Hãy rao báo tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời
“Làm chứng cặn kẽ tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời”.—CÔNG 20:24.
1, 2. Bằng cách nào sứ đồ Phao-lô cho thấy ông biết ơn Đức Chúa Trời về lòng nhân từ bao la của ngài?
Sứ đồ Phao-lô có thể thành thật nói: “Lòng nhân từ bao la của [Đức Chúa Trời] đối với tôi quả không vô ích”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:9, 10). Phao-lô biết rõ rằng ông không xứng đáng nhận được lòng thương xót lớn lao của Đức Chúa Trời, vì ông từng là kẻ bắt bớ các môn đồ của Chúa Giê-su.
2 Gần cuối cuộc đời, Phao-lô viết thư cho cộng sự của mình là Ti-mô-thê: “Ta biết ơn Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đấng ban sức cho ta, vì ngài đã xem ta là trung tín qua việc giao chức vụ thánh cho ta” (1 Ti 1:12-14). Chức vụ thánh đó là gì? Phao-lô nói với các trưởng lão ở hội thánh Ê-phê-sô: “Tôi không xem trọng mạng sống mình, miễn sao chạy xong cuộc đua và hoàn thành chức vụ đã nhận lãnh nơi Chúa Giê-su, đó là làm chứng cặn kẽ tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời”.—Công 20:24.
3. Phao-lô được giao sứ mệnh đặc biệt nào? (Xem hình nơi đầu bài).
3 “Tin mừng” Phao-lô rao giảng là gì, và tin mừng ấy đã làm nổi bật lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va như thế nào? Phao-lô nói với các tín đồ ở Ê-phê-sô: “Anh em đã nghe tôi được giao trách nhiệm giúp anh em hưởng lợi ích từ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời” (Ê-phê 3:1, 2). Phao-lô đã được giao sứ mệnh là rao giảng tin mừng cho những người không thuộc dân Do Thái. Giờ đây, họ cũng có thể nằm trong số những người được gọi để cùng kết hợp với Chúa Giê-su trong Nước của Đấng Mê-si. (Đọc Ê-phê-sô 3:5-8). Qua việc sốt sắng thi hành thánh chức, Phao-lô đã nêu gương xuất sắc cho các tín đồ thời nay, và chứng tỏ rằng lòng nhân từ bao la mà Đức Chúa Trời thể hiện với ông quả không “vô ích”.
ANH CHỊ CÓ ĐƯỢC THÔI THÚC BỞI LÒNG NHÂN TỪ BAO LA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?
4, 5. Tại sao chúng ta có thể nói rằng ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’ cũng là tin mừng về “lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời”?
4 Trong thời kỳ cuối cùng này, dân của Đức Giê-hô-va được giao sứ mệnh rao truyền ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân’ (Mat 24:14). Thông điệp chúng ta rao báo cũng là “tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời”. Tại sao? Vì tất cả những ân phước mà chúng ta mong nhận được dưới sự cai trị của Nước Trời sẽ thành hiện thực nhờ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va, được thể hiện qua Đấng Ki-tô (Ê-phê 1:3). Mỗi chúng ta có noi gương Phao-lô trong việc thể hiện sự biết ơn đối với lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va bằng cách sốt sắng tham gia thánh chức không?—Đọc Rô-ma 1:14-16.
5 Trong bài trước, chúng ta biết được rằng lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va đã mang lại lợi ích về nhiều phương diện cho những người tội lỗi như chúng ta. Vì thế, chúng ta có trách nhiệm nỗ lực cho mọi người biết về cách Đức Giê-hô-va đang thể hiện tình yêu thương, và cách mà cá nhân họ có thể nhận được lợi ích từ tình yêu thương ấy. Chúng ta nên giúp người khác biết ơn về một số khía cạnh nào của lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va?
RAO BÁO TIN MỪNG VỀ SỰ HY SINH LÀM GIÁ CHUỘC CỦA CHÚA GIÊ-SU
6, 7. Tại sao có thể nói khi giải thích giá chuộc cho người khác là chúng ta đang rao báo tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời?
6 Trong thế gian buông thả này, nhiều người không có cảm giác tội lỗi khi làm điều sai trái, nên họ không ý thức về việc cần được cứu chuộc. Đồng thời, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng lối sống buông thả không mang lại hạnh phúc thật. Chỉ đến khi gặp Nhân Chứng Giê-hô-va, nhiều người mới hiểu tội lỗi là gì, tội lỗi ảnh hưởng thế nào đến chúng ta và cần làm gì để được giải thoát khỏi tình trạng làm nô lệ cho tội lỗi. Những người có lòng thành cảm thấy được an ủi khi hiểu rằng Đức Giê-hô-va đã phái Con ngài xuống trái đất để chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, là hậu quả của tội lỗi. Ngài làm thế vì có tình yêu thương cao cả và lòng nhân từ bao la với chúng ta.—1 Giăng 4:9, 10.
7 Nói về Con yêu quý của Đức Giê-hô-va, Phao-lô viết: “Nhờ giá chuộc bằng chính huyết Con ấy mà chúng ta được giải thoát, tức được tha thứ những điều mình vi phạm, tùy theo lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời” (Ê-phê 1:7). Sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô là bằng chứng cao cả nhất về tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, đồng thời cho thấy lòng nhân từ bao la của ngài. Thật an ủi biết bao khi biết rằng nếu thể hiện đức tin nơi huyết mà Chúa Giê-su đổ ra, chúng ta sẽ được tha tội và có lương tâm trong sạch! (Hê 9:14). Đó quả là tin mừng để chia sẻ với người khác!
GIÚP NGƯỜI KHÁC XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
8. Tại sao nhân loại tội lỗi cần được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời?
8 Chúng ta có trách nhiệm giúp người đồng loại biết rằng họ có thể làm bạn với Đấng Tạo Hóa. Trước khi con người thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời xem họ là kẻ thù của ngài. Sứ đồ Giăng viết: “Ai thể hiện đức tin nơi Con sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu; ai không vâng lời Con sẽ không thấy sự sống, nhưng phải gánh lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36). Vui mừng thay, sự hy sinh của Đấng Ki-tô cho chúng ta cơ hội hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Phao-lô nói: “Anh em từng xa cách Đức Chúa Trời và là kẻ thù của ngài vì để tâm trí vào những việc ác, nhưng nay ngài làm anh em hòa thuận lại với ngài bởi thân thể của đấng đã chịu chết”.—Cô 1:21, 22.
9, 10. (a) Đấng Ki-tô đã giao trách nhiệm nào cho các anh em được xức dầu của ngài? (b) “Các chiên khác” trợ giúp những anh em được xức dầu bằng cách nào?
9 Đấng Ki-tô đã ban “chức vụ giải hòa” cho các anh em được xức dầu của ngài ở trên đất. Phao-lô giải thích về điều này khi viết cho các tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất như sau: “Tất cả đều đến từ Đức Chúa Trời, là đấng khiến chúng ta hòa thuận lại với ngài qua Đấng Ki-tô và ban cho chúng ta chức vụ giải hòa. Đó là rao truyền rằng qua Đấng Ki-tô, Đức Chúa Trời đã khiến thế gian hòa thuận lại với ngài, không kể tội lỗi của họ, và giao cho chúng ta thông điệp giải hòa. Vậy, chúng ta là đại sứ thay mặt cho Đấng Ki-tô, như thể Đức Chúa Trời dùng chúng ta để kêu gọi người ta. Thay mặt Đấng Ki-tô, chúng ta nài xin người ta: ‘Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời’”.—2 Cô 5:18-20.
10 “Các chiên khác” xem việc hỗ trợ những anh em được xức dầu trong chức vụ thánh này là một đặc ân (Giăng 10:16). Phụng sự như thể là công sứ của Đấng Ki-tô, “các chiên khác” góp phần lớn nhất vào việc dạy dỗ người ta sự thật và giúp họ xây dựng mối quan hệ cá nhân với Đức Giê-hô-va. Đây là một phần quan trọng của công việc làm chứng cặn kẽ tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời.
CHIA SẺ TIN MỪNG RẰNG ĐỨC CHÚA TRỜI NGHE LỜI CẦU NGUYỆN
11, 12. Tại sao việc người khác biết họ có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va là tin mừng?
11 Nhiều người cầu nguyện vì điều đó khiến họ cảm thấy an tâm, nhưng họ không thật sự tin rằng Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của mình. Họ cần biết rằng Đức Giê-hô-va là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. Người viết Thi-thiên là Đa-vít viết: “Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài. Sự gian-ác thắng hơn tôi: Còn về sự vi-phạm chúng tôi, Chúa sẽ tha-thứ cho”.—Thi 65:2, 3.
12 Chúa Giê-su nói với các môn đồ của ngài: “Nếu anh em nhân danh tôi mà xin bất cứ điều gì, tôi sẽ làm cho” (Giăng 14:14). Rõ ràng, “bất cứ điều gì” có nghĩa là bất kể điều gì phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va. Giăng đảm bảo rằng: “Chúng ta cũng tin chắc điều này nơi Đức Chúa Trời: Nếu chúng ta xin bất cứ điều gì phù hợp với ý muốn ngài thì ngài nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14). Thật tốt khi dạy cho người khác biết rằng lời cầu nguyện không đơn thuần là một chỗ dựa tinh thần, mà là một cách kỳ diệu để đến gần “ngôi Đức Chúa Trời, đấng tỏ lòng nhân từ bao la”! (Hê 4:16). Qua việc dạy người khác chỉ cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, cầu nguyện đúng cách và về những điều đúng đắn, chúng ta có thể giúp họ đến gần với ngài và tìm được sự an ủi trong những lúc gian truân.—Thi 4:1; 145:18.
LÒNG NHÂN TỪ BAO LA TRONG THẾ GIỚI MỚI
13, 14. (a) Những người được xức dầu sẽ nhận được các đặc ân tuyệt diệu nào trong tương lai? (b) Những người được xức dầu sẽ tham gia công việc tuyệt vời nào để giúp ích cho nhân loại?
13 Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục thể hiện lòng nhân từ bao la sau khi thế gian gian ác hiện tại bị kết liễu. Đức Chúa Trời sẽ ban một đặc ân to lớn cho 144.000 người, những người được gọi để cùng cai trị với Đấng Ki-tô trong Nước Trời. Phao-lô viết về điều này như sau: “Đức Chúa Trời là đấng giàu lòng thương xót; và vì tình yêu thương cao cả đối với chúng ta nên ngài làm chúng ta sống cùng với Đấng Ki-tô, dù chúng ta đã chết bởi các sự vi phạm của mình. Nhờ lòng nhân từ bao la mà anh em được cứu. Hơn nữa, ngài làm chúng ta sống và đặt ngồi trên trời cùng với Đấng Ki-tô vì chúng ta hợp nhất với Đấng Ki-tô, hầu cho trong thời đại sẽ đến, ngài có thể biểu lộ lòng nhân từ bao la [“sự dồi dào vô tận của lòng nhân từ bao la”, chú thích] qua việc ban ân huệ cho chúng ta, là những người hợp nhất với Đấng Ki-tô Giê-su”.—Ê-phê 2:4-7.
14 Thật khó để hình dung những điều tuyệt diệu mà Đức Giê-hô-va đã dành sẵn cho những tín đồ được xức dầu khi họ cùng cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời (Lu 22:28-30; Phi-líp 3:20, 21; 1 Giăng 3:2). Đức Giê-hô-va sẽ đặc biệt “biểu lộ sự dồi dào vô tận của lòng nhân từ bao la” đối với họ. Họ sẽ hợp thành “Giê-ru-sa-lem Mới”, là cô dâu của Đấng Ki-tô (Khải 3:12; 17:14; 21:2, 9, 10). Họ sẽ tham gia vào việc “chữa lành các dân” cùng với Chúa Giê-su, giúp cho những người biết vâng lời có thể thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự chết cũng như trở thành người hoàn hảo.—Đọc Khải huyền 22:1, 2, 17.
15, 16. Đức Giê-hô-va sẽ thể hiện lòng nhân từ bao la của ngài đối với “các chiên khác” như thế nào trong tương lai?
15 Ê-phê-sô 2:7 cho chúng ta biết rằng lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời sẽ được biểu lộ “trong thời đại sẽ đến”. Chắc chắn trong thế giới mới của Đức Giê-hô-va, con người ở trên đất sẽ cảm nghiệm được “sự dồi dào vô tận của lòng nhân từ bao la” của Đức Giê-hô-va (Lu 18:29, 30). Một trong những biểu hiện lớn nhất về lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va ở trên đất là việc ngài làm những người trong “mồ mả” sống lại (Giăng 5:28, 29; Gióp 14:13-15). Những người nam và nữ trung thành thời xưa đã qua đời trước khi Chúa Giê-su chết, cũng như những người thuộc “các chiên khác” chết trong sự trung thành vào những ngày sau cùng này, sẽ được làm cho sống lại để tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va.
16 Hàng triệu người đã qua đời mà chưa biết về Đức Chúa Trời cũng sẽ được sống lại. Họ sẽ được ban cho cơ hội để vâng phục quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Giăng viết: “Tôi thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ, đứng trước ngai; và các cuộn sách được mở ra. Nhưng có một cuộn sách khác được mở ra; đó là cuộn sách sự sống. Những người chết được phán xét tùy theo việc làm của mình, dựa vào mọi điều viết trong các cuộn sách. Biển thả những người chết trong nó, sự chết và mồ mả cũng thả những người chết trong chúng, và mỗi người trong vòng họ được phán xét tùy theo việc làm của mình” (Khải 20:12, 13). Dĩ nhiên, những người được sống lại sẽ phải học hỏi để biết cách áp dụng các nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Ngoài ra, họ sẽ phải làm theo những chỉ dẫn mới đầy hữu ích được tiết lộ trong “các cuộn sách”, cho biết những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va về đời sống trong thế giới mới. Việc tiết lộ những nội dung trong các cuộn sách ấy sẽ là một biểu hiện khác về lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va.
HÃY TIẾP TỤC RAO BÁO TIN MỪNG
17. Chúng ta nên nhớ điều gì khi tham gia công việc làm chứng?
17 Hơn bao giờ hết, chúng ta cần rao truyền tin mừng về Nước Trời vì sự kết liễu đã gần kề! (Mác 13:10). Quả thật, tin mừng làm nổi bật lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời. Chúng ta nên nhớ điều này khi tham gia công việc làm chứng. Mục tiêu của chúng ta khi rao giảng là tôn vinh Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách cho người khác thấy rằng tất cả những lời hứa về các ân phước trong thế giới mới là biểu hiện về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời.
18, 19. Chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va về lòng nhân từ bao la của ngài bằng cách nào?
18 Khi làm chứng cho người khác, chúng ta có thể giải thích rằng dưới sự cai trị của Nước Đấng Ki-tô, nhân loại sẽ nhận được lợi ích từ việc giá chuộc được áp dụng trọn vẹn, và sẽ dần đạt được sự hoàn hảo. Kinh Thánh cho biết: “Các tạo vật... sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát và có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:20, 21). Điều này chỉ có được nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va.
19 Chúng ta có đặc ân chia sẻ cho mọi người lời hứa đầy hào hứng ở Khải huyền 21:4, 5: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi”. Đức Giê-hô-va, là đấng ngồi trên ngai, phán rằng: “Này! Ta sẽ làm nên mọi vật mới”. Ngài cũng phán: “Hãy ghi lại, vì những lời ấy là trung tín và chân thật”. Khi sốt sắng rao giảng tin mừng này cho người khác, chúng ta thật sự tôn vinh Đức Giê-hô-va về lòng nhân từ bao la của ngài!