Hội hiệp lại cả vật trên trời và vật dưới đất
“Theo ý định mà Ngài đã tự lập-thành trước trong lòng nhân-từ Ngài... hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất”.—Ê-PHÊ-SÔ 1:9, 10.
1. Đức Giê-hô-va có ý định nào đối với trời và đất?
BÌNH AN trong cả vũ trụ! Đó là ý định rực rỡ của Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời bình-an”. (Hê-bơ-rơ 13:20) Ngài soi dẫn sứ đồ Phao-lô viết ý định của Ngài là “hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất”. (Ê-phê-sô 1:9, 10) Trong câu này, động từ được dịch là ‘hội-hiệp lại’ có ngụ ý gì? Học giả Kinh Thánh J. B. Lightfoot nhận xét: “Từ này có ý nói đến sự hài hòa của toàn thể vũ trụ, không còn các phần tử xa lạ và bất hòa, nhưng mọi phần tử đều tập trung và hợp nhất trong Đấng Christ. Tội lỗi và sự chết, buồn phiền, thất bại và đau khổ sẽ chấm dứt”.
“Vật ở trên trời”
2. “Vật ở trên trời” cần được hội hiệp lại là những ai?
2 Sứ đồ Phi-e-rơ tóm tắt hy vọng tuyệt diệu của các tín đồ thật khi viết: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:13) “Trời mới” được hứa ở đây có ý nói đến chính quyền mới, Nước của Đấng Mê-si. “Vật ở trên trời” mà Phao-lô đề cập trong thư gửi cho các tín đồ ở Ê-phê-sô phải được hội hiệp lại “trong Đấng Christ”. Đây là số người hạn định được chọn để cai trị với Đấng Christ ở trên trời. (1 Phi-e-rơ 1:3, 4) Số 144.000 tín đồ được xức dầu này “được chuộc khỏi đất”, “được chuộc từ trong loài người”, để đồng kế tự với Đấng Christ trong Nước Trời.—Khải-huyền 5:9, 10; 14:3, 4; 2 Cô-rinh-tô 1:21; Ê-phê-sô 1:11; 3:6.
3. Tại sao có thể nói những người được xức dầu “ngồi trong các nơi trên trời”, dù họ còn trên đất?
3 Các tín đồ xức dầu được sinh lại bằng thánh linh để trở thành con thần linh của Đức Giê-hô-va. (Giăng 1:12, 13; 3:5-7) Được Đức Giê-hô-va nhận làm “con nuôi”, họ trở thành anh em của Chúa Giê-su. (Rô-ma 8:15; Ê-phê-sô 1:5) Vì thế, dù khi họ vẫn còn trên đất, Kinh Thánh cho biết họ “đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Ê-phê-sô 1:3; 2:6) Họ giữ địa vị cao trọng này về thiêng liêng vì họ ‘được ấn-chứng bằng Thánh-Linh’, và đây là điều Chúa đã hứa để “làm của-cầm về cơ-nghiệp” dành cho họ ở trên trời. (Ê-phê-sô 1:13, 14; Cô-lô-se 1:5) Do đó, toàn thể số người thuộc “vật ở trên trời” mà Đức Giê-hô-va đã định trước cần được hội hiệp lại.
Sự “hội-hiệp” bắt đầu
4. Sự hội hiệp “vật ở trên trời” đã bắt đầu khi nào, và như thế nào?
4 Phù hợp với “sự quản trị” tức cách điều hành mọi việc của Đức Giê-hô-va, sự hội hiệp “vật ở trên trời” bắt đầu “trong khi kỳ mãn”. (Ê-phê-sô 1:10) Thời điểm ấy đã đến vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Vào ngày đó, thánh linh được ban cho các sứ đồ và một nhóm môn đồ, cả nam lẫn nữ. (Công-vụ 1:13-15; 2:1-4) Điều này chứng tỏ “giao-ước mới” bắt đầu có hiệu lực, đánh dấu sự ra đời của hội thánh Đấng Christ và một nước Y-sơ-ra-ên thiêng liêng mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 9:15; 12:23, 24; Ga-la-ti 6:16.
5. Tại sao Đức Giê-hô-va chọn một “dân” mới để thay thế dân Y-sơ-ra-ên xác thịt?
5 Giao ước Luật Pháp với dân Y-sơ-ra-ên xác thịt đã không dẫn đến sự hình thành “một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh” để phụng sự mãi mãi trên trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Chúa Giê-su nói với các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo: “Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó”. (Ma-thi-ơ 21:43) Dân ấy là Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, gồm những tín đồ Đấng Christ xức dầu được dự phần vào giao ước mới. Sứ đồ Phi-e-rơ viết cho họ: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài; anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:9, 10) Dân Y-sơ-ra-ên xác thịt không còn là dân thuộc giao ước của Đức Giê-hô-va nữa. (Hê-bơ-rơ 8:7-13) Như Chúa Giê-su đã báo trước, họ không được dự phần trong Nước của Đấng Mê-si, đặc ân ấy được ban cho 144.000 người thuộc Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.—Khải-huyền 7:4-8.
Được dự phần vào giao ước Nước Trời
6, 7. Chúa Giê-su lập giao ước đặc biệt nào với các anh em được sinh lại bởi thánh linh, và điều đó có nghĩa gì đối với họ?
6 Vào đêm Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài, ngài nói với các sứ đồ trung thành: “Còn như các ngươi, đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử-thách ta, nên ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy, để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước ta, và được ngồi ngai để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên”. (Lu-ca 22:28-30) Ở đây Chúa Giê-su nói đến một giao ước đặc biệt mà ngài lập với 144.000 anh em được sinh lại bởi thánh linh, những người “giữ trung-tín cho đến chết” và chứng tỏ mình “thắng”.—Khải-huyền 2:10; 3:21.
7 Những người trong nhóm nhỏ này hoàn toàn từ bỏ hy vọng sống đời đời trên đất trong thể xác con người. Họ sẽ cùng Đấng Christ cai trị với ở trên trời, ngồi trên ngai phán xét nhân loại. (Khải-huyền 20:4, 6) Giờ đây chúng ta hãy xem xét những câu Kinh Thánh chỉ áp dụng cho những người được xức dầu, đồng thời những câu ấy còn cho biết lý do tại sao các “chiên khác” không dùng những món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm.—Giăng 10:16.
8. Các tín đồ được xức dầu chứng tỏ điều gì khi dùng bánh không men? (Xin xem khung trang 23).
8 Những người được xức dầu cũng trải qua đau khổ như Đấng Christ và sẵn sàng chịu chết như ngài. Là người thuộc nhóm ấy, Phao-lô nói rằng ông đã chuẩn bị sẵn sàng để hy sinh bất cứ điều gì hầu “được Đấng Christ cho đến nỗi... được biết Ngài, và quyền-phép sự sống lại của Ngài, và sự thông-công thương-khó của Ngài”. Đúng vậy, Phao-lô sẵn sàng chịu chết như Ngài. (Phi-líp 3:8, 10) Nhiều tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã chịu “sự chết của Đức Chúa Jêsus”.—2 Cô-rinh-tô 4:10.
9. Bánh không men trong Lễ Tưởng Niệm tượng trưng cho thân thể nào?
9 Khi thiết lập Bữa Tiệc Thánh của Chúa, Chúa Giê-su phán: “Nầy là thân-thể ta”. (Mác 14:22) Ngài nói đến thân thể mình sắp bị đánh đẫm máu. Bánh không men tượng trưng thích hợp cho thân thể đó. Tại sao? Vì theo Kinh Thánh, men biểu thị cho tội lỗi và sự gian ác. (Ma-thi-ơ 16:4, 11, 12; 1 Cô-rinh-tô 5:6-8) Chúa Giê-su là người hoàn toàn, và thân thể của ngài không có tội lỗi. Ngài hy sinh thân thể hoàn toàn đó để làm của-lễ chuộc tội. (Hê-bơ-rơ 7:26; 1 Giăng 2:2) Làm thế, ngài đem lại lợi ích cho tất cả tín đồ trung thành, dù họ có hy vọng được sống trên trời hay sống đời đời trong địa đàng trên đất.—Giăng 6:51.
10. Trong Lễ Tưởng Niệm, những người dùng rượu “dự phần với huyết của Đấng Christ” theo nghĩa nào?
10 Về rượu mà các tín đồ được xức dầu dùng trong buổi Lễ Tưởng Niệm, Phao-lô viết: “Cái chén phước-lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông [“dự phần”, Bản Diễn Ý] với huyết của Đấng Christ sao?” (1 Cô-rinh-tô 10:16) Những người dùng rượu dự phần với huyết của Đấng Christ theo nghĩa nào? Chắc chắn họ không dự phần cung cấp giá chuộc, vì chính họ cũng cần được cứu chuộc. Qua đức tin nơi quyền năng cứu chuộc của huyết Đấng Christ, họ được tha tội và được xưng công bình để sống ở trên trời. (Rô-ma 5:8, 9; Tít 3:4-7) Chính nhờ huyết đã đổ ra của Đấng Christ mà 144.000 người đồng kế tự với ngài được “nên thánh”, được tẩy sạch khỏi tội lỗi để trở thành “thánh-đồ”. (Hê-bơ-rơ 10:29; Ê-phê-sô 2:19; Đa-ni-ên 7:18, 27) Quả thật, chính nhờ huyết mình đổ ra mà Đấng Christ “chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi-phái, mọi tiếng, mọi dân-tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế-lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị-vì trên mặt đất”.—Khải-huyền 5:9, 10.
11. Những tín đồ được xức dầu chứng tỏ điều gì khi uống rượu trong Lễ Tưởng Niệm?
11 Khi Chúa Giê-su lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài, ngài đưa chén rượu cho các sứ đồ trung thành và nói: “Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội”. (Ma-thi-ơ 26:27, 28) Nhờ huyết bò đực và dê đực, giao ước Luật Pháp giữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên có hiệu lực. Cũng vậy, nhờ huyết của Chúa Giê-su, giao ước mới mà Đức Giê-hô-va lập với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng có hiệu lực, bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:5-8; Lu-ca 22:20; Hê-bơ-rơ 9:14, 15) Khi uống rượu tượng trưng cho “huyết của sự giao-ước”, những tín đồ được xức dầu chứng tỏ họ được dự phần vào giao ước mới và nhận lợi ích của giao ước ấy.
12. Những tín đồ Đấng Christ “chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài” như thế nào?
12 Các tín đồ xức dầu cũng được nhắc nhở về một điều khác. Chúa Giê-su phán cùng những môn đồ trung thành: “Các ngươi sẽ uống chén ta uống, và sẽ chịu phép báp-têm ta chịu”. (Mác 10:38, 39) Sau đó, sứ đồ Phao-lô nói về những tín đồ Đấng Christ “chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài”. (Rô-ma 6:3) Những tín đồ được xức dầu sống một đời sống hy sinh. Sự chết của họ có tính cách hy sinh vì họ từ bỏ hy vọng sống đời đời trên đất. Chỉ sau khi họ chết một cách trung thành và được sống lại với tư cách tạo vật thần linh để “cùng Ngài đồng trị” ở trên trời, thì phép báp têm của họ trong sự chết Đấng Christ mới hoàn tất.—2 Ti-mô-thê 2:10-12; Rô-ma 6:5; 1 Cô-rinh-tô 15:42-44, 50.
Dùng các món biểu tượng
13. Tại sao những người có hy vọng sống trên đất không dùng món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm, nhưng tại sao họ vẫn đến dự?
13 Vì việc ăn bánh uống rượu trong Lễ Tưởng Niệm liên quan đến tất cả những điều nói trên, vậy những người có hy vọng sống trên đất dùng những món biểu tượng ấy rõ ràng là không đúng. Chính những người có hy vọng sống trên đất nhận biết rằng họ không được xức dầu để thuộc về thân thể Đấng Christ, cũng không ở trong giao ước mới mà Đức Giê-hô-va đã lập với những người sẽ đồng cai trị với Chúa Giê-su Christ. Vì “chén” tiêu biểu cho giao ước mới, nên chỉ có những người trong giao ước ấy mới dùng những món biểu tượng. Đối với những người trông mong sống đời đời trên đất trong tình trạng hoàn toàn dưới sự cai trị của Nước Trời, họ sẽ không báp têm trong sự chết Chúa Giê-su và cũng không được gọi lên trời cai trị với ngài. Nếu họ dùng những món biểu tượng thì có thể khiến người khác hiểu lầm về họ. Do đó, họ không dùng những món ấy, dù đến dự Lễ Tưởng Niệm để tỏ lòng tôn kính. Họ biết ơn Đức Giê-hô-va về tất cả những gì Ngài đã làm cho họ qua Con Ngài, kể cả việc được tha tội nhờ huyết của Đấng Christ đã đổ ra.
14. Những người xức dầu được vững mạnh về thiêng liêng như thế nào qua việc dùng bánh và rượu?
14 Sự đóng ấn cuối cùng trên số ít người được gọi lên trời để cai trị với Đấng Christ sắp hoàn tất. Từ đây cho đến cuối cuộc đời hy sinh trên đất, những người xức dầu này được vững mạnh về thiêng liêng qua việc dùng những món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm. Họ cảm thấy hợp nhất với các anh chị em cùng thuộc về thân thể Đấng Christ. Việc dùng bánh và rượu nhắc nhở họ về trách nhiệm phải giữ trung thành cho đến chết.—2 Phi-e-rơ 1:10, 11.
Hội hiệp lại “vật ở dưới đất”
15. Những ai được hội hiệp lại bên cạnh các tín đồ được xức dầu?
15 Kể từ giữa thập niên 1930, số người không thuộc “bầy nhỏ” ngày càng gia tăng. Họ là các “chiên khác”, có hy vọng sống đời đời trên đất và đang ủng hộ những người được xức dầu. (Giăng 10:16; Lu-ca 12:32; Xa-cha-ri 8:23) Họ trở thành những bạn đồng hành trung thành của anh em Đấng Christ, giúp đỡ đắc lực trong công việc rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” để làm chứng cho muôn dân. (Ma-thi-ơ 24:14; 25:40) Làm thế, họ có cơ hội được Chúa Giê-su xem là “chiên”, được đặt “bên hữu” ngài khi ngài đến phán xét muôn dân. (Ma-thi-ơ 25:33-36, 46) Qua đức tin nơi huyết của Đấng Christ, họ hợp thành đám đông “vô-số người” và sẽ được sống sót qua “cơn đại-nạn”.—Khải-huyền 7:9-14.
16. “Vật ở dưới đất” bao gồm những ai, và làm sao tất cả những người này có cơ hội trở thành “con-cái Đức Chúa Trời”?
16 Khi số 144.000 người cuối cùng được đóng ấn, các thiên sứ sẽ thả “bốn hướng gió” ra để hủy diệt hệ thống gian ác của Sa-tan. (Khải-huyền 7:1-4) Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ và của các vua kiêm thầy tế lễ cộng tác với ngài, vô số người được sống lại sẽ hợp chung với đám đông. (Khải-huyền 20:12, 13) Những người này có cơ hội trở thành thần dân vĩnh viễn trên đất của Vua Mê-si, tức là Chúa Giê-su Christ. Vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, tất cả “vật ở dưới đất” sẽ phải chịu sự thử thách cuối cùng. Những người chứng tỏ trung thành sẽ được nhận làm “con-cái Đức Chúa Trời”.—Ê-phê-sô 1:10; Rô-ma 8:21; Khải-huyền 20:7, 8.
17. Ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thực hiện như thế nào?
17 Do đó, qua “sự quản trị” hoặc điều hành sự việc một cách khôn ngoan, Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện ý định “hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất”. Tất cả tạo vật thông minh trên trời và dưới đất sẽ được hội hiệp lại trong sự hòa bình của vũ trụ, vui mừng vâng phục sự cai trị công bình của Đức Giê-hô-va, Đấng Vĩ Đại Hoàn Thành Ý Định.
18. Những người được xức dầu lẫn bạn đồng hành của họ có lợi ích như thế nào khi dự Lễ Tưởng Niệm?
18 Quả là điều làm vững mạnh đức tin cho số ít người được xức dầu cũng như cho hàng triệu các chiên khác khi họ nhóm lại vào ngày 12-4-2006! Họ sẽ dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ, như ngài đã phán dặn: “Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta”. (Lu-ca 22:19) Tất cả những người đến dự nên nhớ những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho mình qua Chúa Giê-su Christ, Con yêu dấu của Ngài.
Để ôn lại
• Đức Giê-hô-va có ý định gì đối với vật ở trên trời và vật ở dưới đất?
• Ai là “vật ở trên trời”, và họ được hội hiệp lại như thế nào?
• Ai là “vật ở dưới đất”, và họ có hy vọng gì?
[Khung nơi trang 23]
“Thân-thể của Đấng Christ”
Nơi 1 Cô-rinh-tô 10:16, 17, Phao-lô đề cập đến “thân-thể” theo nghĩa đặc biệt khi bàn về tầm quan trọng của bánh không men đối với các anh em của Đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh. Ông nói: “Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân-thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân-thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh”. Khi những tín đồ được xức dầu dùng bánh trong Lễ Tưởng Niệm, họ công bố sự hợp nhất của họ trong hội thánh gồm những người được xức dầu, giống như một thân thể có đầu là Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 23:10; 1 Cô-rinh-tô 12:12, 13, 18.
[Các hình nơi trang 23]
Tại sao chỉ những người được xức dầu dùng bánh và rượu?
[Hình nơi trang 25]
Qua sự quản trị của Đức Giê-hô-va, mọi tạo vật trên trời và dưới đất sẽ được hợp nhất