Hãy trao mọi điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va
“Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi đều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em” (I PHI-E-RƠ 5:6, 7).
1. Sự lo lắng có thể ảnh hưởng đến chúng ta ra sao, và chúng ta có thể dùng ví dụ nào cho thấy điều này?
SỰ LO LẮNG có thể ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống chúng ta. Sự lo lắng có thể ví như tiếng rè rè trong máy phát thanh đôi khi làm điệu nhạc du dương bị gián đoạn. Nếu làn sóng phát thanh không bị cản trở, điệu nhạc êm dịu có thể đem lại sự thích thú và làm thính giả thoải mái. Tuy nhiên, tiếng rè rè do tĩnh điện gây ra có thể làm cho ngay cả một điệu nhạc du dương nhất bị sai lệch đi, làm chúng ta bực bội và khó chịu. Lo lắng có thể gây ảnh hưởng tương tự đến sự thanh thản của chúng ta và có thể làm chúng ta mệt mỏi đến độ không thể chăm lo những việc quan trọng. Thật vậy, “sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn” (Châm-ngôn 12:25).
2. Giê-su Christ nói gì về “sự lo-lắng đời nầy”?
2 Giê-su Christ nói về sự nguy hiểm của việc bị phân tâm vì lo lắng quá độ. Trong lời tiên tri về ngày sau rốt, ngài khuyến khích: “Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người” (Lu-ca 21:34-36). Cũng như sự ăn uống quá độ và sự say sưa có thể làm trí óc chúng ta không được tỉnh táo, việc chúng ta bị mệt mỏi vì những sự “lo-lắng đời nầy” có thể làm chúng ta nhìn thực tế một cách lệch lạc đưa đến những hậu quả tai hại.
Sự lo lắng là gì
3. “Sự lo-lắng” đã được định nghĩa thế nào, và một vài nguyên nhân gây lo lắng là gì?
3 Một tự điển định nghĩa “lo-lắng” là “sự băn khoăn lo sợ hoặc đau đớn của tâm trí thường gây ra bởi điều bất hạnh mà người ta biết sắp gặp phải hoặc biết trước nó sẽ đến”. Lo lắng là “sự quan tâm hoặc chú tâm đầy lo sợ” kể cả “cảm giác lo sợ và sợ hãi khác thường và quá lớn, thường có những đặc điểm như là dấu hiệu về sinh lý (chảy mồ hôi, căng thẳng về tinh thần và nhịp tim đập nhanh hơn), sự nghi ngờ về sự thật và bản chất của mối đe dọa và sự nghi ngờ là mình không có khả năng đối phó với mối đe dọa đó” (Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary). Bởi vậy, sự lo lắng có thể là một vấn đề phức tạp. Trong số nhiều nguyên nhân làm người ta lo lắng là bệnh tật, sự già nua, sợ hãi về tội ác, thất nghiệp và sự quan tâm đến hạnh phúc của gia đình mình.
4. a) Chúng ta nên nhớ gì về người ta và sự lo lắng của họ? b) Nếu cảm thấy lo lắng, chúng ta có thể làm gì?
4 Hiển nhiên, sự lo lắng có nhiều mức độ khác nhau, cũng như có những tình trạng và hoàn cảnh khác nhau có thể gây ra sự lo lắng. Không phải mọi người đều phản ứng giống nhau khi đứng trước một hoàn cảnh nào đó. Vì thế, chúng ta cần phải nhận biết rằng mặc dù những điều không làm chúng ta bận tâm suy nghĩ, nhưng lại có thể làm vài người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va với chúng ta lo lắng rất nhiều. Nếu chúng ta lo lắng đến mức độ không thể chú tâm vào những lẽ thật thích thú và hòa hợp của Lời Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể làm gì? Còn nếu chúng ta bị khổ sở vì lo lắng đến độ không thể chú tâm vào vấn đề quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và sự trung thành của tín đồ đấng Christ thì sao? Chúng ta có lẽ không thể thay đổi hoàn cảnh của mình. Vì vậy, chúng ta cần tìm những điểm trong Kinh-thánh có thể giúp chúng ta đối phó với sự lo lắng quá đáng do những vấn đề gai góc của đời sống gây ra.
Sự giúp đỡ có sẵn
5. Chúng ta có thể hành động phù hợp với Thi-thiên 55:22 như thế nào?
5 Khi tín đồ đấng Christ bị những vấn đề lo lắng làm khổ tâm và cần được giúp đỡ về thiêng liêng, họ có thể tìm thấy sự khuây khỏa trong Lời Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta sự chỉ dẫn chắc chắn và nhiều lần cam kết với chúng ta rằng chúng ta không bị cô độc vì là tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động” (Thi-thiên 55:22). Chúng ta có thể hành động phù hợp với những lời này như thế nào? Bằng cách trao những sự băn khoăn, lo lắng, sợ hãi và thất vọng cho Cha đầy yêu thương của chúng ta ở trên trời. Điều này sẽ giúp chúng ta có cảm giác an toàn và bình thản trong lòng.
6. Theo Phi-líp 4:6, 7, việc cầu nguyện có thể giúp ích gì cho chúng ta?
6 Thành tâm cầu nguyện thường xuyên là điều cần thiết nếu chúng ta muốn trao gánh nặng, kể cả sự lo âu của chúng ta cho Đức Giê-hô-va. Điều này sẽ mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm vì sứ đồ Phao-lô viết: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 4:6, 7). “Sự bình-an của Đức Chúa Trời” là sự bình thản khác thường mà những tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã dâng mình cho Ngài có được, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Đây là kết quả của mối liên lạc mật thiết giữa cá nhân chúng ta với Đức Chúa Trời. Khi cầu xin Đức Chúa Trời ban cho thánh linh và để thánh-linh khuyến khích chúng ta, chúng ta không tránh khỏi mọi vấn đề khó khăn của đời sống, nhưng chúng ta có được bông trái của thánh linh là sự bình an (Lu-ca 11:13; Ga-la-ti 5:22, 23). Chúng ta không bị chìm ngập trong sự lo lắng, vì chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va cho mọi người dân trung thành của Ngài được “ở yên-ổn” và Ngài sẽ không để bất cứ điều gì xảy ra làm hại chúng ta mãi mãi (Thi-thiên 4:8).
7. Trưởng lão đạo đấng Christ có thể đóng vai trò nào trong việc giúp đỡ chúng ta đối phó với sự lo lắng?
7 Tuy nhiên, nếu vấn đề lo lắng cứ kéo dài mãi dù chúng ta suy gẫm về Kinh-thánh và bền lòng cầu nguyện thì sao? (Rô-ma 12:12). Các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội thánh cũng là một sự ban cho của Đức Giê-hô-va để giúp chúng ta về thiêng liêng. Họ có thể dùng Lời Đức Chúa Trời để an ủi và giúp đỡ chúng ta và cầu nguyện cùng chúng ta và cho chúng ta (Gia-cơ 5:13-16). Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích những người cũng là trưởng lão như ông nên vui lòng và hết lòng chăn bầy của Đức Chúa Trời một cách gương mẫu (I Phi-e-rơ 5:1-4). Các trưởng lão thành thật quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta và muốn giúp đỡ chúng ta. Dĩ nhiên, để sự giúp đỡ của trưởng lão mang lại lợi ích tối đa và để tiến bộ về thiêng liêng trong hội thánh, tất cả chúng ta cần áp dụng lời khuyên của Phi-e-rơ: “Hỡi các người nam trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Nhưng hết thảy hãy mặc lấy sự khiêm nhường khi đối đãi với nhau, vì Đức Chúa Trời chống kẻ kiêu ngạo nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường” (I Phi-e-rơ 5:5, NW).
8, 9. I Phi-e-rơ 5:6-11 cho chúng ta niềm an ủi nào?
8 Phi-e-rơ nói thêm: “Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi đều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em. Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế-gian, cũng đồng chịu hoạn-nạn như mình. Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh-hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn-vẹn, vững-vàng, và thêm sức cho. Nguyền xin quyền-phép về nơi Ngài, đời đời vô-cùng! A-men” (I Phi-e-rơ 5:6-11).
9 Thật an ủi biết bao khi biết chúng ta có thể ‘trao mọi điều lo lắng cho Đức Chúa Trời vì Ngài săn sóc chúng ta’! Và nếu một số điều làm chúng ta lo lắng là hậu quả của việc Ma-quỉ cố gắng hủy phá mối liên lạc của chúng ta với Đức Giê-hô-va bằng cách làm chúng ta bị bắt bớ và đau khổ, chúng ta không vui sướng hay sao khi biết rằng những người trung thành với Đức Chúa Trời cuối cùng sẽ gặp những điều tốt lành? Đúng thế, sau khi chúng ta tạm chịu khổ, Đức Chúa Trời của mọi ân điển sẽ rèn luyện chúng ta được đầy đủ và khiến chúng ta được vững mạnh.
10. I Phi-e-rơ 5:6, 7 nói đến ba đức tính nào có thể giúp chúng ta bớt lo lắng?
10 I Phi-e-rơ 5:6, 7 nói đến ba đức tính có thể giúp chúng ta đối phó với sự lo lắng. Một là “khiêm nhường”. Thành ngữ “đến kỳ thuận-hiệp” trong I Phi-e-rơ 5 câu 6 có ngụ ý là chúng ta cần phải kiên nhẫn. I Phi-e-rơ 5 Câu 7 cho thấy chúng ta có thể vững tâm trao mọi điều lo lắng cho Đức Chúa Trời ‘vì Ngài hay săn sóc chúng ta’ và những lời này khuyến khích chúng ta hoàn toàn tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng ta hãy xem xét làm thế nào sự khiêm nhường, kiên nhẫn và việc tin tưởng hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta bớt lo lắng.
Sự khiêm nhường có thể giúp chúng ta thế nào
11. Tính khiêm nhường giúp chúng ta đối phó với sự lo lắng thế nào?
11 Nếu chúng ta khiêm nhường, chúng ta sẽ công nhận rằng ý tưởng của Đức Chúa Trời cao siêu hơn ý tưởng của chúng ta rất nhiều (Ê-sai 55:8, 9). Tính khiêm nhường giúp chúng ta nhận thức được rằng khả năng suy nghĩ của chúng ta có giới hạn so với tầm hiểu biết bao la của Đức Giê-hô-va. Ngài thấy những điều mà chúng ta không nhận rõ được, như trong trường hợp của người công bình tên là Gióp (Gióp 1:7-12; 2:1-6). Bằng cách hạ mình xuống “dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời”, chúng ta thừa nhận vị thế hèn mọn của mình đối với Đấng Thống trị Tối cao. Rồi điều này sẽ giúp chúng ta đối phó với những hoàn cảnh mà Ngài cho phép. Lòng chúng ta có lẽ ao ước được khuây khỏa liền, nhưng vì những đức tính của Đức Giê-hô-va là hoàn toàn thăng bằng nên Ngài biết rõ khi nào nên ra tay hành động và hành động như thế nào để giúp chúng ta. Bởi thế, như trẻ nhỏ, chúng ta hãy khiêm nhường nương tựa vào Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng Ngài sẽ giúp chúng ta đối phó với những điều làm chúng ta lo lắng (Ê-sai 41:8-13).
12. Nếu chúng ta khiêm nhường áp dụng lời ghi nơi Hê-bơ-rơ 13:5 thì điều đó có thể ảnh hưởng thế nào đến việc chúng ta lo lắng cho cuộc sống được an toàn về vật chất?
12 Tính khiêm nhường bao gồm việc sẵn sàng áp dụng lời khuyên bảo của Kinh-thánh. Điều này thường có thể giúp chúng ta bớt lo lắng. Thí dụ, nếu chúng ta lo lắng vì đam mê đeo đuổi vật chất, chúng ta nên ngẫm nghĩ về lời khuyên của Phao-lô: “Chớ tham tiền; hãy lấy đều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Nhờ khiêm nhường áp dụng lời khuyên này, nhiều người đã tránh khỏi bị bận tâm lo lắng sao cho cuộc sống được bảo đảm về vật chất. Dù cho tình trạng tài chính của họ chưa được khá, họ không lo lắng đến độ có hại cho sức khỏe thiêng liêng của họ.
Vai trò của đức tính kiên trì
13, 14. a) Gióp nêu gương tốt nào về đức tính kiên trì chịu đựng? b) Kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta thế nào?
13 Thành ngữ “đến kỳ thuận-hiệp” nơi I Phi-e-rơ 5:6 khiến chúng ta nghĩ đến việc cần phải kiên trì chịu đựng. Đôi khi vấn đề khó khăn kéo dài rất lâu, và điều này có thể làm chúng ta càng thêm lo lắng. Đặc biệt trong trường hợp đó, chúng ta cần phải đặt mọi việc trong tay Đức Giê-hô-va. Môn đồ Gia-cơ viết: “Anh em biết rằng những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn-nhục của Gióp, và thấy cái kết-cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (Gia-cơ 5:11). Gióp bị mất hết tài sản, có mười người con bị chết, đau đớn vì một căn bệnh ghê tởm và bị những người an ủi giả dối lên án sai lầm. Trong những hoàn cảnh như vậy, có một mức độ lo lắng nào đó là điều thông thường.
14 Dù thế nào đi nữa, Gióp nêu gương tốt về đức tính kiên trì chịu đựng. Nếu đức tin của chúng ta bị thử thách gắt gao, chúng ta có lẽ phải chờ đợi để được an ủi, ngay như Gióp cũng vậy. Nhưng Đức Chúa Trời đã vì Gióp mà hành động, cuối cùng giúp Gióp hết đau khổ và thưởng cho ông dư dật (Gióp 42:10-17). Kiên trì chờ đợi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta phát triển đức tính chịu đựng và bày tỏ lòng tin kính sâu xa của chúng ta đối với Ngài (Gia-cơ 1:2-4).
Tin cậy Đức Giê-hô-va
15. Tại sao chúng ta nên hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va?
15 Phi-e-rơ khuyến khích những người cùng đức tin ‘trao mọi điều lo lắng của họ cho Đức Chúa Trời, vì Ngài săn sóc họ’ (I Phi-e-rơ 5:7). Vì thế chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va và nên làm thế. Châm-ngôn 3:5, 6 nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Vì những kinh nghiệm trong quá khứ, một số người lo lắng rất nhiều và họ thấy khó tin người khác. Nhưng chúng ta chắc chắn có lý do để tin Đấng Tạo hóa, là Nguồn sự sống và Đấng gìn giữ sự sống. Dù không tin vào chính phản ứng của mình trước một vấn đề nào đó, chúng ta có thể luôn luôn nương tựa vào Đức Giê-hô-va để giải cứu chúng ta thoát khỏi những tai họa (Thi-thiên 34:18, 19; 36:9; 56:3, 4).
16. Giê-su Christ nói gì liên quan đến sự lo lắng về vật chất?
16 Tin cậy Đức Chúa Trời bao gồm việc vâng lời Con Ngài là Giê-su Christ, đấng dạy những điều mà ngài học nơi Cha ngài (Giăng 7:16). Giê-su khuyến khích môn đồ ‘chứa của cải ở trên trời’ bằng cách phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng còn về nhu cầu vật chất như thức ăn, quần áo và chỗ ở thì sao? Giê-su khuyên: “Đừng... lo”. Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ Đức Chúa Trời cho chim đồ ăn và cho bông hoa mặc đẹp đẽ. Tôi tớ của Đức Chúa Trời có giá trị hơn các loài chim và các bông hoa, phải không? Dĩ nhiên họ có giá trị hơn. Vì thế Giê-su khuyến khích: “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi đều ấy nữa”. Giê-su nói tiếp: “Vậy, chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai” (Ma-thi-ơ 6:20, 25-34). Đúng, chúng ta cần đồ ăn, nước uống, quần áo và chỗ ở, nhưng nếu chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không lo lắng quá đáng về những điều này.
17. Chúng ta có thể dùng ví dụ nào để cho thấy chúng ta cần phải tìm kiếm Nước Trời trước hết?
17 Để tìm kiếm Nước Trời trước hết, chúng ta phải tin cậy Đức Chúa Trời và giữ những điều ưu tiên theo đúng thứ tự. Một người thợ lặn không có dụng cụ cung cấp dưỡng khí có thể lặn xuống nước để mò ngọc trai. Nhờ đó ông có thể nuôi gia đình. Quả thật đây là một điều quan trọng! Nhưng điều gì quan trọng hơn? Không khí! Ông phải thỉnh thoảng trồi lên mặt nước để hít không khí cho đầy phổi, như vậy không khí là quan trọng hơn hết. Tương tự như vậy, chúng ta có lẽ phải chung đụng ít nhiều với hệ thống mọi sự này để có được những gì cần thiết cho đời sống. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt những việc thiêng liêng lên hàng đầu, vì chính mạng sống của những người trong gia đình chúng ta tùy thuộc vào những điều đó. Để tránh lo lắng quá đáng về những nhu cầu vật chất, chúng ta phải hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời. Ngoài ra, “làm công-việc Chúa cách dư-dật” có thể giúp chúng ta bớt lo lắng vì “sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va” chứng tỏ là đồn lũy của chúng ta (I Cô-rinh-tô 15:58; Nê-hê-mi 8:10).
Tiếp tục trao điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va
18. Có bằng chứng nào cho thấy việc trao mọi điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va có thể thật sự giúp đỡ chúng ta?
18 Để luôn luôn chú tâm vào những điều thiêng liêng, chúng ta phải tiếp tục trao mọi điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng Ngài thật sự chăm sóc các tôi tớ của Ngài. Thí dụ: Một chị tín đồ đấng Christ nọ lo lắng đến độ không thể ngủ được vì chồng ngoại tình. (So sánh Thi-thiên 119:28). Tuy nhiên, khi nằm trên giường chị trao mọi điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va. Chị thổ lộ với Đức Chúa Trời những cảm xúc từ đáy lòng, bày tỏ nỗi đau đớn khổ sở của chị và của hai con gái nhỏ. Chị luôn luôn ngủ được sau khi tha thiết cầu nguyện cho bớt khổ vì tin Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc chị và hai con nhỏ. Nguyên tắc Kinh-thánh cho phép chị ly dị chồng và hiện nay chị đã kết hôn với một trưởng lão và có một gia đình hạnh phúc.
19, 20. a) Chúng ta đối phó với sự lo lắng bằng vài cách nào? b) Chúng ta nên tiếp tục làm gì với mọi điều lo lắng của chúng ta?
19 Là dân sự của Đức Giê-hô-va, chúng ta có nhiều cách để đối phó với những điều lo lắng. Áp dụng Lời Đức Chúa Trời đặc biệt đem lại lợi ích cho chúng ta. Đức Chúa Trời dùng lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để ban cho chúng ta đồ ăn thiêng liêng béo bổ, gồm cả những bài thú vị và lợi ích đăng trong Tháp Canh và Awake! (Ma-thi-ơ 24:45-47). Chúng ta có thánh linh của Đức Chúa Trời giúp đỡ. Thành tâm cầu nguyện thường xuyên đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Các trưởng lão được bổ nhiệm sẵn sàng và vui lòng an ủi và giúp đỡ chúng ta về thiêng liêng.
20 Đức tính khiêm nhường và kiên nhẫn giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc đối phó với những điều lo lắng gây phiền toái cho chúng ta. Hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va là điều đặc biệt quan trọng, vì đức tin của chúng ta được xây dựng trong khi chúng ta nghiệm thấy có sự giúp đỡ và hướng dẫn của Ngài. Thế rồi sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta tránh trở nên lo âu quá đáng (Giăng 14:1). Đức tin thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Nước Trời trước hết và bận rộn trong công việc đầy vui vẻ của Đức Chúa Trời. Điều này có thể giúp chúng ta đối phó với những điều lo lắng. Hoạt động đó làm chúng ta cảm thấy an lòng giữa những người ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va cho tới vô tận (Thi-thiên 104:33). Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục trao mọi điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Một tự điển định nghĩa lo lắng như thế nào?
◻ Chúng ta có thể đối phó với sự lo lắng bằng vài cách nào?
◻ Tính khiêm nhường và kiên nhẫn có thể giúp chúng ta bớt lo lắng thế nào?
◻ Tại sao hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va là điều tối quan trọng khi đối phó với những điều lo lắng?
◻ Tại sao chúng ta nên tiếp tục trao mọi điều lo lắng cho Đức Giê-hô-va?
[Hình nơi trang 22]
Bạn biết tại sao Giê-su nói: “Đừng... lo” không?