Làm sao có thể kháng cự các quỉ?
“Các thiên-sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình, thì [Đức Chúa Trời] đã dùng dây xích họ trong nơi tối-tăm đời đời, cầm-giữ lại để chờ sự phán-xét ngày lớn”.—GIU-ĐE 6.
1, 2. Có những câu hỏi nào về Sa-tan và các quỉ?
SỨ ĐỒ Phi-e-rơ cảnh báo: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. (1 Phi-e-rơ 5:8) Nói về các quỉ, sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi không muốn anh em thông-đồng với các quỉ. Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa và cũng uống chén của các quỉ; chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại dự tiệc của các quỉ”.—1 Cô-rinh-tô 10:20, 21.
2 Thế nhưng, Sa-tan và các quỉ là ai? Chúng hiện hữu từ khi nào, và tại sao? Đức Chúa Trời có tạo ra chúng không? Chúng ảnh hưởng thế nào đến loài người? Chúng ta có cách nào để kháng cự chúng không?
Tại sao có Sa-tan và các quỉ?
3. Một thiên sứ của Đức Chúa Trời đã tự biến mình thành Sa-tan Ma-quỉ như thế nào?
3 Trong lịch sử ban đầu của loài người ở vườn Ê-đen, một thiên sứ đã phản lại Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì hắn không hài lòng với vai trò của mình trong tổ chức của Đức Giê-hô-va ở trên trời. Khi A-đam và Ê-va được tạo ra, hắn thấy có cơ hội làm cho họ phục tùng và thờ phượng hắn thay vì Đức Chúa Trời. Khi phản nghịch Đức Chúa Trời và xui giục cặp vợ chồng đầu tiên theo đường lối tội lỗi, thiên sứ này tự biến mình thành Sa-tan Ma-quỉ. Với thời gian, có những thiên sứ khác cũng theo Sa-tan phản lại Đức Chúa Trời. Như thế nào?—Sáng-thế Ký 3:1-6; Rô-ma 5:12; Khải-huyền 12:9.
4. Trước trận Nước Lụt thời Nô-ê, một số thiên sứ phản nghịch đã làm gì?
4 Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn cho chúng ta biết, trước khi có trận Nước Lụt thời Nô-ê, một số thiên sứ bắt đầu có ham muốn khác thường đối với các người nữ trên đất. Kinh Thánh nói rằng, vì mục tiêu sai trái, “các con trai [trên trời] của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Sự kết hợp như thế là trái tự nhiên, và họ sinh ra giống con lai cao lớn. (Sáng-thế Ký 6:2-4) Những tạo vật thần linh này đã cãi lời Đức Chúa Trời và theo Sa-tan phản lại Ngài.
5. Khi Đức Giê-hô-va hủy diệt thế gian bằng trận Nước Lụt, điều gì đã xảy ra với những thiên sứ phản nghịch?
5 Khi Đức Giê-hô-va giáng trận Nước Lụt xuống thế gian, giống người cao lớn bị hủy diệt chung với mẹ của chúng. Các thiên sứ phản nghịch phải bỏ thân xác loài người và trở về lĩnh vực thần linh. Tuy nhiên, chúng không thể phục hồi “thứ bậc”, tức địa vị mà Đức Chúa Trời sắp đặt cho chúng lúc ban đầu. Trái lại, chúng bị cầm “nơi tối-tăm” về mặt thiêng liêng, hay “vực sâu”.—Giu-đe 6; 2 Phi-e-rơ 2:4.
6. Các quỉ lừa dối loài người như thế nào?
6 Kể từ lúc mất “thứ bậc” ở trên trời, những thiên sứ ác trở thành các quỉ—bạn đồng hành của Sa-tan—và ủng hộ tham vọng xấu xa của hắn. Từ đó về sau, các quỉ không còn khả năng biến hóa thành người. Tuy nhiên, chúng có thể lôi cuốn người nam và nữ vào những thực hành tình dục đồi bại. Các quỉ cũng cố lừa dối loài người bằng thuật đồng bóng, như bùa chú, phù phép và đồng cốt. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-13; 2 Sử-ký 33:6) Sa-tan và những thiên sứ ác sẽ có chung một số phận—bị hủy diệt đời đời. (Ma-thi-ơ 25:41; Khải-huyền 20:10) Tuy nhiên, trong thời gian này chúng ta phải đứng vững và kháng cự chúng. Chúng ta nên khôn ngoan xem xét Sa-tan có quyền lực như thế nào, và làm sao chúng ta có thể kháng cự hắn và các quỉ.
Sa-tan có quyền lực thế nào?
7. Sa-tan có quyền lực nào đối với thế gian?
7 Trong suốt lịch sử, Sa-tan đã vu khống Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 27:11) Hắn có ảnh hưởng trên đa số nhân loại. Câu 1 Giăng 5:19 nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. Vì vậy, Ma-quỉ có thể cám dỗ Chúa Giê-su bằng cách hứa ban cho ngài quyền thế và vinh hiển của “mọi nước thế-gian”. (Lu-ca 4:5-7) Nói về Sa-tan, sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu Tin-lành của chúng tôi còn che-khuất, là chỉ che-khuất cho những kẻ hư-mất, cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh-hiển chói-lói của Tin-lành Đấng Christ, là ảnh-tượng của Đức Chúa Trời”. (2 Cô-rinh-tô 4:3, 4) Sa-tan là “kẻ nói dối và là cha sự nói dối” nhưng hắn tỏ ra là “thiên-sứ sáng-láng”. (Giăng 8:44; 2 Cô-rinh-tô 11:14) Hắn có quyền lực và phương cách cần thiết để làm mù lòng các nhà lãnh đạo thế gian cũng như dân của họ. Hắn đã lừa dối nhân loại bằng sự tuyên truyền, lời dối trá và chuyện hoang đường về tôn giáo.
8. Kinh Thánh cho biết gì về ảnh hưởng của Sa-tan?
8 Quyền lực và ảnh hưởng của Sa-tan được thể hiện rõ vào thời tiên tri Đa-ni-ên, năm thế kỷ trước công nguyên. Khi Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ đến để khích lệ Đa-ni-ên, thiên sứ này đã chạm trán với “vua [thuộc lĩnh vực thần linh] nước Phe-rơ-sơ”. Thiên sứ trung thành này bị cản trở trong 21 ngày, cho đến khi được “Mi-ca-ên là một trong các quan-trưởng đầu nhứt” đến giúp đỡ. Lời tường thuật cũng nói đến “vua [thuộc các quỉ] của Gờ-réc”. (Đa-ni-ên 10:12, 13, 20) Nơi Khải-huyền 13:1, 2, Sa-tan được miêu tả như một “con rồng” ban “sức-mạnh, ngôi, và quyền-phép lớn” cho con thú chính trị.
9. Tín đồ Đấng Christ đang tranh chiến với ai?
9 Không lạ gì khi sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”. (Ê-phê-sô 6:12) Ngày nay cũng thế, các thần dữ dưới sự điều khiển của Sa-tan đang hoạt động trong bóng tối. Chúng gây ảnh hưởng trên các nhà cai trị thế gian và trên loài người nói chung, xúi giục họ có những hành động vô cùng tàn ác như diệt chủng, khủng bố và giết người. Giờ đây, chúng ta hãy xét xem làm sao có thể kháng cự những ác thần mạnh mẽ này.
Làm sao kháng cự các quỉ?
10, 11. Làm sao chúng ta có thể kháng cự Sa-tan và các thiên sứ ác của hắn?
10 Chúng ta không thể kháng cự Sa-tan và các thiên sứ ác bằng sức của mình, dù về tinh thần hay thể chất. Phao-lô khuyên chúng ta: “Anh em phải làm mạnh-dạn trong Chúa, nhờ sức toàn-năng của Ngài”. Chúng ta phải nhờ Đức Chúa Trời che chở. Phao-lô nói thêm: “Hãy mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ. . . Hãy lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn-nạn, anh em có thể cự-địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững-vàng”.—Ê-phê-sô 6:10, 11, 13.
11 Phao-lô hai lần khuyên giục anh em tín đồ Đấng Christ mang lấy “mọi khí-giới của Đức Chúa Trời”. Từ “mọi” hàm ý rằng thái độ lưng chừng sẽ không đạt hiệu quả khi kháng cự sự tấn công của các quỉ. Vậy, ngày nay các tín đồ Đấng Christ phải khẩn cấp mang lấy những khí giới thiêng liêng trọng yếu nào để kháng cự các quỉ?
“Hãy đứng vững”—Bằng cách nào?
12. Làm thế nào Tín đồ Đấng Christ có thể thắt lưng bằng lẽ thật?
12 Phao-lô giải thích: “Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công-bình”. (Ê-phê-sô 6:14) Hai khí giới được nói đến ở đây là dây nịt lưng và áo giáp. Một người lính phải thắt chặt dây nịt lưng để bảo vệ phần phía dưới bụng, và để chịu được sức nặng của thanh gươm. Tương tự thế, chúng ta phải quấn lẽ thật của Kinh Thánh vào người theo nghĩa bóng, có như thế chúng ta mới sống phù hợp với lẽ thật ấy. Chúng ta có chương trình đọc Kinh Thánh mỗi ngày không? Cả gia đình đều tham gia không? Gia đình chúng ta có thói quen cùng nhau xem xét đoạn Kinh Thánh mỗi ngày không? Ngoài ra, chúng ta có theo kịp những giải thích trong các ấn phẩm do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp hay không? (Ma-thi-ơ 24:45) Nếu làm thế, chúng ta đang cố gắng áp dụng lời khuyên của Phao-lô. Chúng ta cũng có những video và DVD cung cấp sự hướng dẫn dựa trên Kinh Thánh. Bám lấy lẽ thật sẽ giúp chúng ta có những quyết định khôn ngoan và không đi sai đường.
13. Làm sao chúng ta có thể che chở lòng mình?
13 Áo giáp theo nghĩa đen dùng để che chở ngực, tim và các cơ quan trọng yếu khác của người lính. Tín đồ Đấng Christ có thể bảo vệ tim theo nghĩa bóng—tức lòng hay con người bề trong—bằng cách vun trồng lòng yêu mến sự công bình và làm theo những tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va. Áo giáp theo nghĩa bóng giúp chúng ta tránh thái độ xem nhẹ Lời Đức Chúa Trời. Khi “ghét điều dữ mà ưa điều lành”, chúng ta ‘giữ chân khỏi mọi đường tà’.—A-mốt 5:15; Thi-thiên 119:101.
14. “Dùng sự sẵn-sàng của Tin-lành bình-an mà làm giày-dép” có nghĩa gì?
14 Người lính La Mã được trang bị giày dép tốt để họ có thể hành quân trên hàng trăm dặm đường trong khắp đế quốc. Lời khuyên “dùng sự sẵn-sàng của Tin-lành bình-an mà làm giày-dép” có nghĩa gì đối với tín đồ Đấng Christ? (Ê-phê-sô 6:15) Đó có nghĩa là chúng ta sẵn sàng để hành động. Chúng ta sẵn sàng chia sẻ tin mừng về Nước Trời trong mọi dịp thích hợp. (Rô-ma 10:13-15) Sốt sắng trong công việc rao giảng là một sự che chở để chống lại “mưu-kế” của Sa-tan.—Ê-phê-sô 6:11.
15. (a) Điều gì cho thấy cái thuẫn bằng đức tin rất quan trọng? (b) Các loại “tên lửa” nào có thể gây tổn hại cho đức tin của chúng ta?
15 Phao-lô nói tiếp: “Lại phải [“luôn luôn”, Bản Dịch Mới] lấy thêm đức-tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ”. (Ê-phê-sô 6:16) Lời khuyên bắt đầu với nhóm từ “lại phải” hay “luôn luôn”, cho thấy khí giới này rất quan trọng. Chúng ta phải có đức tin mạnh. Như cái thuẫn che chở người lính, đức tin che chở chúng ta khỏi “các tên lửa” của Sa-tan. Ngày nay “các tên lửa” ấy là gì? Đó có thể là lời sỉ nhục, xuyên tạc và lời nửa sự thật mà kẻ thù và người bội đạo tung ra nhằm làm suy yếu đức tin của chúng ta. “Các tên lửa” này cũng có thể là sự cám dỗ về vật chất, khiến chúng ta quá bận tâm đến việc mua sắm, và thậm chí xui chúng ta ganh đua với những người đã rơi vào lối sống phô trương. Có lẽ họ tốn nhiều tiền để mua nhà lớn hơn, xe đẹp hơn, đeo nữ trang đắt tiền và ăn mặc theo thời trang mới nhất. Bất kể người khác làm gì, chúng ta phải có đức tin mạnh để tránh “các tên lửa”. Làm thế nào chúng ta vun trồng và gìn giữ đức tin mạnh mẽ?—1 Phi-e-rơ 3:3-5; 1 Giăng 2:15-17.
16. Chúng ta có thể làm vững mạnh đức tin qua những cách nào?
16 Chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời bằng cách đều đặn học Kinh Thánh cá nhân và tha thiết cầu nguyện. Chúng ta có thể nài xin Đức Giê-hô-va làm vững mạnh đức tin và rồi hành động phù hợp với lời cầu nguyện ấy. Chẳng hạn, chúng ta có chuẩn bị kỹ cho Buổi Học Tháp Canh hàng tuần với mục tiêu tham gia không? Nếu chúng ta học Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh thì đức tin của chúng ta sẽ mạnh mẽ.—Hê-bơ-rơ 10:38, 39; 11:6.
17. Chúng ta “lấy sự cứu-chuộc làm mão trụ” như thế nào?
17 Sau khi miêu tả về các khí giới thiêng liêng, Phao-lô kết luận với lời khuyên: “Cũng hãy lấy sự cứu-chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh-Linh, là lời Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 6:17) Mão trụ che chở đầu và não bộ—trung tâm suy nghĩ và quyết định—của người lính. Tương tự thế, sự trông cậy của người tín đồ Đấng Christ che chở tâm trí chúng ta. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8) Thay vì tập trung vào những mục tiêu của thế gian và theo đuổi vật chất, chúng ta nên noi gương Chúa Giê-su, chú tâm vào hy vọng Đức Chúa Trời ban.—Hê-bơ-rơ 12:2.
18. Tại sao chúng ta không nên sao lãng chương trình đọc Kinh Thánh đều đặn?
18 Lời Đức Chúa Trời, hay thông điệp được ghi trong Kinh Thánh, là khí giới cuối cùng giúp chúng ta kháng cự ảnh hưởng của Sa-tan và các quỉ. Đó là một lý do nữa để chúng ta không sao lãng chương trình đọc Kinh Thánh đều đặn. Sự hiểu biết tường tận về Lời Đức Chúa Trời che chở chúng ta khỏi những lời xuyên tạc và tuyên truyền của Sa-tan, cũng như lời công kích cay đắng của kẻ bội đạo.
“Thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện”
19, 20. (a) Điều gì đang chờ đợi Sa-tan và các quỉ? (b) Điều gì củng cố chúng ta về thiêng liêng?
19 Sa-tan, các quỉ và thế gian hung ác sắp bị loại trừ. Sa-tan biết “thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu”. Hắn tức giận và gây chiến với “những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:12, 17) Vì thế, chúng ta phải kháng cự Sa-tan và các quỉ.
20 Chúng ta thật biết ơn về lời khuyên phải mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời! Kết thúc lời khuyên này, Phao-lô nói: “Hãy nhờ Đức Thánh-Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin. Hãy dùng sự bền-đỗ trọn-vẹn mà tỉnh-thức về điều đó, và cầu-nguyện cho hết thảy các thánh-đồ”. (Ê-phê-sô 6:18) Cầu nguyện có thể củng cố chúng ta về thiêng liêng và giúp phát huy tinh thần cảnh giác. Hãy ghi nhớ lời của Phao-lô và thường xuyên cầu nguyện, nhờ thế chúng ta có thể kháng cự Sa-tan và các quỉ.
Bạn học được gì?
• Tại sao có Sa-tan và các quỉ?
• Sa-tan có quyền lực như thế nào?
• Làm sao kháng cự Sa-tan và các quỉ?
• Làm thế nào chúng ta có thể mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời?
[Các hình nơi trang 26]
“Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp”
[Hình nơi trang 28]
Bạn có thể kể ra sáu khí giới thiêng liêng không?
[Các hình nơi trang 29]
Tại sao tham gia vào những hoạt động này là sự che chở nhằm kháng cự Sa-tan và các quỉ?