Bạn sẽ dập tắt cái tim đèn gần tàn không?
GIÊ-SU CHRIST tuyên bố tin mừng về Nước Đức Chúa Trời cho mọi lớp người. Nhiều người trong số này bị áp bức và chán nản. Nhưng Giê-su ban cho họ một thông điệp đầy phấn khởi. Ngài có lòng thương xót đối với người đau khổ.
Người viết sách Phúc Âm là Ma-thi-ơ làm nổi bật lòng thương xót của Giê-su khi lưu ý chúng ta đến một lời tiên tri do Ê-sai ghi lại. Trích những lời đã được đấng Christ làm ứng nghiệm, Ma-thi-ơ viết: “Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn [tim đèn, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn] gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công-bình được thắng” (Ma-thi-ơ 12:20; Ê-sai 42:3). Những lời này có nghĩa gì, và Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri này như thế nào?
Xem xét lời tiên tri
Cây sậy thường mọc ở nơi đầm lầy và nó không được cứng cỏi và vững chắc. Một “cây sậy đã gãy” thì quả thật là yếu. Do đó, nó dường như tượng trưng cho những người bị áp bức hoặc đau khổ giống như người đàn ông bị teo tay mà Giê-su đã chữa lành trong ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:10-14). Nhưng còn cái tim đèn được đề cập trong lời tiên tri thì sao?
Trong thế kỷ thứ nhất công nguyên, cây đèn thường dùng trong nhà là một cái bình nhỏ bằng gốm có quai. Cây đèn thường được châm bằng dầu ô-li-ve. Qua sức hút mao dẫn, cái tim đèn làm bằng sợi lanh hút dầu lên để đốt sáng. Dĩ nhiên, ‘cái tim đèn gần tàn’ là gần bị tắt.
Giê-su tuyên bố thông điệp đầy an ủi cho nhiều người giống như cây sậy bị dập, bị gãy và bị chà đạp, nói theo nghĩa bóng. Những người này cũng giống như cái tim đèn gần tàn, ánh sinh quang cuối cùng gần như tắt lịm. Họ thật sự bị áp bức và chán nản. Tuy nhiên, Giê-su không bẻ gãy cây sậy bị dập, cũng không dập tắt cái tim đèn gần tàn, nói theo nghĩa bóng. Những lời trắc ẩn, ưu ái và đầy yêu thương của ngài đã không làm những người đau khổ trở nên chán nản và buồn bã hơn nữa. Ngược lại, qua lời nói và cách ngài cư xử với họ, ngài đã nâng cao tinh thần của họ (Ma-thi-ơ 11:28-30).
Ngày nay cũng vậy, vì phải đương đầu với những vấn đề làm nản lòng, nhiều người cần được đối xử đầy thương xót và sự khích lệ. Ngay cả các tôi tớ của Đức Giê-hô-va cũng không luôn luôn vững mạnh trước những khó khăn. Đôi khi, một số người giống như cái tim đèn gần tàn. Do đó, các tín đồ đấng Christ phải khuyến khích—thổi bừng ngọn lửa—nhờ đó mà người này làm vững mạnh người kia (Lu-ca 22:32; Công-vụ các Sứ-đồ 11:23).
Với tư cách là tín đồ đấng Christ, chúng ta muốn khích lệ người khác. Chúng ta sẽ không cố ý làm suy yếu người nào đang tìm sự giúp đỡ về thiêng liêng. Thật vậy, chúng ta mong muốn noi gương của Giê-su về việc làm vững mạnh người khác (Hê-bơ-rơ 12:1-3; I Phi-e-rơ 2:21). Vì chúng ta có thể vô tình làm buồn lòng người nào đó đến với mình để được khích lệ nên chúng ta có lý do chính đáng để nghiêm chỉnh suy nghĩ về cách mình cư xử với người khác. Chắc chắn chúng ta không muốn ‘dập tắt cái tim đèn gần tàn’. Những lời chỉ dẫn nào trong Kinh-thánh có thể giúp chúng ta về phương diện này?
Ảnh hưởng của sự chỉ trích
Nếu một tín đồ đấng Christ ‘phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-Linh, hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại’ (Ga-la-ti 6:1). Tuy nhiên, nếu ta cố tìm những khuyết điểm của người khác và nắm lấy mọi cơ hội để sửa họ thì có thích hợp không? Hay nếu chúng ta thúc ép họ cố gắng hơn bằng cách ám chỉ rằng sự cố gắng hiện tại của họ là chưa đủ, có lẽ khiến cho họ cảm thấy tội lỗi, thì có đúng không? Không có bằng chứng nào cho thấy rằng Giê-su đã làm chuyện như thế. Tuy chúng ta có ý giúp người khác để cải tiến, nhưng những người nghe sự chỉ trích thiếu tế nhị có thể cảm thấy ngã lòng thay vì được làm vững mạnh. Dù là lời phê bình có mục đích xây dựng đi nữa, nhưng nếu làm quá mức có thể khiến người khác trở nên chán nản. Nếu một tín đồ đấng Christ tận tâm cố gắng hết mình mà vẫn không được chấp nhận, người đó gần như có thể bỏ cuộc và nói: ‘Tại sao phải cố gắng làm chi?’ Thật vậy, người đó có thể buông xuôi hoàn toàn.
Trong khi cho lời khuyên dựa trên Kinh-thánh là điều quan trọng, lời khuyên đó không được phản ảnh tinh thần của các trưởng lão được bổ nhiệm hoặc của những người khác trong hội thánh. Mục đích chính của buổi họp đạo đấng Christ không phải là để cho và nhận lời khuyên. Thay vì vậy, chúng ta đều đặn họp mặt để xây dựng và khuyến khích lẫn nhau, như vậy mọi người có thể kết hợp với nhau và vui vẻ làm thánh chức hầu việc Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:11, 12; Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Thật là tốt biết bao khi chúng ta phân biệt được giữa một khuyết điểm nghiêm trọng và một nhược điểm nhỏ. Và thật là khôn ngoan và đầy yêu thương làm sao khi bỏ qua điều đó! (Truyền-đạo 3:1, 7; Cô-lô-se 3:13).
Người ta dễ đáp ứng lại lời khuyến khích hơn là lời chỉ trích. Thật ra, khi người ta cảm thấy bị chỉ trích một cách bất công, thì có thể họ càng muốn giữ cái tính nết đã làm họ bị chỉ trích! Nhưng khi được khen một cách chính đáng, họ được khích lệ, và cảm thấy muốn cải tiến (Châm-ngôn 12:18). Do đó, giống như Giê-su, chúng ta hãy khuyến khích và không bao giờ ‘dập tắt cái tim đèn gần tàn’.
Còn về việc so sánh thì sao?
Nghe những kinh nghiệm hay của những anh em tín đồ khác là một điều khích lệ lớn lao. Chính Giê-su đã vui mừng khi nghe về sự thành công mỹ mãn của các môn đồ trong công việc rao giảng thông điệp Nước Trời (Lu-ca 10:17-21). Tương tự như thế, khi chúng ta nghe về sự thành công, một gương tốt hoặc sự trung kiên của những người khác cùng đức tin, thì chúng ta được khích lệ và càng cảm thấy kiên quyết hơn để tiếp tục đi trong đường lối của tín đồ đấng Christ.
Nhưng nếu một người nghe những lời được trình bày như có ngụ ý: ‘Bạn không làm hay bằng những tín đồ này, và bạn đáng lẽ phải làm nhiều hơn những gì bạn đang làm’, thì sao? Người nghe có bắt đầu một chương trình tích cực để cải tiến không? Chắc hẳn người đó sẽ trở nên chán nản và có lẽ bỏ cuộc, nhất là nếu hay bị so sánh một cách trực tiếp hay gián tiếp. Điều này cũng giống như cha mẹ bảo đứa con mình: ‘Tại sao con không thể giống như anh của con?’ Lời nói như thế có thể khiến cho đứa con phẫn uất và chán nản, chứ không khuyến khích nó có cách cư xử tốt hơn. Sự so sánh cũng có thể có ảnh hưởng tương tự đối với người lớn, ngay cả khiến cho họ cảm thấy ghen ghét những người mà mình bị so sánh với.
Chúng ta không thể mong đợi tất cả mọi người đều làm giống nhau trong công việc phụng sự Đức Chúa Trời. Trong một chuyện ví dụ của Giê-su, người chủ giao cho các đầy tớ một, hai hoặc năm ta-lâng bạc. Những người này được giao cho “tùy theo tài mỗi người”. Hai đầy tớ đã khôn khéo buôn bán và gia tăng số ta-lâng thì được khen ngợi vì họ trung tín, mặc dù họ gặt được kết quả khác nhau (Ma-thi-ơ 25:14-30).
Sứ đồ Phao-lô viết một cách thích hợp: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác” (Ga-la-ti 6:4). Vậy, nếu muốn thật sự khích lệ người khác, chúng ta phải cố gắng tránh so sánh họ với người khác một cách tiêu cực.
Một số cách để xây dựng
Chúng ta có thể làm gì để xây dựng những người chán nản và tránh ‘dập tắt cái tim đèn gần tàn’? Cho lời khích lệ không phải là vấn đề theo một phương pháp nhất định nào. Tuy nhiên, chắc hẳn lời nói của chúng ta sẽ xây dựng người khác nếu ta áp dụng những nguyên tắc của Kinh-thánh. Một số nguyên tắc đó là gì?
Hãy khiêm nhường. Nơi Phi-líp 2:3, Phao-lô khuyên chúng ta ‘chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh’. Thay vì vậy, chúng ta phải nói năng và hành động một cách khiêm nhường. ‘Hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình’. Phao-lô không nói rằng chúng ta nên coi thường chính mình. Nhưng chúng ta phải ý thức là mỗi người hơn mình về một vài điểm. Chữ Hy Lạp được dịch “tôn-trọng” ở đây gợi ý là một người “không nhắm vào ưu điểm của chính mình, nhưng chăm chú suy ngẫm về những khả năng thiên phú của người khác khiến cho người đó hơn mình” (New Testament Word Studies, của John Albert Bengel, Quyển 2, trang 432). Nếu chúng ta làm điều này và xem người khác cao trọng hơn mình, thì chúng ta sẽ cư xử với họ với một thái độ khiêm nhường.
Hãy tỏ ra tôn trọng. Bằng cách nói năng thành thật, chúng ta có thể cho thấy rõ là ta tin tưởng nơi các anh em trung thành cùng đức tin, xem họ là những người muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Nhưng giả sử họ cần sự giúp đỡ về thiêng liêng. Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ với cử chỉ tôn trọng và đứng đắn. Phao-lô nói như vầy: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10).
Hãy lắng tai nghe. Đúng vậy, hầu khuyến khích những người có lẽ đương đầu với những vấn đề làm chán nản, chúng ta phải chịu khó lắng nghe chứ không nên diễn thuyết. Thay vì nhanh chóng cho lời đề nghị nông cạn, chúng ta hãy dành đủ thì giờ để cho lời chỉ dẫn dựa trên Kinh-thánh mà thật sự thích ứng với nhu cầu hiện tại. Nếu chúng ta không biết nói gì, việc nghiên cứu Kinh-thánh sẽ giúp ta biết cách an ủi và làm vững mạnh người khác.
Hãy yêu thương. Chúng ta phải cảm thấy có lòng yêu thương đối với những người mà mình muốn khuyến khích. Đối với những tôi tớ của Đức Giê-hô-va, tình yêu thương phải thúc đẩy chúng ta làm nhiều hơn là chỉ hành động vì lợi ích của họ. Nó phải xuất phát từ đáy lòng của chúng ta. Nếu chúng ta yêu thương tất cả dân sự của Đức Giê-hô-va như thế, thì lời nói của chúng ta sẽ thật sự khích lệ họ. Ngay cả khi chúng ta cần cho lời đề nghị để cải tiến, nếu động cơ của chúng ta không phải là để nêu lên quan điểm của mình mà là để giúp đỡ một cách đầy yêu thương thì chắc hẳn những gì chúng ta nói sẽ không gây ra sự hiểu lầm hoặc gây tổn hại. Như Phao-lô nói một cách thích hợp rằng “sự yêu-thương làm gương tốt” (I Cô-rinh-tô 8:1; Phi-líp 2:4; I Phi-e-rơ 1:22).
Luôn luôn xây dựng
Trong những “ngày sau-rốt” đầy khó khăn này, dân sự của Đức Giê-hô-va phải đương đầu với nhiều thử thách (II Ti-mô-thê 3:1-5). Cho nên, đôi khi họ dường như chịu khổ đến cùng cực. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta sẽ không muốn nói hoặc làm những gì có thể khiến cho bất cứ anh em nào cùng đạo của chúng ta cảm thấy giống như cái tim đèn gần tàn.
Vậy, việc chúng ta khuyến khích lẫn nhau là điều quan trọng biết bao! Chúng ta hãy cố gắng hết mình để xây dựng nhau bằng cách cư xử một cách khiêm nhường và tôn trọng những anh em cùng đạo bị chán nản. Mong sao chúng ta chú tâm lắng nghe khi họ giải bày tâm sự và luôn luôn tìm cách giúp đỡ họ bằng cách hướng sự chú ý của họ đến Lời Đức Chúa Trời là Kinh-thánh. Trên hết mọi sự, chúng ta hãy bày tỏ tình yêu thương, vì bông trái này của thánh linh Đức Giê-hô-va sẽ giúp ta làm vững mạnh lẫn nhau. Mong sao chúng ta không bao giờ nói hoặc làm điều gì mà có thể ‘dập tắt cái tim đèn gần tàn’.