Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của ai?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện. Thật thế, Lời của Ngài là Kinh-thánh gọi Ngài là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi-thiên 65:2). Ngài sẵn lòng nhậm lời cầu nguyện. Nhưng thật ra thì Ngài nhậm lời cầu nguyện của ai?
Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của những người làm đẹp lòng Ngài. Họ có cùng thái độ kính cẩn như người viết Thi-thiên, là người đã cầu xin: “Đức Chúa Trời ôi! linh-hồn tôi mơ-ước Chúa, như con nai cái thèm khát khe nước. Linh-hồn tôi khát-khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống” (Thi-thiên 42:1, 2). Nhưng đâu là bằng chứng Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của những người thật sự thờ phượng Ngài?
Bằng chứng Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện
Kinh-thánh chứa đựng nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của các tôi tớ trung thành của Ngài. Thí dụ, khi Vua Giô-sa-phát xứ Giu-đa cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu, Ngài nhậm lời cầu nguyện của ông và cho ông chiến thắng bằng cách khiến cho quân địch chém giết lẫn nhau (II Sử-ký 20:1-26). Cũng tương tợ như thế, khi vua Ê-xê-chia đối đầu với một quân lực hùng mạnh, ông khiêm nhường cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Ê-xê-chia đã chứng kiến sự giải cứu của Đức Giê-hô-va khi Ngài sai một thiên sứ hạ sát 185.000 quân lính A-si-ri trong một đêm (Ê-sai 37:14-20, 36-38).
Tại sao Đức Chúa Trời nhậm những lời cầu nguyện đó? Trong cả hai trường hợp, các vua trình bày rằng nếu họ bại trận thì danh Đức Giê-hô-va cũng bị hoen ố lây (II Sử-ký 20:6-9; Ê-sai 37:17-20). Họ quan tâm đến danh dự của Đức Chúa Trời. Sách “Bách khoa Tự điển Tiêu chuẩn Quốc tế về Kinh-thánh” (The International Standard Bible Encyclopedia) nói: “Mục tiêu tối hậu của sự cầu nguyện không chỉ là lợi ích cho người cầu nguyện, mà là sự vinh hiển dành cho danh Đức Chúa Trời”. Do đó, các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có thể tin chắc rằng Ngài sẽ giúp đỡ họ “vì cớ danh Ngài”. Lời tường thuật của Kinh-thánh chứng tỏ những lời cầu nguyện như thế đã được nhậm, và điều này khiến dân sự của Đức Chúa Trời tin cậy rằng Ngài nghe những lời cầu nguyện của họ (Thi-thiên 91:14, 15; 106:8; Châm-ngôn 18:10).
Tuy nhiên, ngay cả khi một tình thế có thể liên can đến danh Đức Giê-hô-va, chính Đức Chúa Trời là Đấng quyết định sẽ nhậm một số lời cầu nguyện hay không. Có lẽ Ngài có những lý do chính đáng để không nhậm một số lời cầu nguyện. Nếu chúng ta cảm thấy Ngài không nhậm những lời cầu nguyện của chúng ta thì chúng ta nên xem xét lý do tại sao.
Tại sao một số lời cầu nguyện không được nhậm
Đức Giê-hô-va có lần nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Khi các ngươi cầu-nguyện rườm-rà, ta chẳng thèm nghe”. Để cho biết lý do, Ngài giải thích tiếp: “Tay các ngươi đầy những máu” (Ê-sai 1:15). Làm sao một người không thèm nghe luật pháp Đức Giê-hô-va mà lại muốn Ngài cho phép được hầu chuyện? Một câu châm-ngôn trong Kinh-thánh giải đáp câu hỏi này: “Người nào xây tai lại không khứng nghe luật-pháp, lời cầu-nguyện người ấy cũng là một sự gớm-ghiếc” (Châm-ngôn 28:9).
Kinh-thánh đưa ra một lý do khác cho thấy tại sao một số những lời cầu nguyện không được nhậm: “Anh em cầu-xin mà không nhận-lãnh được, vì cầu-xin trái lẽ, để dùng trong tư-dục mình” (Gia-cơ 4:3). Không, Đức Giê-hô-va sẽ không nhậm những lời cầu nguyện nhằm thỏa mãn dục vọng sai lầm. Chúng ta cũng phải nhớ rằng Đức Chúa Trời không cần phải “tuân lệnh” loài người. Ngài là Đấng quyết định sẽ nhậm lời cầu nguyện của chúng ta hay không.
Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ nhậm những lời cầu nguyện dâng lên cho Ngài với một tấm lòng trong sạch, với một động lực tốt và theo cách thức mà Ngài đã ấn định—qua Giê-su Christ (Giăng 14:6, 14). Nhưng ngay cả những người cầu nguyện hội đủ các điều kiện như thế, đôi khi họ cũng cảm thấy không được nhậm lời. Tại sao Đức Chúa Trời không nhậm lời ngay những lời cầu nguyện nào đó của các tôi tớ Ngài?
Đức Giê-hô-va biết thời điểm tốt nhất để nhậm lời cầu nguyện. Dù một đứa con trai xin mua một chiếc xe đạp, cha nó có lẽ sẽ đợi khi nào nó khá lớn để biết đạp xe an toàn mới mua cho nó. Đức Chúa Trời có thể hành động giống như vậy đối với lời cầu nguyện của những người yêu mến Ngài. Biết được điều gì là tốt nhất cho họ, Ngài ban những điều họ cần vào lúc thuận lợi nhất.
Thế nhưng, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va không luôn luôn nhận được mọi điều mà họ cầu xin. Bởi vì bất toàn, họ có lẽ ham muốn những điều không tốt cho họ. Cha đầy yêu thương ở trên trời sẽ không ban cho họ bất cứ điều gì có hại, vì Ngài là Đấng Ban cho “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn” (Gia-cơ 1:17). Cũng thế, Đức Chúa Trời có lẽ không ban cho điều gì Ngài thấy không cần. (So sánh II Cô-rinh-tô 12:7-10). Ngài nhậm những lời cầu nguyện phù hợp với ý muốn và ý định của Ngài dành cho dân Ngài (I Giăng 5:14, 15).
Giê-su “được nhậm lời”
Giê-su Christ khi ở trên đất là người năng cầu nguyện (Ma-thi-ơ 6:9-13; Giăng 17:1-26). Ngài hoàn toàn tin cậy rằng Cha trên trời sẽ nghe và nhậm lời cầu nguyện của ngài. Có lần Giê-su nói: “Cha ơi,... Con đã rõ Cha hằng nghe Con” (Gio-an 11,41-42 [Giăng 11:41, 42], Bản dịch Trần Đức Huân). Nhưng phải chăng Giê-su đã không thất vọng vào chính phút cuối của đời ngài trên đất? Ngài lúc đó đã chẳng kêu lên lớn tiếng: “Chúa Trời tôi ơi! Chúa Trời tôi ơi! nhân sao Ngài bỏ tôi?” hay sao? (Mat-thêu 27,46 [Ma-thi-ơ 27:46], Bản dịch Trần Đức Huân).
Khi nói lên những lời ấy, hiển nhiên Giê-su làm ứng nghiệm một lời tiên tri liên quan đến sự chết của ngài (Thi-thiên 22:1). Theo một nghĩa hẹp nào đó, Giê-su có thể đã muốn nói rằng Đức Giê-hô-va đã rút lại sự che chở của Ngài, để cho Con Ngài chết một cái chết đau đớn và nhục nhã để thử thách sự trung kiên của ngài đến mức cùng cực. Xem xét các biến cố xảy ra vào ngày cuối cùng trong đời sống trên đất của Giê-su chứng tỏ Đức Chúa Trời đã nghe những lời cầu nguyện của Con Ngài.
Vào đêm ngài bị bắt, Giê-su đã cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Ba lần ngài đã khẩn thiết nài xin: “Cha ơi, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này!” (Mat-thêu 26,39-42-44 [Ma-thi-ơ 26:39, 42, 44], Bản dịch Trần Đức Huân). Giê-su không ngần ngại hiến dâng đời sống của ngài để làm giá chuộc cho những người có đức tin. Không, nhưng ngài dường như rất lo rằng cái chết trên cây khổ hình như một người phạm thượng bị rủa sả có thể làm nhục nhã Cha rất đỗi yêu dấu của ngài. Đức Giê-hô-va có nhậm lời Giê-su không?
Nhiều năm sau đó sứ đồ Phao-lô viết: “Khi đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhơn-đức ngài, nên được nhậm lời” (Hê-bơ-rơ 5:7; Lu-ca 22:42-44). Đúng, trong đêm trước khi chết, Giê-su đã “được nhậm lời”. Nhưng thế nào?
Đức Giê-hô-va đã phái một thiên sứ “hiện xuống cùng ngài [Giê-su], mà thêm sức cho ngài” (Lu-ca 22:43). Được thêm sức như vậy, Giê-su đã có thể đương đầu với sự chết trên cây khổ hình. Dường như đêm đó Đức Giê-hô-va đã trấn an Giê-su rằng sự chết trên cây khổ hình sẽ không gieo sỉ nhục cho danh Đức Chúa Trời nhưng cuối cùng lại là căn bản để làm thánh danh đó. Thật thế, sự chết của Giê-su trên cây khổ hình đã mở đường cho người Do-thái, trước đó đã bị rủa sả dưới Luật pháp, nay được giải cứu khỏi bản án tử hình (Ga-la-ti 3:11-13).
Ba ngày sau, Đức Giê-hô-va làm cho Giê-su sống lại và làm cho ngài khỏi mắc tội phạm thượng mà người ta đã gán cho ngài bằng cách nâng ngài lên một địa vị cao trọng hơn ở trên trời (Phi-líp 2:7-11). Lời cầu nguyện của Giê-su về “chén này” mà Giê-su phải uống đã được Đức Chúa Trời nhậm! Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện đó theo cách của Ngài. Và Giê-su đã nếm được các ân phước kỳ diệu bởi vì ngài đã nói với Cha trên trời: “Tuy nhiên, không nên theo ý Con, chỉ xin theo ý Cha!” (Lu-ca 22,42 [Lu-ca 22:42], Bản dịch Trần Đức Huân).
Cách Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện ngày nay
Giống như Giê-su, những người ngày nay cố gắng làm vui lòng Đức Giê-hô-va nên luôn luôn cầu xin cho ý muốn Đức Chúa Trời được thành tựu. Họ cần phải tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ nhậm lời cầu nguyện của họ theo cách sẽ đem lại cho họ nhiều lợi ích nhất. Thật thế, Ngài sẽ “làm trổi hơn vô-cùng mọi việc chúng ta cầu-xin hoặc suy-tưởng” (Ê-phê-sô 3:20).
Một thiếu phụ tín đồ đấng Christ trước kia sống với cha mẹ không tin đạo đã trải qua một kinh nghiệm cho thấy câu Kinh-thánh này là đúng thật. Có lần Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) viết thư cho chị, yêu cầu chị suy nghĩ chín chắn và cầu nguyện trước khi chấp nhận sự bổ nhiệm đặc biệt phục vụ với tư cách giáo sĩ. Dù chị ao ước muốn được ở nhà giúp đỡ cha mẹ chị trở thành tín đồ đấng Christ, chị đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Ý Cha thì sao? Phải chăng con nên nhận lời mời này dù cha mẹ con phản đối, hoặc con phải giúp cha mẹ con bằng cách ở nhà với cha mẹ?” Mỗi lần chị cầu nguyện, lương tâm chị bảo chị nhận lời mời. Chị nhận định đó là lời giải đáp của Đức Giê-hô-va.
Đức Chúa Trời đã thêm sức cho chị này để chị cương quyết thi hành quyết định. Khi chị được yêu cầu đi đến đảo Awaji tại Nhật Bản, cha mẹ chị sửng sốt và chống đối nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, không thể nào thuyết phục chị đổi ý, mẹ chị quyết định học hỏi Kinh-thánh chỉ vì muốn xem tại sao con gái bà đã có quyết định đó. Ba tháng sau đó cha mẹ chị đi thăm chị. Nhận thấy các Nhân-chứng Giê-hô-va khác săn sóc chị quá ư là tử tế, cha chị cảm động mạnh và khóc thầm một mình. Chẳng bao lâu ông cũng học hỏi Kinh-thánh. Cuối cùng cả hai cha mẹ thiếu phụ này đã làm báp têm và trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban phước thật nhiều cho người nữ tín đồ đấng Christ này, phải không?
Những lời cầu nguyện của họ được nhậm
Bạn có nhớ những lời của người đàn bà nói đến nơi phần đầu bài trước không? Bà luôn luôn nghĩ những lời cầu nguyện của bà không được nhậm. Nhưng sau đó bà nhận thấy Đức Chúa Trời đã nhậm lời bà. Bà đã ghi lại trong cuốn sổ tay ý chính của lời cầu nguyện mình. Ngày nọ bà nhìn vào cuốn sổ tay có ghi những điểm bà cầu xin và nhận thấy rằng Đức Giê-hô-va đã nhậm nhiều lời cầu xin của bà, ngay cả những lời mà chính bà đã quên! Vậy bà biết rằng Đức Chúa Trời chăm sóc đến bà và dịu dàng đáp lại những lời cầu nguyện mà đem lại lợi ích nhiều nhất cho bà.
Nếu bạn có cảm tưởng Đức Chúa Trời không nhậm những lời cầu nguyện của mình, hãy tự hỏi: ‘Tôi có liên lạc cá nhân với Đức Giê-hô-va, là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” không? Nếu không, tôi có đang cố gắng học biết về Ngài và trở thành một tôi tớ dâng mình cho Ngài không?’ Ngài nhậm lời cầu nguyện của những người yêu mến Ngài và làm theo ý muốn của Ngài. Họ “bền lòng mà cầu-nguyện” và được nhậm lời, giống như Giê-su đã được nhậm lời (Rô-ma 12:12). Vậy thì “hãy dốc đổ sự lòng mình” ra cho Đức Giê-hô-va và làm theo ý muốn Ngài (Thi-thiên 62:8). Rồi Ngài sẽ nhậm những lời cầu nguyện của bạn.
Ngày nay, hàng triệu người đang cầu nguyện xin nhận được một điều đặc biệt. Đúng, họ được nhậm lời. Chúng ta hãy xem tại sao chúng ta có thể chắc chắn những lời cầu nguyện như thế sẽ được nhậm.