp bằng lời nói quả là món quà quý giá từ Đức Chúa Trời. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va nên thúc đẩy chúng ta sử dụng món quà này một cách đúng đắn, chứ không lạm dụng nó. Chúng ta hãy nhớ rằng lời nói của mình có sức mạnh xây dựng hoặc phá đổ. Vậy hãy cố gắng dùng món quà này phù hợp với ý muốn của Đấng ban tặng chúng ta bằng cách nói “lời tốt đẹp xây dựng”. Nhờ đó, lời nói của chúng ta sẽ an ủi và làm tươi tỉnh những người xung quanh, cũng như giúp chúng ta giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
a Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “gian-tà” nơi Châm-ngôn 15:4 cũng có thể có nghĩa là “bóp méo, xuyên tạc”.
b Từ Hy Lạp dịch là “vô-ích” cũng được dịch là “không ra chi”.—1 Phi-e-rơ 1:18.
c Như được dùng trong Kinh Thánh, “ô-uế” là một từ có nghĩa rộng, có thể bao hàm nhiều tội. Mặc dù không phải tất cả các hành vi ô uế đều cần ủy ban tư pháp xét xử, nhưng một người có thể bị khai trừ khỏi hội thánh nếu tiếp tục phạm tội ô uế ở mức độ nghiêm trọng mà không ăn năn.—2 Cô-rinh-tô 12:21; Ê-phê-sô 4:19; xin xem mục “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-7-2006.