Hỡi các bạn trẻ, hãy đứng vững trước Ác Quỷ
“Hãy mang trọn bộ khí giới mà Đức Chúa Trời ban, hầu anh em có thể đứng vững trước các mưu kế của Ác Quỷ”.—Ê-PHÊ 6:11.
BÀI HÁT: 79, 140
1, 2. (a) Tại sao có thể nói những tín đồ trẻ đang giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại ác thần? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?
Sứ đồ Phao-lô ví tín đồ đạo Đấng Ki-tô giống như người lính trong cuộc đấu tay đôi. Dĩ nhiên, chúng ta đang tham gia một cuộc chiến theo nghĩa thiêng liêng, chứ không phải nghĩa đen. Nhưng kẻ thù của chúng ta là có thật. Sa-tan và các quỷ là những chiến binh chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm. Thoạt nghe, chúng ta nghĩ mình khó có thể thắng cuộc chiến này, đặc biệt nếu là người trẻ. Vậy làm thế nào người trẻ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các ác thần siêu phàm? Sự thật là những người trẻ có thể chiến thắng, và họ đang chiến thắng! Tại sao chúng ta nói thế? Vì họ “tiếp tục nhận lấy sức lực từ Chúa”. Ngoài việc nhận sức lực từ Đức Chúa Trời, họ còn trang bị sẵn sàng để tham gia cuộc chiến. Như người lính được huấn luyện kỹ, họ “mang trọn bộ khí giới mà Đức Chúa Trời ban”.—Đọc Ê-phê-sô 6:10-12.
2 Khi dùng hình ảnh so sánh này, có lẽ Phao-lô nghĩ đến bộ khí giới của lính La Mã (Công 28:16). Hãy xem tại sao hình ảnh này rất thích hợp. Khi xem xét, hãy lưu ý một số bạn trẻ nói gì về thử thách và lợi ích họ nhận được khi mang trọn bộ khí giới thiêng liêng.
“DÂY THẮT LƯNG LÀ CHÂN LÝ”
3, 4. Tại sao chân lý trong Kinh Thánh được ví với dây thắt lưng của lính La Mã?
3 Đọc Ê-phê-sô 6:14. Lính La Mã đeo dây thắt lưng có những miếng kim loại để bảo vệ phần hông của mình. Ngoài ra, dây này được thiết kế để giúp làm nhẹ bớt sức nặng của phần trên bộ khí giới. Một số dây thắt lưng cũng có những kẹp chắc chắn để dắt gươm và đoản đao. Khi dây thắt lưng được buộc chặt, người lính có thể tự tin ra chiến trường.
4 Tương tự, chân lý trong Lời Đức Chúa Trời bảo vệ chúng ta khỏi mối nguy hại về thiêng liêng đến từ sự dạy dỗ sai lầm (Giăng 8:31, 32; 1 Giăng 4:1). Ngoài ra, càng yêu mến chân lý, chúng ta càng dễ mang “giáp che ngực”, tức sống theo tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời (Thi 111:7, 8; 1 Giăng 5:3). Khi hiểu rõ chân lý, chúng ta có thể tự tin bênh vực niềm tin trước những kẻ chống đối.—1 Phi 3:15.
5. Tại sao chúng ta nên tránh nói dối?
5 Khi buộc chặt dây thắt lưng là chân lý, chúng ta sẽ được thôi thúc để sống theo chân lý và tránh nói dối. Tại sao? Vì nói dối là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất của Sa-tan. Nói dối gây hại cho cả người nói lẫn người tin lời ấy (Giăng 8:44). Thế nên dù bất toàn, chúng ta nỗ lực hết sức để tránh nói dối (Ê-phê 4:25). Tuy nhiên, điều này có thể là thử thách. Một bạn trẻ 18 tuổi tên là Abigail nói: “Đôi khi nói thật có vẻ không đáng, nhất là khi nói dối có thể giúp bạn tránh được tình huống khó xử”. Nhưng tại sao Abigail luôn cố gắng nói thật? Bạn ấy cho biết: “Khi nói thật, em có lương tâm trong sạch trước mắt Đức Giê-hô-va. Cha mẹ và bạn bè có thể tin cậy em”. Bạn trẻ khác tên là Victoria, 23 tuổi, cho biết: “Khi nói thật và bênh vực niềm tin, bạn có thể bị bắt nạt. Nhưng làm thế luôn mang lại lợi ích: Bạn sẽ tự tin, đến gần Đức Giê-hô-va hơn và được những người yêu mến bạn tôn trọng”. Chắc chắn sẽ rất đáng công để luôn “đeo dây thắt lưng là chân lý”.
“GIÁP CHE NGỰC LÀ SỰ CÔNG CHÍNH”
6, 7. Tại sao sự công chính được ví với giáp che ngực?
6 Một loại áo giáp của lính La Mã vào thế kỷ thứ nhất có cấu tạo gồm những mảnh sắt nằm ngang và xếp chồng lên nhau. Những mảnh này được uốn cong để vừa với thân trên của người lính và đính với các dây da bằng các móc và khóa. Phần còn lại của thân trên người lính cũng được bảo vệ bởi những mảnh sắt được đính với dây da. Loại áo giáp này hạn chế phần nào cử động của người lính và đòi hỏi người lính phải kiểm tra thường xuyên để cố định lại những mảnh sắt. Tuy nhiên, áo giáp ấy có thể ngăn được lưỡi gươm hay mũi tên nhắm vào tim hoặc các bộ phận quan trọng khác.
7 Như áo giáp bảo vệ tim người lính, những tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va cũng bảo vệ lòng chúng ta (Châm 4:23). Một người lính sẽ không thay áo giáp sắt của mình bằng áo giáp có vật liệu kém hơn. Chúng ta cũng không bao giờ muốn thay tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va bằng tiêu chuẩn của bản thân. Sự phán đoán của chúng ta có nhiều hạn chế nên không thể bảo vệ chúng ta (Châm 3:5, 6). Vì thế, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra “giáp che ngực” để bảo vệ lòng mình.
8. Tại sao làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va là điều đáng công?
8 Có khi nào bạn cảm thấy tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va nặng nề hoặc hạn chế sự tự do không? Daniel, một bạn trẻ 21 tuổi, nói: “Giáo viên và bạn học cười nhạo khi thấy em sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh. Trong một thời gian, em cảm thấy mất tự tin và buồn nản”. Điều gì giúp Daniel vực dậy? Bạn ấy cho biết: “Cuối cùng, em nhận ra sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va mang lại nhiều lợi ích. Một số ‘bạn’ của em bắt đầu dùng ma túy; số khác thì bỏ học. Thật buồn khi thấy họ rơi vào tình cảnh như thế. Đúng là Đức Giê-hô-va đã bảo vệ chúng ta”. Bạn trẻ khác là Madison, 15 tuổi, tâm sự: “Em phải tranh đấu để sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh và không làm theo điều mà bạn đồng trang lứa nghĩ là ngầu hoặc vui”. Madison đối phó thế nào? Bạn ấy cho biết: “Em tự nhủ rằng mình đang mang danh Đức Giê-hô-va và sự cám dỗ chính là mũi tên mà Sa-tan nhắm vào mình. Mỗi lần kháng cự thành công, em cảm thấy hãnh diện về bản thân”.
“CHÂN MANG GIÀY LÀ SỰ SẴN SÀNG RAO TRUYỀN TIN MỪNG BÌNH AN”
9-11. (a) Giày theo nghĩa bóng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là gì? (b) Điều gì giúp chúng ta dễ làm chứng hơn về tin mừng?
9 Đọc Ê-phê-sô 6:15. Lính La Mã không thể ra trận nếu chưa mang giày. Loại giày này giống xăng-đan, được làm từ ba lớp da kết lại với nhau nên rất bền. Giày cũng thoải mái nên người lính có thể đi lại dễ dàng và không bị trượt.
10 Giày của lính La Mã giúp họ đi chinh chiến, còn giày theo nghĩa bóng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô giúp họ rao truyền thông điệp bình an (Ê-sai 52:7; Rô 10:15). Dù vậy, chúng ta cũng cần can đảm chia sẻ tin mừng mỗi khi có cơ hội. Một bạn trẻ 20 tuổi tên là Roberto nói: “Em cảm thấy ngượng và sợ làm chứng cho bạn cùng lớp. Nghĩ lại, em không biết tại sao mình như thế. Giờ thì em rất vui khi làm chứng cho bạn đồng trang lứa”.
11 Nhiều người trẻ thấy rằng việc chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp dễ làm chứng hơn. Vậy bạn có thể chuẩn bị ra sao? Bạn Julia, 16 tuổi, cho biết: “Em để sẵn ấn phẩm trong cặp. Em lắng nghe khi các bạn bày tỏ quan điểm và niềm tin, rồi nghĩ xem điều gì có thể giúp các bạn ấy. Khi chuẩn bị trước, em có thể chia sẻ những điều hữu ích”. Bạn Makenzie, 23 tuổi, nói: “Nếu tử tế và lắng nghe, bạn sẽ biết các bạn mình đang phải đối phó với điều gì. Em cũng đọc tất cả những bài viết cho người trẻ. Nhờ thế, em có thể hướng các bạn đến Kinh Thánh hoặc trang web jw.org để giúp họ”. Những lời nhận xét trên cho thấy nếu bạn càng chuẩn bị kỹ để rao giảng, “giày” của tin mừng sẽ càng vừa chân bạn.
“CÁI KHIÊN LỚN LÀ ĐỨC TIN”
12, 13. Một số “mũi tên lửa” của Sa-tan là gì?
12 Đọc Ê-phê-sô 6:16. “Cái khiên lớn” của lính La Mã có hình chữ nhật và che từ vai đến đầu gối. Nó bảo vệ người lính khỏi những đòn tấn công và hàng loạt mũi tên.
13 Một số “mũi tên lửa” mà Sa-tan có thể sẽ nhắm vào bạn là những lời nói dối về Đức Giê-hô-va, chẳng hạn ngài không quan tâm đến bạn hoặc bạn không đáng được yêu thương. Bạn Ida, 19 tuổi, phải đấu tranh với cảm giác như thế. Bạn ấy nói: “Em thường cảm thấy Đức Giê-hô-va xa cách và không muốn làm bạn với em”. Điều gì giúp Ida đối phó với “mũi tên” này? Bạn ấy cho biết: “Các buổi nhóm họp đã giúp đức tin của em mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trước đây khi tới nhóm, em chỉ ngồi đó và không bao giờ bình luận vì nghĩ rằng không ai muốn nghe mình. Nhưng giờ đây em chuẩn bị cho các buổi nhóm họp và cố gắng bình luận hai hoặc ba lần. Điều đó không dễ, nhưng em thấy vui hơn nhiều. Các anh chị trong hội thánh cũng khích lệ em. Mỗi khi đi nhóm về, em đều cảm nhận rằng Đức Giê-hô-va yêu thương em”.
14. Kinh nghiệm của Ida nêu bật sự thật nào?
14 Kinh nghiệm của Ida nêu bật một sự thật quan trọng: Kích cỡ của khiên người lính là cố định, nhưng kích cỡ của khiên đức tin có thể nhỏ lại hoặc lớn hơn. Điều này tùy thuộc vào chúng ta (Mat 14:31; 2 Tê 1:3). Thật vậy, việc vun trồng đức tin quan trọng biết bao!
“MŨ TRẬN LÀ SỰ GIẢI CỨU”
15, 16. Tại sao hy vọng được ví với mũ trận?
15 Đọc Ê-phê-sô 6:17. Mũ trận của lính La Mã được thiết kế để cản những cú đánh nhắm vào đầu, cổ và mặt. Một số loại mũ trận có tay cầm để người lính có thể mang trên tay.
16 Như mũ trận bảo vệ đầu người lính, “hy vọng cứu rỗi” bảo vệ tâm trí và khả năng suy xét của chúng ta (1 Tê 5:8; Châm 3:21). Hy vọng giúp chúng ta chú tâm vào những lời hứa của Đức Chúa Trời và nhìn vấn đề theo quan điểm của ngài (Thi 27:1, 14; Công 24:15). Nhưng để “mũ trận” phát huy tác dụng, chúng ta phải đội trên đầu, thay vì mang trên tay.
17, 18. (a) Sa-tan cám dỗ chúng ta tháo bỏ mũ trận bằng cách nào? (b) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình không bị Sa-tan lừa gạt?
17 Sa-tan cám dỗ chúng ta tháo bỏ mũ trận bằng cách nào? Hãy xem cách hắn đã cám dỗ Chúa Giê-su. Chắc chắn Sa-tan biết hy vọng của Chúa Giê-su là ngài sẽ trị vì nhân loại trong tương lai. Nhưng ngài phải đợi đến thời điểm ấn định của Đức Giê-hô-va. Trước khi đến thời điểm ấy, ngài phải chịu đau đớn và cái chết. Vì thế, Sa-tan cho Chúa Giê-su cơ hội để được cai trị sớm hơn. Sa-tan đề nghị rằng nếu Chúa Giê-su thờ lạy hắn thì ngài sẽ lập tức có mọi thứ mà không cần chờ đợi (Lu 4:5-7). Cũng vậy, Sa-tan biết Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta lợi ích về vật chất trong thế giới mới. Nhưng chúng ta phải chờ đợi. Trong thời gian này, chúng ta có thể phải đương đầu với sự thiếu thốn và đau khổ. Thế nên, Sa-tan cám dỗ bằng cách đưa ra những cơ hội để chúng ta hưởng đời sống sung sướng ngay bây giờ. Hắn muốn chúng ta đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu để có ngay mọi thứ, và đặt Nước Trời xuống hàng thứ yếu.—Mat 6:31-33.
18 Nhiều tín đồ trẻ đã không để bị Sa-tan lừa gạt. Một bạn trẻ 20 tuổi tên là Kiana nói: “Em biết chỉ có Nước Trời mới giải quyết được mọi vấn đề”. Hy vọng chắc chắn này tác động thế nào đến suy nghĩ và hành động của Kiana? Bạn ấy cho biết thêm: “Hy vọng về địa đàng giúp em có cái nhìn đúng về các mục tiêu ngoài đời. Em không đầu tư tài năng vào thế gian hoặc cố leo lên nấc thang danh vọng. Thay vì thế, em đầu tư thời gian và sức lực vào những mục tiêu thiêng liêng”.
“GƯƠM THẦN KHÍ LÀ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI”
19, 20. Làm thế nào để cải thiện kỹ năng dùng Lời Đức Chúa Trời?
19 Thời Phao-lô viết thư cho các tín đồ ở Ê-phê-sô, lính La Mã dùng gươm dài khoảng 50cm, được thiết kế cho cuộc đấu tay đôi. Một yếu tố giúp lính La Mã dùng gươm thành thạo là nhờ tập dùng nó mỗi ngày.
20 Phao-lô ví Lời Đức Chúa Trời với gươm mà ngài ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta phải tập dùng gươm này cách khéo léo khi bênh vực niềm tin hoặc điều chỉnh lối suy nghĩ của mình (2 Cô 10:4, 5; 2 Ti 2:15). Làm thế nào bạn có thể cải thiện kỹ năng này? Bạn Sebastian, 21 tuổi, nói: “Mỗi lần đọc một chương Kinh Thánh, em đều viết ra một câu. Em sưu tập những câu mình yêu thích. Điều đó giúp em càng có lối suy nghĩ giống với Đức Giê-hô-va”. Bạn Daniel được đề cập ở trên cho biết: “Khi đọc Kinh Thánh, em chú ý đến những câu sẽ giúp ích trong thánh chức. Người ta phản ứng tích cực khi thấy mình nhiệt tình nói về Kinh Thánh và nỗ lực để giúp họ”.
21. Tại sao chúng ta không cần sợ Sa-tan và các quỷ?
21 Kinh nghiệm của những bạn trẻ được đề cập trong bài này cho thấy chúng ta không cần sợ Sa-tan và các quỷ. Đúng là chúng mạnh mẽ nhưng không phải là không thể đánh bại. Và chúng cũng không bất tử. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, chúng sẽ ở trong tình trạng ngưng hoạt động hoàn toàn, và sau đó sẽ bị hủy diệt (Khải 20:1-3, 7-10). Chúng ta biết kẻ thù của mình, mưu kế và mục đích của hắn. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể đứng vững trước hắn!