Đứng vững mà địch lại mưu kế của Sa-tan
“Hãy mang lấy [toàn bộ] khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ” (Ê-PHÊ-SÔ 6:11).
1. Các sự cám dỗ mà Giê-su phải chịu nêu ra bằng chứng hiển nhiên nào cho thấy Sa-tan hiện hữu?
Sa-tan có hiện hữu thật sự không? Một số người lập luận rằng trong Kinh-thánh chữ “Sa-tan” chỉ ngụ ý nói đến sự hung ác ở trong con người. Họ phủ nhận sự hiện hữu của hắn với tư cách một tạo vật. Nhưng Kinh-thánh nói cho chúng ta biết gì? Các sách Phúc-âm theo Ma-thi-ơ và Lu-ca cho thấy Giê-su Christ bị Sa-tan trực tiếp cám dỗ ba lần, và lần nào Giê-su cũng dùng Kinh-thánh để khước từ hắn. Tại sao Giê-su dùng phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ để trả lời hắn? Bởi vì Sa-tan áp dụng sai chính các câu Kinh-thánh ấy để khiến ngài phạm tội và thất bại với tư cách Con Đức Chúa Trời, Dòng dõi đã hứa (Ma-thi-ơ 4:1-11; Lu-ca 4:1-13).
2. Làm thế nào chúng ta biết rằng Giê-su không tưởng tượng ra các cuộc gặp gỡ giữa ngài với Sa-tan?
2 Hiển nhiên người hoàn toàn Giê-su không tưởng tượng ra các cuộc gặp gỡ này (Hê-bơ-rơ 4:15; 7:26). Ngài đã đối phó với chính kẻ đã núp sau con rắn trong vườn Ê-đen, một thiên sứ trước kia là anh em của ngài, đã làm phản từ thời nào rồi và bây giờ lại muốn ngăn cản ngài thực hiện lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15. Sa-tan muốn phá hoại sự trung thành của Dòng dõi đã hứa. Biết rõ các hành vi đầy mưu mẹo của hắn, Giê-su cương quyết đẩy lui Kẻ Cám dỗ. Phản ứng của Sa-tan là gì? “Ma-quỉ dùng hết cách cám-dỗ ngài rồi, bèn tạm lìa ngài [chờ dịp tiện khác]”. Rõ ràng là Giê-su không tự lìa ngài! Chính Sa-tan, chán nản, lìa Giê-su, và “liền có thiên-sứ đến gần mà hầu việc ngài” (Lu-ca 4:13; Ma-thi-ơ 4:11).
3. Một sử gia nói gì về ý nghĩa của sự hiện hữu của Ma-quỉ trong đạo đấng Christ?
3 Một sử gia bình luận hợp lý: “Phủ nhận sự hiện hữu của Ma-quỉ và vai trò quan trọng của hắn trong đạo đấng Christ có nghĩa là đi ngược lại với sự dạy bảo của các sứ đồ và lịch sử giáo lý của đạo đấng Christ. Bởi lẽ định nghĩa đạo đấng Christ bằng những lời lẽ khác hơn những lời này thật là vô nghĩa, việc chủ trương một đạo đấng Christ phủ nhận sự hiện hữu của Ma-quỉ là phi lý. Nếu Ma-quỉ không hiện hữu thì đạo đấng Christ đã lầm lạc ở một điểm chính ngay từ lúc khởi đầu”.a Sự kết luận đó đưa ra một thách đố cho mỗi người sống trên đất ngày nay. Bạn có nhìn nhận sự hiện hữu của một kẻ thù vô hình rắp tâm đả phá sự thống trị của Đức Chúa Trời và sự trung thành của loài người không?
Lai lịch thật của Sa-tan
4. Làm thế nào một tạo vật thần linh hoàn toàn đã trở thành Sa-tan?
4 Sa-tan là một tạo vật thần linh quyền năng, một thiên sứ, một con thần linh thoạt đầu do Đức Chúa Trời tạo ra, được hội kiến Đức Giê-hô-va trên thiên đình (Gióp 1:6). Tuy nhiên, Sa-tan đã hành sử quyền tự do định đoạt của hắn để chống lại Đức Chúa Trời; hắn đã dùng mưu kế xúi giục Ê-va và, qua trung gian của Ê-va, cả A-đam nữa khiến họ không vâng lời rồi chết (II Cô-rinh-tô 11:3). Vậy hắn trở thành Sa-tan, nghĩa là “Kẻ nghịch lại” (NW)—một kẻ phiến loạn, một quỉ sứ, một kẻ giết người và một kẻ nói dối (Giăng 8:44). Phao-lô nói đúng thay mà rằng “nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng”, trong khi thật ra thì hắn là “vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy”! (II Cô-rinh-tô 6:14; 11:14; Ê-phê-sô 6:12). Bằng cách lôi cuốn các thiên sứ khác phản nghịch, hắn dẫn họ ra khỏi ánh sáng Đức Chúa Trời để vào nơi tối tăm của hắn. Hắn trở thành “chúa quỉ”. Giê-su cũng nhận diện hắn là “vua-chúa thế-gian nầy”. Dĩ nhiên hắn làm vua chúa thì phải hiện hữu với tư cách một tạo vật thần linh (Ma-thi-ơ 9:34; 12:24-28; Giăng 16:11).
5. Phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp nhận diện rõ Sa-tan ra sao?
5 Dù Sa-tan ít được đề cập tới trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ, hắn hoàn toàn bị tố giác trong phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp—nhiều đến nỗi chúng ta đếm được đích danh Sa-tan 36 lần và chữ “Ma-quỉ” 33 lần. (Xem Comprehensive Concordance of the New World Translation of the Holy Scriptures). Hắn cũng được nhận ra bằng các tên và biệt hiệu khác. Hai trong các biệt hiệu này được Giăng dùng nơi Khải-huyền 12:9: “Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Cũng xem Ma-thi-ơ 12:24-27; II Cô-rinh-tô 6:14, 15).
6. Chữ “Ma-quỉ” có nghĩa gì?
6 Trong sách Khải-huyền đây chữ Hy-lạp dịch ra thành “ma-quỉ” là di·aʹbo·los. Theo học giả nghiên cứu về tiếng Hy-lạp là J. H. Thayer thì chữ này có nghĩa đen là “một kẻ nói xấu, kẻ cáo gian, kẻ phao vu”. (So sánh I Ti-mô-thê 3:11; II Ti-mô-thê 3:3, Kingdom Interlinear). W. E. Vine diễn tả Ma-quỉ như là “kẻ thù độc hại của Đức Chúa Trời và loài người”.b
7. Tại sao Sa-tan có thể dồn hết mọi nỗ lực tấn công dân sự của Đức Giê-hô-va?
7 Kẻ nghịch lớn không nhàn rỗi (I Phi-e-rơ 5:8). Có lẽ đó là lý do tại sao có câu châm ngôn nói “ma-quỉ kiếm ra việc làm cho những tay lười biếng”. Hắn rắp tâm làm bại hoại các tín đồ thật của đấng Christ (II Ti-mô-thê 3:12). Và hắn có thể dồn hết mọi nỗ lực vào dân tộc Đức Giê-hô-va chỉ vì một lý do giản dị—phần còn lại của thế gian này nằm dưới quyền hắn rồi! (I Giăng 5:19). Thế gian ngày nay là thế gian của Sa-tan. Hắn là vua và chúa của thế gian, dù người ta có nhìn nhận điều này hay không (Giăng 12:31; II Cô-rinh-tô 4:4). Thành thử ra, hắn sẽ dùng hết mọi mưu kế hoặc sự xảo quyệt hay cám dỗ nhằm làm bại hoại dân sự của Đức Giê-hô-va, trên bình diện cá nhân hay tập thể. Chúng ta hãy xem xét vài phương cách hoạt động của hắn (Mác 4:14, 15; Lu-ca 8:12).
Các hành vi xảo quyệt và mưu mẹo của Sa-tan
8. Sa-tan có thể có lợi thế nào hơn chúng ta?
8 Sa-tan đã có nhiều thì giờ để nghiên cứu tâm lý, phân tích bản tánh loài người với mọi khuyết điểm bẩm sinh và hấp thụ. Hắn biết cách lợi dụng sự yếu đuối và kiêu căng của chúng ta. Vậy thì tình thế sẽ ra sao nếu kẻ thù bạn biết các điểm yếu của bạn còn chính bạn lại không biết? Rồi bạn sẽ thất thế trong sự tự vệ vì bạn không biết trong bộ đồ trận thiêng liêng của bạn có chỗ hở nào (I Cô-rinh-tô 10:12; Hê-bơ-rơ 12:12, 13). Những lời sau đây của một thi sĩ Tô-cách-lan thật là thích hợp thay: ‹‹Ước gì chúng ta có khả năng nhìn mình như người khác nhìn mình! Chúng ta sẽ tránh được biết bao điều dại dột››.
9. Nếu chúng ta không tự phân tích chính mình và tự sửa đổi, có thể sẽ có hậu quả không hay nào?
9 Chúng ta có muốn nhìn mình như người khác—đặc biệt Đức Chúa Trời hoặc Sa-tan—có thể nhìn chúng ta không? Điều đó đòi hỏi chúng ta thành thật tự phân tích, tự đánh giá và có ý muốn làm sự sửa đổi. Lừa dối chính mình thật quá dễ (Gia-cơ 1:23, 24). Thật đôi khi chúng ta tìm ra nhiều cớ để tự bào chữa thay! (So sánh I Sa-mu-ên 15:13-15, 20, 21, 24). Và thật dễ nói: “Thôi mà, chẳng có ai hoàn toàn cả”! Chính Sa-tan biết thế và hắn lợi dụng sự bất toàn của chúng ta (II Sa-mu-ên 11:2-27). Thật đáng buồn thay khi đến độ trung tuần mới hiểu rằng chỉ vì thái độ độc đoán, lạnh nhạt hoặc tàn nhẫn của mình đối với người khác trong nhiều năm qua mà một người cảm thấy lẻ loi không bạn bè; hoặc hiểu rằng mình đã làm rất ít hay không làm gì cả để đem sự vui mừng cho người khác. Có lẽ Sa-tan đã dùng sự xảo quyệt mà khiến chúng ta để cho sự ích kỷ bẩm sinh làm mình mù quáng suốt đời. Chúng ta đã không hiểu thấu được căn bản trong tâm tình thật của đấng Christ là sự yêu thương, sự thương xót và sự nhân từ (I Giăng 4:8, 11, 20).
10. Chúng ta có thể tự đặt cho mình các câu hỏi nào, và tại sao?
10 Vậy, để chống cự Sa-tan chúng ta cần phải tự kiểm điểm. Bạn có một khuyết điểm nào mà Sa-tan có thể lợi dụng hoặc đang lợi dụng ngay bây giờ không? Bạn có khuynh hướng tự đề cao không? Phải chăng bạn lúc nào cũng muốn là “số một” (“số dách”)? Có phải sự kiêu ngạo là động lực thầm kín của bạn không? Nhân cách của bạn có bị hoen ố bởi sự ghen tị, ganh ghét và sự tham tiền không? Bạn có hay hờn giận không? Bạn có lạnh nhạt và thiếu tình cảm không? Hay ngược lại bạn quá nhạy cảm và dễ mếch lòng khi nghe người khác nói hoặc bị chỉ trích? Bạn có thấy khó chịu trước lời khuyên hoặc ngay cả từ chối lời khuyên không? Nếu tự biết mình, chúng ta có thể sửa chữa các khuyết điểm này, miễn là chúng ta khiêm nhường. Nếu không, chúng ta dễ phơi mình cho Sa-tan tấn công (I Ti-mô-thê 3:6, 7; Hê-bơ-rơ 12:7, 11; I Phi-e-rơ 5:6-8).
11. Sa-tan có thể dùng cách xảo quyệt nào để cố làm tổn hại tình trạng thiêng liêng của chúng ta?
11 Sa-tan cũng có thể dùng một cách xảo quyệt và nham hiểm để làm tổn hại tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Có lẽ chúng ta không hài lòng về cách thức hoạt động trong hội-thánh hay trong tổ chức. Thường thì chúng ta không biết hết mọi chi tiết, nhưng chúng ta lại dễ đi đến kết luận này nọ. Điều này dễ khiến chúng ta nghĩ quấy và nghi ngờ về lẽ thật nếu sự liên lạc giữa chúng ta và Đức Giê-hô-va lỏng lẻo. Một số người có thể tìm phương tự bào chữa để thoái thác các trách nhiệm đi kèm theo với lẽ thật. Rồi Sa-tan gieo mầm mống bất trung và bội phản trong lòng họ. Ít lâu sau các nạn nhân của hắn rơi vào sự bội đạo và Sa-tan vui lắm (Lu-ca 22:3-6; Giăng 13:2, 27; II Giăng 9-11).
12. a) Sa-tan đã xui khiến một số người làm gì? b) Làm thế nào Sa-tan gài bẫy để nhiều người rơi vào việc phạm tội tình dục vô luân?
12 Có kẻ bị Sa-tan xui khiến đến nỗi không chỉ phạm tội nặng đáng bị khai trừ, mà còn nói dối và lường gạt hầu cố gắng đánh lừa các trưởng lão trong hội-thánh. Giống như A-na-nia và Sa-phi-ra, những kẻ này nghĩ chúng nó có thể lường gạt các thiên sứ và thánh linh Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 5:1-10). Trong những năm gần đây hằng ngàn người đã rơi vào cạm bẫy tình dục vô luân do Sa-tan gài. Ma-quỉ biết sự ham muốn nhục dục nơi loài người mạnh ra sao, và hắn dùng hệ thống mọi sự này để cổ võ, làm bại hoại và bóp méo vai trò của tình dục (Dân-số Ký 25:1-3). Tín đồ sống độc thân có thể bị cám dỗ nhằm sa vào sự tà dâm hoặc các hình thức khác của việc lạm dụng tình dục (Châm-ngôn 7:6-23). Nếu người tín đồ đã kết hôn mà để cho lòng và trí đi dạo chơi đây đó, họ có thể dễ dàng phạm tội ngoại tình, phản bội người hôn phối mà họ đã hứa giữ sự trung thủy (I Cô-rinh-tô 6:18; 7:1-5; Hê-bơ-rơ 13:4).
13. a) Làm thế nào màn ảnh truyền hình có thể uốn nắn lối suy nghĩ của chúng ta? b) Làm sao chúng ta có thể chống lại ảnh hưởng ấy?
13 Chúng ta sống trong một thế gian nơi mà sự nói dối, lường gạt và sự giận hung bạo thường xảy ra. Sa-tan tận dụng tối đa các cơ quan ngôn luận để phổ biến tâm hồn đồi trụy này. Các chuyện tình cảm lãng mạn dài hạn chiếu từng hồi (soap operas) trên màn ảnh truyền hình trình bày các nhân vật có bề ngoài hấp dẫn sống trong một cốt chuyện đầy sự lường gạt lẫn nhau. Nếu chúng ta để cho tư tưởng ấy ảnh hưởng trên chúng ta, chẳng bao lâu chúng ta có thể bắt đầu phạm các tội “nhẹ”, mở đường cho các tội “nặng”. Sự xúi giục xảo quyệt của Sa-tan có thể dễ dàng len lỏi vào trong lối suy nghĩ của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể chống lại các ảnh hưởng ấy? Phao-lô khuyên “đừng [bao giờ] cho ma-quỉ nhơn dịp”. Điều đó cũng có nghĩa là bạn nên kiểm soát cho ai vô nhà bạn qua màn ảnh truyền hình. Lẽ nào chúng ta chẳng gớm ghiếc những kẻ hung bạo, vô luân và thô bỉ làm ô nhiễm nơi phòng khách của chúng ta sao? (Ê-phê-sô 4:23-32).
Làm sao có thể chống lại Sa-tan và giữ sự trung thành với Đức Chúa Trời?
14. Cần phải cương quyết giữ hai điều gì để chống cự Sa-tan, và điều này đòi hỏi gì?
14 Đứng trước một kẻ thù mạnh mẽ, siêu phàm như thế làm sao chúng ta là tạo vật bất toàn lại có thể giữ được sự trung thành? Những lời của Gia-cơ sau đây nêu ra bí quyết: “Vậy hãy vâng phục Đức Chúa Trời; hãy chống cự Ma-quỉ, thì nó sẽ chạy trốn khỏi anh em” (Gia-cơ 4:7, NW). Hãy lưu ý rằng Gia-cơ đưa ra lời khuyên có hai khía cạnh. Một mặt chúng ta phải chống cự Ma-quỉ và ý muốn của hắn, mặt khác chúng ta phải vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời. Điều đó đòi hỏi phải yêu chuộng ý muốn của Đức Chúa Trời và ghét bỏ ý muốn của Sa-tan (Rô-ma 12:9). Vậy, Gia-cơ nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi” (Gia-cơ 4:8). Đúng, muốn chống cự Sa-tan thì không thể cách nửa chừng hay lưỡng lự. Chúng ta không thể vướng vào vòng nguy hiểm có thể mất sự trung thành chỉ vì thử tìm cách nghiệm xem chúng ta có thể đến gần ranh giới giữa điều thiện và điều ác được bao nhiêu. Chúng ta phải hết lòng “ghét sự ác” (Thi-thiên 97:10).
15. Tại sao “[toàn bộ] khí-giới của Đức Chúa Trời” là thiết yếu? Hãy giải thích bằng thí dụ.
15 Sách Ê-phê-sô đoạn 6 chứa đựng lời khuyên phi thường về cách chống cự Sa-tan. Phao-lô nói sao về cách chúng ta có thể chống cự “mưu-kế”, sự xảo quyệt hoặc chiến thuật của Sa-tan? (Ê-phê-sô 6:11). Ông khuyên: “Hãy mang lấy [toàn bộ] khí-giới của Đức Chúa Trời”. Thành ngữ “[toàn bộ] khí-giới” bao hàm ý tưởng không nên có thái độ thờ ơ đối với đạo thật của đấng Christ, chẳng khác nào người lính La-mã xưa không thể chuẩn bị lơ là để ra trận. Người lính đó sẽ ra sao nếu mặc gần hết bộ đồ trận mà lại quên cái thuẫn và mão trụ? Người có lẽ nghĩ: ‹‹Cái thuẫn thật cồng kềnh quá, và mão trụ nặng làm sao! Cả hai đều nặng hết, và tôi thật ra không cần đâu››. Hãy tưởng tượng cảnh ngộ ấy—một người lính La-mã trang bị để ra trận nhưng thiếu các món tự vệ chính! (Ê-phê-sô 6:16, 17).
16. a) Chúng ta phải noi gương Giê-su thế nào trong cách dùng “gươm”? b) Làm sao chúng ta có thể tiếp tục cảnh giác đề phòng chống lại các “tên lửa” của Sa-tan, và với thành quả nào?
16 Cũng hãy tưởng tượng một người lính trận không gươm. “Gươm của thánh linh” là một khí giới tự vệ thật tốt, dùng để chém văng xa các vũ khí do Sa-tan bắn về phía tín đồ đấng Christ. “Gươm” chúng ta nên luôn luôn sẵn sàng, làm được thế nếu không bỏ bê việc học hỏi Kinh-thánh cá nhân và gia đình. Nhưng hơn nữa, thanh “gươm... là lời Đức Chúa Trời” đây chúng ta cũng dùng để tấn công. Giê-su dùng gươm đó bằng cả hai cách (Ma-thi-ơ 4:6, 7, 10; 22:41-46). Chúng ta cũng phải làm thế. Chúng ta nên vun trồng sự quí trọng lẽ thật. Chúng ta không thể giữ vững tình trạng thiêng liêng của chúng ta chỉ nhờ những điều chúng ta học được trong mấy tháng hoặc mấy năm đầu trong lẽ thật. Nếu chúng ta không đổi mới tâm trí của chúng ta, cái nhìn thiêng liêng của chúng ta sẽ lu mờ đi. Sự sốt sắng của chúng ta đối với sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va sẽ giảm sút. Chúng ta sẽ yếu đi về thiêng liêng, sẽ không còn đủ sức để đẩy lui các cuộc tấn công của người thân thuộc, người quen, bạn đồng nghiệp và các kẻ bội đạo có thể khinh bỉ liên miên những điều chúng ta tin tưởng. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ cứu chúng ta khỏi Ma-quỉ và các “tên lửa” của hắn nếu chúng ta tiếp tục trang phục “[toàn bộ] khí-giới của Đức Chúa Trời” (Ê-sai 35:3, 4).
17, 18. Chúng ta phải đánh trận chống lại ai, và làm sao chúng ta có thể thắng?
17 Đúng, Phao-lô nhấn mạnh mối nguy hiểm liên quan tới trận chiến của tín đồ đấng Christ khi ông viết: “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời” (Ê-phê-sô 6:12). Làm sao chúng ta là những con người yếu đuối lại có thể chống cự và thắng trong một trận chiến với lực lượng chênh lệch như thế? Phao-lô lặp lại: “Vậy nên, hãy lấy [toàn bộ] khí-giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày [khổ]-nạn, anh em có thể cự-địch lại, và [sau] khi [hoàn tất] mọi sự rồi, anh em được đứng vững-vàng” (Ê-phê-sô 6:13). Những chữ then chốt là: “[Sau] khi [hoàn tất] mọi sự rồi”. Điều này một lần nữa cho thấy không thể thực hành đạo thật của đấng Christ một cách phân tâm và lơ đễnh (I Giăng 2:15-17).
18 Do đó, chúng ta hãy đứng vững trong lẽ thật, yêu chuộng sự công bình của Đức Giê-hô-va, rao giảng tin mừng bình an, nắm chặt đức tin mạnh mẽ nơi sự cứu chuộc của Đức Giê-hô-va qua trung gian Giê-su Christ, đồng thời tin cậy nơi Lời Đức Chúa Trời là nơi nương tựa kiên cố (Ê-phê-sô 6:14-17). Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời chăm sóc đến chúng ta và sẽ giúp chúng ta thắng được mọi thử thách và lo lắng mà chúng ta có thể gặp phải trong hệ thống mọi sự của Sa-tan. Mong sao tất cả chúng ta có thể làm theo lời cảnh tỉnh này: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. Đúng, “hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó” (I Phi-e-rơ 5:6-9).
19.a) Chúng ta phải dùng đến sự cung cấp thiết yếu nào khác để chống cự lại Sa-tan? b) Rốt cuộc Sa-tan sẽ bị gì?
19 Chúng ta chớ quên điều thiết yếu mà Phao-lô đã phụ thêm vào “[bộ] khí-giới”. Ông nói: “Hãy nhờ [thánh linh], thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin. Hãy dùng sự bền-đỗ trọn-vẹn mà tỉnh-thức về điều đó, và cầu-nguyện cho hết thảy các thánh-đồ” (Ê-phê-sô 6:18). Kẻ địch thủ vô hình của chúng ta mạnh đến nỗi chúng ta cần “làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin”. Vậy những lời cầu nguyện của chúng ta phải chân thành và linh động. Chúng ta rất cần có sự tin cậy trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va để có thể chiến thắng và giữ vững sự trung thành. Chỉ có Ngài mới có thể ban cho chúng ta “quyền-phép lớn [hơn bình thường]” giúp chúng ta có thể chống cự lại Kẻ nghịch lớn cứ tấn công tới tấp. Thật là an ủi xiết bao biết rằng chẳng bao lâu nữa Kẻ nghịch lớn sẽ bị quăng xuống vực thẳm và rồi sau cùng sẽ bị tiêu diệt đời đời! (II Cô-rinh-tô 4:7; Khải-huyền 20:1-3, 10).
[Chú thích]
a Satan—The Early Christian Tradition, do Jeffrey Burton Russell, trang 25.
b An Expository Dictionary of New Testament Words.
Bạn có nhớ không?
◻ Làm sao chúng ta biết được Sa-tan là một nhân vật có thật?
◻ Tại sao các tên và biệt hiệu khác của Sa-tan là thích hợp?
◻ Nên tự phân tích cách nào để giúp chống lại các cuộc tấn công xảo quyệt của Sa-tan?
◻ Lời khuyên nào sẽ giúp chúng ta thắng nổi Sa-tan, và tại sao?
[Hình nơi trang 15]
Một trong những cách để chống cự lại ảnh hưởng của Sa-tan là tỏ ra thân thiện, hay giúp đỡ và đầy yêu thương
[Hình nơi trang 16]
Chúng ta nên cảnh giác đề phòng tránh làm như A-na-nia và Sa-phi-ra đã hàng phục Sa-tan
[Hình nơi trang 17]
Để đẩy lui các mũi tên của Sa-tan, chúng ta không thể bỏ sót phần nào của bộ khí giới thiêng liêng