Làm sao nhận ra và vượt qua được yếu kém thiêng liêng
THEO HUYỀN THOẠI HY LẠP, ACHILLES LÀ CHIẾN SĨ HY LẠP DŨNG CẢM nhất trong trận đánh thành Troy. Truyền thuyết nói rằng lúc còn là trẻ sơ sinh, mẹ Achilles đã nhúng ông xuống Sông Styx, vì vậy ông không thể bị thương ở bất cứ nơi nào trên thân thể ngoại trừ gót chân là chỗ tay mẹ ông đã nắm—từ đó mà có thành ngữ thông dụng là chỗ nhược Achilles. Mũi tên chí tử của Paris, con trai Vua Priam thành Troy, đã bắn trúng chỗ nhược đó và giết chết Achilles.
Tín đồ Đấng Christ là chiến sĩ của Đấng Christ, tham dự vào một trận chiến thiêng liêng. (2 Ti-mô-thê 2:3) Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời”. Đúng thế, kẻ thù của chúng ta không ai khác hơn là Sa-tan Ma-quỉ và các quỉ của hắn.—Ê-phê-sô 6:12.
Hiển nhiên, nếu chúng ta không nhận được sự trợ giúp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng được miêu tả là “một chiến-sĩ”, thì đây hẳn là cuộc chiến chênh lệch. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3) Chúng ta được ban cho một bộ áo giáp thiêng liêng để tự bảo vệ mình khỏi những kẻ thù tàn ác. Đó là lý do tại sao sứ đồ khuyên giục: “Hãy mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”.—Ê-phê-sô 6:11.
Bộ áo giáp do Giê-hô-va Đức Chúa Trời cung cấp chắc chắn có chất lượng tốt nhất, có khả năng chống chọi lại bất cứ loại tấn công thiêng liêng nào. Chỉ việc nhìn vào bảng liệt kê mà Phao-lô đưa ra: dây thắt lưng là lẽ thật, áo giáp là sự công bình, giày dép là tin mừng, thuẫn là đức tin, mão trụ là sự cứu chuộc và gươm là thánh linh. Có thể mong chờ một bộ quân phục nào tốt hơn không? Mang lấy bộ khí giới như thế, một người lính đạo Đấng Christ có mọi cơ hội để chiến thắng bất chấp sự chênh lệch quá lớn.—Ê-phê-sô 6:13-17.
Dù bộ áo giáp thiêng liêng từ Đức Giê-hô-va có chất lượng tốt nhất và là nguồn an toàn cho chúng ta, chúng ta cũng không nên xem sự việc ấy là chuyện đương nhiên. Hãy nhớ lại Achilles, người được cho là vô địch. Biết đâu chúng ta cũng có một điểm yếu, một chỗ nhược Achilles theo nghĩa bóng chăng? Nếu không hay biết, nó sẽ là tử huyệt của chúng ta.
Xem xét bộ khí giới thiêng liêng của bạn
Một vận động viên trượt băng đã từng hai lần đoạt huy chương vàng Ô-lim-pích, thể chất dường như đang ở mức tột đỉnh, bỗng dưng ngã quỵ và chết trong một buổi diễn tập. Ít lâu sau, một mẩu tin khiến người ta suy tư được đăng trên tờ The New York Times: “Phân nửa trong số 600.000 người Mỹ bị bệnh tim mỗi năm đều không có triệu chứng nào báo trước”. Rõ ràng, không thể chỉ nhờ vào sự cảm nhận mà biết được tình trạng sức khỏe của chúng ta.
Cũng y như thế khi nói đến tình trạng sức khỏe thiêng liêng của chúng ta. Kinh Thánh khuyên: “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã”. (1 Cô-rinh-tô 10:12) Dù rằng bộ áo giáp thiêng liêng của chúng ta trong tình trạng tốt nhất có thể có, sự yếu kém vẫn có thể phát sinh. Đó là vì chúng ta sinh ra trong tội lỗi, và bản chất tội lỗi bất toàn của chúng ta có thể dễ dàng khống chế lòng kiên quyết làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 51:5) Dù có ý định tốt, chúng ta có thể bị lừa gạt bởi lòng hay phản trắc của chính mình bằng cách bịa ra những lập luận hoặc những lời bào chữa có vẻ hợp lý, khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua sự yếu kém của bản thân và dối mình khi nghĩ rằng chúng ta khỏe mạnh về thiêng liêng.—Giê-rê-mi 17:9; Rô-ma 7:21-23.
Ngoài ra, chúng ta đang sống trong một thế gian mà ý thức phải trái thường lẫn lộn và bị méo mó. Một điều được quy định là phải hay trái có thể chỉ tùy theo cảm nhận của một người. Lối suy nghĩ này được cổ võ qua các mục quảng cáo, thú tiêu khiển phổ thông và phương tiện truyền thông đại chúng. Hiển nhiên, nếu không cẩn thận, lối suy nghĩ này có thể ru ngủ chúng ta, và làm suy yếu bộ áo giáp thiêng liêng của chúng ta.
Thay vì để rơi vào tình trạng nguy hiểm này, chúng ta nên lưu ý đến lời khuyên của Kinh Thánh: “Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức-tin chăng. Hãy tự thử mình”. (2 Cô-rinh-tô 13:5) Khi làm thế, có thể chúng ta sẽ nhận ra bất cứ sự yếu kém nào có lẽ đã phát sinh, và có biện pháp cần thiết để sửa chữa chúng trước khi kẻ thù phát hiện và ra tay tấn công. Nhưng chúng ta bắt tay vào việc thử nghiệm ấy như thế nào? Đâu là một số triệu chứng cần lưu ý khi tự kiểm điểm?
Nhận ra triệu chứng
Một triệu chứng thông thường có thể báo hiệu sự yếu kém thiêng liêng là chểnh mảng thói quen học hỏi cá nhân. Một số người nghĩ họ nên học nhiều hơn, nhưng lại dường như không thể bỏ công sức như mong muốn. Với cuộc sống bận rộn ngày nay, thật dễ dàng rơi vào một tình trạng tệ như thế. Tuy nhiên, điều tệ hơn nữa là người ta thường bào chữa rằng tình trạng không đến nỗi nào, vì họ đọc các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh khi nào có dịp và họ có thể đi dự một số buổi họp đạo Đấng Christ.
Cách lập luận như thế là một hình thức tự dối mình. Cũng giống như một người nghĩ mình bận quá, không thể ngồi xuống ăn uống đàng hoàng, nên thỉnh thoảng ăn vặt. Dù có thể không bị chết đói, nhưng chẳng sớm thì muộn sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng. Tương tự như thế, không đều đặn hấp thụ thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng, chẳng bao lâu những yếu kém trong bộ khí giới thiêng liêng của chúng ta có thể phát sinh. Thường xuyên bị sự tuyên truyền và thái độ của thế gian bủa vây, chúng ta có thể dễ dàng ngã gục trước các cuộc tấn công chí tử của Sa-tan.
Một triệu chứng khác của sự yếu kém thiêng liêng là việc mất đi ý thức cấp bách trong cuộc chiến thiêng liêng của chúng ta. Một người lính trong thời bình không cảm nhận được sự căng thẳng và nguy cơ của chiến trận. Vì vậy người đó không cảm thấy nhu cầu phải chuẩn bị cấp bách. Nếu thình lình nhận được lệnh xuất trận, chắc chắn người đó sẽ trong tình trạng không chuẩn bị. Trong trận chiến thiêng liêng cũng vậy. Nếu sơ suất trong ý thức khẩn cấp, chúng ta có thể ở trong tình trạng không chuẩn bị để đẩy lui các cuộc tấn công nhắm về phía chúng ta.
Nhưng làm sao có thể biết chúng ta đang rơi vào tình trạng này? Chúng ta có thể tự nêu lên một số câu hỏi có thể tiết lộ rõ vấn đề: Tôi có hăng hái tham gia vào thánh chức như khi tham gia buổi cắm trại không? Tôi có sẵn sàng dành thì giờ chuẩn bị cho các buổi họp như khi đi mua sắm hoặc xem truyền hình không? Tôi có tiếc nuối những sự theo đuổi hoặc cơ hội mà tôi đã từ bỏ khi trở thành tín đồ Đấng Christ không? Tôi có ganh tị cái gọi là đời sống thoải mái mà người khác hưởng thụ không? Đây là những câu hỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ, nhưng lại giúp ích cho việc phát hiện bất cứ yếu kém nào trong bộ áo giáp thiêng liêng của chúng ta.
Vì bộ áo giáp che chở mà chúng ta có là bộ áo giáp thiêng liêng, nên điều cần yếu là thánh linh Đức Chúa Trời phải tự do hoạt động trong đời sống chúng ta. Điều này phản ánh mức độ mà bông trái thánh linh Đức Chúa Trời được thể hiện trong mọi hoạt động của chúng ta. Bạn có dễ bực mình hoặc ngay cả buồn giận khi người khác làm hoặc nói điều gì trái ý bạn không? Bạn có thấy khó chấp nhận lời khuyên, hoặc cảm thấy luôn bị người khác bắt bẻ không? Bạn có quá ganh tị về những ân phước và sự thành đạt của người khác không? Bạn có thấy khó hòa hợp với người khác, đặc biệt những người đồng trang lứa với bạn không? Thành thật tự kiểm điểm sẽ giúp chúng ta nhận định xem đời sống mình có đầy dẫy bông trái thánh linh Đức Chúa Trời, hay đang ngấm ngầm lộ diện các việc làm của xác thịt.—Ga-la-ti 5:22-26; Ê-phê-sô 4:22-27.
Những bước tích cực để vượt qua yếu kém thiêng liêng
Nhận ra các triệu chứng yếu kém thiêng liêng là một chuyện; đối diện với chúng và hành động để sửa đổi lại là chuyện khác. Đáng buồn thay, nhiều người có khuynh hướng dựa vào cớ này cớ nọ để tự bào chữa, làm giảm nhẹ, hoặc phủ nhận vấn đề. Thật nguy hiểm biết bao—chẳng khác nào ra trận với bộ áo giáp thiếu trang bị! Hành động như thế thường dễ trở thành mục tiêu tấn công của Sa-tan. Thay vì thế, chúng ta nên nhanh chóng có biện pháp tích cực để sửa chữa bất cứ khuyết điểm nào có thể ghi nhận được. Chúng ta có thể làm gì?—Rô-ma 8:13; Gia-cơ 1:22-25.
Vì tham gia vào trận chiến thiêng liêng—một trận chiến bao gồm việc làm chủ được trí và lòng của người tín đồ Đấng Christ—chúng ta phải làm hết sức mình để bảo vệ các khả năng của mình. Hãy nhớ rằng trong số những phần của áo giáp thiêng liêng có “giáp bằng sự công-bình” che chở lòng chúng ta, và “sự cứu-chuộc làm mão trụ” che chở trí chúng ta. Học được cách sử dụng hữu hiệu những sự cung cấp này có thể quyết định sự thành bại.—Ê-phê-sô 6:14-17; Châm-ngôn 4:23; Rô-ma 12:2.
Mang “giáp bằng sự công-bình” một cách đúng đắn đòi hỏi chúng ta năng kiểm lại lòng yêu chuộng sự công bình và ghét sự phi pháp. (Thi-thiên 45:7; 97:10; A-mốt 5:15) Chúng ta có hạ thấp tiêu chuẩn theo thế gian không? Giờ đây khi xem những điều trước kia đã làm chúng ta giật mình sửng sốt hoặc xúc phạm—dù trong thực tế hoặc trên truyền hình và màn bạc, trong sách vở và tạp chí—chúng ta có thấy vui thú không? Lòng yêu chuộng sự công bình sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng sự tự do và sành điệu mà thế gian tôn vinh thật ra chỉ là sự luông tuồng và tự phụ trá hình—Rô-ma 13:13, 14; Tít 2:12.
Đội “sự cứu-chuộc làm mão trụ” bao hàm việc nhớ rõ trong trí từng chi tiết một những ân phước tuyệt diệu trước mắt, không để bị lạc bước bởi ánh sáng lấp lánh và sức mê hoặc của thế gian. (Hê-bơ-rơ 12:2, 3; 1 Giăng 2:16) Quan điểm này sẽ giúp chúng ta đặt quyền lợi thiêng liêng lên trên lợi lộc vật chất hay sự lợi ích cá nhân. (Ma-thi-ơ 6:33) Vậy, để đảm bảo rằng bộ phận này của khí giới ở đúng chỗ nó, chúng ta phải thành thật tự hỏi: Tôi đang theo đuổi điều gì trong đời sống? Tôi có những mục tiêu thiêng liêng rõ rệt không? Tôi đang làm gì để vươn tới chúng? Dù là tín đồ Đấng Christ thuộc lớp người được xức dầu còn sót lại hoặc thuộc đám đông “vô-số người”, chúng ta nên noi theo Phao-lô; ông nói: “Tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục-đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục-đích mà chạy”.—Khải-huyền 7:9; Phi-líp 3:13, 14.
Lời miêu tả của sứ đồ Phao-lô về bộ khí giới thiêng liêng của chúng ta kết thúc với lời khuyên nhủ này: “Hãy nhờ Đức Thánh-Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin. Hãy dùng sự bền-đỗ trọn-vẹn mà tỉnh-thức về điều đó, và cầu-nguyện cho hết thảy các thánh-đồ”. (Ê-phê-sô 6:18) Điều này chỉ rõ hai biện pháp tích cực để vượt qua hay ngăn ngừa bất cứ sự yếu kém thiêng liêng nào: Phát triển một mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời, và thắt chặt tình thân hữu với anh em tín đồ Đấng Christ.
Khi có thói quen quay về với Đức Giê-hô-va qua “đủ mọi thứ” cầu nguyện (xưng tội, xin tha thứ, xin được hướng dẫn, tạ ơn về những ân phước, ca ngợi từ đáy lòng) và “thường thường” hoặc vào mọi dịp (công cộng, kín nhiệm, cá nhân, một cách tự nhiên), chúng ta trở nên mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va. Đó là sự che chở lớn nhất mà chúng ta có thể có được—Rô-ma 8:31; Gia-cơ 4:7, 8.
Mặt khác, chúng ta được khuyên cầu nguyện “cho hết thảy các thánh-đồ”, nghĩa là cho anh em tín đồ Đấng Christ. Trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể nhớ đến các anh em thiêng liêng ở những nước xa xôi đang đau khổ vì bị ngược đãi hoặc gặp những khó khăn khác. Còn về phần anh em tín đồ mà chúng ta cùng làm việc và kết hợp ngày này qua ngày kia thì sao? Cầu nguyện cho họ cũng là điều thích đáng, vì chính Chúa Giê-su cũng đã cầu nguyện cho môn đồ. (Giăng 17:9; Gia-cơ 5:16) Những lời cầu nguyện thể ấy kéo chúng ta đến gần nhau và làm chúng ta vững mạnh để chống chọi với những cuộc tấn công của “người ác”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-3.
Cuối cùng, hãy nhớ kỹ trong trí lời khuyên yêu thương của sứ đồ Phi-e-rơ: “Sự cuối-cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn-ngoan tỉnh-thức mà cầu-nguyện. Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”. (1 Phi-e-rơ 4:7, 8) Những sự bất toàn con người—của người khác và của chính mình—thật dễ thâm nhập vào lòng và trí chúng ta và trở thành những chướng ngại, những cớ để vấp phạm. Sa-tan biết rõ yếu kém này của con người. Chia để trị là một trong những thủ đoạn xảo quyệt của hắn. Thế nên, chúng ta phải nhanh chóng che đậy những tội lỗi này với lòng yêu thương tha thiết và không “cho ma-quỉ nhân dịp”.—Ê-phê-sô 4:25-27.
Giữ mình mạnh mẽ về thiêng liêng ngay bây giờ
Khi thấy tóc mình bị rối hoặc cà vạt không ngay ngắn, bạn làm gì? Chắc chắn bạn sẽ mau mắn sửa lại cho ngay. Ít người nào muốn để vậy, cho rằng những sự khác thường về thể chất như thế không thành vấn đề. Chúng ta nên nhanh chóng hành động ngay khi có liên quan đến sự yếu kém thiêng liêng của mình. Sai sót về thể chất có thể khiến người khác nhìn mình một cách thiếu thiện cảm, nhưng nếu không sửa chữa khuyết điểm thiêng liêng, thì có thể dẫn đến việc Đức Giê-hô-va không chấp nhận chúng ta.—1 Sa-mu-ên 16:7.
Đức Giê-hô-va đã yêu thương ban cho chúng ta tất cả những điều cần thiết để nhổ bật gốc bất cứ sự yếu kém thiêng liêng nào và bảo toàn sự mạnh mẽ về thiêng liêng. Qua các buổi họp đạo Đấng Christ, các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, và anh em tín đồ thành thục, biết quan tâm, Ngài thường xuyên nhắc nhở và chỉ dẫn những điều chúng ta phải làm, còn việc chấp nhận và áp dụng là tùy thuộc nơi chúng ta. Điều này đòi hỏi sự cố gắng và kỷ luật tự giác. Nhưng hãy nhớ lại những gì sứ đồ Phao-lô nói một cách thành thật: “Tôi chạy, chẳng phải là chạy bá-vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng-dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”.—1 Cô-rinh-tô 9:26, 27.
Hãy cảnh giác, và đừng bao giờ để chỗ nhược Achilles theo nghĩa bóng phát triển. Thay vì thế, chúng ta hãy khiêm nhường và can đảm làm những gì cần làm bây giờ để nhận ra và vượt qua bất cứ yếu kém thiêng liêng nào mà chúng ta có.
[Câu nổi bật nơi trang 19]
“HÃY TỰ XÉT ĐỂ XEM MÌNH CÓ ĐỨC-TIN CHĂNG. HÃY TỰ THỬ MÌNH”.—2 Cô-rinh-tô 13:5.
[Câu nổi bật nơi trang 21]
“HÃY... TỈNH-THỨC MÀ CẦU-NGUYỆN. NHẤT LÀ TRONG VÒNG ANH EM PHẢI CÓ LÒNG YÊU-THƯƠNG SỐT-SẮNG; VÌ SỰ YÊU-THƯƠNG CHE-ĐẬY VÔ-SỐ TỘI-LỖI”.—1 Phi-e-rơ 4:7, 8.
[Khung/Hình nơi trang 20]
HÃY TỰ HỎI . . .
◆ Tôi có hăng hái dành thì giờ chuẩn bị cho các buổi họp như khi đi mua sắm hoặc xem truyền hình không?
◆ Tôi có ganh tị cái gọi là đời sống thoải mái mà người khác hưởng thụ không?
◆ Tôi có dễ bực mình hoặc ngay cả buồn giận khi người khác làm hoặc nói một điều gì trái ý tôi không?
◆ Tôi có thấy khó chấp nhận lời khuyên, hoặc cảm thấy luôn bị người khác bắt bẻ không?
◆ Tôi có thấy khó hòa hợp với người khác không?
◆ Tôi có hạ thấp tiêu chuẩn theo thế gian không?
◆ Tôi có những mục tiêu thiêng liêng rõ rệt không?
◆ Tôi đang làm gì để vươn tới các mục tiêu thiêng liêng?
[Nguồn hình ảnh nơi trang 18]
Achilles: Trích từ sách Great Men and Famous Women; binh lính La Mã và trang 21: Historic Costume in Pictures/Dover Publications, Inc., New York