Đừng để bất cứ điều gì làm anh chị mất giải thưởng
“Đừng để kẻ nào làm anh em mất đi giải thưởng”.—CÔ 2:18.
BÀI HÁT: 122, 139
1, 2. (a) Tôi tớ Đức Chúa Trời trông mong giải thưởng nào? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta chú tâm vào giải thưởng? (Xem hình nơi đầu bài).
Như sứ đồ Phao-lô, các tín đồ được xức dầu ngày nay có triển vọng cao quý là nhận “giải thưởng được Đức Chúa Trời gọi lên trời” (Phi-líp 3:14). Họ trông mong được cùng Chúa Giê-su phụng sự trong Nước của ngài ở trên trời và giúp nhân loại đạt đến sự hoàn hảo (Khải 20:6). Quả là mục tiêu tuyệt vời cho những người được Đức Chúa Trời mời gọi! Chiên khác có một hy vọng khác. Họ trông mong nhận được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu trên đất. Thật là một triển vọng vui mừng!—2 Phi 3:13.
2 Để giúp anh em cũng là người được xức dầu giữ lòng trung thành và giành giải thưởng, Phao-lô khuyến giục họ: “Hãy chú tâm đến những điều ở trên cao” (Cô 3:2). Họ phải chú tâm đến hy vọng quý báu là nhận phần thừa kế trên trời (Cô 1:4, 5). Thật vậy, suy ngẫm về những ân phước mà Đức Giê-hô-va đặt trước mặt chúng ta sẽ giúp tất cả chúng ta chú tâm vào giải thưởng, dù là hy vọng lên trời hay sống trên đất.—1 Cô 9:24.
3. Phao-lô cảnh báo anh em đồng đạo về những mối nguy hiểm nào?
3 Phao-lô cũng cảnh báo anh em đồng đạo về những mối nguy hiểm có thể khiến họ đánh mất giải thưởng. Chẳng hạn, ông viết cho hội thánh ở Cô-lô-se về các tín đồ giả hiệu, là những người cố làm hài lòng Đức Chúa Trời qua việc làm mà luật pháp đòi hỏi thay vì đức tin nơi Đấng Ki-tô (Cô 2:16-18). Phao-lô cũng nói đến những mối nguy hiểm vẫn còn đến ngày nay có thể khiến chúng ta đánh mất giải thưởng. Chẳng hạn, ông giải thích cách để kháng cự ham muốn vô luân, giải quyết các vấn đề với anh em đồng đạo và đối phó với khó khăn trong gia đình. Lời khuyên của ông về những vấn đề này vẫn có giá trị cho chúng ta. Vì vậy, hãy xem xét một số lời cảnh báo yêu thương của Phao-lô trong lá thư ông gửi cho anh em ở Cô-lô-se.
LÀM CHẾT CÁC HAM MUỐN VÔ LUÂN
4. Tại sao ham muốn vô luân có thể khiến chúng ta đánh mất giải thưởng?
4 Sau khi nhắc anh em về hy vọng tuyệt diệu của họ, Phao-lô viết: “Vậy, hãy làm chết các bộ phận của thân thể trần tục sinh ra những thứ như gian dâm, ô uế, đam mê tình dục buông thả, ước muốn tai hại và tham lam” (Cô 3:5). Ham muốn vô luân có thể rất mạnh và khiến chúng ta đánh mất của báu thiêng liêng. Chẳng hạn, một anh bị trôi dạt vì chiều theo ham muốn vô luân. Sau khi trở lại hội thánh, anh nói: “Tôi bị cuốn hút bởi một lực mạnh đến nỗi khi quay lại thì đã quá trễ”.
5. Làm sao để bảo vệ mình trong những tình huống nguy hiểm?
5 Điều đặc biệt quan trọng là phải cảnh giác trước những tình huống có thể khiến mình thỏa hiệp tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, điều khôn ngoan là một cặp đang tìm hiểu nên đặt giới hạn rõ ràng về những vấn đề như cử chỉ thân mật, hôn hoặc ở riêng với nhau (Châm 22:3). Một tín đồ cũng có thể rơi vào tình huống nguy hiểm về đạo đức khi đi công tác xa nhà hoặc khi làm việc với người khác phái (Châm 2:10-12, 16). Nếu anh chị rơi vào tình huống tương tự, hãy cho biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va, hành động một cách đứng đắn và nhớ rằng việc tán tỉnh có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc. Chúng ta cũng phải cẩn thận khi buồn nản và yếu đuối. Trong những lúc đó, chúng ta có thể ao ước có một người khiến mình cảm thấy có giá trị. Thậm chí chúng ta có thể khao khát tình cảm đến mức chấp nhận sự quan tâm của bất cứ ai để ý đến mình. Nếu điều này xảy ra với anh chị, hãy tìm sự giúp đỡ từ Đức Giê-hô-va và dân ngài. Nhờ thế, anh chị sẽ không đánh mất giải thưởng.—Đọc Thi thiên 34:18; Châm ngôn 13:20.
6. Chúng ta cần nhớ điều gì khi chọn hình thức giải trí?
6 Để làm chết những ham muốn vô luân, chúng ta cần phải bác bỏ hình thức giải trí vô luân. Nhiều hình thức giải trí ngày nay có điểm tương đồng với thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ xưa (Giu 7). Những người dẫn đầu trong ngành giải trí cổ vũ quan điểm cho rằng tình dục vô luân là bình thường và vô hại. Chúng ta phải luôn cảnh giác, và không thụ động chấp nhận bất cứ hình thức giải trí nào. Chúng ta cần chọn những loại hình giải trí không cản trở mình chú tâm vào giải thưởng sự sống.—Châm 4:23.
“MẶC LẤY” TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ NHÂN TỪ
7. Có thể chúng ta phải đương đầu với vấn đề nào trong hội thánh?
7 Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng được thuộc về hội thánh đạo Đấng Ki-tô là một ân phước. Việc học Lời Đức Chúa Trời tại các buổi nhóm họp và yêu thương nhân từ hỗ trợ nhau giúp chúng ta chú tâm vào giải thưởng. Tuy nhiên, đôi khi sự hiểu lầm có thể gây căng thẳng giữa anh em trong hội thánh. Nếu không được giải quyết, những vấn đề đó có thể dễ dẫn đến sự oán giận.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:8, 9.
8, 9. (a) Những đức tính nào sẽ giúp chúng ta giành được giải thưởng? (b) Điều gì có thể giúp chúng ta gìn giữ sự hòa thuận khi một anh em đồng đạo khiến mình tổn thương?
8 Làm thế nào chúng ta tránh để sự oán giận khiến mình đánh mất giải thưởng? Phao-lô khuyến giục anh em ở Cô-lô-se: “Là người được Đức Chúa Trời chọn, là người thánh và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy lòng trắc ẩn dịu dàng, sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và kiên nhẫn. Hãy tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau cho dù có lý do để phàn nàn về người khác. Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy. Nhưng bên cạnh những điều ấy, hãy mặc lấy tình yêu thương, vì đó là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”.—Cô 3:12-14.
9 Tình yêu thương và sự nhân từ có thể giúp chúng ta tha thứ cho nhau. Chẳng hạn, nếu bị tổn thương bởi lời nói hoặc hành động của một anh em đồng đạo, chúng ta có thể nhớ đến những lần mình nói hoặc hành động thiếu tử tế nhưng đã được tha thứ. Chẳng phải chúng ta biết ơn các anh chị đã thể hiện tình yêu thương và sự nhân từ với mình sao? (Đọc Truyền đạo 7:21, 22). Chúng ta đặc biệt biết ơn về sự nhân từ của Đấng Ki-tô khi ngài hợp nhất những người thờ phượng thật (Cô 3:15). Chúng ta yêu thương cùng một Đức Chúa Trời, rao giảng cùng một thông điệp và đối mặt với những vấn đề như nhau. Khi nhân từ và yêu thương tha thứ cho nhau, chúng ta góp phần vào sự hợp nhất và chú tâm vào giải thưởng sự sống.
10, 11. (a) Tại sao ghen tị là điều nguy hiểm? (b) Làm thế nào chúng ta tránh để sự ghen tị khiến mình đánh mất giải thưởng?
10 Những gương cảnh báo trong Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng sự ghen tị có thể khiến chúng ta đánh mất giải thưởng. Chẳng hạn, vì ghen tị mà Ca-in đã giết em mình là A-bên. Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram ghen tị với Môi-se và chống lại ông. Vua Sau-lơ cũng ghen tị với sự thành công của Đa-vít và cố giết ông. Không lạ gì khi Lời Đức Chúa Trời nói: “Nơi nào có sự ghen tị và tranh cãi, nơi đó cũng sẽ có rối loạn cùng mọi điều đê mạt”.—Gia 3:16.
11 Nếu vun trồng tình yêu thương và sự nhân từ, chúng ta sẽ không dễ ghen tị. Kinh Thánh nói: “Tình yêu thương kiên nhẫn và nhân từ. Tình yêu thương không ghen tị” (1 Cô 13:4). Để ngăn sự ghen tị bén rễ trong lòng, chúng ta phải cố gắng nhìn sự việc theo quan điểm của Đức Chúa Trời, xem anh em là các bộ phận của cùng một thân thể, tức hội thánh. Điều này sẽ giúp chúng ta biểu lộ sự đồng cảm, phù hợp với lời khuyên được soi dẫn: “Nếu một bộ phận được vinh hiển, tất cả các bộ phận khác cùng vui mừng” (1 Cô 12:16-18, 26). Do đó, thay vì ghen tị, chúng ta sẽ vui mừng khi người khác nhận được ân phước. Hãy xem xét gương của con trai vua Sau-lơ là Giô-na-than. Ông không ghen tị khi Đa-vít được bổ nhiệm là người thừa kế ngôi vua. Thay vì thế, ông khích lệ Đa-vít (1 Sa 23:16-18). Chúng ta có thể nhân từ và yêu thương như Giô-na-than không?
CẢ GIA ĐÌNH GIÀNH GIẢI THƯỞNG
12. Làm theo lời khuyên nào trong Kinh Thánh sẽ giúp cả gia đình giành giải thưởng?
12 Việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể mang lại sự bình an và hạnh phúc cho gia đình, cũng như giúp họ giành giải thưởng. Phao-lô đã cho các tín đồ ở Cô-lô-se lời khuyên nào về gia đình? Ông nói: “Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, vì điều đó thích hợp với môn đồ của Chúa. Hỡi người làm chồng, hãy luôn yêu vợ và đừng giận dữ với nàng. Hỡi người làm con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì điều đó đẹp lòng Chúa. Hỡi người làm cha, đừng làm cho con cái bực tức, hầu chúng không bị ngã lòng” (Cô 3:18-21). Chắc chắn, anh chị đồng ý là khi áp dụng lời khuyên được soi dẫn ấy của Phao-lô, vợ chồng và con cái sẽ nhận được lợi ích.
13. Làm thế nào một chị tín đồ có thể cảm hóa người chồng không cùng đức tin?
13 Nếu là một chị có chồng không cùng đức tin, chị sẽ làm gì khi cảm thấy chồng đối xử tệ với mình? Việc chị tranh cãi về cách cư xử của chồng sẽ cải thiện được tình hình không? Thậm chí nếu có thể khiến chồng chiều theo ý mình, liệu chị sẽ cảm hóa được chồng theo chân lý không? Có lẽ không. Nhưng nếu tôn trọng quyền làm đầu của chồng, chị có thể góp phần vào sự bình an của gia đình, chị cũng ngợi khen Đức Giê-hô-va và thậm chí có thể cảm hóa chồng theo sự thờ phượng thật. Nhờ đó, cả hai có thể giành giải thưởng.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:1, 2.
14. Người chồng tín đồ nên làm gì nếu người vợ không cùng đức tin không tôn trọng mình?
14 Nếu là một anh có vợ không cùng đức tin, anh sẽ làm gì khi cảm thấy vợ không tôn trọng mình? Việc anh quát tháo vợ để chứng tỏ mình là chủ gia đình có khiến vợ tôn trọng mình hơn không? Chắc chắn không! Đức Chúa Trời đòi hỏi anh thể hiện quyền làm đầu một cách yêu thương như Chúa Giê-su (Ê-phê 5:23). Chúa Giê-su thể hiện quyền làm đầu trên hội thánh một cách yêu thương và kiên nhẫn (Lu 9:46-48). Bằng cách noi gương Chúa Giê-su, người chồng có thể cảm hóa vợ theo sự thờ phượng thật.
15. Người chồng tín đồ biểu lộ tình yêu thương với vợ bằng cách nào?
15 Người chồng được khuyên: “Hãy luôn yêu vợ và đừng giận dữ với nàng” (Cô 3:19). Một người chồng yêu thương sẽ trân trọng vợ bằng cách lắng nghe ý kiến, và cho cô ấy biết mình xem trọng những gì cô ấy nói (1 Phi 3:7). Dù không thể lúc nào cũng làm theo ý vợ nhưng khi bàn bạc với vợ, anh thường đưa ra quyết định thăng bằng hơn (Châm 15:22). Một người chồng yêu thương sẽ không ép vợ tôn trọng mình. Thay vì thế, anh cố gắng hành động xứng đáng để được tôn trọng. Một người chồng yêu thương vợ con có nhiều khả năng hơn để có một gia đình hạnh phúc cùng phụng sự Đức Giê-hô-va và giành được giải thưởng sự sống.
HỠI CÁC BẠN TRẺ, ĐỪNG ĐỂ ĐIỀU GÌ KHIẾN BẠN MẤT GIẢI THƯỞNG!
16, 17. Làm thế nào các bạn trẻ có thể tránh bực bội với cha mẹ?
16 Nói sao nếu bạn là một người trẻ và cảm thấy cha mẹ đạo Đấng Ki-tô không hiểu mình và quá khắt khe? Điều đó có thể khiến bạn bực bội và thậm chí nghi ngờ liệu việc thờ phượng Đức Giê-hô-va có phải là đường lối tốt nhất không. Nhưng nếu để sự bực bội khiến bạn bỏ việc phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn sẽ sớm nhận ra là không ai thật lòng quan tâm đến bạn hơn cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời và hội thánh.
17 Nếu chẳng bao giờ được cha mẹ sửa dạy, chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc không biết cha mẹ có thật sự quan tâm đến mình hay không (Hê 12:8). Nhưng có lẽ điều khiến bạn bực bội là cách cha mẹ sửa dạy. Thay vì tỏ ra khó chịu về cách sửa dạy, hãy cố nhận ra những lý do khiến cha mẹ hành động như thế. Vì vậy, hãy bình tĩnh và cố gắng hết sức để tránh phản ứng thái quá trước lời phê bình. Lời Đức Chúa Trời nói: “Người có hiểu biết kìm giữ lời nói, và người thông sáng sẽ giữ bình tĩnh” (Châm 17:27). Hãy đặt mục tiêu để trở nên người thành thục, là người bình tĩnh chấp nhận lời khuyên hầu được lợi ích. Người ấy sẽ không quá chú trọng đến cách lời khuyên được đưa ra (Châm 1:8). Có cha mẹ thật lòng yêu thương Đức Giê-hô-va là một ân phước. Chắc chắn họ muốn giúp bạn giành giải thưởng sự sống.
18. Tại sao anh chị cương quyết chú tâm vào giải thưởng?
18 Thật tuyệt vời khi nghĩ đến giải thưởng ở trước mặt chúng ta, dù là sự sống bất tử trên trời hay sự sống vĩnh cửu trong địa đàng! Đây là hy vọng chắc chắn dựa trên lời hứa của chính Đấng Tạo Hóa. Về địa đàng sắp đến, Đức Chúa Trời nói: “Trái đất sẽ tràn đầy tri thức về Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:9). Mọi người trên đất sẽ được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Giải thưởng đó đáng để chúng ta nỗ lực vươn tới. Vậy, hãy luôn chú tâm đến lời hứa của Đức Giê-hô-va và đừng để bất cứ điều gì làm anh chị mất giải thưởng!