CHƯƠNG 5
Làm thế nào giữ mình tách biệt khỏi thế gian?
“Các ngươi không thuộc về thế-gian”.—GIĂNG 15:19.
1. Trong đêm cuối cùng của cuộc đời làm người trên đất, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh điều gì?
Trong đêm cuối cùng của cuộc đời làm người trên đất, Chúa Giê-su cho thấy ngài quan tâm sâu xa đến lợi ích tương lai của các môn đồ. Ngài ngay cả cầu nguyện với Cha ngài về vấn đề này: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:15, 16). Trong lời cầu xin tha thiết này, Chúa Giê-su cho thấy cả tình yêu thương sâu đậm dành cho các môn đồ lẫn tầm quan trọng của điều mà ngài đã nói với vài người trong số họ ngay đêm ấy, đó là: “Các ngươi không thuộc về thế-gian” (Giăng 15:19). Rõ ràng, đối với Chúa Giê-su, điều vô cùng quan trọng là các môn đồ ngài giữ mình tách biệt khỏi thế gian!
2. Từ “thế-gian” mà Chúa Giê-su đề cập ám chỉ điều gì?
2 Từ “thế-gian” mà Chúa Giê-su đề cập ám chỉ toàn thể những người xa cách Đức Chúa Trời. Họ ở dưới sự cai trị của Sa-tan và làm nô lệ cho tinh thần tự cao, ích kỷ xuất phát từ hắn (Giăng 14:30; Ê-phê-sô 2:2; 1 Giăng 5:19). Thật vậy, “làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4). Tuy nhiên, có những người muốn giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Làm thế nào họ vừa sống trong thế gian lại vừa có thể tách biệt khỏi nó? Chúng ta sẽ xem xét năm cách sau: tiếp tục trung thành với Nước Trời do Chúa Giê-su cai trị và giữ trung lập trong các vấn đề chính trị; kháng cự tinh thần của thế gian; có ngoại diện đứng đắn; giữ mắt đơn giản; và mang lấy bộ khí giới thiêng liêng.
GIỮ TRUNG LẬP VÀ LÒNG TRUNG THÀNH
3. (a) Chúa Giê-su đã xem các hoạt động chính trị như thế nào? (b) Tại sao có thể nói rằng những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su là các đại sứ? (Cũng xem cước chú).
3 Thay vì tham gia các hoạt động chính trị vào thời đó, Chúa Giê-su tập trung rao giảng về Nước Trời, tức chính phủ trên trời mà ngài sẽ là vị vua tương lai (Đa-ni-ên 7:13, 14; Lu-ca 4:43; 17:20, 21). Vì vậy, khi đứng trước quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát, Chúa Giê-su có thể nói rằng: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy” (Giăng 18:36). Các môn đồ noi theo gương Chúa Giê-su qua việc giữ lòng trung thành với ngài và Nước Trời, cũng như rao báo về nước này ra khắp đất (Ma-thi-ơ 24:14). Sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy chúng tôi làm chức khâm-sai [“đại sứ”, BDM] của Đấng Christ. . . Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài-xin anh em: Hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời”.a—2 Cô-rinh-tô 5:20.
4. Tất cả tín đồ Đấng Christ chân chính thể hiện lòng trung thành với Nước Trời như thế nào? (Xin xem khung nơi trang 52).
4 Vì đại sứ là người đại diện cho một nhà cai trị hay một quốc gia khác, nên họ phải giữ trung lập, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của những nước mà họ đang công tác. Tuy nhiên, đại sứ bênh vực cho chính phủ của đất nước mà họ đại diện. Điều này cũng được áp dụng trong trường hợp của những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su, vì họ là “công-dân trên trời” (Phi-líp 3:20). Thật vậy, nhờ sốt sắng rao giảng về Nước Trời, họ đã giúp hàng triệu “chiên khác” của Chúa Giê-su được “hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời” (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:31-40). Những “chiên khác” này là công sứ của Chúa Giê-su, có vai trò hỗ trợ những anh em được xức dầu. Là một bầy hợp nhất ủng hộ Nước của Đấng Mê-si, cả hai nhóm người này đều cương quyết giữ vững lập trường trung lập trong các vấn đề chính trị của thế gian.—Ê-sai 2:2-4.
5. Hội thánh tín đồ Đấng Christ khác với dân Y-sơ-ra-ên thời xưa như thế nào? Làm sao họ cho thấy sự khác biệt đó?
5 Lòng trung thành với Chúa Giê-su không phải là lý do duy nhất khiến tín đồ Đấng Christ chân chính giữ trung lập. Dân của Đức Chúa Trời thời xưa sống chỉ trong một đất nước, nhưng chúng ta ngày nay thuộc về một đoàn thể anh em quốc tế (Ma-thi-ơ 28:19; 1 Phi-e-rơ 2:9). Vì thế, nếu đứng về phía các tổ chức chính trị, chúng ta sẽ không thể dạn dĩ rao giảng về Nước Trời, và sự hợp nhất giữa các anh em tín đồ Đấng Christ cũng bị hủy hoại (1 Cô-rinh-tô 1:10). Hơn nữa, nếu không trung lập thì trong chiến tranh chúng ta phải chiến đấu chống lại các anh em đồng đức tin. Họ là những người mà chúng ta được lệnh phải yêu thương (Giăng 13:34, 35; 1 Giăng 3:10-12). Vì thế, Chúa Giê-su có lý do chính đáng khi bảo các môn đồ ngài “nạp gươm vào vỏ”. Ngài thậm chí bảo họ yêu kẻ thù nghịch với mình.—Ma-thi-ơ 5:44; 26:52; xin xem khung “Tôi có đang giữ trung lập không?” nơi trang 55.
6. Sự dâng mình cho Đức Chúa Trời ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của bạn với “Sê-sa”?
6 Là tín đồ Đấng Christ chân chính, chúng ta đã dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời chứ không phải cho một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào. Nơi 1 Cô-rinh-tô 6:19, 20 cho biết: “Anh em chẳng phải thuộc về chính mình. . . vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi”. Vì thế, trong khi chu toàn trách nhiệm của mình với “Sê-sa”—tức nhà cầm quyền—như tỏ lòng tôn trọng, nộp thuế và vâng phục họ trong phạm vi Đức Chúa Trời cho phép, những người theo Chúa Giê-su phải trả lại cho Đức Chúa Trời “vật chi của Đức Chúa Trời” (Mác 12:17; Rô-ma 13:1-7). Điều này bao gồm sự thờ phượng, tình yêu thương hết linh hồn và lòng trung thành vâng phục. Nếu cần thiết, họ sẵn sàng từ bỏ mạng sống mình vì Đức Chúa Trời.—Lu-ca 4:8; 10:27; Công-vụ 5:29; Rô-ma 14:8.
KHÁNG CỰ TINH THẦN THẾ GIAN
7, 8. Tinh thần thế gian là gì, và tinh thần này “hành-động” trong một người như thế nào?
7 Một cách khác mà tín đồ Đấng Christ có thể giữ mình tách biệt khỏi thế gian là kháng cự lại tinh thần gian ác của nó. Phao-lô viết: “Chúng ta chẳng nhận lấy thần [“tinh thần”, ASV] thế-gian, nhưng đã nhận lấy [thánh linh] từ Đức Chúa Trời đến” (1 Cô-rinh-tô 2:12). Ông cũng nói với các tín đồ ở Ê-phê-sô: “Anh em xưa đã học đòi, theo thói-quen đời nầy, vâng-phục vua cầm quyền chốn không-trung, tức là thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch”.—Ê-phê-sô 2:2, 3.
8 “Không-trung” hay không khí là tinh thần của thế gian, một lực vô hình xúi giục người ta bất tuân với Đức Chúa Trời và cổ vũ “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt” (1 Giăng 2:16; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Tinh thần này “cầm quyền” trên thế gian vì nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với xác thịt tội lỗi. Nó rất khó nhận ra và gây áp lực không ngừng. Giống như không khí, tinh thần này tràn ngập khắp mọi nơi. Ngoài ra, nó “hành-động” trên một người bằng cách dần dần nuôi dưỡng các tính nết xấu xa như ích kỷ, kiêu ngạo, tham lam, khuynh hướng chống nghịch và tự đặt ra tiêu chuẩn đạo đức.b Nói một cách đơn giản, tinh thần thế gian dần dần khiến cho các đặc tính của Ma-quỉ phát triển trong lòng một người.—Giăng 8:44; Công-vụ 13:10; 1 Giăng 3:8, 10.
9. Tinh thần thế gian có thể xâm nhập vào lòng và trí bạn như thế nào?
9 Tinh thần thế gian có thể bắt rễ trong lòng và trí của bạn không? Có, nhưng chỉ khi nào bạn để cho điều đó xảy ra vì thiếu cảnh giác (Châm-ngôn 4:23). Ảnh hưởng của nó thường bắt đầu một cách tinh vi, có lẽ qua những người bạn trông có vẻ đàng hoàng nhưng thật ra không yêu mến Đức Giê-hô-va (Châm-ngôn 13:20; 1 Cô-rinh-tô 15:33). Bạn cũng có thể bị tiêm nhiễm tinh thần gian ác này qua những sách báo không phù hợp, các trang web khiêu dâm hoặc bội đạo, trò giải trí không lành mạnh, và các môn thể thao có tinh thần cạnh tranh quyết liệt. Thật vậy, ảnh hưởng của tinh thần gian ác đến từ bất cứ ai hay bất cứ điều gì thể hiện lối suy nghĩ của Sa-tan hoặc thế gian của hắn.
10. Làm sao chúng ta có thể kháng cự tinh thần thế gian?
10 Làm sao chúng ta có thể kháng cự tinh thần xảo quyệt của thế gian và giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời? Cách duy nhất là tận dụng mọi sự cung cấp về thiêng liêng của Đức Giê-hô-va và luôn cầu xin Ngài ban thánh linh. Đức Giê-hô-va mạnh hơn nhiều so với Ma-quỉ và thế giới gian ác dưới sự điều khiển của hắn (1 Giăng 4:4). Thật vậy, tiếp tục gần gũi với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện là điều quan trọng biết bao!
NGOẠI DIỆN ĐỨNG ĐẮN
11. Tinh thần thế gian ảnh hưởng đến tiêu chuẩn ăn mặc như thế nào?
11 Qua cách một người ăn mặc và giữ vệ sinh thân thể, chúng ta có thể thấy người ấy chịu ảnh hưởng của tinh thần nào. Tại nhiều nơi, tiêu chuẩn về cách ăn mặc xuống dốc đến độ một người dẫn chương trình truyền hình đã nhận xét rằng chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ không phân biệt được ai là gái mại dâm. Một tờ báo cho biết ngay cả những em gái chưa đến tuổi vị thành niên cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng “hở hang, thiếu vải”. Một xu hướng khác là ăn mặc lôi thôi cẩu thả, thể hiện tinh thần nổi loạn cũng như thiếu phẩm giá và lòng tự trọng.
12, 13. Những nguyên tắc nào nên chi phối cách ăn mặc và ngoại diện của chúng ta?
12 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, dĩ nhiên chúng ta muốn có ngoại diện chỉnh tề. Đó là ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự và thích hợp. Dù là nam hay nữ, cùng với các “việc lành”, ngoại diện của chúng ta nên luôn luôn “nết-na và đức-hạnh” để xứng đáng là người xưng mình “tin-kính Chúa”. Dĩ nhiên, mối quan tâm chính yếu của chúng ta không phải là muốn người khác chú ý đến mình, nhưng là “giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời” (1 Ti-mô-thê 2:9, 10; Giu-đe 21). Thật vậy, chúng ta muốn trang sức đẹp nhất của mình là “sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng. . . ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 3:3, 4.
13 Chúng ta hãy nhớ rằng các kiểu quần áo và ngoại diện của mình có thể ảnh hưởng đến quan điểm của người khác về sự thờ phượng thật. Khi được dùng trong khía cạnh nói về đạo đức, từ Hy Lạp dịch là “nết-na” biểu thị ý kính trọng, kính sợ, hoặc cũng có nghĩa là tôn trọng cảm xúc hay quan điểm của người khác. Vì thế, chúng ta nên có mục tiêu xem lương tâm của người khác quan trọng hơn những gì mình nghĩ là mình có quyền làm. Trên hết, chúng ta muốn mang lại vinh hiển cho Đức Giê-hô-va và dân Ngài, đồng thời chứng tỏ mình xứng đáng là tôi tớ Đức Chúa Trời và làm mọi sự ‘vì sự vinh-hiển Ngài’.—1 Cô-rinh-tô 4:9; 10:31; 2 Cô-rinh-tô 6:3, 4; 7:1.
14. Về ngoại diện và sự sạch sẽ, chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?
14 Ngoại diện và sự sạch sẽ của chúng ta càng quan trọng hơn khi tham gia thánh chức rao giảng hoặc đến dự các buổi nhóm họp. Hãy tự hỏi: “Ngoại diện và vệ sinh cá nhân của tôi có khiến người khác quá chú ý đến mình không, hoặc có làm họ cảm thấy ngượng hay khó chịu không? Tôi có xem quyền của mình trong lĩnh vực này là quan trọng hơn việc hội đủ tư cách để được giao các nhiệm vụ trong hội thánh không?”.—Phi-líp 4:5; 1 Phi-e-rơ 5:6.
15. Tại sao Lời Đức Chúa Trời không liệt kê các luật lệ về việc ăn mặc và giữ vệ sinh thân thể?
15 Kinh Thánh không liệt kê các luật lệ về việc ăn mặc và giữ vệ sinh thân thể cho tín đồ Đấng Christ. Đức Giê-hô-va không muốn lấy đi quyền tự do lựa chọn và khả năng suy xét của chúng ta. Trái lại, Ngài muốn chúng ta trở nên những người thành thục, biết lý luận dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh và “dụng tâm-tư luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ” (Hê-bơ-rơ 5:14). Trên hết, Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm mọi việc vì tình yêu thương với Ngài và người đồng loại (Mác 12:30, 31). Trong phạm vi các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, chúng ta có nhiều lựa chọn trong việc phục sức. Vì thế, nếu đi đến những nơi mà dân sự Đức Giê-hô-va từ nhiều quốc gia vui mừng nhóm lại với nhau, bạn có thể thấy vô số bộ trang phục đa dạng và đầy màu sắc.
GIỮ MẮT “SÁNG-SỦA”
16. Tinh thần thế gian trái ngược với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su như thế nào? Chúng ta nên tự hỏi điều gì?
16 Tinh thần thế gian là dối trá. Nó xúi giục hàng triệu người tìm kiếm hạnh phúc qua việc mưu cầu tiền bạc và của cải vật chất. Tuy nhiên, Chúa Giê-su phán: “Sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu” (Lu-ca 12:15). Chúa Giê-su không tán thành chủ nghĩa khổ hạnh, nhưng ngài dạy rằng sự sống cũng như hạnh phúc thật sẽ đến với những ai “ý thức về nhu cầu thiêng liêng”, và giữ cho mắt “sáng-sủa”, tức chú ý đến một mục tiêu và tập trung chính yếu vào mối quan hệ với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:3, NW; Ma-thi-ơ 6:22, 23). Bạn hãy tự hỏi: “Tôi có thật sự tin những điều Chúa Giê-su dạy không? Hay tôi đang bị ảnh hưởng bởi “cha sự nói dối”? (Giăng 8:44). Lời nói, mục tiêu, những điều ưu tiên và lối sống của tôi cho thấy gì?”.—Lu-ca 6:45; 21:34-36; 2 Giăng 6.
17. Xin cho biết một vài ân phước mà những người giữ mắt đơn giản nhận được.
17 Chúa Giê-su phán: “Sự khôn-ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy” (Ma-thi-ơ 11:19). Hãy xem một vài lợi ích mà những người giữ mắt đơn giản nhận được. Họ thật sự được tươi tỉnh nhờ làm công việc Nước Trời (Ma-thi-ơ 11:29, 30). Họ tránh lo lắng thái quá và vì thế, được giải thoát khỏi nhiều nỗi đau về tinh thần và tình cảm (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Nhờ bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu của đời sống, họ có thêm thời gian cho gia đình và các anh em trong hội thánh. Kết quả là họ có thể ngủ ngon hơn (Truyền-đạo 5:12). Họ cảm nghiệm được niềm vui lớn lao của việc ban cho, và làm thế trong khả năng của mình (Công-vụ 20:35). Họ “được dư-dật sự trông-cậy” và có bình an nội tâm cũng như sự thỏa nguyện (Rô-ma 15:13; Ma-thi-ơ 6:31, 32). Quả là những ân phước vô giá!
MANG LẤY “MỌI KHÍ-GIỚI”
18. Kinh Thánh miêu tả thế nào về kẻ thù của chúng ta và phương cách của hắn? Đặc điểm của cuộc chiến đấu này là gì?
18 Những người tiếp tục giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời cũng được bảo vệ về thiêng liêng khỏi Sa-tan, kẻ muốn cướp đi không chỉ niềm hạnh phúc nhưng cả sự sống vĩnh cửu của tín đồ Đấng Christ (1 Phi-e-rơ 5:8). Sứ đồ Phao-lô nói: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12). Từ Hy Lạp dịch là “đánh trận” không nói đến việc chiến đấu từ xa—từ một chỗ ẩn nấp an toàn—nhưng ám chỉ việc đánh trực diện. Ngoài ra, những cụm từ “chủ-quyền”, “thế-lực” và “vua-chúa của thế-gian” cho thấy rằng các cuộc tấn công từ lĩnh vực thần linh được tổ chức rất kỹ càng và có dự tính trước.
19. Xin miêu tả bộ khí giới thiêng liêng của tín đồ Đấng Christ.
19 Dù là con người yếu đuối và có giới hạn, chúng ta vẫn có thể chiến thắng. Làm thế nào được? Bằng cách mang lấy “mọi khí-giới của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:13). Nơi Ê-phê-sô 6:14-18 miêu tả bộ khí giới này như sau: “Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công-bình, dùng sự sẵn-sàng của [tin mừng] bình-an mà làm giày-dép. Lại phải lấy thêm đức-tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. Cũng hãy lấy sự cứu-chuộc làm mão trụ [hoặc hy vọng], và cầm gươm của [thánh linh], là lời Đức Chúa Trời. Hãy nhờ [thánh linh], thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin”.
20. Trường hợp của chúng ta khác với những người lính bình thường như thế nào?
20 Vì là sự cung cấp từ Đức Chúa Trời, bộ khí giới thiêng liêng chắc chắn sẽ bảo vệ chúng ta nếu chúng ta luôn luôn mặc lấy nó. Người lính bình thường có thể có những lúc được nghỉ ngơi yên ổn trước khi tham gia trận chiến khác. Nhưng tín đồ Đấng Christ phải ở trong một cuộc chiến sống còn cho đến khi Đức Chúa Trời hủy diệt thế gian của Sa-tan và giam cầm tất cả các thần linh ác (Khải-huyền 12:17; 20:1-3). Vì thế, đừng bỏ cuộc nếu bạn đang đấu tranh với sự yếu đuối hoặc những ước muốn sai trái của bản thân. Tất cả chúng ta đều phải ‘đãi thân-thể mình cách nghiêm-khắc’ hầu tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va (1 Cô-rinh-tô 9:27). Thật vậy, nếu chúng ta không đang đánh trận, thì đó là điều đáng lo ngại!
21. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng trong trận chiến thiêng liêng này bằng cách nào?
21 Hơn nữa, chúng ta không thể chiến thắng bằng sức riêng của mình. Vì thế, Phao-lô nhắc chúng ta phải ‘thường thường cầu-nguyện’ với Đức Giê-hô-va. Đồng thời, chúng ta nên lắng nghe Đức Chúa Trời qua việc học Lời Ngài và tận dụng mọi cơ hội để kết hợp với những ‘người bạn cùng đánh trận’, vì chúng ta không chiến đấu một mình! (Phi-lê-môn 2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Những ai trung thành trong tất cả các lĩnh vực này sẽ không chỉ chiến thắng mà còn có thể bảo vệ vững chắc đức tin mình khi gặp thử thách.
HÃY SẴN SÀNG BẢO VỆ ĐỨC TIN!
22, 23. (a) Tại sao chúng ta phải luôn sẵn sàng bảo vệ đức tin mình, và chúng ta nên tự hỏi điều gì? (b) Đề tài nào sẽ được bàn luận trong chương sau?
22 Chúa Giê-su phán: “Vì các ngươi không thuộc về thế-gian. . . bởi cớ đó người đời ghét các ngươi” (Giăng 15:19). Vì thế, các tín đồ Đấng Christ phải luôn sẵn sàng bảo vệ đức tin và làm thế với thái độ hiền hòa, tôn trọng (1 Phi-e-rơ 3:15). Hãy tự hỏi: “Tôi có hiểu tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va thỉnh thoảng có lập trường trái với quan điểm phổ biến của thế gian không? Khi phải giữ vững lập trường khác biệt như thế, tôi có tin chắc rằng những gì Kinh Thánh và lớp đầy tớ trung tín nói là đúng không? (Ma-thi-ơ 24:45; Giăng 17:17). Khi phải làm điều đúng trước mắt Đức Giê-hô-va, có phải tôi không chỉ sẵn sàng khác biệt mà còn hãnh diện về điều đó không?”.—Thi-thiên 34:2; Ma-thi-ơ 10:32, 33.
23 Dù thế, ước muốn giữ mình tách biệt khỏi thế gian thường bị thử thách trong những cách tinh vi hơn. Chẳng hạn, như được đề cập ở trên, Ma-quỉ cố gắng cám dỗ tôi tớ Đức Giê-hô-va gia nhập vào thế gian bằng những trò giải trí của thế gian. Làm thế nào chúng ta có thể chọn những hình thức giải trí lành mạnh, giúp chúng ta được thoải mái và có lương tâm trong sạch? Đề tài này sẽ được bàn luận trong chương sau.
a Kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Chúa Giê-su đã trở thành vua của hội thánh gồm những môn đồ được xức dầu trên đất (Cô-lô-se 1:13). Năm 1914, ngài nhận được vương quyền trên “nước của thế-gian”. Vì vậy, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu thời nay cũng là đại sứ của Nước Đấng Mê-si.—Khải-huyền 11:15.
b Xin xem Tháp Canh ngày 1-4-2004, trang 9-14 và ngày 1-9-1999, trang 8-13, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
c Xin xem Phụ lục, trang 212-215.