Liên lạc trong gia đình và trong hội-thánh
“Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối” (CÔ-LÔ-SE 4:6).
1. A-đam đã nói gì khi Đức Chúa Trời dẫn Ê-va đến trước mặt ông?
“KHÔNG AI là một hòn đảo...Mỗi người là một mảnh của lục địa”. Một nhà thông thái đã viết như thế cách đây nhiều thế kỷ. Qua những lời trên, ông chỉ yểm trợ lời của Đấng Tạo hóa nói về A-đam: “Loài người ở một mình không tốt”. A-đam được ban cho lời nói và ngôn ngữ, vì ông đã đặt tên cho tất cả các thú vật. Nhưng A-đam không có người đồng loại nào để trò chuyện. Không lạ gì khi Đức Chúa Trời dẫn Ê-va xinh đẹp đến để làm vợ ông, ông thốt lên: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra”! Vậy, khi bắt đầu có gia đình nhân loại thì A-đam cũng bắt đầu trò chuyện với một người đồng loại của mình (Sáng-thế Ký 2:18, 23).
2. Xem truyền hình một cách không kiểm soát có thể đưa đến tai hại nào?
2 Gia đình là một nơi lý tưởng để trò chuyện cùng nhau. Thật thế, gia đình có đằm thắm hay không cũng tùy vào sự liên lạc với nhau. Tuy nhiên việc này cần thì giờ và cố gắng. Ngày nay, người ta để mất nhiều thì giờ coi vô tuyến truyền hình. Điều đó có thể làm hại ít nhất về hai phương diện. Một mặt vô tuyến truyền hình có thể hấp dẫn đến nỗi những người trong gia đình bị nghiện xem truyền hình, vì vậy không còn trò chuyện với nhau nữa. Mặt khác, vô tuyến truyền hình có thể làm cớ để tránh nói chuyện khi có sự hiểu lầm và chạm tự ái. Thay vì cố gắng giải quyết vấn đề khó khăn, một số người có gia đình đã chọn cách làm thinh luôn và lặng lẽ xem truyền hình. Như vậy máy truyền hình rất có thể là nguyên do làm gián đoạn mối liên lạc, mà người ta cho là nguyên nhân chính làm cho hôn nhân thất bại. Những ai thấy khó lòng coi việc xem truyền hình là việc phụ có lẽ tốt hơn nên nghĩ đến việc dẹp máy truyền hình đi (Ma-thi-ơ 5:29; 18:9).
3. Xem truyền hình một cách hạn chế đã đem lại lợi ích cho một số người như thế nào?
3 Thật thế, nhiều người cho biết từ khi họ bớt xem truyền hình hoặc ngay cả không còn xem nữa thì đã nhận được nhiều ân phước. Một gia đình viết: “Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn...,tìm tòi nhiều hơn về các đề tài Kinh-thánh...Chúng tôi bày trò chơi chung với nhau...Chúng tôi rao giảng nhiều hơn về mọi mặt”. Sau khi dẹp máy truyền hình, một gia đình khác nói: “Không những chúng tôi tiết kiệm được tiền [trước đó họ đã phải đóng tiền để xem được nhiều đài đặc biệt] mà những người trong gia đình chúng tôi lại còn gần gũi nhau hơn nữa và tìm thấy có nhiều việc khác đáng làm hơn. Chúng tôi không bao giờ thấy nhàm chán”.
Nhìn nhau, nói chuyện với nhau và lắng nghe lẫn nhau
4. Một cặp vợ chồng có thể trao đổi sự quí mến lẫn nhau bằng cách nào?
4 Có nhiều hình thức thông tri trong gia đình. Có vài hình thức âm thầm. Khi hai người chỉ việc nhìn nhau, đó là một hình thức thông tri. Chỉ việc ở cạnh nhau cũng đủ nói lên cảm giác chăm sóc cho nhau. Vợ chồng không nên xa nhau lâu ngày trừ khi có lý do không thể tránh được. Một cặp vợ chồng có thể cảm thấy hạnh phúc bên nhau nhờ gần gũi lẫn nhau trong mối liên lạc hôn nhân. Bằng cách đối xử với nhau một cách trìu mến và kính trọng lẫn nhau, dù ở giữa đám đông hoặc trong đời tư, bằng cách ăn mặc và có phẩm cách nghiêm chỉnh đúng đắn, họ có thể âm thầm cho biết lòng quí mến sâu đậm đối với nhau. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói thế này: “Nguyện nguồn-mạch con được phước; con hãy lấy làm vui-thích nơi vợ con cưới buổi đang-thì” (Châm-ngôn 5:18).
5, 6. Tại sao chồng nên ý thức tầm quan trọng của việc liên lạc với vợ?
5 Thông tri cũng bao hàm việc nói chuyện, đối thoại—nói chuyện với nhau, chứ không phải mạnh ai nấy nói. Dù một số đàn bà biểu lộ tình cảm dễ hơn đàn ông, những người chồng không nên chỉ luôn luôn lặng lẽ lắng nghe. Những người chồng là tín đồ đấng Christ nên ý thức rằng việc thiếu sự liên lạc là một vấn đề khó khăn trầm trọng trong hôn nhân, và vậy thì họ nên cố gắng hết sức để làm cho mối liên lạc này được cởi mở. Thật vậy, họ sẽ làm như thế nếu cả chồng và vợ đều nghe theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô nơi Ê-phê-sô 5:25-33. Để yêu thương vợ như chính thân mình, chồng phải quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của nàng, chứ không chỉ nghĩ đến riêng mình. Sự liên lạc rất cần thiết để đạt đến mục tiêu đó.
6 Một người chồng không nên nghĩ rằng vợ sẽ thiết tưởng hoặc đoán là chồng yêu nàng. Nàng cần được nghe chồng nói yêu mình. Chàng có thể tỏ lòng quí mến vợ bằng nhiều cách—bằng cử chỉ âu yếm và quà tặng bất ngờ cũng như bằng cách nói cho vợ biết hết những điều có thể có liên hệ đến nàng. Cũng cần phải luôn luôn bày tỏ sự quí trọng đối với các sự cố gắng của vợ, chú ý đến cách trang sức của vợ, đến việc làm khó nhọc của vợ để lo cho gia đình, hoặc chú ý đến sự yểm trợ tận tình của nàng trong các hoạt động thiêng liêng. Ngoài ra, nghe theo lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ nơi I Phi-e-rơ 3:7, người chồng phải “tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình”, chồng phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của vợ, nghĩa là phải nói với nàng về tất cả các chuyện có liên hệ đến cả hai, tỏ ra trọng nàng như là phái yếu (Châm-ngôn 31:28, 29).
7. Vợ có bổn phận nào trong việc liên lạc với chồng?
7 Cũng thế, nghe theo lời khuyên về sự vâng phục nơi Ê-phê-sô 5:22-24 có nghĩa là người vợ phải quan tâm đến việc giữ cho mối giây liên lạc được cởi mở với chồng. Nàng cần phải “kính” chồng một cách sâu xa, bằng lời nói lẫn hành động. Nàng đừng bao giờ nàng nên hành động biệt lập hoặc lờ đi ước vọng của chồng (Ê-phê-sô 5:33). Lúc nào cũng nên có những cuộc nói chuyện thân mật riêng tư giữa vợ chồng với nhau. (So sánh Châm-ngôn 15:22).
8. Muốn giữ đường giây liên lạc cởi mở, vợ phải sẵn lòng làm gì?
8 Hơn nữa, một người vợ không nên âm thầm chịu khổ để rồi sinh ra tủi thân. Nếu có sự hiểu lầm, nàng hãy tạo ra dịp tiện để giải bày tâm sự. Đúng, hãy rút kinh nghiệm của Hoàng hậu Ê-xơ-tê. Bà đã lưu ý cho chồng bà biết đến một vấn đề sống chết. Nhờ bà hành động nhanh chóng, khôn ngoan và tế nhị mà dân Do-thái đã thoát chết. Chúng ta có một bổn phận đối với người hôn phối và đối với chính chúng ta nữa: đó là phải thẳng thắn nói ra sự đau lòng của chúng ta. Sự tế nhị và tính khôi hài sẵn có có thể giúp hai bên dễ nói chuyện với nhau (Ê-xơ-tê 4:15 đến 5:8).
9. Việc lắng nghe quan trọng thế nào trong sự thông tri?
9 Trong việc dùng lời nói để giữ cho mối liên lạc được cởi mở, mỗi người có bổn phận lắng nghe điều gì người khác muốn nói—và cố gắng lưu ý đến điều gì tuy không nói ra. Điều này đòi hỏi chăm chú lắng nghe khi người khác nói. Không những cần phải hiểu ý của người nói, mà lại còn phải quan tâm đến tâm trạng của người nói, cách mà người đó nói ra điều gì nữa. Nhiều khi người chồng hay thiếu sót ở điểm này. Người vợ có thể đau khổ vì chồng không chịu lắng nghe. Còn về phần những người vợ thì họ cần phải lắng nghe kỹ lưỡng hầu tránh đi đến kết luận hấp tấp. “Kẻ khôn sẽ nghe và thêm lên sự học-vấn” (Châm-ngôn 1:5).
Liên lạc giữa cha mẹ và con cái
10. Để có được sự liên lạc tốt với con cái, cha mẹ phải sẵn lòng làm gì?
10 Cũng có trường hợp cha mẹ và con cái gặp trở ngại trong việc nói chuyện với nhau. Muốn “dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo”, cha mẹ cần phải tạo ra mối liên lạc cởi mở. Làm như thế sẽ giúp bảo đảm “khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó” (Châm-ngôn 22:6). Một số người có con cái bỏ theo thế gian đôi khi cũng tại có một sự gián đoạn trong việc liên lạc khi con cái ở tuổi vị thành niên. Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7 nhấn mạnh bổn phận của cha mẹ là giữ cho mối liên lạc giữa họ với con cái họ được liên tục: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy”. Đúng, cha mẹ phải dành ra thì giờ để sinh hoạt với con cái! Họ phải sẵn lòng hy sinh vì các con.
11. Cha mẹ nên làm một số điều gì để liên lạc với con cái?
11 Hỡi các cha mẹ, hãy truyền dạy các con rằng Đức Giê-hô-va yêu thương chúng và bạn cũng yêu thương chúng nữa (Châm-ngôn 4:1-4). Hãy cho chúng thấy bạn sẵn lòng hy sinh những tiện nghi và thú vui để nuôi cho chúng lớn lên về phương diện trí tuệ, tình cảm, thể chất và thiêng liêng. Điều quan trọng trên phương diện này là đức tính biết đặt mình vào địa vị của người khác, tức là cha mẹ phải có khả năng nhìn sự vật dưới cặp mắt của con cái họ. Bằng cách bày tỏ tình yêu thương vị tha, bạn có thể thắt chặt mối liên lạc bền vững với con cái và khuyến khích chúng tâm sự với bạn thay vì với các trẻ khác đồng lứa tuổi với chúng (Cô-lô-se 3:14).
12. Tại sao các người trẻ nên liên lạc cởi mở với cha mẹ?
12 Mặt khác, hỡi các trẻ em, các em có bổn phận liên lạc với cha mẹ. Biết ơn về những gì họ đã làm cho các em sẽ giúp các em tin cậy nơi họ. Các em cần sự giúp đỡ và ủng hộ của cha mẹ, và nếu các em liên lạc cởi mở với họ thì họ dễ giúp đỡ và ủng hộ các em hơn. Tại sao lại đi nghe lời những bạn trẻ cùng lứa tuổi? Chúng chỉ làm ơn cho các em rất ít so với cha mẹ các em. Chúng không nhiều kinh nghiệm hơn các em, và nếu chúng không phải là người ở trong hội-thánh, chúng thật ra không quan tâm gì đến hạnh phúc lâu dài của các em.
Liên lạc bên trong hội-thánh
13, 14. Các nguyên tắc Kinh-thánh nào nói lên tầm quan trọng của việc liên lạc giữa các tín đồ đấng Christ?
13 Một khó khăn khác nữa là giữ giây liên lạc cởi mở với anh chị em trong hội-thánh. Kinh-thánh thẳng thắn khuyên chúng ta chớ bỏ “sự nhóm lại”. Chúng ta nhóm lại để làm gì? “Để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. Muốn thế cần phải thông tri (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Nếu có ai làm bạn buồn lòng, đó hoàn toàn không phải là cớ để bỏ nhóm họp. Hãy giữ giây liên lạc cởi mở bằng cách theo nguyên tắc của lời khuyên mà Giê-su ban cho như ghi nơi Ma-thi-ơ 18:15-17. Hãy nói chuyện với người mà bạn nghĩ là đang làm bạn buồn lòng.
14 Khi gặp xích mích với một người anh em nào đó, hãy nghe theo lời khuyên ghi nơi Cô-lô-se 3:13: “Hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy”. Điều này đòi hỏi phải thông tri thay vì từ chối nói chuyện với một người nào. Và nếu như bạn để ý thấy có người nào dường như lạnh nhạt với bạn, hãy nghe theo lời khuyên ghi nơi Ma-thi-ơ 5:23, 24. Hãy thông tri, và cố gắng giảng hòa với anh em mình. Điều này đòi hỏi bạn có lòng yêu thương và tính khiêm nhường, nhưng vì chính bạn và vì anh chị em của bạn, bạn có bổn phận phải nghe theo lời khuyên của Giê-su.
Khuyên bảo và khuyến khích
15. Tại sao các tín đồ đấng Christ không nên quá e ngại nói lời khuyên khi thấy nên cho lời khuyên bảo?
15 Bổn phận thông tri cũng nằm trong lời khuyên của Phao-lô nơi Ga-la-ti 6:1: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có thánh linh, hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ-dành chăng”. Chúng ta nên lấy lòng khiêm tốn mà đón nhận nếu có người nào chỉ cho chúng ta biết mình có lầm lỗi gì đó qua lời nói hoặc hành động. Thật ra, tất cả chúng ta nên có thái độ của người viết Thi-thiên là Đa-vít khi ông viết: “Nguyện người công-bình đánh tôi, ấy là ơn; nguyện người sửa-dạy tôi, ấy khác nào dầu trên đầu, đầu tôi sẽ không từ-chối” (Thi-thiên 141:5). Nhất là các trưởng lão nên là gương mẫu nổi bật trong việc bày tỏ tính khiêm nhường, không quá coi trọng quan điểm của riêng mình nhưng sẵn sàng chấp nhận sửa đổi, nhớ lại trong trí rằng “bạn-hữu làm cho thương-tích, ấy bởi lòng thành-tín” (Châm-ngôn 27:6).
16. Các diễn giả trẻ tuổi nên mau mắn đón nhận các lời khuyên nào của người khác?
16 Những người trẻ nên tỏ ra khôn ngoan và khiêm tốn mà tìm kiếm lời khuyên cùng sự chỉ dẫn nơi các tín đồ đấng Christ thành thục vì chắc hẳn họ có thể chia xẻ những điều xây dựng. Ngay cả những trưởng lão cũng nên làm thế. Thí dụ, một trưởng lão trong một bài giảng nói rằng những ân phước ghi nơi Khải-huyền 7:16, 17 nói về việc không còn đói khát nữa là những điều mà các chiên khác có thể mong đợi nhận được trong thế giới mới. Tuy nhiên, đã có lời giải thích là câu Kinh-thánh này áp dụng trước hết cho thời nay. (Xem sách “Khải-huyền—Sắp đến cao điểm!” [Revelation—Its Grand Climax At Hand! (La Révélation: le dénouement est proche!)], trg 126-128). Một trưởng lão trong cử tọa cảm thấy mình nên nói cho anh đó biết, nhưng trước khi anh có dịp làm thế, chính diễn giả đã gọi điện thoại lại cho anh và hỏi ý kiến về cách trau dồi bài diễn văn của mình. Đúng, chúng ta hãy tạo điều kiện thuận lợi cho những người muốn giúp chúng ta bằng cách nói cho họ biết chúng ta muốn nhận được lời khuyên. Chúng ta chớ nên quá nhạy cảm hoặc dễ phiền lòng một cách không đáng.
17. Sự thông tri có thể có tác dụng xây dựng thế nào đối với anh chị em?
17 Vua Sa-lô-môn phát biểu một nguyên tắc có thể áp dụng hợp lý cho bài thảo luận của chúng ta. Ông nói: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy” (Châm-ngôn 3:27). Chúng ta có bổn phận yêu thương anh chị em chúng ta. Phao-lô nói: “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu-thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân-cận mình, ấy là đã làm trọn luật-pháp” (Rô-ma 13:8). Vậy hãy rộng lòng khuyến khích người khác. Một anh tôi tớ chức vụ trẻ nói bài diễn văn công cộng lần đầu tiên chăng? Hãy khen anh đó. Một chị cố gắng nhiều hoặc đã nói bài giảng thật hay trong Trường học Chức vụ Thần quyền chăng? Hãy nói với chị bạn quí mến các cố gắng của chị. Nghĩ cho cùng, các anh chị em của chúng ta đang cố gắng làm hết sức mình và họ sẽ cảm thấy khích lệ khi nhận được một lời khen tặng đầy yêu thương.
18. Khi có người tỏ ra quá tự tin, nên nhân từ nói gì với họ?
18 Ngược lại, một diễn giả trẻ có thể có tài cao, nhưng vì trẻ nên ra vẻ tự đắc bởi quá tự tin. Trong trường hợp này cần phải nói gì với anh? Nếu một trưởng lão thành thục khen anh về bất cứ điểm tốt nào trong phần trình bày của anh, nhưng đồng thời ôn tồn đề nghị những cách để anh có thể vun trồng sự khiêm tốn trong tương lai, như vậy là tốt hơn phải không? Sự thông tri thể ấy cho thấy tình yêu thương anh em và giúp những người trẻ sớm loại bỏ những thái độ xấu, trước khi trở thành thói quen khó sửa.
19. Tại sao các trưởng lão và chủ gia đình nên biết cách liên lạc với người khác?
19 Các trưởng lão nói với nhau và với hội-thánh về những điều có ích—dĩ nhiên họ tránh tiết lộ những điều kín nhiệm, chẳng hạn như các chi tiết liên quan đến chuyện tư pháp. Tuy nhiên, nếu tỏ ra giấu giếm quá đáng sẽ làm mất sự tin cậy và gây ra chán nản cũng như có thể làm hại cho tinh thần đầm ấm trong một hội-thánh—hoặc trong một gia đình. Thí dụ, mọi người đều thích nghe kể chuyện có tính cách xây dựng. Cũng như sứ đồ Phao-lô ao ước được dịp chia xẻ các sự ban cho thiêng liêng, các trưởng lão nên nóng lòng chia xẻ những tin tức xây dựng cho người khác (Châm-ngôn 15:30; 25:25; Rô-ma 1:11, 12).
20. Bài kế tiếp sẽ bàn đến khía cạnh nào của sự thông tri?
20 Đúng, sự liên lạc rất cần yếu trong hội-thánh và trong gia đình tín đồ đấng Christ. Hơn nữa, rất cần thiết phải thông tri trong một lãnh vực khác nữa. Nơi nào? Trong thánh chức tín đồ đấng Christ. Trong bài kỳ tới, chúng ta sẽ xem xét những cách trau dồi khả năng thông tri của chúng ta trong hoạt động rất quan trọng này.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Làm sao có thể vượt qua một trở ngại thường gặp phải trong mối liên lạc giữa những người trong gia đình?
◻ Làm sao vợ chồng có thể vượt qua khó khăn trong việc liên lạc với nhau?
◻ Làm sao cha mẹ và con cái có thể tránh việc thế hệ cách xa?
◻ Làm sao để mối liên lạc trong hội-thánh và trong gia đình có tính chất xây dựng?
[Hình nơi trang 17]
Liên lạc cởi mở giữa những người trong gia đình đem lại lợi ích và hạnh phúc