“Trái của Thánh-Linh” tôn vinh Đức Chúa Trời
“Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả”.—GIĂNG 15:8.
1, 2. (a) Chúng ta có những cơ hội nào để khuyến khích người khác? (b) Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà nào để hoàn thiện khả năng phụng sự Ngài?
Hãy hình dung hai trường hợp sau đây: Một chị Nhân Chứng nhận thấy một chị trẻ có vẻ lo lắng. Chị sắp xếp để đi rao giảng với chị trẻ ấy. Khi đi từ nhà này sang nhà khác, họ trò chuyện với nhau và chị trẻ bắt đầu chia sẻ nỗi lo âu của mình. Trong ngày đó, chị trẻ cầu nguyện cám ơn Đức Giê-hô-va về lòng quan tâm đầy yêu thương của chị thành thục ấy—chính là điều chị cần. Tại nơi khác, một cặp vợ chồng tham gia thánh chức ở nước ngoài vừa mới trở về. Trong buổi họp mặt, khi họ hào hứng kể lại kinh nghiệm, một anh trẻ yên lặng lắng nghe. Vài năm sau, khi chuẩn bị đến nhiệm sở ở nước ngoài, anh này nghĩ đến cặp vợ chồng ấy và cuộc nói chuyện đã khiến anh muốn trở thành giáo sĩ.
2 Có lẽ những trường hợp này gợi bạn nhớ đến một người đã tác động tốt đến đời sống bạn, hoặc một người mà bạn đã có ảnh hưởng tích cực. Dĩ nhiên, một cuộc nói chuyện hiếm khi thay đổi đời sống một người, nhưng mỗi ngày chúng ta có những cơ hội để khuyến khích và làm vững mạnh người khác. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một món quà để chúng ta phát huy khả năng và những tính tốt, mang lại lợi ích nhiều hơn cho anh em và hữu hiệu hơn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Món quà tuyệt vời ấy là gì? Đó là thánh linh của Ngài (Lu 11:13). Khi hoạt động trong đời sống chúng ta, thánh linh Đức Chúa Trời giúp vun trồng những đức tính để hoàn thiện mọi khía cạnh trong việc phụng sự Ngài. Thật là một món quà tuyệt vời!—Đọc Ga-la-ti 5:22.
3. (a) Làm thế nào việc chúng ta vun trồng “trái của Thánh-Linh” tôn vinh Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Những đức tính đến từ thánh linh phản ánh cá tính của Nguồn ban thánh linh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Cô 3:9, 10). Chúa Giê-su cho thấy lý do quan trọng nhất mà tín đồ Đấng Christ nên cố gắng noi theo Đức Chúa Trời. Ngài nói với các sứ đồ: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả”a (Giăng 15:8). Khi vun trồng “trái của Thánh-Linh”, kết quả sẽ được thấy rõ trong cách chúng ta nói năng và hành động, nhờ đó tôn vinh Đức Chúa Trời (Mat 5:16). Trái của thánh linh khác với đặc tính của thế gian Sa-tan như thế nào? Làm sao chúng ta có thể vun trồng trái của thánh linh? Tại sao có thể khó làm điều này? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này khi thảo luận ba khía cạnh đầu của trái thánh linh—yêu thương, vui mừng và bình an.
Yêu thương dựa trên tiêu chuẩn cao
4. Chúa Giê-su dạy các môn đồ ngài thể hiện loại yêu thương nào?
4 Tình yêu thương đến từ thánh linh khác hẳn tình yêu thương thông thường trong thế gian. Như thế nào? Tình yêu thương này dựa trên tiêu chuẩn cao. Chúa Giê-su nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai loại yêu thương trong Bài giảng trên núi. (Đọc Ma-thi-ơ 5:43-48). Ngài lưu ý rằng ngay cả những kẻ có tội cũng làm theo phương châm “có qua, có lại mới toại lòng nhau”, đối xử với người khác theo cách họ đối xử với mình. “Tình yêu thương” ấy không đòi hỏi sự hy sinh nhưng chỉ để trao đổi. Tuy nhiên, nếu muốn ‘làm con của Cha chúng ta ở trên trời’, chúng ta phải khác biệt. Thay vì đối xử với người khác như cách họ đối xử với mình, chúng ta nên có quan điểm và cách đối xử như Đức Giê-hô-va. Dù vậy, làm thế nào chúng ta có thể yêu kẻ thù như lời Chúa Giê-su dạy?
5. Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương với những người bắt bớ chúng ta?
5 Hãy xem một gương trong Kinh Thánh. Khi rao giảng ở thành Phi-líp, Phao-lô và Si-la đã bị bắt, đánh đập tàn nhẫn, giam trong ngục tối và bị cùm chân. Trong thời gian ấy, rất có thể người cai ngục cũng ngược đãi họ. Khi bất ngờ được tự do sau một trận động đất, họ có vui vì có cơ hội để trả thù người cai ngục không? Không. Lòng quan tâm thành thật đến lợi ích của người cai ngục—tình yêu thương bất vị kỷ—đã thôi thúc Phao-lô và Si-la nhanh chóng hành động, mở đường để ông ấy và gia đình trở thành người tin đạo (Công 16:19-34). Nhiều anh chị của chúng ta trong thời hiện đại cũng làm điều tương tự, là ‘chúc phước cho kẻ bắt-bớ mình’.—Rô 12:14.
6. Chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ với anh em qua những cách nào? (Xin xem khung trang 21).
6 Tình yêu thương của chúng ta với anh em đồng đạo còn bao hàm hơn thế nữa. Kinh Thánh nói: “Chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình”. (Đọc 1 Giăng 3:16-18). Dù vậy, thường thì chúng ta thể hiện tình yêu thương qua những cách đơn giản hơn. Chẳng hạn, nếu nói hoặc làm điều tổn thương anh em, chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương qua việc chủ động làm hòa (Mat 5:23, 24). Nói sao nếu một người xúc phạm đến chúng ta? Chúng ta có “sẵn tha-thứ” không? Hoặc chúng ta nuôi lòng oán giận? (Thi 86:5). Tình yêu thương sốt sắng bắt nguồn từ thánh linh có thể giúp chúng ta bỏ qua những lỗi nhỏ, sẵn lòng tha thứ người khác “như Chúa đã tha-thứ” chúng ta.—Cô 3:13, 14; 1 Phi 4:8.
7, 8. (a) Tình yêu thương với Đức Chúa Trời ảnh hưởng thế nào đến tình yêu thương của chúng ta với người khác? (b) Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng tình yêu thương sâu đậm hơn với Đức Giê-hô-va? (Xin xem hình bên dưới).
7 Làm thế nào chúng ta có thể xây đắp tình yêu thương bất vị kỷ với anh em? Bằng cách vun trồng tình yêu thương sâu đậm hơn với Đức Chúa Trời (Ê-phê 5:1, 2; 1 Giăng 4:9-11, 20, 21). Những lúc gần gũi với Đức Giê-hô-va qua việc đọc Kinh Thánh, suy ngẫm và cầu nguyện sẽ làm vững lòng và nuôi dưỡng tình yêu thương của chúng ta với Cha trên trời. Tuy nhiên, muốn đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta cần tận dụng thì giờ.
8 Để minh họa: Hãy hình dung bạn chỉ có thể đọc Lời Đức Chúa Trời, suy ngẫm và cầu nguyện vào một khoảng thời gian nào đó trong ngày. Liệu bạn có cương quyết không để điều gì xen vào khoảng thời gian riêng của bạn với Đức Giê-hô-va không? Dĩ nhiên, không ai có thể cản trở chúng ta cầu nguyện với Ngài, và hầu hết chúng ta có thể đọc Kinh Thánh vào bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc, không để những hoạt động quay cuồng thường ngày xâm phạm thời gian riêng của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Mỗi ngày bạn có tận dụng tối đa thì giờ để đến gần Ngài không?
‘Sự vui-vẻ của thánh-linh’
9. Một đặc điểm của sự vui mừng đến từ thánh linh là gì?
9 Một đặc điểm đáng lưu ý của trái thánh linh là sự bền vững. Đặc điểm này được thấy rõ nơi sự vui mừng, khía cạnh thứ hai của trái thánh linh mà chúng ta sẽ xem xét. Sự vui mừng giống như một cây kiên cường vẫn tươi tốt trong môi trường khắc nghiệt. Trên khắp đất, nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời đã ‘lấy sự vui-vẻ của thánh-linh mà tiếp-nhận đạo giữa lúc nhiều sự khốn-khó’ (1 Tê 1:6). Những người khác đương đầu với khó khăn và thiếu thốn. Dù vậy, Đức Giê-hô-va thêm sức cho họ qua thánh linh để họ “nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự” (Cô 1:11). Nhờ đâu chúng ta có sự vui mừng này?
10. Điều gì làm chúng ta vui mừng?
10 Không như “của-cải không chắc-chắn” trong thế gian Sa-tan, của cải thiêng liêng mà chúng ta nhận được từ Đức Giê-hô-va có giá trị lâu dài (1 Ti 6:17; Mat 6:19, 20). Ngài đặt trước mặt chúng ta triển vọng vui mừng về tương lai vĩnh cửu. Ngoài ra, chúng ta có niềm vui là thuộc về đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ khắp thế giới. Trên hết, chúng ta vui mừng nhờ có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Chúng ta có cùng cảm nghĩ như Đa-vít, người dù đã phải sống cuộc đời của kẻ chạy trốn nhưng vẫn ca ngợi Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Vì sự nhân-từ Chúa tốt hơn mạng-sống; môi tôi sẽ ngợi-khen Chúa. Như vậy, tôi sẽ chúc phước Chúa trọn đời tôi” (Thi 63:3, 4). Thậm chí khi trải nghiệm khó khăn, lòng chúng ta vẫn vui vẻ ca ngợi Đức Chúa Trời.
11. Tại sao phụng sự Đức Giê-hô-va với niềm vui là điều quan trọng?
11 Sứ đồ Phao-lô khuyến khích tín đồ Đấng Christ: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui-mừng đi” (Phi-líp 4:4). Tại sao tín đồ Đấng Christ phụng sự Đức Giê-hô-va với niềm vui là điều quan trọng? Vì vấn đề Sa-tan nêu lên liên quan đến quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Sa-tan cho rằng không ai sẵn lòng phụng sự Đức Chúa Trời (Gióp 1:9-11). Nếu phụng sự Đức Giê-hô-va vì trách nhiệm nhưng không có niềm vui, của lễ bằng lời ngợi khen của chúng ta sẽ không trọn vẹn. Vì thế, chúng ta cố gắng làm theo lời kêu gọi của người viết Thi-thiên: “Khá hầu-việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng, hãy hát-xướng mà đến trước mặt Ngài” (Thi 100:2). Phụng sự với lòng sẵn sàng và niềm vui làm tôn vinh Đức Chúa Trời.
12, 13. Chúng ta có thể làm gì để chống lại những cảm xúc tiêu cực?
12 Dù vậy, trên thực tế, ngay cả các tôi tớ tận tụy với Đức Giê-hô-va sẽ có lúc cảm thấy nản lòng và phải phấn đấu để giữ quan điểm tích cực (Phi-líp 2:25-30). Điều gì có thể giúp chúng ta trong những lúc ấy? Ê-phê-sô 5:18, 19 nói: “Phải đầy-dẫy [thánh-linh]. Hãy lấy ca-vịnh, thơ-thánh, và bài hát thiêng-liêng mà đối-đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi-khen Chúa”. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lời khuyên này?
13 Khi lòng nặng trĩu cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và cố gắng suy nghĩ về những điều đáng khen. (Đọc Phi-líp 4:6-9). Một số người nhận thấy rằng ngân nga theo nhạc của bài hát Nước Trời giúp họ lên tinh thần và thay đổi lối suy nghĩ. Một anh phải đương đầu với một thử thách thường khiến anh buồn bực và nản lòng. Anh nhớ lại: “Ngoài việc thường xuyên tha thiết cầu nguyện, tôi học thuộc vài bài hát Nước Trời. Tôi cảm thấy bình an khi hát những lời ca ngợi Đức Giê-hô-va, dù hát thầm hay thành lời. Vào khoảng thời gian ấy, sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va được phát hành. Năm sau, tôi đã đọc sách này hai lần. Ấn phẩm này như dầu xoa dịu tâm hồn tôi. Tôi biết Đức Giê-hô-va giúp những nỗ lực của tôi đạt kết quả”.
“Dây hòa-bình”
14. Sự bình an đến từ thánh linh có đặc điểm nổi bật nào?
14 Tại các hội nghị quốc tế, những đại biểu có gốc gác khác nhau vui hưởng tình anh em nồng ấm của tín đồ Đấng Christ. Những cảnh như thế cho thấy một đặc điểm của sự bình an trong vòng dân Đức Chúa Trời ngày nay—sự hợp nhất toàn cầu. Người quan sát thường ngạc nhiên khi thấy những người họ nghĩ phải là kẻ thù của nhau lại “dùng dây hòa-bình mà giữ-gìn sự hiệp một của Thánh-Linh” (Ê-phê 4:3). Sự hợp nhất này thật tuyệt vời khi chúng ta nghĩ đến những gì mà nhiều anh chị đã vượt qua.
15, 16. (a) Phi-e-rơ có gốc gác thế nào, và vì thế ông đã gặp thử thách nào? (b) Làm thế nào Đức Giê-hô-va đã giúp Phi-e-rơ điều chỉnh thái độ?
15 Hợp nhất người từ nhiều gốc gác là điều khó. Để giúp chúng ta hiểu phải vượt qua điều gì để có sự hợp nhất, hãy xem gương của sứ đồ Phi-e-rơ vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta có thể nhận ra thái độ của ông với dân ngoại không cắt bì qua những lời này: “Người Giu-đa vốn không được phép giao-thông với người ngoại-quốc hay là tới nhà họ; nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô-uế hay chẳng sạch” (Công 10:24-29; 11:1-3). Dường như Phi-e-rơ lớn lên với niềm tin rằng Luật pháp buộc ông chỉ yêu thương người Do Thái, là quan điểm phổ biến vào thời ấy. Có lẽ quan niệm xem dân ngoại như kẻ thù là điều bình thường với ôngb.
16 Hãy hình dung Phi-e-rơ hẳn cảm thấy lúng túng khi vào nhà của Cọt-nây. Liệu một người trước đây có thành kiến với dân ngoại có thể nào “ràng-buộc vững-bền” với họ trong “dây hòa-bình” không? (Ê-phê 4:3, 16). Có, vì vài ngày trước, thánh linh Đức Chúa Trời đã mở lòng Phi-e-rơ, giúp ông bắt đầu điều chỉnh thái độ và vượt qua thành kiến. Qua một sự hiện thấy, Đức Giê-hô-va cho ông biết rõ rằng quan điểm của Ngài về con người không dựa trên chủng tộc hoặc quốc gia (Công 10:10-15). Vì vậy, Phi-e-rơ có thể nói với Cọt-nây: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công 10:34, 35). Phi-e-rơ đã thay đổi, và ông thật sự hợp nhất với cả đoàn thể anh em.—1 Phi 2:17.
17. Tại sao sự hợp nhất của dân Đức Chúa Trời là điều đáng chú ý?
17 Trải nghiệm của Phi-e-rơ giúp chúng ta hiểu rõ sự thay đổi đáng chú ý đang diễn ra trong vòng dân Đức Chúa Trời ngày nay. (Đọc Ê-sai 2:3, 4). Hàng triệu người “bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” đã thay đổi lối suy nghĩ cho phù hợp với “ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời” (Khải 7:9; Rô 12:2). Nhiều người trong số họ trước đây chìm đắm trong sự thù ghét và chia rẽ của thế gian Sa-tan. Nhưng qua việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời và với sự hỗ trợ của thánh linh, họ đã tập “tìm cách làm nên hòa-thuận” (Rô 14:19). Kết quả là họ có sự hợp nhất làm tôn vinh Đức Chúa Trời.
18, 19. (a) Làm thế nào mỗi người chúng ta góp phần vào sự bình an và hợp nhất trong hội thánh? (b) Chúng ta sẽ xem xét gì trong bài kế tiếp?
18 Làm thế nào mỗi người chúng ta góp phần vào sự bình an và hợp nhất trong vòng dân Đức Chúa Trời? Nhiều hội thánh có những anh chị đến từ nước ngoài. Một số anh chị có thể có những phong tục khác hoặc không thành thạo ngôn ngữ của chúng ta. Vậy, chúng ta có mở rộng lòng với họ không? Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta làm thế. Trong thư gửi cho hội thánh ở Rô-ma, gồm cả người Do Thái và dân ngoại, Phao-lô nói: “Hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh-hiển” (Rô 15:7). Có anh chị nào trong hội thánh mà bạn có thể mở rộng lòng không?
19 Chúng ta có thể làm gì nữa để thánh linh hoạt động trong đời sống? Bài kế tiếp sẽ xem xét câu hỏi này khi chúng ta thảo luận về những khía cạnh còn lại của trái thánh linh.
[Chú thích]
a “Quả” mà Chúa Giê-su nói đến bao gồm “trái của Thánh-Linh” và “bông-trái của môi-miếng” mà các tín đồ Đấng Christ dâng cho Đức Chúa Trời qua công việc rao giảng về Nước Trời.—Hê 13:15.
b Lê-vi Ký 19:18 nói: “Chớ toan báo-thù, chớ giữ sự báo-thù cùng con cháu dân-sự mình; nhưng hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình”. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cho rằng “con cháu dân-sự mình” và “kẻ lân-cận” chỉ ám chỉ người Do Thái. Luật pháp Môi-se quy định rằng dân Y-sơ-ra-ên phải tách biệt với các dân khác. Tuy nhiên, quy định này không ủng hộ quan điểm của những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thế kỷ thứ nhất, cho rằng người nào không thuộc dân Do Thái đều là kẻ thù và phải ghét những người đó.
• Chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương bất vị kỷ với anh em như thế nào?
• Tại sao phụng sự Đức Chúa Trời với niềm vui là điều quan trọng?
• Làm thế nào chúng ta có thể góp phần vào sự bình an và hợp nhất trong hội thánh?
[Khung nơi trang 21]
“Đây quả là tín đồ Đấng Christ chân chính”
Cuốn sách nói về sự ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va thời Đệ Tam Quốc Xã (Between Resistance and Martyrdom—Jehovah’s Witnesses in the Third Reich) ghi lại lời bình luận của một tù nhân Do Thái trẻ. Anh miêu tả lần đầu tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va sau khi anh được đưa đến trại tập trung Neuengamme:
“Ngay khi người Do Thái chúng tôi từ Dachau đến trại, những người Do Thái khác bắt đầu giấu mọi thứ họ có để không phải chia sẻ với chúng tôi... Bên ngoài [trại tập trung], chúng tôi đã từng giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng ở đây, nơi phải đấu tranh để sinh tồn, điều mọi người quan tâm trước tiên là cứu chính mình, và quên đi những người khác. Tuy nhiên, hãy hình dung điều các Học viên Kinh Thánh đã làm. Lúc đó, họ phải làm việc nặng nhọc, sửa chữa một số đường ống nước. Trời thì lạnh và họ đã đứng suốt ngày trong nước lạnh như đá. Không ai hiểu làm thế nào họ có thể chịu đựng được điều này. Họ nói rằng Đức Giê-hô-va đã ban sức cho họ. Như chúng tôi, họ đói và rất cần phần bánh mì. Nhưng họ đã làm gì? Họ thu gom tất cả bánh mì họ có, giữ phân nửa cho mình và phần kia thì cho những người đồng đạo vừa mới đến từ Dachau. Họ chào đón và ôm hôn nhau. Trước khi ăn, họ cầu nguyện. Và sau đó, tất cả đều thỏa lòng và vui vẻ. Các Học viên Kinh Thánh nói rằng họ không còn cảm thấy đói nữa. Bạn biết không, đó là lúc tôi nghĩ: Đây quả là tín đồ Đấng Christ chân chính”.
[Các hình nơi trang 19]
Mỗi ngày bạn có dành thì giờ để đến gần Đức Giê-hô-va không?